HIỆN THỜI PHẬT GIÁO CHẲNG CHÚ TRỌNG GIÁO HỌC, CHỈ LO LÀM KINH SÁM PHẬT SỰ, PHÁP HỘI, NHỮNG NGƯỜI TRẺ TUỔI TRÔNG THẤY BÈN CHO LÀ MÊ TÍN. THÔI RỒI! PHẬT GIÁO BỊ DIỆT VONG TRONG ĐỜI NÀY CỦA CHÚNG TA, NGƯỜI TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA CÓ THỂ THÀNH TỰU HAY CHĂNG? NIỆM PHẬT CÓ THỂ VÃNG SANH HAY CHĂNG? TÔI NGHĨ LÀ CHẲNG THỂ NÀO, THẢY ĐỀU VÀO…
Hai tháng trước, vào tháng Sáu, chúng tôi theo đoàn phỏng vấn tôn giáo của Mã Lai đến thăm Vatican ở La Mã, gặp gỡ Giáo Hoàng. Hồng Y Giáo Chủ Đào Nhiên (Jean-Louis Tauran) thuộc Tòa Thánh cùng chúng tôi trao đổi, nghe ông ta báo cáo. Ông ta cho chúng tôi biết: Trong xã hội hiện thời, người tín ngưỡng tôn giáo mỗi năm một ít đi. Họ có thống kê, người chịu lễ rửa tội mỗi năm một ít hơn. Trong nhà Phật gọi là Quy Y, tức là người quy y [đạo Thiên Chúa] mỗi năm một ít hơn. Theo lập trường của một giáo sĩ, họ rất lo ngại, cứ như vậy, tôn giáo sẽ dần dần biến mất trên địa cầu. Lần lượt đến phiên tôi trình bày, tôi cũng tha thiết thưa với mọi người, vì sao lúc các vị giáo chủ sáng lập tôn giáo thuở ấy, cũng như thời các vị cổ thánh tiên hiền kế thừa truyền thống, một mực kéo dài mấy ngàn năm cho đến hiện thời là do nguyên nhân nào? Hiện thời chúng ta gặp gỡ quần chúng, quần chúng bỏ rơi, rời khỏi chúng ta. Trong quá khứ, giáo chủ, tổ sư đại đức truyền giáo ở nơi đâu, tín chúng từ phương xa tụ hội đến, nay chúng ta ở đây họ bèn bỏ đi, do nguyên nhân nào? Chúng ta suy nghĩ vào thời đại của Thích Ca Mâu Ni Phật là giáo học, một nền giáo dục tốt đẹp như vậy, người ta nghe thấy bèn hoan hỷ, nên người ta kéo đến, nay thì sao? Chẳng có giáo học. Rất nhiều tôn giáo ở ngoại quốc lo cầu nguyện, Phật giáo tại Trung Quốc thì lo làm kinh sám Phật sự, pháp hội, ngay như Tam Thời Hệ Niệm của chúng ta cũng giống như chuyện cầu nguyện của họ, những người trẻ tuổi trong xã hội trông thấy chẳng tin, [chê là] mê tín. Thôi rồi! Hễ nói đến mê tín thì còn ai muốn đến nữa? Đương nhiên đều bỏ đi, đạo lý ở chỗ này!
Chúng ta phải cứu vãn tôn giáo như thế nào? Phải đưa tôn giáo trở về giáo học. Phải biết: Kinh điển chẳng phải để tụng! Vì sao? Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, Ngài chẳng viết một bộ kinh nào! Kinh điển do đâu mà có? Sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật viên tịch, các đệ tử nhớ lại các giáo huấn của Thích Ca Mâu Ni Phật mà họ đã được tiếp nhận trong một đời, cũng là hội tập, thỉnh tôn giả A Nan nhắc lại, đại chúng cùng nghe, xem A Nan có nói sai hay không. Năm trăm vị A La Hán chứng minh, chép lại thành văn tự lưu truyền hậu thế, đó là nguồn gốc của kinh điển. Chúng ta hiểu rõ kinh điển nhằm dạy chúng ta hiểu lý, vâng giữ quy củ, sống như thế nào, dùng tâm thái gì để làm việc, đãi người, tiếp vật, nhằm nâng cao linh tánh của chính mình, đức Phật dạy chúng ta những điều ấy, chẳng dạy chúng ta niệm kinh, càng chẳng dạy chúng ta siêu độ. Siêu độ là phải đem công đức chân thật của chính mình, đối với xã hội và hết thảy đại chúng dâng hiến công đức chân thật, hồi hướng cho thân nhân của quý vị. Phương pháp siêu độ trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh là như thế, chẳng có kinh sám Phật sự, nói theo Lý cũng thông suốt. Vì thế, chúng ta chớ nên không biết, chớ nên chẳng giác ngộ điều này. Chúng ta dạy học mỗi ngày, cùng nhau học tập mỗi ngày, biến các đạo lý được giảng trong kinh điển thành tư tưởng và kiến giải của chúng ta, và cũng biến rất nhiều lời khuyên bảo trong kinh điển thành hành vi trong cuộc sống của chính chúng ta, kinh điển có cống hiến quá lớn đối với chúng ta. Từ kinh điển, chúng ta học tập cách làm người, biết làm một người tốt, chính mình làm được sẽ ảnh hưởng cả nhà, nhà chúng ta sẽ là một gia đình thật sự hạnh phúc mỹ mãn; hạnh phúc mỹ mãn ấy do đức Phật dạy dỗ. Lại mở rộng ra, chúng ta sẽ có xã hội hài hòa, thế giới hòa hợp, đó là cống hiến chân thật của chư Phật, Bồ Tát đối với thế giới và nhân loại, chẳng giả tí nào! Phật giáo là như thế, mà các tôn giáo khác cũng đều như thế. Các tôn giáo học tập lẫn nhau, chỉ có học tập lẫn nhau mới có thể nâng cao chính mình, giống như tại Trung Quốc, Nho và Đạo tiếp nhận Phật pháp, học tập kinh điển, nâng cao văn hóa bản địa, có cùng một đạo lý!
Quảng Mục thiên vương đã thị hiện ngăn ngừa tạp loạn, Đa Văn thiên vương thị hiện ngăn ngừa ô nhiễm. Thiên Vương Điện gồm bốn vị thiên vương và Di Lặc Bồ Tát đã ban cho chúng ta bài học thứ nhất. Hết sức đáng tiếc là hiện thời mọi người đã bỏ sót, quên khuấy ý nghĩa này, coi Di Lặc Bồ Tát và các thiên vương như thần tiên, đốt hương, lễ bái cầu phước! Há có chuyện như thế ư? Mười phần mê tín. Sa sút như vậy, Phật giáo sẽ dần dần bị suy diệt, mà cũng có thể chẳng còn nữa! Phật giáo bị diệt trong đời này của chúng ta, người trong thời đại chúng ta có thể thành tựu hay chăng? Niệm Phật có thể vãng sanh hay chăng? Tôi nghĩ chẳng thể nào, thảy đều vào địa ngục. Vị thầy tốt như thế, nhưng quý vị làm cho đại chúng trong xã hội nẩy sanh hiểu lầm nghiêm trọng đối với thầy, quý vị có tội lỗi hay không? Chúng ta làm sao để xứng với thầy? Phương pháp duy nhất là quay đầu. Thật sự quay đầu là bờ, nghiêm túc học tập kinh giáo, thực hiện trong cuộc sống, nâng cao phẩm chất cuộc sống, cống hiến chân thật, đấy là mới là Phật pháp tồn tại lâu dài trong nhân gian, chánh pháp tồn tại dài lâu. Thưa mọi người, trong ấy có giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quả, giáo dục triết học, giáo dục khoa học viên mãn. Những gì đại chúng trên thế gian đang theo đuổi trong hiện thời, trong kinh Phật đều có cả, đó là lòng đại từ đại bi chân chánh. Vì thế, chúng sanh hễ trông thấy, nghe tên đều đắc Từ Tâm tam-muội.
– HT. Tịnh Không, Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa 11, tập 92.
Discussion about this post