CHƯƠNG TÁM
Xin chào các vị đồng tu, xin chào mọi người!
Cảm Ứng Thiên, từ câu thứ ba đến câu thứ chín là một đoạn. Đoạn này nói tổng quát về quả báo của tạo tác ác nghiệp. Tuy văn tự không nhiều nhưng hàm nghĩa vô cùng sâu rộng. Sau đây có một đoạn văn tự rất dài, nói rõ cho chúng ta về tình trạng tạo ác của người đời, cũng có thể nói là chú giải của sáu câu này.
Những sự việc này, xưa nay trong ngoài nước, quả thật mà nói, nói không hết. Hơn nữa người đời vẫn đang tạo tác mỗi ngày, không biết quay đầu, không biết giác ngộ.
Đời người ở thế gian chỉ có mấy mươi năm ngắn ngủi, bỗng chốc là không còn nữa. Năm 22 tuổi, tôi đến Đài Loan, trong nháy mắt đã thành người già, hơn 70 tuổi rồi. Bạn bè đồng trang lứa, cùng đi học của chúng tôi, bạn bè làm việc, bạn bè học đạo, hai phần ba đều đã qua đời, cho nên đời người ngắn ngủi như vậy. Con người sau khi chết, không phải cái gì cũng không còn. Sau khi con người chết rồi, cuộc sống vẫn còn rất dài. Thánh Hiền thế xuất thế gian đều nói với chúng ta quá nhiều, quá tường tận, quá phong phú rồi. Làm thiện có thiện báo, sau khi chết rồi có nơi tốt để đi, ở mức thấp nhất là phước báo ở cõi Trời hoặc nhân gian, vẫn có thể tiếp tục hưởng thụ. Phước báo nhân gian thì ngắn ngủi, còn phước báo ở cõi Trời thì dài lâu, nhưng phải biết rằng, cho dù có dài đi nữa thì vẫn là hữu hạn. Người thật sự thông minh trí tuệ, không có ai không mong cầu ra khỏi tam giới. Không cần nói thoát khỏi tam giới, phước nhân thiên cũng có pháp tu của phước nghiệp nhân thiên, tại sao phải tạo ác, tại sao phải niệm ác, phải nghĩ ác? Chúng ta muốn đoạn ác tu thiện, hãy đem ý niệm ác, tư tưởng ác nhổ bỏ sạch, sau đó hành vi của bạn tự nhiên sẽ thiện. Cái thiện này không phải do tạo tác, mà là từ trong nội tâm lưu xuất ra một cách tự nhiên. Chúng ta đều là đồng tu học Phật, Phật ở trong Kinh, Tổ Sư ở trong Ngữ Lục nói với chúng ta rất nhiều về sự việc người nào tu, người ấy được. Cái gọi là “ông tu, ông đắc; bà tu, bà đắc; không tu thì không đắc”. Người khác tu, ta không đắc được. Như trong Hội Lăng Nghiêm, Tôn Giả A Nan chính là người có cách nghĩ sai lầm, cho rằng Thế Tôn là anh con chú bác của Ngài, bản thân Ngài trong tu trì có thể qua loa một chút, có thể nhờ anh con chú bác mà được thơm lây. Kết quả gặp phải nạn Ma Đăng Già mới thật sự giác ngộ. Cái mà Phật tu, Ngài không có được, nhất định phải dựa vào tự mình tu trì. Công đức còn như vậy, lẽ nào phước đức lại không phải như vậy? Những sự lý này chúng ta cũng phải nghĩ cho rõ ràng, cho minh bạch.
Phước báo chúng ta có thể thơm lây với người khác một chút, nhưng mà nó cần phải có duyên phận, duyên đầy đủ. Như chúng ta hiện nay ở cõi người, họ có của cải, ta không có, họ có thể giúp đỡ ta chút ít, ta có thể thơm lây với họ một chút. Nếu như chúng ta sinh vào xứ sở khác nhau hoặc niên đại khác nhau, người ta muốn giúp đỡ cũng giúp không được. Những sự việc này, tại sao chúng ta không suy nghĩ thật nhiều? Người ở thế gian, việc quan trọng nhất chính là phải làm thiện với người. Họ là người ác, ta cũng dùng tâm thiện đối xử họ, cũng phải dùng thiện hạnh đối xử họ. Lâu ngày, dài tháng người ác cũng sẽ được cảm hóa hướng thiện. Người ác không thể quay đầu là do sức cảm hóa của chúng ta không đủ. Bản thân chúng ta phải sinh tâm hổ thẹn, phải sinh tâm sám hối, ta làm không được tốt, nên ta chưa có thể giúp đỡ họ quay đầu. Thấy họ tạo ác, thấy họ đọa lạc thì tâm đại từ bi liền từ chỗ này sinh khởi lên, đây trong Kinh Phật gọi là “Phật Pháp nhân duyên sanh”.
Chư Phật Bồ Tát thị hiện trong sáu cõi, thị hiện ở nhân gian. Tại sao họ đến thị hiện vậy? Chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Cảm ứng chính là duyên sanh, cảm ứng đều là duyên. Chính bởi như thế nên Phật Pháp là duyên sanh. Phàm là pháp do duyên sanh, đều là đương thể không, hoàn toàn không thể được. Phật hiểu rõ, Bồ Tát sáng tỏ, cho nên Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian, toàn tâm toàn lực giúp đỡ tất cả chúng sanh khổ nạn, họ không dính tướng. Thế Tôn trong Kinh Kim Cang khai thị cho Tôn Giả Tu Bồ Đề việc độ hóa chúng sanh nhất định phải chú ý đến (đây cũng là dạy chúng ta); Phật dạy Bồ Tát, thị hiện trong sáu cõi, trong chín Pháp Giới, nhất định phải giữ vững một nguyên tắc:“Bất thủ ư tướng, như như bất động”, đây mới gọi là chân Bồ Tát. “Bất thủ ư tướng” chính là ngoài không dính tướng. “Như như bất động” là trong không động tâm. Ngoài không dính tướng, trong không động tâm, vậy mới có năng lực ứng hóa, thị hiện. Nếu như ngoài dính tướng, trong động tâm là bạn tạo nghiệp rồi. Tạo nghiệp thì đâu có đạo lý nào mà không thọ báo? Bạn nói, tôi làm việc vì Phật Bồ Tát, vì tất cả chúng sanh phục vụ, mà bạn dính tướng, bạn động tâm thì vẫn là nghiệp báo. Nếu như ở trong đây, cái dính đến là tướng bất thiện, cái động đến là tâm bất thiện, khởi tham sân si mạn, tật đố, chướng ngại, nói lời thành thật, đây đều là quả báo ở địa ngục. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta có từng động những ý niệm này hay không? Nếu như có cái ý niệm này thì hãy mau mau sám hối. Chúng ta quan sát tỉ mỉ trong đời này của chúng ta, nhìn thấy biết bao nhiêu người xuất gia, khi họ sắp mạng chung, khi họ ra đi những cái tướng mà họ hiện kia, chúng ta có tận mắt chứng kiến, chính tai mình nghe thấy, là hiện tượng gì? Ngày nay bản thân chúng ta là người xuất gia, tương lai khi chúng ta chết đi, cách chết như thế nào? Có phải cũng ra đi mơ mơ hồ hồ hay không, có phải cũng bệnh nặng ra đi khi bất tỉnh nhân sự không? Lúc sắp mạng chung hoặc giả khi bệnh nặng, bất tỉnh nhân sự, ngay cả người thân quyến thuộc còn nhận không ra nữa, đó là chắc chắn đi về ba đường ác rồi; hai đường nhân Thiên, thần trí đều rất rõ ràng.
Chúng ta ở trong thế gian này tranh gì với người ta vậy? Nếu tranh danh vọng, lợi dưỡng với người ta là bạn chuẩn bị đi về ba đường ác. Nếu thật sự muốn về Thế Giới Cực Lạc thì nhân ngã, thị phi, tham sân si mạn phải buông xả triệt để. Hoằng Pháp lợi sinh thật sự làm được ngoài không dính tướng, trong không động tâm, dùng một lòng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi xử sự đối nhân tiếp vật. Đời này người ta làm nhục chúng ta, coi rẻ chúng ta, hãm hại chúng ta, chúng ta đối với những người này cảm kích, cảm ơn tận đáy lòng. Cảm cái ơn gì vậy? Tiêu nghiệp chướng của chúng ta! Những nghiệp đã tạo trong quá khứ, đời nay vậy là trả hết rồi. Đối với những người này, quyết không được có mảy may tâm oán hận. Nếu có một mảy may tâm oán hận, thì không những nghiệp chướng của bạn không tiêu hết, mà còn tăng trưởng thêm. Bạn xem, đây là chỉ ở ngay trong khoảng một niệm. Một niệm này chính là mê ngộ, một niệm này chính là họa phúc, là kiết hung. Nên biết rằng, thế gian tất cả pháp, trong Kinh Phật thường nói là thập pháp giới y chánh trang nghiêm đều là mộng huyễn bèo bọt, đều không phải chân thật. Cho nên tại sao chúng ta phải khẩn trương như vậy? Người khác cần thì chúng ta rất hoan hỷ cúng dường, bố thí một cách hoan hỷ. Không những là vật ngoài thân, họ cần mạng sống của chúng ta, chúng ta cũng hoan hỷ bố thí cho họ, cái tâm hoan hỷ bố thí đó, sẽ được vô lượng vô biên phước báo. Lời mà Phật đã nói trong Kinh Điển, từng câu đều chân thật, không có câu nào là giả dối. Y theo Phật Pháp tu học nhất định được lợi ích. Chúng ta tại sao không tin? Tại sao không chịu làm?
Có một vị đồng tu đã kể với tôi một sự việc, ông nói năm xưa nằm mộng thấy Bồ Tát Quan Thế Âm, ông mộng thấy mình gặp phải một tình cảnh vô cùng nguy hiểm, giống như ở trên một đảo nhỏ, tứ bề đều là biển, sóng gió rất to, mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc. Vào lúc này ông nhìn thấy Bồ Tát Quan Thế Âm, ông quỳ xuống đất cầu Bồ Tát Quan Thế Âm cứu mình. Ông nói, Bồ Tát Quan Thế Âm không có nói gì, dùng tay chỉ xuống, theo hướng ngón tay, bảo ông nhảy xuống. Ông nói: “Không được! Phía dưới là biển, con nhảy xuống đó chẳng phải là chết sao?” Bồ Tát Quan Thế Âm lại chỉ xuống tiếp, ông tin. Bồ Tát Quan Thế Âm bảo con nhảy, con liền nhảy xuống. Kết quả, sau khi nhảy xuống, liền ở trên tay của Bồ Tát Quan Thế Âm. Bạn không chịu nghe lời thế thì đành chịu vậy. Sau khi nhảy xuống, thật không ngờ, Bồ Tát Quan Âm dùng tay đỡ lên và đưa ông đến một nơi rất đẹp, rất an toàn. Khi ông đáp xuống mặt đất thì không thấy Bồ Tát Quan Âm nữa, ông chỉ nhìn thấy ở nơi đó đang xây nhà lầu, môi trường quả thật rất đẹp. Ông đã mộng thấy giấc mộng như vậy. Cho nên, nhất định phải tin Phật Bồ Tát, tiếp nhận lời giáo huấn của Phật Bồ Tát.
Phật Bồ Tát dạy chúng ta hãy buông xả tất cả thân tâm Thế Giới, nhất định được lợi ích. Xử sự đối nhân tiếp vật phải hòa mục, phải xem tất cả chúng sanh là chư Phật Bồ Tát. Người tâm tốt đối xử chúng ta, chúng ta cảm ân, vì được họ quan tâm; người ác ý đối xử chúng ta, chúng ta cũng cảm ân, vì họ tiêu trừ nghiệp chướng của chúng ta, có người nào không phải thiện tri thức, có người nào không phải Phật Bồ Tát? Vây quanh tứ phía chúng ta đều là thiện tri thức, đều là Phật Bồ Tát. Đây gọi là tu hành, khiến bản thân chúng ta cả đời đều sống ở trong sự thành kính cảm ân, mạng sống no đủ biết bao! Khi nói ý nghĩa và giá trị của mạng sống, người thế gian thật sự chỉ có cái khái niệm này, thực chất họ không hiểu ý nghĩa và giá trị của mạng sống. Thế nhưng bậc Thánh Hiền thế xuất thế gian hiểu rõ, sáng tỏ. Bản thân các Ngài làm được rồi, chúng ta không hề để ý, không có quan sát tỉ mỉ, đây cũng có thể là các bậc Thánh Hiền này, cách thời đại chúng ta quá lâu xa, nên chúng ta đã lơ là. Nếu như đọc thật kỹ sách của các Ngài, thể hội thật tỉ mỉ, chúng ta sẽ không khó hiểu, đây là chỗ chân thật đáng để chúng ta học tập. Cho nên, chúng ta triển khai Cảm Ứng Thiên, đặc biệt là “Hội Biên”, bên trong nói lý lẽ rõ ràng. Năm xưa tôi khuyên bảo đồng tu ở thư viện, hãy xem bài văn này như giới luật mà đọc, mỗi ngày phải đọc một lần. Trì giới, niệm Phật, nâng cao cảnh giác của bản thân chúng ta. Mặc dù chúng ta từ sáng đến tối niệm Phật, như Ngẫu Ích Đại Sư đã nói, niệm đến mưa cũng không ướt, niệm đến mức như tường đồng vách sắt, nếu như ác niệm, ác hạnh không thể sửa đổi lại thì vẫn là phí công. Đây là lời mà các bậc Tổ Sư Đại Đức đắng miệng, dùng tâm lão bà để dạy chúng ta. Chúng ta đối với những lời này từng giây, từng phút khắc ghi trong tâm; từng giây, từng phút cảnh tỉnh mình, giữ tâm tốt, làm việc tốt, nói lời hay, làm người tốt thì chắc chắn có quả báo tốt. Làm trái ngược lời giáo huấn của Phật Bồ Tát, trái ngược lời giáo huấn của cổ thánh tiên hiền thì quả báo chắc chắn sẽ không tốt.
Hôm qua, tôi giảng Kinh về từ Hồng Kông đến Singapore, có mấy vị đồng tu từ Úc châu trở về, nói với tôi, Úc Châu hiện nay xã hội hỗn loạn, lòng người hoang mang, từ trường tỏa ra rất không tốt. Bên đó người học Phật ít, người thấu suốt giáo huấn Cổ Thánh Tiên Hiền ít. Chúng ta sau khi nghe thấy, liền nghĩ đến phải làm thế nào đi giúp đỡ họ, dốc hết chút sức mỏng manh của chúng ta, đây là điều nên làm. Quyết không nên nói người bên đó có tai nạn chẳng liên quan gì với chúng ta, cái quan niệm này là sai rồi! Chủng tộc khác nhau, Quốc Gia khác nhau, tín ngưỡng Tôn Giáo khác nhau, phải dùng tâm từ bi, bình đẳng mà đối xử. Nhìn thấy người bị nạn với bản thân mình bị nạn không có gì khác biệt. Mặc dù sức chúng ta không giải quyết được, nhưng phải có cái tâm này, cái tâm này là tâm tốt.
Chúng ta tiếp tục xem câu thứ mười của Cảm Ứng Thiên.
“Hựu hữu tam đài, bắc đẩu thần quân, tại nhân đầu thượng, lục nhân tội ác, đoạt kỳ kỉ toán”.
Câu này là nói, người bất kể vào lúc nào, bất kể ở xứ sở nào, nhất cử nhất động, khởi tâm động niệm đều có quỷ Thần nhìn thấy. Ở trong quỷ Thần còn có vị chuyên giám sát thiện ác của người đời. Bạn có tâm thiện, hành thiện họ có ghi chép; tâm ác, hạnh ác cũng có ghi chép. Hay nói cách khác, Thiên thần quỷ Thần bên ấy có hồ sơ hoàn chỉnh về tất cả tạo tác, khởi tâm động niệm suốt đời của chúng ta. Sự ghi chép còn rõ ràng hơn so với cục cảnh sát, cục điều tra của người thế gian chúng ta. Nếu chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật này thì tâm sợ hãi tự nhiên sẽ sinh khởi ngay. Đối với tâm hạnh của mình nhất định biết kiểm điểm.
“Tam đài bắc đẩu”. Đây là nói bốn vị Thần Linh, trong Đạo Giáo dân gian chúng ta có thờ cúng. “Thượng đài” quản lý việc sinh tử của người, “Trung đài” quản lý phước báo của người, “Hạ đài” quản lý lộc mạng của người. Nếu dùng cách nói hiện nay để nói, hạ đài quản lý tiền tài, trung đài quản lý địa vị xã hội, thượng đài quản lý vận mạng. Một người sống chết, thọ yểu, nghèo cùng hay hiển đạt, đều có quỷ Thần đang quản lý. Những người này chúng ta muốn hỏi, họ có quyền lực chi phối họa phước, sinh tử của chúng ta hay không? Nói lời thành thật, họ không có quyền lực chi phối, nhưng mà họ cai quản những sự việc này. Kiết hung, họa phước là do chúng ta tự mình định đoạt, họ chỉ thực thi, giống như ở thế gian chúng ta, cục cảnh sát, cục điều tra, những cơ quan này. Nếu người hành thiện, họ trình báo lên trên để khen thưởng; người tạo ác, họ báo lên trên để thi hành trừng phạt. Họ là đơn vị giám sát thi hành, hoàn toàn không phải chi phối. Người chi phối đích thực là chính chúng ta. Cho nên vận mệnh là do mình tạo, tự làm tự chịu, đạo lý và sự thật này, chúng ta đều phải hiểu rõ, đều phải sáng tỏ.
Mặc dù bạn đã tạo tác một số tội lỗi, phần trước đã nói qua, chỉ cần bạn biết sai, biết sám hối, sửa lỗi thì Trời đất quỷ Thần sẽ không trừng phạt. Phật Bồ Tát thì càng từ bi hơn, đối với chúng sanh tạo ác, đọa lạc đường ác, vẫn dùng tâm từ bi đối xử như xưa, đó là Thánh Nhân. Quỷ Thần vẫn là phàm phu, tình chấp chưa có buông bỏ, thấy người hành thiện họ hoan hỷ; thấy người tạo ác, họ chán ghét, không ưa. Chúng ta ngày nay cũng là phàm phu, lấy bụng dạ bản thân chúng ta mà khoan dung những Thiên địa quỷ Thần này. Chúng ta cũng có thể biết sơ qua một vài phần, ngoài Bắc Đẩu Tinh Quân ra, trong Đạo giáo còn có Nam Đẩu Tinh Quân. Nam Đẩu chủ quản người sống, Bắc Đẩu chủ quản người chết. Người nào vào trong cõi người để đầu thai thì Nam Đẩu Tinh Quân đến ghi chép, những tư liệu này lưu ở chỗ của ông. Người đến lúc tuổi thọ hết, chết đi cũng có ghi chép, Bắc Đẩu quản lý những sự việc này. Người thế tục nói, nếu như người có cầu khẩn ở thần linh, cần nên hướng về Bắc Đẩu. Những thiên địa quỷ thần này thường hay luân phiên thăm viếng thế gian. Việc thăm viếng của họ là có ngày giờ nhất định, đại khái cứ mỗi hai tháng sẽ đến một lần, hoặc giả đến hai lần, hầu như đều là có nhất định, giống như họ đi tuần tra vậy, vào thời gian nào, đến khu vực nào để đi tuần tra. Hai tháng đến một lần, đây là dùng lịch giáp tí trước đây của chúng ta, 60 ngày là một vòng giáp tí. Cho nên cứ mỗi hai tháng chí ít họ sẽ đến một lần.
“Nghiệp báo nhân duyên Kinh thuyết, thất tinh chi khí, thường kết vi nhất tinh, tại nhân đầu thượng, khứ đỉnh tam thốn”.
Ngạn ngữ xưa nói “Ngẩng đầu ba thước có Thần Linh”, còn trong Kinh nói không phải ba thước, mà là ba tấc. Một người tâm địa lương thiện, hành vi lương thiện thì trên đỉnh đầu người này có hào quang. Hào quang lớn nhỏ không giống nhau, màu sắc không giống nhau, người không nhìn thấy, nhưng quỷ Thần nhìn thấy. Hiện nay có một số người tu thiền định nhìn thấy, tâm địa thanh tịnh đến một trình độ nào đó cũng có thể nhìn thấy; còn có một số người luyện khí công (khí công cũng là một loại tu định), họ cũng có thể nhìn thấy. Màu sắc của hào quang tốt nhất là màu của vàng, sau đó là màu vàng, màu xấu nhất là màu xám, màu đen. Đến màu đen thì thọ mạng của người hầu như là sắp hết rồi. Họ gọi là khí, trong Phật Pháp gọi là hào quang. Từ đó cho thấy, người không thể không tu thiện.
Tôi thường nói, đời người thực ra khổ đau và ngắn ngủi. Năm 1977, lần đầu tiên tôi đi Hồng Kông. Tôi đã ở lại bên đó bốn tháng, giảng Kinh Lăng Nghiêm. Lúc ấy người mời tôi là Pháp Sư Thánh Hoài, và Cư sĩ Tạ Đạo Liên. Pháp Sư Thánh Hoài hiện nay vẫn còn, Cư sĩ Tạ thì đã đi rồi, Vãng Sanh năm ngoái. Biết bao nhiêu bạn đồng tu cùng tu chung với nhau thời ấy, hơn một nửa đều đã đi rồi. Đời người giống như một giấc mộng vậy. Trước đây, nơi họ cư trú đều là khu nhà ở cao quý thượng đẳng, tôi cũng có đến rồi. Hiện nay lầu cao vẫn còn, nhưng đã đổi chủ nhân, khiến chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự vô thường. Bản thân mình cũng mỗi năm một già yếu hơn. Khi tôi mới đến Đài Loan, bạn học chúng tôi gần khoảng hơn 200 người, hiện nay còn lại có lẽ chưa được 50 người. Người đến tình cảnh này, cảm xúc sẽ sâu sắc ngay. Phật nói rất hay: “Mọi thứ đều bỏ lại, chỉ có nghiệp theo mình”. Tại sao chúng ta vẫn tạo nghiệp? Vì do mê hoặc. Đối với những đạo lý này, tuy chúng ta thường hay đọc sách, đọc Kinh, nghiên cứu giáo lý, nghe Kinh, cuối cùng không chống nổi sự cám dỗ của thế gian. Danh vọng lợi dưỡng, tài, sắc, danh, thực, thùy, không thắng nổi. Không thắng nổi liền tạo nghiệp. Nghiệp là cái đi theo bạn, bạn tạo tác nghiệp thiện, bạn có thiện báo; bạn tạo tác nghiệp ác, thế là có ác báo. Thiện ác báo ứng không phải quỷ Thần giáng cho chúng ta, không phải Phật Bồ Tát, cũng không phải Thượng Đế hay vua Diêm La trao cho chúng ta, mà tất cả kiết hung họa phúc, thảy đều do mình tạo nên, tự làm tự chịu. Chỉ có người thật sự hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì tâm mới bình tĩnh. Mặc dù gặp phải tất cả tai họa cũng sẽ không oán Trời trách người; bị người khác làm nhục, hãm hại cũng sẽ không oán hận với người. Vì sao vậy? Vì biết đây là nhân quả báo ứng, là quả báo. Ta trước đây không xúc phạm người, thì ngày nay người khác sẽ không xúc phạm ta. Ta trước đây không có hãm hại người, thì ngày nay người ta sao có thể hãm hại ta? Chúng ta bị người làm nhục, bị người coi rẻ, bị người hãm hại, đều là do tự mình tạo cả, tự mình phải nên đón nhận; đón nhận một cách hoan hỷ thì món nợ này liền trả xong rồi. Nợ mạng phải đền mạng, nợ tiền phải trả tiền. Quả báo thông ba đời, đâu thể trốn thoát được? Cho dù bạn thành Phật rồi, thành Phật thị hiện vào trong lục đạo hóa độ chúng sanh, cũng không thể trốn thoát nghiệp báo của đời trước. Chúng ta đã đọc qua ở trong sách vở, Khổng Lão Phu Tử bị đói ở nước Trần; Phật Thích Ca Mâu Ni bị quả báo ba tháng ăn lúa ngựa. Phật ở trong Kinh đã nói với mọi người, nghiệp nhân của đời trước đến lúc này duyên chín muồi rồi, thành Phật cũng không có cách gì tránh khỏi quả báo.
Trong Tông Môn có công án Thiền Hồ Ly, rất nhiều đồng tu đều biết câu chuyện về thiền sư Bá Trượng thời triều Đường. Đại Sư Bá Trượng mỗi ngày giảng Kinh, có một cụ già hằng ngày đến nghe Kinh, ông ở tại sau núi, mỗi khi giảng Kinh thì ông lại đến. Người bình thường không biết, nhưng Đại Sư Bá Trượng biết ông không phải là người, tục ngữ chúng ta nói, ông là Hồ Tiên. Có một hôm cụ già này thỉnh giáo với Đại Sư Bá Trượng, nói rõ quá trình đọa lạc của bản thân ông. Đời trước ông là một vị Pháp Sư giảng Kinh thuyết pháp, thính chúng đưa ra câu hỏi cho ông, ông đã trả lời sai; trả lời sai rồi, trái nhân quả đọa lạc làm thân hồ ly, đã hơn 500 năm rồi. Hiện tại ông không có cách gì thoát khỏi đường súc sanh, nên cầu Đại Sư Bá Trượng giúp đỡ.
Đại Sư Bá Trượng nói: “Được! Ngày mai khi giảng Kinh, ông bước ra hỏi, ông đem câu hỏi mà thính chúng hỏi ông trước đây, đưa ra hỏi tôi giống như vậy”.
Đến ngày thứ hai, hai người họ bèn biểu diễn, con hồ ly tinh già này liền đưa ra câu hỏi: “Xin hỏi Đại Sư, người đại tu hành còn rơi vào nhân quả hay không?” (Cái ý này chính là nói, người chân thật tu hành chứng đạo, chứng quả, chứng quả cứu cánh viên mãn là Phật Đà, Phật Đà còn rơi vào nhân quả hay không?) Đại Sư Bá Trượng trả lời: “Bất muội nhân quả”, trước đây vị Pháp Sư đó trả lời người ta là “Bất lạc nhân quả”, là sai một chữ. Ngài đem nó sửa trở lại là “bất muội nhân quả”. “Bất muội” là gì vậy? Bất muội không phải là không có nhân quả, mà “bất muội” là quả báo phải chịu, phải trả nhưng biết rõ ràng tường tận, biết minh bạch.
Thánh Nhân thế gian Khổng Lão Phu Tử bị đói ở nước Trần là quả báo đời trước. Phật Thích Ca Mâu Ni hành khất không có ăn, gặp phải nạn đói, người ta đem những thức ăn nuôi ngựa này đem ra cúng dường Phật, Phật cũng tiếp nhận. Đời trước tạo nhân bất thiện, đời này vẫn phải chịu quả báo, Ngài hiểu rõ, Ngài sáng tỏ. Cho nên người tu hành tiếp nhận bất kỳ nghịch duyên, ác nhân nào đều biết rất rõ ràng, đền mạng thì phải đền mạng, trả nợ thì phải trả nợ, rất hoan hỷ. Sau khi trả rồi thì biết rõ ràng. Ở trong truyện ký của An Thế Cao chúng ta xem thấy, đó là người tu hành chứng quả, Ngài đến thế gian để trả hai lần nợ mạng. Đời trước là ông ngộ sát người ta, thì trong đời này cũng bị người ta ngộ sát hai lần, trong truyện ký đều viết rất rõ ràng. Do đó chúng ta mới hoàn toàn khẳng định, người ở thế gian, nếu như nói giành phần lợi của người ta, là không có cái việc này. Nếu như bạn nói bị thiệt thòi rồi, cũng không có cái việc này. Bạn đời này giành phần lợi của người thì đời sau phải trả cho người ta; đời này bị thiệt thòi thì đời sau có phước báo. Nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy. Trời đất quỷ Thần thấy rất rõ ràng, rất minh bạch. Tạo tác tội nghiệp, nhất định là giảm phước, tổn thọ. Trong lịch sử cổ đại có ghi chép, những sự việc này rất nhiều, rất nhiều. Hiện nay những quả báo này có thể nói là càng rõ rệt, chúng ta không có năng lực phát hiện ra được, là do chúng ta quá sơ suất, quá lơ là thôi. Chỉ cần đầu óc bình tĩnh một chút, quan sát thật kỹ xung quanh, chúng ta sẽ thấy nhân quả báo ứng rất rõ ràng, rất phân minh. Sau đó bạn mới chứng minh Kinh Điển của Phật, giáo huấn của Cổ Thánh Tiên Hiền không sai chút nào cả. Chúng ta lơ là đó chỉ là tự dối mình dối người. Trước đây thầy Lý thường nói, phải nhìn cho thật xa. Thế nào gọi là thật xa? Đời sau là thật xa, đời này là thật gần. Nhìn đời này là bạn nhìn quá gần rồi. Bạn phải nhìn đời sau, nhìn về đời sau nữa, bạn mới biết được mình cần phải làm như thế nào; làm như thế nào có lợi cho mình, làm như thế nào có hại cho bản thân. Hiện nay có mấy người biết được lợi hại? Hy vọng mọi người chúng ta biết quí trọng đoạn nhân duyên này, nghiêm túc nỗ lực mà tu học.
A Di Đà Phật.
Discussion about this post