Pháp Thành

"Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả"

Người niệm Phật chúng ta nhất định phải hiểu được then chốt tu học. Niệm Phật thành Phật thẳng tắt, ổn định, mau chóng, đáng tin, cứu cánh bỉ ngạn. Chúng ta vận dụng pháp môn niệm Phật, “niệm Phật là nhân, thành Phật là quả”. Hai câu này chúng ta liền có phương pháp làm được. Sau khi sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, hoằng nguyện của họ phát ra lúc còn ở trong nhân địa đều có thể thực hiện. Như trong tứ hoằng thệ nguyện, nguyện “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, khi sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là hạ hạ phẩm vãng sanh, thì hoằng nguyện quảng độ tất cả chúng sanh của họ đều có thể thực hiện được. Không giống như nơi đây của chúng ta, nguyện của chúng ta đã phát rồi mà chúng ta không làm được, nên gọi là “tâm có thừa mà sức không đủ”. Đó là ở thế gian này của chúng ta. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì không như vậy. Tuy là người phàm thánh đồng cư hạ hạ phẩm vãng sanh, phiền não tập khí một phẩm cũng chưa đoạn, nhưng nhờ vào sự gia trì của 48 nguyện của Phật A Di Đà, họ có thể đến tận hư không khắp pháp giới cúng dường chư Phật, độ hóa chúng sanh. Điểm này chúng ta không thể không biết. Như vậy chúng ta mới biết được pháp môn Tịnh Độ thù thắng không gì bằng, thế xuất thế gian bất cứ một pháp môn nào cũng đều không thể so sánh. Ngay trong một đời này, chúng ta có duyên gặp được không phải là ngẫu nhiên, không phải là việc trùng hợp. Trong kinh Phật nói với chúng ta, thiện căn - phước - đức nhân duyên từ trong vô lượng kiếp đã chín muồi nên ngay đời này mới gặp được. Sau khi gặp được rồi, cả đời này chúng ta có thể thành tựu hay không? Giống như trên kinh Phật đã nói, người gặp được có thể phân làm bốn loại, do căn tánh không như nhau. Thứ nhất, người thượng căn nghe rồi liền tin tưởng, tin rồi họ liền phát nguyện, họ liền chăm chỉ nỗ lực tu hành, y giáo phụng hành thì ngay trong đời này quyết định được sanh. Đó là người thượng thượng căn. Thứ hai, những người không thể tự động tự phát, rất dễ dàng lười biếng giải đãi, cần phải có người khích lệ, cần phải có thiện tri thức đề cử thì họ sẽ làm được. Chỉ cần họ được người khích lệ thì họ có thể phấn chấn đoạn ác tu thiện, niệm Phật cầu sanh, vậy thì không vấn đề gì, cũng có thể vãng sanh. Thứ ba, người căn tánh thứ ba thì kém một chút, phải có thiện tri thức cần lao khẩn thiết khuyên bảo hết lời thì họ mới hồi đầu. Những người này tương đối không dễ, cho nên trong Kinh Phật nói, chúng sanh Diêm Phù Đề can cường khó độ. Thế nhưng Phật Bồ Tát thị hiện ở thế gian, có khó hơn các Ngài cũng không sợ, các Ngài có trí tuệ, có phương tiện khéo léo, hết lời khuyên can, dạy bảo chúng ta. Thời gian lâu dần, bạn ở trong xã hội bị nhiều thiệt thòi, chịu nhiều thua lỗ, gặp rất nhiều chướng ngại thì mới chịu quay đầu lại, cũng có thể thành tựu. Thứ tư, những người tuy là gặp được Phật pháp, nhưng tri kiến bất chánh, chư Phật Bồ Tát đến khuyên bảo, họ cũng không thể quay đầu. Những người này chúng ta xem thấy rất nhiều, sau khi họ học Phật pháp được vài năm thì đi học ngoại đạo, Phật Bồ Tát đến giáo hóa họ, họ cũng không thể quay đầu. Đó là do tập khí phiền não nghiệp chướng của chính họ quá nặng; bên ngoài gặp phải ác duyên (ác duyên cũng không ngoài danh vọng lợi dưỡng); bên trong có tham-sân-si-mạn. Nội ngoại vừa kết hợp thì liền bỏ đạo mà đi, đó là việc vô cùng đáng tiếc. Phật không bỏ rơi họ, Phật vẫn đợi họ quay đầu, ngay đời này họ không thể quay đầu thì chờ đời sau vậy, đời sau không quay đầu thì đợi đời sau nữa. Thành thật mà nói, chúng ta không nên cười nhạo người khác, bản thân chúng ta chính là loại người đó. Chúng ta không phải ngày nay mới niệm A Di Đà Phật, không phải đời này mới tu Tịnh Độ, mà ngay trong quá khứ đời đời kiếp kiếp, không biết đã có bao nhiêu lần gặp được pháp môn này. Người ta vừa mê hoặc thì chúng ta liền chạy đi mất, cho nên đến hiện tại chúng ta vẫn còn ở nơi đây mà từ từ tu tập. Hy vọng đời này thông minh một chút, không còn chạy rong nữa, ngay trong đời này chúng ta liền thành tựu. Về điểm này, giáo học của người xưa, phương thức của các Ngài khéo léo, cũng chính là ngăn ngừa rất chu đáo. Đó là sư thừa mà thế xuất thế gian pháp chúng ta đã nói. Nam Mô A Di Đà Phật! Trích Kinh Vô Lượng Thọ Lần 10, năm 1998, tập 14- HT. Tịnh Không chủ giảng