“Quần thư trị yếu do Đường Thái Tông – Lý Thế Dân (599-649) ở vào năm đầu Trinh Quán hạ lệnh biên tập. Thái Tông 16 tuổi theo cha tòng quân, khởi nghĩa bình định xã hội động loạn, chiến chinh cấp bách hơn mười năm. Năm 27 tuổi lên ngôi hoàng đế, ngừng việc binh đao, chăm lo giáo dục, rất mực quan tâm đến đạo trị bình thiên hạ, hưu sinh dưỡng dân. Thái Tông anh vũ thiện biện, tiếc nuối khi xưa sớm đi tòng quân, đọc sách không nhiều. Xét thấy triều Tùy diệt vong mất nước, biết rõ gây dựng cơ đồ chẳng dễ, trong lúc tại vị, khuyến khích quần thần tiến gián, phê bình quyết sách sai lầm của ông. Lệnh cho các gián quan Ngụy Trưng cùng với Ngu Thế Nam…, chỉnh lý tư chính sử liệu trị quốc của các triều đại đế vương, lấy những điều tinh yếu trong Lục Kinh, Tứ Sử, Chư Tử Bá Gia, có liên quan đến việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, biên soạn thành sách. Trên bắt đầu từ Ngũ Đế, dưới mãi đến Tấn triều, từ hơn một vạn bốn ngàn bộ, trong hơn tám vạn chín ngàn sách cổ, thu thập rộng rãi 65 loại điển tịch, tổng cộng hơn 50 vạn chữ. Bộ sách Quần thư trị yếu đã giúp vua Đường Thái Tông sáng lập nên “Trinh quán chi trị”, góp phần tạo nên thời đại thịnh thế của nhà Đường.”
Vua họ Lý tên Thế Dân, con thứ của Đường Cao Tổ, là người thông minh tuấn tú, văn võ kiêm thông. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông đã thành công trong cả hai lĩnh lực giáo dục và quân sự, biết chọn người hiền và dùng người có tài năng, giỏi dụng binh.Về phía Quan văn thì có: Phòng Huyền Linh, Ngụy Trưng v.v…; phía quan võ thì có, Lý Tịnh, Lý Tịch v.v…Nhân tài quy tụ, khiến cho niên đại Trinh Quán cực thịnh một thời, đất nước được thống nhất, muôn dân đồng lòng tôn phò một vua. Khi Ngụy Trưng qua đời, Thái Tông đau lòng than rằng: “Như dùng đồng làm gương, để chỉnh sửa áo mão; lấy việc xưa làm gương, để thấy được sự thịnh suy của cuộc đời; nhìn người làm gương để biết cái đúng cái sai của chính mình. Nay Ngụy Trưng mất đi, trẫm như mất một tấm gương vậy”.
Khi Đại Sư Huyền Trang thỉnh kinh trở về, vua ban chiếu thỉnh ngài dịch Đạo Đức Kinh của Lão Tử sang tiếng Phạn, mở đầu cho việc truyền bá văn hoá Trung Hoa ra nước ngoài. Đại sư còn vâng chỉ dịch bộ kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển (từ tiếng Phạn ra tiếng Trung Hoa). Lúc nhà Đường hưng thịnh, Nhật Bản có phái các vị tăng như ngài Không Hải v.v… đến Trung Hoa lưu học, còn phái sứ giả mang lễ vật cống tặng, tất cả có đến mười tám lần.
Khen rằng:
Đường đại thánh quân
Trinh Quán chi thời
Thiên hạ quy tâm
Tứ hải cống chí
Văn lược võ công
Tướng tướng hiền sĩ
Thiện ư dụng nhơn
Quốc gia đại trị.
Lại nói kệ rằng:
Uy chấn trung ngoại phục tứ di.
Đức bị hà nhĩ vọng lai lai tề
Ngụy Trưng trung liệt tá đế tòa.
Tần Quỳnh anh dũng bảo sơn hà
Huyền Linh văn công an xã tắc
Nhân Quý võ huận hoá can qua
Đại Đường thạnh thế lưu phương viễn
Truyền biến Nam Bắc dữ Đông Tây.
Giảng giải bằng văn Bạch Thoại:
Đường Thái Tông là một vị hoàng đế anh minh nhất kể từ sau Triều Đại nhà Chu . Thái Tông có những đặc biệt gì để gọi là vua anh minh? Đường Thái Tông là người thông minh tài trí, biết mang lại hạnh phúc cho nhân dân, biết xây dựng những nền tảng vững chắc cho đất nước, chính vì vậy mà triều đại nhà Đường được xem là thời kì hưng thịnh nhất trong lịch sử Trung Hoa. Sở dĩ Đường Thái Tông có thể thống nhất được đất nước, lại làm cho đất nước thêm vững mạnh như thế, là do vua biết nghe lời can gián một cách chân thành, biết sai liền sữa, dám nhìn nhận sai sót của mình, mạnh dạn sửa đổi những gì chưa đúng, chính vì vậy Thái Tông được xem là một vị vua có đạo đức
Triều đại nhà Đường được thành lập sau nhà Tùy, do Dạng Đế nhà Tùy hoang dâm vô đạo, làm cho người dân Trung Hoa thời ấy rơi vào cảnh đói rách lầm than, không biết nương tựa vào ai, nên Lý Uyên đã đứng lên khởi nghĩa, nhằm đem lại thanh bình cho đất nước. Lúc bấy giờ còn nhiều phe nhóm khác nổi lên tranh giành quyền lực, thế nhưng chỉ có người tài đức mới làm chủ được thiên hạ, Đường Cao Tổ Lý Uyên đã xử trí tốt việc quốc gia, lại còn dẹp được các nhóm xưng hùng xưng bá khác
Đường Thái Tông họ Lý tên Thế Dân, là người con thứ của Đường Cao Tổ, từ nhỏ Thế Dân đã tỏ ra rất thông minh, tuấn tú khỏe mạnh, ứng văn, đấu võ đều rất thông thạo, văn chương cũng rất uyên thâm. Sau khi lên ngôi, Thái Tông khéo biết dùng người, tùy theo sở trường của từng người mà giao trọng trách, tuyển chọn người hiền tài phục vụ việc nước; đối với các nước lân bang Thái Tông luôn dùng chính sách giao hòa. Phía quan văn có Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối (1) và Ngụy Trưng; tướng võ có Lý Tịnh (2), Lý Tích (3)v.v..; chính nhờ Thái Tông biết dùng người tài đức, biết nghe lời can gián chân thành, quí trọng và đối đãi hết lòng với kẻ sĩ, do đó mà nhân tài qui tụ chính sách rõ ràng, thế lực đất nước thêm hùng mạnh. Sử sách gọi giai đoạn này là “Trinh Quán chi Trị” (Thời vàng son của niên đại Trinh Quán, hay sự thịnh trị của niên đại Trinh Quán).
Đặc biệt Ngụy Trưng, trông có vẻ rất bình thường, chẳng có gì hơn người, nhưng lòng ông vững như sắt, ý chí cứng như thép, không sợ đầu rơi, chỉ biết một lòng trung trinh với vua, vì dân vì nước, chẳng màng đến những vấn đề khác, cũng chính nhờ đức tính ấy mà Ngụy Trưng thường giúp vua làm công việc “phi lân”. “Phi lân” nghĩa là sao? Tức là nhổ vãy rồng, có ý nói là lúc hoàng đế có những sai sót gì thì ông ta liền dùng lời ngay mà can gián, chỉ rõ những sai lầm của vua mà không hề sợ phải đắc tội, không hề sợ chết, đây mới đáng gọi là trung thần. Trung thần thì không sợ chết, nếu sợ chết thì không được gọi là trung thần. Nhờ có được cận thần trung trinh như vậy mà Đường Thái Tông mới có thể thành tựu được đại nghiệp, thành công ở hai mặt văn hóa và chính trị, cũng như thành công trong đường lối trị quốc an dân, nên vào triều đại nhà Đường, các nước lân bang đều biết đến nước Đại Đường, gọi Trung Hoa là “Thiên Triều”, gọi hoàng đế Trung Hoa là “Thiên Khả Hãn”.
Phòng Huyền Linh, Ngụy Trưng, Lý Tịnh và Lý Tích đều là những trung thần không hề sợ chết, một lòng trung trinh, nhờ đó mà họ đã cùng nhau xử lý tốt việc quốc gia; họ đều là những người vô tư, không tham ô, chỉ biết để tâm lo việc quốc gia đại sự. Nhạc Phi, một võ tướng của triều Tống từng nói:”Quan văn không tham tài, Tướng võ không sợ chết, những con người như thế chắc chắn sẽ xử lý thành công việc quốc gia đại sự”. Liên quan đến Ngụy Trưng, có một câu chuyện về “Rồng trắng” (Tiểu Bạch Long) như thế này.
Mọi việc trong cuộc sống ở nhân gian chúng ta là do chính phủ quản lý, nhưng chính phủ ở nhân gian không thể quản lý được những chuyện cho mưa, làm gió, triều cường, hạn hán, lũ lụt; những việc này cũng đã có người cai quản cả, là do thần trên trời quản lý; đạo Cơ Đốc và đạo Thiên Chúa cho là do Chúa Trời quản lý, Chúa Trời ở đây cũng như Ngọc Hoàng Thượng Đế mà người Trung Hoa nói. Đúng như thế, lượng mưa xuống bao nhiêu, gió thổi nhiều hay ít đều có sự nhất định, và đều do Ngọc Hoàng Thượng Đế quyết định.
Có một lần, Ngọc Hoàng sai một thần rồng cho mưa xuống trần gian vừa đủ ba tấc ba nước thôi, thế nhưng có lẽ vì nghe nhầm mà thần rồng kia đã cho mưa xuống đến ba thước ba nước; (một thước Tàu tương đương 23,1cm). Một lần mưa mà nhiều nước đến như thế làm cho rất nhiều nhà cửa, cây trái bị ngập chết cả, rất nhiều người lâm vào cảnh đói khát, một số đã chết vì đói, trận mưa đó đã gián tiếp hại không biết bao nhiêu sinh mạng.
Vì rồng đã làm trái lệnh của Ngọc Hoàng đã cho mưa ngập lụt ở trần gian, nên đã bị Ngọc Hoàng xử tội chết. Nhưng để giết rồng trắng này không cần phải nhờ đến tay vị thần nào cả, cũng không cần quỉ hay loài rồng khác đi giết, thế thì sai ai đi giết đây? Ngọc Hoàng liền chọn ngay ông quan giám trảm, chính là quan Ngụy Trưng. Vì sao tướng mạo của Ngụy Trưng lại thô kệch xấu xí thế? Có thể là do Ngụy Trưng đã chuyển kiếp từ loài rồng, nên trông rất xấu, nhưng ông lại có cái uy thần của loài rồng, có sức mạnh của loài rồng. Trong triều, Ngụy Trưng làm giám sát ngự sử, trên trời ông cũng làm quan; tuy ông ta là một con người nhưng linh hồn ông vẫn có công việc trên thiên đình. Công việc ở thiên đình chỉ là nghĩa vụ chứ không vì bổng lộc nào, chúng ta tin rằng lúc bấy giờ ông làm quan cho triều đình cũng không vì mong cầu bổng lộc, bởi vì con người ông vốn như thế nên không hề mưu cầu làm quan để phát tài; sống đó, chết đó cũng là chuyện bình thường đối với ông.
Ở trên thiên đình Ngụy Trưng cũng có nhiệm vụ, cũng có chức vị; lần này thì Ngọc Hoàng sai Ngụy Trưng đi giết rồng trắng, vì tội làm mưa lũ trái ý trời. Nhưng rồng trắng cũng có chút pháp thuật, biết Ngọc Hoàng sai Ngụy Trưng đi chém đầu mình. Chừng như Ngụy Trưng cũng có kiếm chém rồng, một nhát có thể giết được loài rồng. Thế là rồng trắng đã đến cầu cứu Đường Thái Tông, bằng cách dùng thần thông báo mộng cầu xin vua cứu mạng. Thái Tông hỏi nó: “Tại sao ngươi bị người ta giết?”. Nó liền thuật lại đầu đuôi sự việc là Ngọc Hoàng sai nó chỉ làm mưa ba tấc ba nhưng nó đã mưa đến ba thước ba, nhiều hơn gấp mười lần, nên đã phạm phải luật trời, phải bị chém đầu. Thế thì người chém đầu rồng trắng là ai? Chính là ông quan giám sát ngự sử Ngụy Trưng, một đại thần trong triều của Đường Thái Tông. Rồng trắng nói: “Vào giờ đó, ngày đó, tháng đó ngài cứ ngồi đánh cờ với Ngụy Trưng, hai người ở bên nhau, ngài đừng để ông ấy đi đâu cả, như thế ông ấy sẽ không có thời gian đến xử tội, qua thời gian đó tôi sẽ không bị giết nữa”. Rồng trắng khẩn cầu Thái Tông dù thế nào cũng phải nhất định giữ lời. Thái Tông nói: “Việc này dễ thôi! Ta có thể vào ngày đó, giờ đó không rời xa Ngụy Trưng, ông ấy sẽ không thể giết ngươi được.”
Vào ngày hôm ấy, Thái Tông cho gọi Ngụy Trưng đến đánh cờ, vua nghĩ: “Đánh xong ván cờ này dù thắng hay thua thì ông cũng không còn thời gian đi giết rồng rồi!” Nhưng không ngờ đang lúc đánh cờ thì Ngụy Trưng ngủ thiếp từ lúc nào không hay, ông ngủ rất say sưa. Thái Tông nghĩ bụng: “Ô! Bây giờ thì ngươi đã ngủ say rồi, dù thế nào thì cũng không rời xa ta được, ta cũng sẽ không đánh thức ngươi dậy làm gì, ngươi cứ ở đây mà ngủ!” Ngủ được một lúc, khoảng một khắc hay nửa giờ sau thì Ngụy Trưng tỉnh lại, rồi tiếp tục đánh cờ với vua. Thái Tông không ngờ rằng, chính lúc Ngụy Trưng đang ngủ say đó là lúc thần hồn của ông ta đã đi chém đầu rồng trắng rồi.
Rồng trắng kia cũng có linh hồn, oan hồn của rồng chưa tan được nên tối hôm ấy đã đến tìm Thái Tông, rồng bảo: “Ông vua kia, ông hãy trả lại mạng sống cho tôi!” Thái Tông bèn nói: “Tại sao lại đòi ta trả mạng sống cho ngươi? Hôm ấy ta đã giữ Ngụy Trưng cùng ở một chỗ với ta rồi, ta cũng chẳng rời ông ấy, ông ấy cũng chẳng rời ta, làm sao có thể đi giết ngươi được?” “Ây da!” Rồng lại than: “Chính là lúc Ngụy Trưng đang ngủ, thần hồn của ông ấy đã đến giết tôi. Cũng vào những lúc như thế ông ta có thể lên thiên đình để làm việc.” “Thế thì làm sao ta biết được? Ngươi không thể đòi mạng ta! Cái này chẳng thể trách ta, ta chẳng hề biết ông ấy có tài cán đó.” “Không được! Dù thế nào ông cũng phải trả lại mạng sống cho tôi!” Cứ như vậy, rồng trắng đêm đêm vào hoàng cung phá phách, đòi Thái Tông đền mạng.
Thái Tông rất rầu rĩ về chuyện này, chẳng biết tính sao, bèn chọn các đại thần trong triều thay nhau đến hộ giá, hết đại thần này đến đại thần kia, song vẫn không làm cho rồng trắng sợ hãi, nó vẫn cứ thường xuất hiện. Sau đó đến lượt Tần Quỳnh và Úy Trì Kính Đức đến hộ giá, hai vị đại tướng này vừa đến đã làm cho rồng trắng khiếp đảm bỏ chạy, bởi vì hai vị này là khắc tinh của rồng trắng. Từ đó về sau, mỗi tối hai vị tướng này đều đến hộ giá cho hoàng đế. Qua một thời gian lâu, Thái Tông thấy hai vị tướng này quá mệt nhọc, cũng thấy không đành lòng nên đã cho vẽ hình của hai vị tướng này lên cửa. Tối đến rồng trắng đến trước cửa, thấy hình dạng của hai vị đại tướng quân này oai vệ như thiên tướng nên đã không dám đến gần nữa. Do đây mà có việc dán hình thần giữ cửa trên cửa, nhà người dân đều có dán hình của Úy Trì và Tần Thúc Bảo (Tần Quỳnh), thỉnh hai vị này làm thần giữ cửa, cứ như thế lâu dần trở thành tập tục dân gian của người Trung Hoa. Đây rõ ràng là một truyền thuyết dân gian, nhưng trong đó đều có liên quan đến những sự kiện trên.
Lòng trung trinh đối với quốc gia của Ngụy Trưng bao la như trời đất, nên ông không những chỉ làm quan ở nhân gian mà còn làm quan ở thiên đình. Lúc Đường Thái Tông còn tại vị, ngay cả thiên tướng cũng đến hộ giá, do vậy trong thời gian làm vua của Đường Thái Tông cả hai mặt văn hóa và chính trị đều được phát triển tốt đẹp như thế. Khi Ngụy Trưng qua đời, Đường Thái Tông đã phải tiếc thương mà cảm than rằng:
“Như người ta lấy đồng làm gương soi, để chỉnh sửa áo mão; lấy việc xưa làm gương soi, mà biết được việc thịnh suy ở đời; lấy người làm gương soi để thấy cái đúng cái sai của chính mình. Ta thường giữ ba thứ gương soi này để phòng cái lỗi của chính mình. Nay Ngụy Trưng mất đi, một tấm gương theo đó mà vỡ tan rồi”.
Chính là nói: Nếu như dùng đồng làm gương soi, soi vào đó thì có thể thấy được áo quần mình đang mặc có ngay thẳng hay không. Lấy chuyện của lịch sử xưa nay, lấy người xưa làm tấm gương soi, thì có thể thấy được cái lý của chuyện hưng thịnh suy vong, thái bình loạn lạc, điều gì nên phát triển, điều gì nên thay đổi, đều có thể biết. Nếu như lấy một con người nào đó làm tấm gương soi, thì có thể thấy rõ những việc đúng sai của con người, điều gì nên làm, điều gì không nên làm; thấy những cái hay của người khác thì học hỏi từ họ, thấy những cái xấu của người khác thì trở lại nhắc nhở mình, tránh những sai sót tương tự. Ta thường giữ ba tấm gương soi này để phòng ngừa những sai sót của chính mình; giờ Ngụy Trưng đã mất, ta đã mất đi một tấm gương soi.
Vừa rồi vì sao tôi nhờ thầy giáo họ Châu giảng lại cho mọi người nghe chuyện “Đường Thái Tông đã nghe lời khuyên của hoàng hậu như thế nào”, quý vị nghe rồi cảm thấy rất thú vị, thực ra đây là sự thật. Đường Thái Tông vốn dĩ có được niên đại Trinh Quán thái bình, chính là vì vua biết chân thành lắng nghe lời can gián, sửa sai theo đúng, biết sai liền sửa, mà không hề nghĩ đến sự tôn nghiêm của một vị hoàng đế. Quý vị xem qua bao triều đại, những hoàng đế biết nghe lời can gián đều là những vị vua sáng suốt; những hoàng đế không biết nghe lời can gián, không chịu nghe lời trung của quần thần đều là những ông vua tàn bạo. Nếu đất nước có những vị trung thần không sợ chết, đó cũng là một điều may mắn. Những bậc trung thần đều là những con người hiên ngang không sợ chết, cái chết đối với họ không là gì cả; còn kẻ gian thần thì rất sợ chết, họ chỉ muốn giữ lấy mạng sống của mình, còn việc quốc gia thế nào cũng chẳng màng.
Năm thứ 19 niên hiệu Trinh Quán, Đại sư Huyền Trang thỉnh kinh từ Ấn Độ trở về, Thái Tông truyền lệnh cho ngài dịch “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử ra tiếng nước ngoài. Vì sao vua muốn ngài dịch “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử? Bởi Thái Tông nghĩ rằng “Đạo Đức Kinh” rất có tính triết lý, là một bảo bối của Trung Hoa, là một bộ sách có giá trị nhất, do đó nên cho người dịch bộ sách đó ra Phạn ngữ. Đây được xem là sự khởi đầu cho việc phiên dịch kinh điển Trung Hoa ra tiếng nước ngoài.
Đại sư Huyền Trang còn vâng chiếu chỉ của Đường Thái Tông, phiên dịch bộ Kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm cuốn. Trong thời gian dịch Kinh Đại Bát Nhã, hoa đào đã sáu lần trổ hoa – cây hoa đào trong đạo tràng dịch kinh trong vòng một năm, hoa rụng rồi lại nở, nở rồi lại rụng, cứ như thế hoa nở đến sáu lần, đây là hiện tượng từ xưa đến nay chưa từng thấy. Vì sao có hiện tượng ấy? Đó chính là một điềm lành, điều cảm ứng, cho thấy Kinh Đại Bát Nhã là một bộ kinh rất quan trọng trong Phật giáo, rất có sức mạnh cảm hóa con người. Lúc Đức Phật còn tại thế cũng đã từng nói, vào thời mạt pháp, Kinh Đại Bát Nhã đặc biệt quan trọng đối với việc hoằng dương Phật pháp trên đất nước Chấn Đản (tên nước Trung Hoa theo cách gọi xưa của người Ấn Độ). Thế nên mấy năm gần đây chúng tôi đã cho in lại bộ Kinh Đại Bát Nhã, việc này là một phần trong công tác hoằng dương Phật pháp.
Vào thời đại nhà Đường, Phật pháp rất thịnh hành. Trong thời kỳ Phật pháp hưng thịnh nhất, ảnh hưởng cả người Nhật Bản không ngại ngàn dặm xa xôi, đã phái chư tăng vượt biển đến Trung Hoa lưu học. Trước sau, Nhật Bản từng có đến mười tám lần phái sứ thần đến cống tặng phẩm vật và phái chư tăng đến Trung Hoa lưu học. Trong số ấy có vị tăng tên là Pháp sư Không Hải, sau khi trở về Nhật đã sáng lập ra tông Chân Ngôn, đồng thời phỏng theo chữ thảo của người Trung Hoa để phát minh ra một kiểu chữ của Nhật Bản gọi là “Bình Giả Danh”.
Lúc bấy giờ, các nước lân cận đều có cống nạp cho Trung Hoa, cho rằng nước Trung Hoa là “thiên triều”, là Đại Đường. Cho nên, đến nay người nước ngoài đều biết đến “người nhà Đường” (Đường nhân), bây giờ đến đâu cũng thấy có “phố Đường Nhân” (Lấy chữ “Đường nhân” đặt tên đường, tên phố). Quý vị xem, uy danh của triều đại nhà Đường ghê gớm đến như thế, nên khắp nơi đều có “phố Đường Nhân,” chứ không thấy nói “phố Trung Hoa”. Người nước ngoài đều biết nước Trung Hoa được gọi là “nhà Đường” (Đường triều), do đây có thể biết rằng triều đại nhà Đường đã từng có một thời kỳ cực thịnh, vững mạnh và thịnh trị so với mọi thời đại, cho đến các triều đại như Tống, Minh, Thanh so với triều đại nhà Đường đều thua kém rất nhiều.
Khen rằng:
Đường đại thánh quân, Trinh Quán chi thời (Vị vua anh minh Đại Đường, Thời kỳ vàng son Trinh Quán): Đời Đường có vị vua đức độ sáng suốt, niên hiệu là Trinh Quán, đó chính là Đường Thái Tông. Thế nào là minh quân? Đó là vị vua có cái tâm vô tư tiếp nhận lời phê bình, sửa cái sai theo cái đúng, chân thành nghe lời can gián.
Thiên hạ quy tâm, tứ hải cống chí (Thiên hạ một lòng quy về, khắp nơi đều đến triều cống): Lúc bấy giờ khắp nơi đều rất kính phục Thái Tông, nước ngoài đều đến cống nạp phẩm vật.
Văn lược võ công, tướng tướng hiền sĩ (Văn hóa cùng võ trang, quan tướng đều là người hiền): Tình hình văn hóa và quân sự trong thời kỳ tại vị của Thái Tông đều đáng cho người ta nể phục, những quan văn tướng võ thời ấy đều là bậc tài đức sáng suốt. Chữ “將” (tướng) là nguyên soái, quan võ; chữ “相” (tướng) là quan văn.
Thiện ư dụng nhân, quốc gia đại trị (Khéo léo dùng người, đất nước thanh bình): Đường Thái Tông rất khéo dùng người, biết rõ cái hay của từng người mà giao đúng nhiệm vụ. Bởi vua có khả năng khéo dùng đúng người, nên đất nước mới được hưng thịnh.
Lại nói lời kệ rằng:
Uy chấn trung ngoại phục tứ di (Uy danh vang lừng trong ngoài, quy phục cả bốn tộc): Uy đức của Đường Thái Tông đã khiến cho trong nước Trung Hoa và nước ngoài đều rất nể phục. Tứ Di là Đông Di (tộc Di phía Đông), Tây Nhung (tộc Nhung phía Tây), Nam Man (tộc Man phía Nam ), Bắc Địch (tộc Địch phía Bắc), tất cả đều quy phục thiên triều Đại Đường
Đức bị hà nhĩ vọng lai tề (Đức độ được khắp nơi cùng ngưỡng mộ): Trong nước ngoài nước đều ngưỡng mộ đức hạnh của Thái Tông, nếu cho rằng triều nhà Đường trị vì đất nước rất tốt, nên đều mong được đón nhận ân đức của Thái Tông đến với đất nước của họ, triều Đường cũng mong người nước ngoài đên cống nạp phẩm vật. Chữ “vọng lai tề” có hai nghĩa như thế.
Ngụy Trưng trung liệt tá Đế tòa (Quan Ngụy Trưng trung thành phò tá bên vua): Ngụy Trưng là người biết pháp thần thông, ông ta cũng đến để phò tá Đường Thái Tông trị vì đất nước.
Tần Quỳnh anh dũng bảo sơn hà (Tướng Tần Quỳnh anh dũng giữ gìn giang san): Tần Thúc Bảo cũng là vị tướng rất anh dũng, sức mạnh hơn người, là người có thể giữ gìn giang san nhà Đường được yên ổn.
Huyền Linh văn công an xã tắc (Tướng Huyền Linh giúp xã tắc an bình bằng sự thông thái của mình): “Xã” là thần đất, “Tắc” là thần mùa màng (thần Nông), đây là tên của hai vị thần trong các lễ cúng tế mang tính quốc gia. Các vị hoàng đế xưa nay đều làm lễ tế thần Xã Tắc trong hai mùa Xuân và Thu, an định xong thần Xã, Tắc thì đất nước cũng nhờ đó mà được mưa thuận gió hòa, quốc gia thái bình nhân dân an lạc, đây cũng là sức mạnh của quan văn, mà sự thông thái của Phòng Huyền Linh đủ để giúp cho quốc gia được an lạc, ổn định.
Nhân Quý võ huân hoá can qua (Nhân Quí tài ba dẹp hết những mối họa đao binh): Tiết Nhân Quý võ nghệ phi phàm, nên nói “hóa can qua”, là dẹp được các cuộc đao binh, biến dao gươm thành ngọc lụa, có nghĩa là vốn có những nơi chưa phục tùng, và đều nhờ Nhân Quý mà đã thuận phục được họ.
Đại Đường thạnh thế lưu phương viễn (Tiếng thơm đời thịnh của Đại Đường vang xa): Thế lực đời Đại Đường rất hùng mạnh, uy danh truyền khắp, người nước ngoài đều biết đến nước Đại Đường
Truyền biến Nam Bắc dữ Đông Tây (Truyền khắp Nam Bắc và Đông Tây): Danh tiếng của nhà Đường vang lừng khắp thế giới, khắp nơi trên thế giới đều biết nước Đại Đường; nên chúng ta là người Đại Đường, đây đều là núp bóng của hoàng đế Đường Thái Tông cả.
CHÚ THÍCH:
Chú thích 1: Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối là hiền tướng của thời kỳ khai quốc nước Đại Đường, sau khi Thái Tông lên ngôi, hai ông giữ chức tả hữu Thượng Thư, cùng chung sức lo việc triều chính, một thời được ca tụng là “Phòng Đỗ”. Phòng Huyền Linh trong coi việc chỉnh sửa quốc sử, sửa đổi hoặc bỏ đi những điều luật không hợp lý, nên luật pháp Đại Đường rất công chính nghiêm minh.
Chú thích 2: Lý Tịnh, một đại tướng thời khai quốc nước Đại Đường, một nhà quân sự, đối với kỷ luật quân đội rất nghiêm túc rõ ràng, dùng binh nhanh chóng như thần, ông có công bình định được Giang Nam và các vùng biên cương
Chú thích 3: Lý Tích, một đại tướng thời khai quốc nước Đại Đường, ông vốn là họ Dư, sau khi quy phục vua Đường được vua cho đổi thành họ Lý. Vào thời Đường Thái Tông, ông cùng Lý Tịnh đối với triều đình rất có công lao.
Chú thích 4: Tần Quỳnh, tự là Thúc Bảo, một đại tướng của thời khai quốc nước Đại Đường, rất có khí tiết, oai dũng thiện chiến, thường làm tướng tiên phong, tham gia rất nhiều trận chiến.
Chú thích 5: Úy Trì Kính Đức, một đại tướng thời kỳ khai quốc nước Đại Đường, ông vốn là một viên tướng của một trong những nhóm hào hùng khác trong thời cuối đời Tùy, sau đó đầu hàng nhà Đường, Thái Tông thấy ông biết là người tài, về sau lập được nhiều chiến công.
Chú thích 6: Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, lập người họ Trưởng Tôn làm hoàng hậu. Hoàng hậu Trưởng Tôn là người hiền đức và thông minh, giản dị tiết kiệm, hoàng hậu chỉ chọn dùng những thứ thực sự cần thiết. Hoàng hậu thường khuyên Thái Tông không nên cho anh em bà con bên nhà mình làm quan trong triều, cũng để trừ cái họa ngoại tộc; bà còn đề nghị ban thưởng các vị trung thần, dùng lời khéo khuyên Thái Tông nên biết chân thành nghe lời khuyên gián. Do đó, Thái Tông rất kính trọng, thường cùng bà bàn bạc chuyện thưởng phạt trong triều. Hoàng hậu mất năm 36 tuổi, từng góp nhặt gương sáng của những phụ nữ ngày xưa, trước tác cuốn “Nữ Tắc” (Phép Tắc Người Phụ Nữ). Có lần, sau khi bãi triều, Đường Thái Tông sắc mặt giận dữ mắng: “Ta không giết tên này là không được!”, hoàng hậu Trường Tôn vội vàng hỏi: “Bệ hạ đang nói ai?” Thái Tông trả lời: “Là nói Ngụy Trưng chứ ai, hắn suốt ngày ở điện Kim Loan làm nhục ta trước mặt bá quan”. Hoàng hậu Trường Tôn im lặng lui ra, thay y phục hoàng hậu, đứng ở giữa sân, chuẩn bị triều bái. Thái Tông vô cùng kinh ngạc, hỏi có chuyện gì, hoàng hậu đáp: “Thiếp nghe rằng nếu vua là người hiền minh, thì thần mới dám dùng lời thẳng thắn để can gián; Ngụy Trưng đã ngay thẳng như thế, đều là do bệ hạ là người hiền minh, nên mới nói với bệ hạ những lời ấy!” Thái Tông thay đổi sắc mặt mỉm cười. Để bảo vệ sự tôn nghiêm của hoàng đế Thái Tông, hoàng hậu Trường Tôn đã khéo léo hóa giải được nguy cơ mất mạng của Ngụy Trưng, đồng thời cổ vũ cho Đường Thái Tông sự chân thành lắng nghe lời can gián.
Chú thích 7: Tiết Nhân Quí, võ nghệ vượt trội hơn người, ông đi đến đâu là quân địch tan tành đến đó, tham gia nhiều trận chiến, đánh đâu thắng đó. Khi ông dẫn binh chinh phạt Đột Quyết, Đột Quyết vừa nghe nói tới tướng nhà Đường là ông ta sợ hãi thất sắc, bỏ đi không dám giao chiến.
Trích “Thủy Kính Hồi Thiên Lục’
Discussion about this post