Một số ngữ lục về “giáo dục” – Hòa thượng Tuyên Hóa
Bịnh tuyệt chứng nan y của thế giới là: Sự phá sản của giáo dục.
Phần lớn nền giáo dục bây giờ tuy dạy học trò, nhưng thật ra lại chú trọng đến việc bán sách (thâu học phí) kiếm lời. Họ dạy làm sao để kiếm được chức vị cho cao, kiếm thật nhiều tiền, thành bậc danh nhân hay bậc nhất trên thế giới. Ðó là họ đã chẳng dạy con em căn bản đạo đức làm người. Mà cứ dạy con em tranh danh đoạt lợi. Ðó chính là bỏ gốc theo ngọn, đi ngược lại với đạo. Làm việc ngược lại với đạo thì thật là sai lầm lớn lao vô cùng.
Hiện tại, người đi học chỉ vì danh lợi. Cách phát âm hai chữ minh lý – 明理 và danh lợi – 名利 trong tiếng Trung Hoa gần giống nhau (ming li), nhưng ý nghĩa thì lại khác nhau đến mười vạn tám ngàn dặm!
Trẻ thơ không phải sinh ra là hư xấu đâu. Chỉ bởi vì chúng không được dạy dỗ [giáo dục] mà ra. Vì thế, làm cha mẹ, phải coi việc giáo dục con cái là cấp thiết quan trọng nhất. Cho dù kiếm thật nhiều tiền cũng không có giá trị bằng dạy con cho tốt.
Trẻ em như cây non đang lớn – chạc cây mọc ra um tùm, cần phải được cắt tỉa thì tương lai mới trở thành vật liệu hữu ích được.
Các bạn trẻ! Các bạn có biết căn bản làm người là gì không? Ðó là tám đức tánh hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ.
Tại sao hiện nay trên thế giới đầy dẫy những tội lỗi do thanh thiếu niên gây ra? Vì những người làm cha mẹ chỉ sanh con chứ không chăm sóc, dạy dỗ.
Tâm tham của chúng ta là cái hố không đáy – cao hơn trời, dày hơn đất, sâu hơn biển cả, mãi mãi không thể lấp đầy.
Người không Ðạo đức mới thật là kẻ nghèo hèn.
Lập công (làm việc có lợi có ích cho chúng sinh trong đường đạo), lập ngôn (viết lách, giáo dục, đóng góp vào sự hiểu biết và phát triển trí huệ của thế hệ mai sau) trong phật giáo thì mới chân chính là người con Phật.
Nếu có người cầu Pháp nơi tôi, tôi sẽ bảo người ấy nên ăn ít, mặc ít, ngủ ít một chút; vì:
“Mặc ít thì tăng phước,
Ăn ít thì tăng thọ,
Ngủ ít thì tăng lộc.”
Con người sống không phải vì miếng ăn, mà sống để làm lợi ích cho xã hội, ban phước đức cho nhân dân, hỗ trợ cho thế giới. Người người phải:
Thay Trời đem lòng từ bi giáo hóa chúng sanh.
Một lòng trung thành vì nước, cứu dân.
Ðời tôi, không khi nào bận rộn vì mình, không bao giờ để ý tới bọc thịt thối này.
Tại sao thế giới càng ngày càng băng hoại? Vì ai ai cũng tranh–tranh danh, tranh lợi, tranh quyền, tranh địa vị, và nghiêm trọng nhất là tranh sắc dục.
Tôi muốn xin các vị một món quà lớn nhất – đó là tánh nóng giận, si mê, những phiền não và lòng sân hận của các vị.
Thiên tai không phải là thiên nhiên gây tai nạn hay thiên nhiên gặp tai nạn, mà chính là tai họa nhân loại chúng ta phải chịu. Tai họa của con người là do chúng ta tự tạo ra rồi tự chuốc lấy.
Muốn phát triển Phật Giáo, chúng ta phải bắt đầu từ đâu? Theo ý tôi, muốn phát triển Phật Giáo, trước nhất phải bắt đầu từ nền giáo dục. Nếu bắt đầu với giáo dục thì trẻ em sẽ hiểu rõ Phật Giáo; đến khi lớn lên thì tự nhiên các em sẽ làm cho Phật Giáo phát triển rộng rãi.
Làm việc ma tức là ma.
Làm việc người tức là người
Làm việc Phật tức là Phật.
“Giáo Dục là nguyện vọng suốt cuộc đời tôi” – Hòa thượng Tuyên Hóa
“Để tôi kể cho quý vị nghe, mặc dù tôi là người xuất gia, giáo dục luôn là nguyện vọng suốt cuộc đời tôi. Nếu có người nào trong quý vị tin tưởng tôi, xin hãy cống hiến bản thân mình cho giáo dục. Chúng tôi muốn cải cách trường học, nhưng không phải một cách mù quáng. Tôi đã từng lập một trường tình nguyện khi tôi chỉ mới mười tám tuổi, và một mình tôi đã dạy hơn ba mươi người. Giáo dục là nền tảng để làm người. Nó là nền tảng cho cả thế giới; và là sự bảo vệ quốc gia thật sự. Nếu quý vị không làm tốt việc giáo dục, đương nhiên vấn đề bảo vệ quốc gia cũng sẽ thất bại…”
Phụ chú:
Hòa Thượng chỉ bắt đầu đi học khi ngài được mười lăm tuổi. Sau hai năm rưỡi, khi ngài được mười tám tuổi, ngài nghỉ học để chăm sóc người mẹ già đang đau ốm. Chính đó là lúc ngài mở ngôi trường miễn phí. Ngài nói rằng:
“Trong thời gian rảnh rỗi, tôi đã mở một trường học miễn phí. Tại sao vậy? Vì tôi chỉ được đi học lúc tôi đã lớn. Và tôi nhận thấy rằng hầu hết mọi người ở thôn tôi không có đủ tiền để đến trường đơn giản chỉ vì gia đình họ quá nghèo. Chính vì vậy, ở độ tuổi mười tám, tôi đã mở trường học miễn phí ngay tại nhà của tôi.”
Ngài không bao giờ tính bất kỳ một học phí nào cho việc dạy học. Chẳng những thế, ngài còn cung cấp giấy, bút lông và mực.
Tại Hoa Kỳ, Hòa Thượng đã thiết lập rất nhiều trường học và cơ sở giáo dục. Trong những bài giảng của ngài , Ngài thường nhắc nhở mọi người về sự khẩn cấp cải cách giáo dục. Ngài không chỉ đáp lại lời mời đến thuyết giảng cho các sinh viên đại học, Ngài còn thuyết giảng cho các học sinh đến viếng thăm Ngài. Mọi người hẳn nhiên đều nhớ tiếc các lớp học về đối liễn của Hòa Thượng.
Khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa về giáo dục
Discussion about this post