Đại Sư dạy:
Mở mắt niệm Phật, tâm dễ tán động, nên nhắm mắt mà niệm. Trước khi niệm Phật phải ngồi yên giây phút, buông bỏ tất cả, để lòng rỗng không, rồi từ từ tuyên danh hiệu Phật, vừa niệm vừa nghe, vừa nghe vừa niệm, mật niệm nối nhau, hành trì lâu, tâm phát ra, mỗi câu tha thiết nhớ mong Tịnh Độ. Có phương pháp hệ niệm là khi không niệm Phật, đem tâm niệm mình buộc để trên thân đức A Di Đà Phật. Làm như thế, tâm được thanh tịnh, không lay động, chính là chỗ dụng công đắc lực.
Có người thắc mắc liền thưa hỏi: Tạp niệm từ đâu mà sanh ra?
Đại Sư đáp: Tâm ta chỉ có một niệm, niệm Phật tức là chánh niệm mà cũng là tạp niệm. Chỉ vì ta niệm Phật chưa tinh chuyên nên tạp niệm kia còn vơ vẩn, thế thôi.
Lại thưa hỏi tiếp: Làm sao trừ được tạp niệm kia?
Đại Sư đáp: Không cần phải cố công diệt trừ, chỉ đem tâm niệm hoàn toàn để trên hiệu Phật, tạp niệm vẩn vơ kia liền biến mất.
Lại thưa hỏi tiếp: Nhưng nếu tinh thần sức lực yếu kém, công phu chưa đủ, không thể khiến cho vọng niệm kia tiêu mất, thì phải làm sao?
Đại Sư đáp: Người đạo đức chưa thuần nên tán loạn nhiều, phải cố thâu nhiếp sáu căn lần lần sẽ được thanh tịnh. Nếu chưa làm được như thế thì mở mắt nhìn chăm chú tượng Phật mà niệm, tạp tưởng vọng niệm sẽ tiêu.
Lại thưa hỏi tiếp: Phương pháp ấy cũng hay nhưng sợ e lần hồi mỏi mệt, tạp niệm lại nổi lên thì làm sao?
Đại Sư đáp: Trong tâm mờ tối nên bị ngoại cảnh lôi kéo, niệm Phật không đắc lực, thậm chí vọng niệm dày dặc không tan. Nhưng đừng vội vàng nóng nảy, phải lóng thần định tâm tư, niệm chậm rãi tôn hiệu Phật, xuất ra từ nơi tâm, phát thành tiếng nơi miệng, tai nghe, cứ tuần hoàn như thế, tạp niệm sẽ dứt.
Lại thưa hỏi tiếp: Phương pháp này rất hay nhưng chỉ e người căn tánh quá tối không làm được, thì phải làm thế nào?
Đại Sư đáp: Nên đem 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật mà niệm. Khi niệm cần phải nghĩ nhớ rành rẽ tiếng thứ nhất là Nam, tiếng thứ nhì là Mô, như thế đủ đến 6 chữ, liên hoàn không dứt thì vọng niệm không còn chỗ xuất sanh.
Discussion about this post