Đại Sư dạy:
Phải một lòng qui mạng, trọn đời tinh tấn tu hành thanh tịnh, khi ngồi nằm thường hướng về Tây. Lúc lễ bái, niệm Phật, phát nguyện, phải khẩn thiết chí thành, không xen lẫn tạp niệm, phải tưởng tượng như mình đang bị hình phạt xử án nặng nề, như kẻ đang chịu cảnh lao tù khổ sai, như người bị oán giặc rượt đuổi, như bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn bức bách, một lòng cầu cứu, nguyện thoát những cảnh khổ sở khốn cùng, mau chứng được vô sanh để nối ngôi Tam Bảo, đền đáp được bốn ân trọng, cứu độ được loài hàm thức chúng sanh khác. Chí thành như thế tất công phu không uổng. Trái lại, nếu lời và hạnh không ứng hợp nhau, lòng tin tưởng không vững chắc, niệm lực thường gián đoạn không tương tục, đem sự biếng trễ ấy để mong vãng sanh thì e ngại đến lúc lâm chung khó gặp bạn lành, bị sức nghiệp báo lôi kéo, sự đau khổ bức bách mà đánh mất chánh niệm. Vì sao? Bởi việc hiện tại là nhân, lúc lâm chung là quả, nhân phải cho thật, quả mới không hư, như âm thanh lớn thì tiếng vang dội rền xa, như hình ngay bóng mới thẳng vậy. Qủa báo khổ vui đều do tâm tạo ra. Tâm nóng giận tà dâm là nghiệp địa ngục, tâm tham lam bỏn xẻn là nghiệp ngạ qủy, tâm ngu si hôn ám là nghiệp súc sanh, tâm ngã mạn cống cao là nghiệp A Tu La, giữ trọn năm giới là nghiệp làm người, tinh tu 10 điều lành là nghiệp Trời, chứng ngộ Nhân Không là nghiệp Thanh Văn, rõ pháp Nhân Duyên đều không là nghiệp Duyên Giác, tu hành sáu độ ba la mật là nghiệp Bồ Tát, lòng chơn từ bình đẳng là nghiệp Phật. Nếu tâm trong sạch thì hóa sanh về Tịnh Độ, ở nơi bảo các, hương đài; nếu tâm dơ nhiễm thì gởi chất nơi uế bang, ở cõi núi gò hầm hố. Muôn cảnh đều do tâm tạo, lìa nguồn tâm ra không có hình thể chi, vậy muốn được quả lành, phải tu nhân tịnh vậy.
Discussion about this post