Mỗi người được có suy xét như trong trào đình có vị quân sư, nhưng các mưu mẹo sáng suốt về phần suy xét; còn về mặt thật hành phải giao cho lòng cương quyết. Nếu mãi suy xét mà không đem thật hành thì cái suy xét ấy chẳng khác nào làm giàu trong giấc mộng, chẳng ích gì cả.
Bởi thế nên, muốn cho các suy xét được thật hiện một cách rõ ràng, chúng ta cần có sự cương quyết.
“Ngài thuở ấy nên mười chín tuổi,
Tâm đại hùng cương quyết tu trì”.
Đoạn văn nầy. Đức Thầy tả việc Thái tử Sĩ đạt Ta, lúc ngài mười chín tuổi, vì cảm thấy kiếp sống của con người chịu các nỗi khổ: già, bịnh, chết chóc, Ngài cương quyết tìm cách xuất gia tầm đạo tu hành. Ngài suy xét rồi dùng tâm đại hùng cắt ái từ thân, bỏ đền đài, lìa vợ con vào núi Tuyết sơn tham thiền tịnh dưỡng, tìm được chơn lý cao siêu cứu vớt chúng sanh. Lòng cương quyết ấy Ngài được thành chánh quả hiệu là “Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật”.
Cương quyết là lòng mình lúc nào cũng được cứng cỏi làm theo việc gì của mình nhứt định, không để lươn khươn, lơ lỉnh, dù việc nhỏ hay việc lớn.
Không luận việc nào, nếu chúng ta đã đặt lòng suy nghĩ kỹ lưỡng, hiểu từ chi tiết của nó mà chúng ta thiếu lòng cương quyết để thi hành hay là có thi hành mà chỉ làm cho có chừng đỗi, không hăng hái, không gắng gổ, không có ý định hẳn hòi, thì việc làm ấy muôn lần chỉ một hai lần kết quả, còn bao nhiêu lần nếm lấy thất bại chua chát.
Thảng hoặc, chúng ta đã nhọc trí suy xét mà không được thực hành hay thực hành một cách lửng lờ thì đừng suy xét vô ích. Nghĩa là vấn đề nào, chúng ta đã suy nghĩ rồi để đó, ôm ấp đó không thiệt hành, thì cái suy nghĩ ấy, chỉ tổn hao tâm trí mà không thành tựu chi cả thì phải nghĩ ngợi làm gì? Cũng như trên con đường đạo của chúng ta đã nhận thấy kỹ lưỡng rồi, Đức Thầy là bực siêu phàm ra đời cứu thế, mở mối đạo đúng theo chánh giáo của Phật Thích Ca, nên chúng ta qui y và thiệt hành theo những lời của Ngài đã dạy, hay lời Ngài viết ra trong Sám Giảng. Chớ không phải thấy người tu rồi bắt chước tu theo, thấy người cúng bái rồi bắt chước cúng bái mà lòng chẳng ưng thật hành một điều nào trong đạo. Như thế là tu bắt chước, tu giả dối, tu miễn cưỡng làm cho kẻ khác chê chán, chớ đâu thành ông gì.
Vì lẽ đó mà tất cả việc làm chánh đáng của chúng ta, trong lúc đương sấn sướt tới, nếu gặp gai gốc đá gành trở ngăn vẫn cương quyết một cách mạnh mẽ xông lướt qua các trở ngại đó; dù phải bỏ mấy lần sanh mạng cũng đi tới không hề lùi bước.
Như thế con đường tiến đạo của mình kiếp nầy không được giải thoát cũng kiếp tới, chớ không phải kéo dài để vật lộn với đời huyễn mộng mãi.
Bất tất việc chi nếu chúng ta muốn làm đều được có lòng cương quyết tất cả, thì nhứt định trên cõi đời nầy không việc gì khó, dù việc đó trong trường đời hay trong cửa đạo. Ví dụ: như chúng ta thấy các cơ sở, các chức vụ trên thế giới nầy, hễ chính tay người làm ra được, thì mình cũng có thể làm được, vì người kia cũng đủ mắt, mũi, tay, chơn như chúng ta, chỉ nhờ lòng cương quyết mà họ làm được.Nói rõ là người nghèo khổ mà có lòng cương quyết lo làm ăn cũng trở nên giàu có; người đĩ điếm bóc lột mà cố gắng đoạn tuyệt lòng nham hiểm bước vào đường đạo đức thì đời sống họ chắc chắn sẽ trở thành người tốt lành, đạo quả có ngày thành công được.
Thuở xưa có ông Ngu Công tuổi đã ngoài thất tuần, từ nhà ông đến bến nước có hai hòn núi trở ngăn, ông cương quyết đục bỏ. Có người lại hỏi ông: ông đã già rồi mà đục sao nổi hai núi nầy? Ông trả lời: tôi già thì còn con tôi, cháu tôi, thế nào cũng đục nổi. Thật vậy, nhờ lòng cương quyết mà ông đục bằng được hai hòn núi cao ngàn nhẫn. Với hai hòn núi như vậy, chỉ một ông già cương quyết còn ban được; thì với việc khác nếu chúng ta cương quyết chắc cũng làm được.
Cương quyết có hai cách: cương quyết việc đời và cương quyết việc đạo.
1 – Cương quyết việc đời:
a) – Lẽ thứ nhứt của lòng cương quyết việc đời là ý định gì của mình cũng có thể đem ra thật hành được cả, không để chôn giữ nó chết ở trong đầu mà không làm được việc gì.
b) – Lẽ thứ hai của lòng cương quyết việc đời là mình có thể vượt qua tất cả những gì ngăn trở trên con đường tiến hóa của mình; với sự vượt qua các chướng ngại nầy, bằng cách lòng mình lì lợm dẻo dai toàn thắng được chướng ngại để đem lại kết quả theo lòng của mình muốn.
c) – Lẽ thứ ba của lòng cương quyết việc đời là việc làm của mình đem lại thành công dễ dàng mau lẹ, nếu đó là việc thông thường; còn việc bất thường quá hơn sức mình năm, bảy phần và chính mình chưa làm đến, chưa hiểu đến mà bây giờ mình cương quyết làm thì cũng được thành công, nhưng phải chậm một chút.
d) – Lẽ thứ tư của lòng cương quyết việc đời là có thể thắng được tất cả những trạng huống nguy hiểm, nghĩa là trước sự gai ngạnh mình sẽ lướt qua một cách anh dũng kỳ đặc, khiến người khác khiếp phục qui thuận theo mình để làm những việc lợi ích. Và nhờ cương quyết như thế mà lời mình khuyến hóa người xung quanh được họ tin tưởng mạnh mẽ thêm và họ luôn luôn tín phục thật hành.
g) – Lẽ thứ năm của lòng cương quyết việc đời là sẽ khiến cho những người quen thân, bạn tác hay kẻ được sự chỉ huy của mình họ nhận thấy tất cả công việc làm của mình đều có cương quyết một cách rõ rệt không lưng chừng úp mở, nên họ không bao giờ khinh chán mình là hèn nhát, họ vẫn vui vẻ cộng sự. Và nhờ đó họ mới noi theo chí cương quyết của mình, dẫu gặp trở ngại gì họ cũng không uể oải rụt rè.
2. –Cương quyết việc đạo:
a) – Lẽ thứ nhứt của lòng cương quyết việc đạo là trong lúc hành đạo tâm trí chúng ta không hề ngờ vực, không hề lưỡng ưỡn mà vẫn cương quyết theo hẳn phía lành, xa phía dữ, thực hiện việc đạo đức rõ ràng đứng đắn để nêu cao con người có đạo gương mẫu.
b) – Lẽ thứ hai của lòng cương quyết việc đạo là tự cố gắng chừa bỏ tất cả lòng ham muốn xằng bậy nơi mình, không để nhọc lòng Thầy, bạn răn đe lắm lời. Trong việc trừ bỏ các thói xấu nơi mình một cách quả quyết nhanh chóng; nghĩa là giờ trước hứa thì giờ sau thi hành, không chần chờ, khi đứt khi nối để rách rồi mới vá lại làm cho tâm trí xáo náo bất định.
c) – Lẽ thứ ba của lòng cương quyết việc đạo là đối với tất cả vấn đề lợi ích cho nhơn sanh mình đều làm đến, không hề bỏ qua việc nào, nhứt là việc ấy rất thuận tiện.
d) – Lẽ thứ tư của lòng cương quyết việc đạo là mình vẫn tự tin rằng với sự cương quyết của mình nó sẽ đưa mình đến cảnh giới siêu mầu của chư Phật để toại hưởng cảnh giải thoát.
Ngoài các vấn đề đã kể qua, đối với mọi vấn đề khác, khi chúng ta suy xét kỹ lưỡng, thấy nó có ích lợi cho đời sống của mình hay của kẻ khác về mặt đạo lý hoặc việc sanh cư thì cương quyết thực hiện cho được, ví dụ: khi thấy người không nước uống, thì mình cương quyết đào cho được giếng để có nước cho người trong xóm uống: dân chúng trong vùng đó kém về mặt văn hóa mình hãy mở trường học làm cho người dốt nát trở nên biết chữ, nghĩa là thấy điều nào có lợi ích cho dân chúng thì chúng ta cương quyết thật hành cho kết quả.
Tóm lại, với lòng cương quyết có lợi ích không ngần, dù phải tả bao nhiêu giấy hay nói bao nhiêu giờ cũng không hết được. Bất luận vấn đề nào, hễ lòng mình cương quyết làm thì cứ làm, ngày nầy không được, ngày khác cũng được. Lòng cương quyết nó có lợi ích thật, nhưng phải dùng hợp chỗ, bằng dùng trái chỗ sẽ có hại to tác, ví dụ: anh ăn trộm thấy nhà người hư trống anh cương quyết vào lấy cho được đồ của người, thì cái cương quyết đó là có hại cho lương dân; hoặc giữa anh Mít với anh Ôi rủi đụng chạm nhau, đôi đàng cương quyết ấu đả cho lợi gan thì làm sao khỏi mất sự hòa hảo giữa hai bên, như thế, là cương quyết họa hại. Trái lại gặp người túng bẩn thì mình đem tiền bạc giúp cho, thấy người dốt nát đem lời lành khuyên bảo, đó là cương quyết lợi ích. Nói rõ hơn là mỗi việc làm nào chúng ta hãy suy nghĩ kỹ lưỡng hễ có lợi ích công cộng thì cứ cương quyết thật hành ngay, việc làm nào có tai hại thì cương quyết bỏ ngay, được như vậy, mỗi việc làm nào của chúng ta mới thoát khỏi tổn thương cho nhiều người.
Discussion about this post