ĐÔI NÉT VỀ SÁCH” QUẦN THƯ TRỊ YẾU” VÀ “ QUẦN THƯ TRỊ YẾU 360”
Quần Thư Trị Yếu là bộ sách viết về việc điều hành chánh sự của Trung Quốc thời xưa. Các gián quan[1] nổi danh đầu thời Đường như Ngụy Trưng, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương… vào đầu năm Trinh Quán đã nhận lệnh của Đường Thái Tông Lý Thế Dân (599 – 649) chịu trách nhiệm thu thập chỉnh lý các gián thư[2] trứ tác của tiền nhân để cung cấp cơ sở về việc phò tá chính sự cho sự sáng lập “Trinh Quán chi trị” của Đường Thái Tông. “Quần thư trị yếu” lấy nội dung từ “Lục kinh”, “Tứ sử”, “Chư tử bách gia”. Từ hơn 14000 bộ, hơn 89000 quyển sách xưa được chọn lọc bổ sung lược bỏ, đổ biết bao mồ hôi nước mắt trong mấy năm ròng, cuối cùng vào năm Trinh Quán thứ 5 (năm 631) đã biên tập thành sách, gồm 65 bộ với khoảng hơn 500.000 từ.
Nhưng do thời đó kĩ thuật in ấn còn chưa phát triển nên bộ đại trứ tác sử thi này chưa được lưu truyền rộng rãi, thêm vào đó chiến loạn cuối thời Đường đã khiến bộ sách bị thất truyền, may thay sứ giả Nhật Bản khi viếng thăm nhà Đường đã ghi chép lại mang về Nhật, thông qua sự nỗ lực của nhiều thời đại, cuối cùng bộ sách này cũng được tái xuất hiện trong ngày hôm nay, đúng là vạn điều may mắn trong một điều không may.
“Quần thư trị yếu 360” là tập sách tuyển chọn 360 đoạn cô đọng súc tích nhất, thích hợp với nhu cầu bức thiết của xã hội hiện tại nhất từ bộ “Quần thư trị yếu”, kèm thêm phần giải nghĩa, chú thích những từ khó, và dịch sang văn bạch thoại[3] để tiện cho người đọc mỗi ngày đọc một đoạn. Cả tập sách được phân thành sáu phần đại cương: Quân đạo, Thần thuật, Quý đức, Vi chính, Kính thận, Minh biện; trong mỗi phần đại cương lại chia ra thành nhiều mục nhỏ quy nạp lại từ những điểm trọng yếu được luận thuật trong bộ “Quần thư trị yếu”. Đây là trứ tác chứa đựng trí huệ, phương pháp, kinh nghiệm và hiệu quả của việc tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ của cổ thánh tiên vương Trung Quốc, cũng là kết tinh văn hóa đã được tích lũy sau ngàn vạn năm khảo nghiệm. Bộ sách quý này đã giúp Đường Thái Tông sáng lập “Trinh Quán chi trị” và cũng là tấm gương quý giá cho lãnh đạo các cấp hiện nay tham khảo. Đối với quần chúng có thân phận khác nhau, chuyên môn khác nhau, “Quần thư trị yếu 360” cũng là suối nguồn trí huệ trong việc tu thân, trị gia, xử sự.
[1] Quan chính trực, thẳng lời can gián vua
[2] Văn bản khuyên can vua
[3] Tiếng Trung Quốc hiện đại
Discussion about this post