Trích đoạn số 14: Việc làm của người thông minh nằm trong Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa do Pháp Sư Tịnh Không thuyết giảng
Phổ Hiền Bồ Tát chỉ dạy chúng ta: “Lễ kính chư Phật, khen ngợi Như Lai, rộng tu cúng dường, sám trừ nghiệp chướng”, quý vị thực hiện tốt đẹp bốn khoa này, nghiêm túc thực hiện, sẽ thành tựu thiện căn, “thực chúng đức bổn” (gieo trồng các cội đức). Lễ tiết rất trọng yếu, không thể phớt lờ. Lễ phép với người khác, người ta sẽ vui vẻ. Người khác lễ phép đối với ta, ta cũng rất vui vẻ. Bởi lẽ, con người có cùng một tâm này, tâm cùng một Lý này. Đầu tiên là “lễ kính chư Phật”, từ nội tâm phát sanh tâm cung kính, quan trọng nhất là [cung kính] đối với ai? Đối với vị lai Phật, tức là đối với hết thảy chúng sanh, phải có tâm cung kính, chớ nên coi rẻ, quý vị khinh mạn là trật rồi! Chẳng tôn trọng người khác là chuyện nhỏ, tổn hại đức hạnh của chính mình [là chuyện lớn], Tánh Đức của chính mình chưa thể hiện tiền, sanh ra chướng ngại. Đó là ngạo mạn, cuồng vọng, tự đại, gây chướng ngại cho Tánh Đức và thiện căn của chính mình. Do vậy, đầu tiên, đức Phật phải dạy chúng ta chuyện này. Nho gia cũng giống như vậy. Quý vị đọc Lễ Ký, vừa mở sách ra, mở đầu là: “Khúc Lễ [10] viết: Vô bất kính” (Khúc Lễ chép: “Không gì chẳng kính”), có cùng một ý nghĩa với “lễ kính chư Phật”. Kinh Mân Côi [11] của đạo Thiên Chúa là khóa tụng sớm tối của họ, tôi đã từng giảng [kinh này], đĩa CD/DVD [ghi lời giảng] của tôi được lưu thông trong đạo Thiên Chúa. Đoạn thứ nhất [của kinh ấy] nói về sự khiêm tốn, nhún nhường, Thánh Mẫu Maria khiêm nhường. Mẹ chúa Jesus đối với hết thảy mọi người đều khiêm hạ, nhún nhường, cung kính, Đức Bà đã nêu gương tốt. Tấm gương của Đức Bà chính là “lễ kính chư Phật, khen ngợi Như Lai” như trong Phật pháp đã nói, chúng ta phải học theo Ngài. Cổ thánh tiên hiền của Trung Quốc dạy chúng ta hãy “ẩn ác, dương thiện” (ẩn giấu điều ác, đề cao điều lành). Người khác có chuyện gì tốt đẹp chúng ta phải tán dương, phải ca ngợi. Người khác phạm lỗi lầm gì, trọn chẳng nói tới, quyết định chớ nên ghim trong lòng; đó gọi là “tu hành, học Phật”. Vì sao? Chúng ta học Phật rốt cuộc là học gì? Tịnh Độ tu gì vậy? Tựa đề của kinh đã nêu ra cương lãnh tu học cho chúng ta: Tu tâm thanh tịnh. Trong tựa đề của kinh có “thanh tịnh bình đẳng giác”, đấy là tổng cương lãnh tu học của Tịnh Tông. Chúng ta thường muốn ghim khuyết điểm của người khác trong lòng, biến cái tâm của chính mình thành thùng rác cho người khác, làm sao quý vị có thể đạt được thanh tịnh? Nếu quý vị đạt được tâm thanh tịnh thì tâm thanh tịnh là Sự nhất tâm bất loạn, sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới chẳng thuộc cõi Đồng Cư, mà sanh vào cõi Phương Tiện Hữu Dư, phẩm vị được nâng cao với một mức độ to lớn. Nếu quý vị hiểu rõ đạo lý này, thông hiểu chân tướng sự thật này, có còn ghim những sai quấy của người khác trong tâm mình nữa chăng? [Ghi nhớ lỗi lầm của người khác sẽ] bị thiệt thòi to lớn, tạo thành lỗi lầm to lớn. Thường nghĩ tới khuyết điểm của người khác, dẫu quý vị có thể vãng sanh, chỉ sanh vào cõi Phàm Thánh Đồng Cư, phẩm vị chẳng cao!
Vì thế, các Tịnh Tông đồng học chúng ta hiểu rõ rồi, quyết định chẳng làm chuyện ngốc nghếch.
Discussion about this post