Chào chư vị đồng tu, chào mọi người.
Xin xem đoạn thứ ba mươi ba: “Sở vị thiện nhân”. Đoạn này chỉ có một câu bốn chữ. Bắt đầu từ chỗ này đến “Thần tiên khả ký” là nói người thiện. Từ câu 33 đến câu 35, văn tự không dài, đều là nói thiện báo.
Gieo nhân thiện nhất định được quả thiện. Phước báo của người thiện không những rất lớn, hơn nữa chắc chắn là không sai. Lịch sử trong và ngoài nước, xưa nay chúng ta nhìn thấy, ở xã hội hiện nay chỉ cần lưu ý quan sát thì cũng có thể thấy rất rõ ràng, nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy.
Thiện báo như thế, ác báo cũng như thế. Chúng ta chỉ cần quan sát tỉ mỉ thì sẽ thấy, Nho gia gọi là “không phải không báo, do chưa đến lúc”. “Do chưa đến lúc”, câu nói đó cũng có đạo lý, do trong đời quá khứ dư phước, dư ác. Đời này hành thiện nhưng chưa có đạt được quả thiện là do nghiệp ác trong đời quá khứ quá nhiều, cho nên ác báo mà ta thọ nhận chưa có hết, nên thiện báo không thể hiện tiền. Đây là nguyên nhân vì sao tu thiện mà chưa có đạt được thiện quả. Người tạo ác vẫn hưởng phước là trong đời quá khứ họ tích phước nhiều, tích thiện nhiều, phước thiện của họ chưa có hưởng hết, đời này họ làm ác, khi phước dư của họ hưởng hết rồi thì quả báo liền hiện tiền. Đạo lý là như vậy. Người lơ là sơ ý, họ chỉ thấy trước mắt, cho nên có khi nảy sinh cách nghĩ sai lầm là người làm ác hưởng phước, người hành thiện thọ khổ, thế là ý nghĩ đoạn ác tu thiện của họ không còn nữa. Đây là cách nhìn sai lầm, cách nghĩ sai lầm.
Ở trong chú giải có mấy câu nói rất hay, nói cho chúng ta một tổng nguyên tắc như thế nào là thiện. “Thiện nhân chi thực, thỉ ư thị phi bất mậu, tắc trí dũng kiêm tận. Chung ư nhân ngã lưỡng vong, tắc nhân thứ kiêm hành”. Hai câu nói này rất hay, đều nói đến thiện thế gian và thiện xuất thế gian. Cho nên văn tự của “Cảm Ứng Thiên” là của Đạo giáo, chú giải có Nho gia, có Đạo gia, có nhà Phật đều hòa hợp cùng nhau, thật vô cùng hiếm có. Lời dạy của cổ thánh tiên hiền thảy đều ở trong đó.
Một việc lo buồn nhất của cả đời Khổng Lão Phu Tử chính là “học bất giảng, quá bất cải”. Từ nỗi lo buồn của Phu Tử, chúng ta có thể tự kiểm tra thấy, Thánh nhân, tại sao có thể gọi họ là Thánh nhân? Phật Bồ Tát, tại sao các Ngài có thể tu thành Phật Bồ Tát? Hai sự việc này của Phu Tử, nếu như bạn hiểu rõ ràng, hiểu minh bạch thì cái đáp án này bạn đã tìm ra rồi, một cái là dạy học, một cái là sửa lỗi. Dạy học là môn giải, sửa lỗi là môn hành; giải hành tương ưng, định tuệ đẳng học, vậy mới có thể trở thành đại thánh đại hiền, nhà Phật gọi là siêu phàm nhập thánh.
Khổng Lão Phu Tử cả đời dạy học, sửa lỗi, mỗi ngày đều sửa lỗi. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng vậy, 49 năm mỗi ngày dạy học, mỗi ngày sửa lỗi, khuyên người sửa lỗi. Đây là điểm chúng ta phải học. Ý nghĩa ở trong đây vô cùng sâu, vô cùng rộng. Người phàm phu không biết mình có lỗi lầm. Chúng ta thử nghĩ ở trong Phật pháp Đại Thừa, đến Bồ Tát Đẳng Giác vẫn còn đang sửa lỗi. Chúng ta muốn hỏi Bồ Tát Đẳng Giác có lỗi lầm gì? Họ còn một phẩm sanh tướng vô minh chưa phá, đây chính là lỗi lầm của họ. Bồ Tát Đẳng Giác còn như thế, chúng ta đâu có chuyện không có lỗi lầm. Cho nên, bạn có thể phát hiện lỗi lầm của bạn là bạn đã giác ngộ rồi, đem lỗi lầm sửa trở lại, đây gọi là tu hành chân chánh, đây chính là người thiện. Ở trong chú giải nói là “thiện nhân chi thực”, “thực” là thực chất.
Làm thế nào mới được gọi là người thiện? “Thỉ ư thị phi bất mậu”, đây là nói khởi đầu ở mức thấp nhất. Họ có năng lực biện biệt thị phi, họ có năng lực biện biệt tà chánh, họ có thể phá tà, hành chánh, cho nên “trí dũng kiêm tận”, trí là có thể biện biệt, dũng là có lấy bỏ, lấy thiện bỏ ác, đây là người thiện.
“Chung” là nói đến cảnh giới cao, cảnh giới cao nhà Phật gọi là “quên cặp nhân ngã”, trong “Kinh Kim Cang” nói là “phá bốn tướng”; không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sanh, không tướng thọ giả thì tâm đại từ bi bộc lộ ra, đây chính là người đại thiện. Từ trên tiêu chuẩn này của ông mà nói, người đại thiện là Phật Bồ Tát, người tiểu thiện là hiền nhân quân tử của thế gian. Câu nói này chúng ta phải đặc biệt coi trọng. Tại sao vậy? Ở trong Kinh luận Phật nói rất nhiều về “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, các bạn đọc quá nhiều rồi, vậy các bạn thử nghĩ, tâm hạnh của mình có phù hợp với tiêu chuẩn ở trong Kinh Phật nói hay không? Khi chúng tôi nghiên cứu Kinh giáo, cũng đã từng nhắc qua với quí vị, nhà Phật nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân” cũng có ba phẩm “thượng, trung, hạ”. Bậc hạ phẩm là nói tiêu chuẩn của thiện ở mức thấp nhất, chúng ta dùng Tịnh Nghiệp Tam Phước để nói thì mọi người dễ hiểu, đây cũng là ý của Phật.
Bậc hạ phẩm: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”. Đây là thiện nam tử, thiện nữ nhân hạ phẩm ở trong nhà Phật.
Bậc trung phẩm: “Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm uy nghi”.
Bậc thượng phẩm: “Phát Bồ Đề tâm, thâm tín nhân quả, độc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”.
Chúng ta thử nghĩ, chúng ta là thuộc phẩm vị nào? Trong Kinh Phật nói rất nhiều, rất nhiều quả báo thù thắng, phía trước đều thêm “thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Chúng ta đọc tụng, tu học không đạt được quả báo này, luôn luôn hoài nghi lời mà Phật nói ở trong Kinh, cho rằng đó chỉ là lời khuyên người, không phải sự thật, chúng ta làm theo như vậy rồi, nhưng không thể thành hiện thực. Đâu biết rằng lời Phật nói, Ngài có cái giới hạn, giới hạn chính là “thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Chúng ta thử nghĩ, chúng ta có phù hợp với tiêu chuẩn mà Phật đã nói không? Chính là điểm mà ở trong chú giải chỗ này nói, chúng ta có năng lực biện biệt thị phi, có năng lực biện biệt tà chánh hay không? Điều này chúng ta không thể không biết.
Phá bốn tướng là quá khó, không phải cảnh giới của chúng ta. Cổ nhân có nói: “Tin đồn chấm dứt nơi kẻ trí”, “trí” chính là có năng lực biện biệt. Chúng ta không có trí tuệ thì sẽ bị người mê hoặc, bị người lừa gạt. Nếu như có một chút trí tuệ nhỏ, người ta nói với chúng ta những sự việc này, chúng ta có thể điều tra một chút, thử xem có sự thật này hay không, có nên tin hay không? Có một số việc không liên quan với mình thì có thể không cần quan tâm nó. Việc có quan hệ với mình, chúng ta có thể làm một cuộc điều tra, đây là việc cần nên làm. Sau khi điều tra rồi, sự việc làm rõ ràng, làm sáng tỏ rồi, chúng ta cần phải xử lý như thế nào, tự nhiên sẽ có chừng mực, sẽ làm vô cùng thỏa đáng. Trải qua điều tra, chúng ta sẽ biết động cơ của việc đặt điều sinh sự. Có một số động cơ là có thể tha thứ được, có một số động cơ không thể tha thứ, không thể tha thứ cũng tha thứ cho họ. Nghiệp mỗi người tạo, mỗi người có quả báo.
Ở trong chú giải, phía dưới lại nói: “Huống kỳ lập tâm dụng ý, đãi kỷ đãi nhân, nội nhi ngũ thường bách hạnh, ngoại nhi sự vật cơ nghi, vô nhất chi bất tận hồ”. Đây là nói sự dụng tâm, dụng ý của người thiện. Chúng ta phần trước đã nói qua thiện tâm, thiện ý, thiện hạnh. Thuần nhất thiện tâm, đó là chân tâm; thuần nhất thiện ý, đối nhân xử thế tiếp vật, như vậy mới thật sự có thể làm được “chỉ ư chí thiện”, mà trong Phật pháp Đại Thừa gọi là tâm Bồ Đề, trong “Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ” gọi là tâm chí thành, chính là thiện tâm.
“Thâm tâm, hồi hướng, phát nguyện tâm” chính là thiện ý. Thiện ý thực hiện vào trong đời sống, thực hiện vào trong đối nhân xử thế tiếp vật chính là thiện hạnh. Thiện hạnh, nói tóm lại, không ngoài ưa thiện mến đức, không ngoài ngũ giới thập thiện, đây là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc. Thánh nhân thế xuất thế gian, các Ngài hành động tạo tác, tự hành hóa tha đều không lìa khỏi nguyên tắc này.
Phật Bồ Tát như thế, trời đất quỷ thần cũng như thế. Trời đất quỷ thần cũng ưa thiện, “thiên tâm hiếu thiện”. Trời Tứ Vương, trời Đao Lợi, quí vị đều biết là quả báo của tu thập thiện nghiệp đạo cảm được. Từ đó cho thấy, thiên nhân đều là người thiện. Người có tâm hạnh bất thiện chắc chắn không thể sanh thiên. Ở trong ngạ quỷ, súc sanh, ác nhiều thiện ít. “Kinh Đại Tạng”, mọi người tụng rất nhiều. Trong “Kinh Đại Tạng” nói cho chúng ta biết, cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, những quỷ vương này đều vô cùng lương thiện. Tâm địa lương thiện, tại sao bị đọa đến cõi quỷ, cõi địa ngục? Chúng ta xem qua liền hiểu ngay, đó là Bồ Tát hóa thân đi làm quỷ vương, làm vua trong địa ngục. Bồ Tát thị hiện ở trong đây để giáo hóa những chúng sanh ác nghiệp sâu nặng đó. Như vậy đã nói rõ, thiên nhân thiện, chúng ta tin, quỷ vương thiện là Phật Bồ Tát ở trong đó. Chúng sanh càng tạo tội nghiệp, càng phải chịu khổ nạn thì Phật Bồ Tát sẽ thị hiện càng nhiều, đây là thể hiện chân từ đại bi của Phật Bồ Tát. Cho nên cổ nhân mới nói “tâm trời ưa thiện mà ghét ác”, không ưa thích ác hạnh.
Tâm người có thiện mà không ác. Lời nói này là thật, không phải giả. Nhưng mà người hiện đại, hình như chúng ta xem ra, chỉ có ác chứ không thiện, cho nên thế gian hiện nay mới có tai nạn rất lớn. Tại sao biến thành ra như thế này vậy? Hai câu nói của Khổng Lão Phu Tử: “Học bất giảng, quá bất cải”, “quá bất cải” này chính là không chịu tu đạo. “Tu” chính là điều chỉnh.
Chúng xem thấy ở trong sách vở, chúng ta thử nghĩ, vào thời xưa, người có đạo đức, có học vấn thì thường xuyên dạy học, cho dù trong thôn có ba nhà, vẫn có anh tú tài nghèo ở nơi đó dạy học. Thính chúng chỉ có năm – ba người, tám – mười người là chuyện thường. Ở trong thành thị dạy học quy mô lớn hơn, mấy chục người nghe, một vài trăm người nghe. Khi tôi còn trẻ thơ, khoảng 7 – 8 tuổi, vào thời đó tôi còn nhớ rất rõ ràng, phong khí dạy học ở quê nhà chúng tôi rất thịnh. Người đi học phần lớn là mượn từ đường để dạy học (vào thời đó có từ đường). Ở trong tự viện, pháp sư xuất gia giảng Kinh, không có đạo tràng nào mà không có người giảng Kinh. Cho nên xã hội ổn định, lòng người hướng thiện, không tạo ác nghiệp. Xã hội hiện nay tại sao biến thành như thế này? Không có người dạy học, không có người giảng Kinh. Cho nên nỗi lo buồn của Khổng Lão Phu Tử là tuyệt đối chính xác.
Ngày nay có rất nhiều người nhìn thấy đạo tràng Cư Sĩ Lâm rất hưng vượng, hưng vượng ở chỗ nào vậy? Hàng ngày có người đang giảng Kinh, hàng ngày có người đang niệm Phật, như vậy mà hưng vượng lên. Nếu bạn biết được đạo lý hưng vượng này, bạn chủ trì đạo tràng, mời pháp sư đến giảng Kinh, chẳng phải đạo tràng của bạn hưng vượng rồi sao? Cư sĩ Lý Mộc Nguyên chủ trì đạo tràng này, mời chúng tôi đây đến giảng Kinh, xây đạo tràng cho chúng ta, xây Niệm Phật đường cho chúng ta, xây dựng nên một môi trường dạy học, tu học cho chúng ta, ông làm hộ pháp, đạo tràng này chính do như vậy mà hưng vượng lên. Việc này mỗi người đều có thể làm, đây là việc đại thiện, người thiện, việc thiện chân thật. Người thiện này làm việc thiện đứng hàng đầu.
Chúng ta hiện nay ở nơi đây giảng vẫn không đủ, làm vẫn quá ít, đồng học chúng ta phải cần mẫn hơn, nỗ lực hơn nữa. Chúng ta học thành rồi, tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người đến mời. Singapore còn rất nhiều đạo tràng chưa có người đến giảng. Cũng có một số người rất muốn mời chúng ta đi giảng Kinh, nhưng mà họ còn lo lắng, lo là bạn giảng Kinh ở nơi đó, sẽ kéo tín đồ của họ đi mất, tín đồ cúng dường bị bạn đem đi mất, cho nên không dám mời bạn. Bạn phải biết những nhân tố này mà trừ bỏ đi sự lo lắng của họ. Người ta mời bạn đi giảng Kinh, bạn tuyệt đối không tiếp xúc với tín đồ của họ, giảng Kinh xong rồi liền đi ngay, không chào hỏi riêng với tín đồ. Tín đồ cúng dường, toàn bộ giao cho thường trụ của họ, một xu cũng không được mang đi, vậy thì họ sẽ không còn lo lắng nữa. Tín đồ muốn quy y thì quy y với pháp sư thường trụ, bạn là người giảng Kinh, không tiếp nhận, vậy là họ tâm an vô sự, họ sẽ hoan hỷ mời bạn đi giảng thôi. Nhưng mà mỗi vị pháp sư giảng Kinh thường nhận phong bì, còn xin địa chỉ, điện thoại, tên của tín đồ, còn xin người ta một tấm hình dán vào, sợ quên mất. Bạn nói xem, còn ra thể thống gì! Nhận nhiều đệ tử quy y, khiến người thường trụ sợ chết khiếp, lần sau không còn dám mời bạn nữa. Không những không mời bạn, mà bất kỳ người nào muốn xin giảng Kinh đều từ chối, đều không muốn mời nữa. Sự việc này tôi thấy qua rồi. Cho nên, chúng ta phải biết cách làm sao để người ta không có lo lắng, hoan hỷ mời bạn đến giảng Kinh. Đem phong khí dạy học, sửa lỗi cật lực đề xướng thì xã hội mới được cứu. Bạn ham muốn một chút xíu lợi nhỏ cho mình, khiến công đức giảng Kinh mất hết, còn gây ra tội nghiệp đầy mình, làm pháp duyên giảng Kinh của rất nhiều pháp sư bị đoạn mất, bạn nói thử, tội lỗi của bạn có nặng không? Những điều này đều phải biết, biết mình phải nên làm như thế nào.
Người thiện là có tiêu chuẩn của người thiện. Bản thân chúng ta có phải người thiện hay không? Nếu như không phải người thiện, không những trong Phật pháp tu học rất khó khăn, rất khó có thành tựu, mà ngay cả đọc kinh, nghe Kinh, khai ngộ, cũng gặp phải chướng ngại.
Tốt rồi, hôm nay chúng ta chỉ giảng đến chỗ này.
A Di Đà Phật!
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 44)
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Thời gian: Năm 1999
Cẩn dịch: Viên Đạt cư sĩ, Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Discussion about this post