Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
PHẦN MỘT
GIÁO DỤC VÀ NHÂN SINH HẠNH PHÚC
Quý vị bằng hữu, xin chào mọi người!
Lần diễn giảng này của chúng tôi có tên là “Tọa Đàm về Nhân Sinh Hạnh Phúc”, giảng về hạnh phúc của đời người.
Thưa các vị bằng hữu! Hạnh phúc là điều mà mỗi người chúng ta đều mong cầu. Mỗi một người đều hy vọng có được hạnh phúc. Vậy làm thế nào để đời sống được hạnh phúc? Chúng ta đã trải qua mấy mươi năm cuộc đời rồi, quý vị có cảm thấy hạnh phúc không? Có rất nhiều người đang mỉm cười. Cười là cảm giác của hạnh phúc đó mà! Lúc nằm mộng, có khi nào quý vị ngủ đến cười mà thức dậy không? Có hay không mọi người nói thử xem? Mọi người ngủ đến cười mà thức dậy là nguyên nhân gì? Quý vị có thể làm cho cuộc sống mình ngày càng có nhiều niềm vui không? Nếu như chúng ta đầu tư cho cuộc sống như vậy, thì đời sống sẽ càng ngày càng hạnh phúc.
Những việc nào làm cho quý vị khi vừa nghĩ đến thì liền cảm thấy rất hoan hỉ, rất an lạc? Có ai chia sẻ cho mọi người cảm giác hạnh phúc của mình không? Vì sao không có ai hết vậy? Món đồ tốt thì phải để bạn bè tốt cùng chung hưởng chứ. Khi chúng ta đem món đồ tốt để người bạn tốt cùng chung hưởng, chúng ta có cảm thấy hạnh phúc hay không? Người cho hạnh phúc hơn người nhận. Hiện tại, buổi chiều chúng ta đến nghe giảng, nhất định có người sẽ mời người bạn tốt nhất của mình cùng đến. Có quý vị nào làm như vậy hay không? Khi chúng ta mời người bạn tốt nhất của mình đến, để họ thông qua buổi giảng này có thể có được quan niệm quan trọng nhất của đời người, thì nội tâm của chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào? Rất hoan hỷ. Nếu như qua tiết mục này mà họ biết được phải làm thế nào dạy tốt con cái, để con trẻ hiểu được hiếu đạo, sau đó con cái của họ chân thật hiểu được hiếu đạo, thì người bạn của chúng ta ngủ đến nửa đêm sẽ mỉm cười mà thức dậy! Quý vị không chỉ hưởng hạnh phúc một mình, mà còn cho người khác cùng hưởng.
1. Trong đời người, điều quan trọng nhất là lựa chọn đúng
Thưa quý vị, chúng ta hồi tưởng lại một chút, trong cuộc đời của chúng ta, tất cả những gì làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc thật ra đều vì chúng ta đã lựa chọn đúng đắn, cho nên cái khó nhất của đời người không phải là phấn đấu mà là chọn lựa.
Các vị bằng hữu! Cuộc đời của quý vị đã từng có những chọn lựa đúng nào? Trong cuộc đời, chúng ta từng giây từng phút đều là đang chọn lựa. Hiện tại chúng ta có đang chọn lựa hay không? Thí dụ lúc này có người ở bên dưới nói: “Hôm nay mệt quá, mình hãy ngủ gật cho khỏe!”, vậy chúng ta chọn lấy ngủ gật hay cố gắng nghe giảng? Lựa chọn khác nhau chắc chắn sẽ tạo thành kết quả không giống nhau.
Tục ngữ có câu: “Nam sợ chọn sai nghề, nữ sợ lấy lầm chồng”. Câu nói này trước và sau đều là chọn lựa. “Nam sợ chọn sai nghề”, cho nên phải chọn đúng nghề nghiệp! “Nữ sợ gả lầm chồng”, cho nên phải chọn đúng người bạn đời. Thật ra, hai điều này có một điểm chung, đó chính là phải nhìn người cho chuẩn xác. Ví dụ quý vị chọn đúng nghề nghiệp rồi, nhưng còn phải đi theo người quản lý đúng nữa, thì họ mới có thể đề bạt, mới có thể thành tựu quý vị. Cho nên năng lực nhìn người rất quan trọng. “Nữ sợ lấy lầm chồng”, lấy lầm chồng rồi có được hạnh phúc hay không? Việc này rất khó. Nếu như đi theo một vị lãnh đạo đúng thì sự nghiệp của quý vị sẽ phát triển rất tốt, tiến thêm bước nữa là gia đình của quý vị sẽ rất an định, cho nên chọn lựa đúng thì đời sống mới có được hạnh phúc.
Cuộc đời còn vấn đề nào cần phải chọn lựa nữa? Sáng nay ai đã ăn sáng xin đưa tay lên? Ồ! Rất nhiều. Xin để tay xuống. Vị nào không ăn sáng xin đưa tay lên? Ồ! Có một vài người chưa ăn. Thưa quý vị! Nếu như không ăn sáng thì chúng ta đã tiến thêm một bước đến sức khỏe không tốt. Đây cũng là chọn lựa. Chọn lựa đúng thì thân thể khỏe mạnh, chọn lựa sai thì sức khỏe sẽ không tốt. Nếu sức khỏe không tốt, thì đời sống có hạnh phúc không? Không thể nào hạnh phúc. Vì vậy, khi có lựa chọn đúng đối với mỗi một điều trong cuộc sống thì quý vị mới có thể thẳng tiến đi trên con đường hạnh phúc.
Chọn thức ăn cũng rất quan trọng.
Ngoài ra, chọn bạn cũng vô cùng quan trọng, cho nên có câu: “Ra ngoài nhờ bạn bè”. Thế nhưng chúng ta suy xét một chút, hiện nay những người làm vợ và các bậc cha mẹ đều đang lo lắng chồng và con của họ kết giao lầm bạn. Giả như họ kết giao lầm bạn, vợ ở nhà cơm cũng ăn không ngon, ngủ cũng không được tốt, cha mẹ của họ cũng sẽ rất lo lắng. Cho nên quý vị phải để trẻ nhỏ và để chính mình hiểu được rằng chọn đúng bạn bè thì đời sống của mình mới có được hạnh phúc. Quý vị chọn đúng bạn rồi thì gia đình của quý vị mới có được hạnh phúc.
Đời người phải biết lựa chọn việc nào quan trọng, việc gì phải nên làm trước, việc gì để làm sau. Thứ tự trước sau cũng phải chọn lựa cho đúng.
Giáo dục con cái phải được đặt lên hàng đầu.
Chúng ta thường nói: “Điều quan trọng nhất không gì hơn việc dạy con”. Việc lớn thứ nhất của đời người là phải dạy tốt con cái. Giả như con cái chúng ta không được dạy tốt, thì đời này của chúng ta có được hạnh phúc không? Một người có phúc hay không, cuộc đời này của họ có thể trải qua một cách tự tại hay không sẽ được quyết định bởi con cái họ có hiểu chuyện hay không, có hiếu thuận hay không khi họ bước vào tuổi trung niên hoặc về già. Giả như nuôi dạy ra những đứa con không hiểu chuyện, thì nửa đời sau của chúng ta sẽ rất khó sống, không biết được hôm nay con cái sẽ diễn ra màn kịch nào để cho ta thu dọn tàn cuộc. Bởi vậy, phải giáo dục con cái cho tốt. Nếu quý vị đem việc giáo dục con cái đặt lên hàng đầu, đặt ở vị trí quan trọng, thì quý vị đã chọn lựa đúng thứ tự ưu tiên rồi.
Làm thế nào để dạy tốt con cái?
Các vị bằng hữu! Làm thế nào để dạy tốt con cái? Các phụ huynh hiện nay cảm thấy thế nào là giáo dục? Xin hỏi thế nào là giáo dục? “Thân giáo”. Chúng ta hãy vỗ tay cổ vũ cho vị này. Loại đáp án này đều không xuất hiện ở người ba – bốn mươi tuổi, mà các trưởng bối cao tuổi mới có được đáp án này. Khi tôi diễn giảng ở Malaysia, tôi đã hỏi các vị phụ huynh: “Thế nào gọi là giáo dục?”. Có một vị phụ huynh rất là thành thật, ông nói: “Thi được 100 điểm”. Ông ấy đáng được cổ vũ bởi vì ông ấy không có chút giả tạo nào, ông đã nói ra suy nghĩ trong lòng mình.
Khi dạy học trò, tôi cũng rất chú trọng trao đổi với các phụ huynh. Khi cùng các phụ huynh nói chuyện lần đầu tiên, tôi thường hỏi: “Các vị cảm thấy giáo dục con cái thái độ làm người, làm việc quan trọng, hay là đem số điểm của chúng từ chín mươi tám điểm kéo lên đến một trăm điểm là quan trọng?”. Sự việc nào là quan trọng hơn? Là điều trước quan trọng hay điều sau quan trọng? Điều trước. Cho đến bây giờ vẫn không có ai nói điều sau quan trọng hơn. Quý vị xem, các phụ huynh của chúng ta có sáng suốt hay không? Nghe ra thì rất sáng suốt, nhưng xin hỏi: đại đa số phụ huynh đang làm cái việc ở phía trước hay là việc ở phía sau? Vẫn làm cái điều phía sau phải không? “Lần này con thi được mấy điểm? Mau đem ra đây!”. Trong đầu chỉ là điểm số.
Thưa các vị phụ huynh! Chúng ta phải xem xét lại, chúng ta thường nói với trẻ nhỏ rằng làm người thì lời nói phải đi đôi với việc làm, vậy thì tại sao chúng ta rõ ràng cảm thấy thái độ làm người làm việc là quan trọng nhưng vẫn chú trọng điểm số vậy? Vì sao lại như vậy? Kỳ thật không thể trách các phụ huynh của chúng ta, bởi vì họ chưa thể nhận ra được thái độ làm người và làm việc đối với cả đời của đứa trẻ có sự ảnh hưởng lâu dài và to lớn đến cỡ nào, nhưng điểm số 100 điểm thì lập tức có thể xem thấy được, hơn nữa còn có thể đem ra khoe là “con trai tôi ba bốn môn đều 100 điểm”.
Chúng ta phải bình lặng mà suy xét, ngày nay chúng ta hướng trẻ nhỏ đi trên con đường của điểm số, xin hỏi chúng sẽ có cuộc đời như thế nào? Quý vị có thể nhìn thấy được hay không? Quý vị muốn đẩy chúng đi trên con đường này thì cũng phải tường tận rằng quý vị đang đẩy trẻ nhỏ đi về hướng danh lợi.
Thưa các vị phụ huynh! Tôi cũng là người được đào tạo ra từ chủ nghĩa học vị. Các vị có nhìn ra không? Các vị thật quá nhân từ, không muốn làm tổn thương tôi ngay trước mặt. Tôi chính là sản phẩm của chủ nghĩa học vị. Tôi còn nhớ khi tôi đang học cấp hai, thi chỉ được 98 điểm, tôi đã khóc đến nửa ngày. Vì sao vậy? Bởi vì lúc đó đang phân lớp chọn, thiếu đi hai điểm nếu không được phân vào lớp chọn thì phải làm sao? Cuộc đời của tôi kể như tiêu rồi! Có cần nghiêm trọng như vậy không? Tại vì sao tôi lại cảm thấy nghiêm trọng đến như vậy? Quý vị xem, chúng ta vừa mới lên cấp hai mà cái tâm sợ được sợ mất đã nghiêm trọng đến như vậy! Một đứa trẻ sợ được sợ mất thì cả đời này có được hạnh phúc không? Chúng thường sẽ lo chuyện này, buồn chuyện kia. Chủ nghĩa học vị là chỉ nghĩ đến số điểm của chính mình, muốn trội hơn những người khác. Lẽ ra tôi nên có tấm lòng của Phạm Trọng Yêm: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, nhưng bởi vì chủ nghĩa học vị nên tôi chỉ nghĩ đến việc đánh bại người khác. Tôi nhớ lại thời học cấp ba, khi nhận được bài kiểm tra, tôi đều lướt xem người khác được bao nhiêu điểm. Giả như số điểm của các bạn cao hơn tôi, thì nội tâm của tôi rất khó chịu, mặt mũi hẹp hòi thật khó coi. Nhân cách như vậy có thể có được hạnh phúc không? Chúng ta phải suy xét kỹ.
Tôi nhớ khi tôi tốt nghiệp đại học, trong một cửa tiệm, tôi gặp được một người bạn học thời cấp hai mà mỗi lần thi đều hạng nhất. Trong ấn tượng của tôi, anh ấy là học sinh hạng nhất trong lớp giỏi. Khi anh ấy tốt nghiệp ra trường, bởi vì thời gian dài vùi đầu ở trong đống sách nên năng lực tiếp xúc với người đặc biệt kém, vừa nói đến kinh nghiệm làm việc trong xã hội anh ấy liền run lên. Anh ấy nói: “Con người vì sao mà khủng khiếp vậy? Tôi cảm thấy rất sợ khi tiếp xúc với họ”. Quý vị xem, năng lực tiếp xúc với người của anh ấy rất thấp, tấm lòng bao dung người khác cũng không hình thành được, cho nên đời sống của anh ấy không thể nào có được hạnh phúc.
Chúng ta hãy cùng nhau suy xét, chúng ta đẩy trẻ nhỏ đi con đường chủ nghĩa học vị, khi chúng ra trường có thể lấy được rất nhiều bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Xin hỏi: Hiện tại mức độ thất nghiệp nhiều nhất là ở học vị nào? Hiện tại tốt nghiệp cấp ba thì không thất nghiệp, vì sao vậy? Họ bằng lòng làm lao động, rửa bát, quét dọn nên họ không bị thất nghiệp. Trái lại, tốt nghiệp đại học, nghiên cứu sinh cảm thấy mức lương đó quá thấp nên không bằng lòng làm.
Xin hỏi mọi người: Bằng đại học, bằng thạc sĩ đã cho con trẻ thái độ gì? Không thể cúi xuống. Trong cuộc đời, phải có thể cúi xuống thì mới có thể vươn lên.
Hiện tại, mỗi năm số lượng người tốt nghiệp trên đại học rất nhiều, thế nhưng có rất nhiều người đang thất nghiệp phải không? Chúng ta cùng nhau suy xét một chút, họ đều là nhân tài đã được bồi dưỡng hơn mười năm từ trong thể chế giáo dục, khi ra trường thì không dùng được. Người tốt nghiệp ra trường rất nhiều, thế nhưng nếu như các vị có bạn bè là chủ doanh nghiệp, là quản lý của công ty, thậm chí là chủ quản cơ quan nhà nước, các vị thử hỏi họ xem thanh niên hiện nay có là nhân tài thật sự hay không? Họ sẽ trả lời thế nào? Họ sẽ nói với quý vị là không tìm được nhân tài. Bộ máy giáo dục vẫn luôn sản xuất ra nhưng kết quả các doanh nghiệp cảm thấy không dùng được.
Nếu như phụ huynh nói với con của mình là: “Con chỉ cần thi cử là đủ rồi, các việc nhà con không cần phải làm, sau khi tốt nghiệp đại học rồi bảo đảm con sẽ có đời sống hạnh phúc mỹ mãn”. Hoặc nói với chúng: “Chỉ cần con học hành cho tốt thì về sau con sẽ được thuận buồm xuôi gió”. Có phụ huynh nào đã đưa ra bảo đảm này với con của mình không? Quý vị sẽ thất vọng. Không thể có việc này! Hiện tại không có, trước đây cũng không có. Hôm nay chúng tốt nghiệp đại học rồi, nhưng nếu như chúng không biết cách làm người, không biết sống hòa thuận với người, thì cơ hội có tốt hơn cũng sẽ vuột mất ngay trước mặt chúng. Nếu quý vị nói với con mình là chỉ cần học thẳng lên trên, các việc khác không cần phải làm, thì chúng sẽ thiếu mất một thái độ, đó chính là lòng trách nhiệm. Một đứa trẻ có lòng trách nhiệm thì mới chịu gánh vác. Thế nhưng quý vị nói với chúng cứ học thẳng lên trên là tốt rồi, thì chúng đi học vì cái gì? Chúng nhìn thể diện của ai để học vậy? Nhìn thể diện của cha mẹ mà học. Một đứa trẻ có hiếu tâm thì tuyệt đối sẽ không như vậy. Đứa trẻ có hiếu tâm thì chúng phải để cho cha mẹ an lòng, chúng hy vọng về sau có thể làm cho đời sống của cha mẹ được tốt hơn, cho nên chúng không ngừng nâng cao năng lực cùng đức hạnh của chính mình. Đứa trẻ như vậy sẽ phát triển rất tốt.
2. Tố chất của một người thành công
Các vị bằng hữu! Chúng ta cần hiểu rõ một chút, những chủ doanh nghiệp và các doanh nhân thật sự thành công không phải là người có học lực cao nhất. Vậy chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ từ một góc độ khác, chủ doanh nghiệp cảm thấy không tìm ra được nhân tài, xin hỏi: chủ doanh nghiệp cần đến nhân tài như thế nào? Vấn đề này không nhất thiết phải đi hỏi Tiến sĩ, trong lòng mỗi một người đều có đáp án, bởi vì trong cuộc đời chúng ta đã đi qua, cũng đã thấy được không ít người thành công và những người thất bại. Thưa các vị bằng hữu! Quý vị cảm thấy người thành công phải có đầy đủ những tố chất gì? Có vị nào nói nghe thử không? Quý vị không nên mê tín rằng nhất định phải là người có học lực cao thì mới có câu trả lời. Chỉ cần một người tâm bình lặng lại thì đáp áp sẽ xuất hiện. Tâm thanh tịnh sẽ sinh trí tuệ.
Quý vị cảm thấy tố chất thế nào mới có thể làm cho đời sống được thành công?
- Thành thật;
- Lòng trách nhiệm;
- Khiêm tốn;
- Giữ chữ tín;
- Lòng nhẫn nại.
Chúng ta có thể cho ra một quyển sách “Tố Chất Thành Công” rồi. Tôi không gạt quý vị. Quý vị đến nhà sách mà xem, phần nhiều đều là những câu nói này. Như vậy chúng ta đã biết được là người đầy đủ tố chất như vậy mới là nhân tài thật sự. Xin hỏi: Chúng ta có dạy trẻ nhỏ tính thành thật không? Rất nhiều phụ huynh cảm thấy thành thật là quan trọng, nhưng sau đó trong lòng nghĩ: “Nếu như quá thành thật, ra ngoài bị người ta ức hiếp thì phải làm sao? Nếu như rất khiêm tốn, luôn bị người ta đè xuống thì phải làm sao?”. Lòng tin này còn phải bàn bạc lại. Lòng tin là căn bản. Quý vị có thật sự tin tưởng rằng có đủ những tố chất này thì đời sống về sau của chúng sẽ thực sự thành công không? Thật ra, chủ doanh nghiệp đều đã phát hiện ra sự thật này.
Phương Tây trong mấy mươi năm qua đã chú trọng về quản lý chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm gì vậy? Chất lượng của sản phẩm và hàng hóa, họ gọi là “TQM – quản lý toàn diện chất lượng sản phẩm” (Total Quality Management). Quản lý học mấy mươi năm qua đều nhấn mạnh đến, ví dụ ngày nay họ làm ra cái micro, chỉ cần làm tốt cái micro này, khiến cho nó có sức cạnh tranh mạnh, họ liền có thể gối cao đầu mà ngủ, cho nên điểm mà họ chú trọng là phải làm ra món đồ cho tốt. Kết quả khoảng mười đến hai mươi năm sau thì phát sinh ra một số vấn đề. Vào năm 1995, Ngân hàng Barings của nước Anh có cơ nghiệp hơn hai trăm năm, bởi vì một nhân viên ở Singapore lạm dụng công khoản, đã khiến cho cơ nghiệp hơn 200 năm này tan thành mây khói, bị sụp đổ. Theo tư duy của phương Tây, khi xảy ra vấn đề thì thế nào? Nhanh chóng giải quyết, đây gọi là “đau đâu trị đó”.
“Đau đâu trị đó” có phải là phương pháp tốt không? Không phải là phương pháp tốt. Cũng giống như sức khỏe hôm nay xấu đi, đã bị bệnh ung thư thì có dễ xử lý không? Không dễ xử lý. Vì vậy, học vấn của người phương Đông không phải là trị bệnh mà trị lúc chưa bệnh, phải phòng ngừa khi chưa bị bệnh. Còn phương Tây, tuy khoa học kỹ thuật rất phát triển, thế nhưng họ chuyên môn xử lý bệnh trạng, ung thư ruột thì lập tức cắt bỏ ruột, ung thư gan thì cắt gan. Cắt rồi có hết hay không? Ngay chỗ đó thì không việc gì nhưng hai năm sau thì chỗ khác xảy ra vấn đề. Quý vị không nên dùng tâm thù hận đối với tế bào ung thư, bởi quý vị đã chiều hư tế bào ung thư nên nó mới càn quấy như vậy. Ai đã nuông chiều hư tế bào ung thư? Các vị bằng hữu! Trên thân thể mỗi người chúng ta đều có tế bào ung thư, chỉ vì chúng ta chiều hư nó nên nó mới thành ra càn quấy, bởi vì trong mười năm – mười lăm năm qua, chúng ta đã hủy hoại sức khỏe của mình. Cái thân này thật sự muốn hư cũng không phải dễ, bởi vì nó rất tinh vi. Cho nên việc cắt bỏ ung thư tuyệt nhiên không thể giải quyết căn bản vấn đề. Không những không giải quyết được căn bản vấn đề, mà đồng thời còn sinh ra tác dụng phụ. Rất nhiều bệnh nhân ung thư sau khi tiếp nhận một số trị liệu thì những ngày tháng sau đó đều rất là khó sống.
Thật ra, việc xử lý tế bào ung thư, tôi xin đưa ra một thí dụ, cũng giống như một bao rác để ở trên đất, có rất nhiều ruồi bu vào, quý vị rất tức giận: “Làm gì mà nhiều ruồi đến vậy?”, lập tức lấy thuốc diệt côn trùng ra phun chết hết. Vấn đề đã giải quyết rồi! Nhưng sau khi quý vị rời khỏi, qua mười phút sau, ruồi lại đến nữa. Tư duy của người hiện tại chính là giải quyết bệnh trạng, cắt bỏ đi bệnh trạng. Người bạn trai này không tốt thì đổi người khác, người bạn gái này không tốt thì cũng thay đổi. Như vậy có giải quyết được vấn đề hay không? Không phải người bạn trai không tốt, cũng không phải người bạn gái không tốt, mà là ai không tốt vậy? Chính mình không học được bao dung, không học được thương yêu người khác. Không thể giải quyết vấn đề căn bản thì có đổi thêm vài người nữa cũng không ích gì. Vì vậy chúng ta giải quyết vấn đề thì phải giải quyết từ căn bản.
3. Giáo dục tố chất đạo đức
Hiện tại người phương Tây đã phát hiện rằng, ngoài việc làm ra sản phẩm tốt thì vẫn còn một nhân tố quan trọng hơn ảnh hưởng đến công ty của họ, đó chính là đức hạnh của nhân viên. Năm 2001, Tập đoàn Enron – tập đoàn lớn thứ bảy toàn cầu, mỗi năm doanh thu hơn 100 tỷ USD, bởi vì hai quản lý cấp cao lạm dụng công khoản của công ty, doanh nghiệp lớn thứ bảy trên thế giới này cũng phải sụp đổ. Do đó, hiện tại những tập đoàn toàn cầu quan trọng ở phương Tây đều thúc đẩy “TEM – quản lý luân lý đạo đức toàn diện” (Total Ethics Management), họ đang yêu cầu nâng cao tố chất đạo đức của công nhân viên. Có thể làm được hay không? Người phương Tây cảm thấy họ có thể làm được hay không?
Các vị bằng hữu, con người hiện nay có một nhận thức sai lầm, đó là họ cảm thấy đồng tiền là vạn năng, chỉ cần có tiền thì có thể dạy tốt được con cái của họ, chỉ cần có tiền liền có thể giải quyết được vấn đề. Hiện tại có nhiều người có quan niệm này hay không? Có! Cho nên người nước ngoài rất có khí phách, vào năm 2002, Hoa Kỳ tập trung chú trọng đến giáo dục luân lý đạo đức, còn đặc biệt nâng mức ngân sách ban đầu là 250 triệu Đô la lên đến 750 triệu Đô la (tăng lên gấp ba lần), nhưng có hữu dụng hay không? Quý vị cảm thấy có khí phách hay không?
Đồng thời, họ cũng làm một cuộc khảo sát về tâm lý nhắm vào hơn tám ngàn học sinh trung học. Kết quả là 71% trẻ nhỏ từng gian lận, 68% trẻ nhỏ đánh người, 35% trẻ nhỏ ăn cắp đồ trong siêu thị.
Trong lần khảo sát này, phần sau của bản khảo sát có một câu hỏi: “Bạn cảm thấy đạo đức của bạn có cao thượng không?”. Những học sinh trung học có câu trả lời là đạo đức cao thượng lên đến 96%. Các vị bằng hữu! 71% em học sinh từng gian lận, 68% em đánh người, 35% em ăn trộm đồ trong siêu thị, kết quả lại là 96% trẻ nhỏ cảm thấy chúng có phẩm đức cao thượng. Xin hỏi: Trẻ nhỏ của thời đại này dựa vào tiểu chuẩn của ai vậy? Đó là tiêu chuẩn của chính chúng!
Xin hỏi: Thái độ này của trẻ nhỏ là học từ ai vậy? Giả như lãnh đạo quốc gia của chúng hở một chút là mang quân đội đi đánh người, sau khi đánh xong trở về nói: “Này các bạn nhỏ, các con không được đánh nhau với người khác, phải chú ý đến lời dạy này”, thì chúng có nghe hay không? Không nghe. Cho nên, người nước ngoài có nắm được cương lĩnh của giáo dục hay không?
Giáo dục không phải cứ nhiều tiền là hữu dụng, giáo dục không phải nói nhiều là hữu dụng, cũng không phải có rất nhiều sách lý luận thì hữu dụng, mà quan trọng nhất là từ trong sách “Thuyết Văn Giải Tự”, có thể chỉ ra được thế nào là giáo dục.
· Thế nào là giáo dục?
Thế nào gọi là “giáo”? “Trên làm dưới noi theo” gọi là giáo. “Dục” là “dạy con làm người lương thiện”. Hai hàng chữ này đã nói ra được điểm cốt lõi của giáo dục.
Các vị bằng hữu! Lòng tin của chúng ta đối với trí tuệ của Tổ tiên tuyệt đối được quyết định bởi sự thâm nhập Kinh điển của chúng ta. Chúng ta chân thật tiếp nhận được giáo huấn, thì càng đọc sẽ càng bội phục. Vì vậy, trong giáo dục, điều quan trọng nhất là phải dạy đúng. “Dạy con làm người thiện”, khi đứa trẻ có tâm lương thiện thì chúng sẽ có hành vi lương thiện, vô hình trung chúng tự nhiên sẽ có rất nhiều bạn bè lương thiện, đời sống của chúng sẽ hạnh phúc.
Chúng ta làm thế nào để dạy chúng những hành vi thiện? Không phải yêu cầu chúng đọc thật nhiều sách, mà trước tiên yêu cầu chính mình phải làm được. Khi chúng ta biểu hiện ra hành vi thiện, con cái của chúng ta trong âm thầm sẽ bị cảm động. Các vị bằng hữu! Các vị có tin tưởng lời nói này của tôi không? Có một số người tin tưởng, có một số người dường như không có cảm giác gì. Nếu như quý vị không có cảm giác gì thì phải bình lặng mà suy xét, bên cạnh mình đều không có người thiện, đều không có người biểu diễn để khiến quý vị cảm động. Chỉ cần có người diễn ra, nhất định sẽ cảm động đến người xung quanh. Tôi dám bảo đảm điều này, bởi vì “nhân chi sơ, tính bổn thiện”, chỉ cần có người làm ra thì nhất định có người cảm động, có người làm theo.
4. Ý nghĩa chân thật của ngày sinh nhật
Ở Thẩm Quyến có một cô giáo, cô ấy đã học tập văn hóa truyền thống được một thời gian. Lúc tôi ở Hải Khẩu, vào ngày 15 tháng 3 năm ngoái, có một số giáo viên ở Thẩm Quyến mời tôi qua bên đó giảng bài, họ hỏi cô giáo đã mời tôi đến giảng rằng: “Vị thầy giáo này sẽ giảng cái gì?”. Cô liền nói với họ: “Vị thầy giáo này sẽ giảng Đệ Tử Quy”. Họ liền nói: “Đệ Tử Quy có gì để giảng? Cái đó chẳng phải để trẻ nhỏ học hay sao? Tại vì sao không giảng Luận Ngữ chứ?”. Cô giáo này tuy là nói như vậy nhưng cũng đi nghe tiết giảng thứ nhất. Sau khi nghe xong, cô đột nhiên cảm thấy rất nhiều đạo lý cơ bản làm người mà chính mình vẫn chưa thực hiện được, cho nên cô liền điều chỉnh lại thái độ của mình và rất nỗ lực học “Đệ Tử Quy”. Trước khi học “Đệ Tử Quy”, cô đã xem qua rất nhiều sách Thánh Hiền, cảm thấy chính mình thiện căn rất sâu dày, có lúc còn bội phục cả chính mình. Kết quả sau khi học “Đệ Tử Quy” rồi, cô cảm thấy ngay đến hiếu cũng chưa làm được, phải kiểm điểm lại.
Các vị bằng hữu! Cảm thấy chính mình thiện căn sâu dày là điều tốt hay là cảm thấy mình cái gì cũng chưa học được là điều tốt? Điều trước tốt hay là điều sau tốt? Điều trước là do chính mình sống không nhận định được rõ ràng, điều sau là do mình đã hiểu rằng “tri sỉ cận hồ dũng” (người biết hổ thẹn tức gần với dũng). Tu hành chính là tu sửa hành vi, phát hiện lỗi lầm của chính mình thì mới có thể càng ngày càng thấu suốt. Phải nên làm một người thấu suốt thì mới tốt. Sửa đổi lỗi lầm của chính mình, đây gọi là chân tu hành.
Trong tháng năm có ngày của mẹ, cô giáo này trở về quê nhà. Học rồi phải thực hành, nên cô muốn cảm tạ ân dưỡng dục của cha mẹ. Vừa hay lúc đó cũng là sinh nhật của cô. Các vị phụ huynh, trẻ nhỏ hiện nay đến ngày sinh nhật, việc thứ nhất chúng nghĩ đến cái gì? “Bánh kem”. Còn gì nữa không? “Dạy con làm người lương thiện”, xin hỏi: cái ý niệm đầu tiên nghĩ đến bánh kem có thiện hay không? Rất nhiều phản ứng của trẻ nhỏ đều thể hiện rõ kết quả của sự giáo dục. Chúng ta phải bình lặng mà quán sát, phải cẩn trọng mà suy xét, hạt giống này đã gieo đúng hay là đã gieo sai rồi. Cơ hội giáo dục tốt đến như vậy, phải nên khiến cho chúng việc thứ nhất nghĩ đến ngày sinh nhật của mình chính là ngày gặp nạn của mẹ, phải nhớ lấy mẹ mang thai lao nhọc, sinh đẻ khổ cực, phải làm cho chúng khởi lên lòng tri ân – báo ân. Đó gọi là giáo dục.
Khi cô giáo này quay về, cô muốn cảm tạ cha mẹ, liền đem ra ba cái ghế. Lúc đó cũng có bà ngoại của cô ở đó, cô liền mời bà ngoại và cha mẹ ngồi trên ghế. Mẹ của cô tương đối mẫn cảm, bà nói: “Con gái, rốt cuộc con muốn làm gì vậy?”. Cô giáo này liền nói với mẹ của cô và hai vị trưởng bối rằng: “Con đã sống hơn ba mươi năm rồi, đã làm cho cha mẹ biết bao lo lắng. Hiện tại con đã bắt đầu học tập giáo huấn của Thánh Hiền nên từ nay về sau, con phải làm một đứa con gái hiếu thuận, không để cho bà và cha mẹ phải bận tâm. Còn ân dưỡng dục hơn ba mươi năm của cha mẹ, con sẽ ghi nhớ ở trong lòng. Hôm nay nhân dịp sinh nhật của con, con phải chân thành cảm tạ cha mẹ nên hôm nay con muốn làm lễ ba lần quỳ chín lần khấu đầu”.
Cô giáo này lạy xuống lạy đầu tiên, mẹ của cô lập tức rơi nước mắt. Các vị bằng hữu! Đây là nước mắt gì? Nước mắt an ủi. Kỳ thật, người làm mẹ không hề nghĩ đến con cái phải đền đáp điều gì, thế nhưng khi con cái có chút tâm hiếu thuận thì sẽ làm cho họ rất an ủi. Dưới vòm trời này ai là người khờ nhất? Mẹ là người dễ gạt nhất. Mẹ không cần đền đáp, quý vị nói cho mẹ nghe lời ngon tiếng ngọt, đối với mẹ có chút tâm hiếu thuận, thì mẹ liền mãn nguyện rồi.
Cô giáo này lạy xuống lạy thứ hai, con của cô là một học sinh tiểu học lớp ba lập tức đến đứng bên cạnh chồng của cô và bắt đầu đấm bóp cho cha mình. Con trai cô dường như cảm thấy trong bầu không khí như vậy mà mình không làm gì đó thì thật là khó chịu. Đây là lời dạy không lời! Cái tâm hiếu hạnh này của mẹ đã làm cho con của cô bị cảm động rất mãnh liệt, nên em cảm thấy lúc này phải nên phục vụ cho cha mình một chút. Cho nên, “thân giáo” có sức mạnh cảm hóa âm thầm rất to lớn. Đứa bé này khi trở về nhà, bước vào cửa liền dõng dạc nói với cha mẹ của em: “Cha mẹ ơi, năm tới sinh nhật của con, con cũng lạy cha mẹ”. Đó là giáo dục, trên làm dưới noi theo. Có cần phải tốn tiền không? Đối với việc thực sự quan trọng của đời người, tiền không có tác dụng gì lớn.
5. Căn bản của đức hạnh ở đâu?
Từ chỗ này chúng ta hồi tưởng lại một chút, người phương Tây phát hiện đức hạnh rất quan trọng, đó đều là lúc đã xảy ra vấn đề, cho nên họ hiện tại phải lo giải quyết. Xin hỏi: Họ có biết căn bản của đức hạnh ở đâu không? Phải có thể trị gốc thì mới có thể giải quyết được vấn đề. Hiện tại doanh nghiệp lớn của họ cũng bỏ ra rất nhiều tiền để bồi dưỡng [đức hạnh cho nhân viên], dùng tục ngữ của phương Đông gọi là “lâm nguy mới ôm chân Phật”. Xin hỏi: Có thể trong hai tháng luyện được một người có thái độ lễ phép không? Giả như họ vốn dĩ rất khô cứng không biết cười, lập tức huấn luyện họ trong hai tháng để họ cười với mọi người, tôi tin rằng khi khách hàng bước vào, nhìn thấy họ cười thì toàn thân sẽ nổi da gà. Rất không tự nhiên, bởi vì nụ cười của họ là muốn lấy tiền từ trong túi của quý vị về bên họ chứ không phải tôn kính người từ trong nội tâm.
Người phương Đông cắm cái gốc đức hạnh từ lúc nào vậy? Từ nhỏ đã phải cắm cái gốc đức hạnh rồi. “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”, nếu từ nhỏ mà không được dạy dỗ thì khi trưởng thành muốn kéo chúng trở lại sẽ rất là khó khăn, vì vậy nhất định phải dạy từ nhỏ. Trong “Kinh Dịch” có một câu nói rất quan trọng: “Mông dĩ dưỡng chánh, thánh công dã” (Dạy cho trẻ thơ điều đúng đắn, có công như Thánh nhân vậy). Chữ “mông” này là đại biểu khi thiên địa sơ khai, vạn vật đều còn rất yếu ớt, vào lúc này phải cố gắng bảo hộ chúng, cố gắng dưỡng dục chúng. Cho nên từ giáo dục này là nói đến giáo dục trẻ nhỏ, chính là khi đứa trẻ còn nhỏ phải nuôi dưỡng chính khí cao thượng và thái độ đối nhân xử thế chuẩn xác cho chúng. Quý vị nuôi dưỡng tốt chúng, công đức này rất thần thánh. Nếu như nuôi ra một Phạm Trọng Yêm thì là công lao sự nghiệp thần thánh. Hiện tại muốn nuôi ra một Phạm Trọng Yêm có dễ không? Vì sao không dễ? Hiện tại quý vị nuôi dưỡng con mình trở nên rất hiếu thuận, chúng lập tức sẽ là một điểm hồng trong đám rừng xanh.
Ở Thẩm Quyến, chúng tôi có rất nhiều trẻ nhỏ đang học giáo huấn của Thánh Hiền. Lần này chúng trở lại quê hương đều làm cho tất cả trưởng bối kinh ngạc: Thời nay mà vẫn còn nhìn thấy trẻ con cúi đầu đến 90 độ. Họ đều sinh lòng kính phục, nhìn thấy rất là hoan hỉ, không biết bao lì xì có cho thêm nhiều hơn không?
Có một lần, một đứa bé cùng ngồi ăn cơm chung với mọi người. Khi thức ăn được bưng lên, tất cả người lớn lập tức động đũa gắp lấy thức ăn, đột nhiên họ nhìn thấy đứa bé đó cúi đầu đọc cái gì đó có câu có kệ. Vốn dĩ họ muốn gắp thức ăn nhưng đột nhiên cảm thấy rất kỳ lạ nên ngưng lại, đợi đứa bé này sau khi đọc xong liền hỏi: “Vừa rồi con đọc cái gì vậy? Vì sao không mau ăn đi?”. Đứa bé này nói với các trưởng bối trong bàn rằng: “Con vừa đọc bài cầu nguyện trước khi ăn cơm:
“Cảm ân cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng
Cảm ân thầy cô đã ân cần dạy bảo
Cảm ân bác nông dân đã lao động vất vả
Cảm ân tất cả những ai đã bỏ công sức”.
Những trưởng bối này vừa cầm đến đũa thì đã học được một bài học. Chúng ta chỉ nghĩ đến ăn, còn đứa trẻ này thì trong lòng luôn luôn có tâm cảm ân. Các vị bằng hữu, đứa bé này có hạnh phúc không? Người sống với tâm cảm ân thì đặc biệt hạnh phúc. Nếu quý vị thật sự dạy con thành người lương thiện, chúng nhất định sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, chúng nhất định sẽ là Phạm Trọng Yêm thời nay. Do đó, làm phụ huynh chúng ta phải xác định rằng: “Dạy cho trẻ thơ điều đúng đắn thì có công như Thánh nhân vậy”. Đứa trẻ ngay từ nhỏ đã được cắm gốc trí tuệ của các bậc Thánh Hiền rồi thì các vị có cần lo lắng khi lớn lên chúng không có việc làm hay không? Nếu các vị còn lo lắng thì gọi là “người nước Kỷ sợ trời sập” (lo cái việc không đâu, lo bò trắng răng). Bởi vậy, tâm lượng của quý vị phải lớn thì đường đời mới đi được thênh thang. Tâm lượng nhỏ thì cả đời quý vị sẽ sống trong cảnh sợ được sợ mất.
Gần đây tôi nghe một người bạn nói, có rất nhiều doanh nghiệp lớn đều đến một đoàn thể chuyên môn hoằng dương phát triển học thuyết Nho giáo để tìm những người trẻ tuổi. Những chủ doanh nghiệp này nói, hiện tại người bên ngoài không có thành tín, không có lòng trách nhiệm, họ tuyển dụng thì trong lòng thấp thỏm lo sợ, nên họ chủ động đến đoàn thể học tập học thuyết của Thánh Hiền để tìm nhân tài. Các vị phụ huynh, nếu như con của quý vị hiện tại đã cắm cái gốc này, hiểu được làm thế nào để làm người và làm việc, thì quý vị đã giúp cho chúng ngay một đời này đứng vững không ngã.
6. Muốn chọn lựa đúng thì phải chuẩn bị điều gì?
Vừa rồi chúng ta đã nhắc đến việc lựa chọn những thứ tự trong giáo dục. Các vị phụ huynh, lựa chọn hiện tại của quý vị không chỉ ảnh hưởng đến quý vị mà còn có thể ảnh hưởng đến người nhà của quý vị. Không chỉ có người nhà hiện nay mà con cháu nhiều đời của quý vị đều sẽ bị ảnh hưởng. Các vị bằng hữu, ai đã từng nghĩ là quyết định của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến con cháu thì xin đưa tay lên? Xin vỗ tay khích lệ những bằng hữu này.
Cuộc đời giống như đánh một ván cờ vậy, nếu như chúng ta đều đắn đo suy nghĩ mỗi một bước phải đi làm sao, thì mỗi nước cờ của chúng ta đều không thể định được, vì cứ phải suy nghĩ đi như thế này được hay không, đi như thế kia có tốt không. Nếu như chúng ta đánh cờ mà có thể thấy trước được một trăm bước sẽ đi như thế nào, hai trăm bước sẽ hoạch định ra sao, thì cuộc đời này của ta mới được thong dong, cuộc đời của con cái chúng ta cũng sẽ đi được cao hơn, xa hơn. Cho nên, ngay khi họ suy nghĩ rằng chọn lựa của ta sẽ ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau thì tôi tin tưởng họ sẽ giáo dục thế hệ này của họ rất là cẩn thận và rất dụng tâm, bởi vì họ đã suy nghĩ sâu xa đến như vậy.
Hiện nay người suy nghĩ được như vậy không nhiều. Người xưa của chúng ta có cách suy nghĩ như vậy không? Rất nhiều, nên những lời gia huấn của chúng ta là nhiều nhất trên toàn thế giới. Chúng ta đã nghe qua “Liễu Phàm Tứ Huấn”, “Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn”, “Nhan Thị Gia Huấn”, còn có “Gia Cát Lượng”. Rất nhiều Thánh triết nhân đều có thái độ như vậy, đều đem trí tuệ của nhân sinh truyền thừa lại. Do đó, chúng ta phải biết rằng sự lựa chọn của chúng ta rất là quan trọng.
Cuộc đời này muốn đưa ra chọn lựa đúng thì cần phải chuẩn bị điều gì?
Ông nội của tôi không được đi học, một chữ cũng không biết. Ông là người đánh cá, anh em của ông đều làm nghề này. Không chỉ anh em của ông bắt cá, mà con cái của anh em ông học đến cấp hai, vẫn chưa tốt nghiệp thì đã cùng nhau đi bắt cá. Họ cảm thấy thế nào? Rất thoải mái, con của tôi đã giúp tôi bắt cá rồi, họ không cần phải mệt như trước đây nữa. Như vậy có tốt không? Ngay lúc đó thì rất tốt đúng không? Thế nhưng ông nội tôi cảm thấy đời sống không được đi học, không có trí tuệ thì rất đáng tiếc, cho nên ông kiên trì có khổ đến thế nào cũng phải để cho con đi học. Do bởi chọn lựa và phán đoán này, nên đến đời cha tôi, năm người con thì có một Tiến sĩ, ba người tốt nghiệp đại học, một người tốt nghiệp cấp ba, đến đời này của chúng tôi toàn bộ đều là trên đại học, đã có được hai Tiến sĩ. Đây đều là do chọn lựa của ông nội. Đến thế hệ chúng tôi thì học lực của tôi là thấp nhất, dáng người của tôi cũng thấp nhất. Cho nên làm bậc trưởng bối của người phải cẩn trọng trong sự lựa chọn và phán đoán của mình.
Hết tập 1. Xin xem tiếp tập 2.
Discussion about this post