1. Chẳng nên vạch bày chỉ thẳng ra cái yếu kém của người. Chẳng được phô bày cái hay tốt của mình.
2. Những chuyện ở trong gia đình mình, không thể đem đi nói cho người ngoài biết.
3. Miệng là cửa của họa phước, phàm có lời muốn nói, cần phải có sự suy gẫm đắn đo trước rồi mới nói.
4. Khi thấy người thất ý, chớ nên nói những việc đắc ý của mình. Gặp người lớn tuổi, chớ nên nói lời bi ai chết chóc.
5. Đối với người sơ giao mới quen, không thể thổ lộ cho họ những lời sâu kín. Sau khi tuyệt giao rồi cũng chẳng nên đối với kia nói những lời khó nghe.
6. Chẳng nên làm nhục người, chẳng nên lấy người ra làm trò đùa để mua vui.
7. Khi đứng trước người tàn tật, càng nên đặc biệt biểu tỏ sự cung kính.
8. Đối với những người sống bằng sức lao động khổ nhọc như gồng gánh, bán hàng rong, chớ nên lấn ép tiện nghi của họ.
9. Thi ân cho người thì nên quên bỏ, thọ nhận ân của người cần phải báo đáp. Lỡ đắc tội với người thì nên đến xin hòa giải. Người lỡ đắc tội với mình thì nên khoan thứ.
10. Đối với người lành thì nên tự thân đến để gần gũi, phải có lòng kính tin lâu dài. Đối với hạng người xấu ác thì tự mình cũng nên cung kính nhưng cần phải lánh xa.
11. Gặp bất cứ chuyện gì cũng đều phải giữ sự trầm tĩnh, đối với những việc tự mình không thể làm được thì chớ nên vọng dối rằng mình có thể.
12. Đi qua vườn dưa chớ nên ngồi xuống cột giầy, đứng dưới cây mận thì chớ nên đưa tay chỉnh sửa nón mũ.
13. Phàm xử sự việc gì cũng phải hợp với lý trí, không thể nghiêng nặng cảm tình.
14. Cái mình không muốn, chớ đem cho người khác.
15. Phàm cần cầu người khác dạy bảo việc gì, tất cần phải đến bên cửa để thưa hỏi.
(Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam biên soạn).
– Theo Tịnh Tông Đồng Học Tu Hành Thủ Tắc.
Discussion about this post