TAM HỌC, TỨ NHIẾP, LỤC ÐỘ TRONG PHẬT PHÁP, VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN PHÁP MÔN CHỈ LÀ MỘT CHỮ “HIẾU”, CHÁNH PHÁP THẾ GIAN VÀ XUẤT THẾ GIAN NHẤT ĐỊNH ĐƯỢC XÂY DỰNG TRÊN CƠ SỞ CỦA HIẾU ĐẠO!
Đích thật Tịnh Tông dạy người kiến lập trên cơ sở của Hiếu kính. Tịnh Nghiệp Tam Phước dạy trong Quán Kinh, vừa mở đầu liền dạy chúng ta “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”. Người thời xưa hiểu được cho nên làm cha mẹ dạy con cái thì việc nào quan trọng nhất? “Tôn sư trọng đạo”, chẳng dạy gì khác. Thầy giáo dạy học sinh bài học quan trọng nhất là “Hiếu thuận cha mẹ”. Thế nên một đứa trẻ từ nhỏ tiếp thu sự giáo dục như vậy, tập từ nhỏ thì sẽ thành thói quen , tưới tẩm, dạy dỗ từ nhỏ, trong tâm địa của nó, trong A Lại Da Thức của nó mọc gốc rễ vững chắc, vĩnh viễn chẳng thay đổi, nó có thể tận hiếu. Hiếu bao gồm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian, ở đây chẳng thể nói kỹ. Ở nhà có thể hiếu cha mẹ, thương yêu anh em, đây là “Ðễ”, có thể báo ân quốc gia tức là “Trung”. Thế nên tám đức: “Hiếu, Ðễ, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ”, Hiếu là căn bản, bảy đức còn lại đều là Hiếu biểu hiện trên các Sự Tướng khác nhau rồi lập nên danh tướng, chứ thật ra chỉ là một chữ Hiếu mà thôi.
Tam Học, Tứ Nhiếp, Lục Ðộ trong Phật pháp, vô lượng vô biên pháp môn chỉ là một chữ “Hiếu”, chánh pháp thế gian và xuất thế gian nhất định được xây dựng trên cơ sở của Hiếu đạo. Khi xây dựng một đạo tràng, đại chúng cùng nhau tu tập, tại sao bộ kinh đầu tiên phải giảng là kinh Ðịa Tạng? Cơ sở vật chất của đạo tràng tức là phòng ốc, thiết bị đã xây xong, cơ sở vật chất xây xong thì phải xây cơ sở tinh thần, tức là xây dựng tâm lý. Tâm chánh thì hạnh chánh, sẽ tương ứng với đạo, tương ứng với tâm tánh, với chân tướng của vũ trụ nhân sanh.
Chỗ đặc biệt thù thắng của Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, Hiếu đạo bắt đầu làm từ chỗ độ mẫu thân, trong thế gian người thân mật nhất là mẹ, người cha còn kém một chút. Một đứa bé ra đời từng giờ từng phút không rời lòng mẹ. Trong kinh này chúng ta thấy Ðịa Tạng Bồ Tát, Ðịa Tạng Bồ Tát tức là người tu học pháp môn Ðịa Tạng này, Ðịa Tạng Bồ Tát chẳng phải chỉ có một vị mà thôi. Phàm những ai tu học Hiếu Thân Tôn Sư đều là Ðịa Tạng Bồ Tát, phàm những ai tu học Từ Bi cứu độ hết thảy chúng sanh khổ nạn đều là Quán Thế Âm Bồ Tát. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa này. Chúng ta phải một đời đầy đủ hết thảy [hạnh] Bồ Tát thì mới viên thành Phật đạo, đây tức là ý nghĩa chân chánh của “Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Chúng ta phải học sự “Hiếu Kính” của Ðịa Tạng, học “Từ Bi” của Quán Âm, học “Trí huệ” của Văn Thù, ngày nay chúng ta nói đến lý trí, phải học “Lạc Thực” (biến thành hiện thực) của Phổ Hiền Bồ Tát, đây không phải là một thân đầy đủ bốn đại Bồ Tát ư. Tứ Ðại Bồ Tát nếu phân tích kỹ nữa tức là vô lượng vô biên hết thảy Bồ Tát, đây tức là Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Từ chỗ này chư vị chắc cũng thể hội được, kinh Hoa Nghiêm, kinh điển Tịnh Tông hay nói “một tức là hết thảy”, một pháp môn nhất định hàm nhiếp hết thảy pháp môn. Ðịa Tạng hiếu kính, trong hiếu kính đương nhiên có từ bi, trong hiếu kính có lý trí, hiếu kính lạc thực, một Ðịa Tạng tức là đầy đủ Quán Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, không phải đều đầy đủ hết ư! Phổ Hiền Bồ Tát thực tiễn, trong thực tiễn nhất định phải có hiếu hạnh, nhất định phải có từ bi, nhất định có trí huệ, có phải là một Bồ Tát đầy đủ hết thảy Bồ Tát chăng! Thế nên mới nói “một là hết thảy, hết thảy là một”, pháp pháp viên dung, pháp pháp vô ngại, như vậy bạn mới biết Phật pháp thật chẳng thể nghĩ bàn. Thế nên chúng ta ở đây thấy Ngài vì mẫu thân phát tâm, việc này thân thiết hơn bất cứ việc gì khác. Dạy cho chúng ta làm sao sanh khởi tâm hiếu thuận? Ðộ mẹ. Mẹ đối với chúng ta có ân đức lớn lao như vậy, bất luận chúng ta ở phương diện nào, ở lúc nào, niệm niệm chẳng quên. Niệm niệm chẳng quên trong tâm vì muốn báo ân mẹ không những chúng ta không thể làm việc sai quấy, ngay cả một tâm niệm ác cũng chẳng thể sanh lên, tại sao vậy? Có lỗi với mẹ, đó chẳng phải là kỳ vọng của mẹ đối với con. Mỗi năm cử hành một buổi tế lễ, đó là đề xướng Hiếu đạo, phát triển Hiếu đạo, dụng ý là ở chỗ này, là để làm lợi lạc cho người khác. “Niệm niệm đều đoạn ác, niệm niệm đều tu thiện”, đây là vì cái tâm hiếu đối với mẹ ràng buộc chúng ta nhất định phải làm như vậy. Bạn xem sức mạnh của chữ Hiếu này bao lớn! Thúc đẩy chúng ta trên đường Bồ Ðề luôn luôn tinh tấn, chẳng giải đãi.
Từ chỗ hiếu đối với mẹ liên tưởng đến vị thầy dạy dỗ chúng ta, chẳng có thầy thì làm sao chúng ta hiểu được hiếu đạo, thế nên ân đức của thầy giáo chẳng thể quên. Cụ Phác viết bốn chữ “Tri ân báo ân”, Thế Tôn nói bốn chữ này trong kinh Ðại Bát Nhã, là pháp môn tu học của Nhị Ðịa Bồ Tát. Trong kinh Ðại Bát Nhã, Nhị Ðịa Bồ Tát có tám khoa mục tu học chính, “Tri ân báo ân” là một trong tám khoa mục này. Trong thời đại ngày nay đặc biệt đáng được đề xướng, xã hội hiện nay người vong ân bội nghĩa rất nhiều, vong ân bội nghĩa là tội hạnh, là lỗi lầm, khổ báo; tri ân báo ân là chánh hạnh, Bồ Tát hạnh, quả báo là lạc báo (quả báo vui sướng), chẳng giống nhau. Ngày nay xã hội đại chúng phạm những lỗi lầm gì, chúng ta phải lấy những lỗi này để tìm cách chỉ dạy, giúp đỡ họ, như vậy mới đúng. Vì mẹ mà phát nguyện, như vậy rất thân thiết, cách giáo học này làm cho chúng ta thể hội được trí huệ cao độ của Thế Tôn, viên mãn trí huệ, thiện xảo phương tiện đạt đến mức cùng cực, làm cho chúng ta nghe đến, tiếp xúc đến, chẳng thể chẳng tin, không thể không học. Hết thảy những thiện pháp, những thiện hạnh đều từ hiếu thuận mẫu thân, cứu độ mẫu thân mà nảy sanh, đây thật là căn bản. Chánh hạnh của chúng ta trên đường Bồ Ðề, thành tựu càng thù thắng thì sự hiếu kính mẫu thân càng viên mãn. Thế nên tôi thường nói chỉ có một người đạt đến mức hiếu đạo viên mãn, thành Phật; Phật quả trong Viên giáo, đạt đến cứu cánh viên mãn. Ðẳng Giác Bồ Tát còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, hiếu đạo còn khiếm khuyết một phần.
Tại sao chúng ta phát tâm độ chúng sanh? Tại sao phát tâm đoạn phiền não? Tại sao phát tâm học pháp môn, thành Phật đạo? Vì báo ân mẹ. Nếu chúng ta chẳng làm vậy thì có lỗi đối với cha mẹ, đặc biệt là đối với mẹ. Chánh giáo đại pháp của Như Lai kiến lập trên cơ sở này, thế nên “tứ hoằng thệ nguyện” là nguyện chung, bổn nguyện của hết thảy chư Phật Như Lai. Ðịa Tạng Bồ Tát đặc biệt dùng “bi tâm vô cùng” hướng về khổ nạn chúng sanh, chúng sanh chịu khổ nạn càng nhiều, thì bi tâm của Bồ Tát càng nặng, thế nên trong kinh xưng Ngài là “Vĩnh viễn làm U Minh giáo chủ”. U Minh là địa ngục, thệ nguyện của Bồ Tát “Ðịa ngục chưa trống không, thề chẳng thành Phật”, bi tâm đạt đến cùng cực. Chỗ khổ nạn ở Ðịa Ngục này, những người thông thường chẳng chịu đến, người ta không chịu đến nhưng Ngài đến; người khác chẳng chịu thọ nhận khổ nạn nhưng Ngài chịu nhận. Vào địa ngục thì trước hết phải hiện thân đồng loại với họ, nếu chẳng hiện thân đồng loại thì làm sao có thể dạy dỗ chúng sanh! Phải tu hạnh đồng loại, chúng sanh trong địa ngục chịu những sự khổ đó, Bồ Tát trong đó cũng phải thị hiện chịu đựng những sự khổ ấy, chẳng được đặc thù, chẳng thể ngoại lệ, như vậy mới có thể cảm hóa chúng sanh trong địa ngục [để họ có thể] giác ngộ, sám hối, quay về. Thế nên nhẫn chịu khổ, chịu nạn, đại từ đại bi, đây là Bổn Nguyện của Ðịa Tạng Bồ Tát, người tu học Ðại Thừa sơ phát tâm như chúng ta phải học Ðịa Tạng Bồ Tát. Hôm qua tôi nhắc chư vị chữ U Minh còn có một nghĩa khác là “hạ mình thấp xuống”, vĩnh viễn ở vị trí thấp hơn người khác, hết lòng nỗ lực tu học giáo hóa chúng sanh, danh văn lợi dưỡng hết thảy hưởng thọ đều dâng hiến cho người khác, tự mình vĩnh viễn ở nơi thấp kém, đây là ý nghĩa của U Minh.
– Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký, tập 02.
Discussion about this post