Quý vị nhất định phải biết tất cả hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều sanh diệt trong từng sát-na. Đấy là Thật Tướng! Bất sanh bất diệt chỉ là Tánh, tự tánh bất sanh bất diệt. Tánh là gì? Ở đây, Trung Phong đại sư nói tới “linh tri”, tức là Ngài nói đến tâm. Theo Ngài, tâm có ba thứ:
1) Một là “nhục đoàn tâm” (trái tim thịt), tất cả hết thảy chúng sanh đều có.
2) Hai là “duyên lự tâm”, tức là tâm vọng tưởng phân biệt, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, là vọng tâm. Ai nấy đều có, chẳng giống nhau.
3) “Linh tri tâm” giống nhau. Linh tri tâm là chân tâm, chân tâm bất sanh bất diệt.
“Linh, tri”: Kinh Lăng Nghiêm nói hơi tỉ mỉ hơn một chút, kinh dùng bốn chữ “kiến, văn, giác, tri” (thấy, nghe, hay, biết), Trung Phong thiền sư gộp “kiến, văn, giác” thành một chữ Linh. Linh Tri là chân tâm, hư không pháp giới do nó biến hiện; bởi thế, hư không pháp giới đương nhiên đầy đủ “kiến, văn, giác, tri”. Tâm là năng biến (chủ thể thực hiện hành động biến hiện), vạn pháp là sở biến (cái được biến hiện bởi tâm). Cổ nhân nói: “Dĩ kim tác khí, khí khí giai kim” (Dùng vàng chế đồ vật, món nào cũng là vàng). Vàng là bản chất, có món vật nào lại chẳng mang đặc tánh của vàng? Đương nhiên là có, món nào cũng có đủ [đặc tánh ấy], chắc chắn chẳng khiếm khuyết mảy may. Từ tỷ dụ này, chúng ta suy ra: Tất cả hết thảy vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có linh tri.
Hiện tại, tôi có liên lạc với tiến sĩ Giang Bổn Thắng, ông ta cũng rất hoan nghênh tôi đến Nhật Bản tham quan phòng thí nghiệm của ông. Ông ta cũng muốn hiểu rõ cảnh giới Hoa Nghiêm. Tôi yêu cầu ông ta làm thật nhiều thí nghiệm để tìm hiểu sâu hơn “tất cả hết thảy vạn vật trong vũ trụ đều có linh tri”. Tất cả hết thảy vạn vật đều là sống, chẳng có thứ nào chết cả, thứ nào cũng có đủ “kiến, văn, giác, tri”. Chúng ta muốn cuộc sống của chính mình tốt đẹp, hoàn cảnh tốt đẹp, chẳng phải là không làm được, mà thực sự là chẳng dễ thực hiện. Thực hiện bằng cách nào? Thiện ý, thiện tâm thì tất cả cảnh giới đều biến thành tốt, núi sông đại địa đều sung mãn linh khí. Vì sao có tai nạn? Vì tâm chẳng lành. Trong tâm đầy ắp tự tư tự lợi, đầy ắp tham, sân, si, mạn, khởi tâm động niệm tổn người lợi mình, khiến cho phản ứng của tất cả hết thảy vạn vật thảy đều biến thành xấu xa. Phản ứng tốt đẹp là mô thức kết cấu tươi đẹp, dưới kính hiển vi, quý vị sẽ thấy được [điều này]. Tâm tình bất hảo, ý niệm bất hảo, phản ứng sẽ rất khó coi!
Do vậy, thế giới Cực Lạc là tâm thanh tịnh của chính mình, do thiện ý, mỹ ý biến hiện ra. Thế giới Sa Bà của chúng ta là do tâm nhiễm ô, do ác ý, ác niệm biến hiện ra. Bản thân hết thảy vạn vật vốn chẳng có ý niệm, chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, chỉ là có linh tri, chứ không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Hữu tình chúng sanh có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; vô tình chúng sanh bị chuyển theo ý nghĩ của quý vị. Do vậy, kinh thường nói “cảnh tùy tâm chuyển” (cảnh chuyển theo tâm). Đó là một nguyên lý, nguyên tắc căn bản, phải tin tưởng sâu xa, chớ nên nghi ngờ! Từ nơi đâu để thực hiện [chuyển cảnh theo tâm]? Từ thiện ý, từ nơi ý niệm của quý vị mà thực hiện, sửa đổi toàn bộ hết thảy ý niệm ác và tư tưởng ác, đổi thành thiện ý, đổi thành mỹ ý thì thế giới này trở thành tốt đẹp, thành thiện mỹ, thành “liên trì hải hội”.
Chữ “Phật Bồ Tát” chẳng cần phải giải thích nữa. Do vậy, quý vị hãy nghĩ xem: Câu này bao gồm những nghĩa lý rộng sâu vô tận, dù chúng tôi ngày ngày giảng nói, giảng suốt cả trăm năm cũng chẳng giảng hết. Hôm nay hết giờ rồi, chúng tôi giảng đến đây thôi.
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm
Pháp Sự Toàn Tập Giảng Ký
中峰三時繫念法事全集講記
Tập 6: 48:53 – 56:29
Chủ giảng: Lão pháp sư Thích Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Viện Úc Châu
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Nam Mô A Di Đà Phật!
Discussion about this post