CHƯƠNG HAI MƯƠI
Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!
Mời xem “Hiệu quả của khiêm đức”, đoạn cuối cùng, chúng ta trước tiên đem đoạn văn đọc một lần
Cổ ngữ vân, hữu chí ư công danh giả, tất đắc công danh, hữu chí ư phú quý giả, tắc đắc phú quý.
Lời xưa nói rằng người có chí muốn lập công danh thì nhất định sẽ được công danh, muốn được phú quý ắt hẳn sẽ được phú quý.
Dụng ý cầu công danh phú quý, phía trước đã nói qua cùng với chư vị, đại khái đều không ngoài tìm cầu cơ hội để phục vụ cho chúng sanh. Trong xã hội ngày nay, có thể nói là bản chất của nó so với trước kia đã có sự thay đổi rất lớn. Hiện tại chúng ta muốn tìm một cơ hội để vì xã hội, vì chúng sanh phục vụ có rất nhiều, không cần cầu công danh cũng vẫn có thể làm lợi ích lớn lao cho tất cả chúng sanh, mỗi một nghề nghiệp cơ hồ như đều có cơ hội bình đẳng như nhau. Trong lĩnh vực công thương nghiệp, chúng ta hiện tại xem thấy có rất nhiều công ty mậu dịch xuyên quốc gia, những doanh nghiệp này có thể nói là cả công danh và phú quý thời xưa, họ đều có được cả hai thứ đó, đây là họ trong đời quá khứ đã tu tích được đại phước đức nhân duyên, mới có thể có được quả báo thù thắng như vậy.
Phật trong Kinh thường nói với chúng ta, phải phước huệ song tu, quả báo mới là chân thật. Nếu như chỉ tu huệ mà không tu phước, câu này ý nói, tuy có trí huệ thông minh nhưng đời sống vật chất rất khổ sở. Nếu như chỉ tu phước mà không tu huệ, cơ hội tạo nghiệp rất nhiều, phước báo đời này hưởng hết rồi, đời sau phải đi đến nơi nào. Sinh ra trong xã hội hiện đại, chịu sự giáo dục của xã hội hiện đại, người thường đều cho rằng Thiên địa quỷ Thần là mê tín. Sau khi bản thân có được phú quý, luôn chẳng biết cố kị gì cả, mặc tình hưởng thụ, trong bất tri bất giác mà tạo ra rất nhiều tội nghiệp, bạn biết hay không biết điều này. Bạn biết, bạn là tổn người lợi mình. Hơn nữa cũng giống như những doanh nghiệp lớn đó, ngày nay toàn bộ tài chính của Thế Giới bị thao túng trong tay của họ. Chi phiếu, hối suất, họ muốn tăng lên thì tăng, muốn hạ xuống thì hạ, chơi những trò không công bằng.
Hai năm nay, ở Châu Á bị khủng hoảng tài chính, rất nhiều quốc gia gần như bị phá sản. Nhân dân của nước này, may mắn có được tài phú đương nhiên phải có, nhưng chân thật là họ đã dùng rất nhiều xương máu của mình để kiếm tiền, một cuộc khủng hỏang tài chính, khiến cho một đời khổ cực làm lụng của họ bị người khác lấy đi. Đây là tạo nghiệp thâm trọng. Nghiệp này quá nặng rồi, làm hại đến bao nhiêu tài sản sinh mạng con người. Ở đây làm sao có thể liên quan đến sinh mạng chứ. Trong nhiều cuộc khủng hoảng, tài sản bị rớt giá, mức độ của nó quá lớn, khiến cho họ chịu không nổi sự đả kích này, dẫn đến tự sát, nhảy lầu, chúng ta thường thường nghe thấy điều này. Hiện tại ở tại thế gian này, vẫn có rất nhiều đồng tu nói với tôi rằng, người tự sát rất nhiều, người già chán đời cũng tự sát, họ cảm thấy xã hội này không có tiền đồ, không có hi vọng. Còn người trẻ khi gặp phải lúc không đắc ý cũng tự sát. Thậm chí là những học sinh tiểu học, học sinh trung học hiện nay, chúng ta cũng thường nghe nói đến chúng tự sát, nguyên nhân tự sát là gì. Thi không đậu, điểm số không bằng người khác, bạn nói xem Thế Giới này trở thành cái gì đây.
Cho nên, nếu như là một người có lương tâm, là người nhận được sự giáo dục của Thánh Hiền, nhất định phải phát tâm cứu miễn cái kiếp vận này, không để cho nó bị phá đi như những lời mà nhà dự ngôn đã nói, đó thật sự là điều bất hạnh nhất của nhân lọai. Sự việc này hãy tỉ mỉ mà suy xét. Khó, chân thật là quá khó. Tuy nhiên cho dù có khó hơn nữa chúng ta cũng vẫn phải làm, không thể không làm, chính là điều mà cổ nhân đã nói “biết là nó không thể làm mà vẫn cứ làm”, đây mới là người dũng cảm nhân nghĩa. Nhà Phật nói đến trí hụê viên mãn và thiện xảo phương tiện. Còn ngày nay mọi người nói là trí huệ cao độ và tay chân linh hoạt, tay chân linh họat chính là thiện xảo phương tiện mà nhà Phật thường nói, để giúp đỡ cho xã hội. Giúp đỡ từ chỗ nào. Đây là vấn đề quan trọng trước mắt, chúng ta phải tỉ mỉ mà quan sát, hiện tại bệnh căn chúng sanh là tại chỗ nào. Tại chỗ mê mất chính mình, mê mà không giác, bởi vì mê cho nên mê mất tự tánh, mê mất lương tâm, lương tâm chính là chân tâm. Họ dùng vọng tâm để dụng sự, vọng tâm này chính là làm việc theo cảm tình, còn chân tâm là lí trí. Người mất đi lí trí, làm việc theo cảm tình, điều này có thể được hay sao. Do vậy mới có thể biến thành tà mà không chánh, nhiễm mà không tịnh, trong tâm đều là ô nhiễm, không phải là thanh tịnh, đây là chỗ tồn tại của bệnh căn. Cách để cứu vớt nó chính là như nhà Phật chỗ nói phải giáo dục họ. Ngày nay cách cứu miễn nó không phải cái gì khác mà chính là giáo dục, là dạy học. Đây cũng là điều mà nhiều người nói, giáo dục hiện đại rất phát triển, từ thành thị đến thôn quê đều thành lập trường học, so với thời xưa không biết đã siêu vượt gấp bao nhiêu lần. Lời nói này nếu tính trên mặt hình thức thì không sai, nhưng nếu như xét về thực chất mà nói thì hiện tại không có giáo dục. Trường học tuy rất nhiều, nhưng nội dung của trường học dạy những gì. Chúng ta đã từng tỉ mỉ mà nghĩ qua hay chưa, đã từng tĩnh tâm để quan sát hay chưa. Rốt cuộc thì trường học ngày nay dạy những gì. Cổ đại đức Trung Quốc đối với chữ “giáo” này, họ có định nghĩa, vậy cái gì được gọi là “giáo”. “Tiên giác giác hậu giác”, đó gọi là giáo. Tiên tri giác hậu tri, gọi là giáo. Tiên tri tiên giác thì gọi là Thánh Nhân, trong nhà Phật xưng là Phật Bồ Tát. Họ là tiên tri tiên giác, còn chúng ta là bất tri bất giác, họ đến dạy bảo ta, nhờ vậy chúng ta cũng được giác ngộ, khi đã thông đạt rồi thì chúng ta liền trở thành hữu tri hữu giác. Nếu như không có những người này đến dạy bảo chúng ta, chúng ta làm sao có thể giác ngộ được chứ. Nội dung giáo học của Thánh Hiền, có thể chia ra vài phương diện để nói. Thứ nhất, nội dung giáo học của Thánh Hiền là dạy cho chúng ta nhận thức được chân tướng của vũ trụ nhân sinh, “là chư pháp thật tướng” được nói trong Kinh Bát Nhã của nhà Phật, bốn chữ này dùng cách nói của ngày này để nói thì “Chư pháp” chính là toàn thể vũ trụ nhân sinh, còn “thật tướng” chính là chân tướng. Chỗ nào có mê tín chứ. Chỗ nào không phải. Chúng ta đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh quả nhiên đã minh bạch rồi, nhân sinh vốn là con người chúng ta, còn vũ trụ là hoàn cảnh sống của chúng ta. Chúng ta ngày nay đối với chính bản thân con người đã mê mất, không biết bản thân, không nhận biết được chính mình, cái mà thiền tông nói “phụ mẫu vị sanh tiền, bổn lai diện mục”, chúng ta không biết. Chúng ta đối với hoàn cảnh sống của chúng ta cũng mê mà không giác, cho nên mới hồ đồ mê hoặc, phá hoại đi sinh thái tự nhiên, phá hoại đi hoàn cảnh sống của chúng ta. Bạn tại sao có thể phá hoại chứ. Là do bạn bị mê muội, bạn không biết được chân tướng sự thật. Cổ nhân nói với chúng ta, trong vũ trụ trạng huống của nó vô cùng phức tạp, nhà Phật giảng về thập pháp giới, thập pháp giới là đại phần, đại lược có thể đem nó phân chia ra làm mười loại lớn, nếu phân chia cho tỉ mỉ thì có vô lượng vô biên, chúng ta đối với nó hoàn toàn không biết gì cả. Không biết thì thôi đi, lại hoàn toàn phủ nhận, nói đây là mê tín, đó chính là điều mà Liễu Phàm Tiên Sinh nói chúng ta tự cho rằng mình đúng, cống cao ngã mạn, không có một tơ hào khiêm tốn, khiến bản thân mất đi cơ duyên được giáo dục. Cho dù có Thánh Hiền đến nới đây, cho dù Phật Bồ Tát đến nơi đây, cũng không thể nói với bạn dù chỉ một lời. Tại sao vậy. Bạn sẽ không nghe, bạn không thể tiếp nhận, như vậy vẫn có thể được hay sao.
Tuy nhiên chúng tôi trong nửa thế kỉ này, cũng đi đến rất nhiều quốc gia, chúng tôi tiếp xúc, đương nhiên đa số đều là kiều bào Trung Quốc, cùng với kiều bào của những quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á, chúng tôi nhóm lại một chỗ, đều là người Châu Á, đều là người da vàng. Những người này không chỉ trong đời này của họ không nhận được sự giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền, mà ngay cả đời trước, đời trước nữa của họ cũng chưa từng tiếp nhận qua, câu này ý nói, họ vẫn có những chủng tử tập khí này, chúng ta đem giáo nghĩa của ba nhà Nho Thích Đạo sơ lược đề xuất ra cho mọi người tham khảo, đều có thể sanh tâm hoan hỷ, đây gọi là thiện căn được phát hiện trong nhà Phật. Không chỉ nói trên phương diện người Trung Quốc, hiện nay cũng có rất nhiều người phương Tây, chúng tôi đến nước Mỹ gặp được, đến Úc Châu gặp được càng nhiều hơn, chúng tôi cùng với họ nói về luân lí đạo đức, cùng với họ giảng về giáo huấn của Thánh Hiền, họ đều có thể hoan hỷ tiếp nhận. Đây là điều mà chúng tôi có thể khẳng định.
Giáo học của Khổng Mạnh, có phải là học thuyết của Khổng Tử hay không. Người hiện tại đều nói, “đây là học thuyết của Khổng Tử”, “đây là tập hợp những điều Thích Ca Mâu Ni Phật nói”, quan niệm này hoàn toàn sai rồi. Điều Khổng Tử nói, điều Thích Ca Mâu Ni Phật nói, đều là người của hơn 2500 năm trước, chúng ta làm sao có thể tin tưởng được. Chúng ta làm sao có thể tiếp nhận được. Chúng ta làm sao có thể bị họ ảnh hưởng. Tự cho rằng mình thông minh, tự thấy mình cao. Kỳ thật họ nghĩ sai rồi, thấy sai rồi. Bản thân Khổng Lão Phu Tử nói, ông một đời không có tự sáng tạo, người hiện tại nói là chế tác, Khổng Lão Phu Tử không có chế tác, phu tử nói bản thân ông chỉ là “thuật nhi bất tác, chỉ nói lại mà không có sáng tác ra”. Ông một đời không có sáng tác, những điều ông nói hoàn toàn là những giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền, không phải của chính bản thân ông. Thích Ca Mâu Ni Phật vì đại chúng giảng Kinh thuyết pháp suốt 49 năm, cũng không phải chính mình nói, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không có chế tác, những điều Phật nói là lấy từ đâu. Là những điều của cổ Phật nói. Vậy chúng ta liền hỏi, Cổ Thánh Tiên Hiền là ai. Cổ Phật là ai. Truy cho đến tận cùng mới hoát nhiên đại ngộ, vốn dĩ đó chính là tâm tánh của chúng ta, là chân tâm của chính mình. Phật tại trong Kinh giảng được rất rõ ràng
“Nhất thiết chúng sanh giai hữu Như Lai trí huệ đức tướng, tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí huệ của Như Lai”, câu nói này nói được rất hay. Trong chân tâm bổn tánh của tất cả chúng sanh, vốn dĩ có đầy đủ trí tuệ, đầy đủ năng lực, đầy đủ tướng hảo, đầy đủ phúc báo như tất cả Chư Phật Thánh Hiền. Cho nên, Phật nhìn chúng sanh là bình đẳng, Phật tôn kính mà nhìn chúng sanh. Chúng ta xem thường Phật Bồ Tát, nhưng Phật Bồ Tát không xem thường chúng ta, họ biết chúng ta cùng với họ không hai không khác. Chỉ là bây giờ chúng ta bị mê mất chân tâm, mê mất tự tánh nên biến thành cái hình dạng này. Chúng ta sẽ có một ngày tỉnh ngộ ra, thức tỉnh thì chúng ta cùng với họ không hai không khác. Chúng ta ngày nay biến thành cái hình dạng này, Phật nói được rất hay “Chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không chứng đắc”. Căn bệnh của chúng ta chính là có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước, những thứ này làm hại chúng ta, khiến chúng ta mê mất chân tâm, mê mất bản tánh. Từ đây mới chân chánh hiểu được Đại Thánh Đại Hiền, Chư Phật Bồ Tát, trí huệ của họ, năng lực của họ, giáo huấn của họ, đều là từ trong chân tâm lưu xuất ra. Quyết định không có một tơ hào ý nghĩ thêm bớt, ý nghĩ là vọng tâm. không thêm vào tơ hào suy nghĩ của chính mình, hoàn toàn không có vọng tâm. Chân thành tâm, thanh tịnh tâm, bình đẳng tâm, chánh giác tâm, từ bi tâm, tôi nói ra mười chữ này để hình dung ra chân tâm bổn tánh của chúng ta, là từ chỗ này mà lưu xuất ra. Cho nên giáo huấn của Thánh Hiền, Kinh Giáo của Chư Phật Bồ Tát vốn dĩ đều đầy đủ trong chân tâm bổn tánh chúng ta, không phải là của người khác, không phải là từ bên ngoài đến. Nếu như bạn có thể thể hội được tầng ý nghĩa này, bạn tự nhiên sẽ hoan hỷ tiếp nhận, tại sao vậy. Vì đó không phải là giáo huấn của người khác. Ta đọc sách nhà Nho, không phải là sách của Khổng Tử mà là những điều vốn dĩ có trong tâm tánh của chính mình. ta đọc Kinh Phật, không phải là giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật mà là Kinh Điển được lưu xuất ra từ trong tự tánh của chúng ta, cũng với những điều Thích Ca Mâu Ni Phật nói không hai không khác, thì ta liền tình nguyện tiếp nhận nó, đây là chân tướng sự thật. Ngày nay chúng ta nói phải hưng đại lợi, phải trồng đại phước, phải từ đâu mà trồng. Nếu như đối với xã hội hiện đại, mỗi một trạng huống của nó bạn đều có thể hiểu rõ, đều có thể minh bạch, bạn liền hiểu được, cứu người không có cái gì quan trọng bằng phá bỏ những tri kiến sai lầm của họ.
Làm sao để giúp đỡ chúng sanh, buông bỏ cách nghĩ, cách nhìn sai lầm, học tập quan niệm đúng đắn của Thánh Hiền. Do đây có thể biết sự việc này chính là nói đến giáo dục, cho nên thời xưa Trung
Quốc, những điều được nói đến trong “Lễ kí” “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Kiến lập một quốc gia, lãnh đạo nhân dân cả nước, cái gì là tối quan trọng. Giáo dục là quan trọng nhất. Cũng cùng một đạo lí này, người trẻ tuổi thành gia thất, kết hôn sinh con tạo thành một gia đình, gia đình thì cái gì là quan trọng nhất. Giáo dục vi tiên giáo dục làm đầu. Cho nên, giáo dục gia đình là đại căn đại bổn của giáo dục, vì vậy làm cha làm mẹ không dễ dàng. Giáo dục gia đình là bắt đầu từ khi nào. là bắt đầu từ ngày người mẹ hoài thai, khi người mẹ biết được mình mang thai, thì phải biết dạy cho con của mình, làm sao dạy. Tâm của ta phải ngay thẳng, hành vi của ta phải chánh đáng, không đúng lễ thì không nhìn, không hợp lễ thì không nghe, không phải lễ thì không nói, bởi vì người mẹ khởi tâm động niệm, thân thể động tác hành vi, đều có ảnh hưởng đến thai nhi. Ngày nay nói cha mẹ thương con, nếu như bạn không quan tâm đến những điều này thì bạn không thương con cái của mình, con cái của bạn tương lai khi ra đời lớn lên sẽ không nghe lời bạn, chính bản thân bạn phải chịu trách nhiệm, vì bạn không dạy chúng cho tốt. Cho nên phải bắt đầu từ giáo dục trong bào thai. Sau khi đứa trẻ được sinh ra, mắt của chúng một khi mở ra, liền nhìn thấy Thế Giới bên ngoài, chúng ta phải để cho chúng nhìn thấy những gì. Phải để cho chúng nhìn thấy những điều thuần chánh, quyết không thể để cho chúng tiếp xúc với những cái xấu ác, những cảnh xấu ác không thể để cho chúng nhìn thấy. Những âm thanh xấu ác không thể để cho chúng nghe được, ngay từ nhỏ đã phải bồi dưỡng cho nó tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác. Đây mới là sự yêu thương bảo hộ chân chánh của cha mẹ đối với con cái.
Đến lúc chúng 5,6 tuổi phải dạy chúng đọc sách, phải dạy cho chúng học lễ nghĩa, học lễ chính là học phép tắc quy củ, đây là tiểu học của Trung Quốc thời xưa. Chúng ta ngày nay thực tại mà nói là vô cùng đáng thương, đáng buồn, chúng ta chưa từng tiếp nhận qua sự giáo dục này, cho nên nhìn đến những điều ghi chép trên cổ thư, chúng ta vô cùng ngưỡng mộ. Người xưa được giáo dục từ nhỏ nên ấn tượng đó rất sâu sắc, cho nên nói: “Thiếu thành nhược Thiên tánh, tập quán thành tự nhiên”. Ngay từ nhỏ đã nuôi dưỡng thành tập quán, cả đời chúng đều không thể cải đổi. Đến 6,7 tuổi thì phải dạy cho chúng những quy tắc làm người, ở đây có một quyển sách nhỏ “Đệ Tử Quy”, những nguyên tắc nguyên lí được nói đến trong quyển sách nhỏ này, cả đời chúng đều phải tuân thủ, đều không thể vi phạm, đây là ấu học, hiện tại nói đến giáo dục trẻ thơ. Ngày xưa 7 tuổi đi học, đây là đi học ở trường tư thục, thầy giáo tư thục chịu trách nhiệm dạy học trò, chúng nhận được sự giáo dục chính thức. “Đệ Tử Quy” là giáo dục đầu tiên, không có nền tảng này thì không thể tiếp nhận được sự giáo dục chính quy. Giáo dục chính quy, thầy giáo dạy những gì. Dạy về hiếu, trung, dạy hiếu đễ trung tín, đây là công việc của thầy giáo. Còn cha mẹ dạy con cái tôn sư trọng đạo. Cách dạy như thế nào. Nếu như chỉ dùng miệng dạy thì không được, ấn tượng không đủ sâu sắc, bản thân phải làm cho học trò thấy, cha mẹ phải làm cho con em xem.
Đại khái khi tôi 7,8 tuổi, lúc đó ở tại quê nhà, trong một từ đường của dòng họ có một vị Tiên Sinh dạy tư thục, học sinh có hai, ba mươi người. Cha của tôi đưa tôi đến đó học, trước đó đã hẹn với thầy giáo, ngày lên lớp liền đưa tôi đi bái kiến thầy. Cha tôi mang theo lễ vật, đây là một xâu thịt bò khô, đến đại điện của từ đường này, làm lễ trước bài vị lớn nhất là “Đại thành chí thánh tiên sư bài vị”. Đây là bài vị của Khổng lão phu tử, trước tiên là hướng đến bài vị của Khổng Lão Phu Tử hành lễ cung kính nhất là ba lạy chín khấu đầu, cha tôi lễ ở phía trước, còn tôi ở phía sau lễ theo. Sau khi lễ bái xong bèn thỉnh Lão Sư ngồi lên trên, Lão Sư ngồi một bên bài vị của Khổng Tử, cha tôi ở phía trước, tôi ở phía sau. Lại hướng đến Lão Sư hành đại lễ ba quỳ lạy, chín khấu đầu, Lão Sư ngồi bất động tại đó, ngồi để nhận lễ bái. Chúng ta làm học trò xem thấy, cha của tôi đối với thầy giáo lạy ba lạy, chín khấu đầu, bạn thử nghĩ xem, chúng ta làm học trò có dám không nghe lời thầy giáo hay không. Có dám không tôn trọng thầy giáo hay không. Cha tôi đối với thầy giáo tôn trọng như thế, tôi đương nhiên phải tôn trọng, tôn sư trọng đạo, đây là cha tôi đã dùng thân giáo để dạy tôi. Lão Sư tiếp nhận đại lễ long trọng như vậy của gia trưởng, họ phải hết lòng mà dạy dỗ học trò, họ làm sao có lỗi với cha mẹ học trò được chứ. Nhận được đại lễ như thế, tiếp nhận cúng dường, cúng dường bao nhiêu cũng không quan trọng, phụ huynh của học trò chân thành như thế, đem con em mình ủy thác cho bạn, bạn nếu không dạy dỗ chúng thật tốt thì bạn có lỗi lớn.
Tôn sư trọng đạo phải dạy như thế nào. Là cha dạy, nếu như không còn cha thì nhất định phải là trưởng bối trong nhà, thay thế cha dạy bạn tôn sư trọng đạo. Cho nên chúng tôi đối với sự tôn trọng của Lão Sư, đối với ân đức của Lão Sư, dù sống đến bao nhiêu tuổi cũng niệm niệm không quên. Tại sao lại niệm niệm không quên. Vì khi còn nhỏ cha đã dạy như thế. Tại trường tư thục, Lão Sư dạy chúng tôi, người cũng là lấy thân làm gương, để dạy cho chúng tôi về giáo dục cuộc sống, những phản ứng sinh hoạt, mặc áo ăn cơm, là Lão Sư đã dạy cho. Thầy làm một tấm gương tốt, học trò sống cùng một nơi với thầy. Hành hữu dư lực, thì mới học văn. Hành hữu dư lực, hành là cái gì. Là dạy về đời sống sinh hoạt. Đều phải làm cho đúng, đều phải có quy củ, đi đường phải có cái dáng vẻ của đi đường, đứng phải có cái dáng vẻ của đứng, đối nhân phải hiểu được lễ tiết, đối với trưởng bối nên làm như thế nào, đối với người bằng mình nên làm như thế nào, bạn đều hiểu được, từ cái nhỏ nhặt mà nuôi dưỡng thành thói quen. Sau đó lại dạy cho bạn học văn, văn là cái gì. Là biết chữ. Đều là học cổ thư, những sách cổ thư này, thầy giáo chỉ dạy bạn chấm câu, chỉ dạy bạn đọc. Lúc trước khi chúng tôi đọc sách, không có dấu chấm câu, lúc lên lớp, học trò lấy sách của mình ra, thầy giáo dùng bút đánh dấu, giúp chúng ta đánh dấu tròn, đây là chấm câu. Còn dạy cho chúng tôi đọc chính là dạy cách đọc một chữ chính xác, không thể đọc sai. Câu chữ phải đọc cho rõ ràng, không thể đọc phá câu, đây là sai. Thầy chỉ dạy chấm câu, chỉ dạy đọc chữ.
Tuổi tác của học sinh không bằng nhau, tôi nhớ lúc đó, đồng học lớn tuổi hơn tôi có những người 16,17 tuổi, lớn hơn tôi rất nhiều. Người nhỏ đại khái khỏang 7, 8 tuổi, chúng tôi rất nhỏ. Khóa trình của mỗi người không giống nhau, có người học cổ văn, có người học “tứ thư”, tôi nhớ lúc đó tôi đọc là “Ấu Học Quỳnh Lâm”, đây là thuộc về kiến thức thông thường, hiện tại nói đến giáo trình thường thức, phải đọc “Thiên gia thi”, phải đọc “bách gia tính”. Thầy giáo chỉ dạy chấm câu, không dạy ý nghĩa trong thư, không giảng giải ý nghĩa. Đến khi nào mới giảng giải. Đến khi lớn tuổi, giống như đồng học của chúng tôi, có những người lớn tuổi, khoảng 16, 17 tuổi, họ đọc cổ văn, đọc “tả truyện”, thầy giáo giảng giải cho họ. Đây là vào thời đại của chúng tôi, đại khái những người nhỏ hơn tôi hai tuổi, cơ hội này không có được. Về sau biến thành trường học. Trong quê cũng biến thành trường học ngắn hạn, trường tư thục không còn nữa, tôi cũng không còn nghe nói đến. Giáo dục của Trung Quốc thời xưa, tốt. Là bồi đắp nền tảng cho chúng ta, thâm căn cố đế-giáo dục đó thành cội gốc vững chắc. Tôi ở trong thời đại này, trong mấy chục năm nay, không bị ô nhiễm bởi hoàn cảnh là dựa vào sự giáo dục của một năm lúc còn nhỏ, thời gian không dài. Về sau xã hội động loạn, chiến tranh quân phiệt, kháng chiến chống Nhật, vào thời kì kháng chiến Trung Nhật, tôi 11 tuổi.
Chúng tôi hiện tại hồi tưởng lại, giáo dục đã bồi đắp gốc rễ đó quan trọng biết bao. Thầy giáo dạy cho chúng ta hoàn toàn là giáo huấn của Thánh Hiền. Những quyển sách tuy chỉ đọc, không hiểu được ý nghĩa nhưng sau khi lớn lên, đối với những sách này vẫn vô cùng yêu thích. Bản thân tôi đọc nhiều, nghiên cứu nhiều, lại thường hướng đến người khác thỉnh giáo, dần dần có thể thể hội được ý nghĩa của nó, hiểu được càng nhiều thì càng hoan hỉ. Lại quan sát căn bệnh của xã hội hiện nay, ít nhiều có thể nhìn ra được căn nguyên của nó. Xã hội hiện đại tại sao có thể biến thành cái tình trạng này. Chúng ta ngày nay làm sao để giúp đỡ bản thân. Làm sao để giúp đỡ xã hội đại chúng. Cho nên hôm nay vẫn là một câu nói cũ, không gì có thể qua được đề xướng lí luận, nhân quả, giáo học Đại Thừa. Câu nói này không phải tôi nói, tôi không có trí tuệ lớn như vậy, đây là Ấn Quang Đại Sư nói. Tôi chỉ khẳng định lại cách nói này của lão Pháp Sư, tôi tán dương cách nói này của ông.
Xã hội ngày nay của chúng ta, nếu như không có lí luận, không có nhân quả, không có đại thừa. Thì động loạn của xã hội rất khó ổn định được, rất khó phục hồi lại được trật tự của nó. Không chỉ Ấn Quang Đại Sư có trí tuệ này, có kiến thức này, tôi nghe một vài bằng hữu nói với tôi rằng, khoảng thập niên 70, tức là trước sau năm 1970, triết học gia Thang Ân Tỉ trong lịch sử nước Anh. Có một lần Châu Âu tổ chức một hội nghị quốc tế, đặc biệt thỉnh mời ông đến diễn giải, ông liền đi. Trong khi diễn giải, ông đề xuất ra một lời cảnh báo giải quyết sự phân tranh của Thế Giới, vấn đề của Thế Giới vào thế kỉ 21, những điều này chỉ có học thuyết Khổng Mạnh và Đại Thừa Phật Pháp. Đây là do người Anh nói ra. Ông diễn giải lần này đã tạo ra hiệu quả ảnh hưởng rất lớn. Lúc đó tôi ở Đài Loan, Thiên Chúa Giáo ở Đài Loan đề xướng thờ cúng tổ tiên, tôi cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Quá khứ Thiên Chúa Giáo, Cơ Đốc Giáo không có đề xướng thờ cúng, đều đem bài vị tổ tiên bỏ đi hết, làm sao họ lại đề xướng thờ cúng tổ tiên. Tôi nghi hoặc không hiểu nổi, đến các nơi nghe ngóng. Về sau Cư sĩ Triệu Mặc Lâm nói với tôi, ông nói đức Hồng Y từ châu Âu đến tham dự hội nghị này, có lẽ là nghe được cuộc diễn giải này của Ngài. Không chỉ ông cảm động, mà Tòa Thánh cũng cảm động, Tòa Thánh của Thiên Chúa Giáo chính là Đức Giáo Hoàng của họ, lúc này đã ra một mệnh lệnh, khiến cho Giáo sĩ Công giáo trên toàn Thế Giới chủ động tìm Phật Giáo để đối thoại. Cho nên mối quan hệ giữa Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo dần dần thân cận, đây là một lí do. Tôi ở Đài Loan, Thần học viện của Thiên Chúa Giáo mời tôi đến đó dạy học, có liên quan đến vấn đề diễn giảng lần đó của Thang Ân Tỉ.
Càng khó được là trong ba năm gần đây, đồng tu bên Anh Quốc nói với tôi rằng Bộ Giáo dục của nước Anh đã phê chuẩn trong giáo trình của tiểu học, trung học, đại học của họ có học nội dung của Phật Giáo. Ngay cả Trung quốc chúng ta vẫn chưa có, còn họ đã đọc Kinh Điển của Phật Giáo, đã là khóa trình chính quy trong trường học. Cách đây một năm, năm trước, Chính phủ nước Úc, Úc Châu cũng đã quy định học sinh phải đọc Kinh Phật, chúng tôi đã đem Kinh Phật phiên dịch sang tiếng Anh. Đây là giáo khoa thư, tôi tại Úc châu, đồng tu ở Úc Châu mang cho tôi hai tập, quyển đó rất dày.
Hiện tại người nước ngoài đã chân thật học Phật, nỗ lực nghiên cứu Nho gia Trung Quốc. Họ học những cái này để làm gì. Để cứu miễn thế đạo nhân tâm. Cho nên hiện tại tôi vẫn có ý nghĩ muốn đến thăm nước Anh, xem xem nước Anh đối với lí luận, giáo học Đại Thừa, chúng ta không thể không chú ý.
Bây giờ chúng ta xem hai hàng văn tự cuối cùng Lập định thử chí, tu niệm niệm khiêm hư, trần trần phương tiện. Muốn ước mong này vững chắc, phải niệm niệm khiêm tốn, mỗi mỗi đều làm tiện lợi cho người khác.
Bởi vì chúng ta khiêm tốn, dễ dàng, mới có thể tiếp nhận giáo huấn của người khác. Người Anh khiêm tốn, người Úc khiêm tốn mới có thể tiếp nhận học thuyết của Khổng Mạnh, mới có thể tiếp nhận Đại Thừa Kinh Giáo.
Tự nhiên cảm động Thiên địa, nhi tạo phúc do ngã, kim chi cầu đăng khoa đệ giả, sơ vị thường hữu chân chí.
Tự nhiên cảm động Trời đất, do vậy tạo phúc là từ nơi ta. Nay người mong cầu thi đậu làm quan, đầu tiên phải có chí vững chắc.
Ý nói ngay từ đầu không thấy có chân tâm.
Bất quá nhất thời ý hứng nhĩ.
Đây là nói chỉ nhất thời cao hứng mà tham gia thi cử.
Hưng đáo tắc cầu, hưng lan tắc chỉ.
Đây là nói khi có hứng thú thì nghĩ đến, thì mong cầu. Còn khi không hứng thú nữa thì thôi.
Mạnh tử viết, vương chi hảo nhạc thâm, Tề kì thứ ki hồ.
Mạnh Tử có hai câu nói này, hai câu này là nói với Vua nước Tề. Vua Tề thích âm nhạc, tuy nhiên người thích âm nhạc như ông, nếu có thể làm cho dân cùng được vui, như vậy nước Tề sẽ hưng vượng trở lại.
Dư ư khoa danh diệc nhiên.
Ta nhìn con đường công danh cũng thế.
Ta đối với khoa danh, tâm mong cầu thi đỗ có công danh cũng như thế. Cũng giống như lời nói của Mạnh Tử, nhất định phải chân thật. Phải rộng tích đức tu thiện, phải tận tâm tận lực mà làm. Có được công danh này, có được địa vị này, giống như ông được làm huyện trưởng, sẽ có cơ hội để phục vụ nhân dân. Chỉ khi có tâm như thế, làm việc như thế, vận mạng cũng như phước báo đều có thể do bản thân làm chủ.
Tốt, “Liễu Phàm Tứ Huấn” chúng tôi giảng đến đây. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe.
A DI ĐÀ PHẬT!
Liễu Phàm Tứ Huấn
Chủ giảng: Lão HT. Tịnh Không
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên Tập: Bình Minh
Địa Điểm: Đài Truyền Hình Phượng Hoàng – Thẩm Quyến
Discussion about this post