Vua họ Y Kỳ, tên Phóng Huân, con thứ của Đế Khốc, em trai Đế Chí. Đế Chí làm vua được 8 năm thì bị chư hầu phế ngôi và đưa Nghiêu lên làm vua lúc còn 16 tuổi. Vua Nghiêu dựng kinh đô tại Bình Dương (Lâm Phần – Sơn Tây) đặt hiệu nước là Đường. Trong lúc làm vua, Nghiêu lấy lòng nhân cai trị đất nước, phát triển về mặt chính trị ban phát lòng nhân từ, quan tâm đến trăm họ, cứu giúp những người neo đơn cô quả. Nhờ đó mà thiên hạ hưởng được sự thái bình, trăm họ được an cư lạc nghiệp, ăn no mặc ấm. Những năm cuối đời, nhiều thiên tai nạn nước, vua sai Cổn tìm cách đối phó với nạn hồng thủy, nhưng trong chín năm Cổn không làm được gì. Vua cho Vũ thay Cổn nhận nhiệm vụ trị thủy, sau 13 năm mới hoàn thành công việc. Do con là Đan Chu bất tài, vua Nghiêu đã đi khắp nơi tìm người hiền tài về giúp việc nước. Có tích Sào Phụ rửa tai, Hứa Do dắt trâu tránh đi nơi khác. Vua đã gặp và thăm Thuấn khi Thuấn đang làm việc giữa đồng và mời Thuấn về giúp việc nước. Nghiêu làm vua được 100 năm, sau nhường ngôi lại cho Thuấn. Giao ngôi báu cho người hiền tài, xem thiên hạ là việc chung, cùng xây dựng một thế giới đại đồng.
Khen rằng:
Chọn người hiền năng, Thông minh tuyệt đối
Trí ấy như thần, Đức trị vẹn toàn
Tính đầy nhân từ, Lòng không phân biệt
Chân thành vì nước, Cỡi bào nhường ngôi .
Lại nói kệ rằng:
Đại nhân đại trí đại từ bi
Đức xứng đất trời vạn người về
Giữa đêm giật mình lo chuyện nước
Kính lễ người hiền tìm chí chân
Quên mình vì lợi của trăm họ
Lo lắng bày phương cứu muôn dân
Lớn thay vua Nghiêu đời thanh thản
Tài trí thông mình xứng thánh nhân.
Giảng giải:
Bây giờ giảng đến vua Nghiêu. Trí tuệ của vua Nghiêu là tuyệt vời nhất, nên người xưa nói: “Tào Tháo gian như quỉ – Vua Nghiêu trí như thần.”. Vua Nghiêu là một người thông minh và trí tuệ nhất trong lịch sử các vị hoàng đế của Trung Hoa xưa nay, có thể nói là ‘thông minh tuyệt đối’.
Vua Nghiêu họ Y Kỳ, tên là Phóng Huân, tên của vua Nghiêu có ghi trong Nghiêu Điển (Nghiêu Điển: là một chương trong sách ‘Thượng Thư’ 《尚书》 bộ sách ghi chép về các đời vua thời thượng cổ của Trung Hoa – Người dịch chú). Chữ ‘Phóng’ có nghĩa là không ràng buộc, ‘Huân’ có ý chỉ đến những công lao của vua, những sự nghiệp do vua gây dựng, sự nghiệp ấy rộng lớn vô cùng không thể hình dung được, không cách nào biểu hiện cho hết do đó nên gọi là ‘Phóng Huân’. Nghiêu là con trai thứ của Đế Khốc, em trai Đế Chí. Do Đế Chí lúc làm vua, yếu đuối bạc nhược, không khéo lo việc nước, không thực hiện đúng những ước lệnh nên khiến chư hầu bất mãn. Thời ấy cũng rất dân chủ, thế nên khi mọi người đã bàn bạc thỏa thuận xong liền phế bỏ ngôi vị của Đế Chí, không cho làm vua nữa.
Không dùng Đế Chí làm vua thế phải chọn ai? Nếu chọn người nào khác cũng không đủ trình độ và kinh nghiệm, nên các nước chư hầu đã cùng bàn bạc và quyết định ủng hộ cho Nghiêu lên làm hoàng đế, bấy giờ Nghiêu chỉ đang 16 tuổi. Tuy Nghiêu tuổi còn rất nhỏ nhưng rất biết hành xử trước mọi việc, xứng đáng là một minh quân. Sau khi làm hoàng đế, Nghiêu bắt đầu phát huy mặt chính sự, ban phát nhân đức cho muôn dân, lấy nhân từ trị nước. Trong nước vua Nghiêu thời bấy giờ, người già có nơi an dưỡng, tuổi trẻ có chỗ phát huy tài năng, trẻ con được nuôi nấng trong điều kiện tốt, người cô quả tàn tật cũng được quan tâm chăm sóc. Nhờ vậy mà thiên hạ được thái bình, gặp của rơi không nhặt, đêm không cài cửa, dao thương vứt vào kho, ngựa ăn cỏ núi nam (ngựa chiến được tự do ăn cỏ ở phía nam núi Hoa — “mã phóng nam san”), khắp nơi hưởng cảnh thái bình thịnh trị.
Vua Nghiêu là người nhìn xa thấy rộng, luôn nghĩ đến cái khổ cái vui trong đời sống của trăm họ, quan tâm lo lắng mọi việc cho nhân dân. Những năm cuối đời làm vua, cũng là lúc vua Nghiêu tuổi già sức yếu, đất nước gặp phải nhiều nạn lũ lụt. Nạn hồng thủy (lũ lụt) là một trong bốn giai đoạn tất yếu ‘Thành, Trụ, Hoại, Không’, do đó thế giới thường phải chịu ách nạn này. Tai nạn cũng là một cách để trị liệu (trừng trị) những căn bịnh tâm của con người, căn bịnh tham-sân-si của con người càng nhiều thì thiên tai ách nạn càng nhiều. Đây cũng là một hình thức nhân quả, báo ứng xoay vần. Vật cực tất phản, bĩ cực thái lai (Sự vật phát triển đến cực điểm thì sẽ chuyển hóa theo hướng ngược lại. Khi bế tắc cùng cực thì sẽ có sự may mắn, thuận lợi đến).
Vua Nghiêu thuận đạo trời trị nước thương dân, hy vọng trừ được những ách nạn này để không còn phá hoại cuộc sống dân lành. Nhưng bấy giờ nạn hồng thủy, nạn thú dữ vẫn cứ hoành hành, nước lũ khắp nơi, chìm ngập cả đất liền của nước Trung Hoa thời ấy; vì vậy mà các loài thủy tộc rắn rồng côn trùng đua nhau theo dòng nước lên chiếm cứ chỗ ở của con người. Nhân dân không còn nơi nương náu, những vùng thấp thì người ta phải lên cây làm tổ mà ở, những vùng đất cao thì người ta phải đào hang mà sống, thế nhưng đây vẫn không phải là biện pháp lâu dài.
Do vì loài thú dữ hung hăng khắp nơi ăn thịt dân lành, nước lũ thì không ngừng nhận chìm mạng sống con người, nên vua Nghiêu ra lệnh sai Cổn đi trị thủy. Cổn là một viên quan đại thần của vua Nghiêu, người rất thông minh, và trí tuệ hơn người. Nhưng Cổn lại biếng lười, không chịu nghĩ ra cách để đoạn trừ nạn hồng thủy, mà chỉ qua loa, tắc trách trong công việc. Nên Cổn đã không dùng phương pháp khai thông, dẫn nước mà dùng cách ngăn chận nước. Phương pháp ngăn chặn nước chỉ tác dụng nhất thời, không thể có hiệu quả lâu dài. Thế nên sau 9 năm công việc trị thủy của Cổn không có kết quả và công lao nào cả. Ngăn bên này nước tràn nơi kia, ngăn nơi kia, nước lại ngập nơi này, công việc chẳng đâu vào đâu cả. Do việc trị thủy của Cổn không đem lại hiệu quả, người chết chìm thêm nhiều, lại tốn hao tiền của đất nước, vua Nghiêu ra lệnh đem Cổn ra xử chém. Sau khi xử chém Cổn, vua Nghiêu tiếp tục dùng con của Cổn là Vũ thay cha lập công chuộc tội.
Đại Vũ lo việc trị thủy rất chăm chỉ, thậm chí quên ăn bỏ ngủ vì mãi chuyên tâm lo công việc. Bởi thấy cha làm việc không hiệu quả đã bị chém đầu, vì muốn thay cha chuộc tội nên Vũ đã quên hết tất cả. Lúc Vũ mãi lo chuyện trị thủy, ở nhà còn có vợ, có con dại. Đứa bé này tên Khải, lúc mới chào đời thường hay khóc – ‘Khải oa oa khóc’. Vũ vương thì cứ mãi để hết tâm ý lo công việc trị thủy của mình đến nỗi ‘Ba lần đi ngang qua nhà mà không ghé vào’ – Đi qua trước cửa nhà ba lần cũng không đi vào thăm xem trong nhà mình thế nào, dù có nghe đứa con thơ đang oa oa khóc trong nhà Vũ vẫn không màng đến.
Từ điểm này, chúng ta thử đặt mình vào vị trí như thế mà nghĩ mới có thể thấy được, Vũ lo việc trị thủy, hoàn toàn dốc hết tâm trí vào công việc mà thôi, ngoài chuyện ấy ra không để ý gì khác. Chúng ta thử nghĩ, Vũ nghe tiếng khóc của đứa con mới chào đời của mình mà cũng không ghé vào xem. Do đó, chúng ta có thể biết rằng Vũ vương không hề lơ là, lười biếng, tắc trách công việc như cha của mình. Vũ đã thật lòng muốn thay cha mà chuộc tội, nên mang tội lập công. Vũ trị thủy suốt 13 năm mới hoàn thành công việc. Về sau, nhân dân không còn chịu nạn lũ lụt, những loài thú dữ cũng bị đuổi hết vào rừng sâu.
Vua Nghiêu quan tâm đến việc lớn của đất nước, nên đã tìm đến những người hiền tài để mời họ ra kế thừa ngôi vua. Đầu tiên vua Nghiêu đến gặp Sào Phụ đang ở trên cây, nơi ở của Sào Phụ vốn không phải là nhà, chỉ là cái tổ trên cây như tổ chim nên gọi ông là Sào Ph ụ. Tên thật của Sào Phụ là gì cũng không ai biết, chỉ biết Sào Phụ là biệt hiệu mà người ta đặt cho ông. Sào Phụ sống trong một cái tổ trên cây, ngoài ra không cần thêm một vật gì khác. Vua Nghiêu thấy thế, nghĩ rằng người này thật chẳng có lòng tham lam gì, người trong sạch giữ mình như thế, sống trên cây không hề quan tâm chuyện hưởng thụ những thú vui của thế gian, nếu người này mà làm vua chắc chắn sẽ biết lo lắng dân. Thế rồi vua Nghiêu đến bên Sào Phụ cùng thương lượng với ông, mời Sào Phụ ra làm vua. Tư tưởng này của vua Nghiêu có thể nói không ai sánh được, không có hoàng đế nào mang thân phận hoàng đế mà đi thăm hỏi người hiền đức, tự mình nhường ngôi cho người khác làm vua, đây chính là chỗ mà người thường không sánh kịp.
Nhưng Sào Phụ khi nghe vua Nghiêu nói như thế liền nghĩ mình bị xúc phạm. Người không tham lam như Sào Phụ, vua Nghiêu lại mang ngôi vua đế mê hoặc ông ta! Thế rồi buồn bã không vui, ông trả lời vua Nghiêu rằng: “Ông đi tìm người khác đi, tôi không làm vua đâu”. Thế rồi chạy ra sông rửa lỗ tai, nghĩ rằng nghe những điều danh lợi như thế đã làm bẩn lỗ tai. Bấy giờ, bạn thân của Sào Phụ là Hứa Do cũng đang dắt trâu ra sông cho uống nước. Hứa Do đến bên hỏi: “Này, anh Sào! Làm gì phải rửa tai thế? Tai anh bị gì à?” Sào Phụ trả lời: “Vừa rồi vua Nghiêu thật là vô duyên vô cớ, tôi đang ngủ trên cây thì ông ta lại tìm. Và, thật đáng ghét, ông ấy nói là nhường thiên hạ cho tôi. Tôi nghe xong cảm thấy bẩn hết cả lỗ tai, nên liền chạy ra rửa.” Hứa Do nói: “Ồ, lỗ tai anh bẩn, lấy nước sông để rửa, nước này cũng bẩn theo rồi, trâu tôi cũng không thể uống nước này!” Nói rồi liền dắt trâu lên thượng nguồn cho trâu uống nước.
Tư tưởng của người xưa là không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không dối gian như thế. Ngày nay chúng ta nghe được điều này chắc sẽ nghĩ rằng “Ôi, hai ông này thật là ngu quá sức!” Thực ra, hai vị đó mới thật là người đại trí tuệ, chẳng qua vì chúng ta quá ngu si nên không nhận ra được cái trí huệ của người ta thôi. Câu chuyện này hình dung cho chúng ta thấy, người xưa ngay cả ngai vàng còn bỏ huống gì những thứ vật dụng ngoài thân mình.
Sau đó, ý tưởng nhường ngôi cho người khác cứ luẫn quẩn trong suy nghĩ của vua Nghiêu, thế rồi vua tìm đến gặp Thuấn ở một miền quê hoang dã, từ nơi miền quê hoang dã ấy vua đã mời Thuấn về giúp việc triều chính cho mình, phong cho Thuấn làm tể tướng. Một mặt vua chỉ cho Thuấn làm sao để dùng lòng nhân từ trị vì đất nước, một mặt vua và Thuấn cùng nhau học hỏi. Đợi đến khi thấy Thuấn có thể nhận lãnh được thiên hạ rồi, vua Nghiêu quyết định nhường ngôi cho Đại Thuấn khi mình còn sống.
Vua Nghiêu làm hoàng đế được 100 năm, làm vua chỉ vì một việc là lo cho thiên hạ, do đó chọn người hiền tài, tin cậy và hòa hợp, xây dựng một thế giới đại đồng, đề xướng thiên hạ là việc chung, khiến cho trăm họ an vui, ăn no mặc ấm, không có cái đau khổ của đói khát. Trong các hoàng đế của Trung Hoa , vua Nghiêu được xem là vị hoàng đế đức độ nhất.
Nên nói:
Tuyển hiền dữ năng, thông minh tuyệt đối: Vua Nghiêu chọn người hiền đức và người có tài năng; sự thông minh của vua không ai bằng được. “Tuyệt đối” chính là không ai để có thể so sánh với vua.
Kỳ trí như thần, đức chánh quảng bị: Trí tuệ của vua như thần, không hề làm chuyện xằng bậy, không hề làm chuyện không đúng pháp. Những việc chính sự (chính trị, việc nước) đều có lòng nhân đức đối với nhân dân, có công lao với đời, có lợi ích cho đất nước.
Tánh cụ nhân từ, hữu giáo vô loại: Vua Nghiêu bản tính rất nhân từ, không có thù địch với ai, đối với bất cứ ai cũng dùng lòng nhân từ mà đối đãi như nhau, bình đẳng như nhau.
Chân chánh vị quốc, thoát bào nhượng vị: Vua Nghiêu đúng là vì dân vì nước mà mưu cầu hạnh phúc, nhường ngôi báu cho người hiền tài, nên nói: “Đời Đường và đời Ngu có hai vị xưng hiệu Hoàng đế, cùng nhường ngôi cho nhau, xây dựng đời thái bình thịnh trị.” Đây chính là một thời thịnh trị thái bình thiên hạ là chung.
Lại nói kệ rằng:
Đại nhân đại trí đại từ bi: Vua Nghiêu có trí tuệ rộng lớn, lòng nhân từ rộng lớn.
Đức phối thiên địa chúng vọng quy: Đạo đức của vua xứng ngang với trời, chúng dân đều mong thuận theo.
Túc hưng dạ mị mưu hạnh phúc: Vua thức khuya dậy sớm vì lo lắng sự thái bình của đất nước, sự ấm no của nhân dân.
Lễ hiền hạ sĩ cầu chí chân: Vua biết lễ kính người hiền hạ mình trước kẻ sĩ để mong tìm được người thật tốt, hiền tài và có đức, thật lòng vì đất nước.
Lao tâm vong ngã lợi vạn vật: Vua hết lòng, hết mình vì sự hạnh phúc của trăm họ mà quên cả sự mệt nhọc của riêng mình.
Thôi kỷ cập nhân cứu chưng dân: Vua biết đặt mình vào vị trí của dân, để tìm cách giúp họ hết khổ.
Vĩ tai đế Nghiêu thản đãng đãng: Vua Nghiêu là một vị hoàng đế chí công vô tư, hành động ngay thẳng, là một người rộng rãi thẳng thắn.
Khâm minh văn tư thánh trung khôi: Vua Nghiêu là người minh, bạch chân chánh; học vấn và tư tưởng của ngài là tấm gương sáng cho chúng ta. Ngài đúng là một bậc thánh nhân vĩ đại.
Discussion about this post