Chúng ta là môn nhơn của Đức Thầy, hơn nữa chúng ta là kẻ tu hành giữa đời loạn lạc thường hay đụng chạm nhiều việc khó khăn, nhứt là phải đương đầu với bao nhiêu lời cay tiếng đắng của kẻ khác, nếu chúng ta theo thường tánh gây ó lại, chống chỏi lại thì lòng chúng ta ngày nầy đến ngày khác cứ chác lấy sự buồn tủi không khi nào dứt để tu tỉnh được. Còn như muốn lướt qua chỗ ấy cần phải có cách nào? Có cách nhẫn nhục.
Tánh nhẫn nhục mềm mại như nước, có sức chiều uốn các hình thể: gặp vuông chiều theo vuông, gặp tròn chiều theo tròn, những chỗ rỗng nó truông qua mau, chỗ đặc nó làm thấm ướt dần dần, chớ không một vật nào mà nó không thấm không xoi qua được.
Lòng nhẫn nhục sẽ lướt qua tất cả chướng ngại; và chính nó giúp cho con người tu tiến đến chỗ thành tựu.
“Phải nhẫn nhục chờ người cổ tích,
Phật với Trời phân định cho ta”.
Đức Thầy bảo chúng ta hãy nhẫn nhục để chờ đợi người xưa trở lại và hãy đợi sự phân định của Trời Phật. Nếu trong sự tu hành của chúng ta được công cao, quả dày, phước nhiều, đức lớn, dù ai xô không ngã, ai phá không xiêu, vẫn trơ cứng vững vàng đến ngày kết cuộc, tùy theo công hạnh của mình mà Trời Phật ban cho quả phẩm xứng đáng. Nhược bằng trong lúc tu hành gặp việc khó khăn, chúng ta không nhẫn nhục được để sa ngã theo lòng tham lam, nóng giận thì bao nhiêu công phu đều tan nát hết cả, đó cũng như đốn củi ba năm chỉ thiêu một giờ.
Tại sao trong lúc chúng ta tu hành lại gặp sự khó khăn? Bởi người đời nay tiến mạnh về vật chất nhiều hơn về tinh thần đạo đức,số người theo đời nhiều hơn theo đạo, xây bên nầy đụng người khuấy rối, xây bên kia bị kẻ khác chọc giận, trước mặt sau lưng đều có người cuốn lôi cám dỗ cả, người tu đứng giữa nếu không vững tinh thần và tự chủ lấy thân thì không khỏi sa ngã. Vì thế mà tánh nhẫn nhục sẽ giúp cho người trong lúc tu hành rất có hiệu năng.
Nhẫn nhục có nghĩa phải chịu hèn, chịu kém hơn người và phải chịu thua thiếu hơn người, để người tránh qua bên đường cho mình đi tới, hoặc họ bớt rầy ó khắc khổ cho mình được yên tĩnh trong lúc tu niệm. Nói rõ là mình dám chịu lúc khó khăn, nén lòng khi thử thách của đời, để giữ còn tâm đức và đạo hạnh của mình cho đi tới chỗ tới nơi.
Lòng nhẫn nhục của người trượng phu quân tử mới trông qua nó mềm dường như nước mà nhìn kỹ thì nó cứng không thua sắt đá, họ chiều những việc khó chiều để giữ còn giá trị và làm xong ý nguyện cao cả của họ.
Trong lúc nhẫn nhục mình đã suy lường cân nhắc rất kỹ lưỡng rồi, mình đã dò xét sự lợi hại, sự nhục vinh, rõ hiểu từ ly từ tí của việc ấy như thế nào rồi, thấy rằng mình cương mạnh lên sẽ thất bại, còn chịu nén mềm xuống ắt thành công, nên phải nén lòng xuống nghĩa là chịu nhẫn nhục để cho nên việc.
Nhớ lại trường hợp của Khổng Minh gởi chăn yếm cho Tư Mã Ý, có ý thị Tư Mã Ý như đàn bà, những là con người rất yếu ớt, khiến Tư Mã Ý nóng lòng ra thành để ông chận đánh, vì ông lập kế vây thành lâu ngày mà không thấy Tư Mã Ý ra đánh. Tư Mã Ý thấy mình ra thành sẽ thất bại nên ông thà chịu nhục, không ra thành. Việc của mình cân lường so sánh thấy nhẫn nhục được thì lợi, còn cương lên sẽ bị hại nên phải nhẫn là như vậy đó.
Còn các Ngài Đại sĩ và các bực Cổ đức cũng nhờ sự nhẫn nhục mà mau chứng quả Bồ đề. Xưa có vị Tiên tu hành bị Ca Lợi vương cắt tay, thẻo mũi mà lòng không oán giận cũng là do tu pháp nhẫn nhục. Vì lẽ đó toàn cả chúng ta là kẻ học Phật lúc nào cũng cần có tánh nhẫn nhục.
Nhẫn nhục với ta và với người khác nữa.
Nhẫn với ta:
1– Lẽ thứ nhứt của tánh nhẫn nhục với ta là ngay từ miếng ăn uống, thức may mặc, đến chỗ ở của mình cũng đơn giản tiết kiệm, không bì theo người ăn chơi phung phí để khỏi làm cảnh rách lạnh đói khát sanh nghề bất lương gây ra nhiều điều tội lỗi.
2 – Lẽ thứ hai của tánh nhẫn nhục với ta là lời của mình nói ra, phải rán nhẫn những lời độc ác, chừa lời dối trá, nói với người trong nhà hay ngoài đường cũng lấy sự thật và nói những lời hiền lành, hầu tránh cho đời mình khỏi ác lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ và khiến cho những người khác vui vẻ tiếp nạp câu chuyện của mình nói với họ sẵn sàng hoan nghinh tin tưởng những lời lẽ của mình bàn xét với họ, nhứt là họ không hề chán ghét điệu giọng của mình.
3 – Lẽ thứ ba của tánh nhẫn nhục với ta là nhẫn đến cái thấy hằng ngày của mình, đừng để mắt thấy sắc tà hay trông vào tướng quấy, phải luôn luôn gìn sự thấy tỏ tường ngay thẳng đáng người có hạnh kiểm. Cũng như trường hợp của ông Quảng Ninh, trong lúc ông nghèo, đi cày đất trồng tỉa, gặp cục vàng văng lên ông không ngó tới, vì ông cho đó là của vô cớ. Còn một trường hợp nữa là con gái của Ma Vương để lõa thể đến trước mặt Phật, mà Phật chẳng hề vọng tâm. Với cái thấy phải được chính đáng như vậy là nhẫn con mắt.
4 – Lẽ thứ tư của tánh nhẫn nhục với ta là nhẫn ở chỗ nghe: không móng nghe đến lời dâm loàn hay câu thô tục, giữ cho sự nghe của mình được tốt lành được ngay thẳng, ví dụ: người kia đọc quyển tiểu thuyết trong đó đầy lời lã lơi trây trúa để kích thích dục tình của mình; hoặc họ dùng câu chuyện Lương sơn bạc đủ mánh khóe cướp giựt của người hoặc họ đem việc gian thần của Tạ Thị mưu mẹo soán ngôi vua hoặc họ đem lời tồi bại của người loạn luân mà xúi giục mình, với những lời trái nhân đạo ấy, mình nên bít tai và lánh đi, nếu trường hợp mình không thể lánh đi được thì tuy ngồi đó nhưng không nghe theo việc ấy. Đó là nhẫn về sự nghe.
5 –Lẽ thứ năm của tánh nhẫn nhục với ta là ngoài tánh nhẫn: khi nói, nghe, thấy còn phải nhẫn luôn cái ý của mình, khéo đè nén nó, trấn dẹp nó đừng cho vọng khởi những điều ác, mơ mộng việc quấy, nói rõ hơn là đừng để nó vọng khởi lòng tham khi thấy của người, hay vọng khởi lòng ưa thích khi thấy sắc đẹp hoặc vọng nhiễm khi nghe tiếng dâm và không khởi lòng oán giận khi người khác chê đè húng hiếp riêng mình, nghĩa là mình phải nhẫn tất cả thói xấu xa để đổi lại lòng tốt đẹp.
6 – Lẽ thứ sáu của tánh nhẫn nhục với ta là trên con đường tiến hóa của mình, dĩ nhiên phải gặp lắm gai chông nguy hiểm; kẻ chê người ghét, kẻ bàn ra người thọt vào đủ cách, mình không vì đó mà núng nao sa ngã, cứ vẫn một mực tiến tới, chừng nào công đức được cao, quả phẩm được dày mới thôi.
Đó là trường hợp nhẫn với ta.
Nhẫn với người:
1– Lẽ thứ nhứt của tánh nhẫn với người là khi mình cô thế gặp phải kẻ khác ỷ mạnh, ỷ đông húng hiếp, trong lúc mình chưa có phương hay, hoặc chưa đủ điều kiện thắng phục họ, nghĩa là mình chưa có sức mạnh, chưa có phương tiện nào tốt đẹp hay ho hơn thì phải nhịn họ để tránh khỏi trường hợp châu chấu chống xe.
2 – Lẽ thứ hai của tánh nhẫn với người là khi người dùng lời lỗ mãng, thô tục với mình, mình không nên lấy lời nặng nề đáp lại, cũng không dùng lời nói xuyên tạc quèo móc để trả đũa mà phải luôn luôn lấy lời lẽ ôn hòa tao nhã giải bày cho họ được hiểu hầu khiến cho họ từ chỗ dùng lời nặng nề với mình đổi lại dịu giọng êm ái và hiền lành hơn. Được thế mới tránh câu chuyện gây ó giữa mình cùng người trong khi luận bàn qua lại.
3- Lẽ thứ ba của tánh nhẫn với người là khi thấy người tham lấy món gì hay ăn chẹt vật chi của mình, mình thấy đó là vật nhỏ mọn không đáng kể, nhứt là của cá nhân mình thì hãy tỏ ra vui vẻ như thường, chỉ dùng lời lẽ dịu ngọt đừng nói gay gắt với họ và đừng vẻ nghi ngờ họ, song phải nói cách nào khéo léo để đánh tan lòng tham nhỏ mọn ấy đi. Được như thế thấy rằng giữa mình cùng người kia không mất lòng thân ái còn khiến họ bỏ tánh tham lam đổi lại lòng bố thí ngay thẳng.
4 – Lẽ thứ tư của tánh nhẫn với người là khi người khác quyến rủ mình làm việc không hợp pháp, không chánh đáng, trái qui luật đạo, không hợp luân thường thì mình hãy tìm cách chối từ, không nên làm theo những điều phi pháp, ví dụ: mình không ăn thịt bò, gặp bạn rủ dùng thịt bò thì nên từ chối không nên tùng ý bạn phải phạm giới, Đức Phật nói “thà mổ bụng đi, chớ không ăn vật không chánh đáng hay phi thời. Có được vậy, mới tránh sự rủ ren của kẻ bất chánh để giữ còn tánh trong sạch của mình”.
Ngoài những điều nhẫn đã kể qua, với các việc khác chúng ta cứ tùy tiện, nếu việc nào nhẫn được có ích cho mình hay cho người khác thì cứ nhẫn, hay việc nào cương mà có lợi lành thì vẫn cương lên. Cứ tùy trường hợp lợi hại hoặc cương đi tới, thực hiện lòng nguyện ước của mình trước kia, chớ không bỏ trôi.
Tóm tắt mục nhẫn nhục nầy, dạy ta về tâm tánh thì hãy nhẫn tất cả những điều hung hăng bạo tợn, đổi lại hiền lành; về lời nói thì nhẫn lời thô tục, dối trá đổi lại lời chơn thật tốt lành; về ý nghĩ thì nhẫn tất cả những ý nghĩ xằng xiên độc ác đổi lại ý nghĩ ngay ngắn từ thiện. Như thế là ý nghĩa của lòng nhẫn nhục.
Discussion about this post