Từ khi đức Phật Thích-Ca xuất thế vào năm 624 năm trước Tây lịch, thì Phật giáo bắt đầu thành hình tại Ấn-Độ.
Đức Phật ra đời tại xã hội Ấn, vì Ngài nhận thấy sự bất công trong các tầng lớp dân chúng, lúc bấy giờ có phân ra ít nhất là 4 giai cấp như :
– Bà-la-môn (Brahman) tức hàng giáo sĩ có học, nắm giữ tất cả mọi uy quyền thế lực.
– Sát-đế-lợi (Ksatrya) hay dòng dõi vua chúa.
– Phệ-xá (Vaisary) thuộc hàng thương mãi
– Thủ-đà-la (Sudra) thuộc đám dân lao động cùng khổ. Ngoài ra, còn một hạng tiện dân (untouchables) hay nô lệ.
Đức Phật chủ trương sau bằng tất cả các giai cấp, Ngài quan niệm mỗi người sanh ra đều bình đẳng, vì “không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và trong giọt nước mắt cùng mặn”. Từ đó, Ngài mở ra cho xã hội Ấn-Độ một kỷ nguyên mới : Kỷ nguyên Phật giáo. Đức Phật Thích-Ca sanh ở thành Ca-Tỳ-La-Vệ, con vua Tịnh-Phạn và Hoàng-hậu Ma-Gia (Sudhadana and Maha-Maya), tên là Tất-Đạt-Đa (Siddharta), họ là Thích-Ca (Sakya). Sau khi thành Phật hiệu là Mâu-Ni hay Cồ-Đàm. Ngài sanh vào ngày mồng 8 tháng 4 đời Chiêu-Vương nhà Chu (trước Tây lịch 624 năm). Do công phu tu tập, Phật đã giác ngộ được. Sau khi chứng đắc đạo quả, Phật đi chu du khắp xứ Ấn-Độ để truyền giáo cho đến năm 80 tuổi Ngài nhập diệt vào ngày rằm tháng 2, tại rừng Câu-Thi-La. Giáo pháp của Ngài sau đó được các chúng đệ tử kiết tập thành 4 kỳ và chia ra thành nhiều bộ phái. Sau Phật diệt độ khoảng 300 năm có vua A-Dục ra đời, ra sức phát huy chánh pháp nên Phật giáo rất thịnh hành. Đến đầu kỷ nguyên Tây lịch, tại Bắc Ấn-Độ, ngài Mã-Minh ra đời, xiển dương Phật giáo, đã được vua Ca-Nỵ Sắc-Tra (Kaniska) hết sức ủng hộ và Phật giáo phái Đại-thừa được thạnh hành từ đó. Cho tới thế kỷ thứ 9 – 10 Tây lịch có các ngài Vô-Trước, Thế-Thân ra đời ở Bắc Ấn-Độ, sau đến Trung Ấn khởi xướng Đại-thừa Phật giáo qua duy thức học.
Phật giáo mặc dù phát nguồn từ Ấn-Độ nhưng không phát triển mấy. vào thế kỷ thứ 11, Hồi-Giáo thắng thế. Quân Hồi tìm cách tiêu diệt Phật giáo. Vào thế kỷ thứ 19, người Anh tìm tới xứ Ấn để nghiên cứu Phật giáo. Năm 1893, Sarat Chaand Rodas, một người Anh, thành lập “Hội Nghiên Cứu Phật Giáo Ấn-Độ và Nhân Loại Học Thuật”. Năm 1891, “Hội Bồ-Đề” được thành lập có các chi nhánh tại Nữu-Ước, Luân-Đôn … và việc truyền bá Phật giáo lan rộng khắp Âu Mỹ do những tác phẩm đã dịch được từ kinh điển chữ Phạn. Có lẽ, nhờ vào các ảnh hưởng đó mà người Tây-phương có dịp tiến gần hơn về Đông-phương để nghiên cứu tìm hiểu tư tưởng Phật giáo.
Tuy nhiên, Phật giáo Ấn-Độ hiện thời không còn được thạnh hành như ở vào những kỷ nguyên trước mà chỉ còn lại trên hình thức cũng như những di tích lịch sử cổ của Phật giáo mà thôi.
Discussion about this post