Chư vị đồng học!
Xin xem từ nửa đoạn sau bài Tịnh Độ Văn của pháp sư Từ Vân trong thời thứ ba:
Nhược lâm mạng chung, tự tri thời chí, thân vô bệnh khổ, tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo, như nhập Thiền Định.
若臨命終。自知時至。身無病苦。心不貪戀。意不顛倒。如入禪定。
(Nếu sắp mạng chung, tự biết lúc mất, thân không bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý chẳng điên đảo, như nhập Thiền Định).
Đến đây là một tiểu đoạn. Mỗi một người thọ mạng trong thế gian dài hay ngắn đều là nhất định, phàm phu hoàn toàn bị nghiệp lực làm chủ, cũng có thể nói là nghiệp báo. Nếu thực sự hiểu rõ nghiệp báo, tự nhiên sẽ coi nhẹ sanh tử, chẳng tham sống sợ chết; bởi lẽ, quả báo của nghiệp nhân này đã hết, nghiệp nhân tiếp đó lại sanh khởi, giống như thực vật đơm hoa, kết trái, quả chín nẫu thì phải rụng. Trong quả lại có nhân: Trong quả có hạt, hạt chính là nhân, nhân rơi xuống đất, đại địa là duyên, lại đâm rễ, lại nẩy mầm, tương lai lại đơm hoa kết quả, đó chính là quả báo lần thứ hai. Nhân quả tuần hoàn vĩnh viễn không ngưng dứt, trong nhân có quả, trong quả có nhân.
Chúng ta hiểu được đạo lý như vậy, tâm không hề có mảy may kinh sợ sanh tử, quý vị sẽ như thế nào? Nhất định phải gieo thiện nhân trong lần quả báo này. Quả báo lần này như quả đào chẳng hạn, nay quý vị đã có quả ấy. Quả ấy đã tăng trưởng thành quả đào, nhưng vẫn chưa chín rục. Chín rục thì phải rụng xuống, giống như chính cái cây ấy tự gạt bỏ đi, không cần ai hái. Trong quả đào có hạt, tức là lại có nhân, đấy là nhân đã tạo trong một đời này, nhân ấy phải tốt! Nhân tốt thì quả báo lần sau chẳng thể không thù thắng hơn, càng tốt đẹp hơn! Nếu Nhân không tốt, Quả cũng không tốt. Do vậy, hễ hiểu rõ đạo lý này, chắc chắn sẽ không làm càn, làm xằng, quyết định ghi nhớ giáo huấn của cổ thánh tiên hiền, kinh nghiệm, trí huệ của họ chúng ta đều hấp thụ, biến thành trí huệ, thành kinh nghiệm của chính mình, sáng tạo tiền đồ tốt đẹp cho mình trong đời sau; như vậy là chính xác! Đó là lục đạo phàm phu.
Nếu là Phật, Bồ Tát, A La Hán, là những bậc chánh giác ứng hóa trong thế gian này thì các Ngài sẽ chẳng do nghiệp lực mà do nguyện lực. Các Ngài đến trong nơi này chẳng vì chuyện gì khác, không thọ quả, mà đến để giáo hóa chúng sanh, đến để diễn tuồng: Nêu gương cho hết thảy chúng sanh, đoạn ác tu thiện, phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, siêu phàm nhập thánh, nêu gương như thế cho đại chúng xem. Như vậy, trong thế gian các Ngài có thọ mạng hay không? Vẫn có! Thọ mạng dựa vào đâu? Dựa vào duyên! Duyên nói theo như bây giờ nghĩa là Ngài ở nơi nào diễn nói, biểu diễn, thuyết pháp, có người tiếp nhận hay không, có người vui thích nghe, thích học tập hay không? Nếu có thì là hữu duyên; nếu không có, duyên ấy bèn hết. Duyên tận, Ngài ra đi. Có duyên bèn trụ thế; không duyên bèn tách lìa, ẩn mất, đi qua thế giới khác.
Chúng ta biết vũ trụ to lớn, thế giới vô lượng vô biên, Ngài đắc đại tự tại, thế giới nào có duyên bèn vào thế giới ấy; Ngài không có nghiệp. Vì sao không có nghiệp? Vì đâu mà không có? Không có ý niệm tự tư tự lợi thì nghiệp không còn nữa. Đây là nói tổng quát. Ai không có ý niệm tự lợi, không có ý niệm tự tư, bèn không có Nghiệp. Tự tư tự lợi đều không có, quý vị nghĩ xem còn có danh văn, lợi dưỡng nữa hay không? Còn có ngũ dục, lục trần hay không? Còn có tham, sân, si, mạn nữa hay không? Đương nhiên cái gì cũng không có. Tự tư tự lợi giống như rễ cây, danh văn, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, tham, sân, si, mạn là cành, lá, hoa, quả. Rễ đã không có thì hết thảy đều không có.
Do vậy, Phật pháp coi trọng Vô Ngã; kinh Kim Cang nói Bồ Tát khác với phàm phu ở chỗ Bồ Tát không có Ngã Tướng. Nói thật ra, bốn tướng (nhân tướng, ngã tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng) đều có cội rễ là Ngã Tướng. Đã không có ta, nào còn có người? Há còn có chúng sanh, thọ mạng nữa ư? Ba tướng sau chẳng phải đều từ Ngã Tướng sanh khởi hay sao? Ngã Tướng là rễ; bởi thế, không có Ngã thì thứ gì cũng không có. Nay chúng ta nói đến phiền não, ý niệm tự tư, tự lợi không có thì tất cả hết thảy phiền não, nghiệp chướng tập khí đều không có, chúng đều do từ Ngã tướng mà có! Đấy chính là lằn ranh phân định giữa phàm và thánh, tự chúng ta phải hiểu.
Con người đạt đến vô ngã, há phải đâu không biết ứng xử! Giữa người và người vì sao không thể cư xử tốt với nhau? Vì quyền lợi bị xung đột. Đấy chính là tự tư, tự lợi, có lợi cho mình thì người này tốt, tôi rất thích anh ta. Đối với mình vô ích hoặc quyền lợi bị đụng chạm thì gã đó là địch nhân, là kẻ đối đầu, chẳng phải là như vậy hay sao? Do vậy, đạt đến vô ngã, vô tư thì sẽ thực sự chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển nghiệp lực thành nguyện lực. Do nguyện lực vào trong thế gian này thì không gì chẳng tự tại! Các Ngài quả thật không có sanh tử, chẳng phải là nhân duyên quả báo, mà là “thừa nguyện tái lai” (nương theo bổn nguyện mà ứng hiện trở lại)! Duyên tụ, duyên tán, có duyên bèn ứng hiện, duyên là Năng Cảm, tự nhiên vị ấy bèn ứng. Duyên hết, không còn Ứng nữa, ẩn mất đi. Duyên do là như vậy.
Bởi thế, “nhược lâm mạng chung, tự tri thời chí” (nếu sắp mạng chung, tự biết thời giờ đã đến), đây là tu hành có công phu, tự mình biết nghiệp báo đã tận. Đây là phàm phu, phàm phu biết nghiệp báo của đời này đã tận. Nghiệp báo một đời này đã tận, nghiệp báo đời sau đã chín muồi, tự mình biết, đa số sanh lên trời. Sanh lên trời tự mình biết: Đây là trong một đời này gieo nhân lành, làm chuyện tốt, đời sau sanh lên trời. Nếu là bậc thừa nguyện tái lai, đương nhiên càng không có vấn đề, cảnh giới càng cao hơn. Nơi này hóa duyên đã hết, Ngài đến ứng hóa trong thế giới khác. Nói thật ra, phạm vi ứng hóa là trọn pháp giới, hư không giới, thân ứng hóa vô lượng vô biên, không ở nơi đây thì hiện nơi kia. Thật ra, chẳng phải là nơi đây thực sự không có, hiện ở nơi kia, không phải vậy! “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra ở chỗ nào, diệt tận ngay chỗ đó)[8]. Đấy mới là chánh lý, đấy mới là chân tướng sự thật. Không như lục đạo phàm phu, phàm phu quả thật lìa khỏi đường này bèn đầu thai vào đường khác. Quý vị không được đại tự tại như thế này: “Sanh ra ở chỗ nào, diệt tận ngay chỗ đó”. Quý vị không được tự tại như thế. Bậc đại triệt đại ngộ tự tại như thế ấy!
Vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới thì hầu như ai cũng có năng lực này; dù ai nấy đều có năng lực này, nhưng lúc lâm chung không thể hiện tướng lành là vì đâu? Họ vẫn còn nghiệp chướng khá nặng gây chướng ngại, lúc trợ niệm chúng ta thường thấy chuyện này. Lúc người ấy ra đi, có rất nhiều người trợ niệm, thấy người ấy môi mép cũng động, tợ hồ cũng niệm Phật theo chúng ta. Không sai! Có lúc người ấy niệm Phật cùng đại chúng, nhưng có lúc người ấy trông thấy Phật đến tiếp dẫn, miệng họ mấp máy là muốn bảo đại chúng: “Phật đến tiếp dẫn, tôi muốn theo Phật ra đi”. Kẻ ấy không nói ra tiếng, không có hơi sức, nói không nổi. Quý vị chú tâm quan sát nơi sự biểu lộ tình cảm thì rõ ràng là người ấy rất an tường, người ấy rất hoan hỷ; ta thấy người ấy biểu lộ thái độ ra đi rất an tường, rất hoan hỷ, Phật đến tiếp dẫn mà!
Nhưng cũng có lúc, họ đi rồi, biểu lộ thần thái không tốt, mọi người trợ niệm, niệm hai, ba tiếng sau, biến thành rất đẹp đẽ, có hai khả năng:
a) Một là người ấy đã vãng sanh.
b) Hai là người ấy đã tiêu nghiệp chướng, tuy không thể vãng sanh, nhưng sanh trong đường lành là chuyện chắc chắn.
Bởi thế, công đức trợ niệm chẳng thể nghĩ bàn. Ngày nay, khoa học đã chứng minh hiệu quả của việc trợ niệm: Đây không phải là chuyện giả, là chuyện công đức lợi ích chân thật. Gặp được cơ duyên như thế này đừng bỏ lỡ. Chúng ta thường trợ niệm giúp người khác, lúc mình lâm chung ắt có người trợ niệm. Đây đều thuộc về quả báo: Quý vị gieo nhân tốt, sau này nhất định có quả báo tốt. Trong một đời này, chúng ta hiểu rõ điều này, dùng thiện tâm đối xử hết thảy mọi người, sẽ được báo đáp là tất cả hết thảy mọi người đều dùng thiện ý đối với mình. Ta dùng thiện ý đối với người ta mà người ta vẫn dùng ác ý đối với mình, nghĩa là thiện ý của ta chưa đủ, đừng trách móc người khác, phải trách chính mình: Ta thành tâm, thiện ý chưa đủ, ta phải gắng hơn, vĩnh viễn chẳng có lầm lỗi nơi cảnh giới bên ngoài.
Hãy nhớ kỹ Ngẫu Ích đại sư giáo huấn: “Cảnh duyên vô hảo xú, hảo xú tại ư tâm” (Cảnh duyên không tốt – xấu, tốt – xấu tại nơi tâm), do chính tâm mình. Tâm mình tốt thì cảnh giới nơi hết thảy người, sự vật đều tốt. Tâm mình không đủ tốt thì cảnh giới bên ngoài chẳng tốt. Nếu quý vị oán trời trách người là lầm lẫn quá đỗi, hoàn toàn mê chẳng giác. Người học Phật chúng ta, đừng nói chi ta là phàm phu, hãy xem tổ sư đại đức, Thanh Văn, Bồ Tát: Mỗi ngày các Ngài đều nghiêm túc phản tỉnh, sửa lỗi, đổi mới. Đẳng Giác Bồ Tát còn phải ngày ngày sửa lỗi, huống gì những kẻ thấp hơn Đẳng Giác! Phải trống lòng, phải khiêm hư, phải cung kính, phải biết tôn trọng người khác, chúng ta mới có thể viên mãn đức hạnh của chính mình. Trong xã hội, bất luận pháp thế gian hay pháp xuất thế gian, chuyện tốt nhường cho người khác, chuyện khổ sở chính mình phải vui lòng gánh vác, làm như vậy thì tiêu nghiệp chướng, tăng phước huệ không còn gì nhanh hơn được nữa!
Thân vô bệnh khổ, tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo, như nhập Thiền Định.
身無病苦。心不貪戀。意不顛倒。如入禪定。
(Thân không bệnh khổ, tâm chẳng tham luyến, ý chẳng điên đảo, như nhập Thiền Định).
Cảnh giới này tôi nghĩ không ít đồng học đã tự thấy được, cũng có thể là thấy không ít lần. Quý vị từ nơi ấy có giác ngộ hay không? Người ta làm được thì mình cũng làm được! Hy vọng mình còn làm hay hơn người ta nữa kia! Nhưng lúc mạng sắp hết, thực sự không có bệnh khổ thì hạng người ấy ít lắm! Đại đa số người niệm Phật vãng sanh lúc lâm chung vẫn đổ bệnh, dẫu mắc bệnh, nhưng bệnh khổ của họ rất nhẹ nhàng, không nghiêm trọng. Nghiệp chướng hoàn toàn tiêu sạch lúc lâm chung. Như vậy thì cớ sao không tiêu nghiệp chướng lúc bình thời? Lúc bình thời, nhẫn nhục chính là tiêu nghiệp chướng, cớ sao không thể nhẫn? Hết thảy những chuyện do người, sự, vật dồn đến cho mình như: Hiểu lầm, hủy báng, tinh thần lẫn vật chất mọi mặt đều vất vả; đó đều là tiêu nghiệp chướng! Ta vui vẻ, hoan hỷ hứng chịu, không mang tâm nóng giận, không có ý niệm áo não, càng chẳng báo thù. Trong cuộc sống thường nhật phải huấn luyện như thế, lúc lâm chung sẽ không có bệnh khổ, tự nhiên biết trước lúc mất, lúc nào ra đi bèn biết rõ ràng, minh bạch.
Trong thế gian này, khởi tâm động niệm, làm việc gì đều nhằm lợi
ích chúng sanh, ta niệm một câu Phật hiệu, đem công đức lợi ích của Phật hiệu ấy hồi hướng cho hết thảy chúng sanh, ta vì hết thảy chúng sanh mà niệm. Đặc biệt là nghĩ đến chính mình hiện tại, oán thân trái chủ bao kiếp chất chồng, mình niệm niệm vì họ. Chúng tôi mỗi ngày ở nơi đây đem Phật pháp giới thiệu cho đại chúng; trước lúc vào giảng, chúng tôi cung kính quán tưởng hết thảy thần linh khắp pháp giới, hư không giới, hết thảy thành hoàng, thổ địa, tôn thần nơi này phương khác. Trong bài kệ hồi hướng có câu: “Nguyện dĩ thử công đức, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ” (nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ân nặng, dưới cứu vớt tam đồ). Tất cả hết thảy chúng sanh thảy đều bao gồm trong ấy. Vì họ mà chúng ta làm chuyện này, chẳng nhằm lợi ích chính mình, vì sao? Tự mình và pháp giới chúng sanh là một Thể, niệm niệm đều vì pháp giới chúng sanh, không nghĩ đến chính mình, điều này rất khẩn yếu, vì sao? Nghĩ đến chính mình thì tự tư tự lợi không đoạn, Ngã Chấp không phá. Nếu khởi tâm động niệm chỉ có hết thảy chúng sanh thì Ngã Chấp chẳng phá mà tự nhiên không còn, đấy chính là pháp phương tiện của Đại Thừa.
Ngã Chấp phá rồi, mọi người biết luân hồi không còn nữa, đời sau chúng ta sanh về đâu? Tuyệt đối chẳng đọa trong lục đạo luân hồi nữa. Quý vị thấy Tiểu Thừa phải đoạn tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc, tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc mới có thể vượt thoát lục đạo luân hồi. Đại Thừa cao minh hơn Tiểu Thừa, thuận tiện hơn Tiểu Thừa, Tiểu Thừa dùng phương pháp cực nhọc vất vả như vậy, phải trải qua một thời gian rất dài lâu. Bảy lần sanh vào cõi trời và nhân gian mới thoát khỏi lục đạo. Đại Thừa biết chỉ cần phá được Ngã Chấp là đủ, phá Ngã Chấp bằng cách nào? Từ tư tưởng, từ khởi tâm động niệm, cho đến hết thảy hành vi trong cuộc sống thường nhật, chẳng vì mình mà vì chúng sanh, khẳng định chúng sanh chính là mình, tự mình là chúng sanh. Mình và người là một chứ không hai, so với Tiểu Thừa phải nhanh hơn! Thù thắng hơn nhiều, ai vì chính mình là ngu si!
Trong giáo pháp Đại Thừa, đức Phật nói quá nhiều, chúng ta phải hiểu, phải giác ngộ, quyết định chẳng còn vì chính mình nữa. Trong cuộc sống thường nhật, chính mình phải thường nhớ đến Thích Ca Mâu Ni Phật; lúc tại thế, Thích Ca Mâu Ni Phật sống như thế nào? Ba y một bát, đêm ngủ dưới gốc cây, ngày ăn một bữa. Không có gì cả! Ngài trí huệ siêu phàm, lời Ngài nói ra chính là Đại Tạng kinh. Đại Tạng Kinh không do Ngài trước tác, mà do Ngài tùy cơ giảng giải cho mọi người, ghi chép lại thành Đại Tạng Kinh. Nay chúng tôi đem ra dạy dỗ vẫn phải chuẩn bị một đống tài liệu, Thích Ca Mâu Ni Phật không có gì cả, quý vị nói có phải là tự tại lắm không, đại tự tại! Đây chính là điều chúng ta phải học.
Trí huệ của Phật do đâu mà có? Ngài dạy chúng ta “tự tánh bổn cụ” (tự tánh vốn sẵn đủ), đức Thế Tôn nói “ta có, ngươi cũng có”. Quý vị có, cớ sao chẳng hiện tiền? Vì quý vị có nghiệp chướng. Cội rễ của nghiệp chướng là Ngã Chấp, là tự tư tự lợi, quý vị chẳng thể vứt bỏ những thứ ấy, nếu bỏ được thì phàm phu bèn thành Phật. Trên lý luận, phàm phu thành Phật chỉ trong một niệm, một niệm quả nhiên giác ngộ, triệt để giác ngộ, phàm phu bèn thành Phật. Thể hiện của sự triệt ngộ là như thế nào? Triệt ngộ là Vô Ngã, chẳng những Vô Ngã, mà còn Vô Pháp.
Vô Ngã bèn giải thoát phiền não, cũng có thể nói là đức hạnh sẵn có nơi tự tánh bèn hiện tiền; không có Pháp thì trí huệ Bát Nhã sẵn có nơi tự tánh bèn hiện tiền. Vô Pháp thì phá được Pháp Chấp, Vô Ngã là phá Ngã Chấp, trong kinh Đại Thừa, đức Phật giảng rất nhiều về điều này. Sở dĩ chúng sanh trở thành chúng sanh, chẳng thể thành Phật là vì hai thứ chấp: Ngã Chấp và Pháp Chấp. Chúng còn được gọi là Nhị Chướng: Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Phiền Não Chướng là Ngã Chấp, Sở Tri Chướng là Pháp Chấp. Do vậy, Ngã Chấp phá rồi, đức hạnh tròn đủ; Pháp Chấp phá rồi, trí huệ viên mãn. Người thực sự biết dụng công phải dụng công nơi đây. Công phu thành tựu sẽ giống như Từ Vân đại sư đã nói ở đây: Đấy chính là hiện thân thuyết pháp, chứng tỏ công phu thành tựu. Mạng chung tự mình biết, người công phu giỏi biết trước một hai năm.
Từ Đàn Kinh chúng ta thấy Lục Tổ Huệ Năng đại sư biết trước lúc mất, bao lâu? Hơn cả năm trước. Hơn một năm trước đó Ngài đã biết rõ, phái người chuẩn bị hậu sự cho mình, bảo người ấy đến gặp Ngài chuẩn bị hậu sự. Trước kia, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung biết trước lúc mất hai năm. Có một lần giảng kinh, cụ bảo đại chúng: “Tôi chỉ giảng kinh hai năm nữa!” Trong số thính chúng có người nghe không hiểu cụ nói vậy nghĩa là sao, đến Đài Bắc hỏi tôi. Tôi nói:
– Thầy quả thật nói chỉ giảng kinh hai năm nữa thôi ư?
Người ấy nói:
– Đúng vậy!
Tôi nói:
– Vậy thì hai năm nữa thầy sẽ vãng sanh.
Người ấy hỏi:
– Sao pháp sư biết thầy sẽ vãng sanh?
– Lão nhân gia đến thế gian này chẳng làm chuyện gì khác, chỉ là để giảng kinh. Nếu Ngài không giảng kinh, Ngài không có chuyện gì khác để làm; đương nhiên phải ra đi.
Quả nhiên hai năm sau [cụ Lý vãng sanh], tâm địa thanh tịnh, nghiệp chướng tiêu trừ, sớm biết rõ như thế đó. Thông thường tôi thấy người niệm Phật đại khái biết từ ba tháng trước, hai tháng trước, một tháng trước, là chuyện thường thấy. Họ bảo quý vị lúc nào đó họ sẽ ra đi, đại khái thời gian chừng một, hai tháng, hay ba tháng đã rất khá rồi. Lão lâm trưởng Cư Sĩ Lâm Tân Gia Ba là cụ Trần Quang Biệt biết trước ba tháng, xác định rõ ngày giờ nào, không sai tí nào. Tuy nhiên cụ có bệnh, nhưng không bị bệnh khổ, đầu óc sáng suốt dù thể lực suy, đó là gì? Đó là tàn dư nghiệp chướng tiêu hết rồi. Nếu bình thường chịu dụng công, nghiệp chướng bình thời đều tiêu sạch, lúc lâm chung không có nghiệp chướng, lúc lâm chung chẳng sanh bệnh, nói đi là đi, đều là do trong cuộc sống hằng ngày, người ấy dùng tâm hạnh xử sự đãi người tiếp vật như thế nào, từ chỗ này chúng ta phải thực sự phản tỉnh, ý thức, bởi lẽ, xử sự đãi người tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày đều gọi là “chân tu hành”.
Do vậy, chúng tôi thường nghe nói, lão pháp sư Đàm Hư lão nhân gia kể lại, lão hòa thượng Đế Nhàn có một người đồ đệ là thợ vá nồi. Vị ấy lúc mất là đứng mà mất, đợi thầy mình đến thay mình lo liệu hậu sự. Suốt ba ngày ba đêm, ông ta đứng sững nơi đó, không giả đâu, thật đấy! Chuyện thật đấy! Một bà cụ ở làng Tướng Quân thuộc Đài Nam niệm Phật ba năm, cũng đứng mà mất, không sanh bệnh. Khoảng hai mươi năm trước, tối đa là hai mươi mốt hay hai mươi hai năm, vào đầu thập niên tám mươi, vào năm 1983 tôi giảng kinh tại Cựu Kim Sơn (San Francisco), bà cụ Cam kể cho tôi biết thân thích của bà (cũng là một bà cụ) vãng sanh một hai năm trước đó, ngồi mà vãng sanh, bệnh tật gì cũng không có. Viết sẵn di chúc, đồ tang của con, dâu, cháu đều may sẵn, đặt bên cạnh giường. Quý vị thấy một bà cụ không nói một câu nào, hằng ngày làm việc nhà, săn sóc người nhà, con trai, con dâu đi làm, cháu đi học, bà ở nhà một mình trông nhà, đại khái là niệm Phật công phu không gián đoạn, thực sự thành công!
Những người như vậy vì người khác mà thị hiện, đúng là đã thực sự làm được chuyện thọ trì đọc tụng, vì người khác diễn nói. Dù không nói, nhưng bà cụ biểu diễn chính là nói, làm cho quý vị thấy. Quý vị thấy niệm Phật vãng sanh và chăm nom việc nhà chẳng trở ngại nhau chút nào. Nếu bà cụ không biết trước lúc mất, làm sao may đầy đủ đồ tang cho con trai, con dâu và cháu? Có thể nói là cụ đã lo một nửa chuyện hậu sự. Do vì ở ngoại quốc không tiện tay làm sẵn như thế, lúc lâm chung tìm đâu ra? Cụ biết trước bèn chuẩn bị sẵn, cũng chẳng hé môi câu nào, đột nhiên người trong nhà nhận ra bà cụ đã mất, ngồi tịnh tọa trên giường, không mắc bệnh khổ! Biết trước lúc mất, chẳng bị bệnh khổ!
“Tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo” (Tâm không tham luyến, ý không điên đảo): Hai câu này hết sức trọng yếu, nghĩa là gì vậy? Thực sự buông xuống. Thực sự buông xuống trong lúc bình thời, ngay bây giờ phải buông xuống, quý vị còn đợi lúc nào nữa! Vì sao lâm chung bị sanh bệnh? Do quý vị chưa hoàn toàn buông xuống. Nếu hoàn toàn buông xuống, làm sao sanh bệnh cho được? Không tham luyến, trong tâm chẳng tham luyến hết thảy pháp thế gian hay xuất thế gian, không nóng giận, rõ ràng, minh bạch, không ngu si. “Ý bất điên đảo” chính là không ngu si, hai câu này (tức câu “tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo”) là “tham – sân – si” quả thật không có. Đối với hết thảy pháp, hết thảy người, hết thảy sự không có chút ý niệm tham – sân – si nào, trong Phật pháp thường nói là thấy thấu suốt, buông xuống. “Ý bất điên đảo” là thấy thấu suốt, “tâm bất tham luyến” là buông xuống, triệt để buông xuống, phải buông xuống ngay trong hiện tại.
Sáu căn của chúng ta tiếp xúc cảnh giới sáu trần bên ngoài (tức là hết thảy người, sự, vật), ý niệm vừa động đã sai. Ý niệm vừa động là gì? Quý vị không buông xuống, không thấy thấu suốt. Lúc đó phải làm sao? Ngay lập tức khởi lên một câu Nam-mô A Di Đà Phật để khuất phục ý niệm ấy, khuất phục được thì tự nhiên không khởi, vậy là tốt. Cùng mọi người tiếp xúc, đúng là “bách hoa tùng trung quá, phiến diệp bất triêm thân” (qua rừng trăm hoa nở, mẩu lá chẳng dính thân). Thực sự thấy thấu suốt, thực sự buông xuống. Đối xử mọi người hết thảy tùy duyên, nhưng trong ấy vẫn có nguyên nhân: Toàn là vì lợi ích chúng sanh, toàn là vì chánh pháp tồn tại lâu dài. Nếu không vì lợi ích chúng sanh, không vì chánh pháp tồn tại lâu dài, quyết chẳng tham dự bất cứ hoạt động nào. Vậy nghĩa là sao? Chẳng gây tạo danh văn lợi dưỡng, cũng chẳng tham cầu ngũ dục, lục trần; trong xã hội có rất nhiều hoạt động như thế nếu quý vị tham dự thì có nghĩa lý gì chăng? Không nghĩa lý gì hết. Dẫu là luyện tâm bằng cách trải qua mọi việc, nhưng phải thực sự nhờ những việc ấy để tu hành, rèn luyện bản thân. Rèn luyện điều gì? Luyện tâm không tham luyến, ý chẳng điên đảo, luyện những điều này, ra công rèn luyện. Ra công rèn luyện cũng là vì lợi ích chúng sanh.
“Như nhập Thiền Định”: Đây là thành tích. Trong kinh Kim Cang, đức Thế Tôn dạy tôn giả Tu Bồ Đề trong cuộc sống thường ngày “bất thủ ư tướng, như như bất động” (chẳng chấp lấy tướng, như như bất động), đó chính là Thiền Định. Một người lúc sắp mạng chung cũng là “như nhập Thiền Định”, biểu diễn cho mọi người thấy, giống như lúc bình thường tịnh tọa nhập định, nhưng lúc bình thường tịnh tọa xong bèn xuất định, đến lúc nào đó sẽ ra định. Còn người này nhập định rồi không xuất định, đi luôn. Người học Phật có thể đạt được công phu như thế thì mới tính là thực sự thành công. Thành tựu ấy có lớn, có nhỏ, nghĩa là sao? Ra đi được thành tựu như vậy thì chỉ cần sanh lên trời Đao Lợi của Dục Giới là đã có năng lực như thế, đã đều hiện tướng như thế, những ai sanh lên trời Đao Lợi hay những cõi trời cao hơn đều hiện tướng lành như thế. Người niệm Phật càng hy hữu hơn, lúc người niệm Phật ra đi, nếu có tướng lành hiện tiền, khẳng định sẽ giống như trong những câu sau đây:
Phật cập thánh chúng, thủ chấp kim đài, lai nghênh tiếp ngã, ư nhất niệm khoảnh, sanh Cực Lạc quốc.
佛及聖眾。手執金臺。來迎接我。於一念頃。生極樂國。
(Phật và thánh chúng tay cầm đài vàng, đến tiếp đón con, trong khoảng một niệm, sanh cõi Cực Lạc)
A Di Đà Phật, Quán Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, nếu quý vị đồng thời thấy vô lượng chư Phật thì là Thượng Thượng Phẩm vãng sanh. Nếu chỉ thấy A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí theo Phật hiện đến, có rất nhiều Bồ Tát, A La Hán, cảnh giới ấy là vãng sanh bậc Thượng, tức Thượng Bối Trung Phẩm hay Thượng Bối Hạ Phẩm. Quý vị chú tâm quan sát những ai theo A Di Đà Phật đến tiếp dẫn mình, trong ấy nhất định có người mình quen biết. Đương nhiên quý vị không bỡ ngỡ, họ là những vị thiện tri thức quý vị đã từng thân cận trong một đời này, họ vãng sanh trước, thực sự vãng sanh. Lúc quý vị vãng sanh, họ nhất định đến, cùng theo Phật đến tiếp dẫn quý vị, quen biết mà!
Như lúc Viễn công đại sư (tổ Huệ Viễn) vãng sanh thấy A Di Đà Phật, Quán Âm, Thế Chí đến tiếp dẫn, Ngài thấy ông Lưu Di Dân, trông thấy mấy vị thuộc liên xã đã vãng sanh trước, cùng theo Phật đến tiếp dẫn Ngài. Ông Lưu Di Dân cười bảo Ngài: “Đại sư! Chúng tôi đều theo Ngài học Phật, chúng tôi về thế giới Cực Lạc trước, bây giờ Ngài mới về, sao chậm thế!” Do vậy, tôi thường nói về đến thế giới Cực Lạc mới có bè bạn thực sự, mới có tri giao thực sự, về thế giới Cực Lạc không tịch mịch. Trong thế gian này, cổ nhân thường cảm thán: “Tương tri mãn thiên hạ, tri tâm hữu kỷ nhân?” (Quen biết khắp thiên hạ, mấy người hiểu được ta?) Một người tìm cũng không ra! Thế nhưng khắp thế giới Cực Lạc đều là tri giao, vì sao? Ai cũng tâm địa thuần tịnh thuần thiện, đều không có tư tâm, đều không chấp Ngã, đều không chấp Pháp, thế giới ấy có phải là tốt đẹp lắm hay không? Quý vị thực sự hiểu rõ, minh bạch thì hãy gấp lên, đừng lưu luyến thế gian này nữa, chẳng lưu luyến mảy may nào, vì sao không gấp ra đi?
“Phật cập thánh chúng, thủ chấp kim đài” (Phật và thánh chúng tay cầm đài vàng): Ở đây, chúng ta chẳng cần phải phân biệt đài vàng hay đài bạc chi hết, không cần thiết. Thời cổ thiền sư Hoài Ngọc thấy đức Phật cầm đài bạc đến, Ngài nhíu mày: “Tôi suốt đời cầu được đài vàng vãng sanh!” Đức Phật cầm đài bạc đến, Ngài không muốn đi, đức Phật biến mất. Ngài lại thực sự nỗ lực niệm suốt bảy ngày bảy đêm, đức Phật hiện đến, lần này quả nhiên thấy là đài vàng, Ngài rất hoan hỷ, theo Phật vãng sanh. Chúng tôi nghĩ những người như vậy đều là vì chúng ta thị hiện, nhưng chúng ta bất tất phải chấp nhặt như thế, đài bạc cũng không sao! Cớ gì cứ nhất định phải đài vàng? Cần gì phải chấp trước như thế?
“Lai nghênh tiếp ngã, ư nhất niệm khoảnh, sanh Cực Lạc quốc” (đến nghênh đón con, trong khoảng một niệm, sanh cõi Cực Lạc): Câu này bao hàm ý nghĩa rất sâu. “Nhất niệm khoảnh” (trong khoảng một niệm) là thời gian rất ngắn, đúng là một cái khảy ngón tay, thế giới Cực Lạc cách chỗ chúng ta bao xa? Mười vạn ức cõi Phật. Điều này cho thấy không có xa hay gần. Nói cách khác, quý vị thấy Phật, lúc Phật đến tiếp dẫn thì trước hết Phật phóng quang chiếu quý vị. Phật quang chiếu đến là Phật lực gia trì, công phu của quý vị nhất định được nâng cao hơn một bậc: Công phu niệm Phật của chúng ta là công phu thành phiến, nâng cao hơn một bậc thành Sự nhất tâm bất loạn. Nếu chúng ta niệm đến Sự nhất tâm bất loạn thì nâng cao hơn một bậc là Lý nhất tâm bất loạn. Vì thế, La Thập đại sư dịch là “nhất tâm bất loạn, tâm bất điên đảo” không sai chút nào! Nhưng nguyên bản Phạn Văn ghi là “nhất tâm hệ niệm”, nhất tâm hệ niệm là chưa được Phật lực gia trì. Lúc lâm chung, Phật quang chiếu gội là nhất định gia trì, do sự gia trì ấy, công phu của quý vị nâng cao hơn một bậc. Nâng cao hơn một bậc là nhất tâm bất loạn. La Thập đại sư đối với cảnh giới này hiểu rất rõ ràng, thấu suốt, Ngài cũng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. A! Bây giờ đã hết giờ rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Discussion about this post