Đã là người học đạo và quyết tâm hành đạo, cố nhiên chỉ thích với đời sống đơn giản và thanh bạch. Có sống đơn giản mới giúp cho mình có thì giờ lễ Phật và trì kinh; có sống thanh bạch mới giúp cho tâm hồn thơ thới rảnh rang để thiệt thi đúng qui điều của Phật.
Thêm nữa, có sống đơn giản và thanh bạch mới tiêu biểu được con người thoát tục và chứng tỏ lòng mình không còn luyến ái vật chất thế gian, chỉ lo trau trỉa cho tâm hồn được sáng suốt trong trẻo khỏi nỗi phiền não khóc hận.
Phương chi, nếu người có ý nguyện tế thế độ dân thì cần phải nêu lên tâm hồn trong sạch để gây lấy sự tin tưởng với kẻ chung quanh, rồi sẽ đưa ra phương pháp chánh đáng cho họ thật hành theo. Nhược bằng nơi miệng mình hô hào đạo đức, nói việc huyền cơ, mà đời sống xa hoa, đó là con người phỉnh đời giả dối, không bao giờ kẻ khác tin dùng. Như thế chẳng phải là mình giết chết danh dự của mình và lòng tin tưởng của mọi người xung quanh sao? Bởi tánh thanh bạch là quí nhứt của kẻ hành đạo, nên đã có lắm người đề cập đến.
“Ước ao xuân mới bằng xuân cũ,
Thanh bạch tâm hồn được thảnh thơi”
Hai câu nầy, Đức Thầy viết trong bài thơ tặng Bác sĩ;
Ngài ước ao sao xuân tới đặng như xuân qua rồi, được màu sắc thanh bình, khỏi có điều khốn khổ hầu giúp cho tâm hồn trong trắng được thảnh thơi.
Thanh bạch có nghĩa là trong trắng. Trong trắng ở chỗ nào? Xin trả lời ngay rằng: Trong trắng ở tâm chí và hành động của mình. Tâm hồn trong trắng thì không nghĩ ngợi điều nhơ xấu: hành động trong trắng chẳng làm điều gì hư hại tông môn của mình hay của mọi người.
Nếu người biết chủ trì tâm hồn thanh bạch trong việc làm lợi ích, thì trong đầu óc của họ luôn luôn có ý nghĩ tốt.
Sở dĩ con người sống thanh bạch, vì họ nhận thấy càng sống xa hoa lung, thì lo liệu lung, mà lo liệu lung thì sự khổ não nhiều. Với điều khổ ấy, người đời chỉ cho mình, vì đi mạnh vào vật chất, nên bị nó lôi kéo, khiến sai phải làm nô lệ cho nó mãi. Nếu đời sống của mình cứ làm nô lệ cho lòng say mê vật chất thì danh giá, tiết tháo của mình đâu còn. Nếu con người đã mất cả tiết tháo và danh giá thanh cao, thì chỉ coi là lớp người cặn bã của xã hội. Vậy chúng ta là kẻ biết giác ngộ lẽ vinh nhục lúc nào cũng lấy tâm thanh bạch nghĩa là lấy lòng trong trắng ở đời.
Sự thanh bạch, ngoài việc giúp cho mình khỏi bị vật chất chỉ huy, còn làm cho mình, được có thêm đức hạnh. Nhờ đức hạnh đó mới có đủ điều kiện cho mình tiến lên đường đạo nghĩa một cách đầy đủ.
Lòng thanh bạch được hai việc lợi ích: một là tâm hồn được khinh khoái, hai là sinh hoạt ít bị phiền toái bận rộn.
1– Tâm hồn được khinh khoái, là người sống thanh bạch mặc dù đang quây quần trong hạng bần dân năm nầy, tháng nọ không đủ sống, nhưng lòng luôn luôn giữ lấy sự trong sạch và việc làm đoan chính, tự thấy mình không làm gì nên tội với đời nên lòng rất nhẹ nhàng hơn những người sống lộng lẫy, nệm gấm giường ngà mà suốt ngày đêm bị sự trách phạt của lương tâm trong những hành động phi pháp. Lại còn giữa người trong gia đình họ thường gấu ó nhau, mặt giận, mày hờn nhau.
Về phương diện đạo đức nhờ thanh bạch khiến cho con người có kiên trinh về hành động chơn chánh và giữ lấy tâm hồn lặng lẽ quán xét bổn tâm để thấy chỗ phát sanh tội lỗi hầu trừ diệt. Rồi từ đó được thấy lòng mình từ thiện, không còn lo muôn mắt người đời nhắm vào khinh bỉ.
Như thế là những điều ác chúng ta đã diệt trừ nó hồi còn trong trứng, không để sanh nở ra, khỏi sự hình phạt cắn rứt nơi tâm và tâm sẽ từ từ hiện ra sáng suốt như mặt Trời mặt Trăng soi chiếu khắp cả vạn vật. Đó là trí huệ phát hiện. Như ai muốn biết đạo quả mình đắc không? Có thể nhắm ngay đó mà đoán trước được. Cũng như muốn biết được người khác sau nầy như thế nào? Thì cứ xem cách sống của họ thì biết, nếu họ sống giản dị, không tham cầu vật chất chỉ chuyên về đạo lý, thì con người đó đến ngày kia sẽ chứng đạo hoàn toàn. Còn kẻ sống lo cầu danh, cầu lợi, câu nệ nhơn ngã, nhứt là tham mê tiền bạc, mặc dù họ có truyền thuyết đạo lý bao nhiêu đi nữa cũng sẽ bị sa đọa và vấp ngã trong một ngày gần.
2– Sinh hoạt ít bị phiền toái bận rộn, là người sống thanh bạch chẳng khi nào bị vướng máng cuộc sinh hoạt cầu kỳ đến đỗi phải đầu bù tóc rối và loạn cả trí óc. Mặc dù họ không quá cầu ở vật chất, nhưng không phải ăn không ngồi rồi mà họ vẫn phải sanh hoạt. Họ sanh hoạt cách giản dị, không làm quá sức đến tiều tụy tiêu hao xác chất; họ dành thì giờ để cúng bái Tam bảo. Ngoài sự cúng bái họ còn rảnh rang để chuyên luyện về kiến thức bằng cách xem xét kinh sách để tìm rõ chơn lý. Và đã được thì giờ dư, họ không bỏ sót việc phước lợi cho mọi người và cho mình. Với phước lợi ấy chẳng những đem tiền bạc, vải sồ bố thí, đồng thời họ còn đem giáo lý cao siêu của Phật truyền rải cho người không hiểu đạo lý được thức tỉnh. Nếu họ đánh thức được một người, tức là họ tạo được một ngọn đuốc trong xã hội đó.
Con người như thế ấy, tấm gương giúp đời của họ đánh giá rất mắc cái thiện chí của họ. Họ chẳng chịu để thân họ chỉ là cục thịt biết chạy, biết nói một cách không trơn làm cho đời sống vô vị, mà là họ rất hoạt động đủ cách để giúp vào xã hội một công nghiệp gì xứng đáng, vì muốn sống cần ích cho đời, nên họ phải ăn, phải mặc cho thân thể khỏi lõa lồ, tiêu kiệt, chớ lòng họ chẳng se sua ô nhiễm vật chất.
Xin đính chánh sự hiểu lầm của người đời cho kẻ thanh bạch là dạng người biếng lười nhút nhát, ăn xổi ở thì, không óc kinh doanh, chẳng màng thực tế, muốn ngồi đó giữ phần nhàn nhã không làm ích lợi cho ai có bằng chứng cụ thể. Phải hiểu rằng người sống thanh bạch họ chuyên ở tinh thần đạo đức, lúc nào họ cũng tô điểm thần trí sáng suốt để chủ trì lòng tốt đẹp cao quí, vừa cung phụng cho đời những món quà mà họ đã có và đời sống của họ chỉ đúng theo sự nhu cầu, chớ họ không câu nệ vào vật chất một cách quá đáng. Vì họ nhận thấy, nếu có chuyên tâm về vật chất không thì vật chất có ngày hư hoại. Vật chất ấy thì chỉ có tiền bạc là hơn hết. Mà tiền bạc nó có cứu được người lúc chết không? Và nó có làm cho đời sống con người vinh diệu mãi không? Hay là nó thường dắt người đến chỗ trụy lạc.
Thế nên người thiếu giác ngộ hay bị tiền bạc chôn mất thanh danh và thương tổn đạo đức. Lại kẻ vì tiền bạc mà phải tiêu tan trí huệ, đồi bại danh tiết đến khi hấp hối, dù lúc sống đã tạo được nhiều tiền bạc, tiền ấy cũng không đem theo để lo lót Diêm vương cho khỏi tội được. Khi họ chết của ấy chỉ lọt vào tay kẻ khác hưởng, còn linh hồn của họ thì phải bị vướng vít tội trạng, chịu sự hình phạt đau khổ do những tội lỗi của họ đào tạo vừa qua và phải đầu thai lại thế gian để đền nợ trước. Vì thế mà họ cứ trói thân trong guồng máy luân hồi không thể dứt.
Thế thì vật chất là huyễn ảo không bền bỉ, nó chỉ giúp người một phần về xác thịt thôi. Trái lại về đạo đức thì nó giúp người hiền hòa để khỏi xúc phạm kẻ khác và sau nầy không bị luân hồi.
Nhờ sống đơn giản và tấm lòng thanh bạch không bận việc đời, khi chết hồn được tiêu diêu về cõi thượng, nên con người cần sống thanh bạch hơn. Đó là câu chúng ta trả lời những người cho đời sống thanh bạch là hạng người lười biếng.
Gia dĩ, người thanh bạch, lúc hiện hữu nêu cao tâm hồn cao thượng cho kẻ xung quanh học theo và đem vật chất giúp cho kẻ xa, gần nhờ đến, vì thế mà người đời xem họ là bực ân nhân.
KẾT LUẬN: Mục thanh bạch dạy chúng ta trong khoản sống thời gian chẳng bao lâu, không nên buông lung, phóng túng lắm. Nghĩa là đừng nên ăn xài, xa xí thái quá; đừng nên se sua chưng dọn thái quá, cũng không vì quá trọng xác thân mà để nó chỉ huy mình. Được vậy, với tinh thần không bị hoàn cảnh sanh sống gây rối tâm trí, tức đời mình không có điều nào làm buồn tủi cho Tổ tiên, cha mẹ, đồng thời chúng ta sẽ còn được phô phang hành động chính đáng bằng cách làm lợi ích cho mọi người có phước đức và huệ lợi.
Như thế chúng ta đã giúp cho đời được hai việc vừa vật chất lẫn tinh thần.
Discussion about this post