Suốt trong mấy thế kỷ đầu của lịch sử, dân tộc Nhật-Bản chưa có một tôn giáo nào khác hơn Thần đạo. Mãi cho đến thế kỷ thứ 6 Tây lịch Phật giáo mới có cơ hội truyền vào đất nước nầy.
Thánh-Đức Thái-tử (Shotoku Taishi : 574-622) đã nghiên cứu các tư tương cổ điển của Khổng, Lão vào Phật giáo trong nền văn minh cổ Trung-Hoa về những yếu tố hình thành guồng máy xây dựng quốc gia, xã hội. Đặc biệt ông có thảo 17 điều trần tình mà trong đó tư tưởng Phật giáo được xem như những nguyên lý căn bản để xây dựng công bằng xã hội. Mặt khác, ông còn khuyến khích nhiều học giả, nghệ sĩ và nhất là tu sĩ Phật giáo trong việc sáng tác. Ngoài ra, hai ngôi chùa danh tiếng ngày nay tại Kyoto như chùa Pháp-Long (HORYU JI) đã được Thái-tử cho thành lập vào đầu thế kỷ thứ 7 (năm 621) và chùa Tứ-Thiên-Vương (Shiten o ji) thành lập năm 623. Thánh-Đức Thái-tử cũng còn khuyến khích các Tăng sĩ sang du học Trung-Quốc. Năm 606, trước triều đình, ông luận về kinh Pháp-Cú, phẩm Liên-Hoa đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong chánh giới Nhật-Bản lúc bấy giờ. Ông từ trần năm 624. Trong đời Thánh-Đức đã tạo được 46 ngôi chùa và 816 Tăng sĩ cùng với 569 Ni-cô. Nhưng, Phật giáo đã truyền vào Nhật-Bản bằng hình thức nào ? Có nhiều thuyết khác nhau và điều chắc chắn phải nói rằng Phật giáo Nhật-Bản chịu ảnh hưởng sâu đậm, trực tiếp từ Phật giáo Trung-Quốc. Những tác phẩm Phật giáo mà người Nhật đã nghiên cứu lúc đó là những bản dịch từ chữ Hán sang.
Thời kỳ Nara (625-754) Phật giáo đã phát triển cũng như đặt nền móng về cơ sở tri thức cho dân tộc bản xứ, nhất là việc nghiên cứu sâu rộng giáo nghĩa Phật-Đà.
Năm 754, Hòa-Thượng Giám-Chân (Kanzin Wazo) người Trung-Quốc đã đặt chân tới Nhật-Bản và làm cho Phật giáo thêm phần khởi sắc nhờ công hạnh đạo đức và tài năng xuất chúng của bậc chân tu đại Thánh nhân nầy. Chùa Đông-Đại Tự (Todai Ji) tại vùng Nara, Kyoto đã được xây cất vào năm 754. Tương truyền rằng chính Hòa-Thượng Giám-Chân (lúc đó đã bị mù lòa cả 2 mắt do bảo tố trên đường từ Trung-Quốc tới Nhật-Bản gây nên) là người xem địa hình cho việc thiết lập ngôi chánh điện chùa nầy.
Thời đại Bình-An (Heian : 793-800) có 2 vị tăng sĩ là Truyền giáo Đại-sư (Dengyo đaishi) tên là Tối-Trừng : 767-822, Sơ tổ của tông Thiên-Thai và Hoằng-Pháp Đại-sư (Kobo daishi) tên Không-Hải : 774-835 là Sơ tổ tông Chân-Ngôn, đã ra sức phát huy Phật giáo và nhờ đó ảnh hưởng rất sâu rộng trong quần chúng. Tư tưởng Thiền đồng thời cũng được phát huy kể từ thời kỳ nầy.
Vào đầu thế kỷ 13 có các ngài Nhật-Liên đại thánh nhân (Nichi ren : 1222-1282) xuất hiện đã mang lại cho Phật giáo Nhật-Bản một sinh khí mới về cách tu chứng và sự khế cơ của Phật giáo vào đời sống xã hội. Ngoài ra còn có ngài Đạo-Nguyên Thiền-sư (Dogen : 1200-1253) cũng là một bông hoa khởi sắc mở đầu cho Thiền-tông (Zen) tại Nhật-Bản. Dogen đã sang du học Trung-Quốc về môn Thiền Phật giáo tông Tào-Động trong thời gian 5 năm. Sau khi về nước, ngài lập ra phái Thiền Tào-Động tại Nhật-Bản vào năm 1227, vào thời kỳ Kamakura.
Từ thế kỷ 14 – 17 chiến tranh liên tiếp xảy ra, nhất là những cuộc nội chiến, khiến cho Phật giáo phải bị đình đốn. Vào hậu bán thế kỷ 17 và tiền bán thế kỷ 18 có những cuộc chiến tranh tôn giáo diễn ra vào thời kỳ các võ sĩ đạo và tướng quân tranh quyền hành ở mỗi địa phương. Lúc bấy giờ đã có những tư tưởng cấp tiến, có nhiều học giả chống lại việc nghiên cứu hệ thống triết học Trung-Quốc, nhưng tư tưởng Phật giáo vẫn được tôn trọng.
Minh-Trị Duy Tân (1868), Phật giáo lần hồi được tái hưng và từ đó tới nay Phật giáo Nhật-Bản giữ một vài trò quan trọng dẫn đạo về mặt tư tưởng cho dân tộc bản xứ và nếp sinh hoạt chùa chiền tại Nhật-Bản cũng khác hẳn với các nước Phật giáo thuộc vùng Á châu.
Discussion about this post