Hòa thượng chủ pháp, chư vị pháp sư, chư vị khách quý, chư vị đại đức, xin chào mọi người! Hôm nay là ngày đầu tiên của “Pháp hội Hệ niệm siêu độ hộ quốc tiêu tai tế tổ Thanh minh Hồng Kong năm Mậu Tuất 2018”, rất vui khi nhìn thấy mọi người tụ hội về đây, chung tay góp sức! Chúng ta từ năm 2012 đã bắt đầu tổ chức đại điển tế tổ, năm nay đã là năm thứ 7 rồi. Ý nghĩa của tế tổ là đề xướng hiếu đạo, dạy người ta không quên nguồn cội, gọi là “tri ân báo ân”, “đền ơn đáp nghĩa”. Hiếu kính là gốc rễ quan trọng của nhân đạo, người người phát huy tinh thần hiếu kính, phong khí xã hội sẽ trở nên đôn hậu. Cho nên “Luận ngữ” đã nói “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu hĩ”. Ý nghĩa này là vô cùng trọng đại!
Hôm nay các vị ngồi đây, có rất nhiều vị là người học tập văn hóa truyền thống, cũng có những vị đang học Phật pháp, cho nên tại đây tôi muốn báo cáo với mọi người, như thế nào mới là khéo học (thiện học) Phật pháp và văn hóa truyền thống.
Nói về việc học Phật, trước tiên phải hiểu thế nào gọi là “Phật”. “Phật” là từ dịch âm từ Phạn ngữ Ấn Độ cổ, có nghĩa là trí giả, giác giả. Cho nên học Phật tức là học làm người có trí huệ, làm người giác ngộ. Nói một cách đơn giản, tức là phải làm 1 người sáng suốt. Nói về việc học tập văn hóa truyền thống, “Đại học” có nói “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”, muốn học làm một “đại nhân”, cũng tức là muốn học làm thánh hiền quân tử, trước hết phải hiển minh đức tánh quang minh vốn có của chính mình, sau đó mới có thể thân ái nhân dân, khiến nhân dân cũng có thể minh minh đức, sau cùng mới có thể đạt đến cảnh giới chí thiện viên mãn. Cho nên mục đích của việc học tập văn hóa truyền thống cũng là phải làm 1 người sáng suốt.
Làm sao mới có thể làm 1 người sáng suốt? Tổ sư đại đức cổ đại thường hỏi 1 câu rằng “Ngươi biết không?”, nếu như quý vị biết, quý vị chính là 1 người sáng suốt; nếu như quý vị không biết, thì quý vị là 1 người hồ đồ. Vậy thì, thế nào mới gọi là biết? Tức là phải khéo học; học tập Phật pháp phải khéo học, học tập văn hóa truyền thống cũng phải khéo học. Có thể khéo học, quý vị sẽ nhận được lợi ích chân thật của Phật pháp và văn hóa truyền thống, một đời hạnh phúc, mỹ mãn, vui vẻ; nếu không khéo học, cho dù Phật pháp và văn hóa truyền thống tốt như vậy, quý vị cũng có thể càng học càng có vấn đề, càng học càng nhiều thói xấu, càng học càng đau khổ. Việc này cũng như 1 phương thuốc tốt, nếu như biết phương pháp sử dụng đúng đắn, bệnh của quý vị sẽ được điều trị mau chóng; ngược lại, nếu như phương pháp sử dụng sai lầm, có thể bệnh của quý vị sẽ càng ngày càng trầm trọng. Cho nên vấn đề không nằm ở thuốc mà nằm ở bản thân quý vị có biết khéo léo sử dụng hay không. Cũng vậy, những người xảy ra vấn đề khi học Phật và học tập văn hóa truyền thống, điều quan trọng không nằm ở Phật pháp và văn hóa truyền thống, mà nằm ở bản thân quý vị không khéo học, quý vị học sai rồi, học lệch rồi.
Làm sao mới có thể khéo học (thiện học)? Điều này bao gồm việc thiện thính (khéo nghe), thiện tư (khéo nghĩ), thiện ngôn (khéo nói) và thiện hành (khéo hành). Trong kinh Phật, chúng ta có thể nhìn thấy, mỗi khi có người thỉnh pháp, trước khi Đức Phật chính thức khai giảng, đều sẽ dặn dò thính chúng phải “Đế thính, thiện tư niệm chi”. Câu nói này chia thành 3 phần, đế thính, thiện tư, niệm chi. 3 phần này xem xét kĩ lại, tức là thiện thính, thiện tư, thiện ngôn và thiện hành, những điều này đều làm được thì gọi là khéo học (thiện học).
Đế thính tức là thiện thính (khéo nghe), phải dụng tâm lắng nghe kĩ càng, lãnh thọ chính xác những lời Đức Phật nói, giống như Khổng Tử nói về quân tử cửu tư, có 1 mục là “thính tư thông”: Khi nghe thì phải nghe rõ ràng, phải nghe hiểu hàm nghĩa trong lời nói. Nếu như nghe bị thiếu sót, hoặc nghe sai ý nghĩa của nó, lý giải sai lầm, gọi là “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan” thì sẽ rất phiền phức, sẽ sanh ra sai lầm và lệch lạc. Trong tứ y pháp mà Đức Phật đã dạy thì có “y nghĩa bất y ngữ”, điều quan trọng nhất khi nghe pháp là phải lý giải chính xác ý nghĩa trong đó, chứ không phải chấp trước ở ngôn ngữ, văn tự.
Thiện tư (khéo nghĩ) tức là tư duy, lãnh ngộ những đạo lý Đức Phật đã nói 1 cách như lý, đây cũng là “chánh tư duy” ở trong bát chánh đạo. Nho gia cũng vô cùng nhấn mạnh, học giả cần phải thận tư, minh biện. Đối với lý luận, sự thật và nhân quả của Phật pháp và văn hóa truyền thống, đều phải rất lý trí mà phân biết rõ ràng. Ví dụ, phải minh biện vấn đề khế lý và khế cơ; những kinh Đức Phật đã nói là đối với những chúng sanh có căn tánh khác nhau mà nói, đối với chúng sanh có căn tánh này thì nói thế này, đối với chúng sanh có căn tánh kia thì nói thế kia, không thể lẫn lộn với nhau. Căn tánh chúng sanh khác biệt quá lớn, cho nên pháp môn của Đức Phật cũng có đủ mọi khác biệt. Có thể minh biện sự khác biệt về giáo lý giữa các pháp môn khác nhau, cũng có thể minh biện các căn tánh khác nhau mà chúng nhắm vào, thì sẽ không đến nỗi bị nhầm lẫn.
“Niệm chi” tức là tu hành, ở đây đã bao gồm thiện ngôn (khéo nói) và thiện hành (khéo làm). Phải đem những đạo lý Đức Phật đã nói thời thời khắc khắc ghi nhớ trong tâm, đồng thời cũng phải biểu hiện ra trong ngôn ngữ và hành vi để sửa đổi những phiền não tập khí của bản thân, chánh kỉ hóa nhân.
Sau khi đã hiểu về cách làm đúng đắn, sau đây chúng ta đối với 4 phần “thiện thính”, “thiện tư”, “thiện ngôn” và “thiện hành” sẽ liệt ra một số tình hình không khéo học, ít nhất phải tránh rơi vào những tình hình này, mới có thể được gọi là khéo học. Cần phải biết rõ khuyết điểm của mình nằm ở đâu mới có thể tiến hành sửa đổi, thuận lợi nâng cao.
Bất thiện thính (không khéo nghe)
Có những người khi nghe chỉ nghe 1 nửa, sau đó đã cắt câu lấy nghĩa, không lý giải một cách hoàn chỉnh, chính xác những hàm nghĩa đã được nói, thậm chí còn sanh ra hiểu lầm, thậm chí còn gây ra những hành vi lệch lạc. Ví dụ, có người vừa nghe thấy phải buông bỏ vạn duyên, liền đem toàn bộ tài sản trong nhà ra bố thí hết, khiến cho cuộc sống của chính mình và người thân không được an ổn, gây ra vấn đề cho gia đình, thậm chí còn diễn biến thành vấn đề của xã hội. Trên thực tế, khi chúng tôi giảng kinh đã nói qua bao nhiêu lần, gọi là buông bỏ tức là chỉ việc buông bỏ ở trong tâm, về sự thì vẫn phải theo pháp thế gian mà làm, chứ không phải bảo quý vị cái gì cũng không cần nữa, đây là sai lầm rất lớn. “Phật pháp tại thế gian, bất hoại thế gian pháp”, cho nên về sự thì không được bỏ, tất cả trách nhiệm và nghĩa vụ trên thế gian đều phải nghiêm chỉnh làm cho tốt, trong tâm thì nhất định không thể nhiễm chấp, tâm địa thanh tịnh, nhất trần bất nhiễm, vậy là đúng rồi! Đại sư Ấn Quang khai thị cho học nhân Tịnh tông, phải nên “đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ”, thế pháp và Phật pháp như vậy đều viên dung toàn bị, mới phù hợp với tinh thần trung đạo của Phật pháp Đại thừa.
Lại như, chúng ta tán thán lão hòa thượng Hải Hiền, lão hòa thượng không biết chữ, cả đời chưa từng đọc 1 bộ kinh nào, 1 bộ kinh cũng chưa từng nghe, chỉ 1 câu Phật hiệu nhất môn thâm nhập, đã niệm 92 năm, làm tấm gương tốt cho đệ tử Phật môn xem, để mọi người tăng trưởng tín tâm, kiên định nguyện tâm, và cũng vãng sanh Tịnh độ như ngài. Có những người nghe xong những lời này liền cắt câu lấy nghĩa, học tập lão hòa thượng Hải Hiền không biết chữ, không đọc kinh, không nghe kinh, còn phê bình những người đọc kinh, nghe kinh là không đúng. Đây cũng là không thiện thính (khéo nghe), không nghe hiểu ý của người giảng kinh, những điều nên học thì không học được, ngược lại còn sanh ra kiến giải sai lầm, vô cùng đáng tiếc!
Có những người thì ngược lại, nghe thấy chúng tôi xưng tán “Kinh Vô Lượng Thọ” thù thắng thế nào, có thể khiến người ta sanh khởi tín nguyện hạnh kiên định, vậy là liền chấp trước “Kinh Vô Lượng Thọ”, cho rằng chỉ niệm A Di Đà Phật thì không thể vãng sanh, nhất định phải tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” mới có thể vãng sanh, còn kéo 1 số lão Bồ tát chuyên tâm niệm Phật đến tụng “Kinh Vô Lượng Thọ”, khiến cho tín tâm của họ đối với việc niệm Phật bị dao động, cứ phải khổ sở vất vả tụng “Kinh Vô Lượng Thọ” mới được, đây thật sự là làm đoạn pháp thân huệ mạng của người khác! Khi chúng tôi giảng kinh đã nhiều lần nói rằng, những người tín tâm không đủ thì phải đọc kinh; nếu như là người đã sanh khởi tín tâm rồi, thì kinh có thể không đọc, 1 câu Phật hiệu niệm đến cùng là đủ rồi. Bây giờ họ cứ phải làm điều ngược lại, kéo những người đã có tín tâm, đang chuyên tâm niệm Phật quay lại đọc kinh, thật đúng là điên đảo! Vốn dĩ chúng sanh đã có căn tánh khác nhau, có người thích nghe kinh, có người thích đọc kinh, có người thích lạy Phật, có người thích niệm Phật, không thể nhất loạt như nhau. Cổ đức từng nói “Thà khuấy nước ngàn sông, chẳng động tâm người tu hành”, khiến tín tâm của người chuyên tâm tu hành bị dao động, đây là tội lỗi cực lớn! Nếu như những cụ già này không vãng sanh được, món nợ này đều sẽ tính lên đầu những người kia.
Còn có người nghe nói công đức trợ niệm cho người khác là rất lớn, liền đem người bệnh nặng khiêng đến những nơi sáng sủa rồi ngày đêm trợ niệm, không cho người bệnh có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi, không có thời gian ngủ nghỉ thì sẽ không có tinh thần rất tốt để niệm Phật; bị thiếu ngủ trong thời gian lâu ngày, thậm chí về phương diện tinh thần cũng sẽ có vấn đề. Đây đều là những ví dụ về tâm tốt mà lại làm việc xấu.
Có người nghe nói khi trợ niệm thì không được động chạm vào người mất, vậy là liền ngăn cấm người nhà đến phục vụ cho người bệnh, không cho họ uống nước, không cho mọi người giúp họ đại tiểu tiện..v..v…, đây cũng là 1 hiểu lầm nghiêm trọng. Không cho phép động chạm vào họ là chỉ lúc sau khi họ tắt thở, bây giờ người bệnh còn chưa tắt thở, vẫn còn các nhu cầu uống nước, đại tiểu tiện, chỉ vì quý vị đã bắt đầu trợ niệm, liền không cho người ta đến giúp đỡ họ, làm những việc như vậy, đây là ngược đãi người bệnh! Nhu cầu thân thể của họ không thể được thỏa mãn, liền gia tăng sự đau khổ cho họ, khiến họ không thể chuyên tâm niệm Phật. Cho nên những người trợ niệm này là đang chướng ngại họ, chứ không phải đang giúp đỡ họ.
Có người nghe tôi nói, 1 đời này tôi không thu nhận đồ đệ, những vị pháp danh có chữ “Ngộ” đều do viện trưởng Hàn thu nhận, họ liền nói những vị pháp danh chữ “Ngộ” đều không phải người xuất gia, đây cũng là cố ý bóp méo sự thật. Ý của tôi là, tôi không muốn thu nhận đồ đệ, nhưng thuận theo ý của viện trưởng nên mới thế độ cho người khác. Họ đều đã trải qua nghi thức thế độ chính thức, lại đã chính thức thọ tam đàn đại giới, sao quý vị có thể nói họ không phải người xuất gia chứ? Nói như vậy cũng là tạo khẩu nghiệp!
Những sự sai lệch trên đây luôn luôn bởi vì không thiện thính (khéo nghe), không lý giải đúng đắn ý tứ của người giảng kinh, hoặc là nghe kinh không đủ, nghe được 1 phần liền cắt câu lấy nghĩa mà gây ra.
Bất thiện tư (không khéo nghĩ)
Đã từng có người hỏi tôi 1 vấn đề “Nếu tất cả đều đã là “không” thì tại sao còn phải học văn hóa truyền thống”. Tôi hỏi lại họ 1 câu “Nếu tất cả đều đã là “không” thì tại sao anh còn phải ăn cơm?”. Đây là 1 sự sai lệch chấp lý phế sự điển hình, chấp vào lý luận mà phủ định sự tướng. Tất cả đều là “không”, đây là cảnh giới của chân đế, là cảnh giới của thánh nhân, bây giờ quý vị vẫn là 1 phàm phu, vẫn chưa đạt được cảnh giới như vậy, làm sao có thể phủ định sự tướng chứ? Quý vị chỉ biết 1 chút lý luận, nhưng vậy có ích gì, quý vị không ăn cơm thì bụng vẫn đói; quý vị không học văn hóa truyền thống thì vẫn không hiểu rõ sự lý, ngu si, hồ đồ!
Có những người nghe tôi nói 3 cái gốc rất quan trọng, liền bắt đầu học tập 3 cái gốc. Hôm khác nghe nói văn tự học rất quan trọng, họ liền đổi qua học văn tự học. Lại nghe nói “Quần thư trị yếu” rất quan trọng, họ lại qua học “Quần thư trị yếu”… Một môn còn chưa học xong liền đổi qua học môn khác, đây cũng là một hiểu lầm. Mỗi người đều phải chọn lựa 1 môn thích hợp với mình, trường kì huân tu, không thể cứ mãi thay đổi. Tất nhiên, nếu như quý vị có tuần tự, 3 cái gốc cắm vững rồi mới học văn tự học, học tốt văn tự học rồi mới học “Quần thư trị yếu”, vậy là đúng rồi! Cho nên phải minh biện đạo lý, tư duy chính xác mới có thể tu học đúng đắn.
Sự cảm ứng của Phật Bồ tát là thật có, thần thông cũng là thật có, nhưng người học Phật không thể nào chấp trước vào cảm ứng và thần thông, hễ chấp trước liền sai lầm, liền lệch lạc. Nếu như có người luôn luôn khoe khoang về sự cảm ứng và thần thông của họ, thậm chí còn nói ra những lời trái nghịch với giáo lý, vậy thì không thể tin theo. Đại sư Ấn Quang đã nói lên đồng đa số đều do linh hồn đang tạo tác, giả mạo danh nghĩa của Phật Bồ tát, thật ra họ không phải Phật Bồ tát. Nhập hồn cũng là như vậy, thậm chí có ma đến nhập hồn, cho nên người học Phật đối với họ phải kính nhi viễn chi.
Trong tứ y pháp có nói “y pháp bất y nhân”, chúng ta học Phật không thể mù quáng tôn sùng 1 cá nhân nào, nhất định phải dùng lý trí, phải lấy giáo lý làm chuẩn. Tôi đã nói, bản thân tôi là 1 phàm phu, ngay cả sơ quả Tu đà hoàn tôi cũng chưa đạt đến, cho nên không thể mù quáng sùng bái tôi. Tôi từng tán thán 1 số người, đó là bởi vì họ có những điều đáng được học hỏi, tôi chỉ tán thán một số ưu điểm đó của họ, chứ không phải ấn chứng cho họ, tôi chưa bao giờ ấn chứng cho ai hết. Cho nên mọi người phải rất lý trí mà nhìn nhận những người tôi đã từng tán thán, không thể cho rằng tất cả mọi điều của họ đều là đúng. Nếu như họ thường hay lợi dụng lời tán thán của tôi để đề cao giá trị của bản thân mình, vậy thì quý vị phải rất cẩn thận, rất có thể họ đã quá xem trọng danh lợi rồi. Người học Phật chân chính, người học tập văn hóa truyền thống chân chính, đều là rất khiêm tốn, làm sao có thể nhiều lần lợi dụng sự tán thán của người khác để quảng cáo bản thân mình chứ? Từ đây sẽ có thể nhìn thấy những người như vậy là những người có vấn đề.
Bất thiện ngôn (không khéo nói)
“Kinh Vô Lượng Thọ” đã nói “Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá”, Khổng Tử cũng nói “Phi lễ vật ngôn”. Có những học nhân lại không y giáo phụng hành, cứ luôn thuận theo phiền não của chính mình mà nói năng, không tu khẩu đức, không thiện hộ khẩu nghiệp. Sau khi họ học Phật, học văn hóa truyền thống, không phải dùng đó để tu sửa chính mình, mà lại đem ra để yêu cầu người khác, chuyên soi mói khuyết điểm người khác, cứ luôn thích cưỡng bách người khác tiếp thu ý tứ của chính họ mà tu hành, khi người khác kháng cự lại, liền mắng người ta không có thiện căn, không có phước báo… Dùng đạo lý của Phật pháp, dùng đạo lý của văn hóa truyền thống mà mắng người, đây chính là lạm dụng, khiến người ta sanh tâm phản cảm đối với Phật pháp và văn hóa truyền thống, làm đoạn mất cơ hội học tập thánh giáo của họ. Vốn dĩ là bài thuốc hay, dùng sai lầm thì thành ra thuốc độc. Sau khi học Phật, học văn hóa truyền thống thì lại bị người ta chỉ trích, luôn luôn bởi vì họ bất thiện ngôn, không tu khẩu đức mà gây ra.
Bất thiện ngôn có rất nhiều dạng, bao gồm vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, đều là bất thiện ngôn. Khẩu nghiệp là dễ tạo tác nhất, cho nên phải đặc biệt cẩn thận. Học nhân phải nên bắt tay từ khẩu nghiệp, nghiêm túc tu sửa những ngôn ngữ sai lầm của bản thân, như vậy thì sẽ tiến bộ rất nhanh.
Bất thiện hành (không khéo làm)
Có những người hễ nói về đạo lý thì thao thao bất tuyệt, nói năng mạch lạc rõ ràng, nhưng nói được mà làm không được, hành vi sai lầm của chính mình lại chẳng cẩn trọng chút nào, phiền não tập khí cũng không hề giảm bớt chút nào, đây chính là bất thiện hành.
Bất luận là thuộc loại phiền não nào, nếu như không gia tăng hàng phục, đều sẽ gây nhiều tổn hại. Và trong đủ các loại phiền não đó, ngạo mạn là điều phiền phức nhất. Khổng Tử nói “Như hữu Chu Công chi tài chi mỹ, sử kiêu thả lận, kì dư bất túc quan dã dĩ” (Nếu có tài hoa như Chu Công mà lại kiêu ngạo bủn xỉn, thì những thứ còn lại đều không đáng nhìn đến). Học tập thánh giáo mà không thể thực hành, không thể làm được, chính mình sám hối còn chẳng kịp nữa là, đâu còn có gì đáng để kiêu ngạo chứ! Cho nên nếu như nhìn thấy những học nhân kiêu mạn, thì phải biết là họ chưa thật sự học tốt được.
Đệ tử Phật có 4 giới quan trọng “Không báng quốc chủ, không làm quốc tặc, không trốn quốc thuế, không phạm quốc chế”, 4 điều này nếu không làm tốt thì là bất thiện hành. Có người hỏi tôi, hoạt động nhiễu Phật xung quanh thành phố có như pháp không? Tôi nói mọi người nghe, không như pháp, tại sao lại không như pháp? Quý vị trái nghịch với pháp luật quốc gia thì sẽ không như pháp. Pháp luật quốc gia quy định bằng văn bản rõ ràng, ngoài những khu vực hoạt động tôn giáo, không được phép tổ chức các hoạt động tôn giáo tập thể, quý vị còn làm chuyện nhiễu Phật quanh thành phố rầm rầm rộ rộ, đây chính là đã vi phạm pháp luật. Tại sao cứ phải chống đối chính phủ? Chống đối chính phủ chính là đại bất kính! Cho nên hy vọng các đồng học, hoạt động Phật sự nhất định phải tuân theo pháp luật của quốc gia, nhất định không được vi phạm pháp luật của quốc gia, không được tổ chức những hoạt động mà chính phủ không cho phép, đệ tử Phật môn tuyệt đối không được phép nhiễu loạn xã hội.
Lời kết
Phật pháp và văn hóa truyền thống đều là giáo dục phổ thế luân lý, đạo đức, nhân quả, trí huệ thánh hiền, nếu như có thể thiện thính, thiện tư, thiện ngôn, thiện hành, vậy thì quý vị sẽ thiện học (khéo học), sẽ được hạnh phúc, mỹ mãn, vui vẻ, cũng có thể giúp đỡ người khác thoát khổ được vui.
Hy vọng mọi người đều có thể khéo học Phật pháp và văn hóa truyền thống, vì gia đình, vì xã hội, vì quốc gia, vì thế nhân mà làm ra tấm gương tốt, thật sự tự lợi lợi tha, tự độ độ tha. Cảm ơn mọi người!
Lão Pháp sư Tịnh Không chủ giảng
Discussion about this post