PHƯƠNG PHÁP CỘNG TU NIỆM PHẬT
Hòa thượng Tịnh Không dạy: “Thích Ca Mâu Ni Phật một đời giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, nhằm giúp chúng ta hiểu rõ chân tướng của sự thật, bởi vì “Tri nan, hành dị” (để biết thì khó, biết rồi thì làm rất dễ), nếu đã thật sự hiểu rõ rồi thì biết làm thế nào để tu, không cần mọi người hướng dẫn nữa, cho nên khi Phật Đà còn tại thế thì không có cộng tu.
Vào thời Đông Tấn, Sơ tổ Tịnh độ tông Huệ Viễn đại sư, là người đầu tiên ở Trung Quốc xây dựng Phật giáo liên xã, Đông Lâm liên xã. Viễn Công đại sư căn cứ kinh Vô Lượng Thọ thành lập phương thức cộng tu niệm Phật, tập hợp một trăm hai mươi ba người chí đồng đạo hiệp, cùng ở một chỗ cộng tu niệm Phật, cuối cùng tất cả mọi người đều được vãng sanh. Ấn Quang đại sư, vị tổ thứ mười ba Tịnh độ tông năm xưa tại Niệm Phật đường ở Linh Nham Sơn tự ngày đêm Phật hiệu không gián đoạn, đây là đại thiện không chi sánh bằng.
Hiện nay một cá nhân tu hành thì rất khó khăn, bởi vì vô lượng kiếp đến nay phiền não tập khí rất nhiều, tinh tấn rất khó, nhưng thoái chuyển thì rất dễ, vì thế tổ sư đại đức đề xướng cộng tu niệm Phật. Song ngày nay nếu chúng ta muốn cầu được pháp duyên thù thắng giống như Viễn Công đại sư thì rất khó. Thiện Đạo đại sư nói rất hay: “Cửu phẩm vãng sanh tổng tại duyên bất đồng”. Nếu có thể tìm được mười đến hai mươi người thật sự phát nguyện, lấy cầu sanh Tây Phương Tịnh độ làm mục đích, hơn nữa có thể có được vài vị hộ pháp hộ trì, giống như một đạo tràng vậy, niệm Phật trên ba năm thì quyết định vãng sanh, bởi vì điều kiện vãng sanh Tịnh độ đã đầy đủ rồi. Bởi vậy cộng tu niệm Phật là một việc lớn, việc thù thắng nhất trong Phật môn, mong mọi người cùng nhau phát tâm nổ lực”.
Phương pháp cộng tu niệm Phật cần phải chú ý những vấn đề sau:
Bởi vì chúng ta nghiệp chướng, tập khí rất nặng, nên tự tu thì năng lực không đủ, cần phải có đại chúng cùng tu, cùng khích lệ cho nhau, đây là trợ duyên rất tốt.
Nếu không có quy định thời khóa niệm Phật, khi nhớ đến thì niệm, không nhớ thì không niệm. Có thời khóa mới có ước thúc. Mọi người cùng ở một chỗ cộng tu niệm Phật theo định khóa giúp cho mỗi người có động lực tu học rất lớn, hiệu quả rất cao, tín tâm với pháp môn niệm Phật cũng rất mạnh!
Niệm Phật không nên quá nhanh cũng không nên quá chậm, thích hợp với bản thân mình là tốt nhất, phải niệm cho rõ ràng, nghe được rõ ràng, được vậy thì niệm Phật mới có thể tâm an pháp hỷ. Niệm Phật niệm đến bất niệm tự niệm, niệm niệm tương tục, niệm niệm tiếp nối không gián đoạn.
Cộng tu niệm Phật gồm các oai nghi: Nhiễu Phật (kinh hành), Tọa Niệm (ngồi niệm), Mặc Niệm (niệm trong tâm), Bái Phật (lạy Phật).
- Nhiễu Phật (kinh hành).
Trong mỗi một thời hương cộng tu niệm Phật, trước tiên phải kinh hành. Khởi đầu kinh hành, chắp hai tay, mắt hơi nhìn xuống, nhìn như không nhìn các đầu ngón tay, chứ không phải hết ngó đông rồi lại nhìn tây, cũng không phải nhắm mắt, [nếu nhắm mắt] thì không theo kịp hàng ngũ. Tai nghe tiếng pháp khí, nghe tiếng niệm Phật của đại chúng, từng bước từng bước khoan thai, phối hợp nhịp nhàng với âm thanh Phật hiệu, khoảng cách giữa người trước và người sau phải đều nhau, không quá sát cũng không cách thưa lắm, tất cả đại chúng rời vị trí, đi kinh hành và trở về trong trang nghiêm, thanh tịnh.
Vòng thứ nhất, khi đến chỗ góc rẽ, chân vẫn bước đều, hai tay đưa lên vấn tấn, không nên dừng lại khom lưng cúi đầu. Hai tay kết định ấn, đưa lên ngang chân mày (tề mi), sau đó đưa tay xuống, tay phải đặt ở trên, tay trái ở dưới, để ở trước bụng (trên rốn, dưới dạ dày), hai bàn tay giống như nâng một vị tôn Phật, mà vị tôn Phật này chính là tự tánh Phật của anh; hoặc giống như nâng đóa sen mà tương lai anh được vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc. Niệm chữ “Nam”, “A”, “Đà”, “Phật” là bước chân phải, trùng với tiếng mõ và tiếng khánh, bất luận là bao nhiêu người nhưng bước chân của đại chúng đều phải đồng loạt, phải y theo nhịp chân của người phía trước, tai lắng nghe tiếng niệm của đại chúng, miệng niệm hòa với âm thanh của đại chúng, bước chân phối hợp với pháp khí. Đây tức là “Miệng cùng với tâm tiếng tiếng tương ưng, niệm cùng với Phật bước bước không lìa”.
Khi kinh hành với bốn chữ Phật hiệu, thì bước chân phải cũng trùng với tiếng mõ. Miệng niệm “A-Di-Đà Phật”, tâm chú ý lắng nghe tiếng niệm của đại chúng, bước chân di chuyển nhịp nhàng với Phật hiệu. Như vậy thân, khẩu, ý tam nghiệp tương ưng, đó là phương pháp kinh hành niệm Phật tốt nhất, chính mình sẽ cảm được giác tinh thần, thể xác rất thoải mái, tự tại.
Nhịp chân kinh hành niệm Phật.
- Sáu chữ Phật hiệu (nhanh):
Nam mô A Mi Đà à à a á Phật
Ⓟ Ⓣ Ⓟ Ⓣ Ⓟ Ⓣ Ⓟ
°O O °O
- Sáu chữ Phật hiệu (chậm):
Nam mô A Mi Đà à à a á Phật
Ⓟ Ⓣ Ⓟ Ⓣ
°O O
- Bốn chữ Phật hiệu (nhanh):
A Mi Đà Phật
Ⓟ Ⓣ Ⓟ Ⓣ
O °O
- Bốn chữ Phật hiệu (chậm):
A Mi Đà Phật
Ⓟ Ⓣ
O °O
Có rất nhiều phương pháp niệm Phật, như trì danh niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, thật tướng niệm Phật v.v… nhưng trong Phật thất tinh tấn thường dùng trì danh niệm Phật là chủ yếu, trong trì danh niệm Phật lại chọn cao thanh niệm Phật (niệm Phật lớn tiếng).
Trì danh niệm Phật có năm bậc:
- Xướng Phật hiệu (xưng danh hiệu Phật).
Miệng niệm Phật nhưng trong tâm khởi vọng tưởng, đây không phải là niệm Phật, mà gọi là xướng Phật hiệu, nhưng so ra xướng Phật hiệu cũng tốt hơn nói chuyện tầm phào, bởi vì miệng xướng Phật hiệu cũng có công đức rất lớn vậy.
- Tán tâm niệm Phật.
Trong lúc niệm Phật nhưng tâm vẫn còn một chút vọng tưởng và tạp niệm, hoặc vẫn còn đầy rẫy tạp niệm, nhưng trong tâm biết là mình đang niệm Phật. Nhiều người thêm chữ khẩu (口) vào chữ niệm (念) trở thành chữ niệm có bộ khẩu (唸), [mới nghe qua] có vẻ đúng nhưng hình như cũng không đúng, nếu không dùng miệng để niệm mà niệm thầm trong tâm (mặc niệm) thì có được tính là niệm Phật hay không? Được tính, bởi vì tán tâm niệm Phật có niệm thầm và niệm ra tiếng, niệm thầm thì dùng tâm, niệm ra tiếng thì dùng miệng. Niệm Phật, trên thực tế “Niệm” có nghĩa là niệm niệm không quên, mỗi một người niệm Phật đều muốn theo A-Mi-Đà Phật, đều cùng A-Mi-Đà Phật tương ưng, đây mới gọi là niệm Phật.
- Chuyên tâm niệm Phật.
Trong tâm không tạp niệm, vọng tưởng, một câu Phật hiệu A-Mi-Đà Phật không gián đoạn, từng câu từng chữ rõ rõ ràng ràng, không có vọng niệm. Nếu có vọng niệm thì lập tức niệm lớn tiếng, niệm Phật lớn tiếng phải chú ý nghe tiếng niệm của chính mình, nghe tiếng niệm của đại chúng thì vọng niệm sẽ dần dần tan biến, tâm chấp trước cũng từ từ giảm dần mà phiền não cũng từ từ lắng dịu. Niệm Phật có thể niệm đạt đến tâm thư thái, không còn trở ngại. Tinh thần “Xả kỷ tùng tha” (bỏ ta theo người) là thái độ căn bản của người tu hành cũng là phương pháp tốt nhất để tiêu trừ nghiệp chướng.
- Nhất tâm niệm Phật.
Niệm Phật niệm đến bất niệm mà tự niệm, niệm niệm tương tục, niệm niệm tiếp nối không gián đoạn, chẳng kể có tiếng hay không có tiếng, trong tâm có Phật hiệu hay không có Phật hiệu, niệm niệm đều không rời câu Phật hiệu. Ban ngày niệm, ban đêm niệm, đi đứng, nằm ngồi cũng niệm, mặc áo, ăn cơm cũng niệm, có khi miệng niệm, có khi tâm niệm, niệm bốn chữ hoặc sáu chữ cũng không quan trọng, câu Phật hiệu ở trong tâm không gián đoạn mới là quan trọng nhất.
- Vô tâm niệm.
Đây là đã khai ngộ rồi, chẳng kể trong tâm có Phật hiệu hay không, thời thời chốn chốn, niệm niệm đều cùng với bi nguyện và trí tuệ của Phật hoàn toàn tương ưng. Thiền tông gọi khai ngộ, Tịnh độ tông gọi thân kiến tự tánh Di Đà.
- Tọa Niệm (ngồi niệm):
Sau khi kinh hành, trở về vị trí ngồi xuống, trước phải vén khéo các vạt áo hải thanh cho gọn gàng thẳng thóm, cơ thể ngồi thẳng, có thể ngồi kiết già, bán già, cũng có thể ngồi với tư thế an ổn và thoải mái nhất. Khi nghe tiếng chuông, chắp hai tay lại, chuyển niệm Phật hiệu từ sáu chữ sang bốn chữ, nghe tiếng chuông thứ hai đưa tay xuống kết Thiền ấn (tay phải ở trên, tay trái ở dưới), cơ thể buông lỏng, ánh mắt nhìn xuống tự nhiên, lúc này nên nhiếp tâm chuyên chú niệm Phật. Âm thanh Phật hiệu không quá cao cũng không quá thấp, không niệm với âm điệu lạ, âm thanh âm điệu phải hòa hợp với âm thanh của đại chúng và pháp khí (địa chung).
- Mặc Niệm (niệm trong tâm):
Sau thời niệm Phật nhanh [với địa chung] có năm phút tịnh niệm, nghĩa là vẫn tiếp tục niệm Phật không ngừng nhưng niệm trong tâm, tuy lúc này không có ai niệm ra tiếng nhưng phải nhớ được âm thanh niệm Phật của đại chúng vừa mới niệm, trong tâm niệm niệm không gián đoạn, cố gắng không phân tâm, không ngủ gật. Nếu lúc mặc niệm mà trong tâm vẫn còn vọng tưởng rất nhiều thì nên áp dụng pháp “Ký số niệm Phật”, niệm mười câu Phật hiệu, niệm câu thứ nhất nhớ một, niệm câu thứ mười nhớ mười, đến câu thứ mười phải bắt đầu trở lại câu thứ nhất. Cứ như thế lặp đi lặp lại, biết mình đang niệm Phật, biết mình đang ký số. Nếu như đang niệm Phật rất nhanh rồi dừng lại tịnh niệm, tâm vẫn rất tập trung, vẫn niệm Phật được nhanh thì không nên áp dụng pháp “Ký số niệm Phật”.
[Trong Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao, thư gởi cho cư sĩ Cao Thiệu Lân, Ấn tổ dạy pháp “Thập niệm ký số” như sau:
“Nếu như niệm Phật mà tâm khó quy nhất, hãy nên nhiếp tâm khẩn thiết niệm. Muốn nhiếp tâm thì trước phải chí thành, khẩn thiết, không chí thành mà muốn nhiếp tâm thì chẳng thể được. Nếu đã chí thành mà vẫn chưa thuần nhất thì phải chăm chú lắng nghe, bất luận niệm thầm hay niệm ra tiếng, “Niệm” là từ “Tâm” khởi, âm thanh từ “Miệng” niệm ra, “Tai” nghe vào (dù niệm thầm nhưng trong tâm ý vẫn có tướng miệng niệm). Tâm và miệng niệm thật rõ ràng, tai nghe thật rõ ràng. Nhiếp tâm như thế thì vọng niệm tự dứt.
Nếu làn sóng vọng niệm vẫn còn mạnh thì dùng pháp “Thập niệm ký số”, đem hết tâm lực chuyên chú vào âm thanh Phật hiệu, dẫu vọng niệm có khởi lên cũng không có chỗ để chen vào. Trước kia, những vị hoằng dương Tịnh độ chưa nói đến pháp nhiếp tâm niệm Phật vi diệu cứu cánh này là vì căn tánh của người thời đó thượng lợi, không cần dùng cách này vẫn có thể được quy nhất. Ấn Quang tôi vì tâm khó điều phục, đã nhiều lần thử nghiệm có hiệu quả, mới biết phương pháp này hay, chẳng phải suy đoán nói bừa, nguyện cùng thiên hạ độn căn đời sau cùng nhau tu tập, khiến vạn người tu vạn người được đi.
Gọi là “Thập niệm ký số” nghĩa là trong lúc niệm Phật niệm từ câu thứ nhất đến câu thứ mười phải niệm phân minh, nhớ phân minh, chỉ mười câu thôi, đến câu thứ mười thì trở lại câu thứ nhất, không được hai mươi, ba mươi câu. Niệm đến đâu nhớ đến đó, không được lần chuỗi, chỉ dùng tâm ghi nhớ. Nếu niệm một mạch mười câu thấy khó nhớ thì phân thành hai hơi, từ câu thứ nhất đến câu thứ năm, từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn còn thấy mệt thì phân làm ba hơi để niệm, từ câu thứ nhất đến câu thứ ba, từ câu thứ tư đến câu thứ sáu, từ câu thứ bảy đến câu thứ mười. Niệm thật rõ ràng, nhớ thật rõ ràng và nghe thật rõ ràng thì vọng niệm không có chỗ chen chân vào. Niệm lâu ngày sẽ tự được nhất tâm bất loạn.
Nên biết, “Thập niệm ký số” này cùng với “Thần triêu thập niệm” (pháp mười niệm buổi sáng của ngài Từ Vân), về phần “nhiếp vọng” thì giống nhau, nhưng phần “dụng công” thì khác xa. Với “Thần triêu thập niệm” thì không luận là bao nhiêu câu Phật hiệu, cứ hết một hơi là tính một niệm, mỗi sáng sớm chỉ có thể niệm mười hơi mà thôi, nếu niệm hai mươi, ba mươi hơi sẽ tổn khí thành bệnh. Còn “Thập niệm ký số” thì niệm một câu Phật hiệu trong tâm biết một câu, niệm mười câu trong tâm biết mười câu, từ một đến mười rồi trở lại từ một đến mười, dù mỗi ngày niệm mấy vạn câu cũng phải nhớ như thế, chẳng những trừ được vọng niệm, mà lá cách dưỡng thần tốt nhất. Niệm nhanh, niệm chậm hoàn toàn không trở ngại, từ sáng đến tối đều rất thích hợp.
Nếu lại so với cách “Kháp châu ký số” (lần chuỗi nhớ số), thì “Thập niệm ký số” lợi ích hơn nhiều, vì lần chuỗi thì thân lao mà thần động, còn cách này thì thân nhàn mà tâm an. Nếu trong lúc làm việc không thể ký số thì hãy khẩn thiết niệm suông, đến khi xong việc lại nhiếp tâm ký số trở lại. Vọng niệm chợt đến chợt đi như sóng sau xô sóng trước không có ngừng nghỉ, nếu chuyên chú nhiếp tâm niệm Phật thì cảnh giới vọng niệm không còn. Đại Thế Chí Bồ Tát nói, “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, đắc tam ma địa, tư vi đệ nhất” (Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất).
Người lợi căn thì chẳng cần phải nói, kẻ độn căn như chúng ta nếu bỏ qua pháp “Thập niệm ký số” này, muốn “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” thật quá khó, quá khó!
Phải nên biết, pháp nhiếp tâm niệm Phật này tuy cạn mà sâu, tuy nhỏ mà lớn, là pháp chẳng thể nghĩ bàn. Phải chí thành tin tưởng lời Phật dạy, đừng vì sự hiểu biết chưa đến nơi đến chốn [của mình] mà sanh nghi hoặc, khiến thiện căn nhiều đời kiếp do đây mà bị mất, tự thân chẳng thể có được lợi ích cứu cánh, thật đáng buồn thay!
Lần chuỗi niệm Phật chỉ thích hợp trong lúc đi đứng. Khi tịnh tọa dưỡng thần, [nếu lần chuỗi] do tay động nên thần chẳng an, lâu ngày sanh bệnh. Pháp “Thập niệm ký số” này đi, đứng, nằm, ngồi đều thích hợp. Lúc nằm chỉ nên niệm thầm, không được niệm ra tiếng. Nếu niệm ra tiếng, một là bất kính, hai là tổn khí, nhất định phải nhớ kỹ!”]
Hành trì pháp môn niệm Phật có xướng Phật hiệu và niệm Phật hiệu, trong niệm Phật hiệu lại có tán tâm niệm, chuyên tâm niệm, nhất tâm niệm và vô tâm niệm. Mới bắt đầu niệm Phật phải từ tầng thứ nhất là xướng Phật hiệu, không thể vừa mới bắt đầu đã nói mình là vô tâm niệm rồi, đó là đang khởi vọng tưởng chứ chẳng phải là vô tâm niệm. Vì thế niệm Phật tu hành thì không nên theo đuổi những cái viển vông, không thiết thực, lúc niệm Phật ra tiếng thì nhất định phải niệm lớn tiếng. Mới bắt đầu niệm Phật phải từ xướng Phật hiệu, sau đó mới tiến đến tán tâm niệm Phật, thêm một bước nữa là chuyên tâm niệm Phật, rồi mới nhập vào nhất tâm niệm Phật và cuối cùng là vô tâm niệm Phật, đó là quy luật tự nhiên. Phải nổ lực tinh tấn mới có thể từ xướng Phật hiệu tiến đến vô tâm niệm.
Nếu chỉ tham gia Phật thất tinh tấn có một lần mà đạt đến trình độ vô tâm niệm, hầu như không có khả năng này, chí ít cũng phải từ chuyên tâm đến nhất tâm, mới không cô phụ bi nguyện của đại chúng tham gia Phật thất.
- Bái Phật (lạy Phật).
Trong Phật thất tinh tấn ngoại trừ nhiễu Phật, niệm Phật còn có lạy Phật. Lạy Phật thì nghe âm thanh Phật hiệu từ máy niệm Phật, tâm nương theo, không nên niệm lớn tiếng. Phải chú ý đến từng động tác sao cho trang nghiêm, chỉnh tề, có thể làm cho thân mình hòa nhập với đại chúng, được vậy mới có cảm giác thư thái, tự tại.
Lạy Phật theo nguyên tắc “Ngũ thể đầu địa” có nghĩa là năm vóc gieo sát đất, cách lạy này còn gọi là “Đầu diện tiếp túc quy mạng lễ”.
Ý nghĩa lạy Phật là dùng tâm cung kính để biểu đạt sự tôn kính và cảm ơn đối với Phật. Dùng tâm sám hối thừa nhận trong quá khứ cho đến ngày nay mình đã tạo vô lượng vô biên ác nghiệp, nay [đối trước Phật] cầu sám hối nghiệp chướng. Không thể vì có tâm mong cầu mà lạy Phật, nếu có tâm mong cầu mà lạy Phật thì rất dễ thoái tâm, không phải hạnh Bồ Tát, nhưng lúc có việc xảy ra cũng có thể cầu, khi cầu có thể chuyên nhất.
Động tác quỳ xuống: Trước làm động tác chắp tay, sau đó cúi người, khom lưng, tay phải chậm rãi đặt giữa tọa cụ, tay trái vẫn để ngang ngực, sau đó hai đầu gối quỳ xuống tọa cụ, tay trái đặt phía trước tay phải, tay phải đưa lên, hai tay bằng nhau. Đầu đặt phía dưới hai tay, hai tay nắm lại chuyển lòng bàn tay lên trên và xòe hai bàn tay như cánh hoa sen từ từ nở. Lúc này lưng phải bằng, mông đặt trên gót chân, không được nhấc mông lên cao rất khó coi, hai mũi chân xuôi về phía sau.
Động tác đứng lên: Hai tay nắm lại chuyển úp lòng bàn tay xuống tọa cụ, nhấc đầu khỏi tọa cụ, đưa tay phải về đặt ở phía trước đầu gối phải, tay trái đưa lên trước ngực, tay phải dùng lực đưa cơ thể đứng lên, khôi phục tư thế đứng, hai chắp tay lại.
Discussion about this post