TỔ BỒ ĐỀ VỚI PHÁP MÔN NIỆM PHẬT QUÁ KHỨ VÀ HIỆN TẠI
Qua đó, niệm Phật là một pháp trong sáu pháp quán niệm, tùy niệm hay mười niệm được kiết tập trong Kinh tạng Pali (Trường Bộ, Tăng Chi Bộ) vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch tại Avanti, Nam Ấn, và kinh A-hàm(Trường A-hàm, Tăng nhất A -hàm) vào thế kỷ thứ I Tây lịch, tại Mathura, Đông bắc Ấn.
Vào thế kỷ thứ II trước Tây lịch, kinh Na-tiên Tỳ-kheo hay kinh Milinda vấn được lưu hành tại Bắc Ấn: Kế Tân (Kasmir) và Kiền-đà-la (Gandhara), ngày nay là Trung Á. Phần vấn đáp thứ 49, Tỳ-kheo Na-tiên (Nagasena) hỏi vua Milinda: “Một cục đá ném xuống sông thì sao?”, vua đáp: “bị chìm“. Tỳ-kheo Na-tiên lại hỏi:: “Đem hằng chục tảng đá để lên chiếc tàu chở hàng trăm tấn thì sao?”, vua đáp: “đá không chìm, nhờ tàu đỡ“. Tỳ-kheo Na-tiên đáp: “Cũng thế, chúng sanh tạo nghiệp nhưng khi gặp Phật, nhất tâm niệm Phật (cận tử nghiệp) chuyển hóa nội tâm thì được Phật độ, không bị sa đọa cũng thế …”.
Tại Giao Châu (Việt Nam), vào thế kỷ thứ II Tây lịch (năm 200), kinh Lục Độ Tập và kinh Tạp Thí Dụ do ngài Khương Tăng Hội dịch từ bản dịch của An Thế Cao, cũng đã có đề cập đến vấn đề Niệm Phật.
Tại chùa Tiên Sơn, Bắc Ninh, năm 425, có Pháp sư Đàm Hoằng từ Trung Quốc đến tu hành tại đây. Ngài đã thọ trì kinh Vô Lượng Thọ và kinh Thập Lục Quán. Về sau, ngài đã thiêu thân cúng dường Tam bảo vào năm 455. Do đó, có thể được xem ngài là Sơ tổ Pháp môn Niệm Phật và chùa Tiên Sơn (Phật Tích) được xem như Tổ đình của Pháp môn Niệm Phật.
Năm 580, Thiền sư Tỳ-ni-đa-lưu-chi, người Thiên Trúc, đến trụ tại chùa Pháp Vân (chùa Dâu, Bắc Ninh) do Thái thú Sĩ Nhiếp xây dựng năm 129. Thiền sư đã dịch kinh Đại Tổng Trì Tam Muội. Trong đó có đoạn: “Đức Phật Thích Ca tự giới thiệu, vào thời Đức Phật Vô Cấu Diệm Xưng Khởi Vương Như Lai, có Tỳ-kheo Tịnh Mạng tu hành tinh tấn, nhẫn nhục… và sẽ thành Phật hiệu là A-di-đà”.
Như vậy, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V đã có người hành trì Pháp môn Niệm Phật tại Giao Châu (Việt Nam), và Tôn hiệu Đức Phật A-di-đà đã được nhân dân Giao Châu (Việt Nam) biết đến và tôn kính đảnh lễ cúng dường, nhất tâm niệm tưởng đến Ngài.
Thời Đinh, Tiền Lê, trong những năm từ 973 đến 979, dưới sự chứng minh của Khuông Việt Đại sư (Tăng thống), Đinh Liễn đã khắc 200 tràng kinh Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni, Phật Đảnh Tôn Thắng Gia Cú Linh Nghiệm Đà La Ni, Thần Chú Lăng Nghiêm để hồi hướng công đức cầu siêu cho em là Hạng Lang (Tăng Đỉnh Tăng Noa) và cầu an cho vua cha Đinh Tiên Hoàng được bình an, quốc gia hưng thịnh, trong đó Đức Phật A-di-đà được liệt vào vị Phật thứ 7 trong bảy Đức Phật của Mật tông, có công năng giải trừ nghiệp chướng và làm cho chúng sanh được giải thoát. Bảy Đức Phật là: Phật Đa Bảo, Phật Bảo Thắng, Phật Diệu Sắc Thân, Phật Quảng Bác Thân, Phật Ly Bố Úy, Phật Cam Lộ Vương, Phật A-di-đà Như Lai.
Đến thời Lý, vua Lý Thánh Tông năm 1057 đã cho tạc tượng Phật A-di-đà bằng đá quý thiếp vàng, tôn thờ tại chùa Thiên Phúc (Tiên Sơn, Phật Tích) vẫn còn đến ngày nay.
Thiền sư Không Lộ (1052-1119) đời thứ 21 dòng Thiền Vô Ngôn Thông cho đúc tượng Phật A-di-đà thờ tại chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều, Quảng Yên, Quảng Ninh.
Thiền sư Tịnh Lực (1112-1175) đời thứ 27 dòng Thiền Vô Ngôn Thông đã tu tập Pháp môn Niệm Phật Tammuội và chứng quả Niệm Phật Tam-muội.
Dưới thời vua Trần Thái Tông (1218-1277), trong Khóa hư lục, Thiền sư chia Niệm Phật làm ba hạng Thượng căn niệm Phật thuộc Thật tướng niệm Phật; Trung căn niệm Phật thuộc Quán tưởng niệm Phật; Hạ căn niệm Phật thuộc Trì danh niệm Phật và sám hối, lễ bái…
Thời Thiền sư Huyền Quang (1254-1334) cho thiết kế đài Cửu phẩm Liên hoa tại chùa Bút Tháp, Ninh Phúc, Bắc Ninh hiện nay vẫn còn. Phương pháp hành trì cứ quay một vòng, niệm một câu Nam-mô A-di- đà Phật. Hiện nay tại chùa Đồng Ngộ (Cửu Phẩm) vẫn còn Cối kinh và Bi ký: Kiến tạo Cửu phẩm Liên hoa năm 1692.
Ngài Như Trừng Lân Giác (1696-1733) thuộc tông Lâm Tế, đệ tử ngài Chân Nguyên, Thiền sư dòng Trúc Lâm Yên Tử, phát huy Thiền Tịnh Mật song tu tại chùa Liên Tôn, Liên Phái, Thăng Long, Hà Nội, dưới thời vua Lê Hy Tông – chúa Trịnh Cương (1676-1704).
Đại sư Phổ Tịnh, chùa Thiên Quang – Thăng Long – Hà Nội tu tập pháp môn Niệm Phật (1741-1830) trước khi tịch để lại bài kệ: Nguyên văn:
Hòa thượng họ Phạm, pháp danh Thích Nguyên Biểu, hiệu Nhất Thiết, sinh năm Bính Thân (1836) triều vua Minh Mạng thứ 17 tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thân phụ là Phạm tướng công, húy Quang Tự, hiệu Trung Tín, tự Khoan Bình. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Ngọc, hiệu Từ Niệm. Ngài thuộc dòng ba đời khoa bảng.
Ngay từ nhỏ ngài đã mến mộ đạo Phật, nên sớm được gia đình cho xuất gia đầu Phật, ngài được thế phát quy y tại Tổ đình Phù Lãng ở Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh.
Bấy giờ Tổ đình Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, là trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm tại miền Bắc, từ năm 1400 trở về trước thuộc đời Trần, nhưng từ năm Hồng Định thứ 7 vua Lê Kính Tông (1607) trở về sau thuộc thời Lê Nguyễn là nơi tu tập hành trì pháp môn Tịnh độ, đã lập Hội Liên Xã Niệm Phật tại Tổ đình một thời gian, có Hòa thượng Tâm Viên là vị cao tăng tinh thâm kinh điển, đạo hạnh cao dày, an trụ thuyết giảng Phật pháp. Tăng tục khắp nơi quy về tu học rất đông. Năm 17 tuổi, Ngài được Bổn sư chùa Phù Lãng cho sang đây tham học và thọ Sa-di giới. Năm 20 tuổi (1855) ngài được thọ Cụ túc giới tại chùa Vĩnh Nghiêm do Tổ Tâm Viên là Đường đầu Hòa thượng.
Sau khi được giới châu viên mãn, ngài ở lại “phụng Phật sự Sư” thêm năm năm, tại đây sớm tối lo tu học, giới luật nghiêm thân. Chính trong thời gian này, ngài đã thay mặt nghiệp sư dìu dắt sư đệ Thích Thanh Hanh từ chùa Hòe Nhai được gửi về đây tham học. Hòa thượng Thanh Hanh sau này là Thiền gia Pháp chủ của Hội Phật giáo Bắc Kỳ.
Khi lực học đã uyên thâm, ngài được nghiệp sư cho xuất viện đi hoằng pháp các nơi. Bước đầu du hóa, ngài tới vùng đông du thuyết pháp độ sinh, rồi qua trú trì chùa Hạ Lôi ở huyện An Lãng, tỉnh Phúc Yên. Tại nơi đây, ngài đã đào tạo được nhiều đệ tử danh tiếng đương thời như Hòa thượng Trung Hậu trụ trì chùa Trung Hậu, Hòa thượng Thông Toàn trú trì chùa Bà Đá (Linh Quang tự) Hà Nội sau này.
Năm 1874, ngài vừa 38 tuổi, nhân trong cuộc du hóa truyền giáo ở vùng Gia Lâm, ngài tới bến Bồ Đề trên bờ sông Hồng nhìn qua bên kia thành Thăng Long, nhận thấy nơi đây cảnh trí thiên nhiên thanh nhã, địa danh Bồ Đề lại đồng danh với quả vị mà mọi người tu Phật đều mong đạt tới. Vả lại đây cũng là dinh cũ của vua Lê Thái Tổ trong những ngày kháng chiến chống quân Minh. Thật là một nơi địa linh, đáng có một ngôi Tam bảo để hoằng dương Chánh pháp, cứu độ chúng sinh. Do đó, ngài quyết định ở lại, tự mình khai sơn phá thạch, dựng lên ngôi chùa đặt tên là Thiên Sơn Cổ Tích tự. Nhưng vì chùa nằm trên bến Bồ Đề nên tứ chúng thường gọi là chùa Bồ Đề.
Về công tác giáo dục đào tạo Tăng tài
Sau khi xây xong chánh điện và giảng đường, ngài liền khai tràng thuyết pháp, thu nạp đệ tử tiếp chúng độ nhân. Tăng tục lui tới tham học nghe pháp rất đông. Chùa Bồ Đề trở nên một đạo tràng sầm uất nơi cố đô Thăng Long. Trong số đệ tử của ngài, nhiều vị đã trở thành các bậc lương đống trong các Tổ đình trên miền Bắc, cả về học thức lẫn đạo hạnh như Tổ Quảng Gia, Tổ Quảng Yên ở chùa Bồ Đề, Tổ Phổ Tụ ở chùa Tế Xuyên, Tổ Doãn Hài ở chùa Tế Cát, Tổ Thanh Khải ở chùa Đa Bảo, Hòa thượng Trung Hậu, Hòa thượng Thông Toàn, sư đệ Hòa thượng Thanh Hanh, sư điệt Hòa thượng Trí Hải, Hòa thượng Tâm Tịch v.v…
Về công tác văn hóa –
Cũng trong thời gian này, ngài cho khắc ván in bộ Nhật Tụng Bồ Đề (2 tập) vào năm 1881; – Thụ Giới Nghi Phạm 3 tập năm 1887; – Bộ kinh Hoa Nghiêm 17 tập năm 1892; – Kinh Pháp Hoa, Luật Tứ Phần Lược Ký năm 1901.
Về xiển dương pháp môn Tịnh độ:
Đặc biệt, từ năm 1887, kế thừa sự nghiệp tu hành từ chốn Tổ Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang thời Tổ Tâm Viên về pháp môn Niệm Phật, Tổ đã đứng ra thành lập Hội Liên Xã Niệm Phật, và sáng tác quyển Liên Xã Niệm Phật. Nội dung gồm có các phần:
1. Lý do thành lập Hội Liên Xã Niệm Phật và sáng tác quyển Liên Xã Niệm Phật.
2. Nói về sự vãng sinh của các chúng gồm chư Tăng, chư Ni, vua chúa, quan dân, thiện nam, tín nữ, kẻ ác, các loài súc sanh v.v… Chư Tăng 98 vị, vua chúa đại thần 32 vị, cư sĩ 28 vị, chư Ni 05 vị, phụ nữ 32 vị, người ác 8 vị, súc sinh 4 con.
3. Trình bày phương pháp hành trì, gồm có mười hạnh:
1. Niệm Phật, Lễ Phật,
2. Trì chú Tụng kinh,
3. Sám hối, Bố-tát,
4. Rộng tu Cúng dường,
5. Phóng sinh Tu phước,
6. Sắp ngủ Quán niệm,
7. Cảnh tỉnh già bịnh,
8. Lâm chung chính niệm,
9. Cúng kiến trong Hội,
10. Đều khắp hồi hướng.
4. Vấn đáp về ý nghĩa Niệm Phật.
5. Lược trình bày những ý chỉ Tổ sư Châu Hoằng Vân Thê, Từ Vân, Thiện Đạo và các Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền, Thế Chí… về việc niệm Phật cầu sinh Tịnh độ.
6. Lễ sám theo nghi Tịnh độ một ngày 6 thời, hay 3 thời, hoặc 2 thời tùy nghi.
7. Danh sách chư Tăng, Ni tham gia Hội, và Niệm Phật công cứ do ngài làm chủ khảo…
Trong suốt 30 năm hoằng truyền pháp môn Tịnh độ từ chốn Tổ Bồ đề lan rộng cả miền Bắc Việt Nam, cho đến ngày nay Tăng Ni, Phật tử vẫn còn tiếp tục thực hành theo lời dạy của chư Phật, chư Tổ đã dày công giáo hóa, xiển dương và hành trì có kết quả cụ thể trong lịch sử Phật giáo Việt Nam xưa cũng như nay.
Ngày mồng 1 tháng 10 năm Bính Ngọ (1906) ngài không ốm đau, rồi an nhiên thị tịch, hưởng thọ 70 tuổi đời, 50 tuổi hạ.
Hòa thượng Thích Nguyên Biểu là một vị cao tăng đã có công khai sơn Tổ đình Bồ Đề Thiên Sơn, đào tạo nhiều Tăng tài làm hạt giống cho phong trào chấn hưng Phật giáo trên miền Bắc, nhất là thành lập Hội Liên Xã Niệm Phật hoằng dương Tịnh độ. Tuy ngài không còn trụ thế khi phong trào được phát động, nhưng sư đệ của ngài là Hòa thượng Thanh Hanh sau này là Thiền gia Pháp chủ Hội Phật giáo Bắc Kỳ, đệ tử của ngài như Hòa thượng Trung Hậu, sư điệt của ngài như Hòa thượng Trí Hải, Hòa thượng Tâm Tịch đều là những cây đại thụ của phong trào. Chùa Bồ Đề của ngài là một trong hai Phật học đường trung học Phật giáo thành lập đầu tiên trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo Việt Nam (1934) tại miền Bắc.
Từ chốn Tổ Bồ Đề Thăng Long, Hà Nội, nhìn về phương Nam đến năm 1677, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) Tổ sư Nguyên Thiều từ Trung Quốc theo thuyền buôn sang hoằng đạo tại Đàng Trong, lập cước phủ Qui Ninh (Quy Nhơn), trước tiên năm 1678 ngài xây dựng chùa Thập Tháp Di Đà, đến năm 1683 làm lễ khánh thành, vua Lê Hy Tông ban biển vàng “Thập Tháp Di Đà tự”, chứng minh Pháp môn Niệm Phật được truyền bá tại Đàng Trong (miền Nam).
Năm 1911, Thiền sư Tâm Tịnh, trùng tu chùa Tây Thiên, Huế (sáng lập năm 1902) đúc tượng Phật A-di- đà tôn thờ. Năm 1926, được vua Khải Định sắc tứ biển vàng “Sắc tứ Tây Thiên Di Đà tự”.
Năm 1932, nhân đọc quyển Tây phương trực chỉ, Hòa thượng Trí Tịnh cảm thấy có cơ duyên nên phát nguyện tu Tịnh độ, niệm Phật A Di Đà. Đến năm 1955, thành lập Hội Cực Lạc Liên Hữu (Chùa Vạn Đức, Sài gòn), ngài làm Liên trưởng, Hòa thượng Huệ Hưng làm Liên phó, Đại đức Tịnh Đức làm Thư ký cho Hội, truyền bá Pháp môn Niệm Phật khắp cả miền Đông, miền Tây Nam Bộ và Hòa thượng đã để lại lời huấn thị: “Nhiếp tâm là Định học, nhận rõ là Tuệ học, Chánh niệm trừ vọng hoặc, giới thể đồng thời đủ”.
Năm 1968, Hòa thượng Thiền Tâm sáng lập Hương Nghiêm Tịnh Viện tại tỉnh Lâm Đồng, chủ trương kết xã Niệm Phật, thành lập Ban Liên đạo, Hòa thượng Thiền Tâm làm Liên thủ, Hòa thượng Bửu Lai làm Liên hạnh, Hòa thượng Bửu Huệ làm Liên huấn… truyền bá Pháp môn Niệm Phật cả vùng Tây Nguyên Nam Việt và Hòa thượng đã có lời huấn thị: “Chốn cũ Chơn như lắm nẻo về. Đường tuy khác lối vẫn đồng quê. Trong Thiền có Tịnh trời Lư lãnh. Nơi tịnh gồm Thiền nước Động khê. Tiếng bước nguồn tâm ngời tuyệt sáng. Quay nhìn bể tục ngát hương thề”.
Năm 1971, Hòa thượng Bửu Huệ (1914-1991) chùa Huệ Nghiêm, nguyên là Phật học viện Huệ Nghiêm, Sài Gòn, chủ trương Thiền Tịnh song tu, thực hiện chương trình “Theo dấu chân xưa – Trở về cảnh cũ”, thiết lập hai tịnh thất luân phiên nhập thất Tịnh tu trì kinh Pháp Hoa, kinh Di Đà, Niệm Phật trong thời gian 20 năm và Hòa thượng đã có lời huấn thị: “Hãy đem Chánh niệm thay vào. Một câu Niệm Phật tiêu hao vọng trần. Sâu là biển ái nguồn ân. Niệm rành nghe rõ lần lần tiêu hao. Lắm gương chư Tổ Thiền gia. Thoại đầu câu Phật chứng đà quả cao. Đặt gương Tổ trước ta sau. Bớt duyên Niệm Phật pháp mầu nào hơn”. Ngày nay (2016) với một cơ sở, Giới đài viện Huệ Nghiêm quy mô, thâm nghiêm thanh tịnh tại TP.Hồ Chí Minh, do Hòa thượng Minh Thông làm viện chủ tiếp tục hành trì Pháp môn Niệm Phật theo lời dạy của chư Phật, theo gương chư Tổ, chư vị tiền bối hữu công đã hoằng hóa xiển dương Pháp môn Niệm Phật gần 50 năm qua.
Ngày nay, trong ngôi nhà chung GHPGVN và sự tự do tu tập hành trì các pháp môn theo truyền thống hệ phái biệt truyền đã được Hiến chương GHPGVN quy định, do đó, Tăng Ni, Phật tử hành trì Pháp môn Niệm Phật tại các cơ sở tự viện trong toàn quốc, dưới sự lãnh đạo của trú trì và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành, các Ban liên hệ không những được duy trì mà còn phát triển một cách ổn định và đúng hướng, đúng pháp theo lời dạy của chư Phật, chư Tổ liệt vị tiền bối hữu công đã tu tập có kết quả nhất định trong quá khứ, cũng như hiện tại và tương lai hơn 2.000 năm qua trên đất nước Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Kinh Trường Bộ, Tăng Chi Bộ (Pàli).
2. Kinh Trường A-hàm, Tăng nhất A-hàm (Hán).
3. Kinh Na-tiên Tỳ-kheo – GS.Cao Hữu Đính. (Kinh Milinda Panha – Milinda vấn).
4. Khóa hư lục – Thiền sư Trần Thái Tông (bản dịch HT.Thanh Kiểm).
5. Cực Lạc Liên Hữu tập – HT.Thích Trí Tịnh.
6. Lược sử Phật giáo Việt Nam – GS.Lê Mạnh Thát.
7. Thiền uyển tập anh – GS.Lê Mạnh Thát.
8. Danh tăng Việt Nam (Thích Đồng Bổn).
9. Tư liệu lưu trữ – Chùa Bồ Đề, Hà Nội. (TC. Văn Hóa Phật Giáo Số 263
Tác giả: HT. Thích Thiện Nhơn
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo
Discussion about this post