Thời kỳ Phật giáo du nhập vào Việt-Nam có nhiều thuyết khác nhau. Sớm nhất Phật giáo cũng đã được truyền vào nước ta vào cuối thế kỷ thứ 2 hay đầu thế kỷ thứ 3 Tây lịch.
Dựa vào mấy lý do sau đây để có thể giải thích sự có mặt của đạo Phật tại Việt-Nam vào thời kỳ du nhập :
– Những thế kỷ đầu của lịch sử hẳn ta chưa có môn sử hay nói khác hơn là chưa có ai quan tâm tới sử học, cũng như chưa kinh nghiệm khoa học về sử liệu, do đó những gì diễn ra trên đất nước cũng chỉ được ghi nhớ và biên chép sơ sài thôi.
– Còn một điều nữa là vào những thế kỷ đầu của lịch sử, nước ta có nhiều người ngoại quốc lui tới buôn bán. Các tăng sĩ cũng theo thuyền buôn đến truyền đạo ở trong nước từ Thuận-Hóa trở ra Bắc. Lúc bấy giờ cũng chưa có cơ quan thông tin nghị luận gì để phổ biến tin tức cả, do đó việc các tăng sĩ người Ấn, Hoa-Kiều … dù có đến hay đi, cũng ít có người quan tâm tới. Đó là những nguyên nhân khiến chúng ta không biết đích xác được đạo Phật vào nước ta đúng vào năm nào.
Theo truyền thuyết, Phật giáo du nhập vào Việt-Nam từ thế kỷ thứ 2, do ngài Khương-Tăng-Hội và Ma-Ha-Kỳ-Vực là người Ấn-Độ đem tới. Ngoài ra, còn có thuyết cho rằng Phật giáo truyền vào đất Giao-Châu từ thế kỷ thứ nhất, tức là đồng một lúc với thời kỳ Phật giáo du nhập vào Trung-Quốc, nhưng chỉ có các thuyết cho rằng Phật giáo tới An-Nam vào cuối thế kỷ thứ 2 là hợp hơn cả. Theo sách Le Bouddhisme en Annam của Trần-Văn-Giáp thì vào khoảng năm 194-195 có ngài tên là Mâu-Tử người Ấn-Độ sang Giao-Châu truyền bá đạo Phật và đã được người trong nước bắt chước tin theo rất nhiều. Dần dà ở những thế kỷ sau có nhiều vị sư ngoại quốc đến và phát huy tinh thần Phật giáo tại đây.
Năm 580 có ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, người Ấn-Độ sang truyền Phật giáo phái thiền tại nước ta.
Năm 820, ngài Vô-Ngôn-Thông, người Tàu đem truyền Thiền-tông vào đất nước Việt và chính ngài được tôn lên tổ Thiền phái thứ 2. Dòng Thiền Vô-Ngôn-Thông truyền xuống được 15 đời, gồm 40 người kế nghiệp cho tới đời thứ 15 : Ứng-Vương (1221) là dứt.
Đời Tiền-Lê (Lê-Đại-Hành) ngài Khuông-Việt là một vị thiền sư nổi tiếng. Niên hiệu Thái-Bình thứ hai (năm 971) vua phong chức “Khuông-Việt Thái-sư”.
Đời vua Lý-Thái-Tổ (1010 – 1028) Vạn-Hạnh Thiền-sư là một bậc cao tăng tài đức kiêm toàn, đã đem tư tưởng Đại-thừa Phật giáo phục vụ quốc gia dân tộc, nên lúc bấy giờ nước nhà được thạnh trị và dân tộc thái bình. Chính Vạn-Hạnh Thiền-sư, được vua Lê tôn lên làm bậc Quốc-sư. Ngài tịch vào năm 1018.
Đời Lý-Thái-Tôn (1028-1054) cũng sùng mộ đạo Phật, có lập được 95 ngôi chùa và ảnh hưởng của Phật giáo cũng khá lớn mạnh.
Đời Lý-Thánh-Tông (1054-1072) có thêm phái Thảo-Đường, do ngài Thảo-Đường người Tàu, nhân là một tù binh theo thầy qua Chiêm-Thành bị vua Thánh-Tông bắt được trong lúc đánh với Chiêm-Thành. Sau vì biết rõ được tông tích Ngài qua tài năng vượt chúng, vua phong chức Quốc-sư. Phái Thảo-Đường truyền xuống được 18 dời, do vua Thánh-Tông là Sơ tổ. Chùa Diên-Hựu (chùa Một-Cột) do vua lập nên 1049, niên hiệu Sùng-Hưng-Đại-Bảo nguyên niên. Vua Thánh-Tông là đệ tử ngài Thảo-Đường thuộc dòng thiền thứ 3 tại Việt-Nam.
Đời Trần (1225 – 1400), Phật giáo cũng được truyền bá nhưng không có tầm ảnh hưởng sâu rộng bằng Phật giáo đời nhà Lý. Vua Trần-Nhân-Tông (1278 – 1308) là vị chân tu. Vua xuất gia năm 1299 và là Sơ tổ của phái Trúc-Lâm Yên-Tử do Ngài sáng lập. Phái Trúc-Lâm truyền được 4 đời cho 20 vị tiếp tục kế truyền tông pháp.
Trần-Anh-Tông (1239 – 1314) cũng là người rất sùng tín đạo Phật, là đệ tử của Thiền-sư Pháp-Loa.
Phật giáo Việt-Nam đời Lý – Trần rất cực thịnh.
Các đời vua đều cho dựng chùa, xây tháp, đúc chuông, tô tượng và xiển dương Phật giáo, vì thế trong nước dân chúng được an cư lạc nghiệp.
Phật giáo Việt-Nam vào thế kỷ 15-17, trở nên suy yếu. Một phần bị chiến tranh Chiêm-Việt ; mặt khác, các triều vua không phải là những Phật tử thuần túy biết nhiệt tâm vì đạo.
Đến hậu bán thế kỷ 17 (1665), ngài Nguyên-Thiều, người Tàu qua An-Nam lập chùa Thập-Tháp (Bình-Định) và ảnh hưởng cũng rất lớn lao.
Chùa Thiên-Mụ (Linh-Mụ – Huế) được chúa Nguyễn-Hoàng cho xây vào năm 1601 và đến đời Nguyễn-Phúc-Chu (1691) chùa mới hoàn thành.
Đời Nguyễn (1802 – 1884) các vua cũng cho lập chùa xây tháp. Tháp chuông chùa Thiên-Mụ được vua Thiệu-Trị cho xây 7 tầng vào năm 1844 gọi tháp Từ-Nhân hay Phước-Duyên. Nhưng Phật giáo thời nầy không lấy gì làm thạnh cho lắm.
Thời cận và hiện đại, Phật giáo trải qua nhiều lần bị pháp nạn và chiến tranh chi phối. Vào đệ nhất và đệ nhị thế chiến, Phật giáo phải bị đình đốn.
Từ năm 1925-1945, phong trào chấn hưng Phật giáo thành hình. Các trường Phật học nổi lên khắp nơi Bắc Trung Nam, nhưng đến năm 1945 cũng phải ngưng hoạt động. Từ năm 1945-1951, Phật giáo hầu như chỉ còn ảnh hưởng rất ít trong quần chúng. Mãi cho đến năm 1952, làn sinh khí Phật giáo lại tiếp tục được hồi sinh.
Thời Ngô (1954-1963), vì vấn đề kỳ thị tôn giáo, Phật giáo bị pháp nạn năm 1963 rất khốc liệt. Sau đó, toàn dân nổi lên làm cuộc cách mạng lật đỗ chế độ bạo tàn Ngô-Đình-Diệm vào ngày 1/11/1963. Một trang sử mới lật qua, Phật giáo lại phải đương đầu với một giai đoạn mới.
Năm 1964, Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất ra đời, kết nạp các tông phái lại thành một khối để đủ uy tín duy trì pháp âm của Phật-Đà. Nhưng mầm chia rẽ giữa 2 khối Phật giáo : Ấn-Quang – Việt-Nam Quốc-Tự nhen nhúm thành hình.
Năm 1975, cộng sản lên cướp chính quyền miền Nam vào ngày 30/4/75, mọi sinh hoạt của Phật giáo đều bị ngưng trệ. Từ đó đến nay, Phật giáo đứng trước gông cùm của bạo quyền cộng sản, chỉ còn chờ thái độ của người Phật tử đối với đạo pháp và dân tộc.
Discussion about this post