Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
4.1.4 “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ” (tiếp)
(tiếp theo tập trước)
Chúng ta đã nói đến: “Lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”. Nếu như trong gia đình chúng ta có thể xây dựng cách nói chuyện thật tốt đẹp, thì không khí trong gia đình sẽ rất hòa thuận. Nếu như chúng ta lãnh đạo một đoàn thể hoặc một công ty, chúng ta luôn cần phải nói chuyện một cách nhã nhặn để cho tất cả cộng sự, đồng nghiệp khi nói chuyện với chúng ta giống như được tắm trong gió xuân. Chúng ta nên khích lệ lẫn nhau, tán thành lẫn nhau. Chúng ta cần phải dẫn dắt họ bằng phong cách nói chuyện như vậy. Nếu như quý vị là lãnh đạo của một đoàn thể, lãnh đạo của Chính phủ mà khi nói chuyện đều dùng lời trách mắng người khác, bới móc chuyện riêng tư của người khác, dùng những từ ngữ đả kích người khác, tuy đạt được vui sướng nhất thời nhưng thói xấu đó có ảnh hưởng không tốt về sau, thật sự rất khó lường trước những việc sẽ xảy ra. Bởi vì trẻ con không có khả năng phán đoán việc tốt xấu, thấy lãnh đạo nói những lời như vậy thì chúng nghĩ mình cũng có thể nói giống như họ. Do vậy, hậu quả phía sau rất khó khắc phục.
Tục ngữ có câu: “Công môn hảo tu hành” (làm viên chức nhà nước thì dễ tu hành), bởi vì làm viên chức nhà nước thì có sức ảnh hưởng rất lớn, một lời nói có thể làm đất nước hưng thịnh, nhưng một lời nói cũng có thể làm đất nước suy vong. Vì vậy, làm người lãnh đạo thì chúng ta cần phải cẩn thận, cần phải cân nhắc nhiều trong lời ăn tiếng nói. Chỉ cần chúng ta có thái độ này, tin rằng lời nói của chúng ta có thể làm cho bầu không khí trong xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
“Lời gian xảo”; chữ “gian” này nghĩa là lừa dối, là tinh ranh. Vì sao phải dùng chữ “gian” và “xảo” vậy? Bởi vì họ muốn che đậy lỗi lầm về lời nói của mình, che đậy lỗi lầm không giữ chữ “tín” của mình. Nếu như trẻ con dùng lời nói gian xảo, thì chúng có thể đang nói dối. Trẻ con biết nói dối thì chúng có thông minh không? Không thông minh thì không thể nói dối được.
Có một học sinh cấp hai, bởi vì em hay so bì với các bạn học nên em thường muốn mua những món đồ đắt tiền, nhưng mẹ em không cho em mua. Một hôm em muốn mua kính mắt hàng hiệu, mẹ của em không bằng lòng và nói: “Con đã có một cái rồi còn mua thêm làm gì?”. Người mẹ không cho mua nhưng em đó tự đi mua. Em đó đi một lúc thì mang kính về và nói với mẹ: “Mẹ đi trả tiền cho con đi”. Em đó có thông minh không? Em đó chẳng cần dẫn theo người nào, không cần mang theo tiền mà có thể khiến cho người bán tin rằng mẹ của em sẽ đến trả tiền. Có rất nhiều phụ huynh thấy con cái phản ứng nhanh nhẹn thì liền nói: “Con thật là thông minh!”. Tôi rất sợ nghe về những đứa trẻ quá thông minh. Trẻ con cần phải thật thà, trung hậu. Trẻ con hiện nay dùng sự thông minh vào việc nói dối, dùng sự thông minh để đạt được mục đích của chúng.
Có một bé gái cùng với người cha đi trên đường trở về nhà. Trên đường có rất nhiều quán kem. Bé gái đi ngang quán thứ nhất liền bước đi chầm chậm rồi nói với cha của em: “Thời tiết sao mà nóng vậy!”. Người cha của em không có phản ứng gì. Đi ngang quán thứ hai, bé gái lại nói: “Lúc này có một (que)cây kem ăn thì tuyệt biết mấy!”. Đến quán cuối cùng, bé gái liền nói: “Đây là quán kem cuối cùng rồi!”. Sự thông minh của em được dùng vào chuyện gì? Không dùng vào học tập những lời giáo huấn của Thánh Hiền mà dùng để đạt được mục đích của chúng. “Trọng lợi, khinh nghĩa”, khi suy nghĩ của những đứa trẻ chỉ là tự tư tự lợi, thì đạo đức của chúng sẽ giảm dần trong quá trình chúng trưởng thành. Vì vậy, sự thông minh của trẻ con là dùng để làm một người con hiếu, một học trò ngoan, một công dân tốt, như vậy mới là dùng đúng chỗ.
Rất nhiều trẻ con thể hiện sự khôn vặt mà người lớn còn cười hớn hở, như vậy có đúng hay không? Không đúng! Vì vậy, khi con cái nói dối thì có mấy khả năng xảy ra, chúng ta cần phải quan sát. Khi chúng lần đầu vi phạm, chúng ta cần phải rất cẩn thận.
Vì Sao Trẻ Con Nói Dối?
- Thứ nhất, vì ham muốn lợi ích mà nói dối
Con cái có thể chỉ vì ham muốn lợi ích mà nói dối.
Có một đứa bé về nhà xin cha hai đồng Nhân Dân Tệ, người cha thuận tay rút ra tờ tiền hai đồng đưa cho nó. Đứa con nói: “Cha à! Con không muốn một tờ hai đồng, con muốn hai tờ một đồng”. Người cha cảm thấy khó hiểu: “Đây là tờ hai đồng, sao phải chia ra như vậy?”. Đứa con liền nói với người cha: “Cha à! Chỉ cần một lần mang tiền đến nộp cho văn phòng, con có thể được mười điểm. Cha cho con một tờ hai đồng, con chỉ được có mười điểm. Nhưng nếu cha cho con hai tờ một đồng, con đem nộp hai lần cho văn phòng và nói là con nhặt được, vậy thì con có thể có được hai mươi điểm”. Người cha nghe đứa con nói xong thì khen: “Con trai của cha thông minh quá!”. Sau đó người cha đem chuyện này kể lại cho một vị viên chức trong ngành giáo dục nghe. Vị viên chức này nghe xong toàn thân nổi da gà. Người cha này không có sự nhạy cảm trong việc giáo dục, còn cảm thấy con mình rất thông minh. Con cái đã ngang nhiên nói dối, phụ huynh thì cảm thấy con cái biết nói dối là có bản lĩnh, vậy thì rất phiền phức rồi. Đây là một tình huống.
Hiện nay nhà trường thường có hoạt động quyên góp. Chúng ta cũng phải hướng dẫn con cái có quan niệm đúng đắn. Có một lần, nhà trường triển khai việc cứu trợ cho người nghèo. Có một bé trai muốn đóng góp. Mẹ của em hỏi em muốn đóng góp bao nhiêu? Bé trai suy nghĩ một chút rồi nói: “Bảy đồng hai hào” [Nhân Dân Tệ]. Có nhiều không? Không nhiều! Nhưng đó là toàn bộ tiền để dành của em, em muốn đem số tiền đó đóng góp, tự bản thân em đóng góp. Những bạn học khác đều do ba mẹ đóng góp và đều góp ba trăm, năm trăm, như vậy thì trong lòng của đứa bé đó sẽ như thế nào? Mình chỉ quyên góp bảy đồng hai hào. Không ai nhìn thấy được tâm chân thành của em. Cuối cùng, những người đóng góp năm trăm đồng thì được đeo một đóa hoa hồng nhỏ, một ngàn đồng thì được thắp một cây nến. Vì vậy, rất có thể chúng ta vốn là muốn làm việc thiện, nhưng trong quá trình làm như vậy có thể khiến cho con cái tăng trưởng tâm hư vinh. Hơn nữa, số tiền đó không phải là tiền của các em, mà là lấy tiền của phụ huynh. Để làm gì? Không chỉ là con cái cần sĩ diện, mà có thể là cha mẹ cũng cần sĩ diện nữa.
Có một phụ huynh đóng góp mấy ngàn đồng, nhà trường liền đeo cho cô một hoa hồng nhỏ nhưng cô không chịu: “Thiện tâm là do tôi tự nguyện làm, không phải tôi muốn khoe khoang hay được khen ngợi, hay được trao giải thưởng”. Người mẹ này rất nhạy cảm. Giả như cô ấy vênh váo tự đắc khi được gắn một hoa hồng, thì cô ấy làm sao có thể dạy con cái làm thiện không cần cho mọi người biết được. Làm việc thiện là bổn phận của mỗi người chúng ta. Cho nên muốn giáo dục có hiệu quả thì bậc làm cha mẹ, làm thầy cô cần phải cân nhắc kỹ càng, nếu không thì sẽ bị nhiễm loại hư danh này. Như vậy sẽ không tốt!
- Thứ hai, vì chúng cảm thấy thú vị
Trẻ con nói dối rất có thể vì chúng cảm thấy thú vị.
Khi con cái mới bắt đầu nói dối một chút mà quý vị chỉ cười, chúng cũng cười, vậy chúng sẽ cảm thấy như thế nào? Rất thú vị. Quý vị xem, rất nhiều tiết mục nghệ thuật giải trí trêu đùa người khác, mọi người cười to, cho nên trẻ con cảm thấy lừa gạt được người khác thì rất vui. Đây là hướng dẫn sai lầm.
Chúng ta cũng đã quen thuộc với câu chuyện “Chó Sói Đến”. Câu chuyện này quý vị kể cho các cháu học mẫu giáo nghe thì rất có hiệu quả. Quý vị kể với chúng là có một đứa bé chăn một bầy cừu, vì cảm thấy rất nhàm chán nên đứa bè này liền la lớn: “Chó sói đến! Chó sói đến!”. Người dân nơi đó rất thật thà chất phác, cũng muốn giúp đỡ người khác, cho nên mọi người đều đến giúp đứa bé đuổi chó sói đi, nhưng kết quả là chẳng thấy chó sói đâu. Đứa bé nhìn thấy mọi người vội vàng đến như vậy thì đứng đó cười. Cuối cùng dân làng đều bỏ về. Lần thứ hai đứa bé lại giở trò đùa, lại gạt mọi người. Lần này mọi người đến không nhiều như lần trước, nhưng cũng không ít người đến. Lại thấy đứa bé giở trò đùa, cho nên dân làng lại ra về. Lần thứ ba thì chó sói thật sự đến. Lúc đó đứa bé la lớn: “Chó sói đến! Chó sói đến!”, nhưng có ai đến không? Không có ai đến. Này các bạn nhỏ, không có ai đến thì bầy cừu sẽ như thế nào? Đứa bé sẽ như thế nào? Phần bị ăn thịt chúng ta không cần phải kể, hãy để cho bọn trẻ tự suy nghĩ. Khi các em cảm nhận được hậu quả quá kinh khủng, chúng sẽ nhớ rất sâu. Nếu như trẻ con vì đùa giỡn mà nói dối thì chúng ta nhất định phải ngăn cản kịp thời, không để tái phạm.
- Thứ ba, vì muốn khoe khoang tài năng mà nói dối
Trẻ con có thể vì muốn khoe khoang tài năng nên nói dối. Chúng ta cần phải theo dõi kịp thời.
Bởi vì chúng muốn khoe khoang nên lời nói rất là phô trương. Nếu quý vị chú ý lắng nghe thì sẽ thấy có những đứa trẻ tám tuổi, chín tuổi, mười tuổi cũng biết so sánh: Nhà tôi có máy tính, có máy ảnh kỹ thuật số, v.v… càng nói thì càng khoe khoang. Chúng ta làm giáo viên phải cẩn thận, phải kịp thời ngăn chặn.
Thời nhà Tống có một vị quan nổi tiếng là Tư Mã Quang. Có một lần ông cùng với chị gái thi nhau tách vỏ hạt óc chó nhưng ông tách rất chậm. Người giúp việc liền nói với ông: “Cậu ngâm qua nước nóng thì rất dễ tách”. Tư Mã Quang liền đi lấy nước nóng để ngâm. Lúc đó thì người chị đi ra ngoài, một lúc sau quay lại, nhìn thấy em mình tách vỏ rất dễ dàng liền hỏi: “Em à! Sao em tách vỏ giỏi quá vậy? Ai chỉ cho em vậy?”. Tư Mã Quang nói: “Là tự em biết”. Đúng lúc đó, cha của ông đi ngang qua.
Nếu như quý vị là cha thì quý vị sẽ như thế nào? Có nhiều lúc chúng ta không để ý nên quên chuyện này đi. Đứa trẻ đã nói dối được một lần thì sau này sẽ như thế nào? Nói dối một lần thì sẽ có lần thứ hai. Bởi vì đứa trẻ đã bộc lộ khả năng [nói dối của mình] mà không bị phát hiện, đứa trẻ sẽ cho rằng bản thân mình rất tài giỏi. Như vậy thì phiền phức rồi. Cho nên cha của ông liền nói với ông: “Có khả năng như thế nào thì nói như thế đấy, không phải chính mình biết cách tách vỏ thì tuyệt đối không nên khoe khoang”. Lần đầu phạm lỗi đã bị cha nghiêm khắc quở trách. Đây là cách dạy dỗ đúng đắn. Suốt cuộc đời của Tư Mã Quang sau này vô cùng thẳng thắn, vô tư. Ông cũng đã từng nói là: “Bình sinh sở vi chi sự, vô hữu bất khả ngữ nhân giả” (những việc đã làm trong cuộc đời này, không có việc nào mà không thể không để cho người khác biết). Đây là kết quả. Chúng ta cũng phải xem lại nguyên nhân là do cha mẹ dạy dỗ đúng đắn, kịp thời, nhất định không phải là ngẫu nhiên. Đây là tình huống muốn thể hiện khả năng.
- Thứ tư, vì muốn che giấu lỗi lầm
Có thể vì muốn che dấu lỗi lầm nên nói dối.
Rất nhiều trẻ em khi phạm sai lầm thì rất lo lắng, sợ bị người lớn phát hiện. Có một lần, một học trò làm hỏng cái giá quần áo. Thật ra cái giá quần áo đó bị hỏng có dễ sửa không? Sửa một chút là xong liền. Nhưng em đó không biết nên rất lo lắng, sợ bị phạt. Vì vậy em nói với bạn học ở bên cạnh: “Bạn đừng kể chuyện này cho cô giáo nghe nhé!”. Đúng lúc đó cô giáo đang ở bên cạnh nên cô liền đi đến. Em đó giật thót cả người. Đứa trẻ vẫn còn nhỏ, chỉ cần quý vị dạy chúng đúng lúc thì chúng sẽ lập tức thay đổi quan niệm. Cô giáo nói với em: “Lỗi vô ý, gọi là sai; lỗi cố ý, gọi là tội. Em làm hỏng cái giá quần áo không nghiêm trọng, nhưng không thưa lại với cô giáo mới là nghiêm trọng, sau này cô sẽ không tin tưởng em nữa. Vì vậy, em làm sai thì phải thừa nhận. Biết sửa lỗi, không còn lỗi”. Sau đó cô giáo nói tiếp: “Em phạm sai lầm thì hãy sửa sai, đồng thời có thể học cách làm thế nào để sửa lại cho tốt”. Cô giáo cũng rất kiên nhẫn cùng với em đó sửa lại cái giá quần áo. Cơ hội giáo dục này chúng ta phải nắm lấy, thì trẻ em có thể từ đó hình thành được thái độ đúng đắn. Cho nên khi trẻ em che giấu lỗi lầm, chúng ta cần phải quan sát kỹ càng, không nên để chúng hình thành những thói quen xấu.
- Cuối cùng là do ảnh hưởng từ cha mẹ
Có một bộ phim tên là “Điện thoại di động”. Trong phim “Điện thoại di động” có thống kê một số liệu: Một người đã trưởng thành một ngày trung bình nói dối hai mươi lăm lần. Mỗi ngày người lớn nói dối nhiều lần như vậy thì trẻ em cũng ngầm bị ảnh hưởng theo. Ví dụ khi người mẹ nhận điện thoại, đứa con và người cha đang ở đó, nhưng người mẹ nhấc điện thoại lên nói: “Chồng tôi không có ở nhà”. Đứa con sẽ nghĩ: “Cha có ở nhà sao mẹ lại nói không có ở nhà?”. Đứa con nghe mà cảm thấy khó hiểu. Vì vậy, ở những nơi có trẻ em thì người lớn tuyệt đối không nên nói dối. Ở nơi không có trẻ em, người lớn cũng không nên nói dối.
Trước đây, chúng tôi có nói đến một quan niệm là phải học cách từ chối. Quý vị nếu không học được cách từ chối, người khác sẽ không biết tiêu chuẩn làm người và nguyên tắc sống của quý vị như thế nào. Chỉ cần từ chối những điều đáng từ chối thì bạn bè của quý vị cũng sẽ thuận theo nguyên tắc sống của quý vị. Cần gì phải che giấu? Che giấu vừa mệt mà sau đó còn bị người ta hiểu lầm nói: “Tại sao anh không giữ chữ tín vậy?”, hoặc là: “Tại sao anh lại trốn tôi?”. Như vậy làm cho sự việc vốn đơn thuần trở thành quá phức tạp.
Chúng ta cần phải chú ý những tình huống nói dối của con cái.
Nếu trong lời nói, việc làm có thể giữ được chữ “tín”, thì con trẻ chắc chắn sẽ có sự phát triển rất tốt khi ra ngoài xã hội sau này. Tôi có một người bạn. Lúc nhỏ, người bạn này nhìn thấy người khác ăn kem, không nhịn được sự hấp dẫn liền đi trộm một ít tiền của cha để mua kem ăn. Cặp mắt của người cha bạn này cũng rất tinh tường. Khi nhìn thấy, người cha liền đi theo đứa con xem kết quả thế nào. Anh ấy mua xong, chuẩn bị ăn cho thỏa thích, ngẩng mặt lên thì nhìn thấy cha của mình. Thế là anh run lẩy bẩy. Người cha không nói lời nào, dẫn anh ta về nhà treo lên, dạy dỗ một trận nhớ đời. Chúng ta chú ý, anh ấy bị cha “cho một trận” này, sau này anh ta còn dám như vậy nữa không? Không còn. Lần đầu tiên đã làm cho anh ta ghi nhớ thì suốt đời anh ấy sẽ không quên. Người cha đánh đến nỗi, khi đi ngang qua chỗ để tiền thì anh ấy run lẩy bẩy, không dám hành động thiếu suy nghĩ nữa.
Sau này anh ấy lớn lên, đi làm việc ở nơi khác, cách nhà một đoạn. Anh ấy ở trọ nhà của ông chủ. Khi ở trọ, buổi sáng thức dậy anh ấy cũng phụ giúp công việc quét dọn. Trong khi quét dọn, chợt anh ấy phát hiện dưới đất có 100 đồng Nhân Dân Tệ, 200 đồng Nhân Dân Tệ, anh ấy liền nhặt lên đưa cho bà chủ. Sau một thời gian, thật kỳ lạ là lại có 300 đồng Nhân Dân Tệ, 500 đồng Nhân Dân Tệ bị đánh rơi. Anh lại nhặt lên rồi đưa cho bà chủ. Anh nói đã từng nhặt được nhiều nhất là hơn một ngàn đồng Nhân Dân Tệ.
Anh làm việc ở công ty này, tuy học lực của anh không cao, nhưng ông chủ đều phá lệ tạo cơ hội cho anh tham gia các khóa bồi dưỡng. Đa số đều là sinh viên đại học mới được tham gia các khóa bồi dưỡng, nhưng ông chủ đều cho anh tham gia. Anh ấy phục vụ ở công ty này rất nhiều năm, biểu hiện cũng rất tốt.
Sau này anh ấy muốn ra mở tiệm riêng nên đến chào từ biệt ông chủ. Ông chủ liền mời anh ăn cơm, đãi tiệc chia tay anh. Ăn cơm xong, anh nói với ông chủ: “Tôi có một chuyện xin được hỏi ông: Vì sao ở nhà ông tôi luôn nhặt được tiền vậy?”. Ông chủ liền cười nói: “Anh là người ngoài đến nhà tôi ở. Tôi làm sao biết được phẩm hạnh của anh như thế nào. Số tiền đó là do tôi cố ý đánh rơi”. Nếu như một người có đức hạnh không tốt, thì rất có thể trong một thời điểm nào đó sẽ đánh mất đi cơ hội tốt. Vì vậy, chữ “tín” quan trọng giống như tính mạng của một người vậy. Cho nên “lời gian xảo, từ bẩn thỉu, thói tầm thường, phải trừ bỏ”.
4.2 Kinh văn:
“Kiến vị chân, vật khinh ngôn. Tri vị đích, vật khinh truyền. Bỉ thuyết trường, thử thuyết đoản. Bất quán kỷ, mạc nhàn quản”.
“Thấy chưa thật, chớ nói bừa, biết chưa đúng, chớ tuyên truyền. Kia nói phải, đây nói quấy, không liên quan, chớ để ý”.
4.2.1 “Thấy chưa thật, chớ nói bừa”
Khi chúng ta chưa thấy được chân tướng sự thật, chỉ nghe lời một chiều của người khác thì tuyệt đối không nên tuyên truyền những lời này. Đây là thái độ cẩn thận rất quan trọng. Nếu như quý vị chưa xác định được, có thể chỉ là tin đồn nhảm mà quý vị lại đi loan truyền thì chính mình đã trở thành kẻ đồng lõa. Vì vậy, sống tập thể thì phải “dĩ hòa di quý”, tuyệt đối không nên gây chuyện thị phi. Ý thức chung này rất quan trọng. Do đó, sống tập thể thì phải bao dung, không được đả kích, nhạo báng. Người xưa rất cẩn thận đối với lời nói. Bởi vì lời ăn tiếng nói giống như từng bậc thang, là nguyên nhân gây ra rối loạn, mỗi câu gièm pha sẽ dần dần tạo nên sự động loạn.
“Quân thính thần đương chu”, nếu như vua của một nước nghe lời sàm tấu thì bề tôi sẽ bị tai ương. “Phụ thính tử đương quyết”, người cha nghe lời gièm pha của mẹ kế, nghe lời gièm pha của người khác thì con của họ có thể bị tai ương, cốt nhục tình thâm có thể bị sứt mẻ. “Phu thê thính chi ly”, vợ chồng nghe lời gièm pha thì có thể sẽ chia ly. “Bằng hữu thính chi sơ”, bạn bè nghe lời gièm pha thì sẽ dần dần xa cách. Vì vậy, chúng ta cần phải lưu ý những lời gièm pha, phải chú ý người đến nói chuyện thị phi.
Nếu một người có tu dưỡng đạo đức, thì họ có phê bình chuyện này chuyện nọ không? Không, bởi người có tu dưỡng đều mong muốn mọi người sống hòa thuận với nhau. Rất có thể quý vị cùng với một người nào đó có một số chuyện không vui, người có tu dưỡng sẽ đến nói với quý vị: “Thật ra lần trước người đó cũng rất khen ngợi anh”, để cho sự tức giận của quý vị được giảm đi. Lùi một bước thì biển rộng trời cao. Thật ra khi nhẫn được cơn giận trong một lúc thì sự tức giận đó sẽ không còn nữa. Chỉ cần chúng ta điều tiết sự tức giận, nhường nhịn nhau, thông cảm với nhau thì sẽ không có chuyện gì. Sợ nhất là “thêm mắm dặm muối” thì rất rắc rối.
Người xưa có một bài thơ nhắc tới việc cần phải cẩn thận với những lời gièm pha: “Đường đường thất xích khu, mạc thính tam thôn thiệt. Thiệt thượng hữu long tuyền, sát nhân bất kiến huyết” (thân mình bảy thước cao, đi nghe ba tấc lưỡi. Trên lưỡi có hàm rồng, giết người không thấy máu). Cho nên một gia đình, một tập thể, thậm chí là một quốc gia đều có thể sống tốt với nhau. Chúng ta là một phần tử ở trong đó thì nhất định phải biết phân biệt lời gièm pha. Cho nên “thấy chưa thật”, nếu như họ nói chuyện thị phi về một người, mà người đó với quý vị lại có sự giao hảo, lúc này đương nhiên quý vị không nên tuyên truyền những lời nói đó. Vậy chúng ta nên làm thế nào? Quý vị cũng đã nghe rồi, không thể xem như không nghe thấy. Quý vị có thể nói với người bạn này rằng: “Hiện nay bên ngoài đồn về anh như vậy”. Chúng ta dùng tâm chân thành để nói với họ. Nói xong, giả như họ không có làm việc như vậy thì chúng ta liền an ủi họ: “Chỉ cần anh không làm việc đó thì sớm muộn gì người khác cũng thấy được cái tâm của anh”. Giả như những lời đồn đại này thật sự có vài phần đúng thì chúng ta cũng phải kịp thời khuyên họ: “Danh dự của một người trong đoàn thể đặc biệt quan trọng. Chúng ta phải nhanh chóng giảm sự phóng túng lại”.
Bất luận là lời gièm pha hay lời nói xấu người khác, khi đến chỗ chúng ta thì nên dừng lại. Cho nên người đọc sách hiểu lý, mặc dù sự việc nghe được là sự thật, nhưng sự thật này có liên quan đến sự hòa thuận của đoàn thể, liên quan đến danh dự của một người thì họ sẽ im lặng không nói, gọi là “ẩn ác dương thiện”. Khi quý vị “ẩn ác dương thiện”, đối phương có chỗ nào tốt thì khen họ, những chỗ không tốt của đối phương thì không nói, nhưng từ trong oai nghi của quý vị, họ cũng biết quý vị đã biết rồi. Cho nên ngay lúc đó họ cảm nhận được: “Mình làm một chút việc tốt thì người ta khen ngợi mình, mình làm không tốt người ta cũng không chỉ trích mình”, dần dần họ sẽ tiến lên theo chiều hướng tốt. Đó cũng là chuẩn mực của tình người.
Vì vậy, “thấy chưa thật, chớ nói bừa”.
Chúng ta cũng phải thường xuyên nâng cao khả năng phán đoán sự việc. Bởi vì nếu như quý vị phán đoán không đúng, thì có khả năng quý vị đã dùng tâm tốt làm việc xấu. Hiện nay rất nhiều đoàn thể mang danh nghĩa từ thiện, làm việc công ích để lừa tiền, nếu như quý vị chưa biết đoàn thể đó tốt hay không mà đã lập tức dẫn nhiều người đến giúp đỡ, quyên góp tiền, cuối cùng bị lừa gạt thì chúng ta rất khó giải thích với những người bạn này. Cho nên chúng ta phải luôn cẩn thận, trước tiên phải quan sát rõ ràng.
Giống như chúng ta đang hoằng dương văn hóa truyền thống, rất nhiều người sẽ nói: “Treo đầu dê, bán thịt chó”, có thể là vì kiếm tiền thôi. Vì có thể trong một, hai tiếng đồng hồ nói chuyện, người giảng có nhắc đến văn hóa truyền thống rất tốt, nhưng tiếp theo sau đó là nói những lời của họ. Người ngồi bên dưới nghe xong cảm thấy rất hay, họ sẽ bắt đầu truyền tai nhau. Bởi vì tâm của quần chúng rất dễ bị lôi kéo, quý vị khen người đó nói rất hay, có thể tất cả mọi người lầm tưởng người đó nói hay thật nên đi mua thật nhiều đồ cho người đó, vậy là người đó đã đạt được mục đích.
Thật ra chúng ta cần phải biết phán đoán. Nếu như họ thật sự hoằng dương văn hóa truyền thống thì nhất định họ phải nắm được cốt lõi những lời giáo huấn của văn hóa truyền thống nằm ở đâu, thực hiện từ chỗ nào? Từ “ở nhà phải hiếu”, “hiếu là căn bản của đức hạnh”. Nếu như nói hai tiếng đồng hồ mà ngay cả chữ “hiếu” họ cũng không nhắc đến, ngay cả “đức hạnh” họ cũng không nhắc đến mà quý vị vẫn ở đó khen họ nói hay quá, nếu việc này được truyền ra ngoài thì có thể sẽ dẫn dắt người khác đi sai đường. Vì vậy chúng ta phải dùng lý trí để phán đoán thì mới không dùng tâm thiện để làm việc ác, mới không để cho những người xấu lợi dụng cơ hội. Cho nên trước tiên chúng ta cần phải suy nghĩ, phải nhận xét đoàn thể đó cho rõ ràng rồi mới bàn luận với mọi người, thì mới không phát sinh tình huống xấu. Đây là “thấy chưa thật, chớ nói bừa”.
Tôi có một người bạn cũng nghe nhiều người nói là một người bạn của anh không tốt. Đương nhiên anh không tuyên truyền những lời nói đó mà trực tiếp đi hỏi người bạn của mình, nói cho bạn nghe tình hình người ta đồn đại ở bên ngoài. Sau đó anh hỏi bạn chuyện này có thật vậy không. Trực tiếp để cho bạn mình giải thích tình cảnh lúc đó rốt cuộc như thế nào. Người bạn này làm như vậy là rất có lý trí, không phải người ta nói sao thì nghe vậy. Vì vậy, khi một người dùng lý trí để ứng phó thì những lời đồn đại này không có cơ hội lan truyền ra bên ngoài.
4.2.2 “Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền”
Rất nhiều đạo lý chúng ta hiểu chưa thấu triệt, một số sự thật chúng ta chưa biết rõ thì không nên tùy tiện nói cho người khác nghe, vì sợ họ nghe rồi sẽ lưu ấn tượng vào trong tâm. Chúng ta nói sai thì sẽ dẫn người khác đi vào con đường sai lầm, như vậy thì không hay. Ví dụ hiện nay chúng ta đọc Kinh điển, có người hỏi chúng ta: “Đọc Kinh nên bắt đầu từ Kinh gì?”. Quý vị có thể nói: “Bắt đầu đọc từ Đệ Tử Quy”. Thời đại hiện nay, mười người thì đã có mười quan điểm, cho nên chúng ta làm sao xác định được quan điểm của ta là đúng? Chúng ta có thể tìm câu trả lời từ trong Kinh điển.
Tại vì sao gọi là Kinh? Chúng ta thấy trái đất có kinh tuyến, có vĩ tuyến. Điểm quan trọng của kinh tuyến và vĩ tuyến là có thể được dùng làm tiêu chuẩn, [tiêu chuẩn này] không bao giờ bị thay đổi. Cho nên Kinh điển chính là chân lý không bao giờ thay đổi. Chỉ cần quý vị tìm trong Kinh điển thì quý vị sẽ có tín tâm. Chân thật là như vậy. Cho nên quý vị hỏi một người là căn bản của đức hạnh nằm ở đâu? Nếu như câu trả lời của họ khác với chữ “hiếu” thì quý vị có thể phán đoán lời họ nói là sai.
Thời đại này chúng ta phải tuân thủ câu “y pháp bất y nhân”, nếu không thì quý vị sẽ nghe lung tung. Ví dụ chúng ta y theo lời dạy trong “Tam Tự Kinh”, thì quý vị sẽ lập tức loại bỏ được rất nhiều quan niệm tưởng là đúng nhưng lại sai. Ví dụ nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”. Tính của con người vốn lương thiện, nhưng nếu không được tiếp nhận sự giáo dục tốt thì rất dễ trưởng dưỡng thói hư tật xấu. Chúng ta không cần ở đó bàn luận triết lý về tính thiện, tính ác cả nửa ngày, mà tiêu chuẩn chính là “giáo chi đạo, quý dĩ chuyên” (giáo dục là lấy chuyên làm trọng).
Quý vị xem, hiện nay học một lúc bốn, năm loại sách. Học như vậy có tốt không? Con người hiện nay không nghe theo Kinh điển, không nghe theo Thánh Hiền, họ nghe ai? Thời đại hiện nay họ nghe lời lừa dối, không nghe lời khuyên nhủ, chấp nhận điều giả, không chấp nhận điều thật. Thật vậy! Tôi có phần cảm nhận được. Ví dụ có một phụ huynh đến thảo luận với tôi làm sao để dạy con cái cho tốt. Khi anh ấy nói xong tình huống, nhất định tôi sẽ nói với anh ấy: “Băng đóng dày ba thước không phải do một ngày giá lạnh”. Đối với con cái, anh cần phải dùng lòng nhẫn nại, tâm yêu thương, hợp tác với thầy cô giáo, khoảng sáu tháng đến một năm thì chúng dần dần có thể đi vào nề nếp. Thường thì phụ huynh nghe nói sáu tháng đến một năm thì chân mày sẽ nhíu lại: “Sao lâu vậy!”. Lúc ra về còn nói: “Xin cảm ơn thầy Thái! Có cơ hội tôi sẽ đến thỉnh giáo thầy”. Sau khi đi rồi, vị phụ huynh này từ đó về sau không bao giờ quay trở lại.
Nhưng rất có thể khi trên báo đăng tin: “Chương trình học ba ngày đảm bảo quý vị dạy con mình thành thiên tài”, giá cũng rất mắc, nhưng anh ấy lập tức chạy đến đó ghi danh tham gia. Mọi người cũng đổ xô đến đó ghi danh. Từ chỗ này chúng ta thấy được, nếu đem chân lý nói với họ thì họ có tin không? Không tin. Người hiện nay chỉ ham cái lợi trước mắt, đều rất muốn nhanh chóng “một bước lên đến trời”, chạy theo hướng ngược lại với học vấn. “Dục tốc bất đạt”, nóng vội thì không thành công. Vì vậy, phải biết phán đoán mới được.
Trong “Tam Tự Kinh” có nói: “Đi học thì phải học từ điều cơ bản”. Trước tiên phải học gì? “Học Tiểu Học xong mới học Tứ Thư”, quý vị có thể tự tin rằng nên học từ quyển sách “Tiểu Học”. Hiện nay tinh túy nhất của sách “Tiểu Học” chính là “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” y theo cương lĩnh của “Tiểu Học” để biên soạn ra. Quý vị không phải lo mình nói sai. Học xong “Tiểu Học” thì học “Hiếu Kinh”, học “Tứ Thư”. Hơn nữa, khi con cái đã cắm chặt gốc “Đệ Tử Quy”, chúng học tiếp “Hiếu Kinh”, “Tứ Thư” thì mùi vị có giống nhau không? Không giống nhau. Khi quý vị đọc đến: “Hiếu đễ dã giả, kỳ vi nhân chi bổn dữ” (hiếu và đễ là gốc để làm người), trẻ con học đến “hiếu đễ dã giả”, chữ “hiếu” và chữ “đễ” không còn là một từ, mà là gì vậy? Một em đưa tay lên nói: “Thưa thầy! Chữ hiếu này có phải chỉ cho Nhập Tắc Hiếu không?”. Chữ “Hiếu”này chẳng phải là một từ trống rỗng. Chữ “Hiếu” của chúng là kết hợp với cuộc sống. Chúng biết học vấn của chúng là học phải đi đôi với hành, nhất định phải nỗ lực thực hành những gì đã học. Thái độ này một khi đã chính xác thì phương hướng sẽ không bị sai lệch. Vì vậy, “thấy chưa thật, chớ nói bừa”. Chúng ta muốn hiểu chính xác, tất nhiên là phải hiểu từ nơi Kinh điển, từ lời dạy của Thánh Hiền mà tích lũy khả năng phán đoán của chúng ta.
“Sự phi nghi, vật khinh nặc. Cẩu khinh nặc, tiến thoái thác”.
“Việc không tốt, chớ dễ nhận. Nếu dễ nhận, tiến lui sai”.
“Việc không tốt, chớ dễ nhận”. Bây giờ hiện tượng “dễ nhận” có nhiều không? Khi một người trong lúc đang vui thì không nên tùy tiện hứa cho người khác đồ vật, vì nếu không thực hiện được sẽ mất uy tín với người khác. Khi người lớn đang vui vẻ thì con cái lập tức quan sát thái độ của người lớn để đòi thứ chúng muốn. Quý vị lập tức nói: “Được! Được!”, sau đó thì hối hận. Người lớn thường hay phạm sai lầm này.
Quý vị xem, lúc nào thì người lớn dễ dàng đồng ý với con cái nhất? “Lúc con cái thi được điểm cao”. Câu trả lời này rất đúng, rất chân thật. Khi con cái thi cử làm bài tốt, chúng có thể đòi thứ chúng thích. Cho nên con cái đi học mục đích là gì? Vô hình trung khi chúng ta hứa cho con món đồ gì là đã nuôi lớn tâm hư vinh của chúng, đã làm cho mục đích học tập của chúng bị sai lệch.
Hiện nay, học sinh tiểu học thi làm bài rất tốt thì được ăn kem. Lên học trung học cơ sở thi điểm tốt thì mua cho xe đạp. Lên trung học phổ thông thi tốt thì có thể đàm phán, chúng có thể lựa chọn: “Con muốn máy nghe nhạc mp3 hay muốn thứ gì?”. Tất cả động lực của chúng đều ở những thứ này.
Tại vì sao có rất nhiều cha mẹ bị con cái đuổi ra khỏi nhà? Bởi vì chúng cảm thấy những thứ chúng muốn quý vị đã đáp ứng đầy đủ cho chúng rồi. Vì vậy, khi thói quen đòi hỏi đồ vật được hình thành thì dục vọng của con cái sẽ mỗi ngày mỗi lớn dần lên. Ham muốn là vực thẳm. Từ nhỏ lòng ham muốn của con trẻ đã được mở ra thì có đóng lại được không? Từ cần kiệm đến xa xỉ thì dễ, nhưng từ xa xỉ trở về cần kiệm thì rất khó. Cho nên con cái đã có thói quen muốn gì được nấy rồi, nếu một ngày nào đó quý vị không đáp ứng cho chúng thì chúng sẽ như thế nào? Chúng tôi cũng nghe rất nhiều đứa con mới học trung học cơ sở đã đánh mẹ, mẹ không cho tiền thì chúng đánh. Đến lúc đó cha mẹ có kêu trời thì trời cũng không thấu, gọi đất thì đất cũng không thưa. Cha mẹ dễ nhận lời đều là do quá nuông chiều con cái.
Có một vụ án hình sự. Một thanh niên lúc còn nhỏ được cha cho rất nhiều tiền, nên thanh niên này đã có thói quen tiêu tiền. Một tháng anh ta tiêu hết một – hai chục ngàn Nhân Dân Tệ, tiêu tiền không tiếc tay. Có một hôm, cha của anh chịu không nổi, liền nói: “Cha không cho con tiền nữa”, rồi sắp xếp cho anh ta đi nhập ngũ. Sau hai năm đi làm nghĩa vụ quân sự trở về thì thói quen đó có thay đổi không? Rất khó. Thật sự khi đã nhiễm thói quen xa xỉ, ưa thích hư vinh, chỉ cần anh ta rơi vào hoàn cảnh như vậy thì sẽ không chịu nổi, còn phải cố gắng để giữ thể diện. Có câu nói rằng: “Tát cho sưng má để người ta nghĩ mình béo”. Vì vậy, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về anh ta cũng không thay đổi gì, vẫn y như cũ. Cha của anh ấy nói thẳng với anh rằng: “Cha không cho con tiền nữa”. Cuối cùng người thanh niên này đã thuê sát thủ giết cha mẹ của mình. Trước cổng nhà, anh ta nói với tên sát thủ: “Đợi chút nữa sẽ có người cao cỡ này đi ra”. Anh ta kể đường đi nước bước rất rõ ràng. Tên sát thủ liền hỏi anh ta: “Người đó là ai vậy?”. Anh ta nói: “Là cha của tôi”. Thế là cha của anh ta bị giết. Bởi vì chìa khóa tủ tiền đang nằm trong tay của mẹ anh ta, nên anh ta cũng giết luôn người mẹ.
Chuyện giết cha giết mẹ như vậy hiện nay không còn hiếm nữa. Nguyên nhân là do đâu? Là do trọng lợi, khinh nghĩa. Cái lợi này không ngừng được nâng nên thì trở thành dục vọng, biến thành con quỷ khống chế hành vi của người đó, khiến cho họ muốn thoát ra cũng vô cùng khó khăn. Vì vậy chúng ta cần phải cẩn thận, “việc không tốt, chớ dễ nhận”, không nên trưởng dưỡng thói xa hoa cho con cái.
Có một đứa bé nhìn thấy người mẹ nấu một số món ăn nó không thích liền nổi giận không chịu ăn. Thông thường người mẹ sẽ như thế nào? Đi đến dỗ dành chúng ba bốn lần rồi còn nói: “Con ăn đi, thứ bảy này mẹ dẫn con đi ăn McDonald’s”. Nghe nói như vậy, đứa trẻ vốn không ăn miếng nào lập tức ăn ngay. Bởi vì khi chúng ta không có nguyên tắc, con cái hiểu rất rõ nội tâm của chúng ta, chúng biết chỉ cần dùng thái độ gì thì người lớn sẽ chiều theo chúng. Tình huống như vậy thật rắc rối. Cho nên khi đứa bé này không ăn cơm thì cha của nó không nói lời nào, vẫn tiếp tục ăn. Người vợ thì đến dỗ đứa con, còn người chồng vốn nhạy bén trong việc giáo dục thì lập tức dùng ánh mắt ra ám hiệu với người vợ: “Em đi đi, để đó cho anh”. Đương nhiên là không nói bằng lời, vợ chồng họ ngầm hiểu ý nhau.
Nguyên tắc giáo dục con cái nhất định phải thống nhất với nhau. Nếu không thì đứa con sẽ núp sau lưng người cha hoặc người mẹ không có nguyên tắc.
Đợi mọi người ăn cơm xong mà đứa con vẫn chưa chịu ăn, người cha nói: “Được rồi! Dọn dẹp hết đi!”. Sau khi thu dọn tất cả thì có thể đứa con vẫn còn ở đó tức tối, nhưng cứ để cho chúng tức tối. Kết quả do không ăn cơm chiều, nên nửa đêm hôm đó đứa con không ngủ được, liền thức dậy mở tủ lạnh tìm thức ăn, ăn thức ăn lạnh. Lần sau nó còn dám uy hiếp nữa không? Còn dám đòi hỏi nữa không? Không dám.
Từ các bài học trước, quý vị đã nhận thức được: “Giáo dục phải cẩn thận ngay từ lúc mới bắt đầu”. Việc này rất quan trọng. Không chỉ quan trọng với con cái, mà người lớn sống với nhau, bước đầu quý vị cũng phải cho họ biết được nguyên tắc công và tư là gì. Gọi là: “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Cùng đạo lý như vậy, khi con dâu mới về nhà chồng không được xử sự ngang ngược, mà cần phải tìm hiểu về tình hình trong gia đình chồng, như vậy mọi người mới phối hợp tốt với nhau.
“Chớ dễ nhận”, một là do cha mẹ quá cưng chiều, hai là do không có nguyên tắc. Cha mẹ hứa cho cái gì cũng không được dựa vào ý thích, muốn cho thì cho. Sau khi hứa rồi cha mẹ lại đổi ý, không cho chúng nữa thì con cái không còn tin tưởng quý vị. Ví dụ quý vị ở đó chơi mạt chược rồi nói với con mình: “Được rồi! Con đừng có làm ồn, để chút ba mua cho con”. Như vậy thì lần sau chúng cần cái gì, chúng sẽ đợi lúc cha mẹ đang đánh mạt chược hoặc lúc cha mẹ đang bận, chúng biết lúc đó cần thứ gì thì chắc chắn sẽ được thứ đó. Như vậy thì phiền phức rồi.
Vì vậy cha mẹ cũng phải “chớ dễ nhận”, cha mẹ chớ dễ nhận lời. Tiến thêm một bước là phải dạy con cái cũng “chớ dễ nhận”.
Có một bạn nhỏ tặng cho bạn học một chiếc bút chì. Người bạn đó rất vui, sau đó gọt bút chì để viết. Ngày hôm sau, vừa đến lớp bé liền hỏi người bạn: “Mình đã cho bạn chiếc bút chì, vậy hôm nay bạn có chơi với mình không?”. Người bạn đó cũng thật thà nói: “Hôm nay mình không chơi với bạn”. “Vậy thì bạn trả chiếc bút chì đó lại cho mình đi”. Người bạn đó cũng rất thật thà, liền lấy chiếc bút chì đó trả lại. Bé liền nói: “Mình đòi chiếc bút chì chưa gọt”. Người bạn liền lấy chiếc bút chì chưa gọt ra đưa. Bé lại nói: “Không phải chiếc bút chì này, mình muốn chiếc bút chì ngày hôm qua thôi”.
Cô giáo nhìn thấy như vậy nhanh chóng bước đến, nhân cơ hội này để giáo dục. Cô nói: “Phàm nói ra, tín trước tiên. Em đã cho người khác rồi thì món đồ đó không còn là của em nữa, em không có tư cách để đòi lại. Trước khi muốn tặng đồ cho bạn thì em cần phải cân nhắc em có thực lòng muốn tặng cho bạn hay không. Hoặc là hôm nay em nhận lời với người ta, khi muốn hứa với người ta thì trước tiên em phải nghĩ đến khả năng của em có thể làm được hay không? Nếu như khả năng của em không đủ mà lại hứa với người ta, thì đến lúc đó chắc chắn em sẽ thất hứa. Hơn nữa, khi muốn hứa điều gì với người khác, ngoài việc nghĩ đến khả năng của mình, còn phải nghĩ đến điều mà em hứa với bạn bè có phù hợp với quy định của nhà trường không? Có thể nhà trường quy định không được làm điều nào đó mà em vẫn hứa với bạn bè, như vậy là không đúng”.
Hứa điều gì thì điều đó phải phù hợp với quy định của nhà trường, phù hợp với luật pháp của quốc gia. Từ những phương diện này mà suy nghĩ kỹ. Nếu là điều đúng đắn và chúng ta có đủ khả năng làm điều đó thì mới nhận lời với bạn bè. Cho nên thái độ “chớ dễ nhận” cũng là điều nên dạy cho học trò.
Hết tập 30. Xin xem tiếp tập 31.
Discussion about this post