“Đồng mông” là trẻ nhỏ, chúng chấp Sự mê Lý. Ví như xưa kia, trẻ nhỏ lớp Tiểu Học đọc sách cổ không hiểu. Chỉ là đọc, học thuộc lòng. Dạy trẻ nhỏ chú trọng học thuộc, chẳng giảng giải. Vì sao không giảng giải? Trí huệ của chúng chưa mở mang, có giảng cho chúng nó, chúng nó cũng không hiểu, chỉ dạy chúng nó học thuộc. Có tốt hay không? Tốt đẹp rất lớn. Tuy trẻ nhỏ trí huệ chưa mở mang, nhưng trí nhớ tốt, phàm những thứ gì cần nhớ, lúc ấy đều dạy cho chúng nhớ, đến mười hai, mười ba tuổi mới dần dần hiểu sự việc, trí huệ mở mang thì mới nghe giảng.
Tại Trung Quốc, trong quá khứ, dạy học được chia thành hai giai đoạn: Tiểu Học chú trọng đọc tụng, đọc thuộc lòng; Thái Học tương đương với Đại Học hiện thời, chú trọng giảng giải, nghiên cứu, thảo luận. Do vậy, khi dạy trẻ trong độ tuổi Tiểu Học, học sinh rất khổ, nhưng đến lúc học Thái Học, rất vui, đọc sách vui vẻ, hết sức tự tại. Vì sao? Tất cả những kinh sách cần nghiên cứu thảo luận đã hoàn toàn học thuộc rồi. Do vậy, vào học không cần mang theo sách, giảng đến trang mấy, dòng thứ mấy, chữ nào cũng đều biết cả. Thầy cũng thuộc lòng, trò cũng thuộc lòng.
Do vậy, không cần dạy học trong lớp học. Cổ nhân dạy học, quá nửa dẫn học trò du sơn ngoạn thủy, vừa đi vừa giảng, tự tại lắm! Con người hiện tại không có phước khí ấy, vì sao? Con người hiện thời không học thuộc sách, cho nên vào Đại Học vẫn phải mang theo một cái cặp to, học hành không vui sướng gì! Trước kia, đi học là sung sướng, khổ thì chỉ khổ vài năm, trẻ nhỏ chịu khổ một tí, nó cũng chẳng cảm thấy khổ lắm. Do vậy, dạy trẻ nhỏ là… “Tối tăm, non nớt, đầu óc chưa mở mang, chỉ có thể đọc văn từ, trọn chẳng hiểu nghĩa”.
Trước kia, trẻ nhỏ bảy tuổi đi học, đại khái [từ bảy tuổi] đến khoảng mười tuổi thuộc giai đoạn “đồng mông”. Quý vị đọc sách Ngũ Chủng Di Quy sẽ hiểu rõ đại lược tình huống dạy dỗ trẻ nhỏ vào thời cổ ở Trung Quốc; quý vị sẽ hiểu rõ phương thức của họ quả thật khá cao minh. Cái được chúng ta gọi là “phương pháp giáo dục khoa học” hiện thời quả thật chẳng thể sánh bằng phương thức áp dụng trong thời ấy. Phương pháp giáo dục thời ấy quả thật có ưu điểm…
Discussion about this post