CHƯƠNG MƯỜI BẢY
Chư vị đồng tu, xin chào mọi người!
Tiếp theo mời xem đoạn cuối cùng của “Phương pháp tích thiện”:
Tùy duyên tế chúng, kì loại chí phồn, ước ngôn kì cương, đại ước hữu thập.
Tùy duyên giúp người có nhiều hình thức. Có thể tóm tắt thành mười loại.
Đây là Liễu Phàm Tiên Sinh hướng dẫn cho chúng ta, trong sinh hoạt ngày thường phải biết tùy duyên mà tận lực hành thiện. Là những việc thiện nào. Ông đã cử ra 10 ví dụ.
Đệ nhất dữ nhân vi thiện, đệ nhị ái hộ tồn tâm, đệ tam thành nhân chi mỹ, đệ tứ khuyến nhân vi thiện, đệ ngũ cứu nhân nguy cấp, đệ lục hưng kiến đại lợi, đệ thất xả tài tác phúc, đệ bát hộ trì chánh pháp, đệ cửu kính trọng tôn trưởng, đệ thập ái tích vật mạng.
Thứ nhất, trợ giúp người làm thiện. Thứ hai, giữ lòng kính mến người. Thứ ba, thành toàn việc thiện của người. Thứ tư, khuyến khích người làm thiện. Thứ năm, cứu người gặp nguy khốn. Thứ sáu, xây dựng lợi ích lớn. Thứ bảy, xả tài làm phúc. Thứ tám, giữ gìn bảo hộ chánh pháp. Thứ chín, kính trọng tôn trưởng. Thứ mười, thương tiếc mạng sống loài vật.
Chúng ta đọc được mười điều này, sau đó hãy suy nghĩ cẩn thận, điều này thực sự rất cần thiết. Tuy nhiên trong xã hội, mười điều này có thể nói là khiếm khuyết rất nghiêm trọng. Cho nên xã hội động loạn không an, lòng người lo lắng, chân thật là có đạo lí. Mười điều này đối với chúng tôi có sự lợi ích rất lớn.
Liễu Phàm Tiên Sinh phía sau từng điều từng điều vì chúng ta mà thuyết minh. Đầu tiên nói “Dữ nhân vi thiện”:
Hà vị dữ nhân vi thiện.
Cái gì gọi là vì người làm thiện.
Ở đây cử ra một ví dụ thời xưa.
Tích Thuấn tại Lôi Trạch, kiến ngư giả giai thủ thâm đàm hậu trạch, nhi lão nhược tắc ngư u cấp lưu thiển than chi trung, trắc nhiên ai chi, vãng nhi ngư yên. Xưa, vua Thuấn thấy những người đánh cá ở ao Lôi đều tranh nhau chiếm chỗ sâu nhiều cá. Còn người già yếu đành chịu thua phải câu nơi nước cạn hay nước chảy xiết.
Đây là nói về vua Thuấn, lúc vua Thuần còn nhỏ. “Lôi Trạch” là tên hồ ở Sơn Đông. Ở bên hồ, đương nhiên người đánh cá rất nhiều. “Ngư giả” là chỉ cho người đánh cá. Những người này đều trẻ trung khỏe mạnh, đều chọn nơi tốt để bắt cá. Còn những người già yếu thì không cách nào tranh được với họ, chỉ có thể đến nơi nước cạn hoặc nước chảy xiết. Đây là những nơi không tốt, cũng không dễ gì bắt được cá. Thuấn sau khi xem thấy, sanh lòng thương xót, đây là người trẻ khi dễ người già yếu, làm việc có lỗi với họ. Thuấn làm cách gì. Ông cũng đi đánh cá. Ông cũng đi và lấy thân làm gương, làm một mô phạm tốt cho người khác xem.
Kiến tranh giả, giai nặc kì quá nhi bất đàm, kiến hữu nhượng giả, tắc du dương nhi thủ pháp chi.
Cách làm của ông rất hay. Thấy người nào trong lúc bắt cá mà tranh chấp với nhau, tranh giành không chịu nhường, ông ngay cả một câu cũng không nói, không nói ra lỗi sai của họ. Còn nếu ngẫu nhiên gặp được người nhường nhịn cho nhau, ông liền hết lời ca ngợi tán thán.
Kỳ niên.
Qua một năm.
Giai dĩ thâm đàm hậu trạch tương nhượng hĩ.
Sau khi trải qua một năm, nhờ sự cảm hóa của Thuấn, mọi người đều biết nhường nhịn cho nhau.
Phù dĩ Thuấn chi minh chiết, há bất năng xuất nhất ngôn giáo chúng nhân tai, nãi bất dĩ ngôn giáo nhi dĩ thân chuyển chi, thử lương công nhược tâm dã.
Thuấn xác thực là người có trí huệ. Ông tại sao lại không dùng ngôn giáo để nhắc nhở mọi người, mà dùng thân giáo lấy bản thân mình thực hành, để làm gương cho họ. Đạo lí ở đây chúng ta phải suy nghĩ cặn kẽ, bởi ngôn giáo không bằng thân giáo. Bạn dạy người làm, mà bản thân bạn không làm, thì không ai tin bạn cả. Nhất là trong xã hội hiện nay, tập khí tham sân si mạn của con người bị ô nhiễm so với người xưa không biết là nhiều gấp mấy chục lần, mấy trăm lần.
Vào thời đó, chúng ta có thể nói người dân vẫn còn thuần phác, Thuấn dùng phương pháp đó trong một năm liền có thể có được hiệu quả. Chúng ta ngày nay phải học theo tinh thần của Vua Thuấn, phải dùng đến phương pháp “lấy thân làm gương”, nhưng một năm thì không thu được hiệu quả, chí ít cũng phải đến mười năm, nếu như mười năm có thể thu được hiệu quả, đó là vô cùng may mắn. Nếu mười năm không thu được hiệu quả, thì hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, kiên trì lâu dài thì nhất định có thể cảm hóa được chúng sanh. Đây là lấy tâm từ bi của Thuấn, lấy thiện xảo phương tiện của Thuấn làm một ví dụ. Phía sau nói.
Ngô bối xử mạt thế.
Chúng ta sống trong thời mạt thế này.
“Mạt thế” là thời đại mạt pháp mà trong Kinh Phật đã nói. Pháp vận của Thích Ca Mâu Ni Phật, chúng ta tại trong Kinh xem thấy là một vạn hai ngàn năm. Một ngàn năm đầu tiên là thời kì chánh pháp, một ngàn năm thứ hai là thời kì tượng pháp, tượng pháp là gần như đã biến chất rồi. Một vạn năm sau cùng được gọi là thời kì mạt pháp, hiện tại mạt pháp đã trải qua một ngàn năm rồi. Liễu Phàm Tiên Sinh là người thời Minh, Minh triều đã là thời kì mạt pháp, lúc này lòng người dần dần bạc bẽo, không còn thuần hậu như trước kia nữa, đây là đặc biệt nói ra, thế hệ chúng ta hiện nay sống vào thời mạt pháp này.
Vật dĩ kỉ chi trường nhi cái nhân, vật dĩ kỉ chi thiện nhi hình nhân, vật dĩ kỉ chi đa năng nhi khốn nhân.
Đừng lấy ưu điểm của mình mà chèn ép người khác, đừng lấy việc hay của mình đi so sánh với người khác, đừng lấy tài giỏi của mình đi làm khó dễ người khác.
Đây là Liễu Phàm Tiên Sinh khuyến đạo chúng ta, trong thời mạt pháp này ngàn vạn lần đừng nên lấy điểm mạnh của mình mà chèn ép người khác. Người khác có chỗ bất thiện, người làm điều bất thiện trong xã hội hiện tại quá nhiều quá nhiều, bản thân chúng ta tuy rằng hành thiện, quyết không thể dùng việc thiện đó cùng người khác so sánh, tranh đua, điều này không nên. Ngươi khác có năng lực không bằng bạn, bạn không thể đem năng lực của mình đi làm khó người khác.
Đạo Tràng chúng ta có Pháp Sư Ngộ Thiên, thể lực người này rất mạnh mẽ. Năm ngoái khi mà bà Hàn Quán Trưởng còn sống thường nói với tôi, một mình Ngộ Thiên có thể làm công việc của 5 người, có điều không thể ở được với người khác, bà ở với ai cũng không được. Tôi cũng đã giúp đỡ bà tìm một vài nơi, nhưng bà đều không ở được, không thể ở chung với người khác. Cuối cùng, tôi đưa bà lên núi Toowoomba, cho bà chăm nom nơi đó. Tôi đem tên bà đổi lại. Quán Trưởng đặt cho bà là Ngộ Thiên, chữ Thiên trong đại thiên Thế Giới, hình dáng của chữ Thiên này giống như một thanh bảo kiếm, nơi nơi đều đâm bị thương người, cho nên tôi đổi lại cho bà thành chữ Khiêm trong khiêm tốn, muốn bà học khiêm tốn, học nhẫn nhường. Bà sống trên núi đã hơn một năm rồi, không tệ, xác thực là mỗi ngày bà đều phản tỉnh, cuối cũng bà đã hiểu rõ được, bà biết mình vì cái gì mà không thể ở được với người khác. Chính là bà làm việc tốc độ quá nhanh, cẩn thận và có trách nhiệm, nhìn thấy người khác đều không vừa mắt, đây chính là dùng năng lực của bản thân mà làm khó người khác, cho nên người khác đều không hoan hỷ với bà. Chỉ cần bà hồi đầu, mọi người liền hoan hỷ với bà, đều tán thán bà, đều muốn ở chung với bà. Người quý ở chỗ tự nhận biết được mình, nhất định phải biết bệnh căn của bản thân ở chỗ nào, đem nó sửa đổi cho tốt, đây mới chân thật là người thiện.
Thu liễm tài trí, nhược vô nhược hư, kiến nhân quá thất, thả hàm dung nhi yểm phúc chi. Nhất tắc lệnh kì khả cải, nhất tắc lệnh kì hữu sở cố kị nhi bất cảm túng.
Đừng nên khoe khoang tài trí của mình, chỉ sử dụng lúc cần mà thôi. Khi thấy người khác làm lỗi nên bao dung che giấu, để họ vừa có dịp tự sửa chữa vừa e ngại không dám lộng hành.
Đây là dạy cho chúng ta thái độ bình thường xử sự đối người tiếp vật. Bản thân có tài trí, nhất định phải thu liễm. Phải biết thu liễm, cho dù bản thân có tài phải thường nghĩ rằng mình không có tài năng gì hết, như vậy là đúng. Cho dù chúng ta có tài trí đi nữa thì so với Cổ Thánh Tiên Hiền chúng ta vẫn còn kém rất xa, căn bản không thể so sánh được với họ, một chút tài trí này thì tính làm gì chứ. Người hiện nay có một chút năng lực thì cảm thấy thật đáng để kiêu ngạo, đây là sai rồi, cái đáng kiêu ngạo này khiến cho đức hạnh của bản thân hoàn toàn đều bị phá hủy mất, đây là sai lầm quá lớn. Nhất định phải biết thu liễm, phải biết khiêm tốn. Nhìn thấy chỗ sai của người khác nhất định phải bao dung, phải che dấu, cái gọi là “ẩn ác dương thiện”. Giáo huấn của người xưa là chân lí, chúng ta đối với người như thế, dùng “nhất tắc lệnh kỳ khả cải”. Để cho anh ta từ từ giác ngộ ra, từ từ hồi đầu, cho anh ta cơ hội sửa lỗi. Vừa cho anh ta biết kiêng dè, anh ta làm ác người khác không phải là không biết, mọi người đều biết cả chỉ là không nói và bao dung cho anh ta mà thôi. Làm vậy dễ dàng khiến anh ta sinh tâm hổ thẹn, không dám phóng túng nữa. Đây là thái độ đúng đắn của chúng ta trong việc xử thế đối người.
Kiến nhân hữu vi trưởng khả thủ, tiểu thiện khả lục, phiên nhiên xả kỉ nhi tùng chi.
Nếu thấy người ta có chút ưu điểm đáng để noi theo hay làm được chút việc tốt đáng để kể ra, thì ta bèn bỏ cái của ta.
Đây là bí quyết để tùy duyên độ chúng sanh. Người có ưu điểm rất nhỏ, có thiện hành rất nhỏ, chúng ta nhìn thấy được, có thể xả bỏ lập trường bản thân mà toàn tâm toàn lực giúp đỡ họ. Việc thiện chúng ta làm so với anh ta vẫn là lớn hơn, vẫn là tốt hơn, chúng ta tạm thời buông xuống mà tùy thuận anh ta, khiến anh ta sanh tâm hoan hỷ, giúp đỡ anh ta, thành tựu cho anh ta, đây mới là chân chánh giúp người làm thiện.
Thả vị diễm xưng nhi quảng thuật chi.
Đồng thời noi gương họ và tán dương cho mọi người biết.
“Diễm xưng” là khen ngợi, tán thán khiến anh ta làm thiện ngày càng tăng.
Phàm nhật dụng vấn, phát nhất ngôn, hành nhất sự, toàn bất vị tự kỉ khởi niệm, toàn thị vị vật lập tắc.
Hằng ngày, dù là nói năng hay làm việc gì, đều không vì mình mà khởi niệm, đều nghĩ bản thân phải làm mô phạm cho người khác.
Cái gì gọi là “vị vật lập tắc”. Chúng ta nếu như nói là người thì phạm vi có hạn, còn nếu như là “vật” thì có bao gồm cả người trong đó. Ngày nay chúng ta gọi là động vật, động vật có thể bao gồm cả con người. Nhưng nếu như nói “người” thì không bao gồm cả động vật. Cho nên ý nghĩa của “vật” so với “người” rộng hơn rất nhiều. Không chỉ là vì tất cả mọi người làm mô phạm, “tắc chính” là mô phạm, là tấm gương. Mà phải vì tất cả chúng sanh mà làm một tấm gương tốt. “Nhất thiết chúng sanh”, chỉ phạm vi bao quát rất rộng.
Thử đại nhân thiên hạ vi công chi quảng dã.
Vì việc nên làm mà làm, đó mới là phong độ của Thánh Nhân, nhìn mọi việc đều là việc của chung vậy.
Ngày nay chúng ta phải sửa sai, khi giảng về tu thiện, tích thiện. Chúng ta nhất định phải hiểu được đạo lí này. Phải từ việc mở rộng tâm lượng mà làm. Khởi tâm động niệm không phải vì bản thân, mà là vì thiên hạ, vì Thế Giới, vì xã hội, vì chúng sanh, quyết không có ý niệm vì bản thân mình, người như vậy thì được xưng là “đại nhân,người có nhân cách lớn”, đây chân thật là “người vì thiên hạ”.
Đoạn thứ hai nói: Hà vị ái kính tồn tâm.
Cái gì gọi là giữ tâm ái kính.
Đây là điều vô cùng quan trọng! Xã hội hiện tại của chúng ta thực tại mà nói là thiếu đi tâm yêu thương. Người hiện đại cơ hồ đã đem cái gì gọi là tâm yêu thương quên sạch cả rồi, điều này không được. Trong Phật Pháp thường nói “từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, từ bi chính là ái tâm yêu thương. Năm nay là năm 2001, vào năm ngoái khi tôi ở tại Tân Gia Ba, theo thông lệ cũ, chúng tôi tổ chức buổi tối thân mật kỉ niệm thiên niên kỉ mới. Tôi liền nghĩ đến: buổi hội tối hôm nay, tôi tặng mọi người lễ vật gì. Nghĩ đến xã hội ngày nay không có ái tâm, tôi liền viết một chữ Ái. In ra hai vạn tấm, hướng đến mọi người tặng ái tâm. Tấm gốc tôi tặng cho Thủ tướng Tân Gia Ba, Ngô Tác Đồng Tiên Sinh, hướng đến khắp Thế Giới tặng tâm yêu thương. Có đồng tu đem chữ này đến những địa phương khác tặng, tôi nghe được rất hoan hỷ. Bản thân tôi biết tặng cho ba vị tổng thống. Tổng thống Nathan của Singapore, tặng tổng thống Wahid của Inđônêsia một tấm, tặng Tổng thống Bush của Mỹ một tấm, nơi nơi đều tặng ái tâm, để đề xướng mọi người rằng ái tâm rất quan trọng. Duy chỉ có chân thánh ái hộ người khác, ái hộ tất cả chúng sanh, Thế Giới này của chúng ta mới có thể an định, mới có thể hòa bình, nhân dân mới có thể sống đời sống hạnh phúc mỹ mãn.
Chúng ta xem tiếp đoạn văn phía dưới:
Quân tử dữ tiểu nhân, tựu hình tích quan, thường dị tương hỗn.
Thế gian này cái gì gọi là quân tử. Cái gì gọi là tiểu nhân. Nếu như từ trên hình tướng mà xem xét thì khó mà phân biệt được.
Duy nhất điểm tồn tâm xứ, tắc thiện ác huyển tuyệt, phán nhiên như hắc bạch chi tương phản.
Nếu như từ trên tâm địa mà nói, quân tử cùng tiểu nhân hoàn toàn không giống nhau. Trên hình tướng rất khó mà biện biệt được, nhưng từ trên tâm thì rõ ràng minh bạch, cũng giống như trắng đen vậy, tuyết đối không lẫn lộn.
Quân tử sở tồn chi tâm, chỉ thị ái nhân kính nhân chi tâm.
Chỗ tồn tâm của người quân tử là giữ lòng tôn kính và yêu mến người.
Cái này chúng ta phải biết, Đại Thánh Đại Hiền, Chư Phật Bồ Tát, cùng với người bình thường chúng ta có cái gì không giống nhau. Nếu như trên hình dáng, sinh hoạt ngày thường mà xem, thì thực tại mà nói là giống nhau. Duy chỉ có tâm không đồng. Chư Phật Bồ Tát, Đại Thánh Đại Hiền, cái mà họ giữ gìn là tâm ái kính, ái kính chân thành, ái kính bình đẳng, ái tâm của Phật Bồ Tát là trải khắp hư không pháp giới. Đoạn văn phía sau nói:
Cái nhân hữu thân sơ quý tiện, hữu trí ngu hiền bất tiếu, vạn phẩm bất tề, giai ngô đồng bào, giai ngô nhất thể.
Đại khái con người ta ở đời có người thân sơ hay sang hèn, có người thông minh trí tuệ hay đần độn ngu si, có người hiền lương đạo đức hay phàm phu tục tử, hàng vạn vạn người chẳng ai giống ai, nhưng đều là đồng bào của ta.
Ai có thể hiểu được đạo lí này. Cái gì là “vạn phẩm bất tề” giữa con người. Đây là nói tập nhiễm không đồng, tập tánh không đồng. Tập tánh là từ đâu mà có. Là do thiện ác tâm hành từ vô lượng kiếp biến hiện ra. Phật Pháp gọi là nghiệp lực, nghiệp lực không giống nhau, cho nên mới có người trí kẻ ngu. Thế nhưng phải biết, những người này cùng một thể với chúng ta, “giai ngô đồng bào”. Sự việc này nếu như không phải là Đại Thánh Nhân dạy cho chúng ta, chúng ta sẽ không có cách nào thể hội đến được. Tại trong tác phẩm “Hệ Từ Truyện của Kinh Dịch”. Khổng Tử nói: “nhân dĩ lọai chúng, vật dĩ quần phân”, lại còn nói với chúng ta: “tinh khí vi vật, du hồn vi biến”. Những câu nói này đều là muốn nói cho chúng ta về nguồn gốc của vạn vật, nguồn gốc của sinh mạng và nguồn gốc của các dân tộc khác nhau, đây là điều mà Nho gia nói. Đạo gia cũng nói: “Thiên địa dữ ngã đồng căn, vạn vật dữ ngã nhất thể.” Câu từ cách nói khác nhau nhưng ý nghĩa thì tương đồng. Nhà Phật nói: “Duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Cho nên bạn xem xem cách nói của ba nhà Nho, Thích, Đạo, giảng về nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc của sinh mệnh, sự sai khác không đồng của vạn vật phẩm loại làm sao mà hình thành, những lời nói này đều giảng được rất rõ ràng minh bạch.
Tôi học Phật nhiều năm như vậy, tôi đem những giáo huấn của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền quy nạp lại, viết thành hai câu: “Tâm tánh huyễn hóa, hư không pháp giới”. Hư không pháp giới từ nơi nào mà có. Là từ tâm tánh huyễn hóa mà tạo ra. Trong Kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”, “căn thân ảnh hiện quốc độ chúng sanh”. Thân thể, quốc độ này của chúng ta, ngày nay nói là tinh cầu của vũ trụ cùng với tất cả chúng sanh và căn thân chúng ta là một chứ không phải là hai. Cho nên tâm tánh hư không pháp giới là một. Sắc thân , quốc độ , chúng sanh không hai. Vì vậy ái kính vạn vật chính là chân chánh yêu thương chính mình. “Tự ái”, hai chữ này, ngày nay có mấy ai hiểu được. Con người phải tự ái, phải yêu thương chính mình mới yêu thương tất cả chúng sanh, cho nên chân chánh thể hội đến “vạn phẩm bất tề, giai ngô đồng bào, giai ngô nhất thể”, câu nói này rất quan trọng.
Thục phi đương kính ái giả.
Cái gì không phải là đối tượng cho chúng ta kính yêu chứ?
Ái kính chúng nhân, tức thị ái kính Thánh Hiền, năng thông chúng nhân chi chí, tức thị thông thánh hiền chi chí, hà giả, thánh hiền chi chí, bổn dục tư thế tư nhân, các đắc kỳ sở.
Kính yêu mọi người tức là kính yêu Thánh Hiền. Hiểu được ý chí của mọi người là hiểu được ý chí của Thánh Hiền. Tại sao. Ý chí của thánh hiền là đều muốn mọi người an cư lạc nghiệp.
Chúng ta từ chỗ này đi thể hội đại đạo của Thánh Hiền. Có thể “ái kính chúng nhân”, Liễu Phàm Tiên Sinh nói đó cũng chính là “ái kính Thánh Hiền”, chính là ái kính Chư Phật Bồ Tát. Ta nói càng thân thiết hơn chính là tự ái, yêu thương chính mình. Có thể thông đạt được “ý chí” của Thánh Hiền. “Thông” là hiểu rõ, thông đạt hiểu rõ, “năng thông chúng nhân chi chí”, thì có thể “thông thánh hiền chi chí”. “Chúng nhân chi chí” là cái gì. Là hi vọng có được cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn. Bất luận là người xưa, người nay, người trung quốc hay người nước ngoài, xác thực là không phân quốc gia, không phân chủng tộc, không phân Tôn Giáo, có người nào không hi vọng có được cuốc sống hạnh phúc mỹ mãn chứ. Chí hướng của Thánh Hiền cũng lại như thế. Đại Thánh Đại Hiền họ cũng chỉ có một nguyện vọng, chính là hi vọng cho người trên toàn Thế Giới ai ai cũng đạt được sở nguyện. Cổ Thánh Tiên Hiền, chúng ta xem thấy giáo huấn của chư Phật Bồ Tát, lại tỉ mỉ xem xét Kinh Điển của tất cả Tôn Giáo có trên thế gian, tôi tìm thấy được rất nhiều, giáo chủ mà họ tôn thờ, thánh thần mà họ phụng sự, không một ai không hi vọng mong cầu có thể giúp đỡ cho chúng sanh ở cái thế gian này, đều được sống một cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn, không phải là một đời này có được lợi ích, mà đời sau được lợi ích càng thù thắng hơn. Tôn Giáo thông thường nói đời sau là sinh lên thiên đường, còn Phật Giáo khuyến khích chúng ta sanh đến Cực lạc Thế Giới, đây là chí hướng của Thánh Hiền.
Ngô hợp ái hợp kính, nhi an thế chi nhân, tức thị vi thánh hiền nhi an chi dã.
Lòng chúng ta nếu trùng hợp với lòng kính ái của thánh hiền mà làm cho đại chúng được an lạc tức là chúng ta đã vì Thánh Nhân và Hiền Nhân mà làm lợi lạc cho mọi người vậy.
Câu nói này rất hay. Ý chí của Thánh Hiền cần phải được chúng ta đẩy mạnh, cần chúng ta thực hiện, chúng ta nhất định phải hiểu được “hợp ái hợp kính”. Hợp với ai? Là hợp với ái kính của Chư Phật Bồ Tát, hợp với ái kính của Cổ Thánh Tiên Hiền, hợp với ái kính của Thần Minh các Tôn Giáo, lại làm “an nhất thế chi nhân”. Hiện tiền người thế gian này, chúng ta hãy toàn tâm toàn lực mà đi giúp đỡ họ, đây chính là vì Thánh Hiền mà làm an lòng dân.
Những năm gần đây, tôi tiếp xúc với lãnh tụ của rất nhiều Tôn Giáo, tôi cùng với họ nói chuyện. “Thần ái thế nhân”thần thương yêu người đời, đây là trong các Tôn Giáo thường nói. Thần ở tại nơi đâu. Thần làm sao để thương yêu người đời. Ngày nay con người khổ sở như thế, tỉ mỉ mà suy nghĩ, thì câu nói này quá trống không, quá trừu tượng. Chúng ta phải phản tỉnh, thần làm sao để yêu thương người đời. Tôi là một tín đồ tôn giáo, tôi tiếp nhận sự yêu thương của thần, thần thương yêu tôi, tôi phải đem sự yêu thương của thần đối với tôi, từ trong tâm tôi mở rộng đến yêu thương người đời, tôi đại biểu cho thần để yêu thương mọi người, thần yêu thương thế nhân. Đây vĩnh viễn là một danh từ này trống không, luôn luôn là cách nói trừu tượng. Họ nghe được cách nói này của tôi, cũng gật đầu đồng ý.
Tôi nói Phật là đại từ đại bi, Phật đại từ đại bi ở chỗ nào? Thích Ca Mâu Ni Phật rời khỏi thế gian này của chúng ta đã ba ngàn năm rồi. Nếu bạn nói Lão nhân gia Ngài lúc còn tại thế đại từ đại bi, chúng ta vẫn có thể nói được thông; Nhưng hiện tại người không còn tại thế nữa, đại từ đại bi này ở chỗ nào chứ. Cho nên là học trò của Phật, là đệ tử của Phật, chúng ta tiếp nhận được lòng từ bi của Phật. Chúng ta làm sao tiếp nhận được. Là từ trong Kinh Điển mà tiếp nhận. Mỗi ngày đọc Kinh, nghiên cứu Kinh giáo, y giáo phụng hành, chúng ta có được từ bi của Phật gia hộ, gia trì bảo hộ. Chúng ta có được thì phải thu nạp vào trong tâm mình, đem tâm từ bi của Phật biến thành từ bi tâm của chúng ta, rồi lại đối đãi với tất cả chúng sanh, thực hành tâm đại từ đại bi của Phật Bồ Tát. Chúng ta phải làm việc này. Chúng ta nhìn thấy Quán Thế Âm Bồ Tát, tuyệt đối không phải khẩn cầu Quán Âm Bồ Tát từ bi đối với ta, điều này không thể. Tượng Bồ Tát bằng đất sét, điêu khắc bằng gỗ, hoặc được tô vẽ, chúng sao có thể bảo hộ bạn chứ. Cái gọi là “Bồ Tát qua sông, tự thân nan bảo”. Chúng ta phải phát dương tâm hạnh đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn của Quán Thế Âm Bồ Tát, nhìn thấy Quán Thế Âm Bồ Tát phải nghĩ đến “ta chính là Quán Thế Âm Bồ Tát, ta học tập Quán Thế Âm Bồ Tát, ta bắt chước theo Quán Thế Âm Bồ Tát”, là ý nghĩa này. Đây là chánh lí giáo học của Phật Pháp, phải hiểu được. Ta không làm Quán Thế Âm Bồ Tát, vậy tạo ra một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cho rằng như thế là đúng, hóa ra là sai lầm to rồi.
Cho nên mười điều thiện được giảng nói ở đây, giữ tâm ái kính là điều căn bản, nếu không có tâm ái kính này thì chín điều còn lại không thể làm đến được. Chín điều không làm được thì đó đều là cái thiện giả, đều không phải thiện chân thật. Phía trước Liễu Phàm Tiên Sinh giảng nói với chúng ta tám điều, căn cứ vào đó thì Bạn là giả không phải chân. Bạn là khúc không phải trực. Bạn là bán không phải mãn. Bạn là tiểu không phải đại. Cho nên mấu chốt là nơi tâm, tâm nhất định là phải vô tư vô ngã, phải chân thành bình đẳng ái kính tất cả chúng sanh. Đai đạo của Chư Phật Bồ tát, chúng ta phải đạt đến chân truyền, chân truyền chính là ái tâm chân thành.
Đọan thứ ba: Hà vị thành nhân chi mỹ.
Cái gì gọi là thành nhân chi mỹ.
Trước tiên, ông cử ra một ví dụ nói:
Ngọc chi tại thạch.
Như ngọc ẩn trong đá.
“Ngọc”, người thế gian đều vô cùng trân quý nó. Người Trung Quốc yêu ngọc, người ngoại quốc yêu thích kim cương. Kim cương cùng với ngọc khi chưa được khai thác.
Để trịch tắc ngõa lịch.
Nếu bị ném bỏ ắt sẽ vỡ tan như hòn ngói.
Đây là nói ngọc vốn dĩ đều là đá, cùng với gạch ngói không khác gì nhau, đều không có giá trị.
Truy trác tắc khuê chương.
Nhưng sau khi được đẽo gọt mài giũa, chúng liền biến thành bảo vật. “Khuê chương” là ngọc khí, người người đều yêu thích nó.
Cố phàm kiến nhân hành nhất thiện sự, hoặc kì nhân chí khả thủ nhi tư khả kiến, giai tu dụ dịch nhi thành tựu chi.
Cho nên phàm thấy người làm việc thiện, hoặc thấy ý chí và tư chất của họ có thể tiến thủ thành công thì đều nên khuyến dụ, trợ giúp họ.
Chúng ta nhìn thấy người làm một việc thiện, điều thiện này đáng làm, lại nhìn ra được người này rất có chí hướng, thiên phú bẩm sinh cũng rất tốt, lại khiêm tốn, cung kính, người này có thể tiếp nhận sự giáo huấn của người khác, người này chính là nhân tài. Chúng ta phải nhìn nhận người tài, phải yêu mến người tài, phải quý trọng tài năng, phải thành tựu cho người có tài năng, đây là điều thiện lớn nhất trong làm việc thiện, là công đức lớn nhất trong việc tích công lũy đức, chúng ta phải hiểu được. Người này có chí hướng, có thiên phú tốt, chúng ta phải giúp đỡ anh ta. “Dụ dịch” là giúp đỡ họ, là tương trợ họ, là hộ trì họ.
Hoặc vi chi tưởng tá, hoặc vi chi duy trì, hoặc vi viết kì vu nhi phân kì báng, vụ sử chi thành lập nhi hậu dĩ.
Hoặc khen ngợi khích lệ, hoặc gìn giữ bao bọc họ. Hoặc biện bạch hộ cho họ hay chia xẻ cùng họ nỗi oan ức bị người ghen tị mà vu họa phỉ báng họ, cốt sao giúp cho họ được thành công mà thôi.
Người thiện sống trong xã hội thật không dễ dàng. Tại sao. Người thiện nhất định cùng với người bất thiện đối lập. Không phải là người thiện muốn đối lập với người bất thiện, không phải như vậy. Người thiện có thể bao dung cho người bất thiện, nhưng người bất thiện lại không thể bao dung cho người thiện, cho nên người thiện cùng với người bất thiện đối lập. Đối lập này, đương nhiên không tránh khỏi có sự hiểu lầm, có hủy báng, thậm chí là hãm hại, khiến cho người thiện trong xã hội không có chỗ đứng, điều này thật đáng buồn thương. Chúng ta biết hay phát hiện ra những sự việc này, “vi viết kì vu”, chúng ta phải nghĩ cách để giúp đỡ họ, thậm chí có thể thay họ gánh chịu những sự việc này, giảm bớt sự hủy báng của người khác đối với họ, cổ nhân gọi là chia sẻ nâng đỡ, “phân kì báng”. Điều này người nhân nghĩa chí sĩ mới có thể làm được, người bình thường không làm được, phải khiến cho họ có thể yên thân đứng vững trong xã hội, có thể phát dương quang đại thiện sự của họ.
“Nhi hậu dĩ” chúng ta mới có thể được xem là tận tâm tận lực. Tiếp theo vì chúng ta mà nói:
Đại để nhân các ác kì phi loại, hương nhân chi thiện giả thiểu, bất thiện giả đa, thiện nhân tại tục, diệc nan tự lập.
Đại khái, con người thường không ưu thích những người không giống như mình, chẳng hạn như ác không ưa thiện, tiểu nhân không thích quân tử. Người trong một xóm làng, thiện thì ít mà xấu ác thì nhiều, vì thế người thiện ở đời bị kém thế khó có thể đứng vững được.
Lọai tình hình này, từ xưa đến nay đều như thế. Tôi nghe được có một vài đồng tu nói với tôi, hiện tại học sinh trong trường học, thường thường khi dễ những bạn học mới đến, khi dễ những bạn học không cùng chủng tộc, đều là mắc phải căn bệnh này, tâm lượng hạn hẹp ích kỉ. Thí như nói, nếu như phát hiện thấy những đồng tu này xác thực là có đức hạnh, có trí huệ, cũng rất có năng lực; nhưng họ bị người khác bài xích, chúng ta phải nên giúp đỡ họ. Trong số đồng học có người hiểu rõ đạo lí này, ý chúng ta muốn nói đến những đồng học chịu đứng ra phản đối chuyện bất bình, làm việc trượng nghĩa, dũng cảm đến thay họ chia sẻ những hủy báng đó, chia sẻ áp lực của người khác với họ, khiến họ có thể an tâm ở lại trong trường học tập, hoàn thành việc học hành, đây là một ví dụ.
Phía sau nói:
Thả hào kiệt tranh tranh, bất thậm tu hình tích, đa dị chỉ trích.
Người hào kiệt thường không chịu khuất phục ai, cũng không chú trọng bề ngoài và những điều vụn vặt, cho nên dễ bị chỉ trích.
Xác thực là như vậy. Người chân thật có đại trí tuệ thường cẩu thả, đối với quan hệ giữa người và người tương đối tùy tiện, trong những trường hợp như thế, rất dễ nhận lấy sự chỉ trích của người khác. Người chỉ trích họ, cái gọi là “bới lông tìm vết”, bạn không có lỗi lầm, người ta vẫn tạo ra những lời đàm tiếu, những điều không tốt và bạn bị người khác cầm đằng chuôi, họ đến hủy báng bạn, vũ nhục và làm hại bạn. Sự tình này, từ xưa đến nay chúng ta thường nhìn thấy, nghe thấy.
Cố thiện sự thường dị bại.
Cho nên việc tốt thường dễ thất bại.
Bạn muốn làm việc tốt, việc tốt nhiều thì người đến chướng ngại bạn càng nhiều. Chúng ta tại Tân Gia Ba, hi vọng có thể xây dựng một thôn Di Đà để chiếu cố đến những người già cả, khiến họ mỗi ngày đều có cơ hội nghe Kinh, có cơ hội niệm Phật. Trong ba, bốn năm chúng tôi đã đến nhiều nơi tìm địa điểm, sau cùng đều bị người phá hoại, cho nên nói việc tốt chân thật thường dễ thất bại.
Nhi thiện nhân thường đắc báng.
Người tốt thường bị người khác hủy báng. Trong một đời này của tôi, chính trong những lúc bị người hủy báng mà tôi trưởng thành hơn, mấy mươi năm nay tôi không tránh khỏi bị người khác hủy báng. Tuy nhiên đối với những người này, tôi vô cùng tôn kính họ, tôi tuyệt đối không biện bạch, bởi vì họ không có phương hại đến mỗi ngày giảng Kinh thuyết pháp của tôi. Đồng tu thông thường nghe được những lời hủy báng này thì không đến đây nghe Kinh nữa, đó là việc của họ. Tôi ở Đạo Tràng này “không cự tuyệt người đến, cũng không lưu giữ người đi”, cho nên mỗi người là có nhân duyên, đoạn này tôi thể hội được rất sâu sắc.
Tốt, chỉ giảng đến đây thôi.
A DI ĐÀ PHẬT!
Liễu Phàm Tứ Huấn
Chủ giảng: Lão HT. Tịnh Không
Chuyển ngữ: Hạnh Chơn
Biên Tập:Bình Minh
Địa Điểm: Đài Truyền Hình Phượng Hoàng – Thẩm Quyến
Discussion about this post