Tam học là trung tâm giáo học của Phật pháp. Khóa trình bằng kinh điển của Phật giáo tuy nhiều, nhưng nó có hạt nhân trung tâm không thể trái. Hạt nhân này là giới định huệ, còn gọi tam học. Bất cứ bộ kinh điển nào, không luận đại bộ tiểu bộ, khi vừa mở ra đều đầy đủ ba hạt nhân này, nhưng nó nghiêng nặng về bên nào thì không giống nhau. Có cái nghiêng nặng về giới, có cái nghiêng nặng về định, hoặc nghiêng nặng về huệ, nhưng nhất định đều phải nói đến. Giới học nếu hiểu nghĩa rộng thì đó chính là phương pháp. Không luận làm bất cứ việc gì, đều phải có phương pháp, có trình tự, bạn phải tuân thủ. Bạn không tuân thủ phương pháp thì sẽ không đạt được hiệu quả tốt. Giữ giới pháp và tinh thần giữ giới pháp thì tâm của bạn mới có thể định. Định là không bị ngoại cảnh bên ngoài làm dao động, tâm bạn có chủ trương, có chủ thể. Từ định liền khai trí tuệ, bạn có chủ thể, có chủ trương, nhất định bạn sẽ đem chân tướng sự thật xem cho rõ ràng, chu đáo. Do đó giới định huệ là tổng cương lĩnh mà Phật giảng kinh nói pháp giáo hóa tất cả chúng sanh.
Câu hỏi 12: Quan hệ của nó cũng mật thiết không thể phân?
Đúng, mật thiết không thể phân.
Câu hỏi 13: Còn Lục Độ thì giảng giải như thế nào?
Lục độ là quy tắc chung Phật dạy chúng ta đối nhân xử thế tiếp vật. Sáu nguyên tắc này cần phải vâng giữ, không luận thân phận bạn như thế nào, không luận bạn trải qua đời sống như thế nào, từ công việc nghề nghiệp nào, không luận tại gia hay xuất gia, nhất định đều phải tuân thủ. Đó gọi là Bồ tát đạo, nghĩa là, nếu bạn muốn làm Bồ tát thì bạn nhất định phải vâng giữ sáu nguyên tắc này.
Điều thứ nhất là bố thí, ý nghĩa của sự bố thí dạy bạn buông xả, không phải buông bỏ công tác, mà buông bỏ những phiền não dính mắc ưu tư trong lòng. Hiện tại có rất nhiều người hiểu sai, cho rằng bố thí là đến chùa miếu cúng một ít tiền, làm chút việc tốt, đương nhiên đây cũng là bố thí, nhưng không phải ý nghĩa chân thật của sự bố thí. Bố thí chân thật là xả bỏ phiền não ưu tư vọng tưởng phân biệt chấp trước.
Điều thứ hai là trì giới, chính là tuân thủ pháp. Nhất định không luận làm bất cứ việc gì, đều phải chiếu theo pháp tắc, theo thứ tự mà làm.
Điều thứ ba là nhẫn nhục. Làm bất cứ việc gì, nếu không có lòng nhẫn nại thì không thể thành công. Sự việc càng lớn thì lòng nhẫn nại phải càng lớn hơn.
Điều thứ tư là tinh tấn, cầu tiến bộ, nhất định không bảo thủ, không thể được ít cho là đủ. Cũng như khoa học ngày càng tiến bộ, nếu bạn không tiến bộ thì bạn liền bị thời đại đào thải. Phật pháp mong cầu tiến bộ, không luận ở đức hạnh, trí tuệ, kỹ thuật, thậm chí ngay trong đời sống, đều phải không ngừng hướng lên cao. Do đó Phật pháp không hề lạc hậu, nó không hề thủ cựu, mà vĩnh viễn đang tiến bộ.
Điều thứ năm là thiền định, ý nghĩa của thiền định dạy bạn có chủ thể, không dễ dàng bị cảnh giới bên ngoài dao động.
Điều sau cùng là trí tuệ. Không có trí tuệ cao độ, không luận bạn làm bất cứ việc gì, đều không đạt đến viên mãn. Cho nên sáu nguyên tắc này nhất định phải vâng giữ, đặc biệt đối với Bồ tát.
Câu hỏi 14: Vừa rồi ngài nói đến bố thí làm cho chúng tôi có được quan niệm chính xác, thì ra bố thí tuyệt đối không phải đi đến nơi nào đó quyên một ít tiền, hay đi cứu trợ người bần khổ. Kỳ thật bố thí dạy chúng ta buông bỏ phiền não, buông bỏ những tạp niệm trong tâm. Thế nhưng thưa pháp sư, điểm này đối với người thông thường chúng tôi tương đối khó, bởi vì người thông thường có quá nhiều phiền não tạp niệm, chính mình không thể khống chế được. Xin pháp sư dạy bảo, chúng tôi phải làm thế nào mới có thể đạt được điểm này?
Điều này đích thực rất khó đối với người sơ học. Vì sao họ không thể buông bỏ? Họ có nhìn thấu hay không? Không, họ không thấu suốt được chân tướng của vụ trụ nhân sanh. Giả như triệt để thông suốt chân tướng rồi, tự nhiên họ sẽ liền buông bỏ. Cho nên Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời giảng kinh nói pháp, vì sao phải giảng kinh Bát Nhã đến hai mươi hai năm. Vì Bát Nhã nói trí tuệ, chính là nói rõ chân tướng của vụ trụ nhân sanh. Hai mươi hai năm Phật tổng kết quy nạp lại thành một bộ tâm kinh hai trăm sáu mươi chữ. Rõ hơn một chút thì kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật mà người Trung Quốc thích đọc có thể đại diện tinh hoa Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói suốt hai mươi hai năm.
Phật nói, tam tâm bất khả đắc gồm tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, và tâm vị lai bất khả đắc. Cái tâm này là năng đắc, một thứ không thể đạt được, đó là hư vọng. Phật nói, tất cả mọi thứ đều do nhân duyên biến hiện, là pháp duyên sanh. Ngày nay chúng ta gọi duyên là điều kiện, có rất nhiều điều kiện tập hợp thành một sự tướng, nó không có tự thể, không có bản thể, thế mới nói “Đương thể giai không liễu bất khả đắc”, phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Sau cùng ngài đã tổng kết “Tất cả pháp hữu vi đều như mộng huyễn bọt nước”, tất cả hiện tượng trong vũ trụ vạn hữu đều không phải thật. Nhà khoa học hiện đại đã phát hiện, họ dùng phương pháp phân tích, đem những vật chất này phân thành phân tử, nguyên tử, điện tử. Phân tích đến sau cùng mới biết được chân tướng sự thật vốn như vậy. Trong khi đó, 3000 năm trước Phật đã nói rất rõ ràng ngắn gọn rằng nó không phải thật. “Như sương như ánh chớp”, sương ở đây là hạt sương. Hiện tại chúng ta thấy đang tồn tại một khoảng thời gian, khoảng thời gian này là tướng tiếp diễn, không phải thật tướng. Thật tướng của nó là sát na sanh diệt có thời gian rất ngắn, chúng ta không cách gì phát hiện được. Phật có thể thấy rõ ràng tường tận, cái sanh diệt chính là không sanh diệt, bởi vì thời gian của nó quá ngắn. Sanh là diệt, diệt là sanh. Cho nên Phật pháp nói không sanh không diệt là chân tướng của sanh diệt. Hiểu rõ chân tướng này, thân tâm chúng ta liền buông bỏ nhẹ nhàng, biết tất cả pháp đều không thể được, bạn mới có thể tùy duyên. Tùy duyên thì tự tại, bạn sẽ không phan duyên, không muốn làm cái gì đó rồi tự chuốc lấy cái khổ. Tất cả đều phải tùy duyên, như vậy mới trải qua đời sống tự tại chân thật hạnh phúc mỹ mãn.
Câu hỏi 15: Phải nhìn thấu chân tướng, hiểu rõ chân tướng, tự nhiên phiền não tạp niệm trong tâm sẽ liền buông xuống. Ngay trong lục độ vừa rồi pháp sư đã nói đến, tôi nghĩ người thông thường cũng rất muốn học thiền định nhưng lại không dễ dàng, xin ngài chỉ dạy?
Đại sư Huệ Năng tổ thứ sáu thiền tông đã giảng trong Đàn kinh, ý nghĩa của thiền là không dính mắc, nói cách khác, không bị mê hoặc bởi cảnh giới bên ngoài. Định là không động tâm, lòng thường giữ thanh tịnh, không khởi phân biệt, không khởi phiền não, chấp trước. Thực tế đại sư Huệ Năng nghe kinh Kim Cang mà khai ngộ, cho nên ngài giải thích chữ thiền định này y theo kinh Kim Cang. Trong kinh Kim Cang, Phật có hai câu nói: “Bất thủ ư tướng, như như bất động”, “bất thủ ư tướng” là thiền, “như như bất động” là định. Do đây mà biết, tu thiền định không phải ngày ngày ngồi đối diện với vách tường. Ngồi đối diện với vách tường chỉ là một loại, kỳ thực đi đứng nằm ngồi bao gồm tất cả hoạt động, chỉ cần bạn ngoài không dính mắc, trong không động tâm, thì chính là bạn đang thiền định.
Trong kinh Hoa Nghiêm, chúng ta xem thấy những vị Bồ tát tu thiền định ở đâu? ngoài chợ. Thương trường náo nhiệt, họ đi dạo thương trường mà tu thiền định, các vị hiểu được ý này thì liền thông suốt. Khi dạo thương trường, họ nhìn thấy rõ ràng tường tận, đó là huệ. Thế nhưng tất cả những thứ thấy đầy mắt kia không thể mê hoặc họ, đây chính là thiền định. Trong lòng họ như như bất động. Cho nên đi dạo thương trường là tu định, tu huệ. Không giống phàm phu nhìn thấy liền bị thu hút. Thiền định là sự hưởng thụ chân thật, định huệ là hưởng thụ cao nhất của nhân sanh.
Thiền định ở ngay trong đời sống. Ngoài không dính mắc, không bị mê hoặc là thiền, trong như như bất động là định. Do vậy chúng ta phải cố gắng tu tập.
Câu hỏi 16: Kỳ thực Phật chính là đời sống, Phật học cũng là đời sống. Vậy ngay trong năm khóa mục lớn còn có mười nguyện, thưa pháp sư, mười nguyện này là mười nguyện gì? Có quan hệ gì với đời sống của chúng ta không?
Mười nguyện là pháp tu hành của cao đẳng, không phải phổ thông. Lục độ có thể chân thật làm được viên mãn thì mới có thể tiến vào mười nguyện của Phổ Hiền. Đặc sắc của mười nguyện Phổ Hiền chính là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Nói cách khác, tâm của bạn không thanh tịnh, không bình đẳng thì bạn không cách gì tu được mười nguyện Phổ Hiền. Trong mười nguyện Phổ Hiền, chẳng hạn nguyện thứ nhất, “Lễ kính chư Phật”, đây là tu cung kính. Chư Phật chỉ tất cả chúng sanh, tuyệt đối không phải nói Phật đã thành Phật. Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai, Phật vị lai chính là tất cả chúng sanh. Ngoài những vật hữu tình còn bao gồm cả thực vật cùng khoáng vật, đây là cảnh giới của Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm nói “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”, không chỉ chúng sanh hữu tình chúng ta và các loài động vật có thể thành Phật mà thực vật, khoáng vật đều thành Phật, cho nên tu tâm cung kính chân thành đối với người, với việc, với vật, chính là hạnh Phổ Hiền. Nếu bạn còn phân biệt, vọng tưởng, thì lòng thành kính của bạn không còn. Dùng chân thành, thanh tịnh, bình đẳng để tu lục độ, đó là mười nguyện Phổ Hiền. Chúng ta còn có phân biệt, còn chấp trước, còn cao thấp, vậy thì đó chỉ là lục độ, không phải mười nguyện, điểm khác biệt giữa mười nguyện và lục độ ở chỗ này.
Câu hỏi 17: Vừa rồi ngài nói rất nhiều về thiền định. Ngài nói, khi đi dạo thương trường cũng có thể tu thiền định, có thể nói xung quanh đời sống chúng ta, bất cứ giờ nào phút nào, bất cứ nơi nào cũng đều có thể tu thiền định, nhìn thấy xã hội trước mắt rối tung, những thứ không vừa ý, chúng ta đều phải không động tâm, không tức giận. Nhưng có phương pháp gì hay không để chúng ta có thể đạt đến được cảnh giới này?
Kỳ thực không khó. Nhìn thấy một hiện tượng, giả như tức giận, nổi nóng mà bạn có thể giải quyết được vấn đề thì quá tốt. Nhưng tức giận mà không giải quyết được, vậy có phải bạn đã tức giận oan uổng hay sao? Chẳng thà bạn làm cho tâm bình lặng lại, tâm thanh tịnh liền sanh trí tuệ, chỉ có trí tuệ mới giải quyết được vấn đề. Cho nên loại sân hận hay ưa thích là rung động của cảm tình, không ích lợi. Thiền định trí tuệ rất quan trọng, không luận cảnh giới gì, nhất định phải giữ tâm thanh tịnh.
Câu hỏi 18: Tuyệt nhiên không thể nói định là tiêu cực, không tức giận là tiêu cực, vì thực tế nó làm bạn sanh trí tuệ. Ngay trong bình lặng sanh ra trí tuệ mới có thể giải quyết được vấn đề, đây là ý nghĩa tích cực?
Đúng vậy!
Câu hỏi 19: Vừa rồi pháp sư nói đến bố thí là buông bỏ phiền não, buông bỏ tạp niệm trong tâm, đây dường như là chính mình độ chính mình, vậy có nói đến chúng ta độ người hay giúp đỡ người hay không? có những loại bố thí gì?
Giúp đỡ người khác có tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí, gom lại thành ba loại lớn. Tài là chúng ta có dư. Người biết trải qua ngày tháng đời sống tuyệt vời nghĩa là họ tự tại. Không nhất định bạn phải giàu có, hào hoa, chỉ cần bạn tự tại, an vui là đời sống của bạn đã rất mỹ mãn. Chúng ta chỉ cần đủ cơm áo thì tự tại, hà tất phải quá dư. Chỉ cần ăn no mặc ấm, có một căn phòng ngăn gió mưa, thân tâm an ổn. Nếu có dư, chúng ta giúp đỡ người khác, lấy việc giúp người làm vui, phải nhiệt tâm chủ động đi giúp đỡ tất cả mọi người cần được giúp. Giúp đỡ vật chất thuộc về tài bố thí, bố thí không nên dính mắc trong lòng. Nếu tính toán mình đã làm được bao nhiêu việc tốt thì sự tính toán đó chỉ mang lại phước thông thường, không thể sanh trí tuệ. Khi đã bố thí, lòng trong sạch, không lưu lại tí gì, đây là chân thật công đức thành tựu định, huệ của bạn.
Pháp bố thí là khi chúng ta có trí tuệ, có kỹ năng, chúng ta đem trí tuệ kỹ năng của mình truyền thụ cho người khác. Ví dụ chúng ta từ công tác giáo học của Phật đà, mỗi ngày đem những đạo lý này giảng giải cho người thông thường nghe, để họ hiểu, họ giác ngộ, đây thuộc về pháp bố thí. Trong loại bố thí này, nhất định không có báo đáp. Rất nhiều đồng tu biết, những băng đĩa giảng kinh của tôi cho đến tất cả vật xuất bản, thảy đều không có bản quyền. Không có bản quyền chính là bố thí, ai đem đi in hay lưu thông cũng đều tốt, chỉ cần có lợi ích cho xã hội. Nếu ghi có sở hữu bản quyền thì không còn gọi là bố thí nữa mà trở thành làm ăn buôn bán. Cho nên chỉ cần chúng ta nhiệt tâm giúp đỡ xã hội, tuy đã làm, tâm vẫn thanh tịnh, tiêu diêu tự tại, không nên để trong tâm.
Vô úy bố thí là giải quyết khổ nạn của chúng sanh. Chúng sanh có nỗi lo sợ, thân tâm bất an, chúng ta giúp đỡ họ, khiến cho họ thân tâm an ổn, cái này thuộc về vô úy bố thí. Phật nói, quả báo của vô úy bố thí là được khỏe mạnh sống lâu, pháp bố thí được thông minh trí tuệ, tài bố thí được tiền tài. Người thế gian đều muốn có tiền của, thông minh trí tuệ, khỏe mạnh sống lâu, nhưng họ lại không biết cách tu nhân, thế nên những suy nghĩ này đều biến thành vọng tưởng, cứ đi cầu Phật Bồ tát bảo hộ nhất định không thể đạt được gì.
Câu hỏi 20: Thưa pháp sư, vừa rồi chúng ta nói đến tam phước, ngay trong phước trời người, dường như pháp sư chỉ nói đến phương diện hiếu đạo, có thể mời pháp sư khai thị bổ sung thêm các phương diện khác được không?
Giáo dục là sư đạo, sư đạo nhất định xây dựng trên nền tảng của hiếu đạo, do đó hiếu đạo là căn bản. Một người có thể thành công, trở thành người tốt trong xã hội, có cống hiến, nhất định đó phải là người nhận sự giáo dục tốt. Giáo dục tốt phải do cha mẹ phối hợp mật thiết với trường học mới có thể dạy ra được một con người. Ví dụ dạy hiếu thảo, cha mẹ không thể nói lời nói này với con cái, “con là con của ta, con phải hiếu thuận với ta”, cho nên, dạy hiếu thuận thuộc về trách nhiệm của thầy giáo và nhà trường. Tương tự, dạy con cái phải tôn kính lão sư, lão sư cũng không thể nói với học sinh, “ta là thầy của con, con phải tôn kính ta, phải tôn sư trọng đạo”, lời nói này cũng không thể nói ra miệng. Cho nên nhà trường và gia đình cần phối hợp.
“Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng” là nền tảng cơ bản của giáo dục. Từ chỗ này nâng lên cao, bạn phải có tâm từ bi, quan tâm xã hội, quan tâm đại chúng, thương yêu tất cả mọi người. Trong tâm từ, quan trọng nhất là không sát sanh. Không sát sanh thì chúng ta sẽ không làm tổn hại đến bất cứ người nào, bất cứ động vật nào. Bồi dưỡng tâm từ bi, kế đến lại tu mười nghiệp thiện, thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không hai lời, tuyệt đối không làm những việc này.
Câu hỏi 21: Thưa pháp sư, vừa rồi ngài nói, không sát sanh có phải ý nói, khi chúng ta học Phật thì nhất định phải ăn chay không?
Không nhất định như vậy, việc này không bắt buộc. Thế nhưng ăn chay đối với đời sống là rất tốt. Tôi học Phật cũng không có người nào bảo tôi ăn chay, thế nhưng tôi học Phật được sáu tháng thì tôi bắt đầu ăn chay. Lúc nhỏ tôi đi học, có một số bạn học là tín đồ Hồi giáo thuần thành, họ rủ tôi đến Thanh Chân Tự hiểu được một số lễ nghi của họ. Họ rất chọn lựa trong việc ăn uống, không chỉ chú trọng vệ sinh, bảo vệ sinh lý mà còn bồi dưỡng tánh tình. Họ nói tánh tình tốt xấu có quan hệ với thức ăn chúng ta ăn vào. Tôi hiểu được điểm này, tánh tình có thể ảnh hưởng chính mình, những vật có tính không tốt, thì họ đều không ăn.
Về sau học Phật, Phật giáo nói ăn chay, ăn chay có thể nuôi dưỡng tâm từ bi. Tôi liền nghĩ tới ẩm thực có vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm. Từ khai thị này, tôi tự nhận được sự nhắc nhở và liền ăn chay. Năm hai mươi sáu tuổi tôi bắt đầu ăn chay, đến nay hơn bốn mươi năm, thân thể ngày càng khỏe mạnh, phần đông không đoán ra tuổi của tôi. Năm trước bác sĩ trong bệnh viện đo huyết áp, họ nói với tôi rằng, huyết áp của tôi và màu sắc của máu không khác gì người ba mươi tuổi. Đây là điểm tốt của trường chay. Cho nên ăn chay đối với sức khỏe thân thể là tốt tuyệt đối, lại thêm tâm thanh tịnh không ô nhiễm, bất cứ việc gì của thế gian đều buông bỏ là được. Sở dĩ tôi không xem tivi, không nghe phát thanh, cũng không xem báo chí, để được trải qua những ngày tháng tốt đẹp, thiên hạ thái bình. Khi xem ti vi, bạn thấy cái này cái kia, thiên hạ sao mà hỗn loạn đến như vậy, lộn xộn lung tung, lúc đó bạn sẽ khổ không nói ra lời, chúng ta hà tất phải trải qua tháng ngày như vậy? Cho nên xả bỏ tất cả, mỗi ngày đọc kinh, cùng hàng với Phật Bồ tát, cùng làm bạn với người xưa, nghĩ xem đời sống này tự tại an vui dường nào.
Câu hỏi 22: Thưa pháp sư, trong Phật học có người thường hay nhắc đến nghiệp chướng, nói mỗi người trong một đời đều có nghiệp chướng. Vậy nghiệp chướng này biểu thị cho cái gì? Có ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
Nghiệp là sự nghiệp, khi tạo tác thì gọi là sự. Bạn làm bất cứ việc gì, sau khi làm xong thì kết quả đó gọi là nghiệp. Giống như chúng ta đi học ở trường, học sinh lên lớp là đang tạo nghiệp, kết thúc một học kỳ gọi là kết nghiệp, sau ba năm gọi là tốt nghiệp. Nghiệp là kết quả tạo tác, người thông thường chúng ta khởi tâm động niệm đều tạo tác, do đó tạo nghiệp quá nhiều. Phật pháp đem nó quy nạp thành ba loại lớn: tư tưởng trong tâm, khởi tâm động niệm gọi là ý nghiệp; lời nói gọi là khẩu nghiệp, tạo tác của thân thể gọi là thân nghiệp. Thân khẩu ý bao gồm tất cả những tạo tác của bạn, những tạo tác đó nhất định sanh hậu quả, gọi là tạo nghiệp. Nghiệp sanh chướng ngại cho bạn, gồm chướng ngại định và chướng ngại huệ.
Vì sao bạn không thể định, vì sao khi đi bên ngoài, bạn hay bị dẫn dụ? những dẫn dụ đó là bạn đang tạo tác. Bạn bị người dẫn dụ thì định không còn, huệ cũng không còn, liền biến thành chướng ngại. Đây gọi là nghiệp chướng. Bạn tạo tác thiện, thiện cũng có thể chướng ngại, vì sao? khi làm thiện, ta sanh lòng hoan hỉ, nói cách khác, tâm bạn không bình đẳng. Do đó tâm phải bình. Khởi lên sự bất bình, hoan hỉ, hay phiền não, thảy đều là nghiệp chướng. Thiện nghiệp chướng ngại, ác nghiệp cũng chướng ngại, nhưng họ có quả báo riêng. Thiện nghiệp đến ba đường thiện, ác nghiệp đến ba đường ác, họ không thể vượt ngoài sáu cõi luân hồi. Chỉ khi có định huệ mới có thể siêu việt sáu cõi luân hồi. Do đó Phật dạy chúng ta phải tu tịnh nghiệp, không làm việc xấu, chỉ làm việc tốt. Chúng ta tu thiện nghiệp mà không dính vào cái tướng của tu thiện, như vậy cái chướng ngại sẽ không còn.
Tóm lại, bạn phải ghi nhớ, chúng ta ở trong cuộc sống thường ngày, từ sớm thức dậy mặc áo ăn cơm làm việc nhất định phải tương ưng với giới định huệ, cụ thể phải tương ưng với tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng. Bình đẳng không phân biệt, thanh tịnh không chấp trước. Đối với tất cả mọi việc không phân biệt, không chấp trước. Tương ưng với định huệ thì đời sống của bạn liền tự tại, mỹ mãn, sự nghiệp của bạn thuận buồm xuôi gió, bạn sẽ làm tốt hơn người khác, nguyên nhân do bạn có định huệ.
Câu hỏi 23: Làm việc thiện sẽ được quả thiện, làm việc ác sẽ bị ác báo, cũng chính là nói con người chúng ta nhất định phải làm nhiều việc tốt. Thưa pháp sư, Phật môn chúng ta đã nói về quan hệ nhân quả, cũng là tương ưng vấn đề vừa nêu phải không?
Có quan hệ, quan hệ mật thiết.
Câu hỏi 24: Ngài có thể nói qua về quan hệ nhân quả được không?
Thế xuất thế gian pháp cùng Phật pháp đều không rời nhân quả. Phật pháp cũng xây dựng trên nền tảng của nhân quả, bạn không có nhân thì làm gì có được quả. Chẳng hạn chúng ta nỗ lực học tập là nhân, lấy được học vị là quả, nỗ lực làm việc là nhân, được báo đáp tốt là quả. Thế xuất thế gian chính là một vòng nhân quả lớn, cái nhân quả này mãi mãi tiếp nối, vĩnh viễn tuần hoàn. Khi biết nhân quả tương tục, nhân quả là tuần hoàn, thì dù ở hoàn cảnh nào, tự nhiên chúng ta liền sẽ hướng đến đoạn ác tu thiện, bởi vì tạo nhân bởi chính ta, kết quả đương nhiên chính mình cũng có thể dự biết. Ta tạo nhân tốt nhất định được quả tốt, tạo nhân ác thì quả nhất định không tốt. Không thể nói nhân thiện được quả ác, nhân ác được quả thiện, không hề có đạo lý này, đây là định luật.
Câu hỏi 25: Nói đến nhân quả tôi rất hiếu kỳ. Thời đại này của chúng ta, ngay một đời làm việc thiện để đời sau chúng ta kết được quả thiện, như vậy nếu đời trước của chúng ta đã làm việc xấu, còn chúng ta vô tội, không biết nhưng lại phải gánh chịu quả ác do đời trước đã làm, vậy chúng ta phải xử lý thế nào?
Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com