Cái gì gọi là Niết Bàn? Niết Bàn là tiếng Phạn, ý nghĩa là bất sanh bất diệt. Các vị phải biết, chính chúng ta vốn dĩ là không sanh không diệt, thế nhưng hiện tại có sanh có diệt. Vì sao có sanh có diệt? Bởi vì bạn có thứ làm chướng ngại mất đi bất sanh bất diệt của Niết Bàn, bất sanh bất diệt biến thành sanh diệt. Điều này rất bất hạnh. Tất cả phàm phu có sanh diệt, có sanh tử chính là có phiền não. Phiền não đoạn hết rồi thì không còn sanh diệt, hay nói cách khác, không còn sanh tử nữa, vốn dĩ không có sanh tử. Đạo lý này rất sâu rất rộng, hiện tượng này thì vô cùng vi tế.
Sở tri chướng là gì? Dùng lời hiện tại mà nói chính là kiến giải, chính là bạn có tri có kiến, nếu nói thô một chút, chính là bạn có tư tưởng, có kiến giải. Bạn có những thứ này thì phiền phức, làm cho trí tuệ Bát Nhã đầy đủ trong tự tánh của bạn bị chướng ngại mất. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai”. Đức tướng chính là Đại Niết Bàn, không sanh không diệt là đức tướng. Chúng ta có tư tưởng, có kiến giải thì hỏng rồi, trí tuệ Bát Nhã của chúng ta không còn, bị nó chướng ngại mất, làm cho trí tuệ Bát Nhã bị vặn cong đi, bị biến chất, biến thành cái gì vậy? Biến thành tà tri tà kiến, tư tưởng kiến giải hoàn toàn trái ngược với chân tướng sự thật, biến thành ra thứ này. Bởi vì có thị phi nhân ngã, có tham-sân-si-mạn nên làm cho đức tướng biến thành sanh tử luân hồi, biến thành tướng chúng sanh của mười pháp giới. Sự thật này nếu không phải Thế Tôn xuất thế thì ai biết được, ai có thể đem sự việc này nói ra được rõ ràng, nói được tường tận? Tất cả các nhà tôn giáo, nhà triết học, nhà khoa học thế gian đều không cách gì nói rõ chân tướng sự thật này cho chúng ta, vì thế cảm được Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này, đem chân tướng của vũ trụ nhân sanh vì chúng ta nói rõ. Sau khi chúng ta nghe rồi bỗng nhiên hiểu ra. Then chốt là hiện tại làm thế nào hồi phục lại bổn lai diện mục của chúng ta, làm thế nào hồi phục trí tuệ, đức tướng của chúng ta viên mãn? Học Phật là quan trọng, học Phật chính là vì việc này, không phải vì thứ khác.
Hạnh Phổ Hiền là hành pháp cứu cánh viên mãn. Hành pháp là phương pháp tu hành, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói là phương pháp sinh hoạt. Ngài nêu ra mười cương lĩnh. Phía trước chúng ta đã từng nói qua “lễ kính”, phải tu lễ kính, đối với tất cả chúng sanh, đối với người, với việc, với vật, phải có tâm thành kính, phải giữ lễ. Thứ hai, chúng ta phải biết “tán thán”, phàm hễ tương ưng với tánh đức thì chúng ta tán thán, không tương ưng với tánh đức thì không tán thán. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, năm mươi ba vị đồng tham có thí dụ rõ ràng dạy bảo chúng ta. Thứ ba là “quảng tu cúng dường”, điều này tôi đã lược nói hai giờ đồng hồ. Nếu như giảng tỉ mỉ với các vị về bố thí cúng dường, thì năng lực của tôi có thể giảng một năm. Kinh văn ở đâu vậy? Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, chương hồi hướng thứ sáu giảng cho chúng ta nghe hơn một trăm loại về tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí. Một loại giảng ba ngày, thì chẳng phải giảng một năm sao? Chúng ta thật là không hiểu, ngày ngày đọc kinh đầy mồm lướt qua, cho nên tu hành không biết phải bắt tay vào từ đâu, cho rằng chính mình tu hành không tệ, nhưng trên thực tế thì cách với tiêu chuẩn Phật đã nói rất xa.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Trích Kinh Vô Lượng Thọ Lần 10, năm 1998, tập 8- HT. Tịnh Không chủ giảng
Discussion about this post