và những nguyên tắc cản bản khác của Đạo Phật.
Tác giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma
Chuyển ngữ: Tuệ Uyển – 06/04/2011
Tôi tin rằng tất cả mọi người có cùng bản chất tự nhiên. Ở những mức độ tinh thần cảm xúc, chúng ta giống nhau. Tất cả chúng ta đều có khả năng để trở thành những con người hạnh phúc cùng dễ thương và chúng ta cũng có khả năng để trở nên những con người rất tệ hại và tai hại. Khả năng giống nhau cho những thứ này hiện diện trong tất cả chúng ta; vấn đề quan trọng là cố gắng để thúc đẩy những khía cạnh tích cực và lợi ích và cố gắng tiết chế những phương diện tiêu cực. Những phương diện tiêu cực sẽ đem đến kinh nghiệm khốn cùng một cách không thể tránh khỏi. Trước mắt chúng ta có thể đón nhận một sự hài lòng nào đấy, nhưng về lâu về dài sự tiêu cực luôn luôn sẽ đem đến những kinh nghiệm bất toại. Nói cách khác, những điều tích cực luôn luôn mang đến sức mạnh nội tại cho chúng ta. Với nội lực, sẽ có ít sợ hãi hơn và tự tín vững vàng hơn. Với sức mạnh nội tại, sẽ dễ dàng hơn để mở rộng cảm nhận ân cần của chúng ta đến người khác mà không có bất cứ cản trở nào, cho dù là tôn giáo hay văn hóa, v.v… Do thế, điều rất quan trọng là nhận ra khả năng này đối với vấn đề tốt và xấu cùng để phân tích một cách cẩn thận.
Đây là những gì chúng tôi gọi là sự khuyến khích những giá trị nhân bản sâu sắc hơn. Giá trị nhân bản sâu sắc hơn là từ bi – một cảm nhận của sự chăm sóc và dâng hiến cho người khác. Những phẩm chất đức hạnh cốt yếu nhân bản là cần yếu, và không có chúng, chúng ta không thể là những người hạnh phúc. Đây là điều gì đấy rất quan trọng cho dù chúng ta là những người có tin tưởng hay không tin tưởng trong bất cứ một niềm tin tôn giáo nào.
Trong loài người có một số người mà khí chất tinh thần thích hợp với niềm tin tôn giáo, và việc sử dụng niềm tin tôn giáo để thúc đẩy những giá trị căn bản của nhân loại là điều gì đấy rất tích cực. Những tôn giáo khác biệt quan trọng của thế giới một cách căn bản có cùng thông điệp, thông điệp của từ ái, bi mẫn và tha thứ. Những phương pháp để thúc đẩy những điều này có thể khác nhau, nhưng khi những truyền thống này ít hay nhiều hướng đến cùng một mục tiêu – mà đấy là một đời sống hạnh phúc hơn, trở nên một người từ bi hơn và một loài người từ bi hơn – thì những phương pháp khác nhau không biểu hiện một vấn nạn. Đạt đến thân chứng tối hậu mới là những gì quan trọng.
Thực Hiện Giáo Huấn
Một khi chúng ta chấp nhận một truyền thống tôn giáo, thì điều ấy phải trở thành một bộ phận trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Trong cách này, chúng ta mới có thể có những kinh nghiệm nào đấy, và với các kinh nghiệm này chúng ta sẽ đi đến hiểu biết giá trị sâu xa hơn. Sự thực hành là rất cần yếu.
Nếu chúng ta không nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện giáo huấn vào trong đời sống hằng ngày của chính chúng ta qua thực hành, thì sẽ có một hiểm họa của việc theo đuổi một ấn tượng thông thường hay hình thức sáo rỗng. Thí dụ, khi người ta nói về Ki Tô Giáo, hình tượng đầu tiên mà người ta nghĩ đến là một thánh giá to tướng bên trong thánh đường hay nhà thờ. Có lẻ, khi ai đấy nói về Đạo Phật, biểu tượng mà chúng ta nhận thấy là một Đức Phật tĩnh tọa bên trong một Phật điện khổng lồ của chùa viện. Đặc biệt, khi người ta nói về Phật Giáo Tây Tạng, có lẻ quý vị sẽ cảm nhận ấn tượng của một tu sĩ cầm một cái trống hay chập chỏa; có thể người ta nghĩ về một tu sĩ đeo một mặt nạ trông kỳ dị. Đây là những gì mà chúng tôi muốn nói về một ấn tượng thông thường hay hình thức khuôn sáo. Có một loại nguy hiểm nào đấy trong điều này.
Khi người nào đấy đề cập đến Đạo Phật, đặc biệt về Phật Giáo Tây Tạng, quý vị phải có một cảm nhận về lòng vị tha, lòng vị tha vô hạn, và một sự thấu hiểu về tính không hay thực tại tối hậu. Chúng ta phải trau dồi những nhận thức của chúng ta để khi chúng ta suy nghĩ về Đạo Phật Tây Tạng, những hình tượng đầu tiên trong tâm thức chúng ta là những khái niệm như lòng vị tha, lòng từ bi phổ quát, và sự thấu hiều về bản chất sâu xa của thực tại. Đây là loại nhận thức mà chúng ta phải trau dồi.
Bốn Chân Lý Cao Quý
Như quý vị có thể nhận thức, cốt lõi giáo huấn của Đức Phật được đặt trên sự hiểu biết về Bốn Chân Lý Cao Quý. Bốn Chân Lý Cao Quý là nền tảng của Đạo Phật. Đây là những sự thật về khổ đau, nguồn gốc của nó, khả năng chấm dứt khổ đau, và con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau.
Giáo huấn về Bốn Chân Lý Cao Quý được đặt nền tảng trong kinh nghiệm của con người. Nền tảng sự tồn tại của con người là khát vọng căn bản cho sự tìm cầu hạnh phúc và xa tránh khổ đau. Hạnh phúc mà chúng ta khao khát và khổ đau mà chúng ta lãng tránh được mang đến như một kết quả của nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên). Sự thấu hiểu cơ cấu nhân quả của khổ đau và hạnh phúc là những gì mà Bốn Chân Lý Cao Quý đề cập đến.
Để thấu hiểu cơ cấu này, Đạo Phật phân tích những khả năng đa dạng của nhân quả. Thí dụ, người ta có thể tranh luận rằng những trãi nghiệm của chúng ta về khổ đau và hạnh phúc xãy ra mà không có lý do gì, không có một nguyên nhân nào. Đó là một khả năng đã bị phủ nhận trong giáo lý nhà Phật. Cũng có một khả năng là những trãi nghiệm của chúng ta được tạo nên hay làm ra bởi một thần thánh siêu nhiên nào đấy. Khả năng này cũng bị bác bỏ trong Đạo Phật. Cũng có một khả năng của một nguyên lý cơ bản về một loại vật chất nguyên sơ nào đấy mà có thể là căn nguyên cho nguồn gốc tất cả mọi thứ và sự kiện. Điều này cũng bị loại bỏ trong Đạo Phật.
Đã phủ nhận tất cả những khả năng siêu hình này, giáo huấn nhà Phật trình bày một sự thấu hiểu về tiến trình nhân quả trong dạng thức của cội nguồn tương liên duyên khởi. Đấy là nói rằng, trãi nghiệm khổ đau và hạnh phúc của chúng ta không phải hình thành bởi chính chúng hay bởi những nguyên nhân nào đấy hiện hữu một cách độc lập, cũng không phải bởi sự phối hợp nào đấy của những thứ này. Lập trường của Đạo Phật là tất cả mọi vật và mọi sự kiện, bao gồm kinh nghiệm của chúng ta về khổ đau và hạnh phúc, hình thành từ một kết quả của một tiến trình của tương liên duyên khởi – sự gặp gở của vô số nguyên nhân và điều kiện (nhân duyên).
Vai Trò Chính Yếu của Tâm Thức
Nếu chúng ta nhìn vào giáo huấn của Bốn Chân Lý Cao Quý một cách cẩn thận, nhận thức căn bản mà chúng ta tìm thấy là tầm quan trọng bậc nhất của sự hiểu biết, tâm thức hay ở đây là ý thức, đóng vai trò quyết định trong kinh nghiệm của chúng ta về khổ đau và hạnh phúc.
Khi Đạo Phật nói về bản chất tự nhiên khổ đau, có những mức độ khác nhau về khổ đau. Thí dụ, có loại khổ sở mà rất rõ ràng đối với tất cả chúng ta, như kinh nghiệm đau đớn. Điều này tất cả chúng ta có thể nhận thức như khổ đau. Và có một mức độ thứ hai của khổ đau, mà trong dạng thức thông thường chúng ta định nghĩa như những cảm giác khoái lạc. Tuy thế, trong thực tế, những cảm giác khoái lạc là khổ đau bởi vì chúng có hạt giống của sự không thỏa mãn trong chúng.
Cũng có một mức độ thứ ba của khổ đau, điều mà thuật ngữ Đạo Phật gọi là sự khô đau cùng khắp của điều kiện (hành khổ). Trong một ý nghĩa, chúng ta có thể nói rằng mức độ thứ ba này của khổ đau chỉ đơn thuần là thực tế của sự hiện hữu của chúng ta như những chúng sinh bất giác, những kẻ là đối tượng của các cảm xúc, tư tưởng tiêu cực và hành động nghiệp báo. Chính sự hiện hữu của chúng sinh gắn chặc với những cảm xúc và nghiệp báo tiêu cực là trong thực tế khổ đau và là nguồn cội của bất toại ý.
Nếu chúng ta nhìn vào những loại khổ đau này, chúng ta thấy rằng tất cả chúng căn bản đặt nền tảng trong thể trạng tâm thức của chúng ta. Khi chúng ta nói về những vọng tưởng đã thúc đẩy chúng ta vào việc hành động trong những cung cách tiêu cực, thì đấy là những thể trạng của tâm thức, những thể trạng tư tưởng vượt ngoài sự kiểm soát. Do vậy, khi Đạo Phật liên hệ đến chân lý về nguồn gốc của khổ đau, tập đế, chúng ta nói về một tình trạng vô kỷ luật và chưa thuần hóa của tâm thức đã làm sinh khởi một thể trạng bất giác và khổ đau. Một cách cơ bản, tập đế, cội nguồn của khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, và chính khổ đau chỉ có thể được thấu hiểu qua dạng thức của một thể trạng tâm thức.
Giáo huấn nhà Phật diễn tả sự chấm dứt của khổ đau, diệt đế, như thể trạng tối thượng của hạnh phúc[i]. Điều này không nên được hiểu trong dạng thức của cảm giác khoái lạc; chúng ta không nói về hạnh phúc ở trình độ của cảm giác hay cảm xúc. Đúng hơn, chúng ta đang liên hệ đến trình độ cao nhất của hạnh phúc, là điều được đánh dấu bằng sự tự do hoàn toàn khỏi khổ đau và vọng tưởng. Một lần nữa, đây là một phẩm chất tinh thần, một thể trạng của tâm thức. Do thế, chúng ta phải thấu hiểu bản chất tự nhiên của tâm thức.
Khi chúng ta nói về chân lý của con đường đưa đến sự chấm dứt khổ đau, đạo đế, chúng ta cũng nói về những trình độ khác nhau của tâm thức, những mức độ đa dạng của sự thân chứng. Vì thế nhằm để thấu hiều Bốn Chân Lý Cao Quý, chúng ta phải thấu hiểu vai trò chính yếu mà tâm tư, ý thức, hay sự nhận biết, hoạt động trong sự quyết định kinh nghiệm của chúng ta về khổ não và đớn đau.
Luân Hồi và Niết Bàn
Tiến trình thực sự mà qua đấy tâm thức tạo nên sự hiện hữu bất giác và khổ đau mà chúng ta trãi qua được diễn tả bởi Nguyệt Xứng trong tác phẩm Hướng Dẫn Đến Trung Đạo, ở đấy ngài tuyên bố, “Một thể trạng không thể kiểm soát của tâm thức làm phát khởi những vọng tưởng mà chúng đưa đẩy chúng sinh vào trong những hành động tiêu cực là điều mà sau đó tạo nên môi trường mà chúng sinh sinh sống.”
Khi cố gắng để thấu hiểu bản chất tự nhiên của việc tự do khỏi khổ đau mà Đạo Phật nói đến (niết bàn), chúng ta có thể nhìn vào một đoạn trong Nền Tảng của Trung Đạo, mà ở đấy trong một ý nghĩa nào đấy Long Thọ đã đặt ngang hàng sự tồn tại bất giác (luân hồi) và sự hiện hữu giác ngộ (niết bàn). Điểm mà Long Thọ đề xuất trong việc đặt ngang hàng sự tồn tại bất giác và hiện hữu giác ngộ là chúng ta không nên có ấn tượng rằng có bất cứ loại bản chất bên trong nào đấy hay biểu hiện thực chất nào đấy đến sự hiện hữu của chúng ta, mà nó là giác ngộ hay bất giác.
Từ quan điểm của tính không, luân hồi và niết bàn là đồng đẳng trống rỗng về bất cứ thực tại bản chất hay biểu hiện bên trong. Điều phân biệt một tình trạng bất giác với thể trạng giác ngộ là sự nhận thức hay tỉnh giác về tính không của luân hồi là điều có thể được gọi là niết bàn. Một lần nữa, chúng ta thấy rằng đấy là một thể trạng của tâm thức – một sự thấu hiểu hay nhận thức về tính không – làm khác biệt luân hồi với niết bàn.
Đưa ra những chi tiết này, là điều rất hợp lý để phát sinh câu hỏi: Có phải Đạo Phật cho rằng mọi thứ không là gì cả mà chỉ là sự phóng chiếu của tâm thức?
Đây là một câu hỏi quan trọng và chúng ta phải có những sự đáp ứng suy luận khác nhau từ những đạo sư Phật Giáo. Trong một trường phái, những đại sư đã tranh luận rằng trong sự phân tích cuối cùng, vâng, mọi thứ, bao gồm cả kinh nghiệm khổ đau và hạnh phúc của chúng ta, không là gì cả mà chỉ là sự phóng chiếu của tâm thức chúng ta.
Có một quan điểm khác mà tôi nghĩ chúng ta nên thấu hiểu với sự quan tâm đến khái niệm của Đạo Phật về tự do hay niết bàn. Long Trí (Nagabuddhi), đệ tử của Long Thọ, nói rằng, “Giác ngộ hay tự do tâm linh không phải là một tặng phẩm mà ai đấy có thể cho bạn, cũng không phải là hạt giống giác ngộ là sở hữu của người khác.” Điều hàm ý ở đâylà khả năng cho giác ngộ tồn tại một cách tự nhiên trong tất cả chúng ta.
Long Trí tiếp tục hỏi, “Niết bàn là gì, giác ngộ là gì, tự do tâm linh là gì?” Ngài trả lời, “Giác ngộ chân thật không là gì cả mà là khi bản chất tự ngã của một người hoàn toàn tác chứng.” Khi Long Trí nói về bản chất tự ngã của con người, ngài liên hệ đến những gì Đạo Phật gọi là linh quang căn bản, tính bản nhiên sáng rở nội tại của tâm. Ngài nói, khi điều này biến thành hiện thực trọn vẹn, đấy là giác ngộ, đấy là Phật quả chân thực.
Khi chúng ta nói về giác ngộ, Phật quả hay niết bàn, mà đấy là hoa trái từ sự nổ lực tâm linh của con người, chúng ta đang nói về một phẩm chất của tâm thức, một thể trạng của tâm. Tương tự thế, khi chúng ta nói về những vọng tưởng và các nhân tố làm chướng ngại sự tác chứng của chúng ta về thể trạng giác ngộ ấy, chúng ta cũng nói về những thể trạng của tâm, những trình trạng lừa dối của tâm thức. Một cách cá biệt, chúng ta đang liên hệ đến những tình trạng lừa dối làm nền tảng trong một cung cách bóp méo về sự nhận thức tự ngã của con người và thế giới. Phương tiện duy nhất mà nhờ đấy chúng ta có thể loại trừ cung cách hiểu biết sai lầm, hay bóp méo của nhận thức về tự ngã và thế giới, là qua sự trau dồi tuệ giác nội quán vào trong tính bản nhiên chân thật của tâm, và bản chất thật sự của tự ngã và thế giới.
Tóm lại, quan điểm căn bản trong giáo huấn của Đức Phật về một mặt, làm quân bình tình trạng vô nguyên tắc của tâm thức với sự tồn tại của khổ đau và bất giác; về mặt khác, là một thể trạng trật tự của tâm thức với hạnh phúc, giác ngộ hay tự do tâm linh. Đây là điểm căn bản.
Tư Tưởng Thích Đáng và Không Thích Đáng
Từ kinh nghiệm đời sống thường ngày của chúng ta, chúng ta biết rằng có những loại tư tưởng có thể được phân loại như thích đáng và rồi thì có những loại khác là không thích đáng. Thí dụ, nếu tư tưởng đặc thù của chúng ta phù hợp với thực tại, thế thì chúng ta có thể gọi đấy là một tư tưởng hay kinh nghiệm thích đáng hay giá trị. Trái lại, chúng ta cũng trãi nghiệm những tư tưởng và cảm xúc hoàn toàn mâu thuẩn đến cung cách những sự việc [thật sự như thế nào].
Trong kinh luận Đạo Phật, việc đạt đến giải thoát tâm linh tối thượng được nói là hoa trái của những tư tưởng và cảm xúc thích đáng. Thí dụ, theo giáo huấn nhà Phật, những nhân tố chính yếu làm nguyên nhân cho việc đạt đến giác ngộ được nói là tuệ giác nội quán chân thực vào trong tính bản nhiên của thực tại. Tuệ giác nội quán chân thực vào trong tính bản nhiên của thực tại là một cung cách thích đáng của việc hiểu biết sự vật, chẳng hạn như bản chất tự nhiên của thế giới và v.v…
Do vậy, chúng ta có thể nói rằng Phật quả tự nó là một hệ quả của những tư tưởng và cảm xúc thích đáng. Trái lại, chúng ta có thể thấy kinh nghiệm bất giác (luân hồi) như sản phẩm của những cung cách kinh nghiệm và thấy biết sự vật.
Theo Đạo Phật, nền tảng gốc rể của sự hiện hữu bất giác được nói là vô minh si ám (avidya). Đặc trưng chính của sự si mê ám tối này là một cung cách bóp méo nhận thức thế giới và chính chúng ta. Gốc rể khổ đau của chúng ta và sự kinh nghiệm bất giác căn cứ trên sự lệch lạc căn bản này. Một lần nữa, tư tưởng và cảm xúc không thích đáng – những cung cách không thích đáng trong việc thấy biết và trãi nghiệm sự vật – là nguồn gốc căn bản của khổ đau và bất giác của chúng ta. Điểm chính trong sự phân tích cuối cùng là mối quan hệ giữa những hình thức thích đáng của tư tưởng và cảm xúc với hạnh phúc và tự do tâm linh, và những hình thức không thích đáng của tư tưởng và cảm xúc với khổ đau và bất giác.
Trong sự thực tập của Đạo Phật về rèn luyện tâm, sự nhấn mạnh là dấn thân trong một tiến trình mà nhờ đấy những hình thức thích đáng của tư tưởng và cảm xúc có thể được phát triển, làm nổi bật và hoàn hảo, và cũng như những hình thức không thích đáng của tư tưởng và cảm xúc bị làm mất tác dụng, xói mòn và cuối cùng bị loại trừ.
Điều gì đấy chúng ta phải thấu hiểu khi tiếp cận một kỷ thuật như sự rèn luyện tâm thức của Đạo Phật là công việc uyển chuyển mà chúng ta đang dấn thân vào. Kinh điển nhà Phật đề cập 84,000 loại tư tưởng tiêu cực và tàn phá, tương ứng với tám muôn bốn nghìn phương pháp đối trị. Điều quan trọng là không nên có một dự đoán mơ mộng rằng bẳng cách nào đấy, nơi nào đấy, mà chúng ta có thể sẽ tìm ra một chìa khóa thần diệu để giúp chúng ta loại bỏ mọi thứ.
Do vậy, chúng ta cần quyết tâm hơn và kiên nhẫn hơn. Thật sai lầm để có một sự tiên đoán rằng một khi chúng ta bắt đầu thực tập Phật Pháp, trong một thời gian ngắn, như một tuần, chúng ta sẽ trở nên giác ngộ. Điều này là không thể và không thực tế.
Trau Dồi Tuệ Giác và Phương Tiện Thiện Xảo
Nếu chúng ta phân loại những sự tiếp cận phức tạp, đa dạng đến sự rèn luyện tâm thức và đem đến sự thuần thục tinh thần, chúng ta có thể xác định hai phương diện chính. Một là phương diện phát triển tuệ giác nội quán hay trí huệ. Thứ hai là khía cạnh phương pháp hay “phương tiện thiện xảo”. Không gian của tuệ giác nội quán hay trí huệ, chính yếu tập trung trên tiến trình cho việc phát triển, trau dồi và làm nổi bật những cung cách thích đáng của việc hiểu biết và những hình thức vững chắc của tư tưởng.
Tám Đề Mục Chuyển Hóa Tâm [ii] tóm tắt những giáo huấn then chốt của cả tuệ trí và phương tiện thiện xảo. Sự tập trung chính yếu là những đối trị mà có thể làm cho hành giả đáp ứng với hai nhân tố chính.
Nhân tố thứ nhất là những tư tưởng sự yêu mến tự ngã của chúng ta và cảm giác vị kỷ mà chúng đặt nền tảng trong ấy. Các đối trị cho điều này một cách chính yếu liên hệ đến việc trau dồi lòng một là lòng vị tha, hai là lòng từ bi, và ba lòng bồ đề (bồ đề tâm) – nguyện vọng vị tha để đạt đến giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Những loại thuộc giải này hướng một cách trực tiếp đến việc phản kháng tư tưởng vị kỷ và yêu mến tự ngã[iii].
Nhân tố thứ hai là bám víu, chấp trước[iv] vào thứ gì đấy thường còn, tự ngã tồn tại vĩnh cửu. Đối trị cho điều này chứa đựng trong giáo huấn tuệ trí của Tám Đề Mục Chuyển Hóa Tâm. Do thế, có thể nói rằng Tám Đề Mục Chuyển Hóa Tâm chứa đựng trong ấy căn bản toàn bộ những giáo huấn của Đức Phật trong một hình thức khác biệt.
Hai Chân Lý
Nhìn vào tinh hoa giáo huấn của Đạo Phật bằng cách này trong dạng thức của tuệ trí và phương pháp cũng đáp ứng một cách kỳ diệu đến quan điểm của Long Thọ. Ngài nói rằng toàn bộ giáo huấn của Đức Phật phải được hiểu trong khuôn khổ của hai chân lý (nhị đế) – chân lý quy ước thế gian (tục đế) và chân lý tối hậu (chân đế).
Tính Không
Hai dòng cuối cùng của Tám Đề Mục Chuyển Hóa Tâm nói rằng, “Cảnh giác rằng mọi thứ là vọng tưởng,/ Nguyện cho tất cả, không chấp thủ, được tự do khỏi xiềng xích.” Những dòng này trình bày sự cần thiết để bao gồm sự thực tập của hành giả trong một sự thấu hiểu về tính không. Chúng nói về việc cần yếu để dấn thân của hành giả trong sự rèn luyện tâm thức với sự hiều biết trọn vẹn về chân lý tối hậu, đấy là tính không. Điều này có nghĩa là chúng ta phải phát triển sự tỉnh thức rằng mọi thứ là vọng tưởng, không chấp trước, chúng ta sẽ tự do khỏi xiềng xích.
Điều đòi hỏi chúng ta trước khi chúng ta có thể trau dồi sự thấu hiểu về mọi thứ trong dạng thức vọng tưởng – như bản chất là để phủ nhận thực tại cụ thể của mọi thứ, bao gồm cả “tự ngã” của chính chúng ta. Không có sự phủ nhận thực tại cụ thể của hiện hữu, thì không thể phát triển nhận thức bản chất vọng tưởng, lừa dối của mọi thứ.
Làm thế nào để chúng ta phát triển sự thấu hiều này về sự không thực chất hay tính không của mọi thứ? Chỉ tưởng tượng rằng mọi thứ là không và trống rỗng sự hiện hữu thực chất là không đủ. Chỉ đơn giản lập lại dòng này trong tâm, như một công thức thì không đủ; điều ấy cũng không thích đáng. Điều được đòi hỏi là phát triển một tuệ giác chân thật vào trong tính không qua một tiến trình lý trí phân tích và qua một tiến trình phản chiếu.
Một trong những cung cách tác động nhất để thấu hiều mọi thứ là trống rỗng bản chất thực tế là thông hiểu bản chất phụ thuộc tương liên của thực tại (hay tính duyên khởi). Điều đặc thù về tính nguyên thỉ phụ thuộc duyên sinh là trong sự thấu hiểu này có một khả năng để tìm thấy một con đường trung đạo giữa sự hư vô hoàn toàn về một phía, và thực tế hay sự tồn tại độc lập về mặt khác. Thế nên, bằng việc tìm ra con đường trung đạo chân thực, chúng ta có thể đi đến sự thấu hiểu và tuệ giác chân chính vào trong tính không.
Một khi loại tuệ giác nay thâm nhập vào trong tính không được tìm thấy do thiền quán qua một tiến trình dựa trên lý trí và quán chiếu sâu sắc, rồi thì có một loại phẩm chất mới khi chúng ta tác động qua lại với thế giới và những đối tượng chung quanh chúng ta. Có một năng lực mới để sự dấn thân của chúng ta với thế giới bởi vì có sự tỉnh thức này về vọng tưởng – như bản chất của thực tại. Luận điển khuyến nghị rằng hành giả nên dấn thân trong sự rèn luyện với sự tỉnh thức này về bản chất vọng tưởng lừa dối của thực tại.
Nhận Xét Kết Luận
Ngay cả mặc dù bây giờ tôi đã già hơn, nhưng dường như sức khỏe thân thể của tôi hoàn toàn tốt đẹp. Do vậy, cho đến khi nào thân thể này có thể quản xuyến, toàn bộ đời sống của tôi tôi sẽ cống hiến cho người khác. Ngay cả những sự đóng góp nhỏ, tôi cũng luôn luôn sẳn sàng để phục vụ quý vị tối đa mà tôi có thể. Chân thành cảm ơn.
This teaching was sponsored by the Conservancy for Tibetan Art and Culture, a non-profit organization committed to preserving Tibet’s unique cultural heritage. To obtain a complete transcript of these teachings, contact CTAC or Wisdom Publications (www.wisdompubs.org). An audiotape of this teaching is available from Snow Lion (www.snowlionpub.com).
Basically Good, His Holiness the 14th Dalai Lama
Ẩn Tâm Lộ ngày 04/05/2011
Discussion about this post