43. Dùng chân tâm trong công việc, dùng chân tâm trong đối nhân xử thế. Người xưa nêu ra cho chúng ta 4 chữ, trong cuộc sống hàng ngày phải phụng hành, không được sai trái. Bốn chữ này là: thành, kính, khiêm, hòa. Thành là chân thành, kính là cung kính, dùng tâm chân thành, dùng thái độ cung kính, kiêm tốn, hòa thuận. Bốn chữ này là chân tâm, chắc chắn không phải là giả, vọng tâm không làm được, chân tâm thì tự nhiên lộ ra, chúng ta chẳng thể không biết. Dùng chân tâm nhớ đến Phật, dùng chân tâm niệm Phật, một câu hay 10 câu đều không thể nghĩ bàn.
Ngày nay chúng ta đối với hiện tượng này đích thực còn có ý niệm khống chế, có ý niệm chiếm hữu, nguyên nhân vì sao? Vì chúng ta không thật sự nhận thức chân tướng sự thật. Quý vị nói không nhận thức, quý vị đọc kinh điển nhiều năm như vậy, nghe nhiều năm như vậy, nghe đến quen tai, bản thân nói được, nhưng không buông bỏ được. Đó là gì? Là “nói được không làm được, không phải trí huệ chân thật”, câu này nói rất hay. Chúng ta đạt được không phải là trí huệ chân thật, trí huệ chân thật là gì? Trí huệ chân thật là chứng ngộ, chúng ta đạt được là giải ngộ, nghe người khác nói, kinh điển đều đọc rồi, kinh điển nói như vậy, rốt cuộc không phải là cảnh giới của chúng ta.
Ngày nay chúng ta hiểu rõ, giác ngộ rồi, hiểu mà không làm, ắt phải cần chứng ngộ, phải chứng ngộ mới làm được. Làm được có nghĩa là gì? Là buông bỏ được, đây gọi là năng hành. Bao gồm những người cầu sanh thế giới Cực Lạc. Ở niệm Phật đường, quý vị thấy đường chủ, đường chủ có một câu luôn ở nơi cửa miệng để cảnh tỉnh mọi người: “buông bỏ thân tâm thế giới”. Buông bỏ thân thể, buông bỏ ý niệm, buông bỏ hết thảy trong thế gian, không được để ở trong tâm, chỉ nhớ một câu, chỉ nhớ một câu Nam mô A Di Đà Phật, hoặc là 4 chữ A Di Đà Phật, niệm liên tục như vậy là được rồi, là đã thành công, không cho phép có tạp niệm thâm nhập vào. Quý vị niệm Phật, trong đó có tạp niệm thì sẽ phá hoại sự thành công của quý vị, cho nên dù niệm có nhiều năm đi nữa công phu cũng không có hiệu quả. Vì sao không có hiệu quả? Vì có vọng niệm ở trong đó.
Công phu niệm Phật thật sự có hiệu quả, không quan trọng niệm nhiều hay ít, mỗi ngày niệm 10 vạn tiếng cũng không nhiều, niệm 10 tiếng cũng không ít. Then chốt là ở đâu? Then chốt là ở tâm của mình, chẳng có người nào không được vãng sanh. Dùng vọng tâm thì không được, dùng vọng tâm thì không thể vãng sanh. Vọng tâm là tâm như thế nào? Là tâm tự tư tự lợi, là danh văn lợi dưỡng, là thất tình ngũ dục, là tham sân si mạn. Trong cuộc sống hàng ngày, công việc, đối nhân xử thế đều dùng vọng tâm, niệm Phật cũng dùng vọng tâm, cho nên chỉ có thể kết pháp duyên với Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc mà thôi, trong đời này không khởi tác dụng, không khởi tác dụng tức là không thể vãng sanh. Chúng ta phải cầu vãng sanh trong đời này, phải thật sự cầu vãng sanh, quý vị phải dùng chân tâm, đừng dùng vọng tâm. Tâm chân thì tất cả chân, tâm chân thì tất cả chánh, quan trọng là ở nơi tâm. Dùng chân tâm cuộc sống thì sẽ hạnh phúc!
“Trí Độ Luận viết: vi thật tướng cố, cầu huệ nhãn. Đắc huệ nhãn, bất kiến chúng sanh, tận diệt nhất dị tướng, xả ly chư trước, bất thọ nhất thiết pháp, trí huệ tự nội diệt, thị danh huệ nhãn”. Trong Trí Độ Luận nói, nói rất hay. Vì sao cầu huệ nhãn? Là vì thật tướng. Thật tướng là gì? Là chân tướng của các pháp, thật là chân thật. Huệ nhãn có thể thấy chân thật, không có huệ nhãn thì không thấy được thật tướng. Cho nên Bồ Tát muốn minh tâm kiến tánh, không có huệ nhãn thì làm sao được? Huệ nhãn là trí huệ chân thật, quý vị mới thấy được thật tướng của các pháp.
Được huệ nhãn, thì quý vị không thấy chúng sanh. Điều này có thể cho chúng ta một chứng nghiệm, thật sự tu học cầu huệ nhãn, quý vị còn thấy có chúng sanh, điều đó nói lên rằng quý vị không có huệ nhãn. Huệ nhãn hiện tiền như thế nào? Tất cả chúng sanh đều là Bồ Tát. Quý vị còn thấy có chúng sanh, chứ không thấy có Bồ Tát, quý vị không thấy được. Nếu quý vị được Phật nhãn, thì quý vị thấy tất cả chúng sanh đều là Phật. Cho nên quý vị địa vị nào thì quý vị tự biết. Khi nào giống Phật Thích Ca Mâu Ni: “tất cả chúng sanh vốn là Phật”, chúc mừng quý vị, quý vị đã thành Phật. Lúc nào thấy được tất cả chúng sanh là Bồ Tát, thì đã nói lên rằng quý vị đã khai mở huệ nhãn, quý vị thấy được chân tướng. Tất cả chúng sanh là Bồ Tát, tất cả chúng sanh đều đang hành Bồ Tát đạo, hành Bồ Tát đạo làm thiện, làm ác cũng là hành đạo Bồ Tát, quý vị không thấy được điều này.
Người khai mở huệ nhãn là người như thế nào? Như một người vừa ra khỏi lục đạo, ra khỏi rồi quay đầu nhìn lại lục đạo, thấy lục đạo như thế nào? Như một sân khấu lớn, có rất nhiều Bồ Tát đang biểu diễn. Biểu diễn cho ai xem? Biểu diễn cho ta xem, các Ngài đều là diễn viên, ta bây giờ trở thành người xem rồi. Quý vị thấy làm thiện thì được quả báo thiện, tạo ác thì thọ quả báo ác, diễn giống như thật! Thật có việc này không? Không có, “tất cả pháp vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Khi có được huệ nhãn thì quý vị biết được, trên sân khấu này là biểu diễn, không có một thứ gì là thật, tạo thiên nhân không có thật, được thiện quả không có thật, tạo ác không có thật, quả báo địa ngục cũng không thật. Thật là gì? Thật là một tướng, tất cả pháp đều như vậy. Mới biết rằng có rất nhiều Bồ Tát đang diễn một vở kịch, giúp chúng ta khai ngộ, giúp chúng ta thành Phật, tất cả chúng sanh này là ân nhân của ta. Vở kịch này ai nhìn thấy được?
Dưới đây nói câu rất hay, “tận diệt nhất dị tướng”, nhất tướng, dị tướng đều không còn. Quý vị còn có nhất tướng, còn có dị tướng, có nhất tướng dị tướng là sao? Là phân biệt. Thật sự được không khởi tâm không động niệm, thì nhất và dị làm sao có được? Có tất cả pháp hay không? Huyễn hữu, diệu hữu. Vì sao? Vì tất cả pháp liễu bất khả đắc. Như vậy thật sự đã nhìn thấy thật tướng của các pháp.
“Xả ly chư trước”, trước là chấp trước, không còn chấp trước pháp thế xuất thế gian nữa. Chúng ta nói rất thô, nêu ra một ví dụ, không còn ý niệm khống chế, không còn ý niệm chiếm hữu nữa, tâm thật sự thanh tịnh, không nhiễm bụi trần. Không thọ tất cả pháp, tất cả pháp ở trước mặt. Không thọ là sao? là nhất định không quấy nhiễu quý vị, không ảnh hưởng quý vị, quý vị không bị ảnh hưởng, không bị quấy nhiểu nữa, giống như phim ảnh, những hình ảnh trên màn hình bất luận phức tạp như thế nào, quý vị cũng không bị quấy nhiễu. Vì sao vậy? Vì nó là giả, một vở kịch diễn xong, trên màn hình là một màu trắng, không có gì cả, một màu trắng này giống điều gì? Thường Tịch Quang hiện tiền, cuối cùng là hiện ra chân tướng, chân tướng là Thường Tịch Quang.
Người có huệ nhãn rất hay, sắc tướng đang diễn trên màn hình, họ đã thấy được Thường Tịch Quang, kiến tánh thì không chấp tướng, chấp tướng thì không kiến tánh. Chẳng những không thọ tất cả pháp, mà trí huệ từ trong diệt. Tất cả pháp là bên ngoài, thấy được là trí huệ của mình, tức là huệ nhãn, huệ nhãn cũng không còn nữa. Nếu quý vị còn có, đó là có bệnh. Huệ nhãn từ đâu mà có? Trong ngoài đều ly, viên mãn khế nhập một cảnh giới, cảnh giới Thường Tịch Quang. Thường Tịch Quang là chính mình, Thường Tịch Quang là vạn vật, ta và vạn vật đích thực là nhất thể, trong nhất thể này không thể phân ra đâu là ta, đâu là vạn vật, vạn vật và ta thực sự đã dung nhập thành nhất thể, như nước hòa với sữa, đây là đại viên mãn.
“Hựu Tư Ích kinh vân: Huệ nhãn vi kiến hà pháp”. Trong kinh Tư Ích hỏi rất hay, huệ nhãn thấy pháp gì? “Đáp ngôn: nhược hữu sở kiến, bất danh huệ nhãn”. Trả lời quá hay! Trí huệ chân thật hiện tiền rồi thì thấy tất cả pháp đều không, tất cả pháp đều là chân tướng. Chúng ta xem dưới đây:
“Huệ nhãn, bất kiến hữu vi pháp, bất kiến vô vi pháp, sở dĩ giả hà, hữu vi pháp giai hư vọng phân biệt. Vô hư vọng phân biệt thị danh huệ nhãn. Vô vi pháp không vô sở hữu, quá chư nhãn đạo, thị cố huệ nhãn diệc bất kiến vô vi pháp”.
Hữu vi pháp và vô vi pháp là kiến lập tương đối, hữu vi pháp không còn, làm sao còn vô vi pháp? Chúng ta nên biết đây là Như Lai phương tiện nói. Phật pháp thật sự là gì? Là không có ngôn ngữ, không có hiện tượng, đó là chân thật. Có ngôn ngữ, có hiện tượng là không chân thật rồi. Sợ quý vị chấp tướng, sợ quý vị khởi tâm động niệm, chỉ cần không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, tất cả có sẵn, quý vị hoàn toàn đạt được rồi. Trong kinh Tư Ích nói câu này rất hay.
“Dĩ thượng quảng dẫn kinh luận dĩ thích huệ nhãn kiến chân”. Trong kinh Tư Ích và Đại Luận nói tinh diệu nhất, Đại Luận tức là Đại Trí Độ Luận, nói rất hay! “Cái liễu liễu kiến, vô sở kiến, bất kiến hữu vi, bất kiến vô vi, phương danh chân kiến”. Ai thấy chân? Phật thấy chân, quý vị là Phật tri Phật kiến, quý vị đạt được Phật tri Phật kiến thì quý vị đã thành Phật rồi. Phàm phu thấy được là vọng tướng, thấy có thấy không, mà không thấy được chân tướng, trong chân tướng không có có và không, trong chân tướng không có thật và giả, trong chân tướng không có tà và chánh, trong chân tướng không có nhiễm và tịnh, không có thiện ác, mọi thứ đều rõ ràng, mọi thứ đều minh bạch, vết tích trong tâm đều không chấp trước, quý vị đã thấy được chân tướng rồi. Cảnh giới này là cảnh giới của pháp thân Bồ Tát.
Ở trước pháp nhãn là nhục nhãn, thiên nhãn, thiên nhãn thì dễ hiểu. Vì sao? Vì nó là mười pháp giới. Huệ nhãn và Phật nhãn không dễ hiểu, vì nó duyên chân đế trí. Chúng ta học rất có lợi ích, tuy không phải là cảnh giới của mình, biết được cảnh giới của Phật Bồ Tát và chúng ta không giống nhau, từ đó chúng ta sẽ sanh lòng ngưỡng mộ, tăng trưởng nguyện lực của mình. Khi nào mới có thể đạt được? Vãng sanh đế thế giới Cực Lạc thì quý vị chứng đắc, không những chứng đắc huệ nhãn, mà còn chứng đắc được Phật nhãn.
Dưới đây giải thích: “Huệ nhãn tự nội diệt, tức Tâm Kinh chi vô trí diệc vô đắc, nãi liễu nhân Phật tánh chi sở liễu dã”. Trong Tâm Kinh có câu: “vô trí diệc vô đắc”, chỗ này dẫn chứng “ trí huệ tự nội diệt”, và câu trong Tâm Kinh ý nghĩa hoàn toàn tương đồng.
Xem tiếp đoạn cuối cùng- Phật nhãn: “Như Lai chi nhãn, danh vi Phật nhãn, tức chiếu liễu chư pháp thật tướng chi nhãn. Cụ túc giả, Cảnh Hưng viết: nhất thiết chủng trí vi thể, vô pháp bất chiếu, cố vân cụ túc”.
Phật nhãn đầy đủ, viên mãn. Huệ nhãn đã quá tốt rồi, nâng cao lên là Phật nhãn. Huệ nhãn là pháp thân Bồ Tát, vậy là ai được Phật nhãn? Trong kinh Hoa Nghiêm nói là Diệu Giác Như Lai. Đẳng Giác Bồ Tát lên cao nữa là Diệu Giác, trên Diệu Giác không còn nữa. Viên mãn rốt ráo, gọi là cụ túc, Phật nhãn cụ túc, cụ túc là đại viên mãn, không khiếm khuyết chút nào. Như Lai này là Diệu Giác Như Lai, là Phật nhãn, là con mắt thấy rõ thật tướng của các pháp, tất cả các pháp thế và xuất thế gian không có pháp nào không rõ, không có pháp nào không thông đạt. Mọi người nhất định phải biết rõ ràng minh bạch, Phật nhãn cũng là tự mình vốn có, vì sao vậy? Vì quý vị vốn là Phật. Vì sao bây giờ quý vị không thành Phật được? Vì quý vị không dám thừa nhận. Vì sao không dám thừa nhận? Bởi quý vị có nghi ngờ, tham, sân si mạn nghi. Vì sao có nghi? Bởi quý vị mê quá lâu, quý vị mê thất tự tánh thời gian quá dài, ở trong luân hồi, vô lượng kiếp đến nay quý vị nhiễm trước tập khí bất thiện, những tập khí này đối với quý vị mà nói nó quá quen thuộc, trái lại rất xa lạ với tự tánh. Nói đến tự tánh không hiểu, hiểu rồi cũng không tin tưởng. Đây là chướng ngại duy nhất cho sự quay đầu của quý vị, chướng ngại lớn nhất. Nếu quý vị thật sự tin tưởng, thật sự quay đầu, phàm phu sẽ thành Phật trong một niệm.
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa – Tập 464
Chủ Giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: Cao Hùng_Đài Loan
Discussion about this post