| Trích Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao
Chánh Biên – Tam Biên – Tục Biên |
Chánh Biên Ấn Quang quả thật có bí quyết người khác không đắc, chỉ mình tôi đắc, do ông cầu thỉnh bèn chẳng ngại gì đem bảo khắp các Phật tử trong thiên hạ. Bí quyết ấy chỉ có gì? Là Thành, là Cung Kính. Những chữ ấy cả thế gian đều biết, nhưng đạo ấy cả thế gian đều lầm. Ấn Quang do tội nghiệp sâu nặng, mong tiêu trừ tội chướng để báo ân Phật nên thường tìm cầu khuôn mẫu tu trì tốt đẹp của cổ đức, do vậy mới biết Thành và Cung Kính quả thật là bí quyết cực diệu để siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử.
Tam Biên Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, phải hướng về cung kính mà cầu, đấy chính là thường pháp chẳng thể thay đổi trong suốt mười phương ba đời vậy! Tiếc cho người đời nay phần nhiều coi thường chuyện này; do vậy, chỉ mang cái danh nghiên cứu xuông, chẳng đích thân đạt được thực chứng!
Tục Biên Nếu chẳng trọng lòng kính, giữ lòng thành, dù có sở ngộ, vẫn chẳng thể được lợi ích thật sự. Hễ rơi vào cuồng huệ, chắc chắn khó thể sự lý viên dung. Thiên chấp lý tánh, chẳng trọng tu trì, tuy thấy lý chẳng lầm, cũng chẳng khác gì tà ma, ngoại đạo cho mấy! Huống chi đã chấp lý phế sự thì cái lý được ngộ cũng khó thể thích đáng. Do vậy, nói: “Bất quý tử kiến địa, chỉ quý tử hành lý” (Chẳng quý chỗ kiến địa của ông, chỉ quý chỗ ông thực hiện). Đấy chính là bẫy sập lớn cho người thông minh trong cả cõi đời; chẳng mắc phải bệnh này mới đáng gọi là thông minh. Nếu không, thông minh lại bị thông minh làm cho lầm lạc, biến thành hạng người tự lầm, lầm người.
Tam Biên Lợi ích thật sự trong Phật pháp ắt phải dùng chí thành để đạt! Bất luận niệm Phật hay xem kinh đều phải chí thành, cung kính. Đừng nên học theo kẻ viên dung không chấp trước! Nếu không, sẽ vì phóng túng không kiêng dè mà trở thành phường cuồng vọng, ma mị.
Tam Biên Trì tụng kinh chú quý tại chí thành. Dẫu trọn chẳng biết nghĩa, mà nếu có thể hết lòng thành, cạn lòng kính, kiền thành, khẩn thiết thọ trì thì lâu ngày chầy tháng tự nhiên sẽ nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, tâm minh, còn có thể thấu hiểu trực tiếp ý Phật, huống là những giải thích về mặt văn tự và ý nghĩa của chúng ư? Nếu không, dẫu có thấu hiểu thông suốt, nhưng do chẳng chí thành thì chỉ trở thành tình kiến phàm phu, dò đoán suy lường mà thôi; chứ không có cách nào đạt được lợi ích chân thật và sự cảm ứng chân thật của kinh! Do hoàn toàn là thức tâm phân biệt suy lường thì làm sao có thể ngầm thông Phật trí, thầm hợp diệu đạo, hễ vừa vượt thoát liền chứng nhập trực tiếp, mau chóng đạt lợi ích thù thắng?
Thường thấy ngu phu ngu phụ cắm cúi tu trì đạt được lợi ích hơn hẳn kẻ thông minh nhiều lắm. Ấy là vì một đằng hết lòng Thành, cạn lòng Kính, chuyên tâm nhất chí, còn một đằng thì hờ hững, lợt lạt, tán loạn, hư vọng suy lường mà ra! Xin các độc giả đều biết ý này, đấy chính là đã hiểu trọn ý nghĩa của kinh, khi trì tụng sẽ chẳng còn sanh phân biệt nữa, sẽ như đối trước thánh dung đích thân lắng nghe viên âm, trọn không thấy có một niệm nào để được thì lợi ích ấy chẳng thể dùng ngòi bút để hình dung được đâu! Đấy chính là bí quyết trì tụng. Nguyện khắp các đồng nhân đừng coi thường lời này thì may mắn lắm thay!
Tam Biên Kính là gốc của đức; hễ kính thì sẽ kìm nén được giận dữ, ngăn chặn lòng dục, chẳng làm các điều ác.
Tam Biên Cần nên biết: Bất luận tụng kinh hay trì chú đều phải lấy cung kính chí thành làm gốc, đều phải hồi hướng Tây Phương cho khắp bốn ân ba cõi pháp giới chúng sanh thì lợi ích lớn lắm. Như kẻ vô tri trong thế gian chuyện gì cũng vì mình thì lợi ích sẽ thuận theo tâm lực mà hèn kém. Ví như một ngọn đèn đem thắp cho trăm ngàn ngọn đèn khác, ánh sáng của ngọn đèn ấy trọn chẳng bị tổn giảm. Nếu chẳng thắp cho ngọn đèn khác, ánh sáng của nó cũng chẳng tăng mạnh hơn và sáng lâu hơn được! Khi hồi hướng hãy nên biết đến ý này. Chẳng những vì cha mẹ, ân nhân của chính mình mà [hồi hướng] như thế, ngay cả đối với oán gia cũng [hồi hướng] như thế thì mới có thể trên khế hợp với tâm Phật, dưới kết các duyên, giải các oán thù.
Tam Biên Phàm là người tu hành, ắt phải có tâm địa tốt. Tâm địa tốt, lại còn cung kính, chí thành, trọn chẳng có khi nào không linh! Tâm địa bất hảo, lại chẳng cung kính, đã không có cảm thì làm sao ứng được? Sự lý này là lẽ tất nhiên, xin hãy sáng suốt suy xét thì may mắn lắm! (Nếu thường niệm, không cần phải niệm trọn “đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn”, chỉ niệm “Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát” là được rồi! Phàm bị bệnh do oán nghiệp, thuốc chẳng trị lành được, và phạm phải quỷ thần, phạm hồ ly, niệm Quán Âm sẽ có thể giải trừ, tiêu diệt, xua tan [quỷ thần, hồ ly]. Phàm gặp những nguy hiểm như nước, lửa, ác thú, ác nhân v.v… nếu chí thành niệm sẽ có chuyển biến hoặc giảm trừ lớn lao. Nếu kẻ nào tâm không chí thành và có tâm nghi hoặc không tin, cũng như tâm ôm ác niệm muốn thành tựu chuyện ác, sẽ không có hiệu nghiệm. Nếu ông có thể chân thật làm như thế, giáo hóa hướng dẫn như thế thì làng ông sẽ có thể trở thành ngôi làng Phật giáo “nhà nhà Quán Thế Âm, người người Di Đà Phật”)
Tam Biên Đại Sĩ tuy ôm lòng tầm thanh cứu khổ, nhưng chúng sanh chẳng sanh lòng tin tưởng sẽ chẳng thể cảm ứng đạo giao! Ví như mặt trời rạng rỡ giữa hư không, nếu ở dưới chậu úp sẽ chẳng được chiếu đến. Tâm cầu Đại Sĩ tức là đã đủ lòng ngưỡng vọng, lật chậu lên, há chẳng được chiếu soi? Quỷ thần có tà, có chánh. Tà quỷ thần là loài yêu ma thật sự mong được con người kính nể. Chánh quỷ thần là thiện thần bảo vệ đất nước, che chở nhân dân. Nếu cầu Đại Sĩ, cố nhiên chẳng cần phải cầu quỷ thần, như đã được lòng vua thì dân tự thuận theo. Hơn nữa, quỷ thần may ra cứu được tai nạn nhỏ, chứ không thể cứu được định nghiệp; còn Đại Sĩ thì [nghiệp] lớn – nhỏ, định hay bất định đều cứu được hết, chỉ do người ấy có lòng Thành hay không mà thôi!
Tục Biên Phàm là người tu hành tâm phải có chủ ý, thấy cảnh giới tốt chẳng sanh hoan hỷ, thấy cảnh giới chẳng tốt đẹp không sanh lòng kinh sợ. Làm được như thế thì những cảnh giới đã thấy đều trở thành duyên trợ đạo. Nếu không, chúng đều trở thành duyên chướng đạo. Thêm nữa, phàm là người tu hành, hãy nên lấy chí thành, cung kính làm gốc, giữ lòng từ bi khiêm tốn. Tâm giữ được, thân hành được, tuy chẳng thể hoàn toàn tương ứng với Phật, nhưng phải nỗ lực cố gắng để mong chẳng trái tâm Phật, hạnh Phật, sẽ đáng gọi là người tu hành chân thật, là đệ tử thật sự của đức Phật vậy!
Tam Biên Nhận được thư, ông cho biết “quyết ý muốn vãng sanh trong năm nay”. Chớ nên chấp trước ý kiến ấy! Hễ chấp sẽ thành bệnh, hoặc đến nỗi có ma sự! Người niệm Phật hãy nên giữ tấm lòng “được vãng sanh ngay trong đời này”. Nếu báo thân chưa mãn thì cũng chỉ tùy duyên. Nếu định kỳ hạn mong muốn vãng sanh mà công phu đã thành thục, cố nhiên chẳng trở ngại gì. Nếu không, chỉ riêng cái tâm mong cầu ấy đã là cái gốc để thành ma rồi! Nếu vọng niệm ấy kết thành một khối chẳng tháo gỡ được, sẽ nguy hiểm chẳng thể nào nói nổi!
“Cho đến hết tuổi thọ, gieo tấm lòng Thành” chính là đạo chúng ta nên tuân giữ. “Diệt thọ thủ chứng” (diệt trừ thọ mạng để mong chứng đắc) quả thật là lời lẽ bị Giới kinh quở trách sâu xa (Bài kệ cuối kinh Phạm Võng có đoạn: “Kế ngã chấp trước giả, bất năng sanh thị pháp, diệt thọ thủ chứng giả, diệc phi hạ chủng xứ” (kẻ chấp trước nơi Ngã, chẳng sanh được pháp này; diệt thọ mong chứng đắc, cũng không gieo giống được) . Chỉ nên trọn hết lòng kính, lòng thành để cầu mau được vãng sanh; chớ nên mong muốn được vãng sanh đúng như kỳ hạn [theo ý ta] đã định.
Người học đạo tâm chớ nên thiên chấp. Hễ thiên chấp sẽ đến nỗi mất trí điên cuồng; chẳng những vô ích mà còn bị hại! Nếu tịnh nghiệp chín muồi, vãng sanh ngay bữa nay càng tốt. Nếu chưa chín muồi mà cứ muốn được vãng sanh ngay, sẽ trở thành “nhổ mạ để giúp cho nó mau lớn!” Thật sợ rằng hễ ma sự dấy lên, chẳng những chính mình không thể vãng sanh được, mà còn khiến cho kẻ vô tri đều lui sụt tín tâm, bảo là: “Niệm Phật tổn hại vô ích!” Như ông X… nọ là tấm gương tầy đình, mối hại ấy quả thật chẳng nông cạn vậy! Xin hãy đem cái tâm quyết định [mong được vãng sanh] đúng kỳ hạn ấy đổi thành cái tâm “chỉ mong mau được vãng sanh’. Dẫu không được vãng sanh [mau chóng], cũng chẳng áy náy gì, chỉ chí thành chí kính để mong khi hết báo thân sẽ được vãng sanh thì không bị vọng niệm bộp chộp vón cục lại [trong tâm] đến nỗi mắc họa chuốc lấy ma sự!
Discussion about this post