Đại Sư dạy:
Thật vì sanh tử, phát lòng Bồ Đề, dùng tín nguyện sâu, trì danh hiệu Phật. Mười sáu chữ này là cương tông giềng mối của pháp môn niệm Phật. Nếu không phát lòng chơn thật thiết tha vì nỗi khổ sanh tử thì tất cả lời khai thị đều là phù phiếm. Bởi vì tất cả sự khổ trong đời này không gì hơn là việc sanh tử, chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, sống chết, chết sống, ra khỏi bào thai này lại chui vào một bào thai khác, bỏ lớp da này lại mang một lớp da khác, khổ não đã quá nhiều không kham nổi, huống chi tự mình chưa thoát luân hồi, làm sao tránh khỏi đọa lạc? Than ôi, khi một niệm sai lầm liền rơi vào ba đường ác là địa ngục ngạ quỉ súc sanh, dễ tới mà khó lui chân, chịu đọa đày khổ đau kiếp kiếp! Cho nên đại chúng phải hết sức lo sợ mà nghĩ đến vấn đề sanh tử như chịu tang cha mẹ, như cứu lửa đốt trên đầu mà gắng công chuyên tinh tu tập; ta đã khổ vì sự sống chết mà cầu thoát ly nên phát lòng từ bi liên tưởng đến tất cả muôn loài cũng đau khổ như vậy. Chúng sanh cùng ta đồng một bản thể, là cha mẹ của ta trong nhiều kiếp, là chư Phật đời vị lai, nếu chẳng phát tâm cứu độ, chỉ cầu giải thoát riêng mình thì đối với tình có chỗ chưa an, đối với lý có điều sơ sót. Huống chi chẳng phát đại tâm thì ngoài không thể cảm thông với Phật, trong không thể khế hợp với tánh chân, trên không thể tròn quả Bồ Đề, dưới không thể độ khắp muôn loài. Như thế làm sao báo đền ân nhân nhiều kiếp, làm sao giải thích oan gia nhiều đời, làm sao thành tựu căn lành đã gieo trồng từ xưa, làm sao sám trừ tội nghiệp oan khiên đã tạo ra về trước? Và như thế thì tu hành chỗ nào cũng gặp chướng duyên, dù có thành tựu cũng là quả vị thấp, cho nên phải xưng tánh phát lòng Bồ Đề vậy.
Discussion about this post