TẠI VÌ SAO CÁC CHIM NƠI CÕI CỰC LẠC CHẲNG THUYẾT CÁC PHÁP TỨ NIỆM XỨ, TỨ CHÁNH CẦN VÀ TỨ NHƯ Ý TÚC? Ý NGHĨA CỦA TỨ NIỆM XỨ LÀ NHƯ THẾ NÀO?
“Ngũ Căn đẳng giả, tam thập thất đạo phẩm dã” (Ngũ Căn v.v… là ba mươi bảy đạo phẩm). Câu này là nói tổng quát. Trong kinh chỉ nói bốn thứ “Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần”. Ba mươi bảy đạo phẩm được chia thành bảy loại, Ngẫu Ích đại sư bổ sung ba thứ còn lại để nói. Ba thứ ấy là Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc. Thông thường, chúng ta chỉ biết ba mươi bảy đạo phẩm là pháp Tiểu Thừa; thật ra, pháp này chung cho cả Tiểu Thừa lẫn Đại Thừa. Trong kinh Niết Bàn, đức Phật dạy: “Nếu ai có thể quán Bát Chánh Đạo thì sẽ minh tâm kiến tánh”. Câu này giảng rõ ba mươi bảy đạo phẩm là pháp Đại Thừa. Trong Đại Trí Độ Luận, Long Thọ Bồ Tát cũng nói ba mươi bảy phẩm không gì chẳng thâu nhiếp, vô lượng đạo phẩm đều nằm trong ấy. Ngài còn nói ba mươi bảy đạo phẩm bao gồm hết thảy Phật pháp Đại Thừa. Tây Phương là Đại Thừa viên đốn, há có Tiểu Thừa ư?
Tứ Niệm Xứ thuộc về Quán Trí, người ta thường gọi là nhân sinh quan, vũ trụ quan. Trong ấy có mê, có ngộ. Niệm (念) là trí huệ quán sát, chứ không phải ý niệm. Chữ Xứ (處) chỉ cảnh giới được quán. Tứ Niệm Xứ, Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc có ích rất lớn cho người sơ học. Thường [có người] nói “tu học rất lâu, niệm Phật, tham Thiền, trì chú, tu Định, công phu đều chẳng đắc lực”, nguyên nhân là vì đã coi thường ba phương pháp tu học cơ bản này. Nhưng vì sao trong kinh đức Phật chẳng nói tới ba thứ này, mà lại bắt đầu bằng Ngũ Căn, Ngũ Lực? Vì Ngũ Căn, Ngũ Lực là pháp của người trong cõi Tây Phương tu hành; họ đã tu ba môn trước rồi, không cần phải nói lại nữa. Nhưng đối với hàng sơ học chúng ta thì nhất định phải nói rõ. Tứ Niệm Xứ là:
1) “Quán thân bất tịnh”: Thân chẳng sạch sẽ. Người tu hành lợi dụng thân thể để thành tựu đạo nghiệp, chẳng cần phải đắm đuối nó. Người thế gian lợi dụng nó để tạo nghiệp, đáng tiếc quá! Những thứ do thân thể bài tiết ra đều không sạch sẽ. Quán thân thể của chính mình bất tịnh, chẳng đáng tham ái, thì làm sao tham ái thân thể của người khác cho được? Muốn buông xuống hết thảy thân, tâm, thế giới thì phải bắt đầu từ cái thân của chính mình. Chẳng còn phải nhọc lòng vì cái thân thể này nữa thì mới có thể dưỡng sinh tốt đẹp. Người biết dưỡng sinh ít bệnh tật, có thể trường thọ. Thân thể con người và toàn thể vũ trụ là một. Thuận theo tự nhiên sẽ mạnh khỏe. Chẳng hạn như thức ăn trong mùa Đông phải ăn đồ mát, mùa Hạ phải ăn đồ nóng. Hiện thời con người làm ngược lại, hoàn toàn chẳng tương ứng với tự nhiên. Vì vậy, trăm thứ bệnh đổ ra. Thiên Nguyệt Lệnh trong bộ sách cổ Lễ Ký của Trung Quốc có nói về cách sinh sống, ăn ở, một năm bốn mùa mười hai tháng, mỗi tháng ăn gì đều ghi chép tường tận. Cách ăn và dùng loại củi nào để nấu đều quy định cặn kẽ, những điều này gần như đã thất truyền. Nguyên tắc dưỡng sinh trong Phật pháp là coi thân thể như một cỗ máy, thân phải động, tâm phải tịnh. Hiện thời, thân mọi người bất động, cốt sao nhàn hạ, sung sướng cái thân, còn tâm thì suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ loạn xạ, hết sức tương phản. Người trong cõi Tây Phương thân Kim Cang bất hoại, chẳng cần ăn uống nên không bị bệnh tật.
2) “Quán Thọ thị khổ”: Con người suốt đời phấn đấu là vì lẽ gì? Đạt được gì? Đến tuổi già càng khổ, sống rất quạnh quẽ. Những chung cư dành cho người nhà ở Mỹ chăm sóc người già kể ra cũng chu đáo, nhưng vẫn khó tránh khỏi bệnh tật rề rề, khổ vì nằm bẹp giường, chỉ ngồi ăn đợi chết mà thôi. Đức Phật nói tam giới đều khổ. Cũng có lúc vui, nhưng thời gian vui chẳng dài, vui rồi lại khổ nên gọi là Hoại Khổ, chẳng khổ chẳng vui là Hành Khổ, vì nó dời đổi không ngừng, biến hóa vô thường. Nói thật đấy! Người học Phật cuộc sống khác hẳn, có viễn cảnh tương lai sáng sủa. Niệm Phật thân tâm thanh tịnh, đọc kinh sẽ khai ngộ. Huống chi kinh dạy: “Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền tương lai, nhất định thấy Phật”. Cư sĩ Bành Tế Thanh đã chép trong Vãng Sanh Truyện chẳng ít vị nam nữ tại gia cư sĩ lúc lâm chung biết trước lúc mất. Nói chung [những người ấy] sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh. Bốn chục năm qua, tại Đài Loan, tôi đích thân mắt thấy tai nghe người đứng qua đời, người ngồi mà mất, chứng tích đều hãy còn, tuyệt đối chẳng phải là bịa chuyện.
3) “Quán tâm vô thường”: Người thế gian khổ nhất là ý niệm nẩy sanh không ngừng. Đấy là tập khí từ vô thỉ kiếp đến nay, đó cũng là nhân tạo nên luân hồi trong lục đạo. Phật giáo tuy có nhiều pháp môn, nhưng đều nhằm mục đích tu Định, phương pháp khác nhau, nhưng mục đích là một. Định là bổn tâm, ý niệm là vọng tâm. Làm thế nào để trừ bỏ vọng tâm, khôi phục bổn tâm, đấy là công phu thật sự. Vọng tâm là cội nguồn của hết thảy vọng tưởng, phiền não. Chẳng những khi thức nó nẩy sanh liên tục không ngừng, mà khi ngủ nó cũng biến thành mộng. Vọng tâm sanh diệt trong từng sát-na, thấy hết thảy cảnh giới đều là sanh diệt. Trong kinh Phật nói hết thảy pháp bất sanh bất diệt, chúng ta nhìn không ra. Phật dùng Định tâm chẳng sanh diệt nên thấy hết thảy pháp bất sanh bất diệt. Chúng ta dùng cái tâm sanh diệt để nhìn hết thảy pháp nên hết thảy pháp đều có sanh diệt. Chẳng hạn như, hết thảy động vật đều có sanh, lão, bệnh, tử. Đức Phật nói bất sanh bất diệt là thật, sanh diệt là giả. Không có ý niệm là nhất tâm, những gì được hiện bởi nhất tâm là chân. Đấy là Nhất Chân pháp giới. Hễ ý niệm dấy lên thì sẽ thấy mười pháp giới. Vọng tâm vô thường, hãy nên bỏ đi, phải tích cực tu Định, người trong thế giới Tây Phương đều giữ được chân tâm thường trụ. Thường trụ là bất động. Chúng ta tập khí nặng nề, lại thêm hoàn cảnh quyến rũ, mê hoặc, khó thể thường trụ bất động.
4) “Quán pháp vô ngã”: Ba thứ đầu trong Tứ Niệm Xứ thuộc về nhân sinh quan của bản thân chúng ta. Loại thứ tư chính là vũ trụ quan. Chữ Ngã trong “quán pháp vô ngã” có nghĩa là “tự tại”. Kinh Kim Cang dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Kinh còn dạy: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Đấy là “quán pháp vô ngã”. Mọi người thường cho rằng hết thảy pháp đều có thật; do vậy, khởi lên lắm thứ phiền não như tham, sân, si, mạn. Kẻ ngu muội ngỡ thân có thật, hết thảy vạn vật cũng có thật; do vậy, hết sức đoạt lấy, tạo tác Thập Ác, chẳng mảy may cân nhắc, e dè, nhưng tạo nghiệp ắt có quả báo. Đời sau phải đền trả, sợ rằng phải mang lông đội sừng. Người đầu óc tỉnh táo chẳng tạo ác nghiệp, biết đời người sống trong cõi này, hết thảy thụ dụng đều có số mạng định sẵn, chẳng cần phải mong cầu xằng bậy. Kẻ thông minh hơn thì biết tuy số mạng đã định sẵn, nhưng làm lành có thể xoay chuyển số mạng. Bậc có đại trí huệ có thể thoát khỏi tam giới, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi.
Tứ Niệm Xứ thuyết minh chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Người học Phật trọn chẳng có ưu lự, chẳng vì riêng mình mà tính toán tương lai, đoạn ác, tu thiện, hết thảy tạo tác chẳng suy tính cho chính mình, mà nghĩ tưởng cho đại chúng. Hành như thế thì hoàn cảnh sinh hoạt ắt sẽ mỗi ngày chuyển biến dần dần tốt đẹp hơn. Dẫu trong đời trước có oan gia đối đầu thì đến cuối cùng cũng biến thành bạn tốt, hết thảy chướng ngại cũng dần dần hóa giải. Đời sống phải chú trọng tiết kiệm, tiết kiệm một phần sẽ có thể giúp đỡ người khác một phần. Điều này có thể thực hiện được, chứ không phải là một yêu cầu cao xa gì! Do chúng ta coi thường bốn cách tu trì này mà công phu chẳng đắc lực, trí huệ chẳng mở mang, tam-muội chẳng thành. Nếu lưu ý những điều này, buông thân, tâm, thế giới xuống, hy sinh mình vì người khác thì chẳng những công phu đắc lực, mà còn tăng trưởng phước huệ, tín tâm ngày càng mạnh, trong cuộc sống sẽ cảm nhận được nhiều cảm ứng, [những thứ cảm ứng ấy] tuyệt đối là chân thật, chẳng hư dối!
– HT. Tịnh Không, A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, phần 5.
Discussion about this post