Theo sử liệu chứng minh thì Phật giáo đã truyền vào Tích-Lan vào thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên Tây lịch, đời vua Devanampiya-Tissa (250-210 B.C). Lúc bấy giờ vua Asoka trị vì ở Ấn-Độ, ra sức xiển dương Phật giáo. Một phái đoàn truyền giáo do Mahinda cầm đầu gồm có 11 người, trong số có 4 vị Tăng Ni và 7 Cư-sĩ đã tới đảo Tích-Lan.
Sự hoạt động của phái đoàn Mahinda rất được vua Tích-Lan kính phục. Họ tổ chức giảng kinh thuyết pháp và các lễ quan trọng khác. Lần thuyết pháp đầu tiên nói về kinh “Tiếu tượng tích dụ” vua rất lấy làm mãn duyệt. Phái đoàn đã quy tụ được đông đảo tín đồ, nên vua tặng một khu vườn để làm tinh-xá gọi là “Đại-Vân Viên”. Đây là buổi bình minh Phật giáo Tích-Lan có ngôi chùa đầu tiên còn gọi là Đại-Tự-Viện hay Maha-Vihara thuộc cứ điểm của Phật giáo phái Thượng-tọa-bộ trên bán đảo Tích-Lan (đảo Tam-Bảo). Sa-di Smara cũng đã có đem theo được một phần Xá-Lợi của Phật và bình bát từ Ấn-Độ sang. Ngoài ra, em gái của Mahinda, là Ni-cô Sanga-Mitta cũng mang theo được một nhánh con của cây Bồ-Đề, nơi đức Phật ngồi tham thiền và chứng đạo khi xưa đem tới trồng tại Tích-Lan. Cây Bồ-Đề nầy nay vẫn còn và giữ một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo tại Tích-Lan. Đồng thời sau đó, ngôi chùa Bồ-Đề cũng được thiết lập bên cạnh cây Bồ-Đề để nói lên lòng khát ngưỡng và tôn sùng Phật giáo của dân tộc bản xứ. Cũng như để đánh dấu buổi đầu Phật giáo có mặt tại Tích-Lan. Mahinda đến Tích-Lan năm 32 tuổi và nỗ lực truyền đạo không ngừng nên là bậc trưởng lão, người đã có công với Tích-Lan, như một ân nhân mang ánh sáng tới cho họ, tịch vào năm 80 tuổi, xác được hỏa thiêu tại đó.
Vào đầu kỷ nguyên Tây lịch, Phật giáo phái Đại-thừa hưng thạnh trở lại ở Ấn-Độ, nhưng tình trạng Phật giáo Tích-Lan lúc bấy giờ vẫn không có sự thay đổi, một phần do tình thế bất ổn định, phần vì việc ảnh hưởng khi tiếp xúc với Phật giáo phía Nam Ấn-Độ để mong đem lại nền hòa bình cho chính quốc không mấy tiến triển tốt đẹp. Nhưng các đời vua kế tiếp nhìn thấy sự quan trọng của Phật giáo nên lần lượt cho thành lập các tinh-xá và xây tháp mới để phụng thờ, cũng như khuyến khích nhiều người xuất gia tu học Phật ; nhờ đó, Phật giáo Tích-Lan sớm được phục hồi trở lại như xưa.
Đến thế kỷ thứ ba thì Phật giáo phái Đại-thừa được toàn thịnh. Một tín đồ Phật giáo, thuộc phái Đại-thừa từ Ấn-Độ đến đem theo kinh Phương-Quảng và truyền rộng khắp nơi tại đây. Nhưng tới đời vua Voharika-Tissa (214-236) ra sức bảo vệ phái Thượng-tọa-bộ và ra lệnh cho người điều tra sự hoạt động của phái Đại-thừa. Kết quả phái Phương-Quảng được coi là tà thuyết dị đoan nên bị đàn áp và cấm chỉ ! Mặc dù bị áp chế, cấm đoán phái Đại-thừa vẫn âm thầm hoạt động. Đời vua Gothbhaya (253-266) cho phục hồi phái Vô-Úy Sơn-Tự (Abhayagiri-vihara), trong đó có 60 vị Tỳ-kheo thuộc phái Đại-thừa bị truy nả đến tận bờ biển Ấn-Độ. Thời kỳ nầy phái Đại-thừa coi như bị tiêu diệt ! Trong khi đó, 300 vị Tỳ-kheo khác tách riêng ra lập chùa Dakkina để thành một bộ phái mới, là phái Sagariya.
Đời vua Maha-Sena (276-303) cũng tín kính các bậc Tăng sĩ Phật giáo, nhưng cũng đặt kế hoặc triệt hạ phái Đại-thừa. Ai bảo hộ phái nầy như Tỳ-kheo Sangha-Mitra và Vương-phi đều bị xử phạt nặng nề. Các sách của phái Phương-Quảng cũng bị đốt sạch. Tới đời vua Siri Meghavanna (303-331), lên ngôi và nối chí Phụ-vương, ra sức phục hưng Phật giáo và cho tái thiết những nơi di tích bị hư hoại cũng như các chùa cũ đã mục nát. Mỗi năm vua đều thiết lễ kỷ niệm những ngày vía Phật quan trọng và tổ chức cúng dường Trai Tăng, vì thế có thể nói thời kỳ nầy Phật giáo thạnh hành nhất, nên được người đời sau gọi là thời “hoàng kim của chiếc răng Phật”. Tương truyền về chiếc răng Phật như sau : Khi vua ở ngôi vào năm thứ 9 (311), có Hoàng-hậu nước Caringa của Ấn-Độ là Hemamara, cùng chồng là Danta-Kumara đến đảo Tích-Lan và mang theo được cái răng cửa bên trái của đức Phật biếu cho nhà vua. Vua cho an trí đệ phụng thờ trong đền Danmachakka do vua Tissa lập. Từ đó phái Phật giáo chùa Vô-Úy-Sơn mỗi năm đều có thiết lễ tế răng Phật. Lễ nầy sau đã trở thành quốc lễ của Tích-Lan và mỗi năm đều có tổ chức rước linh đình từ đền thờ sang chùa Vô-Úy-Sơn.
Vua Kassapa đệ nhất (477-495) giết cha để lên ngôi, về sau vì muốn hối tội lỗi nên lập tinh-xá và mời chư Tăng về ở tu học cũng như ra sức duy trì bảo hộ phái Thượng-tọa-bộ.
Từ thế kỷ thứ 6 trở đi, Tích-Lan có những cuộc dấy loạn nổi lên, do đó tình thế bất an. Phật giáo cũng không phát triển được. Đến thế kỷ thứ 7, vua Dhatupa-Tissa đệ nhất cũng là người ủng hộ Phật giáo, vua lấy việc cầu kinh và làm phước để trừ được tai họa làm phương châm trị quốc. Đến thời Sena đệ nhị (853-887) cũng xiển dương Phật giáo, tổ chức tế lễ cầu nguyện cây Bồ-Đề trường thọ để cho tương lai Phật giáo Tích-Lan được sáng ngời !
Cuối thế kỷ thứ 9 và thế kỷ thứ 10, Phật giáo bị đàn áp, chùa chiền bị phá, tăng ni bị sút giảm, một số phá giới phạm trai rất trầm trọng. Đây là thời kỳ mà quân Cola của Ấn-Độ sang quấy nhiểu biên giới Tích-Lan.
Năm 1055-1110, vua Vizaya-bahu đệ nhất, lên ngôi mới dẹp được loạn quân Cola để đem lại nền độc lập cho Tích-Lan, mở ra thời kỳ Polonnarwa, cũng như ra sức phục hưng lại Phật giáo. Ở ngôi được 55 năm là thời kỳ dài nhất trong lịch sử trị vì, sau vì có sự tranh dành ảnh hưởng trong phái quý tộc và vua chúa, theo đó Phật giáo cũng bị ngưng trệ.
Parakkama-bahu đệ nhất (1153-1186) cũng ra sức chấn chỉnh lại Phật giáo như việc cải tổ lại toàn bộ và cho thống nhất cả ba phái : Đại-Tự phái, Vô-Úy-Sơn phái Và Kỳ-Đà-Lâm phái thành một phái Đại-Tự duy nhất. Phái nầy được coi như trung tâm của Phật giáo lúc bấy giờ. Ngoài ra những vị tăng sĩ nào phạm trai, phá giới đều được cho hoàn tục. Đây là một cuộc cải cách táo bạo, nhưng cũng đạt được nhiều hiệu quả sáng giá trong lịch sử Phật giáo tại Tích-Lan. Một số các chùa chiền cũ mục đã được xây cất mới trở lại. Vua còn ban bố “qui luật tăng đoàn” để làm đẹp đoàn thể xuất gia. Nhưng sau khi vua mất, tình trạng đất nước lâm vào cảnh rối ren kéo dài gần hai thế kỷ và Phật giáo phải chịu chung cảnh ngộ ấy.
Vào Hậu bán thế kỷ thứ 13, đời vua Vizaya-bahu đệ tứ (1270-1272) cũng là một tín đồ Phật giáo thuần thành. Vua cho mở đại giới đàn truyền giới Tỳ-kheo cho những tăng sĩ ưu tú, có đủ điều kiện, và một số hoạt động cho Phật giáo khác rất đáng kể như chính vua thọ giới Bồ-Tát và lấy tư cách là một Phật tử để thi hành việc quốc gia, do đó ảnh hưởng rất thuận lợi cho Phật giáo.
Vua Bhuvaneka-bahu đệ nhị (1293-1302) lên ngôi để chấm dứt htời kỳ Polonnarwa và lập ra thờ kỳ Kerne-Gara. Tiếp tới đời vua Parakkama-bahu đệ tứ (1302-1326) là những thời kỳ tái thống nhất xứ sở và cũng là giai đoạn phục hưng lại nền Phật giáo cổ truyền. Nhưng tới đời vua Vaneka-bahu đệ tứ (1341-1351) lại tin theo Ấn-Độ giáo (Hindus) nên có sự thờ tự lẫn lôn giữa Phật với thần, mặc dù không bài xích Phật giáo, Vua vẫn có một tín ngưỡng khác, do đó Phật giáo thời kỳ nầy không có dấu hiệu phát triển như ở các đời vua trước.
Vào Hậu bán thể kỷ thứ 15, vua Bhavaneka-bahu đệ lục (1470-1476) rất tích cực trong việc phát triển và bảo vệ Phật giáo. Lúc bấy giờ tại Miến-Điện, vua Dammacedi (1472-1492) một mặt lo kiến thiết xứ sở, mặt khác vua muốn Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng, nên cử một phái đoàn tăng sĩ sang Tích-Lan để nghiên cứu kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pali tại Colombo, thủ đô của Tích-Lan.
Thế kỷ thứ 16, Tích-Lan bị Hòa-Lan (Holland) và Bồ-Đào-Nha (Portugal) chi phối, đến nổi tiếng Bồ-Đào-Nha trở thành chữ Quốc-ngữ và có sự pha trộn huyết thống hỗn tạp giữa hai dân tộc. Bị Bồ-Đào-Nha chi phối hơn 100 năm, sau đó Tích-Lan lại rơi vào sự thống trị của Hòa-Lan. Đây là thời kỳ Phật giáo bị triệt hạ vào thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19, bởi người Hòa-Lan đem đạo Thiên-Chúa và đạo Protestant (Tin-Lành) truyền vào Tích-Lan. Vì thấy sự mai một của đạo Phật cổ truyền, nên khi lên ngôi vua Kitti siri Razasihi (1747-1781) có ý hướng muốn chấn chỉnh trở lại. Do lời đề nghị, vua cử Sa-di Velivita Saranankara sang Thái-Lan để thỉnh kinh và tượng Phật về thờ, vào năm 1650, được vua Thái lúc bấy giờ là Danmika cử một phái đoàn gồm 15 người, do Tỳ-kheo trưởng lão Upali cầm đầu mang theo nhiều kinh điển và tượng Phật bằng vàng để tặng cho Tích-Lan. Năm 1753 một Đại-giới-đàn cũng được mở tại Colombo để truyền Tỳ-kheo-giới. Vua cho sửa đổi lại quy ước tăng đoàn và phong tăng cho Sa-di Velivita Saranankara, người có công lao lớn nhất trong việc thỉnh được phái đoàn và pháp khí, tượng Phật về thờ tại Tích-Lan, là tăng đoàn vương (Sangharaza) ; đây là thời kỳ Phật giáo huy hoàng rực rỡ và còn ảnh hưởng cho tới nay một phái gọi là phái Siam, do phái đoàn Thái-Lan lập.
Sau khi thoát khỏi sự thống trị của Hòa-Lan, Tích-Lan lại rơi vào ách thống trị của người Anh từ năm 1832. Trải qua hơn 100 năm cho tới năm 1948, Tích-Lan mới thoát được ách đô hộ của ngoại bang và tuyên bố độc lập. Từ đó đến nay Tích-Lan tìm về tình tự dân tộc trong tinh thần lợi tha bình đẳng của Phật giáo.
Năm 1950 kỳ đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Sri-Lanka, Colombo gồm có 27 quốc gia hội viên tham dự, trong đó có phái đoàn Phật giáo Việt-Nam, là dấu hiệu cho thấy tinh thần Phật giáo đã bắt được theo nhịp sống của dân tộc Tích-Lan.
Ngày nay, theo sự điều tra của chánh phủ Tích-Lan vào năm 1971, so với dân số thì Phật giáo đồ chiếm 2/3 tổng số và chia ra như sau : Phật giáo 67.4%, Ấn-Độ giáo 17.6%, Thiên-Chúa giáo 7.8%, đạo Islam 7.1% ngoài ra, độ 1% dân số Tích-Lan theo các tín ngưỡng phức tạp khác.
Về sinh hoạt của giới Tăng sĩ Tích-Lan hầu hết đều quấn y vàng và thực hành hạnh khất thực (Phật giáo phái Nguyên-thủy hay Thượng-tọa-bộ) như hình thức của đức Phật khi còn tại thế. Mỗi ngày chư Tăng chia thì giờ ra như : Trì bát (đi khất thực), đọc kinh, tọa thiền, thọ thực, học tập, xem sách …
Hiện tại có hai hình thức tăng đoàn : Một hình thức tu trên núi và ít tiếp xúc với các sinh hoạt xã hội và một hình thức Tăng sĩ tu tại các trung tâm Phật giáo trong đô thị. Phái tu trên núi thỉnh thoảng mới đi khất thực, phần đông đều có bổn đạo trợ lực trong việc nuôi dưỡng tăng chúng, vì người tín đồ tin vào việc “phước điền” nên họ cố gieo trồng phước đức vào ruộng phước nơi chư Tăng để mong được quả phước.
Tóm lại, Tích-Lan lấy Phật giáo làm quốc giáo. Các đời vua đều biết khế hợp giữa tôn giáo và chính trị để đem lại cho dân tộc bản xứ hướng đi đúng theo tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, nên đã được độc lập, tự chủ cho đến ngày nay.
Discussion about this post