Chúng ta đã hiểu được kiên trinh là một đức tánh dẻo dai cứng rắn có thể dám chịu mọi sự khổ não để thi hành phận sự và chí hướng của mình, đó là một việc đáng quí và cần có. Nhưng muốn giúp cho đức tánh kiên trinh đi đến chỗ toàn bích hơn thì chúng ta còn cần tánh điềm tĩnh.
Lòng được kiên trinh, mặt được điềm tĩnh, chính con người ấy sẽ được đủ điều kiện thông suốt việc lớn mà họ không bao giờ biểu lộ dáng kiêu mạn hống hách hốp tốp trong việc làm, nhờ vậy mọi điều gì của họ đang làm hoặc sắp làm kẻ khác đoán biết được và họ sẽ thành công rực rỡ.
“Sĩ điềm tĩnh tiểu nhơn lấn lướt,
Thời vận hèn dụng nhược thắng cang”.
Đó là lời của Đức Thầy, Đức Thầy tả một kẻ sĩ lúc nào cũng điềm tĩnh, mặc dù lòng mình có ý chí mưu đồ đại cuộc nhưng vẫn tỏ ra tầm thường. Vì thế kẻ tiểu nhơn khinh thường lại còn lấn lướt. Nó chẳng ngờ kẻ sĩ trong lúc còn hèn yếu thì phải dùng cách nhu nhược để thắng cang cường, những là lấy mềm mại thắng cứng rắn, như giọt nước mềm mà soi phủng được đá. Trường hợp nầy, là cảnh ngộ của Đức Thầy, mặc dù Đức Thầy chứa đầy ý nguyện cứu thế đạo, cứu quốc dân song gặp phải thời quay vận kiểng đành phải nén chịu kẻ tiểu nhơn húng hiếp, miễn sao mình đạt được chí cả.
Những kẻ được lòng điềm tĩnh họ luôn luôn biểu lộ sắc mặt của họ những nét thản nhiên, lặng lẽ và cử chỉ lời nói của họ rất êm đềm. Gặp những lúc rối rắm họ không hề ra dáng sợ sệt và không có cử chỉ lau chau mà vẫn điềm tĩnh để tìm lẽ hay ho, hầu giải quyết được việc ấy. Họ không như bao nhiêu người khác gặp những thắng lợi thì vui vẻ tươi cười, rủi chạm cuộc thất bại loạn ly thì ra tuồng buồn rầu hốt hoảng.
Con người đang lúc vật lộn với đời mà giữ được điềm tĩnh thì mọi việc ắt nên, chẳng khác nào cột đồng trấn ở rún biển làm cho sức lớn của biển được bình định. Tánh điềm tĩnh giúp cho con người, quan sát việc nầy, tìm hiểu việc nọ được rõ ràng không lầm lạc sai thất sẽ đoạt đến kết quả của chúng ta muốn. Có được điềm tĩnh mới có ý nghĩ hay ho, mở mang công việc làm của chúng ta chóng đến thành công thắng lợi. Và nhờ có điềm tĩnh, dù gặp việc bất trắc xảy ra, mắt chúng ta không lảo đảo, lòng chúng ta không nghi ngờ thất bại và không cử chỉ hấp hối đáng tiếc. Hoặc trường hợp chúng ta suất lãnh một việc quan trọng trong xã hội, hay cầm đầu một đám người trên đường tranh đấu, dù gặp lúc nguy kịch mà mình điềm tĩnh, tỏ ra tự nhiên, khiến họ thấy cử chỉ bình thản của mình mà trở lại đủ nghị lực làm theo lịnh của mình, chẳng những khỏi bị thất bại còn được thắng qua những trở ngại ấy.
Cần sử dụng tánh điềm tĩnh như sau đây:
1– Lẽ thứ nhứt của tánh điềm tĩnh là mỗi khi gặp phải sự nguy hiểm bất ngờ với kẻ khác thì họ lấy làm nôn nao sợ sệt, trái lại với mình thì vẫn giữ cử chỉ thản nhiên và có ý chí lanh lẹ sáng suốt để giải quyết các vấn đề ấy một cách dễ dàng. Đồng thời nếu là một người chỉ huy một toán binh hay cầm đầu một cơ quan khi có gặp bất trắc xảy ra, với lòng bình tĩnh, với sự thản nhiên của mình sẽ làm cho kẻ xung quanh tự tin nơi mình có thể điều khiển và cứu giúp họ được, nên họ không sợ sệt xao xuyến có đủ tinh thần hợp lực với mình để lướt qua các biến cố ấy được ổn đáng.
2– Lẽ thứ hai của tánh điềm tĩnh là mỗi khi người hỏi đến mình câu chuyện gì mà mình chưa hiểu đến, chưa biết đến và chính mình cũng chưa biết ý người muốn điều chi thì không nên trả lời vội hãy bình tĩnh để gặng hỏi lại cho rõ ràng đặng trả lời cho ăn khớp với câu hỏi. Có như vậy mình mới không đi lạc ngoài câu chuyện và khỏi phải có sự lầm lộn trong lúc trả lời. Thêm nữa mình nói chuyện với người mình được bình tĩnh trả lời một cách đứng đắn hợp lẽ, họ sẽ đem lòng kính mến, cho mình là kẻ lịch thiệp, biết phán đoán tường tận không vội vã, không hấp tấp.
3 – Lẽ thứ ba của tánh điềm tĩnh là trong việc làm có thắng lợi cho đoàn thể hoặc cho riêng mình, chúng ta chớ nên lấy đó làm tự đắc, tự phụ cho mình tài hay, trí giỏi hơn người, mà phải hiểu rằng trên đời không ai thắng mãi và không ai bại mãi, việc thắng bại cũng như nước có lớn có ròng, không phải lớn không hay ròng không. Thế nên hãy coi sự thắng bại là thường, để tránh hai việc không hay như:
– Một là khi mình thắng, được có người khen ngợi rồi mình tỏ ra kiêu căng tự đắc, khiến cho kẻ bại không ưa, cố sức tăng cách trả thù.
– Hai là đến khi mình thất bại thì kẻ mà mình đã chê trước kia họ trở lại chê mình gấp hơn mấy muôn lần của mình chê họ. Như vậy đâu có ích lợi gì? Vả lại việc làm của mình được thắng lợi chẳng khác: liệng cục đất lên trời coi chừng nó sẽ rớt lại mặt mình; liệng cục gạch xuống nước coi chừng nước văng ướt mình trước. Nghĩa là việc gì của mình làm đều có phản lực tất cả. Như thế thì chúng ta hãy phòng bị từ cái lợi đến cái hại vì nó đều có thể trả lại cho chúng ta được cả. Có lo sợ rồi mới tránh việc hại cho mình về sau và tránh kẻ khác khỏi có cớ oán ghét mình.
4– Lẽ thứ tư của tánh điềm tĩnh là với việc nào của chúng ta làm ra kẻ khác khen hay, khen tốt, cho là tài năng xuất chúng, chúng ta cũng không lấy đó làm vui. Vì người đời không phải toàn thương chúng ta hết mà cũng có kẻ ghét chúng ta, nếu chúng ta được nghe người khen mà chúng ta ra vẻ mừng thì hạng người ghét chúng ta sẽ thêm khinh; cũng như người khen chúng ta họ khen nức khen nở, thì người chê chúng ta họ tìm đủ cách oán ghét chúng ta thêm nữa.
Huống nữa, nếu người khen mà chúng ta vội mừng cho rằng hơn người và lấy đó làm đắc chí không lo tiến tới nữa, thì tiết tháo của chúng ta không thêm, trí não của chúng ta phải lụt trong một ngày rất gần.
Thế nên chúng ta chỉ dè dặt để tầm cách học hỏi các việc khéo léo hay ho để tiến đến chỗ toàn mỹ, không vì sự khen của người mà mừng, lời chê của người mà giận, luôn luôn điềm tĩnh như thường; quyền khen chê ở nơi người, chớ riêng mình vẫn điềm tĩnh để tiến tới chỗ xa hơn.
5– Lẽ thứ năm của tánh điềm tĩnh là mỗi việc gì của chúng ta làm hoặc nói hay là viết ra mà kẻ khác hiểu lầm: câu chuyện ta nói phải, họ cho là quấy, việc chúng ta nói chung, cho là riêng trở lại giận ta, rồi đến trước mặt ta mắng nhiếc, hầm hừ muốn moi gan móc ruột chúng ta, lúc ấy chúng ta nên bình tĩnh để nghe rõ câu chuyện của họ nói, rồi từ từ đính chánh lại cho họ nghe rõ sự thật. Chúng ta không nên thấy họ giận dữ mà phản đối lắm lời, sẽ làm cho sanh ra gây ó dẫn đến cuộc ấu đả. Như thế chẳng khác nào lửa gặp lửa thêm cháy to, sanh ra kiện tụng xáo náo cả xóm riềng, đó là cách giải quyết tầm thường.
6 – Lẽ thứ sáu của tánh điềm tĩnh là mỗi khi đối trước công việc làm thường ngày cũng như việc phi thường xảy đến, chúng ta hãy bình tĩnh để hiểu từ việc một của nó: lợi thế nào? Hại thế nào? Đều được rõ tận gốc. Nếu thấy nó có lợi sẽ làm; nhứt là việc lợi ấy vừa cho mình, vừa cho người khác.
KẾT LUẬN: Với mục điềm tĩnh nầy, dạy chúng ta đứng trước tình trạng nguy biến, đứng trước câu hỏi đột ngột, đứng trước việc làm thắng lợi, khen ngợi hay những sự hiểu lầm, giận quấy của người đều phải điềm tĩnh để tìm cách hay ho thích đáng hơn, để định đoạt việc ấy được chu đáo. Kỳ dư các vấn đề khác cũng điềm tĩnh để tìm phương khéo léo, để giải quyết.
Discussion about this post