Sau đây xin chép lại bài Giáo Lý Huấn Luyện Giáo Hữu nói về sự Ma khảo:
“Có trường thi công quả tất có cơ khảo thí theo phép công bình Thiên đạo. Phàm muốn đoạt thủ địa vị nơi trường thi ấy, người hành đạo phải có công lao xứng đáng và phẩm hạnh hoàn toàn. Chịu thử thách mà không sa ngã mới đáng đăng tên vào Tiên tịch.
Vì lẽ công bình, Đức Chí Tôn phải để cho Ma vương cám dỗ. Kẻ nào kém đạo hạnh phải sa vào cạm bẫy.
Thường thường Chánh Tà tương khắc. Hễ Đạo khai thì Tà khởi. Đạo không ma khảo, Đạo khó thành; ma không Đạo khai, ma không được dịp mở cơ thạnh vượng.
Ma khảo có nhiều cách, đại khái như:
Mạo danh Tiên, Phật, dối ban huyền diệu cốt mê hoặc người phải xa chánh giáo.
Giục người thấy sắc đẹp mê sa, thấy tài vật ham muốn.
Hóa việc lạ lùng quái gở cho người sợ bỏ dở công phu.
Chiếu theo sở dục của con người mà cám dỗ, tức là đánh ngay chỗ yếu của người.
Bày bố những khó khăn gay cấn cho người thối chí ngã lòng.
Đức Chí Tôn đã báo cho biết trước:
Chung quanh các con, dầu xa dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con, song trước Thầy đã cho các con mặc một bộ thiết giáp mà chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con. Ấy vậy, ráng gìn giữ bộ thiết giáp ấy hoài cho đến ngày các con hội hiệp cùng Thầy. Nghe và ráng tuân theo.
Đường đã trải qua, chúng ta thấy rõ tu hành gặp không biết bao nhiêu trở lực. Nào là người hữu ý hay vô tình kích bác, cho đến bà con cật ruột cùng bạn thân yêu buổi trước mà nay thấy chúng ta tu hành, họ cũng đem lòng nhạo báng. Nào là kẻ gây điều khó dễ mong phá hoại việc tu.
Trong khi lập công bồi đức, chúng ta lại gặp nhiều nghịch cảnh: tiền tài thiếu thốn, tật bịnh triền miên, hoặc những nỗi bất bình, những điều thống khổ, để khiến chúng ta ngã lòng thối bước, nếu không nhẫn nại và vững đức tin.
Những chướng ngại trên là sự trạng của cơ Nghịch khảo.
Lại cũng có khi chúng ta sa ngã vì sắc đẹp, vì danh vọng, và lợi quyền, là những cạm bẫy để quyến rũ con người vào đường tội lỗi mà thất đạo. Đó là cơ Thuận khảo.
Tóm lại, cơ Đạo có Nghịch khảo và Thuận khảo, là hai phương pháp trui rèn lòng người tu hành cho ra cao thượng. Vàng không trui lửa, ai biết vàng cao; ngọc chẳng giồi mài, ai hay ngọc quí.
Chúng ta tin chắc rằng, mỗi lần bị khảo mà không ngã là mỗi lần chúng ta được lên một nấc thang tấn hóa đó.
Vậy người tu hành phải chịu luật khảo thí và phải kiên tâm trì chí lướt qua mọi thử thách. Tự tín và bền chí là bí quyết thành công.”
“Đạo với Ma là hai con đường đi đôi với nhau. Có Đạo thì phải có Ma. Từ cổ chí kim, chư Phật, Tiên, Thánh đều phải trải qua con đường Ma khảo mới chứng được Đạo. Người tu mà không biết Ma khảo thì chưa phải là người tu hành.
Ma khảo có những tác dụng sau đây:
Phân chân ngụy.
Tiêu oan khiên.
Hóa bẩm tính.
Định quả vị.
1. Phân chân ngụy:
Thời TKPĐ, cửa Đạo mở rộng, nhưng chân giả khó phân. Có người chơn tu, có người mượn danh Đạo tạo danh đời, làm cho những người chơn tu bị mắc oan. Cho nên các Đấng thiêng liêng mới cho Ma khảo để lựa chọn người chơn tu, loại ra những kẻ giả tu. Kẻ giả tu, sau cơn thử thách thì họ đều hiện rõ cái hình giả tạo của họ. Đức Chí Tôn cũng đã có nói trước rằng: “Thầy làm ra mặt các con coi.” Cho nên, nếu không có Ma khảo thì làm sao phân biệt được chơn giả?
2. Tiêu oan khiên:
Người tu hành ít nhiều đều có mang theo oan nghiệt của các kiếp trước. Trong thời TKPĐ, Đức Chí Tôn đại khai ân xá, nên đem Nhân Quả của các kiếp trước dồn vào kiếp nầy để người tu trả dứt các món nợ oan nghiệt mà trở về cùng Chí Tôn.
3. Hóa bẩm tính:
Con người nơi cõi trần tiêm nhiễm vật chất qua nhiều kiếp, nên lục dục thất tình luôn luôn dấy động. Nhờ có Ma khảo mà biết được chỗ yếu kém của mình để cố gắng sửa đổi, dần dần bản tánh hóa thuần mà hợp với Thiên tánh. Mỗi khi bị khảo, không nên sanh lòng oán hận, mà phải thuận tùng tiếp nhận, nhẫn nại vượt qua, vì mỗi lần khảo là mỗi lần bớt được một số nợ của kiếp trước. Một khi đã vượt qua một cơn khảo đảo thì đường Đạo dễ đi hơn.
4. Định quả vị:
Các Đấng Tiên, Phật đều nói trước rằng:
“Vô ma khảo bất thành Đại Đạo, Đạo bất khảo bất thành Phật.”
Xưa, Đức Chúa Jésus, Đức Phật Thích Ca, trước khi thành đạo, phải chịu cho Satan, Quỉ vương khảo đảo đủ cách, khi không lay chuyển được thì Quỉ vương mới chịu phục và mới thành đạo. Đức Khổng Tử cũng bị khảo đảo 7 ngày nơi biên giới nước Trần và nước Thái, Đường Tam Tạng và ba đồ đệ cũng bị 81 tai nạn khảo đảo mới được thành Phật.
Vượt qua được một lần khảo đảo là trình độ tâm linh tiến hóa lên một bực. Cho nên, nhờ Ma khảo mà các Đấng định phẩm vị cho người tu hành.
Về MA KHẢO, có 8 cách khảo:
– Nội khảo, – Ngoại khảo, – Khí khảo,
– Kỳ khảo, – Thuận khảo, – Nghịch khảo,
– Điên đảo khảo, – Đạo khảo.
1. Nội khảo: Khi cầu đạo rồi thì thường hay bị tai nạn, hay bịnh hoạn,… Do đó, nhiều người rất sợ, không muốn vào Đạo và lại còn biếm nhẻ rằng, người tu hành đạo đức mà sao bị tai nạn liền liền. Đức Chí Tôn cũng có dạy trước rằng:
Ức lòng dễ tỏ đặng cùng ai,
Hiền đức mà sao chịu khổ hoài.
Lão nói tỏ tường cho đó hiểu,
Cũng là vay trả luật xưa nay. (TNHT)
Chúng ta tự hỏi tại sao có chuyện kỳ như vậy? Bởi vì các chủ nợ oan nghiệt thấy vị nầy tu rồi, e sau nầy rất khó đòi nợ, nên xúm nhau đến đòi nợ liền liền.
Người tu cần phải lập chí nhẫn nại, cam lòng chịu đựng, trụ vững đức tin nơi Đức Chí Tôn, ráng lo lập đức lập công để tiêu trừ bớt oan khiên nghiệp chướng, vượt qua các cơn khảo đảo. Dần dần, các oan nghiệt sẽ bớt đi, và con đường đạo sẽ được êm chơn tiến bước.
2. Ngoại khảo: Thân nhân phản đối, bạn bè hủy báng, hàng xóm chê cười, quan binh bắt bớ,… đều thuộc ngoại khảo. Người tu phải ráng giữ vững đức tin, ôn hòa và tận tụy giúp đỡ mọi người, nhứt là những người chỉ trích mình, cầu xin Ơn Trên hộ trì giúp sức cho sớm vượt qua cơn Ngoại khảo.
3. Khí khảo: Khí là giận. Bị người lấy oán báo ơn, bị xuyên tạc, bị hàm oan, bị vu khống,…. khiến người tu không nhịn được, nổi giận chống đối quyết liệt. Như thế là người tu bị Khí khảo mà không hay. Khi gặp Khí khảo, phải lấy lòng khoan dung đại lượng để ứng phó.
Như Đức Chúa đã nói: Kẻ nào đánh vào má bên trái của ta, ta đưa má bên phải cho nó đánh chung một lượt.
Đức Phật Di-Lạc cũng có nói: Có người chửi vào Lão chuyết, Lão chuyết cười hì hì; nếu nhổ nước miếng vào mặt ta, cứ để vậy cho nó khô, khỏi cần phí công lau chùi, làm cho kẻ nhổ cũng được vui.
4. Kỳ khảo: Sau khi cầu đạo rồi thì làm ăn thất bại, vợ chồng gây gổ, con cái chia lìa,…. đều thuộc về Kỳ khảo. Ứng phó với Kỳ khảo, người tu phải hiểu thấu suốt lý nhơn quả. Vợ chồng hay con cái đều là duyên nợ, duyên tốt hay xấu, dài hay ngắn, đều là nhân đã kết tập từ kiếp trước. Tiền tài, nhà cửa, ruộng đất, chỉ là thân ngoại vật, sinh ra không mang đến, chết rồi cũng không mang theo được. Hiểu rõ như thế, thì sự vinh hoa, đắc thất như một giấc chiêm bao. Trong lòng cứ thản nhiên như đám mây bay trên trời, hay như dòng nước chảy.
5. Thuận khảo: Có hai mặt: Thánh và phàm.
– Mặt Thánh: Được bậc bề trên khen thưởng, được kẻ hậu học ủng hộ, dần dần trở nên đắc ý hợm mình, rơi vào con đường Danh của đạo mà trở thành ngạo mạn, bỏ quên phần đạo tâm ở sau ót. Khi được bậc trên thương yêu, hậu học xem trọng, thì càng phải tự cảnh tỉnh lấy mình. Tài bao nhiêu, đức bao nhiêu mà được ân sủng như vậy? Trong lòng phải luôn luôn cảm tạ ơn đề bạt của các bậc huynh tỷ bề trên, thương yêu đoái hoài đến đàn hậu học, khiêm tốn nhún nhường, làm gương mẫu cho đàn em noi bước. Đó là cách biến Thuận khảo thành bậc thang tiến hóa của tâm hồn.
– Mặt phàm: Buôn bán phát đạt, thăng quan tiến chức, thành công mọi mặt, vợ chồng nặng tình ân ái khó lìa. Trong hoàn cảnh hân hoan đắc ý như thế, người tu dần dần trọng phàm khinh Thánh, biến tu đạo thành tu đời, mà quên đi lời Minh thệ lúc ban đầu.
Muốn thoát vòng tục lụy nầy, người tu phải biết rằng, những cái thành công đắc ý đó là do cái nhân tốt mà mình đã gây ra trong kiếp trước. Nếu không lo vun trồng cái nhân tốt ấy, thì chỉ hưởng một thời gian rồi hết. Cho nên càng đắc thế càng giàu sang thì càng phải lo lập công đức, tôn kỉnh Thần Thánh, giúp đỡ mọi người về vật chất hay về tinh thần trong một tình thương yêu chơn thật.
6. Nghịch khảo: có hai mặt: Thánh và phàm.
– Mặt Thánh: Người tu gặp các bậc bề trên vô tình, có công không được thưởng, vô cớ bị chỉ trích, đối với cấp dưới thì không được hậu học kính trọng. Bao lâu khổ công hy sinh lo cho Đạo nghiệp, nay bị nghịch cảnh khảo duợt, làm người tu nãn lòng thối chí. Khi gặp Nghịch khảo như thế, chớ nên sanh lòng căm hờn, mà nên luôn luôn xét lấy mình, vì Đạo thuộc vô vi, tấm lòng son sắt có Trời cao soi xét, việc khen thưởng hay chê bai nơi cõi trần nầy là không đáng kể. Luôn luôn giữ lòng son sắt, càng bị hàm oan, càng chịu đựng trong quyết tâm tu hành thì càng được cao thăng phẩm vị nơi cõi thiêng liêng.
Gương xưa như nàng Thị Kính, rồi Sãi Kỉnh Tâm, chịu hàm oan khổ nhục biết bao nhiêu mà kể, nhưng vẫn quyết lòng tu niệm, mới đắc thành Phật vị.
– Mặt phàm: Khi phát tâm hành đạo, cha mẹ không thích, vợ con ngăn cản,…, việc làm không thuận, cấp trên khinh khi, cấp dưới lờn mặt, đó là Nghịch khảo. Gặp cảnh nầy, ta phải an phận, lấy đức cảm hóa mọi người, rồi dần dần hoàn cảnh cũng thay đổi, trở nên thuận bề vui vẻ.
7. Điên đảo khảo: Căn cơ duyên phận, căn quả tiền khiên của mỗi người đều không giống nhau, cho nên có người gặp Thuận khảo trước rồi Nghịch khảo sau, hay gặp ngược lại, hay có người bị Nội, Ngoại, Khí, Kỳ, khảo luân phiên liên tiếp, làm người tu thất điên bát đảo đến sờn lòng thối chí.
Dù trong hoàn cảnh nào, người tu cần phải giữ vững đức tin, mặc cho mưa gió tơi bời, nhưng rồi đến một lúc nào đó thì cũng gió lặng sóng êm, đường Đạo bớt chông gai, người tu lo tiến bước.
8. Đạo khảo: Có hai loại: Nội và Ngoại.
– Nội khảo: Nội Đạo khảo phát xuất từ trong nội bộ nền Đạo, nhỏ thì tranh chấp về quan niệm tu hành, nghiêm trọng thì tách ra lập chi phái mà lìa gốc Đạo, làm cho các tín đồ không biết phải trái mà theo.
Khi gặp phải Nội Đạo khảo nầy, người tu cần phải thận trọng, đem hết lương năng lương tri của mình ra phán xét, ai là người tôn sư mà không trọng Đạo, ai là người trọng Đạo mà không tôn sư?
Nếu chỉ biết tôn sư, tức là chỉ biết đi theo người thầy lãnh đạo mình mà không trọng Đạo thì đó là tu nhơn tình, không hợp lòng Trời. Nếu chỉ biết trọng Đạo mà không tôn sư, tức là chỉ biết lấy Đạo làm trọng nhưng không nghe lời thầy thì dễ trở nên khi sư mà có thể biệt lập thành chi phái.
– Ngoại khảo: Ngoại Đạo khảo là do Bàng môn Tả đạo đến khảo. Phật độ người có duyên phần, Ma tìm người hám vọng và thích thấy sự huyền diệu. Quỉ Vương mượn danh Tiên Phật, dùng Thần thông biến hóa mà mê hoặc lòng người, nó biết rõ người ham thứ gì thì nó cho thứ đó, khảo thứ đó, để dẫn vào con đường tà, xa rời chánh đạo.
Đạo khảo phần trí của người tu hành nên gọi là Trí tuệ khảo, khảo sự phán xét chánh tà, khảo lòng trung, hiếu, tiết, nghĩa, tức là khảo phần đức hạnh. Đối với người tu chưa được khai huệ thì nên giữ lòng không tham không vọng là cách tốt nhứt để đối phó với phần Đạo khảo.
Phần trên vừa trình bày chi tiết tất cả hình thức Ma khảo người tu, nhưng không phải người tu nào cũng bị khảo qua các trường hợp trên, Ma chỉ khảo chỗ nào yếu kém mà thôi.
Trong các đề tài: Danh, lợi, quyền, nộ, ố, ai, dục, tửu, sắc, tài, khí, người tu yếu về chữ nào thì nó biết nó khảo ngay thứ đó. Người tu nào còn ham tiền thì nó dùng tiền vàng để thử, người tu nào còn ham sắc thì nó dùng sắc đẹp để thử, người tu nào còn háo danh thì nó dùng chức nầy tước nọ để thử, vv . . .
Ma không hình tướng, tùy theo lòng ham muốn của người mà nó hiện ra, nếu thấy sắc dậy lòng tà thì bị con ma sắc thừa cơ làm hại. Nếu chưa làm chủ được tánh nộ thì mỗi khi phát nộ, nghiến răng trợn mắt, đỏ mặt tía tai, nói năng bẩu lẩu,… thì đó là hiện thân của con ma nộ vậy.
Do đó, người tu cần phải giữ hai điều cốt yếu sau đây:
– Giữ vững đức tin, tin tưởng mạnh mẽ nơi Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu, là hai Đấng Cha Mẹ chung thiêng liêng.
– Giữ chặt cái tâm, không cho vọng động, giữ cho an nhiên thanh tịnh, không ham không muốn, không gì hết ráo, thì mọi sự thử thách của quỉ ma chỉ như luồng gió thoảng.
Mỗi lần bị Ma khảo, mỗi lần vượt qua là mỗi lần đạo tâm tiến lên một bực cao hơn, và lần lần tiến hóa lên những bực cao dần, cuối cùng thì được trở về ngôi vị cũ nơi cõi TLHS.”
Nam Mô A Di Đà Phật!
(Sưu Tầm Internet)