CHƯƠNG MƯỜI HAI
Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!
Mời xem tiếp đoạn văn phía sau:
“Ngô bối thân vi phàm lưu, quá ác vị tập, nhi hồi tư vãng sự, thường nhược bất kiến kì hữu quá giả, tâm thô nhi nhãn ế dã”.
Chúng ta đều là phàm phu, lỗi lầm đầy mình. Nếu nhìn lại quá khứ mà không thấy lỗi lầm, người đó tâm nhãn thô trệ.
Đoạn văn đến chỗ này, sau khi cử ra tỉ dụ, đây mới là chánh thuyết. Chúng ta thân là phàm phu, sai lầm, ác nghiệp đã quá nhiều qúa nhiều rồi. “Vị tập” là tỉ dụ, giống như con nhím, gai của chúng mọc khắp thân nó.
Nhi hồi tư vãng sự, chúng ta suy nghĩ về quá khứ, thường thường cảm thấy “bản thân mình hình như không có lỗi lầm gì cả”, không thấy được bản thân mình có lỗi. Cho nên, con người chúng ta thường nói “tôi không có lỗi lầm gì lớn cả, hoặc tôi không làm gì sai”, điều này bản thân chúng ta đều có, chúng ta cũng thường hay có cảm giác này. Đây là nguyên nhân gì vậy. Vì tâm chúng ta quá thô. Tâm nhãn chúng ta quá tối tăm, quá u mê. Nên không nhìn thấy được lỗi lầm của mình. Cho nên, Cừ Bá Ngọc thực sự là một tấm gương rất tốt cho chúng ta học tập. Phía sau, đoạn văn cho chúng ta biết, ác nghiệp cũng có dự báo.
Nhiên nhân chi quá ác trọng giả.
Người có tội ác thâm trọng.
Trong Phật Pháp nói ác nghiệp thâm trọng, người đó nhất định sẽ có dự báo không tốt.
Diệc hữu hiệu nghiệm, hoặc tâm thần hôn tắc, chuyển đầu tức vong.
Cũng có những triệu chứng như tâm thần bị hỗn loạn bế tắt, hay lãng trí trầm trọng.
Chúng ta hãy để tâm quan sát những người xung quanh chúng ta, có lúc chúng ta có thể phát hiện được. Người này không có trí nhớ, hồ đồ, đần độn, nói với anh ta chuyện gì, anh ta rất nhanh đã quên mất.
Hoặc vô sự nhi thường phiền não. Hoặc tự nhiên cảm thấy bực bội không lý do.
Những sự việc này, bản thân chúng ta hãy suy nghĩ thử xem, chúng ta có hay không. Khi không có vấn đề gì, không có ai trêu chọc, cũng tự sinh phiền não, chỉ cần tĩnh lặng quan sát liền có thể phát hiện được.
Hoặc kiến quân tử nhi noản nhiên tiêu tự.
Đây chính là nói rất sợ phải gặp người chính nhân quân tử.
Nhìn thấy người chính nhân quân tử, bản thân giống như rất xấu hổ.
Những hiện tượng này, thực tại mà nói họ vẫn còn có thể cứu được.
Tại sao? Bởi vì anh ta vẫn còn có tâm hổ thẹn.
Hoặc văn chính luận nhi bất lạc.
Khi nghe người khác nói những lời chính nghĩa thì không hoan hỷ. Tại sao. Bản thân làm những việc ác nặng nề đã nuôi dưỡng thành ác tập khí. Nghe bàn luận đến điều chính nghĩa cùng với những việc làm của bản thân hoàn toàn tương phản, cho nên rất không hoan hỷ tiếp nhận.
Hoặc thí ân nhi nhân phản oán.
Chúng ta bố thí, dùng lễ vật cúng dường người, nhưng người lại lấy oán đáp lại. Dưới tình huống anh ta không thể không tiếp nhận, thí như nói khi anh ta chịu rét, chịu đói, chịu cơ hàn bó buộc, chúng ta đem cho anh ta một vài bộ quần áo, một ít vật thực, anh ta đương nhiên sẽ tiếp nhận, nhưng sau khi tiếp nhận anh ta không cảm kích, anh ta lại lấy oán đáp lại. Việc này đích thực là có, hiện tại trong thế gian này thường thường gặp phải, đây là dấu hiệu của ác nghiệp thâm trọng, chúng ta phải thường suy nghĩ.
Hoặc dạ mộng điên đảo.
Buổi tối gặp ác mộng. Gặp ác mộng tuyệt đối không phải là dấu hiệu tốt, bản thân nhất định phải cảnh giác được ác nghiệp của mình rất nặng, cho nên buổi tối mới gặp ác mộng.
Thậm tắc vọng ngôn thất chí.
Đây chính là nói không thể đề khởi tinh thần được, nói năng không mạch lạc.
Giai tác nghiệt chi tướng dã.
Đây là ông lược nói một vài ví dụ, đây đều là tướng không tốt.
Cẩu nhất loại thử, tức tu phấn phát, xả cựu đồ tân, tân vật tự ngộ.
Nếu như bản thân chúng ta biết phản tỉnh, chúng ta có một điều hay hai điều giống như ví dụ đã cử trên, chúng ta liền phải cảnh tỉnh, lỗi lầm ác nghiệp của bản thân nhất định là rất nghiêm trọng. Nếu cảnh giác được phải nhanh chóng hồi đầu, lập tức nỗ lực “xả cựu đồ tân”, chính là phải cải đổi làm mới.
Hạnh vật tự ngộ. Câu nói này là để khuyến miễn chúng ta, hi vọng bạn ngàn vạn lần đừng tự lừa gạt mình. Sự việc này, nhất định bản thân phải nỗ lực hết mình, người khác không thể giúp được. Phương pháp sửa lỗi chỉ giảng đến đây.
Phía sau, chương thứ ba là phương pháp tích thiện. Mở đầu đoạn văn này, Liễu Phàm Tiên Sinh dẫn ra hai câu trong “Kinh Dịch”, vì chúng ta mà nói.
Dịch viết: tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh.
Hai câu nói này có thể lấy lịch sử để làm chứng. Từ xưa đến nay, phàm là gia đình thuần hậu trung thực và biết tích thiện, đời sau của họ sẽ đời đời phát đạt. Cho dù không có sự phát đạt lớn, chí ít cũng có thể bảo hộ được bình an qua ngày, không đến nỗi phải rước lấy những tai họa.
Những điều này trên lịch sử có thể xem thấy, hiện tại chúng ta cũng có thể nhìn thấy được chỉ cần chúng ta tỉ mỉ để tâm quan sát. Câu này ý nói, nếu như là ngược lại, là do tiên nhân đời trước và cả bản thân họ đã tích ác, khi dối người khác, thậm chí làm những việc tổn người lợi mình, nguời này nhất định không thể có được phú quý lâu dài; ngay cả khi hiện tại anh ta là người đại phú đại quý.
Cho nên, một số người xem thấy hiện tượng “Người này không việc ác gì không tạo, tại sao vẫn được đại phú đại quý”. Đây là do bạn không hiểu được đạo lí, trong đời quá khứ của gia đình anh ta, hoặc là bản thân anh ta, hoặc là Tổ Tiên của anh ta đã tu được đại thiện. Nhà Phật thường nói “tu phước không tu huệ”, bởi vì anh ta không tu huệ, nên đời này anh ta mới tạo tác ác nghiệp, tạo ác nghiệp thì sẽ làm tổn giảm phước báu.
Thí dụ, phước mà trong đời quá khứ anh ta tu được có đến ức vạn tài phú, trong đời này tuy là phát tài, nhưng do tâm bất thiện, nơi nơi đều áp chế người khác. Làm việc tổn người lợi mình, phước báu của anh ta bị tổn giảm, ngàn vạn tài phú biến thành trăm vạn tài phú, tổn thất quá lớn quá lớn. Nhưng anh ta vẫn còn trăm vạn tài phú, so với người bình thường, anh ta vẫn là giàu có hơn rất nhiều. Nhân quả thông ba đời. Anh ta trong đời này dư phước hưởng hết, tội báo của anh ta liền hiền tiền. Có một vài người, quả báo của anh ta là ở đời sau. Có những người ngay trong đời này lúc tuổi già bị sa sút, bị phá sản. Nguyên nhân tại sao.Vì gia đình tích ác, nên báo ứng của anh ta là như vậy. Mọi người nên hiểu được đạo lí này, hiểu rõ được chân tướng sự thật, nhất định phải biết đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức đối với cá nhân chúng ta, đối với gia đình mình, đối với dòng họ mình, quyết định có đại lợi ích. Phía sau Liễu Phàm Tiên Sinh cử ra ví dụ.
Tích: tích là chỉ đời quá khứ.
Nhan thị tương dĩ nữ thê Thúc Lương Hột.
Đây là nói nhà họ Nhan sắp gả con gái của mình cho Thúc Lương Hột.
Nhi lịch tự kỳ tổ tông tích đức chi trường
“Lịch tự” chính là nói từng đời từng đời tổ tông của Thúc Lương Hột, họ đều tích đức. Gia đình này là gia đình tích thiện.
Nghịch tri kỳ tử tôn tất hữu hưng giả.
“Nghịch” là dự liệu, dự đoán rằng con cháu sau này của gia đình ông ta nhất định được hưng vượng. Thúc Lương Hột là cha của Khổng Tử. Cho nên ngoại công của Khổng Tử đã dự đoán được gia đình ông tương lai nhất định sẽ hưng vượng, ông đem con gái mình gả cho Thúc Lương Hột, về sau sinh ra Khổng Tử. Ông làm sao xem thấy được. Nhìn thấy Tổ Tiên của Khổng Tử là đời đời tích thiện, cho nên biết trong nhà ông sẽ sinh ra đại thánh nhân. Câu chuyện này là nói đến tích thiện.
Chuyện thứ hai: KHỔNG TỬ XƯNG THUẤN CHI ĐẠI HIẾU
Người Trung Quốc nói về hiếu đạo, đầu tiên phải suy tôn Đại Thuấn. Người này là một tấm gương về tận hiếu, chúng ta từ trên ghi chép của lịch sử đọc được, nhất định phải hướng đến ông ấy mà học tập. Sau khi vợ của cha ông qua đời, cũng chính là mẹ của ông gọi là sinh mẫu, cha ông liền cưới một người kế mẫu, sau đó người kế mẫu này cũng sinh một người con trai. Người kế mẫu đối xử với ông rất tệ, cha của ông chịu sự tác động của người kế mẫu. Cha, kế mẫu, em trai do kế mẫu sinh ra. Một gia đình bốn người thì cả ba người kia đều dùng tâm ác đối đãi với ông, nhiều lần sắp đặt cho ông đi vào chỗ chết. Hoàn cảnh gia đình này của ông thật quá ác, nhưng Thuấn vẫn có thể hiếu thuận, trong tâm mắt của ông, hoàn toàn không nhìn thấy cha mẹ, anh em đối xử tệ với mình, ông luôn cho rằng bản thân làm không tốt, mới khiến cho cha ông không hoan hỉ, khiến cho người kế mẫu không vui, khiến em trai không vui, ngày ngày ông đều sửa đổi làm mới. Cứ như vậy sau vài năm, mới có thể cảm hóa được toàn gia đình. Đây gọi là đại hiếu, đây là chân chánh hiếu thuận. Tất cả Thuấn đều tùy thuận, tuy nhiên trong tùy thuận đó có trí huệ cao độ, nhà Phật thường nói là “thiện xảo phương tiện”, nên ông có thể tránh miễn được sự tổn hại của người nhà đối với ông, có thể bảo toàn tính mạng của mình. Ông bằng tâm chân thành, tâm yêu thương mà phụng sự cha mẹ, anh em. Đây là việc mà người thường không làm nổi, nhưng ông làm được. Cho nên Khổng Tử tán thán ông.
Viết: tông miếu hưởng chi, tử tôn bảo chi, giai chí luận dã.
Tổ Tiên được hưởng việc tế tự nơi tông miếu, con cháu đời đời hưởng phúc, bảo tồn cơ nghiệp của tổ tông, đều là những lời nghị bàn chí lí.
Ngoại tổ phụ của Khổng Tử cùng Khổng Phu Tử tán thán đại Thuấn, đây đều là danh ngôn chí lí.
Thí dĩ vãng sự vi chi.
Lại đưa ra những gia đình tích thiện đời xưa, bạn xem xem sự phát đạt của hậu nhân họ, trong lịch sử có ghi chép lại. Hiện tại trong xã hội, chúng ta cũng có thể xem thấy. Phía dưới ông cử ra mười ví dụ. Người thứ nhất là.
Dương thiếu sư Vinh, Kiến Ninh nhân, thế dĩ tế độ vi sanh, cửu vũ khê trướng, hoành lưu xung hủy dân cư, nịch tử giả thuận lưu nhi hạ, tha chu giai lao thủ hóa vật, độc thiếu sư tằng tổ cập tổ, duy cứu nhân, nhi hóa vật nhất vô sở thủ, hương nhân xi kì ngu.
Thiếu Sư Dương Vinh, người Kiến Ninh. Tổ Tiên ông đều sống bằng nghề đưa đò. Có lần Trời mưa lâu ngày ngập lụt, nước chảy xiết cuốn trôi nhà cửa, người dân và súc vật. Các thuyền khác lo vớt của cải trôi trên mặt nước, còn ông cố và ông nội của Thiếu Sư chỉ lo cứu người, không lấy của. Dân làng cho họ là ngu.
Chúng ta xem trước một đoạn. Dương Vinh, làm quan đến chức Thiếu Sư, Thiếu Sư là thầy của Hoàng đế thời xưa. Thầy của Vua thì gọi là Thái sư hoặc Thiếu sư. Đại đa số Thiếu Sư là thầy của Thái tử. Còn thầy của Vua thì gọi là Thái sư, phần lớn gọi thầy của Thái tử là Thiếu sư. Cho nên, Lão Sư được xưng hô gồm có Thái sư, Thái phó và Thái bảo.
Dương Thiếu sư Dương Vinh, “Kiến Ninh nhân”, Kiến Ninh hiện tại là Kiến Âu, tỉnh Phúc Kiến. Tôi đã ở nơi đây hết 6 năm, nhà của Dương Vinh tôi đã tới qua, là nhà tứ hợp viện ba mặt rất lớn. Hiện tại hình như đã đổi thành thành phố Kiến Âu rồi. Tổ Tiên của ông, đời đời kiếp kiếp đều là “dĩ tế độ vi sanh”, đây là nói nghề chèo đò, là làm cái nghề nghiệp này. Do đó có thể biết, đời sống của họ cũng vô cùng gian khổ.
Ở đây gặp phải một trận mưa lớn. Mưa kéo dài, nước sông dâng cao gây ngập lụt. Con sông này hình như là thượng du sông Mân Giang, từ Phúc Châu chạy thẳng ra biển. Nước dâng lên ngập hết làng mạc cư dân, rất nhiều người bị ngập chết, người chết đuối thuận theo dòng chảy mà trôi xuống. Đương nhiên, người chèo thuyền cũng rất nhiều. Nhưng họ đều đi nhặt tài vật, không ngó ngàng đến người bị chìm trôi trong nước, họ chỉ lo tìm kiếm của cải mà thôi. Duy chỉ có Tổ Tiên của Dương Vinh, chính là ông nội và ông cố của ông là lo đi cứu người. Người dân làng nhìn thấy việc làm của họ, đều nói rằng họ ngu si, “cứu người nào có ích lợi gì chứ. Rất nhiều của cải của người khác trôi nổi trên măt nước, bạn nhặt được thì là của bạn”. Nhưng Tổ Tiên của Dương Vinh không cần tiền mà chỉ lo cứu người, đây chính là tích đức. Đãi thiếu sư phụ sanh, gia tiệm dụ.
Đến khi cha của Dương Vinh ra đời, hoàn cảnh gia đình của ông dần dần phú quý sung túc.
Hữu thân nhân hóa vi đạo giả, ngữ chi viết, nhữ tổ phụ hữu âm công, tử tôn đương quý hiển, nghi táng mỗ địa, toại y kì sở chi nhi biếm chi, tức kim chi bạch thố phần dã, hậu sanh thiếu sư, nhược quan đăng đệ, vị chí tam công, gia tằng tổ tổ phụ như kì quan, tử tôn quý thịnh, chí kim thượng đa hiền giả.
Có vị Thần hóa thành một ông Đạo Sĩ đến nói. Ông nội của ông có nhiều âm đức, cho nên con cháu sẽ vượng thịnh. Ông có thể chôn cất họ ở nơi này. Cha Thiếu Sư nghe lời làm theo. Đó là Mồ Thỏ Trắng nổi tiếng hiện nay. Sau đó Thiếu Sư ra đời, hai mươi tuổi đã đậu Tiến Sĩ và làm quan đến Tam Công. Sau đó Hoàng đế còn truy phong ông cố, ông nội và cha của Thiếu Sư đều là Thiếu Sư. Con cháu của Thiếu Sư rất thịnh vượng. Mãi đến bây giờ vẫn còn có nhiều người tài giỏi.
Đây là lấy câu chuyện của Dương Vinh để chứng minh cho “gia đình tích thiện, tất hữu dư khánh”. Ông cố, ông nội của ông tuy là nghèo khó, nhưng đến đời của cha ông thì hoàn cảnh gia đình dần dần chuyển biến tốt hơn. Lúc này có một vị Đạo Trưởng, ở đây viết là “thần nhân hóa vi đạo trưởng”. Chúng ta chỉ nói là “có một vị đạo trưởng”, nói với cha của ông rằng, “Tổ phụ của ngươi có tích âm công”. Tổ phụ chính là ông Cố của Dương Vinh, “từng đã cứu rất nhiều mạng người, cho nên có âm công”, con cháu đời sau nhất định được phú quý vinh hiển.
Nghi táng mỗ địa.
Đạo trưởng chỉ dạy cho ông, đây là phong thủy mà người Trung Quốc chúng ta nói đến, có một khu đất có phong thủy rất tốt. Cha của Dương Vinh, liền đem ông nội của ông mai táng ở chỗ người Đạo trưởng nói. Chính là “bạch thố phần mồ thỏ trắng” ngày nay.
Hậu sanh Thiếu Sư.
Về sau Dương Vinh ra đời. “Nhược quan đăng đệ”, nhược quan là hai mươi tuổi, hai mươi tuổi thì thi đỗ Tiến Sĩ, làm quan đến chức Tam Công, Thiếu sư là một trong Tam Công. Hoàng đế đối với ông vô cùng cảm kích, truy phong ông cố, ông nội và cha của ông là “như kỳ quan”,chức quan như ông. Quan vị của ông là Thiếu Sư, cho nên ông cố, ông nội, và cha ông đều được truy phong là Thiếu Sư.
Tử tôn quý thịnh, con cháu phú quý hưng thịnh, mãi cho đến ngày nay. Từ “kim” này là chỉ cho đời của Liễu Phàm Tiên Sinh, thời đại này chính là thời Minh Triều, trong gia đình ông vẫn còn rất nhiều hiền nhân, đời đời đều là hiền nhân, đây là tổ tông tích đức.
Vị thứ hai là:
Ngân nhân Dương Tự Trừng.
“Ngân” hiện tại là thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, thời xưa gọi là huyện Ngân. Có một vị Tiên Sinh tên là Dương Tự Trừng. Sơ vi huyện lại.
Ông làm quan thư biện trong huyện nha, giống như chức quan thư kí hiện nay, cũng đồng như quan văn thư. Người này.
Tồn tâm nhân hậu, thủ pháp công bình.
Đây là đức hạnh của ông, ông tâm địa nhân hậu, hết mình vì người. “Thủ pháp công bình”,làm việc công bằng, quyết không nhận hối lộ của người khác.
Thời huyện tể nghiêm khắc.
Thời là chỉ cho đương thời, đây là nói vị quan huyện này vô cùng nghiêm khắc.
Ngẫu thát nhất tù.
Ngẫu nhiên cho người đánh một phạm nhân.
Huyết lưu mãn tiền, nhi nộ do vị tức.
Phạm nhân này gặp cơn thịnh nộ của quan huyện, quan huyện cho người đánh anh ta một trận rất nặng, đánh đến nỗi toàn thân đổ máu, mà cơn giận của ông ta vẫn chưa tan.
Dương quỵ nhi khoan giải chi.
Dương Tự Trưng quỳ xuống đất cầu xin dùm cho phạm nhân đó.
Tể viết. Vị quan huyện nói:
Chẩm nại thử nhân việt pháp bội lí, bất do nhân bất nộ.
Ông cầu xin giúp phạm nhân đó. Vị quan huyện nói, phạm nhân này làm quá nhiều điều xấu, “bất do nhân bất nộ”, không thể khiến người không nổi giận, vị quan huyện nói ra lí do ông nổi giận.
Tự Trừng khấu thủ viết.
Dương Tự Trừng hướng đến quan huyện trình thưa.
Thượng thất kỳ đạo, dân tán cửu hĩ, như đắc kỳ tình, ai căng vật hỉ, hỉ thả bất khả, nhi huống nộ hồ, tể vi chi tễ nhan.
Người trên lỗi đạo, khiến dân tâm thất tán từ lâu rồi, quan trên nếu hiểu rõ tình trạng phạm pháp của dân thì nên thương xót họ, chẳng nên thấy mình xét xử án được phân minh mà vui thích, vui còn chẳng nên huống hồ lại giận dữ sao. Quan huyện nghe nói tỉnh ngộ mà nguôi cơn thịnh nộ.
Dương Tự Trừng nói được rất hay. Thượng thất kỳ đạo người trên lỗi đạo, câu nói này rất không dễ dàng nói ra được, từ chỗ này xem thấy, ông thực sự là tâm tính nhân hậu, không sợ bản thân bị mất chức, ông nói ra lời thật.
“Thượng” là chỉ cho Triều đình. Hiện tại bản thân Triều đình có lỗi, nhân dân đối với Triều đình đã mất đi lòng tin. Do đây có thể biết, bách tính phạm pháp, lỗi tại nơi đâu. Lỗi tại không người giáo dục họ. Ai phụ trách việc giáo dục. Giáo học nhà Nho cho rằng là quan viên địa phương, là huyện trưởng; thời xưa quan tri huyện được xưng là “quan phụ mẫu”, Ngài là cha mẹ của nhân dân địa phương này, Ngài là thầy của dân, Ngài là lãnh đạo của dân.
Nho gia nói “tác chi quân, tác chi thân, tác chi sư”. Chữ “chi” là chỉ nhân dân. Người đứng đầu địa phương này là lãnh đạo của nhân dân, là cha mẹ của nhân dân, là thầy giáo của nhân dân, học trò của anh làm việc sai trái, là do anh dạy dỗ họ không tốt. Đây là “người trên thất trách”, hàm nghĩa ở đây rất sâu rộng.
Dương Tự Trừng thật sự có đảm lược và học thức, ông có đức hạnh, can đảm, có học vấn và dám nói lời thật. Ngài thẩm vấn anh ta, thẩm vấn được sự tình, anh ta thật sự đã làm nhiều việc xấu, đáng phải chịu hình phạt nặng, nhưng Ngài nên thương xót anh ta chứ không thể sinh lòng vui mừng. “Hỉ thả bất khả, nhi huống nộ hồ”, Ngài làm sao có thể nổi giận chứ. Quan huyện cũng không tệ, nghe được lời nói của Dương Tự Trừng, cơn thịnh nộ của ông cũng giảm xuống ôn hòa hơn, không còn giận dữ nữa.
Gia thậm bần. Gia cảnh của Dương Tự Trừng rất bần hàn.
Quỹ di nhất vô sở thủ.
Đương nhiên, ông có thể giúp đỡ những người khổ nạn này, đặc biệt là những phạm nhân này, ông ấy có tâm thương xót nên thường thường giúp đỡ họ. Người ta đương nhiên có nhiều người mang lễ đến nhờ cậy ông, nhưng ông “nhất vô sở thủ” một thứ cũng không nhận, ông là đại công vô tư, dựa vào lương tâm của bản thân mà làm, tuyệt đối không nhận hối lộ.
Ngộ tù nhân phạp lương.
Gặp những lúc cơm tù cho phạm nhân bị thiếu hụt.
Thường đa phương dĩ tế chi.
Ông ngày ngày lo nghĩ phương cách để giúp đỡ họ, ông đến những người có thể hành thiện, xin họ giúp đỡ, để những phạm nhân đó có thể được ăn no.
Nhất nhật, có một ngày.
Hữu tân tù số nhân đãi bộ.
Phạm nhân mới đến, có một số người không được ăn uống Gia hựu khuyết mễ.
Trong nhà không còn gạo.
Cấp tù tắc gia nhân vô thực.
Ông lấy gạo trong nhà để cấp cho tù nhân, thì người trong nhà ông sẽ không có cơm để ăn.
Tư cố tắc tù nhân kham mẫn.
Nghĩ thấy tù nhân rất đáng thương.
Dữ kỳ thê thương chi.
Ông cùng với vợ mình thương lượng.
Thê viết: tù tùng hà lai. Viết: Tự Hàng nhi lai. Duyên lộ nhẫn cơ, thái sắc khả cúc.
Vợ của ông hỏi, những tù nhân này từ đâu đến. Là từ Hàng Châu đến. Trên đường đi phải chịu đói rét, sắc mặt đều rất khó coi, mặt mũi vàng vọt.
Nhân triệt kỉ chi mễ chử chúc dục dĩ thực tù.
Đem một nửa số gạo của mình cho phạm nhân, trong nhà mình thì nấu cháo mà ăn.
Hậu sinh nhị tử.
Về sau, Dương Tự Trừng sinh được hai con trai.
Trưởng viết Thủ Trần, thứ viết Thủ Chỉ, vi nam bắc Lại Bộ Thị Lang.
Con lớn tên là Thủ Trần, con nhỏ tên là Thủ Chỉ. Cả hai đều làm quan đến Lại Bộ Thị Lang.
Đây là quả báo, bản thân ông tích thiện tích đức, con cháu của ông liền được phú quý, vinh hiển. Hai người con của ông làm đến Lại Bộ Thị Lang ở miền Nam và miền Bắc. “Thị Lang” địa vị này ngày nay gọi là Phó Bộ trưởng. “Lại Bộ”, thời đó không gọi là bộ trưởng mà gọi là thượng thư, thượng thư là bộ trưởng, còn thị lang là phó bộ trưởng.
Trưởng tôn vi Hình bộ thị lang.
Người cháu lớn làm quan Hình Bộ Thị Lang.
“Hình bộ” chính là Bộ Tư Pháp, Bộ Pháp Vụ ngày nay, cũng đều làm đến Thứ trưởng.
Thứ tôn vi Tứ Xuyên liêm hiến.
Người cháu nhỏ làm quan Liêm,Hiến ở tỉnh Tứ Xuyên.
Liêm hiến.
Là tên gọi của chức quan ngày xưa, về sau đến thời Minh gọi là Án sát sứ, thông thường được gọi là khâm sai đại thần.
Hựu cụ vi danh thần.
Đương thời cả hai đều là đại thần hiền đức nổi tiếng.
Kim Sở Đình, Đức Chánh.
Trong các trước tác lịch sử không có ghi tỉ mỉ về họ. “Kim” là thời đại của Liễu Phàm Tiên Sinh. Sở Đình, Đức Chánh hai vị này.
Diệc kỳ duệ dã.
Cũng là hậu duệ của ông, là đời sau của Dương Tự Trừng. Đây là một quan thư biện nhỏ của huyện nha.
Do đây có thể biết, tích công lũy đức, không luận bản thân chúng ta cuộc sống hiện tại ra sao, trong xã hội có địa vị gì, làm nghề nghiệp gì, đều có thể làm thiện. Cơ hội thật là quá nhiều quá nhiều, chỉ cần có tâm làm lợi ích cho xã hội, lợi ích cho nhân dân, chính là tích công lũy đức. Làm việc tốt, không cầu quả báo, cái công đức này càng lớn hơn. Không cầu quả báo, nhất định sẽ có quả báo thù thắng. Thiện tích được lớn, thiện tích được nhiều, bản thân mình sẽ cảm được quả báo. Giống như Liễu Phàm Tiên Sinh là một ví dụ, Du Tịnh Ý Tiên Sinh (người cùng thời với Viên Liễu Phàm) cũng là một ví dụ, cuối đời hưởng được quả báo, quả báo kéo dài đến đời con cháu ông ta.
Ví dụ thứ ba là:
Tích Chánh Thống gian.
“Chánh Thống” là niên hiệu Anh Tông triều Minh.
Đặng Mậu Thất xướng lọan ư Phúc Kiến.
Đặng Mậu Thất là một đạo phỉ đương thời, tức là cường đạo, là thổ phỉ, anh ta làm loạn tại khu vực Phúc Kiến.
Sĩ dân tùng tặc giả thậm chúng, Triều đình khởi Ngân huyện trưởng Đô Hiến Giai Nam chinh, dĩ kế cầm tặc.
Sĩ dân theo giặc rất đông. Triều đình cử quan Đô Hiến là Trương Giai người huyện Ngân, xuất quân xuống phương Nam, diệt trừ quân giặc.
Hoàng đế Anh Tông dùng Trương Giai của huyện Ngân dẫn binh nam chinh, đem lọan này bình đình trở lại, bắt giữ Đặng Mậu Thất, nhưng vẫn còn lại một vài dư đảng.
Hậu ủy Bố chánh tư Tạ Đô Sự, sưu sát đông lộ tặc đảng.
Kẻ cầm đầu bọn thổ phỉ đã bị bắt giữ, nhưng bên dưới vẫn còn có dư đảng. Cho nên Triều đình lại ủy phái Bố chánh tư Tạ Đô Sự, Bố chánh tư tương đương với tỉnh trưởng hiện nay, Đô sự là một chức quan dưới Bố chánh tư, phái Tạ đô sự đi giết tặc đảng ở đường phía Đông, chính là để bình định một số còn sót lại.
Tạ cầu tặc trung đảng phụ sách tịch.
Vị Tạ đô sự này rất khó có được, đầu tiên ông tìm phương pháp truy ra danh sách bọn tặc đảng.
Phàm bất phụ tặc giả.
Trong số tặc đảng, trên danh sách không có tên của những người này.
Mật thụ dĩ bạch bố tiểu kì, ước binh chí nhật, sáp kì môn thủ, giới quân binh vô vọng sát, toàn hoạt vạn nhân.
Đây là tướng lĩnh thống lãnh binh lính, ông hiểu được tích đức, không giết người oan uổng, không lạm sát người vô tội. Cho nên, ông dụng tâm đi thu thập danh sách của giặc đảng. Nếu như người nào không thực sự thuộc vào giặc đảng, ông không thể để người khác phải chịu oan uổng. Quan binh tiến vào thành tìm kiếm, ông dạy những người không liên quan đến tặc đảng, ông đưa cho họ một lá cờ trắng, dặn khi quan binh vào thành, “các ngươi đem là cờ này treo ở trước cửa nhà”, và ông cấm quan binh không được quấy nhiễu họ. Nhờ vậy “toàn hoạt vạn nhân-bảo toàn tính mạng cho vạn người”, đây là công đức ông tích được.
Trong lịch sử Trung Quốc, từ xưa đến nay, có người làm tướng quân, có người làm đại tướng quân, người có thể bảo toàn được hậu duệ rất ít. Nguyên nhân tại sao? Do sát hại quá nhiều người, cho nên đời sau của họ đều không tốt. Trong số các võ tướng Trung Quốc, người có hậu nhân tốt xác thực là không nhiều, trên lịch sử chân thật số lượng đó có thể nêu ra được. Những người làm tướng quân này đều coi trọng tính mạng con người, tuyệt đối không lạm sát, kỉ luật quân đội rất nghiêm khắc, nhờ vậy mới có thể bảo toàn được đời sau.
Hậu Tạ chi tử Thiên, trúng trạng nguyên, vi Tể phụ, tôn Phi, hậu trúng Thám Hoa.
Đây là nói quả báo của hậu nhân Tạ Đô Sự. Con trai của ông là Tạ Thiên đậu trạng nguyên, làm quan đến chức tể tướng. Cháu của ông là Tạ Phi, thi đỗ Thám Hoa, Thám Hoa là hạng thứ ba của cấp bậc Tiến sĩ. Đây đều là những chứng nghiệm cho việc “tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”.
Lại nói với chúng ta, ở Bổ Điền có Lâm gia:
Bổ Điền Lâm thị, tiên thế hữu lão mẫu hiếu thiện, đương tác phấn đoàn thí nhân, cứu thủ tức dữ chi, vô quyện sắc.
Đây là nói đến Bổ Điền, cũng là tại Phước Kiến. Đời trước của ông có lão mẫu hiếu thiện, đây là Tổ mẫu đời trước của ông thích làm việc thiện, thường thường làm bánh bao bố thí cho người, bố thí cho những người nghèo khổ. Mỗi ngày đều làm như vậy, cả đời đều không mệt mỏi, ngày ngày dùng cách này để bố thí, có người đến xin bà, ai ai bà cũng đều cho, một tơ hào cũng không chán mỏi, mỗi ngày đều làm việc bố thí.
Làm việc thiện, hết lòng mà làm. Dùng thiện đối đãi với người, bản thân quyết định có quả báo tốt, không phải sợ chịu thiệt thòi, không sợ bị lừa. Ngạn ngữ thường nói: “Chịu thiệt được phước”, cho nên chúng ta thường thường nghĩ, chúng ta không có cái cơ duyên này, nếu như tôi có cơ hội này, tôi tình nguyện mở một nhà hàng, mở một nhà hàng miễn phí để cúng dường mọi người.
Hiện tại chúng ta tại cư sĩ Lâm Tân Gia Ba, tôi đem cách nghĩ này của tôi nói với Cư sĩ Lí Mộc Nguyên, Cư sĩ Lí Mộc Nguyên đã chân thật làm trong ba năm. Mỗi ngày đều cúng dường cơm chay, là hoàn toàn miễn phí. Bình quân mỗi ngày đến Cư sĩ Lâm ăn cơm có đến môt ngàn người, cuối tuần có đến ba, bốn ngàn người. Đây là việc tốt.
Cư sĩ Lâm có bị người ăn đến sụp đổ không. Không có, càng ăn càng hưng vượng. Gia nhân nhiều, vì có nhiều người như vậy đến ăn mà. Từ khi bắt đầu đến nay, nói cho chư vị hay, là chưa từng đi mua gạo, cũng không mua dầu, không phải mua rau, vậy mà ăn không hết. Nguyên nhân tại đâu. Mọi người biết được cư sĩ Lâm làm việc tốt, nên ngày ngày đều có người mang gạo đến, có người mang dầu đến, có người mang rau đến. Mang đến cúng dường rất nhiều, ăn không hết. Ăn không hết thì phải làm sao. Chúng tôi mang đồ dư như gạo, rau đó đến cúng dường cho các viện dưỡng lão, cúng dường cô nhi viện. Cho nên, ở Tân gia ba những viện dưỡng lão, cô nhi viện của nhiều tôn giáo đều nhận đồ cúng dường của chúng tôi. Đây là việc tốt.
Hôm nay chỉ giảng đến đây thôi.
A DI ĐÀ PHẬT!
Liễu Phàm Tứ Huấn
Chủ giảng: Lão HT. Tịnh Không
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên Tập: Minh Tâm
Địa Điểm: Đài Truyền Hình Phượng Hoàng – Thẩm Quyến
Discussion about this post