Triều-Tiên (Hàn quốc) là nước sớm chịu ảnh hưởng Phật giáo cũng như các nước thuộc vùng Á Châu khác. Con đường gần gủi nhất từ Trung-Hoa sang, Phật giáo cũng theo đó mà vào Đại-hàn vào hậu bán thế kỷ thứ 4 Tây lịch.
Nước Cao-Ly (Koryo) tên cũ của Hàn-quốc, tức Bắc-Hàn ngày nay, năm 372 Tây lịch, Phật giáo từ Trung-Quốc truyền vào do các nhà sư người Hoa đem lại, và được dân chúng tại đây nhiệt liệt tin tưởng trong việc cầu phước để dựng nước và giữ vững quốc gia. Tư tưởng nầy đã được triều đình khuyến khích dân chúng nên được nhiều người tin theo. Có thể nói thời kỳ Phật giáo rất thịnh hành và được xem như là quốc giáo. Những ngôi chùa như : An-Hòa, Hưng-Quốc, Quốc-Thanh, Hưng-Vương, Diên-Phước, Pháp-Vương, Vương-Luân, Đại-Dư, Khai-Quốc, Nhật-Nguyệt, Báo-Ân, Quy-Pháp, Chấn-Quán, Cam-Lồ, Quảng-Phước … đều được thành lập vào thời kỳ nầy. Tăng lữ tu học rất đông do nhà nước cung cấp mọi vật dụng hàng ngày. Vua rất kính trọng các bậc Tăng già như phong chức cho các vị Tăng-Thống, Vương-sư và Quốc-sư. Chính nhà vua đã thọ giới Bồ-Tát và lập tòa Bạch-Cao, Đạo-Tràng, đền Khổng-Tước, Tiêu-Tai đạo tràng và lập hội Vu-Lan. Tất cả những chi phí đều lấy của nhà nước ra xử dụng. Ngoài ra vua còn tổ chức cúng dường cho 30,000 tăng sĩ.
Bán đảo Triều-Tiên lúc bấy giờ chia thành 3 nước : Phía Bắc là Cao-Ly, phía Đông là Tần-La (Shilla), phía Tây là Bách-Tế (Pekutie) do chế độ bộ tộc chia ra để cai trị. Đó là thời kỳ Tam-Quốc vào hậu bán thể kỷ thứ tư Tây lịch tại Hàn-quốc.
Theo tại liệu “Tam quốc sử ký” thì Phật giáo sơ kỳ của thời đại Bách-Tế vào năm 384 Tây lịch, đã được phát triển mạnh tại đây. Những nhà quý tộc tôn sùng đạo Phật và nhiều ngôi chùa được thành lập, tượng Phật, tranh vẽ cũng được tạc, họa ở khắp các nơi trong nước. Đây là thời kỳ mà mỹ thuật Phật giáo nổi bật và phong phú nhất tại Triều-Tiên.
Phía Đông của Tần-La (một phần của Triều-Tiên) bị Trung-Quốc đời nhà Đường (thế kỷ thứ 7) chi phối. Mỗi năm phải gởi sứ bộ sang “Thiên Triều” để lãnh mệnh lệnh. Ngoài ra, chính quền thuộc địa còn phải gởi du học sinh, lưu học tăng sang Trung-Quốc để học về nền văn minh của nhà Đường. Nhờ sự trao đổi đó mà thời kỳ nầy Phật giáo phát triển rực rỡ. Mọi nguyên lý chỉ đạo quốc gia đều dựa theo tinh thần hòa bình của đạo Phật. Những chùa chiền, tượng Phật, tháp chuông đều do nhà nước bỏ tiền ra tạo lập. Nhà nước còn cung cấp ruộng đất cho chùa làm tài sản để sinh hoạt tự viện trong việc nuôi dưỡng tăng chúng. Nhưng đến cuối thời nầy, phần nhiều việc tạo dựng chùa chiền đều bị giảm sút, thay vào đó, đến đời vua Trang-Vương (806) lại ra lệnh cấm xây cất chùa mới.
Nhờ ảnh hưởng của thời đại Tần-La, nên giới quý tộc, vua chúa biết lấy giáo pháp Phật giáo để bảo hộ việc trị quốc an dân, do đó trải qua nhiều triều đại các vị vua chúa vẫn tôn sùng đạo Phật. Đời Văn-Võ-Vương (661-681) khi chết cho đốt xác, tro tàn thả trôi trong biển Đông-Hải theo lời di chúc, do ảnh hưởng sâu đậm về Phật giáo lúc vua còn sống. Mỹ thuật Phật giáo đã đạt được tới chỗ tuyệt vời. Ngôi chùa Phật-Quốc tại Khánh-Châu được dựng vào đời vua Pháp-Hưng năm thứ 22 (535), sau tới đời Cảnh-Đức thứ 50 (756) mới cho kiến thiết ngôi quốc tự nầy trở lại, cho tới nay vẫn còn, chùa có điện Đại-Hùng lớn rộng và những điện khác như Cực-Lạc, điện Tỳ-Lư, điện Quan-Âm, điện Văn-Thù, điện thờ 500 vị thánh, điện thờ 1000 đức Phật v.v… Trong cảnh chùa còn có cầu Bạch-Vân, cầu Thất-Bảo cao 10 mét và tháp Đa-Bảo bằng đá vân là những công trình mỹ thuật cổ rất công phu.
Đời vua Thiện-Đức nữ vương (632-646) dựa vào thuyết vũ trụ của Phật giáo lập nên đài Thiên văn đầu tiên tại Khánh-Châu.
Nhưng đến đời nhà Lý vào thế kỷ thứ 15, Phật giáo dần dần bị mất ảnh hưởng. Vua Lý-Thái-Tổ bắt đánh thuế chùa và đất ruộng của chùa. Tới đời Thái-Tông bài xích Phật giáo rõ rệt như việc giới hạn đến mức tối đa các sinh hoạt Phật giáo. Đời Lý-Thế-tông (1418-1450) việc bài xích Phật giáo lại càng dữ dội hơn như hạng chế người xuất gia, ban hành lệnh nghiêm ngặt cấm không cho cất chùa.
Các thời đại huy hoàng của Phật giáo không còn nữa, giới tăng sĩ bị khủng hoảng, hàng quý tộc không còn đất đứng và coi như mất nước nên họ tìm cách lánh nạn sang Nhật-Bản mà trong số đó có đủ thành phần : Vương tôn, quý tộc, học giả, tăng sĩ, các nhà nghệ thuật, kiến trúc sư, nhà binh pháp … Họ tới Nhật-Bản lập nghiệp bằng cách khai khấn đất hoang, khai phá các ngành kim thuộc, khoáng chất, mỏ quặng ươm tơ … rất phát đạt.
Chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên, ngày nay tại Nhật-Bản người Đại-Hàn sinh sống rất đông, vì trải qua mấy đời lập nghiệp và đã mang lại cho dân tộc xứ Phù-Tang tinh thần Phật giáo và mỹ thuật cổ truyền. Họ có một đời sống dễ thở hơn các dân tộc khác về mặt pháp lý.
Hàn-quốc ngày nay vẫn còn bị chia đôi đất nước. Bắc-Hàn theo chủ nghĩa duy vật Cộng-sản. Nam-Hàn theo chủ nghĩa tư bản. Phật giáo còn duy trì và phát triển ở phía Nam Triều-Tiên.
Discussion about this post