Đại Sư dạy:
Đức Phật ra đời với nhân duyên mở bày chân tánh, khiến cho chúng sanh thoát vòng mê khổ, ngộ vào bản thể sáng suốt an vui. Bao nhiêu pháp môn, tất cả nghĩa lý nhiệm mầu trong một đời giáo hóa của Đức Bổn Sư, đều không ngoài mục đích ấy. Nhưng muốn tìm một lối thẳng tắt để mau thoát khỏi đường sanh tử, một pháp môn hợp lý, hợp cơ cho cho chúng sanh giữa thời buổi này, chỉ có pháp môn Tịnh Độ. Tại sao thế? Vì trong đời mạt pháp, người tu hành bị nhiều chướng duyên làm thoái chuyển. Ngẫm nhìn về thân phận con người thì phần sắc thân hay đau yếu, mạng sống ngắn ngủi, phần tâm tánh thì nghiệp báo sâu nặng, trí huệ tối mờ, không hiểu rõ về lý Nhân Quả, Nhân Duyên. Xét về cảnh bên ngoài thì phần đời thường xảy ra biết bao nhiêu là tai ương hỏa hoạn lũ lụt, phần đạo lại ít gặp được bậc thiện tri thức hay người chứng đạo dắt dẫn, vì thế dễ bị lung lay bởi những kẻ tu hành giả dối đưa đến mê tín dị đoan, tà giáo ngoại đạo. Cho nên trong Kinh Đại Tập, Đức Như Lai huyền ký lại rằng: Đời mạt pháp, ức ức triệu triệu người tu hành song khó được một kẻ ngộ đạo, chúng sanh chỉ nên nương nơi pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi.
Kinh Thập Lục Quán có ghi chép lại rằng: Muốn sanh về Cực lạc, cần phải tu ba thứ phước:
a.hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ Sư Trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành,
b. thọ trì tam qui, giữ trọn các giới đã lãnh thọ, đừng phạm oai nghi,
c. phát lòng bồ đề, tin sâu lý Nhân Quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.
Ba điều trên đây gọi là tịnh nghiệp.
Theo kinh Vô Lượng Thọ, trong số 48 đại nguyện của Đức A Di Đà, có mấy điều thiết yếu sau đây:
Nguyện thứ 18: Khi Ta thành Phật, chúng sanh trong mười phương hết lòng tin ưa muốn sanh về nước của Ta, xưng danh hiệu Ta cho đến 10 niệm, nếu không được vãng sanh, Ta thề không thành chánh giác.
Nguyện thứ 19: Khi Ta thành Phật, chúng sanh trong 10 phương phát lòng Bồ Đề, tu các công đức, chí tâm phát nguyện cầu sanh về nước Ta, đến lúc lâm chung, nếu Ta không cùng Thánh chúng hiện ra ở trước mặt người ấy, Ta thề không thành chánh giác.
Nguyện thứ 21: Khi Ta thành Phật, hàng nhân thiên trong nước Ta thảy đều đủ 32 tướng đại nhân, nếu chẳng được như thế, Ta thề không thành chánh giác.
Nguyện thứ 27: Khi thành Phật, từ hàng nhân thiên cho đến tất cả muôn vật trong nước Ta, hình sắc đều tốt đẹp, nghiêm sạch sáng rỡ, vi diệu cùng cực, không thể tính kể. Nếu những chúng sanh chứng được thiên nhãn mà có thể biện thuyết rõ ràng được sanh số, Ta thề không thành chánh giác.
Nguyện thứ 32: Khi Tathành Phật, từ cõi đất lên đến hư không, những cung điện lầu quán, ao nước cây hoa, tất cả vạn vật đều do vô lượng tạp bảo, trăm ngàn thứ hương hoa hiệp lại tạo thành, nghiêm đẹp kỳ diệu, hơn các thiên cung. Mùi hương trong nước Ta lan tỏa khắp 10 phương thế giới, các Bồ Tát tiếp xúc được hương ấy đều tu Phật hạnh. Nếu chẳng được như thế, Ta thề không thành chánh giác.
Nguyện thứ 39: Khi Ta thành Phật, hàng nhân thiên trong nước Ta đều hưởng sự an vui như bậc Lậu Tận Tỳ Khưu. Nếu chẳng được như thế, Ta thề không thành chánh giác.
Kính thỉnh đại chúng lập lại lời phát nguyện:
Đệ tử chúng con, nguyện không tham luyến thế gian, một lòng chí thành, trì danh hiệu Phật, nguyện Ngài tiếp dẫn, chúng con và chúng sinh, đồng sanh Tây Phương, thoát khổ ba đường, viên tròn Phật quả, trở lại Sa Bà, hóa độ chúng sinh.
Nam mô A Di Đà Phật
Discussion about this post