“Quần thư 360” nhân duyên này, tại sao lại “360”? Bởi vì một năm có 365 ngày, cho nên 360 câu tương đương mỗi ngày học một câu. Nhân duyên này tới từ việc lúc đó sư trưởng đến Malaysia chúng ta, gặp được thủ tướng nhiệm kì trước – ông Mahathir, còn có thủ tướng hiện tại – ông Najib, nói với họ về bộ sách “Quần thư trị yếu” này, mắt họ đều sáng lên, “Bộ sách quý tốt như vậy, khi nào có bản dịch tiếng Anh?”. “Quần thư trị yếu” năm chục vạn chữ dịch thành tiếng Anh, công trình quá lớn. Sư trưởng muốn làm lợi lạc những quốc gia, dân tộc khác, ngài liền nghĩ tới việc chọn ra những phần tinh hoa giảng cho họ, mỗi ngày giảng một câu. Cho nên dặn dò học trò chúng tôi chọn ra 360 câu trước, sau đó phiên dịch thành tiếng Anh. Kết quả những lãnh đạo quốc gia này coi xong thì hết sức tán đồng. Thủ tướng Najib khi khởi công xây dựng ở viện Hán học đã nói tới, ông cảm thấy bộ sách này những lời giáo huấn này có thể khiến cho tất cả những người làm quan biết nên làm hết bổn phận của họ ra sao, điều hành chính sách quốc gia thế nào mới tốt. Đó đều là những thể hội của các vị thủ tướng sau khi coi xong. Thậm chí họ nhìn thấy các Thánh vương của chúng ta đã trị quốc như thế nào, nghe những việc chưa từng được nghe, họ hết sức kinh ngạc.
Anh trai của thủ tướng Rudd Australia – ông Cray coi Nghiêu Thuấn trị thiên hạ như thế nào, mục này ở trang 110, mọi người có thể giở tới đó, câu 243 “Nghiêu đế rất quan tâm tới người trong thiên hạ, đặc biệt đối với dân nghèo ông càng xót thương, đau lòng khi thấy dân bị trừng phạt, đó là điều không dễ thấy”. Ông ấy đọc tới đoạn này thì rất kinh ngạc, tại sao? “Có một người dân chịu đói, tức là lỗi của ta”. Nghiêu đế nhìn thấy một người dân bị đói, ngài liền phản tỉnh do mình không có đức, mới gây nên hạn hán, do mình mà lão bá tánh phải chịu đói. “Có một người dân chịu lạnh, tức là lỗi của ta”. Có một người dân không có quần áo mặc, chịu rét lạnh, ngài nói do ngài vô đức mới gây ra hậu quả như vậy, là lỗi của mình. “Có một người dân phạm tội, tức là lỗi của ta”, có một người dân phạm tội, Nghiêu đế nói do mình không dạy dỗ họ cho tốt, là trách nhiệm của mình. Ông Cray đọc đến đây ông cảm thấy những thứ về chính trị cả đời ông đọc được không hề giống với những lời giáo huấn này. Ông nói tổ tiên của các bạn làm hoàng đế như vậy, làm thiên tử như vậy, hết sức cảm động. Cho nên “nhân chiêu nhi nghĩa lập” có một ông vua nhân đức như vậy thì những người phía dưới đều rất có đạo nghĩa. “Đức truyền nhi hóa quảng”, đạo đức của ngài rất rộng lớn, khiến người ta cảm động, cho nên cảm hóa được người trong khắp thiên hạ. “Cố bất thưởng nhi dân khuyến”, ngài không cần dùng nhiều tiền bạc để khuyên lão bá tánh hành thiện. “Bất phạt nhi dân trị”, ngài không cần trừng phạt lão bá tánh, lão bá tánh đều lấy ngài làm gương, đều có tâm liêm sỉ. “Tiên thứ nhi hậu giáo, thị Nghiêu đạo dã” (tha thứ trước dạy dỗ sau, đó là đạo của Nghiêu). Câu sau cùng rất quan trọng, đoạn này mọi người không học thuộc cũng không sao, câu sau cùng phải học thuộc. Quý vị đem tấm lòng của Nghiêu đế dung nhập vào thái độ nhân sinh của mình, sau này quý vị cũng là minh quân một thời. Mọi người có muốn làm minh quân không? Muốn. Quân là người lãnh đạo, mỗi một người đều có thể làm, quý vị nói tôi là bà nội trợ trong nhà có làm được không? Được. Cha mẹ là quân trong cái nhà này, đó không phải tôi nói, “Dịch kinh” nói như vậy, cho nên quý vị muốn trách tôi cũng không được, đây đều do Thánh nhân nói.
Discussion about this post