Cẩn dịch: Ban biên dịch Tịnh Không Pháp Ngữ
Giám định biên dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
5.6.2 “Khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn”
Câu “khen người thiện, tức là tốt” này nghĩa là khi mọi người nghe thấy sự hành trì và khí phách của các bậc thiện nhân thì trong lòng mỗi người đều khởi tâm muốn noi theo. Chắc chắn sẽ là như vậy, bởi vì “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Tôi tin là trong mấy ngày qua, nhất định đã có người làm được câu “càng tốt hơn”, nhất định đã có người đã học được điều này. Từ sắc mặt của các vị thì tôi có thể nhìn thấy được đã xuất hiện pháp hỷ. Pháp hỷ này tuyệt đối không phải do đọc Kinh có được, mà là từ thực hành trong cuộc sống. Cho nên câu “khen người thiện” này rất là hay, bởi vì nó sẽ làm cho càng nhiều người được lợi ích. Hiện nay, tên tuổi của chú Lư đã truyền đi khắp Trung Quốc rồi. Đây là kết quả của việc tôi thực hiện “Đệ Tử Quy”: “Khen người thiện, tức là tốt; người biết được, càng tốt hơn”. Cho nên chúng ta cũng phải dụng tâm ghi nhớ những tấm gương tốt trong đầu, để bất cứ khi nào cũng có thể kể cho người khác nghe, để cho người khác cũng có được một tấm gương để noi theo, thậm chí từ đó họ có thể tìm được phương pháp tốt.
5.6.3 “Khen người ác, chính là ác. Ác cùng cực, tai họa đến”
Nếu chúng ta đi rêu rao lỗi lầm của người khác mà đối phương biết được thì có thể sẽ rất khó chịu. Cho nên có câu “bối hậu chi nghị”, tức lời nói sau lưng, việc nói thị phi sau lưng người khác, “thụ hám giả, thường nhược khắc cốt”. Khi chúng ta nói những lời không tốt, phê bình sau lưng người khác, thì họ sẽ “khắc cốt ghi tâm” trong lòng, sẽ luôn nghĩ cách để báo thù chúng ta. Đây là xử sự bằng cảm tình. Tuyệt đối không nên làm như vậy! Không nên rêu rao lỗi lầm của người khác, vì làm như vậy các vị sẽ trở thành kẻ thù của họ. Có mười người bạn cũng không chê là nhiều, nhưng có một kẻ địch thôi cũng đủ làm các vị phiền phức lắm rồi. Cho nên chúng ta phải giữ tâm nhân hậu, không nên gây xung đột với người khác. Nếu như khi người khác làm việc thiện mà chúng ta không tán dương, nhưng khi người ta có một lỗi lầm nho nhỏ thì chúng ta lập tức đi rêu rao khắp nơi, như vậy chúng ta không chỉ làm giảm bớt phúc phần của mình mà còn mắc một tội lớn hơn nữa, đó là làm ảnh hưởng đến nếp sống của cả tập thể và xã hội. Các vị suy nghĩ xem, nếu như mỗi người đều không nói đến cái tốt của người khác mà chỉ rêu rao khuyết điểm của người ta, thì sẽ gây ra vấn đề rất lớn cho xã hội, người với người sẽ không ngừng tranh chấp lẫn nhau. Chúng ta phải biết rằng lời nói, cử chỉ của một người đều đang ảnh hưởng đến nếp sống của toàn xã hội. Cái tội này không chỉ là đắc tội với riêng một cá nhân nào, mà còn có thể tạo tội với cả xã hội. Do đó, lời nói không thể không cẩn thận.
5.7 Kinh văn:
“Thiện tương khuyến, đức giai kiến. Quá bất quy, đạo lưỡng khuy”.
“Cùng khuyên thiện, cùng lập đức. Lỗi không ngăn, đôi bên sai”.
5.7.1 “Cùng khuyên thiện, cùng lập đức”
“Cùng khuyên thiện”, trong tiết học lần trước chúng ta đã nhắc đến “thiện”, đầu tiên phải phân biệt được chân thiện và giả thiện, thiện đúng và thiện sai, và còn rất nhiều phán đoán nữa được dạy rõ trong quyển “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Chúng ta phải phán đoán chính xác rồi mới có thể khuyên can người khác. Nếu không, đúng – sai vẫn chưa phân biệt rõ ràng thì chưa chắc đem lại lợi ích cho người khác.
Người xưa khi đối mặt với sự khuyên can khuyến thiện của người khác, hoặc là nghe thấy những lời nói, hành vi thiện thì họ sẽ dùng thái độ gì để tiếp nhận? Khổng Tử từng khen Nhan Uyên là: “Đắc nhất thiện tắc quyền quyền phục ưng, nhi phất thất chi hĩ”. Tức là Nhan Uyên chỉ cần nghe nói tới một hành vi thiện nào đó thì lập tức luôn ghi nhớ trong lòng và nhất định sẽ thực hiện. Cho nên chỉ cần nói đến người hiền đức thì Khổng Tử sẽ trực tiếp nói ngay: “Có trò Nhan Hồi hiếu học”. Đối với người học trò Nhan Uyên này, Khổng Tử vô cùng hoan hỷ, cũng bởi vì sự học của ông vô cùng chắc chắn. Chỉ cần thầy nói qua hoặc nói đến cái thiện là ông luôn luôn ghi nhớ mà thực hiện. Khi chúng ta có thái độ học tập về điều thiện như vậy, thì tự nhiên có thể “cùng lập đức”.
Tất cả những người làm quan thời xưa chúng ta đều gọi là “quan phụ mẫu”. Tại vì sao gọi là “quan phụ mẫu”? Ví dụ, một vị huyện lệnh thì phải chung sống rất gắn bó với nhân dân. Hơn nữa, nội dung giáo dục, phương châm giáo dục của cả một huyện đều do vị huyện lệnh này phụ trách. Vì thế, ông phải có trách nhiệm giáo dục tốt nhân dân trong huyện của mình. Có được thái độ “yêu dân như con” thì mới được gọi là “quan phụ mẫu”. Vậy thì đương nhiên những vị lãnh đạo địa phương này cũng phải thực hiện được “cùng khuyên thiện, cùng lập đức”, khiến cho nếp sống của toàn xã hội càng ngày càng tốt hơn. Những người làm quan thời nay có được thái độ như vậy không? Cũng có. Chúng ta phải nên “ẩn ác giương thiện”. Nhưng vì sao tỷ lệ không cao giống như ngày xưa vậy? Điều này cũng không thể trách họ được bởi vì đó là lỗi của chúng ta, chúng ta không đem “Đệ Tử Quy” giảng giải cho họ nghe. Hiện nay chủ nghĩa công danh, lợi lộc rất thịnh vượng nên con người đều trọng lợi, khinh nghĩa. Chỉ cần họ có cơ duyên xem được “Đệ Tử Quy” thì có thể đánh thức lòng trách nhiệm của một vị quan trong con người họ.
Vào thời nhà Tùy, có một học trò tên là Tân Công Nghĩa. Họ “Tân” ở đất nước chúng ta xem ra rất ít. Quý vị thân mến! Cha ông đặt tên này cho ông nghe có hay không? Người cha đặt cho con tên này thì tuyệt đối người con sẽ không thể làm ra những chuyện gian ác, bởi vì hàng ngày người ta đều gọi ông là: “Công Nghĩa à!”. Nhất định toàn thân ông đều là chính khí cương trực. Cha tôi đặt cho tôi cái tên này thì tôi không thể không có lễ phép được.
Vào thời điểm Tân Công Nghĩa đến khu vực Mân Châu (hiện nay là Cam Túc) làm Thứ Sử, ở nơi đó có một phong tục là có người trong nhà bị nhiễm phải dịch bệnh thì gia đình liền bỏ mặc để họ tự sinh tự diệt. Khi ông đến đó, cảm thấy vấn đề rất nghiêm trọng, sống như vậy thì không còn “hiếu” với “nghĩa” nữa, nên ông chủ động đón những người bệnh bị vứt ở ngoài đường về nha môn để chăm sóc và tìm rất nhiều thầy thuốc đến chữa bệnh cho họ. Khi những người bệnh này khỏe mạnh trở lại thì ông mời người nhà của họ đến đón về. Lúc người nhà đến đón, ông liền nói với họ là: “Các vị xem, ta ở với cha các vị lâu như vậy mà ta cũng đâu bị lây bệnh chứ?”. Những người làm con này cảm thấy rất xấu hổ. Ông đã lấy đức để đánh thức lòng hổ thẹn của những người dân này. Cho nên họ nhanh chóng đón người nhà về phụng dưỡng, nếp sống không có hiếu nghĩa đã được thay đổi. Bởi vậy, người dân địa phương gọi ông là “từ mẫu”, xem ông như mẹ của mình vậy. Vị từ mẫu này không chỉ cứu vớt sức khỏe người thân của dân, mà còn cứu vớt lương tâm của mỗi con người.
Khi con người không có lương tâm thì cho dù còn sống cũng như cái xác không hồn. Vì vậy, người thời xưa thà chết chứ không bằng lòng làm trái đạo nghĩa.
Trong bài giảng mấy ngày hôm nay, chúng ta cũng nêu ra không ít ví dụ. Bài trước tôi có nói đến một đứa bé tên là Dữu Cổn. Dữu Cổn đã không đành lòng bỏ mặc anh trai cho nên đã tự mình ở lại. Tất cả những người trong thôn đều bỏ đi hết, chỉ còn một mình cậu bé ở lại chăm sóc cho anh trai. Và rồi “ở hiền thì gặp lành”, sau đó người anh trai cũng bình phục. Đây chân thật là: “Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai”(lòng thành cảm động đất trời, đến đá vàng cũng phải vỡ). Cho nên “cùng khuyên thiện” thì mới có thể “cùng lập đức”.
5.7.2 “Lỗi không ngăn, đôi bên sai”
Nếu như lúc cần khuyên bảo nhưng không khuyên bảo là chúng ta đã không làm tròn bổn phận của bạn bè, của vợ chồng, của con cái. Cho nên chúng ta phải nắm lấy thời cơ lúc nào nên khuyên bảo, đồng thời phải có thái độ và phương pháp đúng đắn. Điều này trước đây chúng ta đã từng đi sâu nghiên cứu rồi, ở đây tôi sẽ không nói thêm nữa. Khi chúng ta có thể “người có lỗi, chớ vạch trần. Việc riêng người, chớ nói truyền” thì có thể hình thành được nếp sống tốt đẹp hòa nhã, và còn có thể “khen người thiện, tức là tốt; người biết được, càng tốt hơn”. Nếu như một tập thể có thể sống hòa thuận, hài hòa với nhau, thì tập thể này nhất định sẽ vô cùng thịnh vượng. Do đó, chúng ta sống chung với mọi người thì phải “dĩ hòa vi quý”. Sau đó thấy cần phải khuyên bảo thì chúng ta nên nắm lấy cơ hội, nhưng phải “khen người nơi công đường, nói lỗi nơi phòng riêng”, phải giữ thể diện cho người khác.
Chúng ta xem tiếp phần kinh văn bên dưới. Chúng ta cùng nhau đọc một lần.
5.8 Kinh văn:
“Phàm thủ dư, quý phân hiểu; cư nghi đa, thủ nghi thiểu”.
“Hễ nhận cho, phân biệt rõ; cho nên nhiều, nhận nên ít”.
Chữ “nhận” và “cho” trong câu Kinh văn này là để nói ví dụ như trong gia đình, gia tộc, khi phân chia thứ gì thì chúng ta phải xét theo tình huống, nếu người khác có khó khăn thì chúng ta nên nhường cho họ phần nhiều hơn, chúng ta lấy phần ít hơn. Khi con người có được thái độ lễ nhượng như vậy thì nếp sống trong gia đình sẽ luôn luôn thông cảm lẫn nhau, luôn luôn nhường nhịn lẫn nhau và sẽ không bao giờ tranh giành với nhau. Khi mỗi gia đình đều có sự hòa thuận như vậy, thì cả gia tộc đích thực sẽ được hưng vượng. Trước đây chúng ta đã từng nói “cư gia giới tranh tụng” (trong nhà tránh kiện tụng), chỉ cần có sự tranh giành hoặc bởi vì phân chia không công bằng mà phải đưa ra tòa án xét xử thì có thể sẽ không có được kết cục tốt, thậm chí chúng ta sẽ để lại cho con cháu tấm gương xấu. Đến lúc đó thì cho dù gia đình có vô cùng giàu có cũng sẽ lụn bại thôi. Do vậy, chúng ta phải cố gắng nhường được thì nên nhường.
Thời nhà Chu, bởi vì Thái Bá và Trọng Ung biết nhường thiên hạ cho em trai, cho cháu trai của mình nên đã khiến cho triều nhà Chu có được 800 năm thịnh vượng, và cũng khiến cho nhân dân cả nước noi theo tinh thần “hiếu”, “đễ”. Thực ra con người ta ai cũng sợ phải nhường, cảm giác rằng sau khi nhường cho người khác thì mình không còn gì nữa. Con người không thể chỉ biết nhìn ngay trước mắt. Khi chúng ta nhường cho người khác thì đã thành toàn đức hạnh, thành toàn sự hòa thuận trong gia đình rồi. Và sự nhường nhịn này cũng tích lũy phước phần cho chính chúng ta. Khi chúng ta có được nhiều phúc/phước phần như vậy, tự nhiên sau này sẽ có sự hồi báo. “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân” (đạo Trời không thiên vị, thường giúp cho người lành), điều này là chân lý bất biến từ xưa tới nay. Bởi vậy, con người không nên thuận theo phiền não, không nên thuận theo thói quen của mình để ứng đối với sự việc, mà phải thuận theo đạo trời, thuận theo lòng người mà hành động. Vì vậy, “hễ nhận cho, phân biệt rõ; cho nên nhiều, nhận nên ít”.
5.9 Kinh văn:
“Tương gia nhân, tiên vấn kỷ. Kỷ bất dục, tức tốc kỷ”.
“Sắp cho người, trước hỏi mình. Mình không thích, phải mau ngưng”.
Chúng ta không muốn người khác phê bình mình, không muốn người khác làm nhục hoặc làm hại mình. Chúng ta đều không mong muốn người khác đối xử với mình như vậy. Giống với tâm lý này của chúng ta, người khác cũng có tâm lý như vậy. Vì vậy chúng ta cũng không được làm hại, không nên phê bình và chỉ trích người khác, mà phải dùng tấm lòng để thông cảm cho người khác.
Vua Càn Long có một câu đối đề trên ngọc bích là: “Nguyện cho cha mẹ chồng trong thiên hạ bỏ ra ba phần thương yêu con gái để thương yêu con dâu của mình” và “mong cho người làm con trai trong thế gian lấy bảy phần chiều theo ý vợ để chiều theo ý của cha mẹ mình”. Câu đối này rất có triết lý nhân sinh, khiến cho chúng ta phải suy nghĩ kiểm điểm lại bản thân.
Chúng ta xem câu thứ nhất: “Nguyện thiên hạ ông cô” (nguyện cho cha mẹ chồng). “Ông cô” là chỉ cha mẹ chồng, bởi từ nghìn xưa đến nay có một mâu thuẫn khó mà giải quyết được, đó là cuộc phân tranh giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nguyên nhân của sự phân tranh giữa mẹ chồng và nàng dâu là do họ chưa xem câu “sắp cho người, trước hỏi mình” trong “Đệ Tử Quy”. Bởi vì con dâu cũng là con gái của người ta, nên nếu cha mẹ chồng có thể dùng ba phần tình cảm thương yêu con gái để đối xử với con dâu thì tin rằng tuyệt đối sẽ không xảy ra xung đột với con dâu. Thật ra con người cũng thật là kỳ lạ! Ví dụ như một người mẹ rất tức giận vì chồng của cô rất lười biếng, không làm việc nhà, cũng không giúp đỡ được gì cả, nhưng cô lại nói với con trai là: “Chỉ cần con học hành chăm chỉ là được rồi, những việc khác con không cần con phải lo”. Như vậy là cô đã nuôi dạy con trai thành một người sẽ làm cho một người phụ nữ khác phải tức giận. Có việc này không?
“Sắp cho người, trước hỏi mình”. Tại sao có rất nhiều người rất hà khắc với con dâu? Bởi vì họ cũng từng phải chịu đựng việc mẹ chồng đối xử với họ không tốt. “Điều mình không muốn thì không nên đem cho người khác”. Chúng ta đã từng nghèo khổ nên khi nhìn thấy người khác nghèo khổ thì lẽ ra phải càng thêm quan tâm mới đúng.
Chúng ta xem câu thứ hai: “Mong cho người làm con trai trong thế gian lấy bảy phần chiều theo ý vợ để chiều theo ý của cha mẹ mình”. Có một số người nam sau khi lấy vợ rồi thì lời nói của ai sẽ có trọng lượng? Thái độ này còn cần phải xét lại, bởi vì sau khi quá thân rồi thì người ta thường sẽ hành động theo cảm tính. Đối với sự được – mất, lợi – hại trong cách làm của họ có thể sẽ nhìn không được rõ ràng. Nếu như nghe theo lời vợ mà xa lánh cha mẹ thì cái tướng suy bại đã hiện ra ngoài rồi. Bởi con cái của họ tất nhiên cũng sẽ không học được “hiếu đạo”, cho dù cả đời này họ có cố gắng đến đâu thì đến sau cùng cũng chỉ là con số không. Vì vậy chúng ta không nên dùng cảm tính để xây dựng cuộc đời, bởi vì cảm tính thì luôn luôn có sự thiên lệch, chúng ta nên phải dùng lý trí để đối xử.
Hiện nay người ta thường nhắc đến IQ, EQ, CQ và HQ. Đây đều là sản phẩm của người nước ngoài. Nếu họ làm mọi thứ trở nên đơn giản hơn thì như thế nào? Họ không phức tạp hóa vấn đề thì sẽ không có bản quyền để mà giữ. Thật ra rất nhiều đạo lý về bản chất cũng chỉ là một nhưng lại được nói ra thành nhiều thứ, khiến chúng ta cũng không biết phải từ phương hướng nào để đi. Cái gì được gọi là EQ? Daniel Goleman viết rằng EQ (Emotional Quotient) được gọi là chỉ số tình cảm. Còn IQ là gì? Đó là chỉ số thông minh (Intelligent Quotient). Hai cái này phân biệt như thế nào? Biết nói lời ngon tiếng ngọt được gọi là chỉ số tình cảm, có phải không? Cái gì được gọi là chỉ số thông minh? Trí lực tốt là chỉ số thông minh. Hai cái này là hai thứ khác nhau sao? Ví dụ như có một người nam nói là: “Tôi rất có lý trí, tôi phải chăm chỉ kiếm tiền nên không có thời gian ở bên cạnh con cái. Tôi phải ngủ ở công ty” thì người này có lý trí không? Ông ấy vỗ ngực mà nói là: “Tôi vì gia đình mà phải ra sức làm việc”. Nghe thì có vẻ rất có lý trí, nhưng điều này đâu có lý trí chứ. Có lý trí là phải có thể phát triển cuộc sống một cách toàn diện. Các vị nói tình cảm của người này rất phong phú, vô cùng thương yêu con cái, việc gì cũng không để cho con cái làm, như vậy có được gọi là chỉ số tình cảm không? Quá yêu thương con cái là làm hại chúng. Trong tình cảm mà không có trí tuệ thì gọi là phóng túng tình cảm. Trong trí tuệ mà không có tình cảm thì được gọi là bạc tình. Rất nhiều nhà doanh nghiệp tạo dựng sự nghiệp rất lớn nhưng vợ và con cái của họ đã đi đâu? Ngay cả vợ cũng chào tạm biệt họ. Họ cũng không hiểu tại sao vợ lại bỏ họ. Có những người như vậy không? Bởi vì người vợ cảm thấy có nói với họ thì họ cũng không hiểu.
Cái gì là tình? Cái gì là trí? Người có “chân tình” thì tất có “chân trí”. Người có “chân trí” tất có “chân tình”. Tình và trí là một chẳng phải hai thì mới là chân tình, chân trí. Rõ ràng là một cái tâm chân thật mà lại nói ra thành nhiều thứ như vậy, làm cho chúng ta không biết phải đi theo hướng nào. Bởi vậy, cho dù chú Lư có bận gì đi nữa thì chú vẫn kiên trì chủ nhật hàng tuần đều ăn cơm cùng với gia đình. Xin hỏi: Đây là chỉ số tình cảm hay là chỉ số thông minh vậy? Bởi vì có cảm tình chân thật, có lý trí chân thật đối với vợ con thì chú mới có thể loại bỏ trăm ngàn khó khăn để chăm lo cho gia đình. Chúng ta học được những đạo lý và thái độ làm người này của Thánh Hiền thì mới được gọi là sống cuộc đời chân tình, chân nghĩa, chân trí tuệ. Quý vị bằng hữu cảm thấy chỉ số tình cảm của tôi tốt hay chỉ số thông minh của tôi tốt? Bởi vậy, chúng ta nên “y pháp bất y nhân” để học tập theo “Đệ Tử Quy”, học tập theo “Tứ Thư”. Chúng ta không nên đi sâu vào nghiên cứu những danh từ chuyên môn này nữa, bởi khi đã vào rồi thì khó mà tìm được đường ra.
Đây là “sắp cho người, trước hỏi mình. Mình không thích, phải mau ngưng”. Chúng ta có lý trí để thấu hiểu cảm nhận của người khác thì sẽ không bắt buộc người khác phải tiếp nhận những gì mà họ không muốn.
5.10 Kinh văn:
“Ân dục báo, oán dục vong. Báo oán đoản, báo ân trường”.
“Ân phải báo, oán phải quên. Báo oán ngắn, báo ân dài”.
5.10.1 “Ân phải báo, oán phải quên”
Thật ra khi một người luôn luôn không quên ân đức của cha mẹ, không quên ân đức của thầy cô, không quên ân đức của mọi người đối với họ thì cuộc sống tinh thần của họ nhất định rất là sung mãn. Cho nên, căn nguyên hạnh phúc của một người đến từ lòng yêu thương và cảm ân. Khi họ hiểu được sự yêu thương, hiểu được bỏ công sức ra cho người khác thì họ sẽ cảm nhận được giá trị của chính mình. Cho đi thì có phúc/phước hơn là nhận. Chúng ta thấy có rất nhiều người làm việc tình nguyện, hàng ngày nét mặt của họ lúc nào cũng tươi cười. Các vị xem, cư sĩ Hứa Triết của chúng ta đã 106 tuổi rồi. Khi ở Cao Hùng tôi cũng từng gặp bà, bà cười giống như là đứa trẻ vậy, không có gì khác biệt. Thật là một tấm lòng son! Bởi vậy “ân phải báo, oán phải quên”, bà luôn luôn nghĩ cách giúp đỡ người khác là bà đang sống trong một thế giới yêu thương người. Khi một người lúc nào cũng nghĩ đến ân nghĩa thì họ sẽ sống với tâm muốn báo ân. Khi một người sống với tâm muốn báo ân thì trong lòng họ sẽ cảm thấy rất là tràn đầy. Giống như tôi hơn một năm nay đi nhiều nơi như vậy, cuối cùng cũng cảm thấy có một chút an ủi.
Tôi cảm thấy cuộc đời mình thật may mắn vì có thể theo học những điều giáo huấn từ cô giáo Dương, từ chú Lư, từ Sư Trưởng của tôi và từ những vị Thánh Hiền ngày xưa. Tôi là người rất may mắn nên tôi cũng mong rằng có thể làm được một chút việc để cho họ được vui lòng. Vì vậy hơn một năm nay, tuy rất bận rộn, nhưng trạng thái tinh thần của tôi ngược lại càng ngày càng tốt hơn. Sống trong sự cảm ân thì đích thực là có khác. Khi quay đầu nhìn lại con đường đã đi qua thì tôi cảm thấy có một chút gì đó đầy đủ, một chút gì đó vững vàng.
Tôi còn nhớ có một lần cô giáo Dương cho tôi một phong lì xì, bên trên có viết là: “Thầy Thái! Thầy đã vất vả rồi!”. Sau khi xem xong tôi lập tức rơi lệ, bởi vì cuộc đời này của tôi lại có thể may mắn như vậy, tôi có thể đi trên con đường thúc đẩy hoằng dương văn hóa ngàn năm của Tổ Tiên để lại cũng là do cô giáo Dương thành tựu. Trên con đường này, tuy cô không ở bên cạnh tôi nhưng cô đã nhắc nhở, chăm sóc cho tôi từng chút một. Nếu như không có cô quyết tâm để tôi ở Hải Khẩu, thì tôi đã không có cơ hội được rèn luyện như thế này. Hơn nữa, bởi vì cô đã nhận việc thúc đẩy hoằng dương văn hóa Thánh Hiền là trách nhiệm của mình nên rất nhiều việc cũng đều do cô lập ra chiến lược. Thời kỳ đầu, cô lập ra kế hoạch phát triển còn tôi chỉ làm công tác giảng dạy mà thôi. Đối với sự sắp xếp sau này, cô cũng luôn luôn nghĩ cho những người hậu bối chúng tôi. Cho nên, chúng ta được theo những vị thiện tri thức này để học tập thì những ân đức này chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ không bao giờ quên. Cách thức tốt nhất để báo đáp những vị trưởng bối này là y giáo phụng hành. Vì vậy, khi tôi tặng quà cho chú Lư, có thể những món quà này chú không thiếu, nhưng điều quan trọng nhất là chú có thể thấy được những người hậu bối chúng ta nghe theo những giáo huấn của chú để tu thân, hành đạo. Như vậy sẽ làm cho chú có được sự an ủi lớn nhất. Chúng ta phải luôn luôn nghĩ đến công ơn của cha mẹ, luôn luôn nghĩ đến công ơn của thầy cô, và luôn luôn nghĩ đến công ơn của những Thánh Hiền mấy nghìn năm trở lại đây của chúng ta.
Cứ mỗi lần xem đến “Những câu chuyện về giáo dục đạo đức” thì tôi đều rơi nước mắt, giống như là những vị Thánh nhân này đã soi sáng tâm hồn của tôi vậy. Hôm đó tôi xem đến đoạn Tổ Thích dẫn tất cả những người thân của ông đi lánh nạn, mấy trăm người ông cũng đều chăm sóc hết. Sau đó ông tự mình đi bộ, những xe ngựa đều nhường cho người khác. Ông khiến cho những vị trưởng bối trong làng đều nói là: “Chúng ta đã lớn tuổi rồi nhưng trong hàng hậu bối có thể gặp được người như vậy, gặp được người như là cha mẹ tái thế này thì có chết cũng không ân hận”. Tôi xem đến đây thì rất cảm động. Xã hội hiện nay của chúng ta khiếm khuyết nhất là điều gì? Chính là sự yêu thương và quan tâm. Khi chúng ta chịu noi theo những vị Thánh nhân này thì tôi tin là chúng ta cũng có thể diễn ra những vở tuồng hay giống như Tổ Thích vậy. Thánh nhân đã soi sáng tâm hồn của chúng ta thì chúng ta nhất định phải noi theo tấm gương của họ.
Do vậy, “ân phải báo, oán phải quên”.
Giữa người với người khó tránh khỏi sự xung đột. Bài trước chúng ta có nói đến “người đáng ghét cũng có chỗ đáng thương”. Họ cũng vì chưa từng được học cách làm người nên mới xung đột với chúng ta, vì vậy trước tiên chúng ta phải tự kiểm điểm lại mình, nếu như mình không làm sai thì nên tiến thêm một bước để bao dung người khác. Chúng ta không nên giữ lỗi lầm của người ở trong tâm mình, vì như vậy là đem cái dơ bẩn nhất của người khác để vào tâm hồn trong sạch nhất của chúng ta. Đó là việc làm ngốc nghếch. Khi chúng ta chịu tha thứ cho người khác thực ra là tha thứ cho chính mình. Khi hàng ngày các vị đem lỗi lầm của người khác để ở trong lòng thì thật không dễ chịu chút nào. Chúng ta phải làm được “không nhớ lỗi cũ, không ghét người phạm lỗi”. Đối với những xung đột đã xảy ra, chúng ta cũng không nên để ở trong lòng. Bởi khi các vị chất oán hận trong lòng thì đối phương có cảm nhận được hay không? Có thể cảm nhận được. Khi quý vị oán hận thì có thể hiện ra ở ánh mắt hay không? Có hiện ra trên nét mặt hay không? Nhất định là có. “Sự thành thật ở bên trong sẽ biểu hiện ra hình dáng bên ngoài”, vì vậy tâm không thành thật cũng đương nhiên sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Do đó, khi các vị không buông bỏ được oán thù thì quan hệ giữa hai bên nhất định sẽ càng ngày càng xa. Như vậy là không tốt, bởi vì rốt cuộc thì sáng tối hai bên cũng phải chung sống với nhau, hoặc ở trong công ty thường xuyên phải gặp nhau. Cho nên khi hai người không thể tiếp nhận nhau thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến sự hài hòa của gia đình và tập thể. Tội gì mà phải khổ như vậy chứ!
Tôi có một vị trưởng bối, ông rất có tài nên trong công ty có rất nhiều việc đều nhờ ông làm. Bởi vì ông biểu hiện đặc biệt tốt nên có rất nhiều giải thưởng đều về tay ông. Điều này đã làm cho các đồng nghiệp khác đố kỵ. Nhưng vị trưởng bối này nói là: “Làm cho người khác đố kỵ cũng là một vinh dự, bởi mình có bản lĩnh thì mới bị người ta đố kỵ, cho nên mình không cần phải tức giận”. Tiếp đó ông kể là có một người bạn đã phê bình ông rất kịch liệt, nhưng ông cũng không để trong tâm. Về sau người bạn này có một việc mà mọi người không ai muốn giúp đỡ nhưng vị trưởng bối của tôi lại biết làm việc này, nên ông đã chủ động đến giúp người bạn kia. Khi ông giúp thì đối phương rất là xấu hổ với những gì trước đây mình đã làm, sau đó thì họ trở thành bạn thân của nhau. Đây chính là “oán thù nên giải, không nên kết”. Hơn nữa, sau khi đã thật sự chơi với nhau thì chúng ta mới hiểu được rằng, một người luôn luôn phê bình người khác là do nội tâm của họ bất bình. Vậy tại sao tâm của họ lại bất bình? Có thể bởi vì trong quá trình trưởng thành hoặc là tình trạng gia đình hiện tại làm cho tâm của họ không thể an định, đều là do trong lòng có rất nhiều nỗi khổ chưa được giải quyết. Bởi vì vị trưởng bối này của tôi không chấp nhặt với người bạn của mình, lại còn chủ động giúp đỡ ông ấy, cái tình nghĩa này đã hóa giải được nút thắt này, tiến thêm một bước có thể chỉ dẫn, giúp đỡ bạn của mình về mặt quan niệm và tư tưởng. Chúng ta “hữu duyên thiên lý nan tương ngộ”, bất luận là thiện duyên hay là ác duyên, chỉ cần tâm chúng ta duy trì được sự bình đẳng, duy trì được sự từ bi thì tin rằng cho dù là ác duyên cũng sẽ chuyển hóa thành thiện duyên. Do vậy, chúng ta phải làm được “oán thân bình đẳng”. Chân thật khi chúng ta có thể xem kẻ thù và người thân của mình đều bình đẳng như nhau, thì mới có thể làm cho người khác khâm phục từ trong tâm.
Chúng ta hãy xem lại câu thành ngữ “oán thân bình đẳng” này. Chữ gì đặt ở trước vậy? Chữ “oán”. “Oán thân bình đẳng”, cho nên phải mở rộng tâm lượng, đó là “ân phải báo, oán phải quên”. Thật ra có rất nhiều chấp trước mà chỉ cần chúng ta vừa thay đổi suy nghĩ thì lập tức từ chỗ chấp trước sẽ biến thành trí tuệ. Cho nên con người cũng cần thay đổi suy nghĩ. Chúng ta nên cảm ơn những người đã làm cho ta bị tổn thương, bởi vì họ rèn luyện tâm trí cho ta. Cảm ơn những người đã lừa dối ta, bởi vì họ làm chúng ta tăng thêm kiến thức. Cảm ơn người đã làm ta vấp ngã, vì họ đã làm năng lực của ta thêm mạnh mẽ. Cảm ơn người đã bỏ rơi chúng ta, bởi họ đã dạy chúng ta phải tự lập. Cuộc đời của các vị có thể dựa vào ai cho đến hết đời vậy? Không thể dựa vào bất kỳ người nào! Chữ “dựa” ở đây không phải là dựa bằng cơ thể. Mỗi một người phải có sự trưởng thành về mặt tâm trí, thứ quan trọng nhất mà các vị có thể nương tựa chính là trí tuệ chân thật của chính mình. Do vậy, phải cảm ơn những người đã khiển trách chúng ta, những người mắng chúng ta, bởi vì họ đã làm cho chúng ta tăng thêm định tuệ. Cho nên “cha mẹ dạy, phải kính nghe; cha mẹ trách, phải thừa nhận”. Đây không chỉ nói đến cha mẹ mà khi tất cả những người khác trách mắng chúng ta, chúng ta vẫn có thể khiêm nhường, cung kính lắng nghe. Như vậy thì ngay lúc đó, học vấn và đạo đức của chúng ta đều đang được nâng lên.
Một người chỉ cần thay đổi quan niệm thì tất cả phiền não cũng có thể biến thành trí tuệ. Cũng bởi vì chúng ta có thể thay đổi nên có thể khiến cho những người làm chúng ta tổn thương, vấp ngã hay lừa dối chúng ta cảm thấy rất kinh ngạc. Tiến thêm một bước là họ sẽ khâm phục chúng ta: “Ồ! Sự tu dưỡng của anh có thể đạt đến trình độ như thế, rốt cuộc là anh đã học ai vậy?”. Lúc này chúng ta có thể đem “Đệ Tử Quy” ra để giới thiệu với họ rồi! Cho nên chúng ta phải làm mát mặt các Thánh nhân ngày xưa, chứ đừng chịu không nổi mà đi chấp nhặt với người khác, để đến sau cùng đối phương lại nói là: “Còn nói là mình đã học Đệ Tử Quy nữa!”. Như vậy thì thật là phiền phức. Vì vậy, “oán phải quên”.
5.10.2 “Báo oán ngắn, báo ân dài”
Câu “báo oán ngắn” này không phải thật sự đi báo oán mà là nhanh chóng đem cái ý nghĩ oán hận này chuyển đổi đi. Chữ “dài” trong “báo ân dài” ở đây không phải chỉ thời gian mà là chỉ sự lâu dài, vĩnh cửu. Làm sao có thể báo hết ơn đức đối với cha mẹ? Làm sao báo hết ơn của sư trưởng được đây? Đối với những ơn đức này chúng ta đều phải có thái độ “một lòng tận tụy, đến chết mới thôi”. Khi tôi nói câu này, các vị có chợt thấy ánh sáng lóe lên hay không? Khi tôi học cấp ba cũng có hai lần được khai sáng. Tôi cũng đã từng kể cho các vị nghe rồi phải không?
Lần thứ nhất là khi tôi nghe “Nhạc Dương Lâu Ký” của Phạm Trọng Yêm, đến câu “lo trước nỗi lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” thì tôi chợt thấy mình được khai sáng trong khoảng năm đến mười giây, sau đó lại tiếp tục hôn trầm. Bởi vì hồi đó đối với “văn ngôn văn”, tôi chưa được thông suốt lắm. Lần thứ hai khi đọc “Xuất Sư Biểu”, xem đến câu “một lòng tận tụy đến chết mới thôi” của Khổng Minh thì tôi bất chợt lại được khai sáng. Nhưng sự sáng suốt này cần phải duy trì mới được, cho nên khi gặp được Thánh giáo thì tôi không thể để vuột mất. Tôi sẽ không để vuột mất cơ hội một lần nữa. Khi vuột mất cơ hội rồi thì sẽ rất ân hận, quay lại một vòng mất hơn mười mấy năm. Khi đó tôi chỉ mới mười mấy tuổi mà đã “vị phú tân từ cưỡng thuyết sầu” (gò chữ, ép thơ gượng tả sầu), tôi đã ôm một đống những cảm xúc đau khổ vào lòng, bởi vì không hiểu đạo lý nên tôi còn hát những bài tình ca này một cách rất là đau khổ. Vì không có người chỉ bảo cho nên tôi đã lãng phí mất tuổi thanh xuân đẹp đẽ như vậy. Mỗi người chúng ta ai cũng có duyên sâu với những vị Thánh Hiền này. Tôi có nói với bạn bè là nếu như có kiếp trước thì nhất định tôi là người lính bưng cơm, rót nước cho Khổng Minh, bởi vì khi nhìn thấy Thừa tướng càng ngày ăn càng ít thì tôi rất đau lòng. Đây là khi tôi xem Tam Quốc Diễn Nghĩa đến cảnh Khổng Minh không cầm nổi cây bút, binh sĩ bưng cơm cho ông nhưng ông cũng không ăn thì tôi vô cùng thương cảm mà rơi nước mắt. Thánh Hiền đã dùng sự chân thành của họ để diễn ra những vở tuồng hay, thì chúng ta nhất định phải noi theo những tấm gương đó, cho nên mới gọi là “báo ân dài”. Bởi có những ân đức của các Ngài thì cuộc đời của chúng ta mới có thể đi theo phương hướng tốt đẹp như vậy. Nếu như không có họ thì sẽ không có chúng ta. Khi có được thái độ như vậy thì chúng ta sẽ tận tâm, tận lực với bổn phận của chúng ta, để những người có ơn đối với chúng ta có thể hoan hỷ nhìn thấy được sự trưởng thành và cuộc đời của chúng ta.
5.11 Kinh văn:
“Đãi tì bộc, thân quý đoan. Tuy quý đoan, từ như khoan”.
“Đối người ở, thân đoan chính. Tuy đoan chính, lòng độ lượng”.
5.11.1 “Đối người ở, thân đoan chính”
Chữ “tì bộc” này tôi giải nghĩa rộng ra, ví dụ như gia đình các vị thuê nhân viên về giúp việc thì cũng được tính trong phạm vi này. Đương nhiên khi họ bỏ sức lao động ra thì chúng ta cũng phải tôn trọng sức lao động của họ. Do đó, trong nhà có thuê người giúp việc thì chúng ta cũng phải giáo dục con cái xem những người giúp việc này như là trưởng bối để đối xử, không nên để chúng từ nhỏ đã đối xử phân biệt với người khác, vì như vậy trẻ nhỏ sẽ không có được tâm bình đẳng, tâm cung kính. Chúng ta phải thật cẩn thận. Cho dù là tài xế lái xe thì bọn trẻ cũng phải gọi họ là chú, là bác, không được mất đi sự cung kính. Có thể cùng sống trong một gia đình là một duyên phận hiếm có, chúng ta cũng nên luôn luôn thông cảm, chăm sóc lẫn nhau.
Ví dụ khi năm hết Tết đến, đại đa số con trai, con dâu, cháu nội ngoại đều về nhà. Hiện nay có rất nhiều phụ nữ cũng phải làm việc như nam giới, cho nên bình thường họ cũng rất là bận rộn. Họ đã bận rộn và mệt mỏi như vậy, rất khó khăn mới có được ngày nghỉ Tết, vậy mà sau khi về nhà thì họ lại càng mệt hơn. Thậm chí công việc nhà lại còn nhiều hơn công việc bình thường họ làm ở công ty. Cho dù chúng ta là mẹ chồng thì cũng nên thông cảm với sự vất vả của con dâu, không thể nói con dâu thì phải làm tất cả những việc đó, mà nên xem xét tình hình để quyết định. Hiện nay thuê người nấu một bữa cơm tất niên cũng rất là tiện lợi. Nếu như con dâu thật sự đã mệt mỏi rồi thì có thể gọi đồ ăn ở bên ngoài về, như vậy thì mọi người cũng sẽ rất vui vẻ, thoải mái, con dâu cũng sẽ cảm thấy rằng mẹ chồng cũng đã nghĩ cho họ. Chúng ta yêu thương người khác thì họ cũng sẽ yêu thương lại chúng ta. Đó là “người biết yêu người thì luôn được người yêu lại, người biết kính người thì luôn được người kính lại”. Thật ra, con người sống hòa thuận với nhau thì có khó hay không? Làm gì mà phức tạp đến vậy? Chỉ là do chúng ta hay để tâm đến những chuyện vụn vặt. Đương nhiên khi mẹ chồng làm những việc rất thông cảm với con dâu thì những người con dâu cũng phải biết nói lời khen ngợi. Khi đi ra ngoài mà đúng lúc mẹ chồng cũng ở đó thì các vị có thể nói với người thân và bạn bè rằng: “Mẹ chồng tôi rất tuyệt vời! Mẹ đã giúp đỡ tôi việc gì đó, làm cho tôi việc gì đó”. Sau khi nghe xong, mẹ chồng sẽ rất vui vẻ. Đây gọi là “một câu nói hay ấm lòng người khác”. Mọi người nói những câu khen ngợi thì sẽ vui vẻ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Hết tập 37. Xin xem tiếp tập 38.
Discussion about this post