CHƯƠNG BẢY
Xin chào các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Chúng ta đã giảng đến “Toán giảm tắc bần hào, đa phùng ưu hoạn, nhân giai ác chi, hình họa tùy chi”.
Cảm Ứng Thiên, văn tuy không dài, nhưng cảnh giới ở trong mỗi câu nói đều là rất sâu, rất rộng, đều là nói rõ kiết hung, họa phước. Quả, đích thực là chỉ do người tự mình chiêu cảm nên. Trong “Hội Biên” trích dẫn một đoạn trong Kinh Hoa Nghiêm, đoạn Kinh Văn này nói: “Diêm phù đề nội, ngũ trọc chúng sanh, bất tu thập thiện, chuyên tạo ác nghiệp, sát đạo, tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham, sân, tà kiến. Bất hiếu phụ mẫu, bất kính tam bảo, cánh tương phẫn tranh, hỗ kiến hủy nhục, nhậm tình khởi kiến, phi pháp mưu cầu, dĩ thị nhân duyên, đao binh cơ cận, tật bệnh tử tang, nhân họa thiên hình, chủng chủng thọ báo”.
Đoạn Kinh Văn này dường như là nói tình cảnh xã hội chúng ta hiện nay. Chúng ta thử suy nghĩ một chút, chúng ta sống trong môi trường này, điều Phật nói ra, chúng ta có phạm hay không? Nếu như có thì phải biết sám hối, phải biết sửa chữa lỗi lầm; nếu như không có thì cần phải nỗ lực động viên mình, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Thế gian này không có gì đáng để chúng ta lưu luyến. Thiên Kinh Vạn Luận, Phật đều khuyên dạy chúng ta phải tu tịnh nghiệp.
“Diêm phù đề nội” thực tế chính là nói trái đất này của chúng ta. Chúng sanh đời ngũ trược ác thế, năm loại ô nhiễm nghiêm trọng, chúng ta đã nói cặn kẽ trong Kinh A Di Đà rồi, trong Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói rất nhiều. Cho nên chúng ta tu hành vào thời đại này, trong Kinh Luận có rất nhiều phương pháp chúng ta không dùng được. Chúng ta chỉ mong cầu mức độ thấp nhất, phương pháp có hiệu quả nhất, đảm bảo một đời này chúng ta không những không đọa ba đường ác, mà nhất định còn có thể thoát khỏi tam giới. Chúng ta ngày nay duyên có rồi, thật sự là vô lượng kiếp đến nay nhân duyên hi hữu. Chúng ta đời này gặp được rồi, may mắn không gì bằng. Sau khi gặp được rồi chúng ta làm sao nắm giữ, quyết định thành tựu, đây đều do chính mình. Gặp được rồi, tin được, hiểu được thì đây là thiện căn. Có thể nghiêm túc nỗ lực làm thì đây là phước đức. Thiện căn, phước đức, nhân duyên, ba điều kiện đầy đủ thì chúng ta đời này chắc chắn thành tựu.
Tai nạn từ vô lượng kiếp đến nay đều có thể tránh được, đây là lời giáo huấn của Chư Phật Như Lai. Tu học mức độ thấp nhất là ngũ giới, thập thiện, phải làm được nó từ trên tâm địa. Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác lấy cái này làm tiêu chuẩn. Tích lũy công đức phải nương theo điều mà Thế Tôn đã nói trong Kinh Pháp Hoa, đó là lấy ngũ phẩm vị làm tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn này đều là thấp nhất, ai ai cũng có thể làm được. Cổ nhân nói, pháp môn này là “vạn người tu, vạn người vãng sanh”, lời nói này là sự thật. Không đi được là bạn không có phụng hành như lý, như giáo. Như lý, như giáo tu hành thì đâu có đạo lý nào mà không thành tựu?
Ngày nay chúng ta không cần nói hoa mĩ suông, không cần nói quá cao, quá huyền, cái đó không có lợi ích, không sát thực tế. Môi trường chúng ta sống hiện nay là gì? Trước mắt chúng ta là trình độ như thế nào? “Pháp” nhất định phải khế hợp căn cơ trước mắt thì chúng ta mới có thể có được sự thọ dụng chân thật. Trong kinh nói mấy câu này rất nghiêm trọng, chúng ta phải cảnh giác. “Không tu thập thiện, chuyên tạo ác nghiệp”, hai câu nói này là nói tổng quát. Dưới đây đem thập ác nêu ra, sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham, sân, si (tà kiến là si). Đây là đem mười nghiệp ác nói ra, chúng ta nhất định phải cảnh giác. Mười nghiệp ác này chúng ta có hay không? Thực tiễn vào trong hành vi đời sống, Phật nói: “Bất hiếu phụ mẫu, bất kính Tam Bảo”. Đây là căn bản xử thế của con người.
Giáo dục của nhà Nho, nhà Phật đều là lấy “Đạo hiếu” làm cơ sở, đến mục tiêu cuối cùng cũng chỉ là hoàn thành đạo hiếu. Cái ý này chúng tôi ở trong các buổi giảng nói rất nhiều rồi. Chúng ta đối với hai chữ “hiếu kính”, quả thật mà nói là không hiểu. Đây cũng khó trách! Tại sao không hiểu vậy? Không có người dạy thì bạn làm sao mà biết được?
Phật nói trong Kinh, chúng sanh cõi Diêm Phù Đề nhĩ căn nhạy nhất; thấy hiểu, điều này khó, không dễ; nghe thì dễ hơn nhiều, vì nhĩ căn nhạy. Thế nhưng trong đời này không có duyên phận gặp được thiện tri thức, không có người đem những sự việc này giảng rõ ràng, giảng minh bạch cho chúng ta, cho nên chúng ta căn bản là không biết.
“Hiếu thân, tôn sư”, nhận thức bốn chữ này, cách giảng như thế nào còn không biết thì làm sao mà bạn biết làm được? Kinh Địa Tạng chúng tôi đã giảng qua. Quả thật mà nói, mỗi lần giảng Kinh gặp phải những Kinh Văn này chúng tôi đều giảng tỉ mỉ. Hy vọng các đồng tu chúng ta huân tập thật nhiều, sau đó mới có thể thật sự ở trong đời sống hành trì đề cao sự cảnh giác của mình, khích lệ mình nghiêm túc nỗ lục tu học.
Trong Kinh Văn nói: “Bất hiếu phụ mẫu, bất kính Tam Bảo”, “Cánh tương phẫn tranh”, đây là đạo lý tất yếu, đây chúng ta gọi là đấu tranh kiên cố. Mọi người đều chấp trước tà kiến của mình, người thế gian chúng ta gọi là thành kiến. Trong Kinh Phật nói, mỗi người có kiến giải của mình, đôi bên kiến giải không giống nhau liền khởi tranh chấp. Người tranh với người, nước tranh với nước, vậy thì có nguy không!
“Hỗ kiến hủy nhục”. Đôi bên phỉ báng lẫn nhau, làm nhục lẫn nhau.
“Nhậm tình khởi kiến”. “Nhậm” là buông trôi, “tình” là tình chấp. Hoàn toàn tùy thuận theo tình cảm chấp trước của mình mà sinh khởi tà tri tà kiến.
“Phi pháp mưu cầu”. Cầu danh, cầu lợi dưỡng, cầu địa vị v.v… Những cái mà bạn mong cầu đều dùng cách thức không chính đáng, không hợp lý, không hợp pháp để mưu cầu. Thử hỏi xem, có thể cầu được hay không? Cũng có khi cầu được. Tại sao bạn cầu được vậy? Trong mạng bạn có. Trong mạng không có thì có cầu cũng cầu không được. Về sự việc này ở trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói rất rõ ràng, quí vị có thể xem nhiều lần. Trước đây chúng tôi có giải thích cặn kẽ về “Liễu Phàm Tứ Huấn”, có băng ghi âm còn lưu giữ, mọi người cũng có thể nghe nhiều thêm.
“Mọi thứ đều là mạng, chứ chẳng phải do người”. Lời nói này rất có đạo lý, cũng là chân tướng sự thật. Nhưng nhà Phật lại nói là “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, xưa nay Tổ Sư Đại Đức dạy chúng ta lời nói này cũng rất hay. Thiền Sư Vân Cốc dạy Viên Liễu Phàm, đó là một điển hình rất rõ rệt. Khi tôi mới học Phật, nhờ có Đại Sư Chương Gia chỉ dạy tôi, “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”, nhưng phải cầu như lý như pháp. “Phi pháp mưu cầu” thì chắc chắn không cầu được. Mưu cầu phi pháp, bạn có được là cái có sẵn trong mạng của bạn, nhưng đã bị tổn phước. Trong mạng có mười phần, bởi do bạn mưu cầu phi pháp, có thể chỉ có được năm phần, đã tổn mất một nửa rồi. Những đạo lý sự thật này bạn cần phải biết. Bởi do nhân duyên này nên thế gian này mới có chiến tranh. Chiến tranh là nhân họa, bị đói kém, bị bệnh tật, ở đây nói bệnh tật là ôn dịch. Quí vị mấy năm nay nhìn thấy súc sanh bị ôn dịch nghiêm trọng. Ở Anh, bò bị ôn dịch; mấy năm trước ở Hồng Kông, gà bị ôn dịch; Đài Loan, heo bị ôn dịch, bị giết đi trên một triệu con. Nhưng một ngày nào đó, khi đến người bị ôn dịch thì làm thế nào? Điều này rất có thể xảy ra.
Thiên tai nhân hoại “chủng chủng thọ báo”. Thọ báo từ đâu ra vậy? Là tự mình tạo tác. Người không hiểu rõ chân tướng sự thật nên họ không tin, còn chúng ta tin. Chúng ta nhìn thấy súc sanh thọ báo phải nghĩ đến súc sanh đời trước cũng là người, tại sao đời này lại mang thân súc sanh? Vì tạo nghiệp bất thiện nên ngày nay đọa vào thân súc sanh. Đọa vào cái thân này còn phải chịu ác báo, bạn nói thử xem, thê thảm cỡ nào! Từ đó cho thấy, đều là tự làm tự chịu, hoàn toàn không phải do người khác tạo tác.
Năm nay là năm 1999, lời tiên tri cổ xưa của toàn Thế Giới đều nói năm nay có tai nạn lớn. Những tin tức này sách bỏ túi rất nhiều, chúng ta đều có thể nhìn thấy khắp nơi. Hôm qua, đồng tu Đài Loan điện thoại nói với tôi, xã hội Đài Loan hiện nay đại khái cũng chịu sự ảnh hưởng của loại tin tức này, lòng người phập phồng. Đài truyền hình có một số người giải thích loại tiên tri này cũng không phải hoàn toàn đáng tin, khuyên mọi người không nên tin theo, hãy cứ yên tâm. Đây cũng là một phương pháp làm yên ổn lòng người xã hội, nhưng không phải là phương pháp cứu cánh viên mãn.
Phương pháp cứu cánh viên mãn là phải đem những chân tướng sự thật này nói rõ ràng. Vận mệnh chắc chắn là có, mỗi người đều có vận mệnh, gia đình có vận mệnh, quốc gia cũng có vận mệnh, Thế Giới vẫn là có vận mệnh. Vận mệnh là do bản thân chúng ta tạo nên, thì đương nhiên chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh của mình. Cổ nhân hiểu được đạo lý này, cho nên vào thời xưa, khi có một ngày gặp phải bị thiên tai nhân họa thì Đế Vương và đại thần sám hối; phản tỉnh sám hối, sửa chữa lỗi lầm, đoạn ác tu thiện, tích lũy công đức. Người xưa biết làm như vậy, trong nhà gặp phải bất hạnh thì người cả nhà sám hối, người trong nhà sửa chữa lỗi lầm; quốc gia gặp phải những tai nạn thì Đế Vương dẫn đầu tu pháp sám hối. Đây là rất có đạo lý, hoàn toàn không phải mê tín.
Người hiện nay tự cho rằng thông minh, tự cho rằng tri thức khoa học đã vượt qua tất cả. Thành thật mà nói, nếu như mê tín khoa học thì không bằng mê tín Cổ Thánh Tiên Hiền. Nên biết rằng, Cổ Thánh Tiên Hiền, tri thức hiểu biết của họ là cả hàng ngàn năm tích lũy lại, sẽ không có sai lầm. Khoa học rốt cuộc có sai lầm hay không, hiện nay vẫn chưa phát hiện, bởi vì thời gian của nó không dài. Hay nói cách khác, chưa được lịch sử khảo nghiệm. Lời giáo huấn của cổ nhân đã trải qua sự kiểm chứng của lịch sử, chúng ta sao có thể lơ là được? Cho nên nói đến lý luận và phương pháp tránh hung tìm kiết, vẫn là ở trong Phật Pháp, ở trong sách xưa của Nho gia, Đạo gia.
Trước tiên nhất định phải đem khái niệm thiện ác, tà chánh, thị phi làm cho rõ ràng, làm cho sáng tỏ thì chúng ta mới biết được cái gì là ác, phải đoạn ác như thế nào; cái gì là thiện, phải tu thiện như thế nào. Trong một đời ngắn ngủi này của chúng ta nên nắm chắc cơ duyên hi hữu khó gặp. Trong Kinh Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Tin được, hiểu được, y giáo phụng hành thì chúng ta có thể xa lìa tai họa; thật sự có thể tiêu nghiệp chướng, vượt qua tất cả khổ ách. Đây là việc do con người làm, cho nên phải tìm ra nhân tố của kiết hung họa phước và đem nó tiêu trừ. Tiêu trừ từ đâu vậy? Tiêu trừ từ trong tâm. Cái gốc của tích phước phải bồi dưỡng từ trong tâm thì một cách tự nhiên tai họa cả đời chúng ta sẽ không gặp đến nữa. Chân thật sám trừ nghiệp chướng, chân thật tích lũy công đức là ngay hôm nay và ngay bây giờ. Hy vọng mọi người chúng ta phải hiểu rõ, phải nghiêm túc nỗ lực khích lệ mình làm.
Chúng ta là một người tu hành, tâm lượng phải phát cho lớn, thay thế cho biết bao nhiêu chúng sanh mê hoặc điên đảo của tất cả thế gian này. Chúng ta tu thay cho họ, trước tiên tiêu trừ tai nạn của chính chúng ta và cũng có thể tiêu trừ tai nạn của họ, mặc dù không thể tiêu trừ toàn bộ, nhưng chí ít cũng có thể tiêu trừ một phần nào tai nạn của họ; tai nạn giảm nhẹ và thời gian tai nạn rút ngắn. Hiệu quả này là chắc chắn.
Thái Thượng viết:
“Họa phước vô môn,
Duy nhân tự chiêu;
Thiện ác chi báo,
Như ảnh tùy hình”.
Suốt cuộc đời của một con người là nhân duyên quả báo; một Thế Giới, vô lượng Thế Giới thảy đều như vậy. Cái đạo lý lớn này chúng ta nhất định phải biết. Văn tự dưới đây đều là chú giải cho bốn câu trên.
“Thị dĩ thiên địa, hữu tư quá chi thần, y nhân sở phạm khinh trọng, dĩ đoạt nhân toán. Toán giảm tắc bần hao, đa phùng ưu hoạn, nhân giai ố chi, hình họa tùy chi”.
Lần trước tôi giảng đến chỗ này. Thiên địa quỷ Thần có rất nhiều vị phụ trách giám sát tất cả chúng sanh về sự khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác. Cho nên tất cả thiện, tất cả ác không chỉ là ngôn ngữ tạo tác, mà khởi tâm động niệm quỷ Thần đều nhìn thấy. Không những họ nhìn thấy mà họ còn có ghi chép. Mỗi một chúng sanh đều có một bộ hồ sơ tư liệu vô cùng hoàn chỉnh. Đây không phải gạt người, không phải là giả dối.
Xã hội hiện thực của chúng ta, bộ máy cơ quan nhà nước, mỗi người từ lúc ra đời đến khi chết đi đều có hồ sơ tư liệu của họ, vì họ có trách nhiệm quản lý địa phương này. Những Thiên thần quỷ Thần, tại sao cũng phải lưu giữ một phần hồ sơ hoàn chỉnh vậy? Vì khu vực này của chúng ta cũng thuộc về khu quản lý của họ. Thành Hoàng quản lý huyện thị này, họ có tư liệu. Tư liệu của họ còn hoàn chỉnh hơn so với tư liệu chính phủ dương thế chúng ta. Thiên thần khu vực này của chúng ta cũng là phạm vi mà họ cai quản. Trong Kinh Phật nói cho chúng ta biết, Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương, phạm vi mà họ cai quản là cả Thế Giới Ta Bà này. Hay nói cách khác, chúng ta là chúng sanh ở trong sáu cõi, người quản lý chúng ta quá nhiều nhưng chúng ta không biết. Giống như xã hội trước mắt, chúng ta ở tại khu vực này thì có trưởng tổ, trưởng xóm quản lý chúng ta; lên trên nữa có trưởng thôn, trưởng xã, trưởng thị trấn; lên trên nữa thì có trưởng huyện; càng lên trên nữa có tỉnh trưởng quản lý; lên trên nữa thì có trung ương quản lý, người quản lý chúng ta quá nhiều. Quỷ Thần với Thiên Thần quản lý chúng ta, tình hình đó càng phức tạp, càng nhiều hơn so với cái này, vậy thì có cách gì? Ai khiến chúng ta đọa lạc vào trong tam giới?
Trong tam giới, người mà thiên Thần, quỷ Thần không quản được là A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, Chư Phật Như Lai, những người này thì họ không quản được. Tại sao không quản được vậy? Vì những người này vô ngã. Hay nói cách khác, “có ngã” là sẽ bị họ quản; “vô ngã” là họ không quản được. Người mà “thân ở ngoài tam giới, không ở trong ngũ hành” thì những Thiên thần, quỷ Thần đều tôn kính họ. Phật được tôn xưng là Thầy của Trời người, đạo lý là ở chỗ này.
Cảm Ứng Thiên không thể không nói rõ. Vào thời xưa, người đọc sách, người có đi học dường như không có ai không đọc Cảm Ứng Thiên. Nền tảng Hán học ít nhiều cũng có một chút, cho nên giảng giải sơ lược qua là đủ rồi, không cần nói cặn kẽ. Người hiện nay không đọc sách xưa, văn ngôn văn dễ hiểu mà còn bị chướng ngại, vì không có người chỉ dạy. Những đạo lý chân tướng sự thật này, hiện nay nếu nói cho người, người ta sẽ nói đầu óc bạn có vấn đề, bạn là mê tín. Họ đâu biết rằng đây là chân tướng sự thật, đây là chân lý. Phật độ người có duyên, sao gọi là có duyên vậy? Bạn chịu tin, lý giải được. Tin được là thiện căn sâu dày; có thể lý giải cũng là thuộc về thiện căn sâu dày; có thể y giáo phụng hành là bạn phước đức sâu dày. Chúng ta có duyên tiếp xúc được lời giáo huấn của Thánh Hiền, đây chân thật là “trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”.
Trên đây là nói rõ “Trời đất có thần cai quản tội lỗi”, họ chuyên môn quản lý trật tự. Trong xã hội chúng ta hiện nay thần cai quản tội lỗi là cảnh sát. Họ phải phụ trách điều tra.
“Y nhân sở phạm khinh trọng”. Đây phần lớn là nói việc bạn tạo ác. Bạn phạm tội nhẹ hay phạm tội nặng, thì đối với thọ hay yểu; phú quí hay bần cùng của cả đời bạn sẽ có tăng giảm, cộng trừ. Nếu như bạn tích thiện, tích đức, thì phước báo của bạn sẽ tăng thêm, thọ mạng sẽ kéo dài. Nếu như bạn tạo ác thì thọ mạng của bạn sẽ tổn giảm, phước báo của bạn cũng bị giảm trừ. Cho nên, chúng ta mỗi ngày khởi tâm động niệm đối với thọ yểu, họa phước của chúng ta mỗi ngày đều có thêm bớt cộng trừ. Thế nhưng cái biên độ thêm bớt cộng trừ này không lớn. Về đại thể, vận mạng của bạn thật sự có người phỏng theo phương pháp này, vẫn có thể tính toán rất chính xác.
Trong Liễu Phàm Tứ Huấn, vừa mở đầu, việc mà chúng ta nhìn thấy là Khổng Tiên Sinh chấm tử vi cho Viên Liễu Phàm, tính chính xác như vậy, tức là ông mỗi ngày cũng đang tạo ác, nhưng không lớn; cũng tu một chút thiện nhỏ, cho nên biên độ thêm bớt cộng trừ không lớn, do đó Khổng Tiên Sinh tính rất chính xác. Nếu như tạo đại thiện, đại ác thì vận mệnh chắc chắn có thay đổi. Tiên Sinh Liễu Phàm về sau gặp được Thiền Sư Vân Cốc chỉ dạy ông, ông hiểu rõ rồi đoạn ác, tu thiện. Ông tu đại thiện cho nên vận mạng của ông đã thay đổi. Phước báo tăng thêm, không phải cái số mà trong mạng đã định sẳn kia, tuổi thọ kéo dài rồi. Tiên Sinh Khổng chấm thọ mạng của ông là 53 tuổi, ông sống đến hơn 70 tuổi, thọ mạng kéo dài, đây là hiệu quả của tích thiện. Nếu như ông tạo tác đại ác, thì phước báo của ông sẽ hưởng hết trong thời gian rất ngắn, thọ mạng cũng sẽ giảm ngắn.
Trong chiến tranh Thế Giới lần thứ hai, quí vị nhìn thấy Hitler của nước Đức, phước báo của ông lớn biết bao. Nếu như ông không phát động chiến tranh, dùng tâm thiện đối xử tất cả nhân dân thì tuổi thọ của ông rất dài. Phước báo của ông không có ai có thể sánh được. Ông dụng tâm bất thiện, giết chết hơn 50 triệu người, người bị hại có đến hơn 200 triệu, cho nên phước báo của ông lẽ ra là mấy trăm năm cũng hưởng không hết, nhưng bỗng chốc bị tổn giảm, chỉ mười mấy năm là hưởng sạch rồi; thọ mạng của ông lẽ ra cũng vô cùng dài, nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc thì ông đã chết.
Trên đây là những đại thiện đại ác, chúng ta đã nhìn thấy. Xã hội hiện tại đông đảo chúng sanh chính là hiện tượng quả báo hiện thực. Sự thực của quả báo bày ra trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta không nhìn ra. Không nhìn ra, đây gọi là ngu si, mê hoặc điên đảo. Nếu bạn có thể nhìn ra được thì bạn liền khai trí tuệ; tính cảnh giác của bạn đã cao rồi, biết được cần phải chủ tâm như thế nào, làm người như thế nào. Đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện mới thật sự đối với Phật Bồ Tát bái lạy sát đất; đối với lời giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền thật sự khâm phục, mới biết không thể không học.
“Toán giảm tắc bần hao”. Đây là nói ra sự thật cụ thể về tổn giảm phước báo của bạn, tổn giảm thọ mạng của bạn. Vì sao bị giảm vậy? Là do bạn tạo ác. Phước báo ít rồi thì nghèo (hao nghĩa là tiêu tan).
“Đa phùng ưu hoạn”. Đây là nói bạn cả đời gặp phải hung tai, gặp phải hoạn nạn. Trong xã hội này người ta nhìn thấy bạn đều ghét bỏ bạn, không ưa bạn.
“Nhân giai ác chi, hình họa tùy chi”. Bởi vì bạn tạo tác bất thiện, bạn sẽ bị pháp luật xã hội chế tài, đây là hình phạt.
“Họa” là những sự việc mà chúng ta hiện nay gọi là thiên tai nhân họa, bạn sẽ thường xuyên gặp phải.
Hiện nay vấn đề ở chỗ nào vậy? Cái gì là thiện? Cái gì là ác? Nếu chúng ta hiểu không rõ ràng, vậy là khó rồi. Người có thể phân biệt lợi hại, thiện ác, trong xã hội hiện nay được xem là người thượng căn. Trong ngàn vạn người, thành thật mà nói khó có được năm, ba người. Tuyệt đại đa số người không biết lợi hại, không hiểu được thiện ác; thấy ác cho là thiện; thấy thiện cho là ác; thấy cái lợi ích đích thực, cho là hại; thấy hại, cho là lợi. Bạn nói với họ, họ cũng không tin, họ không thể tiếp nhận. Họ nói, cách nói này của bạn là lỗi thời rồi, bạn là mê tín. Loại người này chính là ở trong Kinh Phật gọi là “Nhất xiển đề”.
Nhất xiển đề là tiếng Phạn, ý nghĩa là “người không có thiện căn”. Người không có thiện căn thì Phật Bồ Tát không thể giúp họ được. Tại sao không thể giúp đỡ vậy? Là vì không chịu tiếp nhận. Người thật sự có thể nhận biết chân vọng, tà chánh, thị phi, thiện ác, lợi hại, trong Kinh Phật gọi là người thượng căn. Chúng ta thật sự thuộc vào loại hạ căn, chỉ cần cố gắng nỗ lực học tập, cũng sẽ tăng trưởng, cũng sẽ thăng hoa. Chúng ta từ hạ hạ căn có thể thăng hoa thành hạ thượng căn; từ hạ thượng căn có thể nâng lên thành trung thượng căn. Nỗ lực tu học thì công phu này sẽ không uổng phí. Cứ dần dần trong khoảng 8 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm, chúng ta cũng có thể thăng hoa đến thượng thượng căn. Đây chính là “duyên ngộ không đồng” mà Thiện Đạo Đại Sư đã nói trong Quán Kinh. Chúng ta có thể gần gũi thiện tri thức chân chánh, có thể gần gũi chư Phật Bồ Tát, cái nhân duyên quý báu này phải nắm lấy, phải giữ thật chắc. Trong những năm tháng còn lại này nhất định phải có thành tựu. Cái thành tựu này trước tiên phải hiểu rõ triệt để đạo lý và chân tướng sự thật của nhân duyên quả báo. Bạn hiểu rõ triệt để thì bạn mới biết đoạn ác tu thiện chân thật; bạn mới thật sự biết quay đầu. Bạn không quay đầu lại được là do chưa hiểu rõ, bạn không khắc phục nổi tập khí, không lìa nổi ma chướng của bạn. Đây chính là trong Kinh Phật thường nói “kẻ đáng thương hại”.
Chúng ta nói đến “hình họa tùy chi”. Câu này trong Hội Biên có nêu một công án. Trong đoạn thứ hai trích dẫn Kinh Hoa Nghiêm, phần trước đã nói qua với quí vị, nhưng chưa hết ý. Chúng ta lợi dụng thời gian này bổ sung thêm một chút.
Hoa Nghiêm Kinh viết: “Diêm phù đề nội, ngũ trọc chúng sanh, bất tu thập thiện, chuyên tạo ác nghiệp, sát đạo tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham, sân, tà kiến, bất hiếu phụ mẫu, bất kính tam bảo”.
Phần trước đã giảng đến đây. Cái ý nghĩa này thật sâu vô cùng; sự tướng rộng vô cùng, rộng đến hư không pháp giới.
Nói đến “bất hiếu phụ mẫu”. Chữ “Hiếu” có nghĩa là gì, có mấy người hiểu được? Chúng tôi ở trong các buổi giảng đã giải thích về chữ này rất nhiều lần. Thế nhưng người không có cơ hội nghe kinh thì đành phải chịu vậy. Ý nghĩa của một chữ này, không nên nói là phàm phu chúng ta, mà tất cả Chư Phật Như Lai thảy đều đến giảng giải cho chúng ta, giảng vô lượng kiếp, cái ý nghĩa của chữ này cũng giảng không xong. Ý nghĩa của chữ này, hàm nghĩa bao gồm hư không pháp giới. Chân lý căn bản, vô lượng vô biên sự tướng đều ở trong đó, sao có thể nói hết được? Ai có thể đem chữ hiếu làm đến viên mãn? Chỉ có đạt đến quả địa Như Lai thì chữ hiếu này mới làm viên mãn.
Tôi đã nói rất nhiều lần, Bồ Tát Đẳng Giác còn có một phẩm sanh tướng vô minh chưa có đoạn tận, nên đạo hiếu chưa viên mãn. Cho nên Phật Pháp là gì vậy? Phật Pháp là hiếu đạo mà thôi. Thành Phật là gì? Thành Phật chính là thành tựu viên mãn đạo hiếu. Phật Pháp xây dựng trên cơ sở của đạo hiếu, từ đầu đến cuối chính là hành hiếu, tận hiếu mà thôi. Hiện nay chúng sanh không có người dạy, họ đâu có biết được khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác bất hiếu cha mẹ.
“Bất kính Tam Bảo”. Tam Bảo chính là Sư Trưởng của chúng ta. Phật còn ở đời thì Phật là thầy của chúng ta. Phật không còn ở đời thì pháp là Thầy của chúng ta, nhưng mà pháp cần có người truyền, cần có người hoằng. Người truyền pháp, hoằng pháp là Tăng Bảo. Tăng sao có thể xưng là Bảo vậy? Tăng truyền pháp, hoằng pháp. Truyền pháp là khiến pháp của Như Lai từng đời, từng đời truyền tiếp, không để cho gián đoạn. Đây chính là chúng ta ngày nay gọi là dạy học, bồi dưỡng nhân tài hoằng pháp kế thừa, đây là truyền.
Hoằng là đem Phật Pháp giới thiệu phổ biến đến quảng đại chúng sanh, đến tất cả quần chúng, để tất cả chúng sanh đều có thể nhận được giáo huấn của Phật Pháp, đều có thể có được lợi ích chân thật của Phật Pháp.
Người làm công tác hoằng truyền Phật Pháp thì được gọi là Tăng Bảo. Người xuất gia chánh nghiệp của họ chính là việc này. Người xuất gia không cần phải làm xã hội. Những sự nghiệp phúc lợi từ thiện không phải việc của người xuất gia làm. Người xuất gia là dạy học, là hoằng pháp. Người xuất gia chẳng có gì cả, lấy gì để làm sự nghiệp phúc lợi xã hội? Sự nghiệp phúc lợi xã hội là để cho hai chúng tại gia làm. Các bạn thử nghĩ xem, Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế, du hóa khắp nơi, ba y, một bát, tối ngủ gốc cây, ngày ăn một bữa, trên người một xu cũng không có, Ngài lấy gì mà làm sự nghiệp từ thiện xã hội? Cho nên, bổn phận của người xuất gia là truyền đạo, là hoằng đạo.
Xây một ngôi Chùa đều không phải bổn phận của người xuất gia. Tại sao Phật Thích Ca Mâu Ni không có xây Chùa? Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, Trúc Lâm Tinh Xá là do Cư sĩ tại gia cúng dường, quyền tài sản là của người tại gia, không phải của người xuất gia. Họ phát tâm thỉnh Phật, thỉnh những đệ tử của Phật đến nơi này để an cư, đến để giảng Kinh thuyết pháp. Từ đó cho thấy, Chư Phật Bồ Tát, các đời Tổ Sư chỉ là trú tạm đạo tràng, Đạo Tràng không phải của mình, bản thân chưa từng xây dựng Đạo Tràng. Những đạo lý này Phật cũng làm nên tấm gương cho chúng ta thấy. Hình ảnh rõ ràng như vậy, chúng ta còn không nhìn ra được, ngu si đến hết chỗ nói, vậy còn bàn gì đến thành tựu!
Người xuất gia tự mình xây Đạo Tràng là lợp am tranh, việc này có trong Kinh Phật, có trong giới Kinh. Những đệ tử hậu thế này thể lực không bằng Phật Đà thời đại đó. Phật Đà thời đại đó có thể ngủ ngoài trời, dưới gốc cây. Chúng ta ngày nay không làm được. Chúng ta không có thể lực này, cho nên cần phải có một mái che. Mái che làm thế nào? Tự mình lên núi chặt cây nhỏ, cất am tranh, đây là Đạo Tràng của người xuất gia. Tổ Sư Đại Đức xưa nay đều làm theo cách thức này. Chúng ta phải nhớ kỹ những chuẩn mực tốt nhất này; phải nghiêm túc học tập; phải đoạn tham sân si, thành tựu giới định tuệ.
Tốt rồi, hôm nay thời gian lại hết, chúng ta chỉ giảng đến đây thôi.
A Di Đà Phật!
Discussion about this post