Thầy của tôi là Hòa Thượng Thích Tịnh Không. Ngài đến Đài Trung để thụ giáo với thầy giáo Lý Bỉnh Nam. Lần đầu tiên đến, thầy Lý nói với Ngài rằng: “Nếu con theo học thì có ba điều kiện nhất định con phải tuân thủ. Con phải tuân thủ thì ta mới dạy con. Điều thứ nhất là chỉ được nghe lời của ta. Điều thứ hai là những sách muốn xem, những vật muốn tiếp cận phải được sự đồng ý của ta mới được xem. Điều thứ ba là những điều trước đây con học được, ta đều không thừa nhận”. Bởi vì thầy của tôi (Hòa Thượng Thích Tịnh Không) lúc đó cũng đã đi giảng giải, giảng Kinh giúp người khác. Kết quả thầy Lý lại nói rằng những gì Ngài học trước đây đều không được thừa nhận thì trong lòng Ngài sẽ làm sao?
Chúng ta hãy xem xét kỹ càng ba quy định này. Chúng ta không nên chỉ nhìn thấy mặt nghiêm khắc của quy định này, mà phải nhìn xem sự ảnh hưởng và lợi ích sau này của quy định. Như vậy, chúng ta sẽ yên tâm để tuân thủ.
– Điều kiện thứ nhất:
Tại sao điều đầu tiên lại là chỉ được nghe theo lời của thầy giáo? Bởi vì khi chúng ta chưa nhập được vào học vấn chân thực thì rất có khả năng sẽ loay hoay ở trên ngọn. Các vị càng tiếp xúc với nhiều sự vật thì đến cuối cùng sẽ không tìm ra được đầu mối. Một vị thầy một con đường, hai vị thầy hai con đường, ba vị thầy thì chúng ta đứng ở ngã ba, bốn vị thầy thì chúng ta đứng ở ngã tư.
Các vị hãy xem xét thật kỹ, hãy đi quan sát, xung quanh chúng ta có rất nhiều người thích xem sách. Nhưng khi họ xem được ba năm, năm năm, các vị có phát hiện ra rằng tư tưởng của họ càng ngày càng lộn xộn? Ví dụ như có một vị tác giả nước ngoài đã viết như thế này, rồi bất chợt lại nói:
“Nhưng mà tôi lại xem một quyển sách nào đó, tư tưởng của họ, quan niệm của họ không nắm được cương lĩnh của đạo đức”. Cho nên “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”, dạy và học là một việc, cho nên đạo học cũng phải quý ở chữ “chuyên” mới được.
Nếu như học bốn vị thầy giáo và biến thành ngã tư đường, hơn nữa khi các vị học đã bị loạn rồi, ví dụ như các vị học được ba năm, năm năm và đã bị loạn rồi thì bắt đầu phải học lại từ đầu. Như vậy không dễ bởi vì có khi các vị còn phải mất thêm mấy năm để loại bỏ những tư tưởng sai lầm đi. Cho nên chọn thầy không thể không cẩn thận. Chọn thầy phải thật cẩn thận. Từ bài giảng trong mấy ngày hôm nay của chúng ta, các vị có cảm thấy sự quan trọng của “thận ư thủy” (cẩn thận ngay từ buổi ban đầu) không? Các vị phải có trí tuệ thì mới giúp cho con cái có thể “thận ư thủy” (cẩn thận ngay từ buổi ban đầu). Các vị có trí tuệ thì mới để cho quyết định của mình không bị thiên lệch. Cho nên người thầy mới đưa ra điều kiện thứ nhất là ngoài ông ra thì học sinh không được nghe bất kỳ một người nào khác là để bảo vệ tri kiến của học sinh.
– Điều kiện thứ hai:
Điều thứ hai là những sách vở muốn tiếp xúc phải được sự đồng ý của thầy giáo, nếu không thì không được xem. Đây cũng là yêu thương bảo vệ học sinh, để cho học sinh chuyên tâm, không bị rối loạn. Bởi vì có chuyên tâm thì mới đạt được định, có định thì mới sinh trí tuệ. Cho nên điều thứ hai này cũng là để bảo vệ học sinh.
– Điều kiện thứ ba:
Điều thứ ba, tất cả những điều trước đây học đều không được thừa nhận. Điều này là có dụng ý gì? Cho nên mới nói: “Người biết nửa vời lại tự cho là mình biết hết, người biết hời hợt là người khó dạy nhất”. Bởi thầy Lý muốn Ngài Tịnh Không buông bỏ hết toàn bộ, đổ hết mọi thứ đi để trong lòng được trống không, dùng một thái độ khiêm tốn, nhún nhường để thọ giáo. Như vậy mới có thể học tốt được.
Ba điều kiện trên đây có ý nghĩa rất sâu xa. Thầy tôi đã đồng ý. Kết quả khi tuân thủ được ba tháng thì trong lòng vô cùng hoan hỷ, thầy liền chạy đến nói với thầy Lý rằng: “Thưa thầy! Trong ba tháng này con đã cảm nhận được, bởi phải tuân thủ ba điều này mà tâm con càng ngày càng thanh tịnh. Tâm thanh tịnh mới có thể sinh trí tuệ, có thể sinh cảm chiếu”. Cho nên Ngài đã nói với thầy giáo rằng: “Con không chỉ tuân thủ trong năm năm, con xin tăng lên gấp đôi”. Nghĩa là sẽ tuân thủ trong mười năm.
Khi chúng ta muốn học tập theo Thánh Hiền thời xưa thì nhất định chúng ta phải tuân thủ theo ba điều kiện này.
Không được xem một số lượng lớn những tạp thư! Nhất định phải đi theo con đường cũ, nếu không có thể là “Bất thính lão nhân ngôn, ngật khuy tại nhãn tiền” (không nghe theo lời người xưa, lập tức bị thiệt thòi). Chúng ta muốn tìm thầy, muốn theo học thầy, điều cốt yếu nhất của chữ “theo” này không phải là theo bằng cái thân thể này mà là tâm phải theo. Thầy giáo dạy một câu, chúng ta phải thực hiện một câu.
Cho nên ngày xưa, giống như Mạnh Phu Tử chưa gặp Khổng Phu Tử, nhưng Mạnh Phu Tử vô cùng kính trọng và thành kính bái Khổng Phu Tử làm thầy. Tấm lòng kính trọng, chân thành của ông đã vượt qua mọi thời đại cho nên sự học cũng tương đối tốt, và được tôn là “Á Thánh”, là Thánh nhân đứng sau Khổng Phu Tử. Tư Mã Thiên cũng bái Tả Khâu Minh làm thầy, vô cùng kính trọng khi đọc “Tả Truyện”. Tư Mã Thiên cũng đi sâu vào nghiên cứu văn chương của Tả Khâu Minh. Bởi vậy ông cũng viết ra được tác phẩm vĩ đại là “Sử Ký”. Cho nên chúng ta có thể theo Thánh nhân học được tốt hay không, quan trọng nhất là phải nâng cao sự hiếu học, lòng thành kính của bản thân mình đối với Kinh điển, đối với thiện hữu, đối với thiện tri thức.
Discussion about this post