Theo sử liệu Phật giáo Trung-Quốc có ghi rõ ràng đạo Phật đã truyền vào quốc độ nầy trước kỷ nguyên Tây lịch, nhưng mãi đến năm 67 Tây lịch mới sáng tỏ.
Hậu bán thế kỷ thứ nhất (năm 67) niên hiệu Vĩnh-Bình năm thứ 10, vào đời Đông Hán. Phật giáo mới thực sự được xiển dương sâu rộng do vua Minh-Đế khởi xướng. Vua Hán Minh-Đế đã cử người sang Tây-Thiên-Trúc (Ấn-Độ) mời được các vị sư như Ca-Diếp Ma-Đằng và Trúc-Pháp-Lan qua Trung-Quốc truyền đạo và thỉnh được tượng Phật cùng kinh điển đem về xứ sở. Ngoài ra, vua còn cho dựng chùa Bạch-Mã ở Lạc-Dương để thờ Phật và mời hai vị sư người Ấn về ở đó dịch kinh. Bộ kinh đầu tiên được dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán là kinh 42 Chương. Đó là giai đoạn mở đầu của Phật giáo Trung-Quốc và đạo Phật dần dần có cơ hội bành trước mãi đến nổi đã khiến đạo Lão gần mất hết cả thế đứng trong quần chúng. Đạo Phật Trung-Quốc thời bấy giờ thịnh đạt một phần nhờ kinh sách chữ Phạn đã được dịch hơn 300 bộ, mặt khác, nhờ ảnh hưởng nơi các bậc cao Tăng như ngài An-Thế-Cao, Chi-Lâu-Ca-Sấm, Chi-Diệu, Trúc-Phật-Sóc … là những người từ Ấn-Độ sang truyền giáo.
Đời Tam-Quốc : NGỤY – THỤC -NGÔ (250-300) ngài Khương-Tăng-Hội từ Tây-Vực sang truyền đạo tại Trung-Quốc. Vua Ngô-Tôn-Quyền đã quy y theo Phật giáo. Vào năm 250, niên hiệu Gia-Bình thứ 2 đời Ngụy-Minh-Đế có ngài Đàm-Ma-Ca-La từ trung Ấn-Độ sang Trung-Quốc mở giới đàn truyền giới Tỳ-kheo.
Năm 310, niên hiệu Vĩnh-Gia đời Tây-Tấn có vị tăng tên Phật-Đồ-Trừng từ Tây-Vực sang giảng kinh thuyết pháp đã được dân chúng mến mộ rất đông. Cũng trong khoảng thời gian nầy, ngài Cưu-Ma-La-Thập đã dịch nhiều kinh chữ Phạn sang chữ Hán. Phật giáo bắt đầu chia ra làm 2 tông phái : Thành-Thật và Tam-Luận-Tông.
Đến thế kỷ thứ 5 – 6 (420 – 588) đời Nam Bắc triều, Phật giáo càng thịnh đạt. Ngài Bồ-Đề Đạt-Ma đem Thiền-tông truyền vào Trung-Quốc cũng trong thời kỳ nầy. Các tông Thiên-Thai, Niết-Bàn đều được thành lập đồng thời với Thiền-tông.
Năm 446, Phật giáo Trung-Quốc bị ách nạn lần thứ nhất vào đời vua Hậu Ngụy Thái-Võ-Đế, còn gọi là “Tam Võ Nhất tôn chỉ ách”. Vào đầu thế kỷ thứ 6 (508) Phật giáo lại cực thịnh dưới đời vua Tuyên-Võ-Đế. Chùa chiền mọc lên như nấm, Tăng sĩ tu rất đông. Nhưng vào hậu bán thế kỷ (574) đời Võ-Đế Bắc-Chu, Phật giáo lại bị ách nạn lần thứ 2. Sau đó, Phật giáo được phục hưng trở lại và cực thịnh suốt trong đời nhà Đường (609 – 907) và có thêm các tông như : Tịnh-Độ, Pháp-Tướng, Luật, Câu-Xá, Hoa-Nghiêm, Chân-Ngôn được thành lập. Đến đời Ngũ-Đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu), Phật giáo suy vi do chiến tranh và thời cuộc gây ra. Đời nhà Tấn Phật giáo lại được phục hưng. Kế các đời nhà Nguyên và nhà Minh (?) cũng bảo vệ Phật Pháp nhưng không có những hoạt động nổi bậc đáng kể.
Đời nhà Thanh bị nhiểm bởi làn sóng văn minh Tây-phương truyền vào Trung-Quốc, Phật giáo càng trở nên suy yếu dần. Đầu thế kỷ 20 (1912), sau cuộc cách mạng Tân-Hợi (1911), Tôn-Văn lên cầm quyền, Phật giáo cũng được nhiều người tìm hiểu nghiên cứu.
Thời kỳ Trung – Nhật chiến tranh (1940-1945), Phật giáo Trung-Quốc bị suy yếu. Đến khi cộng sản nhuộn đỏ toàn lục địa Trung-Hoa (1949), Phật giáo chỉ duy trì được ở giai đoạn đầu (1950-1960). Năm 1966 có cuộc đại cách mạng văn hóa, mọi giá trị tinh thần đều bị đem ra xét lại. Từ đó, Phật giáo được xem như món đồ trang sức trong viện bảo tàng hơn là trên thực tế.
Mãi tới cuốc năm 1979, nhận thấy thời cơ thuận tiện, phó Thủ-Tướng Đặng-Tiểu-Bình và chính quyền Trung-Quốc cho khôi phục lại Phật giáo. Đây có tính cách như cái loa để tuyên truyền cho chính trị hơn là thuần túy muốn chấn hưng Phật giáo đúng nghĩa.
Discussion about this post