Kinh văn: “Sở vị thiện nhân, nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi, phước lộc tùy chi, chúng tà viễn chi, thần linh vệ chi”.
Tiêu chuẩn làm người thiện rất nhiều, tiêu chuẩn cao nhất đó là đại thánh đại hiền, trong “Kinh Vãng Sanh” gọi là “nơi các bậc thượng thiện cùng hội tụ”. Câu nói này không phải là Phật tùy tiện nói, mà thật sự là Phật đã lập ra tiêu chuẩn cho chúng ta. Tiêu chuẩn này chính là “Tịnh Nghiệp Tam Phước” ở trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, ba điều mười một câu đều làm được thì đó chính là thượng thiện. Nếu như làm được hai điều phía trước, một điều phía sau chưa làm được thì đó là trung thiện. Nếu chỉ có thể làm được điều thứ nhất, còn điều thứ hai và điều thứ ba chưa làm được thì là hạ thiện. Thế nhưng điều thứ nhất người làm được không nhiều, cho nên người niệm Phật nhiều, mà người vãng sanh ít. Tại sao vậy? Sanh về Thế giới Tây phương Cực Lạc nhất định là người thiện.
Ở trong điều thứ nhất có bốn câu; câu thứ nhất là “hiếu dưỡng phụ mẫu”, câu thứ hai là “phụng sự sư trưởng”, câu thứ ba là “từ tâm bất sát”, câu thứ tư là “tu thập thiện nghiệp”. Bốn câu này chúng ta có làm được chưa? Nếu như bốn câu này bạn chưa làm được, thì cho dù bạn niệm Phật ngày đêm không gián đoạn, cổ nhân gọi là bạn niệm đến mức giống như tường đồng vách sắt, nhưng vẫn không thể vãng sanh. Tại sao vậy? Vì bạn không phải người thiện. Thế giới Cực Lạc là nơi người thiện tụ hội, không những là người thiện, mà là người thượng thiện tụ hội, vậy bạn sao có thể đến đó được? Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói điều kiện với chúng ta là “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”.
Câu “phát Bồ Đề tâm” này là ở chỗ nào vậy? Trong Tam phước, câu đầu tiên của điều thứ ba: “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, đây là thượng thiện. Cho nên, người phát tâm Bồ Đề chính là người thượng thiện. Sao gọi là tâm Bồ Đề? Tâm Bồ Đề là tâm giác ngộ chân chánh. Bồ Đề là tiếng Phạn, ý nghĩa là giác ngộ, thật sự giác ngộ rồi. Tiêu chuẩn của giác ngộ là gì? Trong “Kinh Kim Cang” nói “phàm cái gì có tướng đều là hư vọng”, đây chính là tiêu chuẩn của giác ngộ. Nếu như bạn đối với câu nói này thật sự giác ngộ rồi, thì cái gì bạn cũng buông xả hết, làm gì còn có cái không thể buông xả chứ? Là hư vọng mà, không có gì mà không buông được! Buông xả được thì không còn là phàm phu, mà là đại thánh, đại Thánh đã buông xả triệt để rồi. Câu kinh văn này chúng ta đọc rất quen thuộc, nhưng mà đạo lý ở trong đó chưa có tham thấu. Chúng ta chưa buông xả là chúng ta chưa có giác ngộ. Phật dùng ví dụ nói cho chúng ta biết, chân tướng của vũ trụ nhân sinh “như mộng huyễn bèo bọt, như sương như điện chớp”, bảo chúng ta “nên quán sát như thế”. Cách nhìn như vậy là cách nhìn của chư Phật Như Lai, là cách nhìn chân thật nhất, không hề thấy sai tí nào cả. Thật sự thấy tất cả pháp rõ ràng, thấy minh bạch rồi, bạn vẫn còn có lo buồn, còn có phiền não sao? Trong tâm bạn còn có vướng bận sao? Không có, không lo nghĩ gì nữa. Đó chính là chỗ mà Đại Sư Huệ Năng đã nói, “xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi dơ”. Tại sao Ngài có thể làm được? Đối với hai câu nói của Phật, Ngài thật sự hiểu rõ rồi, đây chính là tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề hiện tiền, thực hiện vào trong đời sống thì hiếu dưỡng phụ mẫu mới có thể làm viên mãn.
Sao gọi là hiếu? Phần trước đã nói với quí vị rất nhiều rồi, cổ nhân nói rất hay, chữ “hiếu” này là hợp cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái thành một người, đây là hiếu. Nó không phải phân chia ra, nó là một cái chỉnh thể. Cha con, anh em, vợ chồng, con cái là một chỉnh thể. Chúng ta xem ra cũng khá, nói thật là có mấy phần giống là tiểu hiếu. Bạn thử xem chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ, các Ngài hợp hư không pháp giới tất cả chúng sanh thành một thể, cái hiếu này mới viên mãn. Nếu như chúng ta đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, “anh là anh, tôi là tôi”, thì là đại bất hiếu. Ý nghĩa của chữ “hiếu” bạn cũng không hiểu thì bạn làm sao thực hiện được? Chư Phật Như Lai, chư đại Bồ Tát, các Ngài đương nhiên là như ở đây đã nói, “nhân giai kính chi, thiên đạo hựu chi”, chữ thiên đạo đó là thiên thần phù hộ họ, bảo vệ họ. Họ hợp hư không pháp giới tất cả chúng sanh thành một thể, cho nên mới có cảm ứng như vậy, đó mới gọi là người thiện chân thật. Chúng ta tự mình thử nghĩ, đến khi nào mới có thể đạt đến trình độ này? Nói ở trên lý, chỉ trong khoảng một niệm, chỉ cần bạn đem ý nghĩ chuyển trở lại, bạn liền chuyển phàm thành Thánh, liền chuyển mê thành ngộ. Ý nghĩ không chuyển lại được thì vĩnh viễn lang thang trong sinh tử của phàm phu. Ý nghĩ chuyển trở lại rồi, liền siêu phàm nhập Thánh.
Chúng ta phải bắt đầu chuyển từ đâu? Chính là đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chuyển trở lại. Cái thứ này hại chúng ta vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tạo lục đạo luân hồi, kết vô lượng vô biên ân oán nợ nần với tất cả chúng sanh. Có thể trả hết không? Không thể. Cái ân oán nợ nần này, chỉ có từng đời từng đời tăng lên thêm, chắc chắn tiêu trừ không nổi. Quí vị thử nghĩ, có phải là tình trạng này hay không? May mà Phật đem chân tướng sự thật này nói rõ cho chúng ta biết, những ân oán nợ nần này là giống như bóng đen vậy, tuy đời đời kiếp kiếp đang tích lũy, đang tăng thêm, nhưng nó luôn là một vùng đen tối, một ngọn đèn liền đem nó phá tan, cái gọi là buồng tối ngàn năm, một ngọn đèn này là có thể phá trừ nó. Đây là nói cái gì vậy? Quay đầu là không còn nữa. Đọa lạc ở bên trong thì đền trả không có ngày dứt, điều đáng quý là biết quay đầu. Ân đức của Phật đối với chúng ta là ở chỗ này, không có lời dạy của Phật thì chúng ta đâu có biết những chân tướng sự thật này, làm sao biết quay đầu? Đây là đại ân đại đức của Phật đối với chúng ta. Quay đầu trở lại, đây mới gọi là người thiện thật sự. Thế chúng ta biết bản thân chúng ta có vô lượng vô biên tội lỗi, điều này đâu phải là giả. Bản thân ta có vô lượng vô biên tội lỗi, tất cả chúng sanh cũng có vô lượng vô biên tội lỗi, không có khác gì với chúng ta. Ta có thể thứ lỗi cho mình, có thể tha thứ mình thì tại sao không thể tha thứ người khác, thứ lỗi người khác? Cổ nhân dạy người rất hay, dạy chúng ta lấy cái tâm tha thứ mình, tha thứ cho người, thì oan kết với người liền có thể hóa giải; dùng cái tâm chỉ trích người khác để chỉ trích mình, mới có thể sửa chữa lỗi lầm. Đây là những lời dạy rất hay, chúng ta cần nhớ kỹ, cần nên y giáo phụng hành.
Hiếu dưỡng phụ mẫu là dưỡng cái thân của cha mẹ, dưỡng tâm của cha mẹ, dưỡng chí của cha mẹ, đem tâm lượng hiếu dưỡng cha mẹ mở rộng đến tất cả chúng sanh, xem tất cả chúng sanh đều là cha mẹ ta, tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai, hiếu dưỡng, phụng sự đạt đến hư không pháp giới thì cái thiện hạnh này mới viên mãn. Phật làm được rồi, Pháp Thân Đại Sĩ làm được rồi, tại sao chúng ta làm không được? Chính là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước làm hại chúng ta, hại chúng ta không làm được, hại chúng ta vĩnh viễn làm người ác. Lấy tiêu chuẩn của người thiện đó ở trong Phật pháp, chúng ta ngoài rìa cũng còn chưa chạm được, đây là điểm khó của Phật pháp. Nhưng mà cái điểm khó này không phải không thể khắc phục, nếu bạn có quyết tâm, có nghị lực, có trí tuệ thì bạn có thể khắc phục. Trí tuệ là hiểu rõ chân tướng sự thật. Quyết tâm, nghị lực khắc phục vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, cảnh giới của bạn liền được nâng cao, nâng cao với biên độ lớn.
Chúng ta ngày nay tuy nói là phát tâm rồi, học Phật rồi, muốn giúp đỡ chúng sanh, thực ra là có ý nghĩ như vậy, nhưng ý nghĩ này là vô cùng yếu ớt, hay nói cách khác, không có coi chúng sanh ra gì, coi trọng bản thân mình, coi mình lúc nào cũng 99%, chúng sanh chỉ chiếm 1%, không hề suy nghĩ thay người khác, không có ý nghĩ thật sự giúp đỡ người khác, cho nên trí tuệ không khai. Người khác không có lỗi, lỗi đều ở chính mình. Thật sự muốn tu thiện, Phật pháp dạy học có ba giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là đoạn ác tu thiện. Tiêu chuẩn thấp nhất của thiện ác chính là thập ác nghiệp, thập thiện nghiệp, tiêu chuẩn thấp nhất này vẫn chưa có đạt đến ngũ giới. Phật giáo hóa chúng sanh, tiêu chuẩn thấp nhất chúng ta có làm được chưa? Môn học này thật sự làm tốt rồi, học tập viên mãn rồi thì từ đây mới nâng lên đến năm giới, nâng lên đến mười giới. Nếu như các bạn nghĩ đến được chỗ này thì sao có thể không hổ thẹn? Bạn thọ giới gì chứ? Mười thiện của người thế gian còn làm không được thì nói gì đến giới? Hiện nay mọi người cùng nhau sống lây lất qua ngày, không có cần mẫn làm. Nếu thật sự cần mẫn làm, chắc chắn không được phép mơ mộng viễn vông. Bạn xuất gia, người ta gọi bạn một tiếng “sư phụ”, một tiếng “sư phụ” này là đưa bạn đi đến địa ngục A-tỳ rồi. Tại sao vậy? Bạn có phải là sư phụ không? Bạn có xứng làm sư phụ không? Sư phụ, mức tối thiểu là ngũ giới, thập thiện phải làm được. Làm được thập thiện mà chưa làm được ngũ giới, vẫn không thể gọi là sư phụ. Đây là chúng ta đem tiêu chuẩn hạ thấp đến mức không thể thấp hơn rồi, còn thấp hơn tiêu chuẩn của Phật. Tiêu chuẩn của Phật gọi bạn là tiểu sư. Tiểu sư là gì? Là Sa-di. Thử hỏi xem, “Mười giới Sa-di”, “Hai mươi bốn oai nghi” bạn có làm được chưa? Làm được rồi mới gọi là tiểu sư. Người ta xưng hô bạn, danh không phù hợp với thực là bạn phải đọa lạc. Cái danh xưng này dễ xưng hô sao? Thế mà còn xưng là Đại Sư, vậy thì nguy to. Người thế nào mới được xưng Đại Sư? Pháp Thân Đại Sĩ mới được xưng Đại Sư. Ở trong cửa Phật chúng ta, quí vị thử xem “Cao Tăng Truyện”, có người nào dám xưng là Đại Sư? Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Quan Âm đều không dám xưng, các Ngài xưng là Đại Sĩ, không dám xưng Đại Sư. Ai xưng Đại Sư vậy? Chỉ có Phật mới xưng là Đại Sư. Cái danh xưng này dám tùy tiện gọi sao? Bạn không phải Phật, người ta gọi bạn là Đại Sư, đó là bạn giả mạo Phật, mạo xưng Phật thì nguy to! Bạn đi ra ngoài giả mạo tổng thống, lập tức người ta bắt bạn đi ngồi tù rồi, đi xử tội rồi, vậy bạn giả mạo Phật thì có nguy không? Cho nên chúng ta phải luôn hiểu rõ, học Phật chính là học làm một người sáng suốt, không nên học thành một người mơ hồ. Người thật thà vẫn còn có được rất nhiều người tôn kính. Tại sao vậy? Vì bạn là người thật thà, bạn là người yên phận. Thật thà, yên phận, nhất định không thể cuồng vọng, không thể hư ngụy, không thể kiêu mạn. Cần mẫn nỗ lực học tập theo Phật, nhất định phải đoạn tập khí. Tập khí phiền não của chúng ta quá nặng, quá nặng. Tập khí xấu nhất chính là ưa thích dò hỏi chuyện của người khác, trong đầu đầy thị phi nhân ngã, đây là tập khí xấu nhất, dễ dàng tạo nghiệp nhất. Nếu như là làm cái việc phá hoại Tam Bảo thì tội nghiệp này là nặng rồi, trong “Kinh Phát Khởi Bồ Tát Chí Nhạo”, Phật nói tội nghiệp này là đọa ở địa ngục A-tỳ, vậy tại sao bạn phải tạo nghiệp? Bạn có cái miệng này, tại sao không khuyên người làm việc tốt nhiều hơn, mà lại muốn nói lỗi lầm của người ta, muốn tạo vô lượng vô biên tội nghiệp? Một người thông minh hay hồ đồ sẽ bộc lộ ra vô cùng rõ rệt ở chỗ này, người thiện người ác cũng ở chỗ này mà biện biệt ra được.
Đọc kinh, dạy học chẳng qua là để rõ lý. Thế xuất thế gian việc đại thiện hàng đầu chính là dạy học. Khổng Lão Phu Tử cả đời dạy học, Phật Thích Ca Mâu Ni cả đời dạy học, bản thân các Ngài dạy người chính là có hai sự việc, thứ nhất là dạy học, thứ hai là sửa lỗi. “Học rồi mà không chịu dạy, có lỗi mà không chịu sửa”, đây là hai sự việc mà Khổng Lão Phu Tử cả đời lo buồn. Học rồi mà không chịu dạy, bạn học rồi thì phải giảng, bạn hiểu cái ý nghĩa này không? Học rồi thì phải giảng, giảng nhiều cho người khác nghe, đến khắp nơi khuyên bảo mọi người. Có lỗi thì phải sửa. Bạn học rồi không chịu giảng, chính là lỗi lầm lớn nhất của bạn. Bạn nói:“Tôi không có cơ hội giảng thì sao?”. Từ sáng đến tối, bạn không có gặp được một người nào sao? Gặp được một người thì giảng với một người, gặp được hai người thì giảng với hai người. Nếu thật sự không gặp được ai, thì làm giống như Sanh Công vậy, giảng cho đá nghe. Ưa thích giảng, ưa thích độ chúng sanh, ưa thích giúp đỡ người khác. Bạn nên biết, khuyên người khác cũng là khuyên mình. Số lần khuyên nhiều rồi, thời gian lâu rồi như mưa dầm thấm đất, ở trong vô hình trung, mình đã có thay đổi, chính mình thật sự tỉnh ngộ trở lại. Có thể thấy hiệu quả của dạy học là lớn biết bao, sao có thể không giảng được? Hiện nay là thuận tiện hơn nhiều so với trước đây. Bạn mua máy ghi âm, mua máy ghi hình, không có người giảng thì giảng vào đó. Sau khi giảng xong khi mở ra, thử nghe lại. Bạn giảng cho máy nghe, máy giảng lại cho bạn nghe. Điều này ở thời đại ngày nay, lợi dụng khoa học kỹ thuật cao tu học, ngăn lỗi, khuyến thiện. Chúng ta dùng phương pháp này để giúp đỡ mình, có cơ hội phải giúp đỡ người khác, nhất định không được bỏ lỡ cơ hội. Ta biết bao nhiêu thì giảng bấy nhiêu, cái gì không biết thì không giảng, vậy thì tránh phải giảng sai. Cái gì biết thì cần nên giảng, có gì nghi ngờ nhất định phải hỏi, thỉnh giáo người khác, lắng nghe sự hướng dẫn của người khác nhiều. Khi có những ý kiến bất đồng thì cần phải có trí tuệ năng lực biện biệt, cần có tâm lượng bao dung rộng lớn, chúng ta mới có thể khai trí tuệ, như vậy ở trên đạo nghiệp mới có tiến bộ. Mấy câu tiếp theo đều dễ hiểu, không cần nói nhiều.
“Nhân giai kính chi”. Đây là điều rõ ràng dễ thấy, như Khổng Lão Phu Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni, chư Bồ Tát là người của mấy ngàn năm trước, người hiện nay nhắc đến vẫn là tôn kính.
“Thiên đạo hựu chi”, thiên thần phù hộ họ.
“Phước lộc tùy chi”. Bạn thật sự có tâm thiện, ý thiện, hạnh thiện, thì không có phước báo bạn cũng được phước báo. Phước từ đâu mà có vậy? Phước từ thiện mà có. Cảm ứng của thiện chính là phước lộc.
“Chúng tà viễn chi” (“tà” là chỉ yêu ma quỷ quái), yêu ma quỷ quái tự nhiên sẽ tránh xa bạn.
“Thần linh vệ chi”, thần hộ pháp bảo vệ bạn. Đây là nói quả đức, bạn nhất định đạt được.
*********************
Xin xem tiếp “Cảm Ứng Thiên”, đoạn thứ 35 và 36. Đoạn thứ 35 là “Sở tác tất thành, thần tiên khả ký”. Đoạn thứ 36 là “Dục cầu thiên tiên giả, đương lập nhất thiên tam bách thiện. Dục cầu địa tiên giả, đương lập tam bách thiện”. Kinh văn đến chỗ này là giảng xong phần thiện báo. Trở xuống đây là phần ác báo, là đoạn lớn thứ tư. Trước đây chúng ta có phân đoạn, đem đoạn văn tự này đặt tên là “Thành Sở Tác”, tức là thành tựu việc mà mình làm.
“Sở tác tất thành”, câu nói này vô cùng khẳng định, nói rõ với chúng ta thiện nhân thiện quả. Phạm vi của câu nói này vô cùng rộng lớn. Ở trong tiểu chú nói: “Thế gian không có việc gì không thành. Người trong thiên hạ đều có thể làm được”. Hai câu nói này hay. Mỗi người đều có thể hành thiện, mỗi người đều có thể thành tựu sự nghiệp mà họ kỳ vọng, cái gọi là “hữu nguyện tất thành”. Đây là thánh hiền, chư Phật Bồ Tát từ xưa đều nói như vậy. Nhưng theo kinh nghiệm bản thân trong một đời này của chúng tôi, dường như là muốn làm một việc tốt thì đều gặp rất nhiều khó khăn, cái gọi là “việc tốt thường nhiều dày vò”, đây là sự thật. Hai cách nói này rốt cuộc có mâu thuẫn hay không? Cách nói nào là chính xác. Chúng ta cần tham tường thật kỹ, cũng chính là người hiện nay nói là nghiên cứu tỉ mỉ. Việc tốt thường nhiều dày vò là sự thật, mà dày vò từ đâu mà ra, điều này chúng ta phải biết. Nếu không thể khắc phục ma chướng thì việc tốt cũng không thể thành tựu, đặc biệt là ở xã hội hiện tại. Tại sao vậy? Bạn làm một việc tốt, chắc chắn có hại đến lợi ích đang có của một số người, cho nên những người này nhất định nhảy ra chướng ngại, chúng ta thường nói đố kỵ chướng ngại. Lời nói này có ý nghĩa rất sâu rộng. Nhưng mà Thánh nhân nói “gieo nhân thiện được quả thiện, thiện hạnh nhất định có thành tựu”, lời nói này cũng là chính xác. Vấn đề là bạn phát tâm có thuần hay không, có chánh hay không? Nếu bạn phát tâm thuần chánh, cái gọi là “đắc đạo giả đa trợ”. Ma chướng chắc chắn có. Thế Tôn thị hiện thành Phật còn có ma chướng. Bồ Tát tu hành chứng quả đâu có ác ý gì, tâm địa các Ngài thật là thuần thiện, vậy mà vẫn có ma chướng. Chúng ta biết ma chướng có từ vô thỉ kiếp đến nay, kết ân oán nợ nần với chúng sanh, ân báo không hết, oán cũng không có cách gì dứt hết được, nợ nần trả không xong, như vậy bạn mới biết sự vướng víu ân oán nợ nần là nguyên nhân vẫn phải gặp ma chướng của Bồ Tát thành Phật. Chúng ta cũng là quá khứ đời đời kiếp kiếp, vô lượng kiếp đến nay cũng làm những việc này, cho nên ngày nay trên đường Bồ Đề, mặc dù muốn làm sự nghiệp lợi ích tất cả chúng sanh, không có mảy may ý nghĩ tự tư tự lợi, nhưng vẫn không thể tránh khỏi ma chướng. Bồ Tát có trí tuệ, người học Phật chính là phải học trí tuệ này. Khởi dụng của trí tuệ là làm sao tiêu trừ ma chướng, làm sao chuyển ma chướng thành trợ lực, đây là trí tuệ, là điểm mà chúng ta phải học ở Thế Tôn. Thế Tôn có thể đem ma vương, khiến họ chuyển biến thành hộ pháp, chân thành cảm hóa nhân tâm, chỗ chúng ta thiếu sót chính là chỗ này, không có thành ý. Tâm tốt là rất hay, nhưng tâm của chúng ta vẫn chưa đủ tốt, cho nên vẫn không có cách gì cảm hóa tâm chúng sanh. Đây là điểm chúng ta cần cố gắng, cần nỗ lực.
Trong chú giải phía dưới có mấy câu nói rất hay. “Duy dĩ thực tâm hành thiện”. Cái thực tâm này chính là tâm chân thành, ở trong Phật pháp gọi là tâm Bồ Đề, nhà Nho gọi là thành ý, chánh tâm. Câu này ý nói dùng thành ý, chánh tâm để hành thiện.
“Tắc nhân sự ký hợp thiên tâm”. Chỗ này nói “thiên tâm”, chính là nhà Phật gọi là tánh đức. Bạn khởi tâm động niệm, hành vi tạo tác tương ưng với tánh đức.
“Nhi thiên ý khởi vi nhân nguyện”. Chữ “thiên ý” này là chỉ trời đất quỷ thần. Bạn dùng chân tâm, dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi thì quỷ thần kính ngưỡng bạn, ngay cả oan thân trái chủ của bạn nhìn thấy rồi họ cũng khâm phục, cũng kính ngưỡng, cho dù không giúp đỡ bạn, họ cũng không làm hại bạn. Đây là đạo lý nhất định.
Nói thật ra, giáo dục vào thời xưa không giống với giáo dục hiện nay, người thời xưa hiểu được đạo lý này. Cho dù người này có mối thù giết cha của ta, mối thù không đội trời chung này nhất định phải trả thù. Nhưng mà người này đang làm việc cho xã hội, vì đại chúng phục vụ thì mối thù này hiện nay không được báo. Tại sao vậy? Nếu chúng ta báo thù, đem họ giết đi, chúng sanh sẽ không có phước, hiện nay họ thật sự đang làm việc vì chúng sanh. Đợi đến khi nào mới báo vậy? Đợi đến khi họ thôi làm việc, nghỉ hưu mới trả thù họ. Khi họ không vì đại chúng phục vụ, vào lúc này mới báo thù. Đây là lễ xưa của Trung Quốc. Ví dụ, họ hiện nay làm trưởng huyện thị, trưởng huyện thị thì phục vụ nhân dân một huyện thị, không những không được báo thù mà còn phải giúp đỡ họ, còn phải thành tựu họ. Tại sao vậy? Họ vì chúng sanh, vì xã hội, không phải vì cá nhân họ, vậy mới gọi là hiểu đạo lý. Người hiện nay không có tiếp nhận kiểu giáo dục này, nên không có biết đạo lý này, không biết chướng ngại hành vi thiện, cử chỉ thiện của một người là gây nên sự tổn hại to lớn cho toàn bộ xã hội, cho tất cả chúng sanh. Bạn báo thù là đúng, nhưng trách nhiệm nhân quả này bạn phải gánh. Người thật sự có trí tuệ, họ thấy rất rõ ràng, món nợ đó họ mới có thể tính được rõ ràng. Người ngu bình thường làm sao biết được? Những sự việc này, quy cho cùng vẫn là vấn đề giáo dục. Cho nên, sự gợi ý của Khổng Lão Phu Tử cho chúng ta là: “học rồi không thể không giảng”. Hàng ngày dạy học chính là giáo hóa chúng sanh. Dạy học, không cần thiết phải có nơi chốn nhất định, cũng không cần thính chúng nhất định, tùy lúc tùy nơi, Phật pháp nói là tùy duyên, tùy loại hiện thân, tùy duyên thuyết pháp; dùng cách nói hiện nay để nói là cơ hội giáo dục, ba người, năm người, bất kể ở chỗ nào. Khi tôi còn nhỏ, có nhìn thấy các cụ ngày xưa dạy học, phần lớn là ở quán trà. Ở quán trà, có năm, ba người bạn cùng nhau uống trà, họ ở nơi đó giảng đạo lý lớn, người uống trà bên cạnh cũng đều đang nghe, vô cùng có ý vị; lắng nghe họ nói chuyện, tăng trưởng tri thức, tăng trưởng kiến thức, cho nên quán trà chính là phòng học. Nhưng mà những nông thôn khác có thể không có hiện tượng này. Văn phong quê hương tôi tương đối thịnh, mọi người biết, triều Thanh có phái Đồng Thành, là xuất hiện ở quê hương tôi. Cho nên các bạn nhỏ ở nông thôn tôi đều đi học, đều biết viết chữ. Chúng tôi nghĩ rằng nông thôn khác cũng vậy, nhưng nghe nói nông thôn khác không giống như nông thôn chúng tôi, văn phong của chúng tôi rất thịnh, mãi cho đến hiện nay, mặc dù ít rồi nhưng vẫn còn có chút gốc rễ. Cho nên Phu Tử nói ý nghĩa của hai câu này, chúng tôi đã có sự thể hội rất sâu. Cách làm này của người xưa rất đáng để chúng ta noi theo, chúng ta cần phải nên học tập theo họ.
Trong tứ vô ngại biện tài của nhà Phật, cái cuối cùng là “nhạo thuyết”, ưa thích nói, ưa thích dạy người. Người ta đến thỉnh giáo, đương nhiên bạn phải dạy họ. Người ta không có đến thỉnh giáo, Bồ Tát làm bạn không mời. Người ta không thỉnh, bạn không được kéo họ đến để dạy họ, việc đó không hợp lý. Bạn giảng cho người quen của bạn, khiến họ ở bên cạnh nghe, đây chính là vì họ làm người bạn không mời. Thực ra hoài nghi của chúng sanh là vô lượng vô biên, có mấy người biết hướng về Phật mà thỉnh pháp? Chúng ta xem thấy trong Kinh điển. Người hướng về Phật thỉnh pháp, đều là Phật Bồ Tát hóa thân thị hiện. Từ đó cho thấy, Thế Tôn cũng thường xuyên làm người bạn không mời của chúng sanh. Thâm nghĩa, mật nghĩa ở trong đây (chữ “mật” này không phải bí mật mà là thâm mật), chúng ta phải có năng lực thể hội.
Tóm lại, niệm niệm hy vọng tất cả chúng sanh có thể phá mê khai ngộ, gợi mở trí tuệ chân thật của họ, niệm niệm mong cầu tất cả chúng sanh đoạn ác tu thiện. Phá mê khai ngộ là trí, đoạn ác tu thiện là đức. Phật Bồ Tát, các bậc Thánh hiền ở thế gian, việc họ làm chính là mỗi một việc như vậy, ngoài sự việc này ra, họ đối với thế gian này quả thật là chẳng cầu mong gì cả, thật sự triệt để làm được “không tranh với người, chẳng cầu gì ở đời”. Đây là tấm gương tốt chân thật cho chúng ta tu học. Cho nên chúng ta phải thật sự phát tâm Bồ Đề. Nhà Phật nói tâm Bồ Đề , trên thực tế, nhà Nho cũng là nói tâm Bồ Đề . Quí vị đem điều mà nhà Nho với nhà Phật nói, so sánh thử sẽ hiểu ngay. Nhà Nho nói “thành ý”, trong “Quán Kinh” nói “tâm chí thành”, bạn thử nghĩ, “thành ý” với “tâm chí thành” có giống nhau hay không? Nhà Nho nói “chánh tâm”, trong Kinh nói “thâm tâm”, “hồi hướng phát nguyện tâm”. Nhà Nho chỉ nói một cái (là chánh tâm), còn Phật pháp nói hai cái. Thâm tâm là tự thọ dụng, hồi hướng phát nguyện tâm là tha thọ dụng. Cho nên, Thánh nhân thế xuất thế gian đều là lấy tâm Bồ Đề làm căn bản. Tự thọ dụng của chánh tâm chính là thâm tâm. Thâm tâm là ưa thiện mến đức, ở trong tâm không có mảy may ác ý. Hồi hướng phát nguyện tâm chính là trong “Khởi Tín Luận” gọi là “đại từ bi tâm”, dùng tâm từ bi đối xử người. Chí thành là thể của tâm Bồ Đề, thâm tâm là tự thọ dụng của tâm Bồ Đề, hồi hướng phát nguyện tâm là tha thọ dụng của tâm Bồ Đề. Nhà Nho nói đơn giản, thành ý là thể, chánh tâm là khởi dụng, sau đó mới có thể làm được tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Chữ bình thiên hạ này là thiên hạ tất cả chúng sanh có được bình đẳng, là cái ý này. Dùng tâm thanh tịnh, bình đẳng đối xử tất cả chúng sanh, đây là ý nghĩa của bình thiên hạ.
“Tự nhiên mặc trợ, hành vô bất thông, tác vô bất thành”. Hai câu nói này, ở trong Phật pháp chúng ta gọi là chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần giúp đỡ bạn, không có gì khác, chính là một chữ “thành tâm”.
Cư sĩ Tề kể chuyện cho các bạn nghe, đạo tràng Thiên Mục Sơn có một số quỷ ở nơi đó. Quỷ đó là quỷ vừa mới từ trong địa ngục ra. Các bạn phải biết, tạo tác tội nghiệp đọa địa ngục, phải trải qua thời gian rất dài, rất dài. Họ từ địa ngục ra, cũng trú ở trên núi đó. Những quỷ thần này cũng hoàn toàn không phải rất thiện. Nhưng mà nhìn thấy bà hộ trì đạo tràng ở đó, một chút tư tâm cũng không có, cho nên những quỷ thần này hộ trì bà. Họ yêu cầu bà cho một căn phòng, bà đã kể với các bạn, đó là phòng số 8. Phòng số 8 đó cửa đóng lại, một năm mới mở một lần, chỉ cho phép một mình bà vào, người khác không được phép vào. Số quỷ từ địa ngục ra, trú ở nơi đó tu hành, những người này cũng hộ trì đạo tràng. Cho nên, tâm địa của bạn chân thành, vì Phật pháp, vì chúng sanh, những quỷ thần này họ thấy rõ ràng, họ giúp đỡ bạn. Bạn không phải tu hành chân chánh, khi sống ở trên núi, họ sẽ chọc phá bạn, bạn tuyệt nhiên không thể sống ở trên núi này. Tương lai các bạn có cơ hội thì đến núi đó ở, khảo nghiệm thử xem các bạn là tu thật hay là tu giả? Các bạn có được những quỷ thần này giúp đỡ hay không, hay là quỷ thần trêu chọc các bạn? Bà kể, có rất nhiều pháp sư muốn đến núi đó để ở, nhưng ở không nổi, hai ba ngày tự mình phải xuống núi rồi. Sự việc này chứng tỏ lục đạo luân hồi là sự thật. Thiên địa quỷ thần giúp đỡ người, chọc phá người, cái sự việc này cũng là thật. Chúng ta tự mình phải biết cảnh giác, phải biết quyết chí hướng thượng.
Cái mà Đạo gia mong cầu là hy vọng làm thần tiên. Cho nên một câu sau cùng là “Thần tiên khả ký”. Người học Phật chúng ta, chí không ở thần tiên, cũng không ở sanh thiên. Người học Phật, chí ở làm Phật, chỉ cầu vãng sanh Tịnh Độ, không giống với chỗ mà họ mong cầu. Nhưng mà làm Phật, làm Tổ, vãng sanh, thiện tâm thiện hạnh của chúng ta phải vượt qua họ. Ở chỗ này họ nói là cầu thiên tiên phải lập 1.300 thiện, địa tiên cũng phải lập 300 thiện. Điều này nói rõ với chúng ta một sự thật, thần tiên đều là người thiện. Tâm hạnh bất thiện thì chỉ có đi làm quỷ, thần tiên không có phần.
Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết, chúng ta chỉ giảng đến đây. A Di Đà Phật.
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 45)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Năm 1999
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Discussion about this post