Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
“Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp”.
(Tiếp theo tập trước)
Khi chúng ta khuyên người khác làm việc thiện, họ có thể sửa đổi và làm cho gia đình họ có sự chuyển đổi rất tốt. Cho nên khi càng có nhiều người như vậy thì chúng ta sẽ càng cảm thấy vui, chúng ta cũng cảm thấy mình đã tận hết đạo nghĩa với bạn bè, cuộc đời này thật có giá trị. Tuy nhiên, “khuyên người hành thiện” cũng cần phải suy xét đến mức độ tiếp thu của họ. Cho nên “giáo nhân dĩ thiện vô quá cao”, không thể ngay lập tức đưa ra tiêu chuẩn quá cao, vì đối phương sẽ cảm thấy rất khó thực hiện. “Đương sử kỳ khả tùng”, phải để cho họ có thể tự tại học tập và thực hiện. Quý vị không thể ngay lập tức đưa ra tiêu chuẩn quá cao, vì như vậy họ sẽ thấy “sao mà xa vời quá!”. Quý vị không thể lập tức nói với họ rằng: “Quý vị phải làm Thánh nhân”, vì sẽ làm cho họ sợ chết khiếp. Quý vị phải bắt đầu từ những việc mà họ có thể làm được như giúp đỡ em trai, giúp đỡ mẹ, làm một người anh tốt, làm một người con hiếu thảo mà thực hiện.
Phía sau trung tâm chúng tôi có một cái sân rất rộng. Có một lần tôi phát hiện thấy rất nhiều rác. Tôi từ tầng trên đi xuống, bắt đầu cùng với một em nhỏ nhặt rác. Lúc đó ở tầng dưới có một số em nhỏ, trong đó có một bé gái đứng ở đó nhìn tôi nhặt rác. Nếu như chúng ta là giáo viên mà lại nói: “Cô bạn nhỏ! Mau ra đây nhặt rác đi!”, cô bé có thể sẽ làm nhưng với thái độ không được vui. Cho nên tôi cứ nhặt và nhặt, sau khi nhặt đến bên cạnh cô bé tôi liền nói: “Cô bạn nhỏ! Em có thể giúp thầy một việc không? Em nhặt cái kia giúp thầy nhé!”. Cô bé liền nhìn tôi rồi sau đó nhặt lên, rồi lại nhặt tiếp cái thứ hai. Sau đó bởi vì bên cạnh tôi còn có một bạn nhỏ cũng đang nhặt rác rất chăm chỉ, cho nên cô bé này liền rất vui vẻ cùng với chúng tôi bắt đầu nhặt rác. Kết quả là nhặt đến khi không còn túi để đựng rác nữa, cô bé tự mình chạy về nhà lấy thêm túi đựng rác đến để đựng. Cô bé nhặt rác cũng rất là hào hứng, từ sân này nhặt ra đến tận đường nhựa. Tôi liền nghĩ: “Không biết phải nhặt bao lâu nữa, chút nữa mình lại có việc phải làm”. Cô bé đã chạy về nhà lấy cái túi đựng rác thứ ba. Khi tôi nhìn thấy cô bé muốn về lấy cái thứ tư thì liền nói: “Cô bạn nhỏ! Hôm nay chúng ta nhặt đến đây thôi. Thầy rất cảm ơn em”. Cho nên chỉ cần quý vị hướng dẫn trẻ nhỏ từng bước, khi chúng bỏ công sức ra nhất định sẽ nhận được niềm vui và có cảm giác được thành tựu. Đương nhiên khi người khác làm việc thiện chúng ta cũng cần phải khen ngợi và khuyến khích họ đúng lúc.
Khi tôi về đến trung tâm, vừa lúc có người bạn thân ở Tân Cương gửi cho tôi một ít nho khô vùng Tân Cương, tôi liền nói với em học trò ở trung tâm rằng: “Nào! Em hãy cầm nho khô đi cảm ơn cô bạn nhỏ lúc nãy! Em hãy cùng ăn với cô bé!”. Kết quả, sau khi mang nho khô xuống, em học trò này lại dẫn cô bé lên trên chỗ trung tâm của chúng tôi chơi. Cho nên việc này cũng là kết được một duyên lành. Sau đó cô bé ấy cũng đến học ở trung tâm chúng tôi. Đây chính là khi chúng ta khuyên người khác làm việc thiện thì đã kết được một pháp duyên tốt. Như vậy, khi khuyên người khác chúng ta cũng phải đứng ở góc độ của người đó để từ từ chỉ dẫn họ làm việc thiện. Đây là “khuyên người làm việc thiện”.
- Điều thứ năm: “Thành toàn việc tốt cho người”
Để làm tốt một việc ở thời đại hiện nay thật không dễ dàng gì. Quý vị thấy tôi cũng đi không biết bao nhiêu nơi ở Đại Lục. Đó là công việc sau khi tôi đã làm được chín tháng. Tình trạng chín tháng trước đó ra sao? Có được thuận lợi không? Quý vị có thấy đằng sau nụ cười của tôi là cả một quá trình rất gian khổ không? Khi đó tôi tứ cố vô thân, hàng ngày phải đi sớm về khuya. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là “đi sớm về khuya một mình”. Sáng sớm đã phải đi, buổi tối đạp xe đạp về, lúc đó cũng đã hơn mười giờ. Về đến nhà, tôi làm một số công việc vệ sinh và giặt quần áo. Sau khi xong việc, nhìn đồng hồ thì đã mười hai giờ. Lúc này tôi mới lên giường và ngủ rất ngon. Cho nên, nếu như có vị nào bị mất ngủ thì có một cách chữa trị rất hữu hiệu là ra sức làm việc. Đây là phương thuốc rất hiệu nghiệm.
Hơn nữa, trong quá trình đó thường có người đến trung tâm chúng tôi, họ nhìn bên này ngó bên kia rồi nói: “Thời nay làm gì có chuyện như vậy! Giảng bài không thu tiền, phát sách cũng không thu tiền, nhất định là có mục đích gì rồi”. Họ không tin bởi vì họ chưa từng thấy qua. Do vậy, tôi thường xuyên gặp rất nhiều người nghi ngờ chất vấn, nhưng chúng tôi cũng rất hoan nghênh họ đến xem, đến kiểm tra. Chúng tôi không ngại họ đến xem, bởi xem rồi thì mới có thể tiếp xúc, mới có thể hiểu được. Ở thời đại này muốn làm việc tốt quả thật không dễ. Vì vậy, khi nhìn thấy người khác hành thiện thì chúng ta nhất định phải cố gắng giúp đỡ họ. Cho dù chỉ là một câu khen ngợi, thì tôi tin rằng đối với họ cũng là một sự khích lệ rất quan trọng. Cho nên chúng ta cũng không nên tiết kiệm lời khen. Đây chính là thành toàn việc tốt cho người.
Tiên sinh Hàn Dũ cũng từng nói rằng: “Khuyên nhủ nhất thời thì dùng lời nói, khuyên nhủ muôn đời thì phải dùng sách”. Đó là có thể đem kinh nghiệm, trí tuệ cả đời của chúng ta viết thành sách để làm lợi ích cho người đời sau. Giống như Tiên sinh Viên Liễu Phàm viết cuốn “Liễu Phàm Tứ Huấn” không chỉ lợi ích cho con cháu đời sau của ông, mà còn lợi ích cho tất cả những ai đã xem qua quyển sách này. Tuy nhiên, khi chúng ta muốn “dùng sách để khuyên bảo muôn đời”, thì có phải muốn viết sách là viết ngay được không? Bởi vậy mà người xưa có câu: “Tam bất hủ”. “Tam bất hủ” nào vậy? Đó là: Lập công, lập ngôn, lập đức. Ba điều này phải đúng theo thứ tự là: Lập đức, lập công, lập ngôn thì mới đúng.
Trước khi chưa lập đức mà đã lập ngôn thì có thể sẽ nói xằng, nói bậy, nói lý luận suông. Có đức hạnh rồi còn phải không ngừng rèn luyện thì mới có thể thông tình đạt lý, mới có thể làm ra những việc cống hiến cho xã hội, đó là lập công. Sau đó họ lại chỉ cho người khác phương pháp làm thế nào để tu thân, làm thế nào để lập nghiệp, đó chính là lập ngôn.
Như chúng ta đã thấy, vào thời nhà Thanh, Tổng Đốc bốn tỉnh là Tiên sinh Tăng Quốc Phan chân thật đã lập đức rồi mới đến lập công, văn chương của ông tự nhiên làm cho người khác được lợi ích vô cùng, bởi vậy ông cũng đã lập được ngôn. Đây đều là thành tựu việc tốt cho người và cũng là khuyên người làm việc thiện.
- Điều thứ sáu: “Cứu người lúc nguy cấp”
Nếu như trên đường chúng ta gặp phải một người bị thương rất nặng thì phải nhanh chóng điện thoại gọi xe cấp cứu (ở Việt Nam số điện thoại gọi cấp cứu là 115). Điều này nhất định phải làm, bởi vì chỉ chậm một giây cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng của họ. Trên mạng Đại Phương Quảng có một vị khán giả để lại một lời nhắn. Anh ấy nói anh ấy vốn là muốn tự sát, nhưng bởi vì đã xem mấy bài viết đăng trên trang Đại Phương Quảng nên tâm tình của anh mới bình hòa trở lại. Thời nay có một căn bệnh có sự hủy hoại rất lớn đối với nhân tâm con người, đó là bệnh trầm cảm. Bệnh này rất ghê gớm! Nghe nói giáo viên có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm cao nhất. Điều này tôi cũng lĩnh hội được, bởi vì khi họ dạy dỗ học sinh, giáo viên phải chịu áp lực đặc biệt lớn về sự an toàn và rất nhiều phương diện khác của học sinh. Hơn nữa, họ còn phải mang danh “giáo viên”, nếu như họ không hiểu biết nhiều đạo lý thì họ cũng rất khó xử. Cho nên chân thật là các thầy cô giáo cũng phải không ngừng học tập, bổ sung kiến thức thì mới có thể tâm an lý đắc đối với nhiều loại đạo lý. Nếu không thì các thầy cô giáo cũng rất dễ chán ghét thói đời, buồn bực không vui. Vì vậy, nếu lời nói của chúng ta có thể từ từ mở được cánh cửa tâm hồn của những người bị bệnh trầm cảm, từ từ giúp họ hiểu rõ được đạo lý, thì đó đã là “cứu người lúc nguy cấp”.
Tôi còn nhớ, khi giảng xong năm ngày ở đảo Tần Hoàng, tôi đã lên xe để về Bắc Kinh. Khi xe còn chưa chạy thì có một phụ nữ đưa hai tay qua cửa kính trước chỗ tôi ngồi. Cô xúc động nói với tôi: “Thầy Thái! Tôi đã có ý định tự sát, nhưng sau khi nghe xong thầy giảng năm ngày này…..”. Khi cô ấy vừa nói thì nước mắt đã rơi xuống. Kỳ thực lúc đó tôi cũng rơi nước mắt cùng với cô ấy, bởi vì tôi chân thật đã cảm nhận được sự chân thành của cô. Cô nói: “Sau năm ngày nghe giảng, tôi đã định vị được thái độ của mình về nhân sinh. Sau này tôi sẽ sống thật tốt”. Chúng ta cảm nhận được trí tuệ của Thánh Hiền đối với con người thời nay chân thật là vô cùng cần thiết. Chính sự cảm nhận và thấu hiểu này sẽ không ngừng thúc đẩy chúng ta không được lười biếng.
Cho nên có rất nhiều bạn bè, có rất nhiều giáo viên hỏi tôi rằng: “Thầy Thái! Hình như thầy không biết mệt? Hình như thầy cũng không bao giờ nản lòng?”. Họ lại hỏi tôi: “Sao thầy lại làm được vậy?”. Tôi trả lời: “Rất đơn giản! Nếu như có một người già tám mươi tuổi quỳ trước mặt quý vị thì quý vị sẽ không nản lòng”. Họ nghe không hiểu. Tôi tiếp tục nói: “Khi tôi ở núi Thiên Mục của Hàng Châu diễn giảng đến ngày thứ ba, sau khi ăn cơm xong đi ra khỏi trai đường thì thấy có một ông lão tám mươi tuổi không biết đã đứng ở đó đợi tôi tự bao giờ. Khi thấy tôi, ông liền quỳ xuống. Cũng may thời học đại học, tôi ở trong đội tuyển cầu lông của trường, nên tay chân của tôi phản xạ khá nhanh. Quý vị đã biết tốc độ của cầu lông nhanh thế nào rồi, muốn trong chớp mắt cứu được cầu thì phản xạ phải rất nhanh. Cho nên phản xạ lúc đó của tôi là hai chân quỳ xuống và trượt đến chỗ ông, đỡ lấy ông. Mấy người trong ban tổ chức đi bên cạnh còn sợ chân tôi cọ sát với nền nhà mà bị thương, cũng may là có thảm trải nền. Tôi vội nói với ông:Thưa ông! Ông hãy đứng dậy mà nói, xin đừng làm như vậy”. Kết quả, ông lão (ông là người Tân Cương) đứng dậy và nói: “Thầy Thái à! Thầy phải hứa với tôi hai việc. Việc thứ nhất, ở Tân Cương chúng tôi không được nghe những lời giáo huấn Thánh Hiền này, cho nên thầy nhất định phải đem những giáo trình này đến giảng ở Tân Cương”. Ông lão đã tám mươi tuổi rồi, con cái ông đều giảng dạy ở trường đại học, vậy xin hỏi: Điều thỉnh cầu này của ông là vì ai? Vì thế hệ mai sau, vì nhân dân nơi ông sinh sống. Hành động này của ông lão đã giáo dục tất cả những giáo viên chúng tôi đang tham gia khóa học này, sự chí công vô tư của ông như vậy đáng để cho chúng tôi noi theo. Vì vậy, những giáo viên và người trong ban tổ chức trong chuyến đi núi Thiên Mục này đến ngày cuối cùng cũng phải rơi lệ vì cảm động, đều cảm thấy sứ mệnh trên vai mình nặng thêm. Tuy là nặng thêm nhưng đây là nặng thêm về số lượng, trọng lượng, còn khi gánh vác thì lại không nặng, bởi vì vai của chúng ta sẽ trở nên vững mạnh, bởi vì chúng ta tin tưởng rằng tất cả Tổ tiên, tất cả Thánh Hiền ở cõi nào đó đều bảo vệ chúng ta, ủng hộ chúng ta. Hơn nữa, chúng tôi cũng vô cùng tin tưởng là “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nhất định có thể thức tỉnh lòng người.
Ông lão nói tiếp: “Điều thứ hai là hãy tặng cho tôi một bộ đĩa thu bài giảng của thầy ở núi Thiên Mục”. Chúng ta nhìn thấy ông lão tám mươi tuổi mà vẫn còn hiếu học như vậy thì rất đáng để cho chúng ta học tập theo. Tôi đã nói với những người bạn của tôi: “Ông lão đã cung kính, chí thành đối với chúng ta như vậy, thì chúng ta phải ghi nhớ mãi trong lòng. Chúng ta không thể phụ tấm lòng thành này của người ta đối với mình. Quý vị có thể nhớ mãi thì tin là quý vị sẽ không bao giờ lười biếng, không bao giờ nản lòng”. Cho nên, chúng ta làm việc gì cũng đều là bổn phận. Người khác khen ngợi chúng ta, tôn trọng chúng ta thì chúng ta cũng phải ghi nhớ vào lòng. Chúng ta phải tu thân, hành đạo để đền đáp những người đã yêu mến, chúc phúc cho chúng ta. Đây được gọi là: “Cứu người lúc nguy cấp”. Điều thứ sáu cũng liên quan đến con người nên tôi đem nó gộp chung vào.
- Điều thứ bảy: “Hưng kiến đại lợi” (tu bổ có lợi ích lớn).
Chúng ta thấy thời xưa có rất nhiều người thiện tâm đi xây cầu, làm đường để làm ích lợi cho đại chúng. Thời nay thì rất ít có cơ hội để xây cầu, làm đường, bởi những công trình đó do Chính phủ làm. Nhưng thật ra còn có rất nhiều không gian để chúng ta bỏ công sức ra phục vụ người khác. Ví dụ nhìn thấy trên mặt đường có hố sâu thì chúng ta hãy chủ động gọi điện báo ngay cho cơ quan chức năng đến xử lý. Bởi vì hố sâu thì sẽ có hậu quả như thế nào xảy ra? Nếu như có một người say rượu, không tỉnh táo lại phóng nhanh rồi đâm vào cái hố đó, thì có thể người sẽ bay ra khỏi xe. Chúng ta từ điều này có thể thấy được rằng có người có thể sẽ gặp nạn. Tấm lòng nhân từ như vậy thật là khó có được.
Vì vậy, hôm nay quý vị đi trên đường hoặc lái xe trên đường mà nhìn thấy giữa đường có một tảng đá to thì phải nhanh chóng di chuyển tảng đá đó đi nơi khác. Nói không chừng việc này có thể cứu được cả một gia đình. Nơi nơi đều phải có thiện tâm nghĩ cho người khác. Điều này rất quan trọng.
“Hưng kiến đại lợi” chủ yếu là những việc có thể ích lợi cho người khác. Chúng ta phải tùy duyên, tùy phận mà tận tâm, tận lực để làm. Vậy nếu như quý vị đang ở trên đường cao tốc mà nhìn thấy tảng đá to thì có nên dừng lại để di chuyển tảng đá đó không? Phải nhanh chóng gọi điện thoại. Việc này rất nguy hiểm, không thể dừng lại được. Cho nên chúng ta phải linh hoạt, phải biết làm như thế nào mới thích hợp.
Ở Hải Khẩu, khi chúng tôi đi đường thường xuyên thấy có những tảng đá to, bởi vì nhân công ở đó đợi việc làm hoặc tụ tập tán chuyện thì khiêng những tảng đá to để ra giữa đường. Ban ngày người đi đường còn có thể nhìn thấy tảng đá, nhưng ban đêm thì không nhìn thấy, cho nên rất có khả năng va vào tảng đá. Ví dụ như có một người vừa đi vừa gọi điện thoại di động, bất chợt va vào tảng đá thì có thể sẽ bị ngã. Cho nên nhìn thấy vậy chúng ta phải nhanh chóng di chuyển nó đi nơi khác. Có lúc đi qua công trường xây dựng, bất chợt thấy có thanh tre nhô ra, như vậy rất nguy hiểm, không cẩn thận có thể sẽ bị va vào đầu. Nếu chúng ta thấy vậy thì phải tìm mảnh vải đỏ ở gần đó để buộc lên chỗ thanh tre nhô ra. Vì vậy phải tùy duyên, tùy phận. Khi hàng ngày chúng ta đều tùy duyên, tùy phận để làm việc thiện, thì tin là cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng vui sướng, bởi vì giúp người là nguồn gốc của niềm vui. Đó chính là “hưng kiến đại lợi”.
- Điều thứ tám: “Bố thí tài vật làm phúc”
Chữ “tài” ở đây tôi cũng đã giảng rồi, đó có thể là bố thí tiền tài, cũng có thể là dùng sức lao động, kinh nghiệm của chúng ta để giúp đỡ người khác. Cho nên thời nay cũng có rất nhiều người tình nguyện dùng sức lực của mình mà cống hiến. Thật ra, nội tài khó hay ngoại tài khó? Nội tài khó! Quý vị bảo họ quyên góp một trăm tệ, hai trăm tệ thì có thể được, nhưng bảo họ bỏ ra ba tiếng đồng hồ để giúp đỡ, phục vụ người khác thì có thể họ khó mà làm được. Cho nên việc tốt cũng có khó, có dễ, nhưng khó làm mà vẫn làm được thì công đức lại càng lớn hơn. Đây là bố thí tài vật làm phúc.
- Điều thứ chín: “Hộ trì chính pháp”
Quý vị bằng hữu cũng đang hộ trì chính pháp. Quý vị đang làm đó! Bởi vì quý vị đều dùng ánh mắt hiền hòa nhìn tôi, khiến cho tôi có cảm giác sẽ không làm hỏng việc, vì trái tim tôi rất dễ bị tổn thương. Còn nữa, có những vị nghe xong cảm thấy có được một chút ích lợi, cho nên cũng dẫn thêm bạn bè khác đến nghe, đây cũng là đang hộ trì chính pháp. Còn có những bà mẹ dẫn con đến nghe. Người mẹ dẫn con đến nghe thì tin là chồng của bà cũng sẽ rất vui, bởi chỉ cần con cái họ nghe được chính pháp thì có thể hưng vượng được rất nhiều đời. Đây cũng là hộ trì chính pháp.
Do đó, khi Thành phố Đài Nam của chúng ta có rất nhiều thanh niên phát tâm đi giảng Kinh thì chúng ta cũng phải cổ vũ, ủng hộ họ thì họ càng giảng càng tốt hơn. Như vậy thì công đức của quý vị là vô lượng.
- Điều thứ mười: “Yêu quý sinh mạng”
Đối với đồ vật chúng ta cũng phải yêu quý, cho nên mới nói: “Một hạt cơm, một bát cháo có được cũng không phải dễ”, quyết không thể lãng phí. Như vậy, đối với những sinh mạng cũng phải yêu quý.
Ở Úc, khi họ làm đường thường gặp phải những cây lớn. Việc đầu tiên là họ phải xem trên cây có tổ chim nào không. Nếu như có tổ chim thì họ sẽ dừng công trình lại, đợi qua mùa đó chim bay đi nơi khác thì họ mới bắt đầu công trình. Chúng ta có làm được như vậy không? Chúng ta xem người Úc rất thuần phác. Khi chúng tôi ở Úc, chân thật là khi có người đi ngang qua thì đều chào hỏi lẫn nhau. Lòng người rất lương thiện. Một khi lòng người lương thiện thì hoàn cảnh môi trường cũng sẽ mưa thuận, gió hòa. Cho nên những loại rau trồng ở Úc đều rất to, chúng tôi ở đó ăn cũng rất no. Khi con người thật sự tôn trọng sinh mạng, tôn trọng vạn vật, thì vạn vật nhất định sẽ báo đáp lại con người rất tốt.
Bạch Cư Dị cũng có một bài thơ khuyên chúng ta phải yêu quý động vật, yêu quý sinh mạng. Bài thơ có câu rằng: “Mạc đạo quần sinh tính mệnh vi”, chớ nói tính mạng của động vật không đáng giá:
“Chớ nói tính mệnh động vật không đáng giá
Cũng có xương thịt, cũng có da
Khuyên ai đừng bắn chim đầu cành
Chim non trong tổ ngóng mẹ về”.
Chúng ta dùng tâm lý cùng cảnh ngộ đó để mà yêu quý động vật.
Hiện nay có rất nhiều người chuyên môn bắt chim hoang dã để bán cho các em nhỏ. Chúng ta có nên mua không? Tốt nhất là không nên mua. Quý vị càng mua thì họ càng bắt. Khi chúng ta cùng có nhận thức như vậy thì sẽ không mua của họ nữa. Vì điều mà họ muốn là tiền. Họ không kiếm được tiền thì tự nhiên họ sẽ không đi bắt chim nữa. Hơn nữa, những con chim hoang dã này chúng ta có nuôi được không? Rất khó nuôi. Cho nên phải giáo dục con cái ngay từ nhỏ rằng: “Chúng ta không mua thì họ sẽ ít bắt chim hơn, như vậy thì những động vật nhỏ này sẽ không phải rời xa cha mẹ chúng”. Từ nhỏ phải dạy cho con trẻ có tâm từ bi.
Trên đây là mười điều thiện.
Chúng ta cũng biết phải làm sao để phán đoán được việc thiện, cũng biết được nên hành những loại thiện nào. Chúng ta phải ghi nhớ: “Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp”. Hơn nữa, trong quá trình làm việc thiện nhất định phải ghi nhớ một câu: “Đương nhân bất nhượng ư sư”, hành thiện không được thua kém người khác. Cho nên mới có câu nói: “Bất nhượng cổ nhân thị vị hữu chí”. Ý nói khi chúng ta học tập noi theo gương cổ nhân, chúng ta phải có thái độ không thua kém với cổ nhân, thậm chí còn phải vượt hơn so với cổ nhân.
Đây không phải là ngạo mạn. Chúng ta suy nghĩ xem, hôm nay quý vị là cha mẹ, nếu như con cái nói với quý vị rằng: “Cha à! Thế hệ của con không thể vượt hơn thế hệ của cha” thì quý vị có vui không? Quý vị sẽ nói: “Tất cả những kinh nghiệm cần thiết cha đã dạy bảo cho con. Khi cha bằng tuổi con bây giờ thì không hiểu biết được như con. Cha đã đem hết kinh nghiệm để chỉ bảo cho con mà con lại nói là không hơn được cha”. Người cha nhất định sẽ rất buồn. Nếu như mỗi một học sinh học những học vấn của Thánh Hiền đều nói là: “Những vị đó đều là Thánh Hiền. Chúng em không làm được như vậy!”, thì Tổ tiên của chúng ta sẽ nghĩ rằng con cháu không thể dạy dỗ được. Cho nên học tập cũng cần phải có chí hướng, có chí khí “không thua kém với người xưa”. Những người dạy học như chúng ta khi nhìn thấy những em học sinh ưu tú ngày càng trưởng thành thì chúng ta cũng hy vọng sau này chúng sẽ thành công hơn chúng ta, chúng ta cũng sẽ vô cùng hạnh phúc.
Quý vị thân mến! Quý vị gặp được những người thầy tốt thì mới biết quý trọng học vấn của Thánh Hiền. Cho nên chúng ta phải “lập thân hành đạo”, phải vượt qua, phải hơn thầy giáo của mình, thì thầy của chúng ta mới cảm thấy được an ủi. Bởi vậy mới nói: “Học tập quý ở lập chí”. Quý vị không thể mới bắt đầu mà mục tiêu đã rớt ra đằng sau. Cho nên mới nói: “Thấy người tốt, nên sửa mình. Dù còn xa, cũng dần kịp”. Chân thật là những điều giáo huấn của thầy đối với chúng ta có thể là những kinh nghiệm được đúc kết từ mấy mươi năm của thầy. Chân thật là như vậy! Điều này tôi cảm nhận được một cách sâu sắc. Cho nên chỉ cần chúng ta thật thà nghe lời thì nhất định có thể: “Dù còn xa, cũng dần kịp”.
4.6 Kinh văn:
“Kiến nhân ác, tức nội tỉnh. Hữu tắc cải, vô gia cảnh”.
“Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác”.
Nhìn thấy người khác có chỗ không tốt thì chúng ta không nên phê bình, mà trước tiên phải xét lại mình xem có phạm phải cái lỗi như vậy không. Nếu như có thì chúng ta lập tức sửa đổi lại. Nếu như không có thì rất tốt, chúng ta tiếp tục duy trì.
Thầy Lý Bỉnh Nam có một đoạn khai thị rất hay. Thầy nói: “Thấy người có điểm tốt thì không được đố kỵ mà phải tùy hỷ. Thấy người có chỗ không tốt thì không nên phê bình mà phải khuyên can hoặc giữ im lặng. Thấy người làm sai thì không được chỉ trích mà phải giúp đỡ”.
Rất nhiều câu nói của thầy đều rất có trí tuệ cuộc sống. Chúng ta thường xuyên đem ra để quán chiếu cái tâm của mình thì tiến bộ sẽ rất nhanh. Cho nên khi thấy người khác có điểm tốt thì chúng ta phải thành toàn việc tốt cho họ mà không được đố kỵ. Thấy người có chỗ không tốt thì chúng ta không nên phê phán, bởi vì phê phán chỉ làm cho đại chúng mất đi không khí hòa thuận. Chúng ta phải khuyên can hoặc giữ im lặng. Tại sao phải giữ im lặng? Thời cơ chưa đến, sự tín nhiệm của họ đối với mình chưa đủ, có thể khi chúng ta khuyên can, họ lại cho rằng chúng ta làm khó dễ hoặc phỉ báng họ. Như vậy thì không hay. Vì vậy lúc trước chúng ta cũng có nhắc đến, trước khi khuyên người khác thì đầu tiên phải xây dựng nền tảng của sự tin tưởng. Trong “Luận Ngữ” có nói: “Người quân tử phải được lòng tin của người khác rồi sau mới khuyên can, chưa có lòng tin mà khuyên thì giống như là phỉ báng họ vậy”, có thể còn xảy ra hiểu lầm với họ. Như vậy thì thật là không hay.
Khi thấy người khác làm ra điều sai trái, những người bình thường sẽ có phản ứng: “Quý vị làm cái quái gì vậy!”. Con cái bất cẩn làm vỡ cái đĩa, quý vị lập tức nói một hồi như súng liên thanh, như vậy thì con cái sẽ càng thêm cảm thấy mặc cảm. Cho nên lúc này quý vị phải bình lặng lại, con trẻ sẽ cảm nhận được rằng cha mẹ của chúng rất có tu dưỡng. Khi chúng ta cùng với chúng thu dọn tàn cuộc thì trong lòng chúng sẽ rất cảm kích. Tiếp thêm một bước, chúng ta kiểm điểm lại một chút, tại sao ngày hôm nay lại xảy ra sự việc sai trái này. Thật ra, mỗi lỗi sai đều có thể tăng thêm năng lực làm việc của con cái, thậm chí là tăng thêm năng lực làm người. Khi chúng ta có tâm như vậy thì người với người sẽ chung sống với nhau rất hòa thuận.
Thấy người có chỗ không tốt thì tuyệt đối không để ở trong lòng. Nếu để ở trong lòng chính là đem cái tâm thuần khiết trong sạch nhất của chúng ta đựng rác của mọi người. Như vậy thì thật là ngốc nghếch!
Có một vị nói là: “Muốn không nhìn thấy điểm không tốt của người khác rất khó, rất là khó!”. Vị này đã thỉnh giáo Hòa thượng Tịnh Không. Sư phụ Ngài khuyên anh ấy một phương pháp rất hay, tôi cảm thấy hay đến nỗi không thể hay hơn được nữa. Ngài nói: “Khi quý vị nhìn thấy lỗi của người khác thì hãy nói đây đều là lỗi của mình”. Ví dụ như thấy con cái không ngoan thì quý vị sẽ nghĩ: “Đó là lỗi của mình đã không dạy dỗ con tốt”. Quý vị phải nhanh chóng mà dạy dỗ chúng. Ví dụ nhìn thấy vợ có điều không tốt, quý vị nghĩ: “Đều là lỗi của mình đã không dùng đức hạnh để cảm hóa cô ấy, cũng là mình không tốt”. Nếu như trên đường nhìn thấy người khác không có tâm công đức, quý vị nghĩ: “Cũng là mình không tốt, mình đã không làm tấm gương tốt cho anh ấy noi theo”. Khi con người ở đâu cũng nhìn thấy bổn phận của mình thì sẽ không lãng phí thời gian để trách mắng người khác. Cho nên, tôi cảm thấy phương pháp này rất tuyệt diệu và cũng rất có ích.
“Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác”. Sửa chữa lỗi lầm cũng là một học vấn rất quan trọng. Cho nên trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng có nhắc đến: “Khoan bàn đến hành thiện, trước tiên cần sửa lỗi đã”. Nếu như chúng ta chưa thể sửa đổi những lỗi lầm của mình, thì những việc thiện chúng ta làm hôm nay giống như đem nước đổ vào một cái thùng bị thủng ở đáy. Chúng ta đem việc làm thiện này ví như nước và lỗi lầm mà chúng ta chưa sửa chữa được ví như cái lỗ thủng ở dưới đáy thùng. Đó là nói cho dù hôm nay các vị có làm việc thiện, các vị có liên tục đổ nước vào thùng thì cuối cùng nước cũng sẽ chảy hết ra ngoài. Cho nên đầu tiên phải hàn các lỗ thủng lại, sau đó những việc thiện này sẽ càng tích càng đầy.
Muốn sửa chữa lỗi lầm thì đầu tiên phải phát ba loại tâm: Thứ nhất là phải phát tâm hổ thẹn, thứ hai là tâm kính sợ, thứ ba là phát tâm dũng mãnh.
Thứ nhất, phải phát “tâm hổ thẹn”
Vì sao cần phải phát tâm hổ thẹn? Bởi vì mỗi người chúng ta đều có rất nhiều tiềm năng phải nên thông qua sự tu thân của chúng ta mới có thể trở thành Thánh Hiền. Cho nên Mạnh Phu Tử mới khuyến khích chúng ta là: “Vua Thuấn là ai? Vua Vũ là ai? Các Ngài làm được thì ta cũng có thể làm được”. Chúng ta khó khăn lắm mới có được thân người. Làm người có dễ không? Không dễ dàng. Đã không dễ dàng thì phải làm cho tốt, nếu không sẽ phụ lòng kỳ vọng của Tổ tiên đối với chúng ta là phải làm “thiên, địa, nhân” tam tài. Phải làm sao để làm được “thiên, địa, nhân” tam tài? Đó là phải thể hiện được cái đức của thiên, địa. Đất có công đức nuôi dưỡng vạn vật, đất không chọn lựa bất cứ vật nào mà còn thành tựu cho vạn vật. Cho nên đất có tấm lòng vô cùng rộng lớn, vô cùng bình đẳng.
Như quý vị đã thấy, chúng ta đem những thứ dơ bẩn nhất cho đất, kết quả đất lại còn chuyển hóa chúng thành những chất dinh dưỡng trả lại cho chúng ta. Giống như một người mẹ, cho dù chúng ta có đại tiểu tiện thì mẹ cũng đều thu dọn. Sự hồi đáp của mẹ là sự cống hiến vô tư. Cho nên mới có câu nói: “Đất là mẹ, trời là cha”. Chúng ta phải dùng cả cuộc đời này để thể hiện cái đức của trời và đất.
Quý vị bằng hữu! Số lượng của động vật gấp bao nhiêu lần con người vậy? Chỉ cần tính đến số lượng loài kiến sống trong rừng nguyên sinh cộng lại thì đã vượt hơn tổng số lượng con người. Quý vị có tin như vậy không? Quý vị hãy xem một tổ kiến bình thường to như vậy thì có bao nhiêu con kiến? Huống gì là cả một cánh rừng nguyên sinh. Cho nên được làm thân người thì thật là hiếm có! Chúng ta không được cô phụ cái thân người này, không thể lãng phí nó. Các Ngài có thể trở thành Thánh Hiền thì chúng ta tuyệt đối không thể cả đời này hoàn toàn không có sự cống hiến nào, thậm chí lại còn là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Như vậy thì thật đáng hổ thẹn! Cho nên Mạnh Phu Tử mới nói: “Sỉ chi ư nhân đại hĩ”, tâm hổ thẹn đối với con người rất quan trọng. Có tâm hổ thẹn thì có thể thành Thánh, thành Hiền. Không có tâm hổ thẹn thì có thể cả đời sống không bằng cầm thú. Cho nên tâm hổ thẹn đối với việc tu dưỡng đạo đức, gây dựng sự nghiệp của một người là rất quan trọng.
Thứ hai là phải phát “tâm kính sợ”
Thứ hai là phát “tâm kính sợ”. Có câu rằng: “Ngẩng đầu ba thước có thần linh”. Hơn nữa, “nếu muốn người khác không biết, trừ khi chúng ta không làm”. Chúng ta thường cảm thấy mình che đậy rất khéo, thật ra đó là “lừa mình, dối người”. “Sống lâu mới biết lòng người”, khi người ta hiểu rõ được quý vị, đến lúc đó quý vị không đáng một xu. Bởi vậy, chỉ cần chúng ta chịu sửa chữa lỗi lầm thì không bao giờ là muộn. Cho nên thời xưa có người cả đời tạo nghiệp, trước khi lâm chung thành tâm sám hối những việc làm cả đời của mình, kết quả vẫn được chết trong an lành. Do đó, cho dù “tội ác tày trời cũng không thể sánh bằng một câu hối lỗi”. Biết sám hối, biết sửa chữa lỗi lầm là điều rất quan trọng. Cho nên, “những điều xấu đã làm từ trước, ngày hôm qua ví như ngày cuối cùng. Những điều ta làm về sau, hôm nay xin bắt đầu cuộc đời mới”. Chúng ta hạ quyết tâm từ nay về sau phải là học trò tốt của các bậc Thánh Hiền, tin rằng cho dù trước đây có phạm phải lỗi lầm gì đi nữa thì cũng có thể bù đắp được, cũng có thể nhận được sự tôn kính của người khác. Cho nên cần phải có tâm kính sợ.
Thực tế mà nói, “đời người vô thường”, cái thân xác thịt này của chúng ta cũng không biết giữ được bao lâu, cho nên việc sửa lỗi lầm quyết không thể chờ đợi. Đợi đến khi sinh mạng kết thúc thì dù quý vị có muốn sửa cũng không được nữa rồi. Tiếng xấu cả đời này khiến cho con cháu có thể bị xấu hổ lây. Có những người như vậy không? Có! Chúng ta đến miếu Nhạc Phi ở Hàng Châu xem thấy có đôi vợ chồng Tần Cối. Quý vị xem, vợ chồng Tần Cối quỳ ở đó để mọi người phỉ nhổ. Họ đã bị phỉ nhổ gần một nghìn năm rồi. Hơn nữa, quý vị có bao giờ nghe người ta nói: “Tôi nói cho quý vị biết, tôi là con cháu của Tần Cối” không? Ông ta có con cháu không? Có, nhưng họ không dám nhận. Bởi vậy, Tần Cối làm cho con cháu cũng xấu hổ lây. Những việc như vậy chúng ta không được làm. Vì vậy, phải phát tâm kính sợ.
Thứ ba là phải phát “tâm dũng mãnh”
Phải thật dũng cảm để đối trị với thói quen xấu của chúng ta. Tôi còn nhớ lần đầu tiên chú Lư nói chuyện với tôi, đàm luận hơn hai tiếng đồng hồ. Trong đó có một câu làm tôi rất ấn tượng. Chú nói: “Đối với bản thân mình phải đuổi cùng diệt tận, nhưng đối với người khác phải nhân hậu ba phần”. Thực ra điều này cùng với câu Thánh Hiền thường giáo huấn chúng ta là: “Nghiêm khắc với bản thân, khoan dung với người khác” là cùng một ý nghĩa, nhưng chú Lư dùng câu “đuổi cùng diệt tận” đã làm cho tôi phải khắc cốt ghi tâm. Nhưng khi đối diện với những thói quen xấu thì quý vị không được cầm dao để giải quyết. Nếu quý vị làm như vậy tôi sẽ không chịu trách nhiệm. Ở đây tôi muốn nói rằng “tuyệt đối không được lùi bước!”.
Từ câu nói này, tôi nhớ đến một câu chuyện lịch sử. Đó là vào thời kỳ đầu của Tam Quốc, khi Triệu Tử Long cứu A Đẩu. Triệu Tử Long buộc A Đẩu trước ngực và bị mấy chục vạn đại quân vây bắt. Xin hỏi: Lúc đó ông chỉ nghĩ đến điều gì vậy? Xông ra ngoài vòng vây, phải bảo vệ A Đẩu. Cho nên, bây giờ chúng ta muốn nâng cao học vấn của mình thì cũng phải có khí phách như Triệu Tử Long. Tập khí phiền não trong quá khứ có nhiều hay không? Chúng ta phải giống như mấy chục vạn đại quân với thế “dời núi lấp biển” mà xông tới. Lúc này không được có một ý niệm lùi bước nào, bởi chỉ cần quý vị lưỡng lự một chút thì đáng lẽ đã đi được năm bước, nhưng rồi lùi lại mấy chục bước. Quý vị sẽ mất hết tinh thần. Cho nên không được có ý niệm thoái lui. Tin là quý vị nhất định có thể cứu được A Đẩu.
Quý vị bằng hữu! Ai là A Đẩu? Trong một buổi diễn thuyết tôi có hỏi: “Ai là A Đẩu?”. Những người ngồi bên dưới đều nói A Đẩu là con của Lưu Bị. Đây chỉ là ví dụ. Điều tôi muốn nói ở đây là phải bảo vệ cho tốt cái “tâm vốn thiện” của chúng ta, phải chân thật phát huy. Do đó, điều này cần phải có dũng khí, không được lùi bước.
Trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng có nói là đối trị thói quen xấu giống như trị rắn độc cắn ngón tay. Khi bị rắn độc cắn vào ngón tay, lúc này quý vị có thể lưỡng lự được không? Quý vị có nói: “Liệu có cần phải chữa hay không” không? Ở đó đắn đo này nọ thì không còn kịp nữa, mạng cũng không còn, cho nên phải lập tức lấy bảo đao chặt đi. Đây chính là “đuổi cùng diệt tận”, không thể để cho thói quen xấu tồn tại nửa giây. Khi có một ý niệm xấu thì phải làm sao? Lập tức chuyển đổi nó. Dùng cách gì để chuyển đổi? Tôi biết là trong lòng quý vị đã có đáp án rồi. Có thể dùng Kinh văn để chuyển đổi, dùng Kinh văn để nhắc nhở bản thân.
Ví dụ như khi tức giận thì lập tức nghĩ đến câu “tức giận mất”, lập tức nghĩ đến câu “lời nhường nhịn, tức giận mất”. Quý vị có biết tôi dùng phương pháp gì không? Tốt rồi! Biết được là tốt rồi.
Khi chúng ta nhắc đến: “Thấy người xấu, tự kiểm điểm. Có thì sửa, không cảnh giác” thì cũng phải có dũng khí để sửa chữa lỗi lầm, có phương pháp để sửa đổi lỗi lầm. Cho nên sửa chữa lỗi lầm có ba mục: Sửa lỗi từ sự việc, sửa lỗi từ lý và sửa lỗi từ trong tâm. Cũng giống như một cây có độc, quý vị muốn sửa đổi từ trong tâm niệm thì phải chặt đứt cái rễ của nó đi, nhổ tận gốc. Đó là sửa chữa từ căn bản. Cho nên một người chân thật biết tu hành, biết tu thân thì họ luôn luôn quán chiếu khởi tâm động niệm của chính mình. Khi họ nhận thấy sự thiên lệch trong khởi tâm động niệm thì lập tức sẽ sửa chữa, tuyệt đối không thể có hành vi và ngôn ngữ sai lầm. Đây là biết sửa lỗi.
4.7 Kinh văn:
“Duy đức học, duy tài nghệ. Bất như nhân, đương tự lệ. Nhược y phục, nhược ẩm thực. Bất như nhân, vật sanh thích”.
“Chỉ đức học, chỉ tài nghệ, không bằng người, phải tự gắng. Nếu quần áo, hoặc ăn uống, không bằng người, không nên buồn”.
4.7.1 “Chỉ đức học, chỉ tài nghệ, không bằng người, phải tự gắng”
“Chỉ đức học, chỉ tài nghệ, không bằng người, phải tự gắng”. Người làm cha mẹ nếu như có thể đặt đức hạnh lên hàng đầu, thì đương nhiên sẽ xây dựng được giá trị quan về nhân sinh đúng đắn cho con cái.
Chúng ta có một câu thành ngữ là: “Đức tài kiêm bị” (tài đức vẹn toàn). Chữ “đức” ở trước, chữ “tài” ở sau, vì vậy câu thành ngữ này cũng nói với chúng ta: Giữa đức và tài thì điều nào quan trọng hơn? Đức tài vẹn toàn, đức vẫn quan trọng hơn tài.
Thời cận đại chúng ta có một nhà thư pháp được tôn xưng là Thảo Thánh đương đại tên là Lâm Tản Chi tiên sinh. Người Nhật Bản rất tôn trọng đối với bút pháp của ông. Các nhà thư pháp Nhật Bản đến Trung Quốc đều đến nhà của ông để hành lễ, vô cùng bội phục thư pháp của ông, cũng bội phục cả cách làm người của ông. Lâm Tản Chi tiên sinh đã từng nói như thế này: “Có đức, có tài sẽ yêu người tài. Không có đức mà có tài sẽ đố kỵ người tài. Có đức mà không có tài mới biết dùng người tài. Vô đức lại vô tài sẽ hủy tài”. Cho nên, nếu như chúng ta muốn tuyển người thì phải chọn người như thế nào? Phải chọn người có đức có tài, hoặc mức thấp nhất cũng phải chọn người có đức không có tài, bởi vì họ có đức hạnh, biết bao dung thì sẽ biết xem trọng tài năng của người khác. Họ biết “thấy người tốt nên sửa mình”, họ liền biết trân quý những nhân tài như vậy. Nhưng nếu như không có đức mà chỉ có tài, thì tất nhiên họ sẽ đố kỵ với người khác. Nếu như ngay cả tài cũng không có, thì họ sẽ hủy tài.
Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Tần có Tể tướng tên là Lý Tư. Ông là người có tài mà không có đức, vì thế nhìn thấy người có tài hoa thì ông rất đố kỵ. Ông đố kỵ với sư đệ của mình là Hàn Phi Tử, hãm hại Hàn Phi Tử cho đến chết. Không những hãm hại Hàn Phi Tử mà còn hãm hại những người đọc sách, cho nên đã kiến nghị Tần Thủy Hoàng đốt sách, chôn Nho, đem rất nhiều giáo huấn lâu đời của Thánh Hiền đốt hết. Tội nghiệp này thật là quá lớn. Sau cùng Lý Tư cũng không có kết cục tốt đẹp. Ông và con trai đều bị hình phạt chém ngang lưng cho đến chết. Đây là có tài mà không có đức thì sẽ đố kỵ với người tài.
Vì vậy, chúng ta bồi dưỡng con cái, trước tiên tuyệt đối phải chú trọng đức hạnh mới được. Nếu như không coi trọng đức hạnh, chúng ta dù bồi dưỡng tài hoa cho con cái cao đến đâu thì cuộc đời của chúng tuyệt đối sẽ không hạnh phúc. Bởi vì đố kỵ người khác thì nội tâm của chúng nhất định sẽ rất đau khổ. Hơn nữa, việc đố kỵ người khác cũng sẽ tạo thành rất nhiều chướng ngại cho cuộc đời của chúng, người khác cũng sẽ đố kỵ chúng như vậy. Cho nên, đây là điều mà chúng ta cần phải cẩn trọng.
Tôi quen biết một nhà thư pháp tên là Lý Truyền Quân. Vị thầy họ Lý này đã từng đảm nhiệm công việc thẩm định và phê bình thư pháp. Ông phát hiện ra những tác phẩm của một số học trò chắc chắn là do thầy giáo viết thay. Hiện tượng này có hay không vậy? Nếu như thầy cô và cha mẹ làm ra hành vi như vậy, trên thực tế không phải là đang giáo dục con trẻ mà đang dẫn chúng đi lầm đường. Vì điều này sẽ khiến cho chúng cảm thấy rằng, chỉ cần đạt được mục đích thì có thể không cần giữ quy củ, có thể bất chấp thủ đoạn. Như vậy sẽ hình thành cái nhân xấu ác ở trong nội tâm của chúng. Về sau chúng có thể bởi vì vi phạm quy tắc, vi phạm pháp luật mà vướng vào vòng lao lý. Cuộc đời của chúng có thể vì vậy mà bị hủy hoại.
Cho nên, chữ “đức” mới là nền tảng sự nghiệp của đời người, không xây dựng cho tốt thì rất nguy hiểm. Cũng giống như một cây đại thụ mà gốc không cắm vững, thân cây càng cao, cành lá càng rậm rạp, thì sớm muộn gì một cơn gió thổi cũng nhổ bật cả gốc lên. Tình trạng như vậy rất nhiều. Có thể thấy, nghiệp tội của một người đều được tạo ra trong lúc họ đang hưng thịnh. Khi họ lên như diều gặp gió, nếu họ không có đức hạnh thì sẽ làm ra rất nhiều sự việc sai lầm.
Vì vậy, thầy Lý đã kiên quyết loại bỏ những bài thư pháp được giáo viên viết thay này, để những bài thư pháp do chính các học trò tự tay viết có thể nhận được sự công nhận.
Vị thầy họ Lý này cũng từng nói với tôi là thầy đã từng đi tìm rất nhiều thầy thư pháp, cũng đã tốn rất nhiều tiền để cầu học với họ, nhưng rốt cuộc cũng không học được bản lĩnh thật sự. Đi một vòng lớn như vậy, ông chán nản vì khốn khó và tiền bạc cũng không còn. Kết quả, bởi vì ông cảm thấy có sứ mạng phải truyền thừa môn nghệ thuật này, hơn nữa ông trời cũng không phụ lòng người có tâm, cho nên sau cùng ông đã gặp được ân sư thư pháp. Rốt cuộc thầy dạy thư pháp cho ông không những không thu tiền của ông mà còn để ông ở lại nhà của thầy để học thư pháp.
Quý vị bằng hữu muốn con cái của mình học được tài năng thật sự thì tuyệt đối không phải tiêu tốn rất nhiều tiền. Giả như những nhà nghệ thuật này đều muốn lấy nhiều tiền của bạn thì thật ra họ đã thể hiện ra rằng họ là người có đức hay là chỉ có tài hoa? Khi một người chỉ có tài mà không có đức thì cảnh giới nghệ thuật và tài hoa của họ nhất định sẽ bị chướng ngại, không thể nào nâng cao thêm được. Bởi vì nghệ thuật là sự thể hiện tâm tính của con người. Vì sao rất nhiều tác phẩm nghệ thuật có thể làm cảm động người khác một cách sâu sắc? Bởi vì chúng đều có mối liên hệ trực tiếp với tâm cảnh, với lòng nhân từ và sự tu dưỡng của họ. Vì vậy, khi thầy Lý gặp được người thầy thư pháp của mình, thì người thầy đó đã đem những tâm pháp kỹ xảo vô cùng quan trọng dạy lại cho thầy Lý. Khi đã dạy xong cho thầy Lý, vị thầy ấy đã nói: “Nếu như con không có đức hạnh chân thật mà ta đem những tài năng này dạy cho con thì ta đã hại cả đời con. Bởi vì sau khi truyền dạy cho con những tài năng này rồi, rất có thể trong một thời gian ngắn thì cả danh và lợi con đều có. Nhưng lúc này là lúc sự nguy hiểm xuất hiện trong cuộc đời của con. Nếu lúc này mà con không khiêm tốn thì có thể dẫn đến rất nhiều sự đố kỵ. Con lại không biết tiết chế chính mình, cần kiệm trong cuộc sống của chính mình, có thể sẽ tập thành thói quen phung phí”.
Chúng ta nhìn thấy có rất nhiều người trong giới nghệ thuật cũng từng có lúc rất hưng thịnh vinh quang, nhưng kết quả cuối đời có rất nhiều người lại rất bi thảm. Đó đều là do họ đã tập thành những thói quen xa hoa này. Cho nên thầy Lý đã có sự lĩnh hội vô cùng sâu sắc đối với những lời này của thầy mình, đều cẩn thận tuân theo giáo huấn của thầy mình, luôn luôn khiêm tốn. Thầy mới 33 tuổi mà đã mấy lần nhận được giải thưởng lớn, hơn nữa cũng thường dạy học không thu tiền. Tôi đã từng mời thầy đến Hải Khẩu dạy chúng tôi học thư pháp. Dạy suốt cả một tuần mà thầy không nhận một đồng tiền công nào, thậm chí còn đem theo rất nhiều bút thư pháp đến tặng các thầy cô ở Hải Khẩu. Vì vậy, “đức” rất là quan trọng. “Đức hạnh” là nền móng của vạn phúc lành, nhờ đó mà phúc lành này mới có thể giữ vững.
Khi xưa, lúc Lão Tử rời đi thì gặp một vị quan. Vị quan này đã hỏi Lão Tử: “Tôi có hai đứa con nhưng không biết về sau tôi nên nhờ vào đứa con nào?”. Lão Tử lấy một số tiền để lên trên bàn, sau đó nói với hai người con của vị quan này. Ông nói với đứa con lớn trước: “Con chỉ cần đánh cha con một cái thì số tiền này sẽ là của con”. Đứa con lớn trông có vẻ ngốc nghếch, nhưng nó cúi đầu và nói: “Không được! Sao lại có thể đánh cha của mình được!”. Nói sao nó cũng không làm. Tiếp theo, Lão Tử lại nói với đứa con trai nhỏ hơn. Đứa trẻ này tương đối thông minh lanh lợi, đầu óc rất nhanh nhạy. Hầu hết cha mẹ đều cảm thấy đứa con nào tốt hơn? Có thể là đi đâu cũng đều khen ngợi: “Anh xem, đứa con nhỏ này của tôi thông minh biết bao”. Lão Tử liền nói với nó: “Con chỉ cần đánh nhẹ một cái thôi, số tiền này sẽ là của con”. Đứa con liền đi đến đánh người cha một cái, sau đó nhanh chóng lấy tiền bỏ vào túi của mình. Lão Tử liền quay sang nói với người cha rằng: “Bây giờ ông đã biết sau này nên nhờ vào ai rồi đấy!”.
Sau này, khi vị quan này về già, quả thực chỉ có đứa con lớn luôn ở bên cạnh chăm sóc ông, đứa con nhỏ thì đi đến một nơi khác để làm ăn. Khi vị quan này qua đời, tin người cha qua đời truyền đến tai của người con nhỏ, người con này nghĩ: “Mình vừa đi vừa về phải mất hết một khoảng thời gian, không biết mua bán sẽ tổn thất biết bao nhiêu tiền”. Sau cùng, ngay cả lễ tang của người cha mà người con này cũng không về. Cho nên Lão Tử Ngài rất có trí huệ, có thể từ trên hành vi của một đứa trẻ mà suy đoán ra được nội tâm của chúng. Bởi vì “kẻ trọng lợi thì tất sẽ khinh nghĩa”, chỉ cần có xung đột với lợi ích của họ, họ nhất định sẽ không quan tâm, nhất định phải đem lợi đặt lên hàng đầu. Cho nên hầu hết mọi người đối với con cái đều đặc biệt xem trọng đứa con thông minh lanh lợi hơn, nhưng thường thì đến cuối đời, những đứa con chân chất thật thà mới là người chăm sóc cho họ.
Chúng tôi cũng từng nghe nói, có một bà mẹ sinh được ba người con. Đứa đầu và đứa kế đều tốt nghiệp đại học, đứa út thì chỉ học hết trung học. Rốt cuộc thì đứa con nào mới là người chăm sóc người mẹ? Người học càng cao lại càng tự tư, chỉ biết nghĩ cho chính mình. Chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều cha mẹ đã lo cho con đi nước ngoài để du học, nhưng sau cùng thì chúng đã không quay về chăm sóc cha mẹ những năm cuối đời. Thường là một đi không trở lại, có người còn ở lại bên đó lấy vợ. Cha mẹ phải vượt đường xá xa xôi mới tới thăm được, thậm chí là chỉ ở được một thời gian thì phải đi về vì không chịu nổi đứa con dâu. Đó thật sự là khiến cha mẹ tức chết đi được. Nếu biết sớm như vậy hà tất gì phải như thế, chi bằng không sinh ra đứa con này thì tốt hơn. Cho nên con cái không có đức hạnh thì thật sự là có thể làm cha mẹ tức chết, thật sự là gieo hại cho gia đình, gieo hại cho xã hội. Vì thế, chúng ta giáo dục con cái cần phải nhìn xa trông rộng, phải lấy đức làm gốc.
4.7.2 “Nếu quần áo, hoặc ăn uống, không bằng người, không nên buồn”
Chúng ta phải hiểu được rằng cuộc sống không chỉ là không ngừng theo đuổi hưởng thụ vật chất. Nếu như là cha mẹ mà chỉ biết đặt chữ “tiền” ở vị trí đầu tiên, thì những đứa con mà họ dạy ra cũng sẽ đặt tiền ở vị trí đầu tiên, chúng sẽ trọng lợi, khinh nghĩa. Đến lúc đó chúng sẽ tranh tiền tài với ai? Chúng sẽ tranh với cha mẹ. Cho nên người tính không bằng trời tính.
Chúng ta cũng phải suy nghĩ một chút: Đối với ăn uống, đối với áo quần, thậm chí đối với nơi ở, có phải có được tất cả sự hưởng thụ vật chất thì thật sự có được đời sống tốt đẹp không? Nếu như một người cả đời đều theo đuổi vật chất, sau đó họ chân thật rất vui vẻ, thì tôi cũng không có gì để nói, tôi cũng thành toàn cho họ, cổ vũ họ. Nhưng vấn đề không phải vậy. Người mà chân thật chỉ hoàn toàn theo đuổi vật chất thì nội tâm của họ rất trống rỗng, họ luôn luôn so sánh mình với người khác. Họ thấy người ta mua xe mới thì trong lòng cảm thấy vô cùng khó chịu. Đó gọi là tự tìm phiền muộn, tự chuốc lấy phiền phức.
Xin hỏi: “Mua được một bộ quần áo mới thì vui mừng trong bao lâu?”. Một phút thôi à? Không đến nỗi thê thảm như vậy! Họ vui mừng được ba ngày, nhưng có thể khi thanh toán thì đã mất đi một nửa tiền lương tháng đó. Cho nên họ vui mừng trong ba ngày thì đau khổ trong một tháng. Hơn nữa, sau khi mua về thì hôm sau họ lập tức mặc đến công ty và nói với đồng nghiệp là: “Mọi người có thấy tôi hôm nay có gì khác với mọi ngày không?”. Nếu như gặp phải đồng nghiệp hồ đồ mà trả lời: “Có à? Có khác sao?”, thì có phải là họ sẽ rất giận đồng nghiệp không? “Mình tốn bao nhiêu tiền như vậy mà anh ấy lại không phát hiện ra”. Như vậy là hết vui rồi. Hơn nữa, họ còn khổ sở bởi vì người khác không nhìn thấy họ. Luôn luôn sợ được sợ mất. Cho nên niềm vui này gọi là hoại khổ, chỉ vui trong chốc lát rồi sau đó chịu đau khổ. Niềm vui mà con người theo đuổi đều là hư ảo, không có thật.
Niềm vui nào mới có thể làm cho con người vô cùng hạnh phúc, cảm thấy vô cùng đầy đủ, đồng thời là niềm vui từ trong nội tâm tỏa ra ngoài? Đó là niềm vui gì? “Làm điều thiện là vui nhất”. Còn nữa, trong “Luận Ngữ” có câu: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ!”. Niềm vui của sự trưởng thành sẽ khiến quý vị có được pháp hỷ sung mãn cả một đời.
Hết tập 32. Xin xem tiếp tập 33.
Discussion about this post