Hôm qua chúng ta tham khảo mục công chánh. Theo thói thường người ta lấy việc làm công chánh của mình để đi hách dịch với người khác, tỏ ra mình có công cán, khiến kẻ khác không bằng lòng và họ cho mình tự đắc, tự phụ. Vì thế, hôm nay chúng ta tham khảo đến việc khiêm nhượng.
Có công chánh mà biết khiêm nhượng, khiêm nhượng ấy, khiến người đời hiểu mình có nhân cách quân tử và nhận nơi mình có chút đạo đức; không hô hào, không tự phụ.
“Làm cho hoen ố Phật đường,
Không rèn được đức khiêm nhường từ bi”.
Đó là lời nói của Đức Thầy. Hai câu ấy Đức Thầy chỉ người trong cửa Phật, hiểu kinh kệ bao nhiêu mà tự cao, tự đắc làm mất hết tính khiêm cung, khiến cho người ngoài khinh bỉ. Cũng vì mình thiếu tư cách mà làm cho đạo đức hoen ố và không tự biết sức hiểu biết của mình nhỏ như hột bụi đối với trái núi, mới dám tỏ ra( cống cao, ngã mạn).
Đặc tánh của khiêm nhượng là biết kính nhường. Kính ai ? Tức kính người tuổi tác. Nhường ai? Tức nhường đoàn em út. Người biết kính kẻ trên, nhường kẻ dưới để dung hòa lại, sẽ làm cho trên hài lòng và giúp kẻ dưới vui vẻ. Có được như thế mới khiến cho cuộc bàn cãi không khi nào dẫn đến chỗ kích đố, sẽ đem lại sự hòa nhã giữa nhau.
Với hạng người có lòng hay phục thiện, nghĩa là hay chịu học những người có tài năng, đức hạnh hơn mình hoặc kẻ đã giác ngộ trên con đường đạo đức thì họ không bao giờ quên tánh khiêm nhượng, vì tánh khiêm nhượng nó tượng trưng cho lễ độ và làm khuôn mẫu cho sự hòa ái giữa mọi người. Nếu con người thiếu tánh khiêm nhượng không tránh khỏi lòng tự đắc, tự cao, mỗi việc gì cũng tưởng mình hơn người và ở cao, gác hơn kẻ khác. Với những hành động ấy, khiến cho kẻ khác bất mãn và sanh lòng chống báng lại. Vì đó sẽ gây sự thù hằn thương tổn cho mình với người khác.
Con người được tánh khiêm nhượng thì với cử động nào của họ cũng bặt thiệp, cũng nho nhã họ không tự cao tự phụ, họ sẽ giúp cho đời hài lòng trong câu chuyện của họ nói, hay việc họ làm chẳng khác nào luồng gió mát trong lúc nắng nồng, làm cho ai cũng vui thích.
Lại một việc đáng kể hơn, người có khiêm nhượng, đời họ chẳng khác nào có kho sách lớn lao, trong đó đủ kinh điển, tài liệu giúp cho họ được kinh nghiệm dồi dào xác đáng, được thêm kiến thức rộng rãi giúp đời sống của họ càng gần vinh diệu; và cũng như đi đường tối, gặp ngọn đuốc thật sáng để tránh cho họ khỏi sụp hầm hố để đến chỗ của mình đã nhứt định.
Nếu được kho sách lớn lao và ngọn đuốc sáng sủa thì đời mình không kém sút chúng bạn.
Vả tánh khiêm nhượng sẽ giúp cho phong nghi đức độ của mình thêm cách lịch sự, những sự ăn, nói, đối đáp ngang ngược được đổi lại sự nhường nhịn cung kính và làm cho giá trị của ḿnh thêm lên, gây tình cảm với mọi người được chặt chẽ. Thế thì nó có lợi ích như thế, ai lại chẳng tìm đến và học đến.
Lợi ích ấy:
1 – Tánh khiêm nhượng giúp cho con người dáng mặt hay tướng đi vẫn được điềm tĩnh không có gì lộ ra hơ hãi sợ sệt, vẫn được điềm tĩnh.
2 – Tánh khiêm nhượng giúp cho người được có nhân cách lễ độ, mỗi câu chuyện nói ra, cử động, dung mạo đều tề chỉnh khuôn phép.
3 – Tánh khiêm nhượng giúp cho người từ cử chỉ một cũng đều được điều hòa, hưỡn đãi và luôn luôn cẩn trọng. (Những cái diêu động nào cũng đều dòm trước ngó sau không để ngỡ ngàng, ngượng nghịu. Nghĩa là gìn giữ từ cử chỉ của mình phát ra, cho khỏi sơ siển.)
4 – Tánh khiêm nhượng thường giúp cho người ít khi đụng chạm đến kẻ khác, có nghi dáng rất nhường nhịn lễ phép làm cho kẻ khác vui lòng, không buồn phiền chán nản.
5 – Tánh khiêm nhượng giúp cho người học hỏi thêm nhiều chỗ mật mẹo, hay ho của kẻ khác. Tại sao? Vì họ nhận thấy ở mình có cái khiêm nhượng nên họ vui lòng chỉ cho việc bí mật, giúp nhiều việc hay ho, không giấu giếm mình một điều nào để mình có đủ phương tiện và nhiều hành động lớn lao giúp kẻ khác nhờ nhõi.
6– Tánh khiêm nhượng giúp cho người được nhiều kẻ cảm mến, cảm mến ở tính đức khiêm ti, tốn lượng của mình. Trong đời ai cũng có tự ái, nếu nói gác hơn họ thì họ không vui, trái lại mình nhường nhịn họ thì họ thích ý và khi đối đáp với mọi người nếu mình có nhường nhịn, thì họ cũng giữ tánh khiêm nhượng như mình, sẽ khiến câu chuyện thêm đẹp đẽ.
7– Tánh khiêm nhượng giúp cho người giữa tình bằng hữu càng lúc càng được đượm đà yêu mến và đối nhau không có cao gác, tật hềm, vì mỗi người đã có sự nhường nhịn giúp đỡ cho nhau. Nhờ vậy tình bè bạn càng ngày càng thắt chặt thêm không chia lìa vô cớ.
Ngoài bảy khoản lợi ích đã kể trên, khiêm nhượng còn có việc tốt lành hơn là nó rất phù hợp với người tu hành, vì nếu người tu hành không có tánh khiêm nhượng cung kính thì bao nhiêu người khác sẽ cho mình còn nhơn ngã, tự ái quá to hơn người đời, không đúng người đạo đức.
Huống lại cảnh sống của mỗi người, không một ai sống riêng mà có thể sống đầy đủ được; mà là mỗi người đều phải sống chung đụng và nhờ nhõi lẫn nhau như: người làm ra vải thì đổi lấy lúa gạo, kẻ làm ra lúa gạo thì đổi lấy vải, nghĩa là người làm được việc nầy đem đổi vật của người khác mới cung ứng mọi nhu cầu cần thiết cho nhau được.
Về mặt giao tế trong xã hội loài người, cần phải có sự trao đổi nhau ở mọi việc mới được đầy đủ. Đến như con người trong lúc mới sanh. Không ai được trí thức khôn ngoan bao giờ, khi lớn lên đều phải nhờ học. Sự học đầu tiên của người là học kêu ba, kêu má lần lần học thêm tiếng nói, đến hành động khéo léo khác.Thế thì việc học là việc không ai tránh khỏi; chúng ta cần phải có sự khiêm nhượng để học hỏi với mọi người những cái chúng ta chưa biết. Nếu mình không tánh khiêm nhượng vẫn cho mình cao hơn người, học rộng hơn người thì không sao học được sự hay ho của họ, thì đời mình chẳng khác dòm trời trong ống quản nhỏ, chỉ thấy trời bằng ngón tay.
Nhận thấy mình không thể sống đơn độc, không nhờ đến kẻ khác chỉ giáo cho mà có sự sống đầy đủ về tinh thần hay vật chất bao giờ, nên lúc nào mình cũng tự nhận còn thiếu kém, nhờ người chỉ giáo thêm. Khi mình biết tự nhận chỗ thiếu kém thì kẻ khác chẳng bao giờ tiếc với mình những lời chỉ giáo. Ví dụ: mình chưa biết cái đồng hồ, bèn hỏi người kia vậy: cái chi mà hai cây nhọn chạy vòng tròn trên mặt đó, thì người kia nghe mình không biết họ liền dạy mình, đây là cái đồng hồ để phân giờ khắc. Nếu mình hiu hiu tự đắc cho rằng thông thái thì không khi nào người khác chỉ cho mình, dù việc rất nhỏ.
Vẫn biết lúc nào chúng ta cũng có khiêm nhượng: song cái khiêm nhượng ấy từ đáy lòng của mình đem ra đối với mọi người, chớ không màu mè bên ngoài để gạt người; còn người dùng khiêm nhượng bên ngoài đối với người là kẻ giả dối, sẽ không được người kính nể. Nói rõ hơn, là cái khiêm nhượng do tâm mình phát ra một cách chơn thật thì ai cũng công nhận, còn khiêm nhượng lòe dối thì khiến người đời phê phán khạc nhổ.
Nói tóm lại, đức tánh khiêm nhượng dạy chúng ta dẹp bỏ hết tánh nết kiêu căng, dáng vẻ xấc lối, phải cần được lễ phép, nhường nhịn đối với ông bà, cha mẹ, cô bác và anh chị. Mà cái nhường nhịn và lễ phép nầy không những đối với người trong gia đình mà còn đem ra đối với tất cả mọi người ở xung quanh. Trong trường hợp giữa chúng ta cùng mọi người bàn luận vấn đề chi, chúng ta vẫn để người mở câu chuyện trước dù kiến thức người cạn hẹp, sau ta sẽ phụ họa theo. Ví câu chuyện của họ có sai lầm chúng ta cũng không nên cười biếm hay bắt chặt nơi đó mà trách lỗi họ, nếu cần thì chúng ta vui vẻ đính chánh lại một cách nhún nhường êm dịu để cho họ được hiểu, hầu có sửa đổi lại.
Còn chúng ta có câu chuyện gì cần đến thì hãy bày tỏ ra và xin họ bổ chính lại, tự nhiên cuộc nghị luận giữa ta cùng người càng thân mật không khi nào xảy ra cuộc cải vả ó la. Đó là phận sự và đặc tánh của người biết khiêm nhượng.
Chúng ta, kẻ học đạo bao giờ cũng cần phải học hỏi thêm thì đối với tánh khiêm nhượng không lúc nào quên được, vì nó sẽ giúp tính đức của mình càng đầy đủ và hiểu biết lớn hơn, nhứt là chúng ta đối với các tôn giáo khác phải tự ti mặc cảm, nghĩa là cho mình còn biết thấy kém cỏi sẵn sàng nhận học sự chỉ biểu của họ, thì sự học hỏi và việc làm của chúng ta càng lan rộng thêm ra.
Discussion about this post